Nói về “bác” Hồ chí Minh
Biết bao huyền thoại chung quanh ông này.
Một Chín Mười Một (1911) qua Tây,
Tới Anh, đến Mỹ... rồi quày sang Nga.
Học hành dù chỉ qua loa
Thủ đoạn chính trị tài ba hơn người.
"Quê Hương Cách Mạng Tháng Mười"
"Đông Phương Học Viện" có thời sinh viên.
Tới Tàu nhận việc đầu tiên
Thuộc phái bộ Borodin xứ nầy (39)
Nhiệm vụ quốc tế ở đây
Thi hành mệnh lệnh quan thầy là Nga
Nơi đây gặp gỡ những nhà
Cách mạng nước Việt bôn ba xứ người
Tìm cách len lỏi đồng thời
Móc nối, phát triển, gọi mời về sau.
Xuất hiện lúc Á, lúc Âu:
Lúc Xiêm, lúc Pháp, khi Tàu, khi Nga...
Bốn Mốt, quay lại quê nhà
Chọn nơi Pắc Bó gọi là Bản doanh.(40)
"Già Thu" chính hiệu Chí Minh
"Tuyên Truyền Giải Phóng Quân "(41) thành do Ông.
Khởi đầu giáo mác tầm vông
Tiền Thân "Quân Đội Nhân Dân" sau này.
Thừa cơ Nhật hất cẳng Tây
Thua trận thế chiến Nhật quay đầu hàng.
Việt Minh chuẩn bị sẵn sàng
Cả tin Bảo Đại vội vàng thoái ngôi.
Hà Nội không khí sục sôi
Mồng Hai Tháng Chín đọc lời Tuyên Ngôn (2-9-45)
Ba Đình như sấm vang dồn
Bình Ngô Đại Cáo linh hồn ngày xưa.
Hăm Tám thỏa hiệp Pháp-Hoa (28-2-46) (42)
Hiệp định Sơ Bộ tháng Ba năm này (43)
Việt Minh hòa hoãn với Tây
Để có cơ hội diệt ngay người nhà
Là các "Đảng Phái Quốc Gia":
Việt Quốc - Việt Cách trốn qua bên Tàu.
Tạm Ước tháng Chín tiếp sau (44)
Không ngăn tham vọng Pháp hầu ra tay
"Toàn Quốc Kháng Chiến" (45) nổ ngay
Theo chân Anh-Ấn, Pháp thay thế liền
Xua quân tái chiếm những miền
Gọi là thuộc địa cuả mình trước đây.
Chín Năm Kháng Chiến kéo dài
"Vườn Không Nhà Trống" dẳng dai. Cuối cùng
Trận Điện Biên Phủ thư hùng
Mấy vạn quân Pháp tiêu tùng, mộng tan.
Giơ ne Hiệp Định định rằng:
Giới tuyến 17 tạm phân hai miền
Nam-Bắc đâu đó ở nguyên
"Vùng phi quân sự" sẽ truyền giải binh.
Ba trăm ngày để hai bên
Rút quân, dân chúng trọn quyền ra vô.
Tháng 10 "bộ đội Cụ Hồ"
Trở về "tiếp quản thủ đô" tưng bừng.
Trong khi quân Pháp tập trung
Đợi ngày triệt thoái khỏi vùng phân ranh.
Thế là/"Bác" Hồ chí Minh
54 làm chủ phần mình giang san
Bến Hải đến Ải Nam quan
Dựng lên một cõi "thiên đàng" ước mong:
“Cải cách ruộng đất”(46) tiên phong
Cường hào, địa chủ, phú nông …đi đời
Bao nhiêu ruộng đất tức thời
"Nhân dân làm chủ", mọi người như nhau.
"Nhà nước quản lý" cấp cao
Thay thế địa chủ cường hào ngày xưa
Việc gì đảng bộ đã đưa
Đã là ý đảng, tức vừa lòng dân!
Làm việc tùy theo khả năng
Nhu cầu hưởng dụng gì cần có ngay
Lời như mật rót vào tai
Đám "Người Cùng Khổ" (47) nghe hoài phải tin.
Trình độ dân trí thấp hèn
Bánh vẽ càng lớn nghe quen càng bùi
Lại thêm cán bộ thụt thùi
Hăm dọa, rình rập, tới lui đêm ngày
Xóm giềng ai dám tin ai
Vợ chồng con cái vách tai mạch rừng.
Nghi kỵ, theo dõi, canh chừng...
Thi hành "chính sách tam cùng" (48) tinh vi.
Ra đường cúi mặt mà đi
Về nhà ngậm miệng vẫn thì họa tai.
Cái tóc cái tội ở đời
"Thiên đàng Cộng Sản" dưới trời dương gian.
"Cán bộ đầy tớ nhân dân"
Chỉ biết nghe lệnh, hồng cần hơn chuyên
Thành phần nòng cốt đảng viên
Nền tảng vô sản chính quyền dựng nên.
Trong sử Việt, lần đầu tiên:
“Di cư” non triệu vào miền Nam xa
Dù phải bỏ của bỏ nhà
Quê hương mồ mả ông cha bao đời.
“Nhân văn giai phẩm” (49) một thời
“Trăm hoa đua nở” bao người điêu linh
“Quỳnh Lưu" (50 ) dân chúng bất bình
Nổi lên bị diệt, chẳng nên cháo hồ.
(Nước Hung tương tự. Liên Xô
Đem quân trấn áp, thủ đô chiếm liền).
"Miền Bắc Xã Hội ... Tiến Lên (51)
Đẩy Mạnh Cách Mạng Tại Miền Nam" qua:
“Mặt Trận Giải Phóng” lập ra
"Hai nhiệm vụ chính cùng là song song"!
(còn tiếp)
NT2 Nguyễn Hữu Tư
o 0 o
CHÚ THÍCH:
(39) Phái bộ Borodin của Nga bên cạnh chính phủ Tưởng Giới Thạch.
(40+41) Năm 1941,Ông Hồ chí Minh về nước, lập căn cứ ở Pắc Bó. Thời gian này Ông thành lập đội
"Tuyên Truyền Giải Phóng Quân".
(42) Nguyễn Ái Quốc tức Hồ chí Minh đọc Tuyên Ngôn Độc Lập tại Ba Đình Hà Nội ngày 02-9-1945.
(43) Hòa ước Pháp-Hoa ký ngày 28-2-1946:Pháp trả cho Trung Hoa một số tô giới để đổi lấy
vai trò giải giới quân đội Nhật từ vỹ tuyến 16 trở ra.
(44) Hiệp định Sơ Bộ: ký ngày 6-3-1946 giữa chính phủ Việt Minh và Pháp.
Tạm ước: ký riêng giữa chủ tịch Hồ chí Minh và Bộ Trưởng Marius Moutet (Pháp) nhằm xác nhận nội
dung Hiệp định sơ bộ và hứa hẹn một cuộc đàm phán vào tháng 1-1947.
(45) chiến tranh Việt -Pháp bùng nổ ngày 19-2-1946 tại Nam Bộ.
(46) Phong trào cải cách ruộng đất:kéo dài từ tháng 12-1953 đến tháng 7-1956,mục đích là tận diệt
những mầm mống nguy hại cho chế độ trong tương lai mà đối tượng là địa chủ,quan lại...
gây nên cái chết cho hàng vạn người,tan nát hàng vạn gia đình, điều nguy hại nhất là làm biến đổi
nhân tính của con người ngang hàng với súc vật.
(47) Le Paria: Người Cùng Khổ- tên tờ báo của Hội Liên Hiệp Thuộc Địa tại Pháp,mà ông Nguyễn Ái
Quốc cọng tác.
(48) chính sách "tam cùng": cùng ăn,cùng ở, cùng làm.
(49) phong trào Nhân văn Giai phẩm:hưởng ứng phong trào "trăm hoa đua nở" các nhà văn nghệ sĩ như
cụ Phan Khôi,Trần Dần,Hữu Loan... đã viết những bài báo góp ý, phê bình những sai khuyết của chế
độ,bị Hà Nội bỏ tù.
(50)Vụ Quỳnh Lưu xảy ra tháng 11-1956 tại Nghệ An do dân chúng bất mãn vì chinh sách khắc nghiệt
đã bạo động.Hà Nội phải điều một sư đoàn đến dẹp,số người chết và bị bắt lên đến sáu ngàn người.
(51) Nghị quyết 15 Đại hội đảng CSVN năm 1959 vạch ra hai nhiệm vụ chiến lược là:
- Xây dựng thành công Xã Hội chủ nghĩa ở Miền Bắc.
- Hoàn thành cuộc cách mạng Dân Tộc Dân chủ ở Miền Nam.