“Bây giờ trời vẫn còn mưa trên quê hương. Hôm anh đi, em cũng nhớ dường như vào mùa này. Anh có bảo em lấy khăn choàng cổ vì
phi trường gió thật lạnh. Một năm rồi đó anh. Ở trong đó chắc là nhiều thú vui chắc là anh không để ý đến thời gian làm gì.
Em nghĩ ngày tháng Sài Gòn người ta chỉ lấy mặt trời làm đơn vị cũng như ánh sáng đèn điện tràn ngập, người ta có bao giờ
nhìn thấy ánh trăng. Anh có biết không? một năm đó quê hương chúng ta bao nhiêu sự đổi dời, một năm đó nhà chúng ta gặp bao
nhiêu biến cố?
Buổi sáng anh đến Thanh Thế ăn điểm tâm, đến giờ vũ trường hay rạp chiếu bóng đóng cửa là hết một ngày. Một ngày rồi một
ngày. Anh nhận biết thời gian đều đặn như vậy đó. Còn em, ý niệm thời gian thật phức tạp. Chiếc đồng hồ không còn để gõ
nhịp, nó đã vùi chôn dưới sự đổ nát của ngôi nhà mình và của quê hương. Từng giây phút nhớ thương anh cũng là từng giây phút
lo âu hồi hộp. Những đêm nằm không chợp mắt nhớ lại những kỷ niệm êm đẹp của chúng mình thì cũng là những đêm mong đợi,
nguyện cầu cho ngừng tiếng súng, cho mau qua đêm. Những đêm tối trời mà chúng mình thường hò hẹn bây giờ là những đêm thấp
thỏm, hoang mang vì mấy ông bên kia họ hay về. Lần nào họ về cũng
nói là giải phóng cho đồng bào, nhưng em chỉ thấy khi họ rút đi, để lại đau đớn cho bao nhiêu gia đình chúng ta. Từ ngày
dượng Năm chết, má bị thương chân, nhà sụp, em và gia đình phải tản cư lên tỉnh, ở tạm nhà ông Ban. Chú Sáu mua một căn nhà
nhỏ trong Phú Mỹ Thượng. Cô Năm bán chiếc Lambretta làm nhà dưới bờ xe đôi, dọn hàng bán, không biết có nuôi đủ bầy con?
Em ở đây vẫn chưa đi làm gì. Nhàn rỗi chân tay nhưng trí óc thật bề bộn. Em không biết làm gì cho qua ngày giờ, cho tâm trí
được thảnh thơi. Không khí chiến tranh ở một tỉnh nhỏ thật nặng nề và ngạt thở. Ý ngĩ về thời gian lại càng phức tạp hơn. Em
không bao giờ nhìn tấm lịch treo trên tường mà biết ngày tháng. Ngày tháng được cô Năm, dì Thừa, chú Hà... nhắc cho em biết
ngày mấy mở cửa mả dượng Năm, ngày mấy làm tuần dượng Thừa, ngày mấy dựng bia cho cô Hà...
Những hình ảnh quê hương, những bóng dáng kỷ niệm nếu em không nhớ thì cũng không thể nào quên được. Em vẫn nhớ, rất nhớ
ngọn đồi có đá mọc sừng sững mà ngày xưa mỗi chiều mình đưa nhau lên đó. Con sông hiền hòa vắt ngang thành phố mà mỗi tối
mùa hè mình thường cùng nhau đón gió. Nhưng bây giờ thì không còn gì nữa. Chiếc cầu bắc qua con sông gãy đổ...”
Đọc thư Xuân đến đây, tôi cảm thấy cần phải thêm một chai 33 nữa. Tôi lấy làm lạ khi nghe bàn bên cạnh có người cũng gọi
tiếp một chai. Tôi không nhìm, nhưng một thứ cảm giác nào đó cho tôi biết đó là một người lính - người lính cũng như những
người lính mà tôi vẫn thường gặp ở đây, những người lính ở tiền đồn, ở ngoài mặt trận, ở miền hỏa tuyến gần gũi với chết
chóc.
“Anh ơi, chính cái cầu gãy này làm cho dượng Năm nghẻn lối và bị bên kia bắn chết. Anh thấy không, số phận con người chỉ
định đoạt, kết thúc trong phút giây. Ngày xưa chúng mình đưa nhau qua cầu có bao giờ để ý một lần trong trăm ngàn lần hết
bao
nhiêu bước đó hết bao nhiêu phút đồng hồ. Cả một sự sống mà dượng Năm không đánh đổi được một lần nhỏ nhoi trong trăm ngàn
lần của chúng ta. Nhưng đau đớn và oan ức cũng không thấm vào đâu so với nguyên nhân cái chết của dượng. Từ ngày tiếp thu
đến giờ, anh cũng biết dượng sống bằng nghề chạy xe Lambretta. Dượng chết chỉ vì bản chất nghệ sĩ ngày xưa vẫn còn sống
trong tâm hồn dượng. Em quả quyết như vậy vì cái đêm xảy ra biến cố cho nhà mình, dượng Năm có hô thai một bài thơ đượm tính
chất chống đối chế độ vô nhân, độc tài bên kia. Dĩ nhiên anh cũng nghĩ dượng hô thai không có mục đích tuyên truyền, dượng
chỉ đóng vai trình diễn với tất cả cho nghệ thuật mà ngày xưa thời trai trẻ dượng đã hăng say.”
Ngày xưa thật êm đẹp, thật yên lành. Đời sống không khốn khó như bây giờ. Tại một làng cách xa tỉnh lỵ 10 cây số, tôi đã
sống trọn tuổi thơ với hương thơm của đồng lúa, với hơi mát từ dòng sông, với bóng râm của lũy tre xanh rờn. Khung cảnh
thanh bình đó đã nẩy mầm văn nghệ trong tâm trí người dân làng. Những hôm hội hè, những ngày đình đám, tuyệt nhất là những
đêm lễ, người lớn thường hay tổ chức văn nghệ, trình diễn đủ các bộ môn. Tôi thích nhất là vở tuồng cải lương “Tào Tháo
tẩu Huê Dung lộ” mà dượng Năm thủ vai Quan Vân Trường thật xuất sắc. Bây giờ nhớ lại, tôi còn mường tượng được nét mặt
khi nghiêm trang, lúc hiền từ, trên sân khấu cũng như ngoài đời. Tự nhiên tôi thấy nhớ dượng vô cùng, con người như dượng
không thể chết như vậy được. Không thể chết vì kẻ khác giết. Không thể bị giết vì hận thù. Con người của dượng là hiện thân
của tha thứ, của khoan dung.
Người chủ chốt của ban văn nghệ xã là bác Ba đã chọn dượng làm Quan Công. Cho nên không lạ gì vai tuồng Tào Tháo cũng được
bác Ba diễn xuất rất điêu luyện. Hết rồi, tất cả chẳng còn gì nữa. Những
người thân yêu, những người quen thuộc lần lượt ra đi. Bác Ba đã tập kết ra Bắc từ năm năm tư. Bây giờ dượng Năm rời bỏ cõi
đời. Những người khác cũng bỏ làng, bỏ xóm về thành phố làm ăn. Một số tôi gặp ở đây. Họ không nhìn ra tôi. Thời gian đã cải
biến họ rất nhiều, nhất là tôi. Tôi sống ở đây lăn lóc, đơn độc. Đời sống xâu xé và khốn khổ thay đổi con người tôi có lẽ
vượt yếu tố thời gian. Tôi không còn cậu bé hồn nhiên, hãnh diện khi được bác Ba cho làm tên quân trong vở tuồng Tam Quốc.
Tôi không còn là cậu học trò vô tư, suốt ngày rong chơi phá đồng phá xóm. Hết rồi, tất cả không còn gì nữa. Hiện tại là nỗi
lo không nguôi, là niềm ưu tư không ngớt. “Thêm một chai nữa”. Tôi phát run khi nghe người lính ngồi bàn bên cũng gọi thêm một chai. Tôi không hiểu người lính
này có ý gì với tôi. Anh ta muốn gây sự hay chỉ muốn “nổ” anh em chút chơi. Cái cảnh này tôi vẫn thường gặp ở đây.
Tôi sợ và tôi không thích đánh nhau. Sự thật, tôi cũng yếu đuối, nhát gan, bao giờ cũng nhường nhịn. Tôi là một ngoại lệ của
truyền thống dân xứ tôi mà người ta gán cho từ bao nhiêu đời là bản tính ưa co đầu, cứng cổ. Nhưng hôm nay bỗng dưng có một
động lực gì buộc chân tôi ngồi lại. Tôi tiếp tục uống.
Người lính kia cũng tiếp tục uống. Ngoài đường nắng sắp hết, người và xe cũng thưa dần. Khói lửa ở đây vẫn chưa ngớt. Giờ
giới nghiêm vẫn còn thu ngắn. Tôi bực bội vì người lính vẫn chưa đứng dậy đi về. Không thể chờ đợi được nữa, tôi đến bàn
tính tiền. Người lính cũng đứng lên đi theo. Tôi sợ hãi vô cùng. Nhưng liền sau đó tôi rất đổi ngạc nhiên, người lính đưa ra
một xấp bạc bảo cô thu ngân tính tiền cho tôi. Tôi không tìm ra một chút nguyên nhân nào khiến người lính hành động như
vậy. Tôi toan mở miệng từ chối thì người lính đã nói trước tôi:
- Ông bạn cứ để yên. Ông bạn nên để cho tôi còn thấy giá trị và ý nghĩa của đồng tiền.
Lời nói của người lính tuy không được lịch sự, nhưng tôi nghe trong giọng nói ẩn chứa nhiều chua xót. Một cơn xúc động mãnh
liệt. Tự dưng
tôi thấy buồn vô hạn. Tôi giận mình cũng như mọi người thường hay nhìn bề ngoài để đánh giá, phẩm định con người. Tôi ngỏ ý
muốn người lính về chỗ tôi trọ ngủ một đêm. Người lính gật đầu. Tôi dùng số tiền trong bọc mua một chai rượu Mỹ. Người lính
mỉm cười bằng lòng.
Dọc đường tôi hỏi:
- Anh vào lính lâu chưa?
- Gầm một năm.
- Động viên?
- Vâng, động viên.
- Trước kia anh cũng đi học?
- Không, nếu đi học tôi đã được hoãn. Tôi đi dạy dưới Cần Thơ.
- Nghe nói các cô gái dưới đó đẹp lắm phải không?
- Gái Cần Thơ thì nhất rồi, nhưng thôi, xin ông bạn đừng nói đến Cần Thơ nữa.
Người lính lảng tránh bằng cách ghé lại một cái sạp bên đường mua mấy miếng khô cá thiều:
- Thứ này lai rai với Johnnie Walker thì nhất trên đời. Từ ngày đi lính, từ ngày xa Cần Thơ, tôi vẫn ưa bầu bạn với mấy
thứ này.
Thấy anh ta không muốn nói về Cần Thơ mà vẫn vô tình nhắc đến, tôi đánh lảng:
- À, tôi là Nghiệp, còn anh?
- Nãy giờ quên nhỉ, ông bạn gọi tôi là Chương, bạn bè nó vẫn gọi tôi như vậy.
- Tại sao hồi nãy anh trả tiền cho tôi?
- Tại ông bạn chì
- Tôi đang buồn chứ không phải tôi chì. Nhưng tôi tin không phải vì vậy.
- Tại vì chỉ chỉ có tôi và ông bạn uống lave. Tụi nó ăn chè, uống nước ngọt, nghe nhạc tiền chiến, suy tư. Tôi không ưa
trưởng giả, thời trang thành phố như vậy. Cả triệu lý do. Không hẳn như vậy. Nếu phải nói cho thật đầy đủ lý do thì dường
như tôi đã nói cho ông bạn nghe rồi. Từ ngày xa Cần Thơ, tôi cảm thấy tôi bị xa lạ, lạc loài với người chung quanh. Họ khinh
thường tôi nên tôi coi thường tất cả. Có lẽ tôi đau khổ, tôi cô đơn. Từ quân trường đến đơn vị, thượng cấp cho tôi một loại
người bất trị, một thứ révolté. Họ đổi tôi về miền núi. Ở đó chỉ biết đánh giặc và đánh bài. Ở đó, một tuần, nửa tháng phi
cơ tiếp tế lương thực, đồ hộp. Tiền bạc cũng như tờ giấy không dùng được việc gì ngoài lúc ngồi vào chiếu bài.
Về đến căn gác trọ, nhìn thâý tấm ảnh Xuân, nhớ nhà vô hạn. Tôi cũng có nhiều đau khổ, cô đơn như Chương. Nhưng dù sao tôi
cũng có Xuân. Tôi muốn hỏi Chương nên chỉ tấm hình Xuân giới thiệu:
- Bà xã tôi. Còn anh?
Chương không đáp thẳng câu hỏi của tôi:
- Tôi mất tất cả từ ngày xa Cần Thơ. Nàng chọn tôi làm tình nhân gần hai năm rồi nàng có chồng.
- Anh không muốn cưới hỏi?
- Muốn lắm chứ. Nhưng nàng không chọn tôi làm chồng.
- À ra thế.”
Tôi thở ra và hiểu về Chương thêm. Tôi vô tình gợi lại những điều mà có lẽ Chương không muốn nhắc. Tôi rót thêm rượu vào ly
Chương. Chương nở một nụ cười và bưng ly uống một ngụm:
- Tôi không biết đến bao giờ tôi mới quên được nàng. Bao lâu nay tôi sống trong sự lừa dối chính mình và đánh lừa thiên hạ
cũng không ngoài ý muốn lãng quên. Nhưng tôi đã lầm, trong đời tôi, tôi vẫn hay lầm lẫn như vậy. Sự dày dạn chỉ thay đổi bề
ngoài tôi thôi. Tôi vẫn lãng mạn như xưa. Tôi vẫn nuôi nấng một tình yêu. Và tôi vẫn nhận biết một tình yêu vô vọng.
Tôi an ủi Chương:
- Có khi nào anh nghĩ, dù chỉ để biện minh cho mình, rằng anh đã có một mối tình lớn. Một tình yêu thuần nhất theo tôi nghĩ
không thể do hai người tạo dựng
– Ông bạn tin vào kinh nghiệm?
– Không hoàn toàn như vậy. Trường hợp của tôi có hơi đặc biệt. Khi chúng tôi đã lấy nhau, dĩ nhiên tình yêu ban đầu mất dần,
nhưng vài tình yêu khác phát lộ. Tuy không tha thiết và thi vị như xưa, song chúng tôi lại cảm thấy đậm đà và gắn bó. Về
trường hợp của tôi, hoàn cảnh và thời cuộc đã chia cắt mỗi đứa mỗi nơi, sự chung sống không liên tục chẳng ngờ làm cho chúng
tôi mong nhớ rồi thương yêu nhau hơn.
Tôi đưa lá thư của Xuân cho Chương đọc và nói:
- Mỗi người sinh ra đều mang một niềm đau khổ, đều chấp nhận một niềm tủi thân.
- Tôi biết thế. Tôi luôn thay đổi đời sống và nếp sống, nhưng kết cục vẫn không thay đổi được gì. Nhất là đụng chạm đến
chung quanh càng nhiều, tôi càng thấy cô đơn.
Nói dứt câu, Chương mở thư ra đọc. Tôi muốn nói, nhưng lại quên ý tưởng vừa nghĩ. Có lẽ tôi say. Người tôi nhẹ hẳn và dường
như tôi nằm xuống sàn gác. Tôi không còn điều khiển được thể xác, nhưng tâm trí vẫn còn sáng suốt. Tôi thấy rõ Chương cúi
xuống bắt gió cho tôi. tôi lấy làm tiếc không đủ sức thức trọn đêm trò chuyện. Cuộc đời nhiều bất trắc, cuộc sống lắm đôỉ
thay, biết đâu được chúng tôi lần đầu lại không là lần cuối. Nhất là đêm nay chúng tôi uống rượu, rượu làm cho con người
thành thực, và sự thực thì vô cùng quý giá. Và tôi thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn hình bóng Chương.
o 0 o
Nghiệp,
Khi mày tỉnh dậy thì tao đã đi khỏi đất này, đất ăn chơi mà hàng triệu người đã và đang tìm đến. Tao cũng nói thiệt cho mày
biết tình tao đối với mày tuy gặp nhau qua bia rượu sẽ bền lâu. Tao phải về. Còn bổn phận, còn trách nhiệm, còn anh em tao
đang ngày đêm chiến đấu. Tao không thể ngồi nhìn như bao người khác. Tao muốn lăn xả dù có phải hy sinh tao cũng không hề ân
hận. Tao nhớ con người như bác Ba trong làng xã của mày. Tao sẽ đi tìm những người như bác Ba để tẩy não và lột xác cho bác.
Tao thấy không thể sống và hành động như bác Ba ngoài quê mày. Không cần tình cảm, không cần nhân nghĩa, không cần suy tư gì
hết. Chúc mày ở lại gặp nhiều an lành.
Khi tỉnh dậy, tôi đọc được ít hàng chữ do Chương để lại. Sáng nay anh về đơn vị sớm vì đã hết phép.
Tôi xem lá thư của Xuân lại mới hay chiều hôm qua tôi không để ý mấy dòng TB. Xuân viết trang sau: “Em viết thư này cho anh đã một tuần nay, nhưng chưa có người gởi vô. Khi sáng có người dưới quê lên cho em hay trong
biến cố vừa qua có bác Ba về. Bác Ba đã hồi kết. Bây giờ bác làm to lắm. Hình như bác đã ra lệnh cho đồng chí thủ tiêu dượng
Năm. Đời là thế. Có đáng buồn không anh".
Tôi không tin như vậy được. Họ có thể giết bất cứ ai chống đối họ. Bác Ba có thể thủ tiêu bất cứ ai đi ngược lại đường lối
của cấp trên đã giao cho bác. Nhưng tôi không thể tin bác Ba là người chủ mưu hạ sát dượng Năm. Tình quê hương, tình bè bạn,
tình văn nghệ... Không lẽ không có thứ tình nào ràng buộc họ sao? Nhất là tình của Quan Vân Trường khi tha Tào ở Huê Dung
lộ.
Tôi còn nhớ hồi đó bác Ba quỳ dưới chân dượng Năm van xin kể lễ: "Trăm lạy Quan công hầu, ngàn lạy Quan công hầu. Ngài
hãy tha thứ cho Tào một phen. Ngày xưa Tào đối xử với Quan Hầu thật hết tình...Tào buồn, Tào rầu, Tào đau, Tào khổ, chỉ vì
Ngài. Nào khi đi mặc áo hồng bào, khi về mặc bạch giáp. Nào thượng mã đề kim, hạ mã đề ngân.”
Tôi còn nhớ hồi đó tôi làm một tên quân, bên nào kêu tôi cũng dạ. Khi tôi dâng ngựa cho Tào Tháo, khi tôi dâng ngựa cho Lưu
Bị. Chiến tranh trên sân khấu thật dễ dàng. Nhưng tôi sẽ không về vì tôi không muốn làm một thứ quân ngoài đời và thực tại,
vì bác Ba bây giờ không phải là bác Ba ngày xưa. Còn tôi, tôi vẫn nhát gan và đa cảm. Tôi xuống gác đi ra phố. Đi lang
thang. Đi trong đám đông để thấy mình bớt cô độc. Nhận diện sự cô độc để thấy mình không còn cô độc. Tôi đi lang thang vì
không muốn ở nhà.
Những giọt nắng ban mai thật thanh bình long lanh trên những hàng cây cao. Tiếc thay, những giọt nắng mang một ý nghĩa quá
mong manh và thu hẹp. Bỗng nhiên tôi nhớ Chương dữ dội,
thương nhớ những ly rượu của chàng và hình ảnh người lính làm tôi cảm thấy gần gũi Chương hơn bao giờ. Tôi nghĩ Chương đã
có lý khi chàng nói về những đồng đội của chàng. Cuộc chiến đã toàn diện, tôi không thể làm một kẻ bàng quang. Phải tham dự
như chàng dù phải hy sinh.