Nhà tôi ở ngay lằn ranh giữa thành phố và vùng ngoại ô, nên cây trụ đèn đường trước nhà tôi là cái cuối cùng trên con đường mở ra hai bên những đồng ruộng mênh mông, sau khi qua những dãy nhà thưa thớt dẫn dài từ trung tâm thành phố. Không biết cây trụ đèn được dựng lên từ lúc nào nhưng năm khai sanh ra nó được đúc nổi trên mặt xi măng sù sì những hòn đá cuội: 1936. Như vậy khi nó ra đời thì má tôi mới về ở với ba tôi được hai năm cùng lúc người chị lớn của tôi cất tiếng khóc đầu tiên. Không biết có phải vì là cái cuối cùng trên con đường hay không mà nó cao lớn hơn những cây trụ đèn khác. Trông nó chắc chắn và vững chải với phần chân trụ vuông to bè ra phía dưới và phần xi măng nằm âm dưới đất để giữ vững nó chiếm một khoảng khá lớn chung quanh.
Thuở còn học tiểu học, những đêm không mưa và trời nóng, tôi thường cùng với thằng em chơi đánh đáo trên phần xi măng nầy. Sau đó, khu xóm được kéo dài ra với những căn nhà mới nối tiếp, anh em tôi phải ngưng lại cái thú vui nầy vì khoảnh xi măng đó đã bị các quày con bày bán chuối nướng, bắp rang, bánh phồng, … chiếm cứ. Và có lẽ vì cần có gì nhai cho đỡ buồn trước khi đi vào bóng tối khu ngoại ô mà những bộ hành có nhà trong khu vực mới không có đèn đường vô tình làm cho những quày bán hàng nầy càng ngày càng phát đạt. Thú vui duy nhất ban đêm của anh em tôi đành phải gác lại… vô hạn kỳ. Cuộc sống tuổi nhỏ của tôi bình thường trôi dần cùng với lớp xi măng trên cây trụ đèn mòn đi để trơ ra lởm chởm lớp đá cuội nằm ẩn bên trong. Ðời tôi cũng được mài nhẳn đi với cuộc chiến đang đến hồi khốc liệt…
Sau cái Tết Mậu Thân 1968, thời điểm mà chiến tranh về ngay thành phố không còn là cái gì xa xôi mà người ta mường tượng qua những tiếng nổ ì ầm của những viên đại bác nhờ gió đưa về hay tiếng trực thăng tành tạch từ khu phi trường rời đi cho những chiến trường đâu đó, lúc ấy Hải đến. Hải đến ở cạnh nhà tôi cùng với bà mẹ quá già cho những lần di chuyển để định cư bất đắc dĩ như thế nầy. Hải lớn hơn tôi một tuổi. Hải ở tận ngoài Huế trước khi dọn về đây.
Cuộc di cư năm 1954 làm cho gia đình Hải mất đi người cha khi vào tới Huế, và cuộc di cư lần nầy người chị của Hải cũng vĩnh viễn vắng mặt khi xác thân còn kẹt lại đâu đó trong các hầm chôn người tập thể. Bà mẹ của Hải như còng xuống dưới những khổ đau chia ly chồng chất, rời quê, mất chồng, mất con, có lúc trông bà ngẩn ngơ như từ một thế giới nào lạc tới. Bà còn sống nỗi là điều không ai có thể ngờ tới cho sức chịu đựng của bà, phải có một cái gì thiêng liêng lắm nằm ẩn trong người đàn bà nhỏ thó kia để bà còn tiếp tục nhận khí trời khi những kinh hoàng cứ liên tiếp tấn công bà đến ngạt thở. Còn lại hai mẹ con sau những mất mát khủng khiếp, bà dồn hết yêu thương và khả năng bương bả còn lại để lo cho Hải. Hải sống ngợp trong sự yêu thương của bà bù cho những tháng năm lao đao tuổi nhỏ Hải ngập chìm trong tàn nhẩn.
Ba ngày sau khi dọn tới, tôi quen và thân với Hải. Ðịa điểm gặp nhau đầu tiên của chúng tôi là khoảnh xi măng dưới cây trụ đèn trước nhà. Giới nghiêm sau biến động Mậu Thân đã làm tan hàng những quày con đang hồi phát đạt một cách bất đắc dĩ không ai ngờ tới, trả lại cho tôi khoảnh xi măng trống vắng thê lương. Hải nhờ ánh đèn đường để học bài. Khoản tài chánh còm cõi mà mẹ Hải nhận được từ các quỹ cứu tế không đủ cung cấp khoản dầu để đốt đèn ban đêm. Hải phải nhờ ánh đèn đường để lấy nốt cái bằng Tú tài hai sau khi ghi danh tiếp tục tại trường tôi, cùng lớp nhưng khác ban với tôi.
Bất chấp những bàn tán xầm xì về “con mẹ Bắc kỳ di cư” cùng “thằng nhỏ Bắc kỳ” của những cái miệng xấu tánh ở chung quanh, tôi đến và làm quen với Hải. Hải cũng khá ngạc nhiên với thái độ “tiên phong” nầy của tôi sau những lần cô đơn chịu đựng cái tánh kỳ thị địa phương của những người cố chấp tại đây. Tôi cười vã lã:
“Anh coi, những người Pháp đã làm một cây trụ đèn chắc chắn thế nầy đả biết ý định cắm dùi lâu dài trên đất nước mình của chúng như thế nào rồi. Vậy thì đừng ngạc nhiên khi thấy người mình mang nặng đầu óc kỳ thị địa phương mà chúng đã ‘trồng’ từ lâu đồng điệu với cây trụ đèn. Thế hệ của mình là phải bắt tay vào phá vỡ nó đi, còn nó là không khá được”.
Hải chỉ cười đồng tình và nụ cười thật tội nghiệp.
Tôi và Hải đi tới chỗ thân nhau, đi học và về hai đứa chờ nhau cùng đi. Hai gia đình nhờ đó mà quen thân dần. Tôi và Hải thường qua lại nhau chơi và nhờ vậy tôi mới biết ăn bún riêu còn Hải thì quen dần với thức ăn có giá sống. Cái nơi gặp nhau lý tưởng của tụi tôi vẫn là cây trụ đèn, mỗi đêm. Hải trầm người, ít nói, nhưng những lúc ngồi chung với tôi dưới cây trụ đèn Hải thường đưa ra những câu hỏi huyên thuyên, những câu hỏi mà tôi chắc mẽm là Hải đã có sẵn câu trả lời.
- Tại sao nước mình không khá được nhỉ?
- Chiến tranh.
- Tại sao lại có chiến tranh?
- Vì họ muốn chiến tranh và đó là phương tiện duy nhất để khuynh đảo hầu áp đặt chế độ mà họ cho là hợp lý nhất.
- Tại sao trong khi từng huênh hoang là mưu cầu hạnh phúc mà họ lại phát động chiến tranh nhỉ?
- Ðó là điều nghịch lý của họ và tôi chắc họ trăm phần trăm biết rõ cái nghịch lý nầy trong chủ trương của họ nhưng họ vẫn làm, vẫn tiến tới vì cái nhu cầu bạo hành trong máu của họ…
Tôi đã chỉ cho Hải xem những dấu đạn ghim lổ chỗ trên thân cây trụ đèn trong kỳ Tết Mậu Thân vừa qua.
- Chiến tranh mà họ phát động đã đến trong thành phố nầy. Ðiều nghịch lý của họ cũng được đưa đến tận chỗ nầy, chỗ mình đang ngồi một cách thoải mái hiện giờ và vết tích nghịch lý đó còn ghi trên kỷ vật thuộc địa kia. Có một điều là anh có thấy những vết nâu xậm còn in trên cây trụ đèn nầy không? Ðó là vết máu của anh lính Biệt Ðộng khi đến giải tỏa khu mình ở. Anh ấy đã chết tại chỗ nầy với 5 viên đạn ghim trên lưng. Máu của anh văng tung tóe trên thân cột. Tại đây ghi dấu ba điều mà người mình đã và đang gánh chịu: thực dân, cộng sản và sự hy sinh vì sự sống còn và tự do của một dân tộc. Sau nầy có người cố rửa những vết máu đó nhưng không được. Một số người yếu vía vẫn thường cho rằng hằng đêm họ thấy bóng một người lính Biệt Ðộng lảng vảng nơi đây như tìm kiếm một cái gì. Không, mình cho rằng anh lính đó không “mất” thứ gì cả, sở dĩ anh “trở lại” tại vì anh muốn một điều, đó là giải quyết chiến tranh. Chiến tranh chưa giải quyết và anh ấy cần người để tiếp nối hộ anh…
- Ý của cậu là…
- Tham gia trong nó để giải quyết lấy nó, thứ chiến tranh món hàng của những tên đồ tể lớn thích những trò chơi bạo hành. Và mình cho rằng phải lấy bạo lực để đối với bạo lực. Ðừng nhẩn nha ơ thờ như một số người mình hiện giờ và cũng đừng hòng vuốt ve mơn trớn họ, những kẻ chứa đầy nghịch lý và bạo hành, họ đã bắt buộc chúng ta phải đối đầu với giải pháp còn lại duy nhất: lấy bạo lực chọi bạo lực…
Không biết trong đầu Hải nghĩ gì về lời phát biểu khá “bạo phổi” của tôi và tôi thấy Hải suy nghĩ lung lắm. Cũng kể từ đó Hải không còn đặt câu hỏi nữa. Những câu hỏi chứa sẵn câu trả lời hình như đã thay đổi hình thức và đang loay hoay trong cái đầu “húi cua” kia theo một phương thế nào đó, khác hẳn trước, tôi chắc như vậy.
Sau khi lấy xong cái Tú tài hai “mắc dịch”, không chờ tụi tôi phân vân trước các phân khoa đại học với những cái tên nghe quyến rũ, bảng “phong thần” tổng động viên được giơ lên cao tại Quảng Trị. Tôi và Hải đều phải nhập ngũ. Hải hăm hở nhào qua bàn với tôi:
“Tớ với cậu nên chọn vừa chơi ‘văn’ vừa chơi ‘võ’ với tụi nó đi. Vừa bắn súng vừa lý giải cho tụi nó nghe, để trước khi chết tụi nó còn mở mắt thấy cái thiên đàng của tụi nó chỉ trần truồng là một địa ngục. Trước khi chết mà biết mình ngu thì khỏi phải than phiền gì hết với… diêm vương. Ðồng ý chứ?”.
Tôi chịu quá về cái màn phát biểu nầy của Hải và hai đứa cùng ôm gối lên Ðà Lạt để “mài gươm dũa bút” trong một khóa hai năm về chính trị. Hai năm quá ít cho chương trình huấn luyện, nhưng quá dài cho một thực tế hỡi ơi mà tụi tôi gặp phải sau khi ra trường ở các đơn vị với các đơn vị trưởng cũng hỡi ơi không kém.
Vài ngày trước khi đi mẹ Hải đã tức tưởi qua gặp tôi, cho tôi hay một sự thật điếng người:
- Chết rồi cháu ơi, thằng Hải nó đi lính, bác phải làm sao đây?
- Có gì đâu bác, đâu phải ai vào lính là cũng chết cả đâu.
- Không phải cháu ơi, Hải nó còn một thằng anh còn kẹt lại ngoài Bắc, nghe tin là nó đã vào bộ đội và đã vào Nam rồi. Bác sợ rằng anh em nó sẽ giết nhau mất.
Tôi có hỏi Hải về việc nầy, Hải chỉ buồn và trầm giọng nói với tôi:
- Rất có thể tớ sẽ gặp anh của tớ ở chiến trường đâu đó, trong một góc núi hay ở một bìa rừng mà định mệnh sẽ sắp đặt cho tớ. Nhưng thú thật định mệnh cũng đã cho tớ thấy, bằng một thứ xếp đặt tàn nhẩn cho cuộc đời của tớ: Cảnh cha của tớ bị đấu tố cùng vài chục người nữa trong làng, cảnh chị tớ cùng hàng ngàn người khác bị chôn sống, cảnh người chết như rạ trong những ngày đêm không ai ngờ rằng tử thần có thể gõ cửa cùng một lúc đông đến như vậy… Tớ không muốn chạy trốn. Nói như cậu, tớ muốn giải quyết chiến tranh… Hoàn cảnh và gia thế hiện giờ của tớ, cái bản tổng động viên kia chưa đụng đến tớ được, nhưng tớ chọn…
Ngày tôi và Hải vác hành lý ra bến xe đò để đi đến Sở Ðộng viên, bà mẹ Hải đi theo để tiển hai đứa tôi, nước mắt bà ướt dài từ nhà cho đến bến xe và cũng có thể từ đó về đến nhà khi xe chở hai đứa tôi lăn bánh. Trên đôi vai gầy yếu của bà gánh nặng được chồng thêm hai lần: lo cho Hải và viễn ảnh hai anh em Hải gặp nhau trên chiến trường. Bao nhiêu bà mẹ Việt Nam đã trải dài những chịu đựng trong suốt cuộc đời mình như mẹ Hải đã được mọi người biết tới. Có thống kê nào không cho những nghiệt ngã nầy? Chỉ có yên lặng và hửng hờ. Tàn nhẩn đã vượt qua tuyến cuối cùng của nó trong ý nghĩa mà người ta không thể mường tượng được…
Sau khi ra trường Hải chọn đơn vị ở miền Trung, còn tôi biệt phái về Tiểu khu nhà phụ trách về chiến tranh chính trị trong các tiểu đoàn tác chiến. Chia tay nhau sau khi hết phép mãn khóa, từ đó chúng tôi ít gặp nhau hơn. Nản vì công tác có bằng ấy: rải truyền đơn, sinh hoạt với lính đã mệt nhoài sau chuyến hành quân (chính tôi cũng thở không ra hơi) và báo cáo, hết. Tôi xin chuyển qua tác chiến. Thực sự tôi không chịu đựng nỗi với những công tác mà người ta giao phó cho tôi. Có bao nhiêu đó thôi sao sau một khóa huấn luyện đầy khó nhọc trong hai năm? Và còn những lỉnh kỉnh mắc dịch khác mà ông đơn vị trưởng của tôi, thoát thân từ những đơn vị lê dương nào đó của Pháp, chả hiểu tình hình phức tạp hiện giờ ngoài cây súng, giao cho tôi những chuyện động trời khác ngoài những công tác chính thức do văn thư ấn định. Tôi xin chuyển đơn vị và xuất ngành, cùng lúc ở ngoài Trung, Hải cũng làm giống như tôi. Một lần tôi về phép thì gặp Hải. Lúc ấy Hải phải chống nạn vì “mìn làm chân Hải… rung rinh”, Hải cười xòa bảo với tôi như thế. Chúng tôi vẫn kéo ra ngồi dưới chân cây trụ đèn để nói chuyện, ban đêm.
- Tớ vẫn chưa gặp được anh tớ, tớ chắc như vậy. Hải nói thật nhẹ với tôi. Sau mỗi lần đụng nhau tớ vẫn cố gắng nhìn mặt từng cái xác của chúng để lại trên chiến trường. Tớ linh cảm chưa có khuôn mặt của anh tớ trong đó. Phần đông đều rất trẻ, cậu biết không, chúng chỉ trạc thằng em út của cậu thôi. Mình nghe cay đắng quá chừng. Thế hệ đàn em của mình rồi cũng bị chúng nướng sạch trong cuộc chiến tranh được khích động bằng giai cấp của chúng như thế nầy. Ðó là điều phủ phàng nhất mà mình phải chịu đựng thực sự như vết đạn và vết máu trên cây trụ đèn nầy…
Chẳng có gì phải che phủ, mọi điều được bốc trần đến tận lõi trong trận chiến càng ngày càng khốc liệt mà tôi và Hải chìm hút trong đó. Hậu phương sau lưng chúng tôi trần trụi những thờ ơ, những tệ hại, những thụ hưởng, những kệch cỡm, những bệnh hoạn… dấy lên bất chấp máu đồng đội chúng tôi tưới xuống trên những chiến trường mà địa danh nghe lạ hoắc. Ngày người lính cuối cùng của đơn vị được gọi là đồng minh bước lên máy bay vẫy tay giả từ nơi chốn mà họ gọi là địa ngục, cũng là ngày máu tưới xuống nhiều hơn trên những chiến trường tồi tệ. Máu của những con người mà số phận hẩm hiu của họ bị định đoạt bởi những con số trong khoảng viện trợ bị cắt giảm tối đa để làm tròn trịa hơn động từ phản bội. Hải gửi lại chiến trường một cánh tay, và chiến trường tặng tôi một viên đạn nằm sát xương sống trong những giờ phút của miền Nam lên cơn hấp hối.
Trên giường bệnh trong quân y viện tôi nghe hơi thở tôi lịm dần mệt mỏi. Hình như bước chân trở về của người lính Biệt Ðộng quân tìm lại vết máu mình trên cây trụ đèn quê tôi làm tim tôi từng hồi buốt cóng. Và có lẽ ở một quân y viện xa xôi nào đó Hải cũng mang một trạng thái như tôi, trạng thái của trái tim vỡ tung ra từng mảnh vụn ngang trời…
Sau 30.4.1975, tôi và Hải gặp nhau một lần trước khi bị lùa vào trại được gọi bằng cái tên nghe vô tội vạ: Trại cải tạo. Lúc ấy, mặt Hải xanh tái vì mất khá nhiều máu cho cánh tay đã cụt, vẫn còn thoáng nụ cười tội nghiệp năm nào, nhíu mắt nhìn tôi khẽ giọng:
- Mọi người đều lầm, kể cả tụi nó, là trận chiến chấm dứt. Không. Nó sẽ tái diễn khốc liệt hơn vì không còn tương nhượng trong lúc mà tự do, dù là tự do để thở, bị tước đoạt tàn nhẩn đã nhìn thấy quá rõ ràng. Rồi cậu sẽ thấy.
Và tôi đã thấy. Người anh của Hải xuất hiện không phải để gặp Hải trên chiến trường mà để bảo lãnh cho Hải ra khỏi trại. Hải từ chối. Tháng sau Hải trốn trại. Không ai biết Hải đi đâu, làm gì. Hải loáng thoáng qua những tin đồn truyền miệng mà mức độ chính xác được đánh giá bao nhiêu không ai đoán nỗi. Tôi càng mù mờ hơn về chuyện của Hải bởi những lớp hàng rào của trại cải tạo và tịt luôn khi chung quanh tôi là bốn bức tường lạnh ngắt bóng tối xà lim.
Năm năm sau tôi trốn được. Lang thang lên Sài Gòn với mớ giấy tờ giả, đạp xe ôm độ nhựt qua ngày, tôi bổng gặp lại Hải một cách không ngờ. Hải trông già dặn hơn nhiều và có vẻ khắc khổ của con người nội tâm bất an. Kéo tôi vào một quán vắng, chìa cho tôi bao thuốc Thái Lan, Hải vừa châm thuốc cho tôi bằng cánh tay còn lại vừa thì thầm:
- Rất mừng khi thấy cậu thoát, lâu chưa?
- Hơn hai tháng.
- Mình đang hoạt động chắc là không gặp cậu thường và lâu được. Có dự tính gì không?
- Ðịnh chuồn đây.
- Ra ngoài à?
Tôi gật đầu. Hải ngồi yên lặng hồi lâu, mặt đăm chiêu, sau cùng vỗ vai tôi:
- Cũng hay đấy, ở ngoài ấy cậu sẽ có hoàn cảnh thuận tiện hơn và phương tiện cũng đầy đủ nữa, ở đây mình bị giới hạn khá nhiều nhưng mình chọn ở lại. Quen rồi. Cận chiến hình như là nghề của mình, mình khoái như vậy…
Sau đó tôi không có dịp gặp lại Hải cho tới lúc người bà con giúp đỡ tôi bước xuống ghe làm chuyến… lưu vong. Chiếc ghe đưa tôi đi vào thế giới mà tôi có cảm giác là bất an cho chính tôi dù nơi tôi đến mọi thứ tự do đều được tôn trọng, kể cả tự do… quên. Cái bất an của tôi không phải bắt nguồn từ những đe dọa nào đó trên xứ sở vốn an lành nầy, mà là hình ảnh Hải. Ở đây tôi học thêm một thứ tự do nữa là tự do gục mặt. Hình ảnh của Hải là chút lương tâm tối thiểu mà tôi phải nhìn nhận khi chìm ngập trong thứ tự do nầy. Áo cơm, xe cộ, việc làm, nhà cửa, tiện nghi, trả góp,… đã quất sụm tôi lúc chân tôi chưa ráo nước biển Thái Bình. Vuốt ve nỗi bất an ấy tôi chỉ biết mỗi một điều chen chân trong một hội đoàn nào đó, hoan hô đả đảo khàn hơi, chống cộng cuối tuần rồi cuối cùng… ai về nhà nấy. Lâu lâu tôi lại tự tỉ tê với mình rằng chưa làm gì được trước cảnh phân hóa, đố kỵ và thờ ơ cố hữu của người mình, đành phải… chờ vậy.
Và cuối cùng cho đến một ngày không mấy sáng sủa cho lắm ở nơi chốn vốn ghét âm u nầy, tôi bổng nhận được thư đứa em gái tôi. Thư gửi tới không từ Việt Nam, mà từ Mã Lai, ở một trại tị nạn nào đó, cho tôi cái nỗi vui là có thêm một người thân đã thoát, nhưng cái buồn úp chụp lấy tôi vì những lời điếng người nó viết trong thư:
“… Anh còn nhớ anh Hải không, anh ấy đã bị bắt. Không biết ảnh bị bắt ở đâu mà bị đem về xử ở xóm mình. Người ta trói ảnh ngay cây trụ đèn đường trước nhà mình, xử cho tới chiều hôm ấy và sau cùng bắn anh ấy tại đó. Bà bác không được nhận xác anh Hải dù có sự can thiệp của người anh của anh Hải. Không biết họ chôn anh Hải ở đâu. Tội nghiệp bà bác ngất xỉu không biết bao nhiêu lần mà nói. Tội quá anh nhỉ…”.
Tim tôi cơ hồ không còn thuộc về tôi nữa, nó vỡ vụn và tan biến đi đàng nào rồi. Nhịp thở cũng lơi đi, hụt hơi. Hải bị bắn. Chết. Tôi hụt hẩng hoàn toàn trong cảm giác đắng cay mà thần kinh tôi còn nhận được. Người tôi lịm dần trong cơn lốc mịt mù quay với tốc độ kinh khủng trong đầu. Ý thức tôi vụt trôi đi biền biệt, chỉ còn duy nhất một điều mà tôi còn cảm nhận: vết máu Hải trên cây trụ đèn 1936. Thư của em gái tôi không nói gì thêm về Hải nhưng tôi biết trước khi nhận đủ những tràng đạn của lủ quỷ, Hải đã cười. Ôi cái cười của Hải nó ý vị biết chừng nào, bởi nó làm sống lại cơ hồ cả một dân tộc, một dân tộc yêu tự do với truyền thống bất khuất. Thân xác Hải bị vùi dập đâu đó trong lòng đất quê nhà, và tôi biết chắc rằng Hải sẽ trở về lẩn quẩn quanh cây trụ đèn nhìn lại vết máu của chính mình và những người yếu vía sẽ thấy Hải thẩn thờ tìm kiếm một cái gì giống như anh lính Biệt Ðộng khi xưa. Nhưng ai có biết đâu rằng Hải đang nóng lòng chờ đợi những thằng đốn mạt như tôi đang tập tành cái thứ tự do quên, tự do cúi mặt ở xứ người.