PHÁP CHIẾM BẮC KỲ LẦN THỨ NHẤT
TỔNG ĐỐC NGUYỄN TRI PHƯƠNG BỊ THƯƠNG
“NHỊN ĐÓI CHỊU ĐAU MÀ CHẾT”
Tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương (1800-1873)
ở nhà thờ Phong Điền.
*
Pháp chiếm sáu tỉnh Miền Nam
Sau khi đặt việc trị an xong rồi
Biết triều đình Huế rối bời
Bao nhiêu biến loạn liên hồi xảy ra:
Mưu toan soán nghịch trong nhà (vụ Hồng Bảo 1855)
Xây lăng, cấm đạo cũng là nguyên nhân. (giặc Chày vôi 1866)
Vua sống xa cách thần dân
Bồi thường chiến phí, thêm phần bế quan
Xã hội nghèo khổ tối tăm
Binh lực yếu kém, lòng dân bất bình
Nổi lên chống lại triều đình
Lẫn quân cướp nước, tình hình rối ren.
Thực dân đâu chịu để yên
Đợi có cơ hội chúng liền ra tay
Việc Đồ Phổ Nghĩa tới đây (lái buôn Jean Dupuis)
Buôn bán Trung quốc, thường hay qua về.
Mê-Kông ghềnh thác khó đi
Nhị Hà thuận lợi cho bề giao thương.
Từ lâu Pháp muốn tìm đường
Thuận tiện buôn bán thông thương với Tàu.
Dân đông, đất rộng lại giàu
Tình trạng lạc hậu khác nào nước Nam.
…
Phổ Nghĩa cậy thế làm càn
Tự tiện chở muối bán sang cho Tàu
Món hàng ta cấm từ lâu
Nhưng y ngoan cố cứng đầu không tuân.
Lại còn trắng trợn nói rằng
Cùng Tàu buôn bán chẳng cần luật Nam.
Gây nên tình trạng rất căng
Y còn bắt nhốt quan quân dưới tàu!
Ta thì nhẫn nại đã lâu
Y càng gây sự, phải cầu Dupré.
Giải quyết chuyện của Dupuis
Chuộc lại ba tỉnh trở về nước ta.
Đúng là như trẻ lên ba
Vẫn mang ảo tưởng khi mà Pháp đang
Tìm kiếm cơ hội xâm lăng
Đợi dịp may đến sẵn sàng chớp ngay
Vì sợ nếu để chậm tay
Kẻ khác chiếm mất sau này khó toan.
Việc Đồ Phổ Nghĩa làm tàng
Do bàn tay Pháp thúc đàng sau lưng.
Lại thêm một số giáo dân
Lý do tôn giáo theo chân kẻ thù! (1)
Bắc Hà một số sĩ phu
Vẫn còn ôm mộng tôn phù nhà Lê.(2)
…..
Thế là Đô đốc Dupré
Tình hình nắm chắc, điện về Paris
Rồi cử Đại Úy Ngạc Nhi ( Francis Garnier)
Đem quân ra Bắc…duy trì an ninh!
Sau khi thư buộc triều đình (15-8-1873)
Bỏ việc “cấm đạo”, cho mình lưu thông
Hàng hóa trên tuyến sông Hồng
Bán buôn giao dịch với vùng Hoa nam.
Biết rằng về phía Đại Nam
Chắc chắn không thể dễ dàng thuận theo.
Chúng đã tính trước mọi điều
Đặt ta vào thế “cũng liều… đưa chân”
Tiếp tay xâm lược ngoại nhân
Than ôi! Trần Lục, giáo dân công đầu (1)
Nhìn trên thế giới không đâu
Chính dân trong nước theo hầu ngoại bang
Đánh lại tổ quốc xóm làng
Như là trường hợp Đại Nam thời nầy!
Chuyện dài...tạm gác lại đây
Đôi dòng tiểu sử về ngài Tri Phương.
Tên thật là Nguyễn Văn Chương
Vua ban tên mới Tri Phương nghĩa là: (Dõng thả tri phương)
“Dũng mãnh-mưu trí-tài ba”
Cột trụ chống giữ nước nhà biên cương
Lập nên sự nghiệp phi thường
Ba triều tận tụy, đảm đương trọng thần.
Sinh vào tháng Bảy Canh Thân (1800)
Quê làng Chánh Lộc Đường Long Phong điền
Nay thuộc về tỉnh Thừa thiên.
Được vua Minh Mạng đầu tiên tin dùng
Bí thư nội điện, tiến lần
Bằng chính tài đức, danh phần càng cao.
Đóng góp biết mấy công lao
Đơn cử một số như sau điển hình:
Phái bộ qua tận Bắc kinh (1832)
Bàn việc thương mại giữa mình và Hoa.
Tiểu phỉ, mở cõi nước nhà
Thành lập dân ấp để mà khẩn hoang (1835)
Lần lượt Tổng Đốc Hà- An (Hà Tiên-An Giang)
Giặc cướp đã bị dẹp tan nơi nầy.
Ổn định biên giới phía Tây
Cao Miên bình định, công này cũng Ông! (1847)
Nổi bật là những chiến công
Nơi nào có giặc có Ông tuyến đầu:
NGUYỄN TRI PHƯƠNG CHỈ HUY
CÁC MẶT TRẬN ĐÀ NẲNG - KỲ HÒA
Pháp đánh Đà Nẵng lần đầu (1858)
Đế quốc hùng mạnh Âu châu bấy giờ
Ta dù vũ khí thô sơ
Pháp không tiến được cũng nhờ chính Ông
Chu đáo trong việc bố phòng
Đồn Liên Trì đã cầm chân quân thù!
Biết là chưa thể hơn thua
Pháp bèn chuyển thế, đánh vô Nam Kỳ
Thành Gia Định vỡ tức thì
Võ Duy Ninh tự vận, thành trì bị san (1859)
Tri Phương được cử vào Nam
Tư lệnh mặt trận vội vàng tới nơi (1860)
Đóng quân ba đạo ba nơi:
Biên Hòa-Gia Định đồng thời Tân An.
Làm thế chân vạc giữ, ngăn
Lực lượng đến hai chục ngàn quân binh
Các nơi hiễm yếu của mình
Sông ngòi lớn nhỏ đóng binh canh tuần
Đắp thêm đồn lũy tiến gần
Nơi quân địch đóng để lần bao vây.
…
Kỳ Hòa Pháp quyết đánh ngay (24-10-1861)
Hai bên ác chiến mỗi ngày mỗi tăng
Quân ta phòng ngự rất hăng
Tấn công, quân Pháp mấy lần giẫm chân.
Vẫn chưa thể tiến đến gần
Phe địch phải chịu mấy phần thương vong.
Áp dụng tiền pháo hậu xung
Trọng pháo từng loạt nổ tung đất trời
Bộ binh từng đợt liên hồi
Xung phong bị chận bởi vòi tượng binh.
Cuối cùng chúng áp sát thành
Dùng thang vượt vách giật giành từng phân…
Tình hình nguy ngập muôn phần
Nguyễn Duy, Phạm Hiển…hy sinh trận tiền
Tri Phương cũng bị thương, liền
Hạ lệnh ta phải lui binh Thuận Kiều!
….
Kỳ Hòa thất thủ quả điều
Hậu quả nghiêm trọng quá nhiều về sau
Nam Kỳ Lục Tỉnh theo nhau
Lần lượt từng bước rơi vào địch quân!
THÀNH HÀ NỘI THẤT THỦ
NGUYỄN TRI PHƯƠNG BỊ THƯƠNG,
NHỊN ĂN ĐẾN CHẾT
Tri Phương trở lại Bắc phần
“Tuyên sát đổng sức đại thần” chính danh (năm 1872)
Nhiệm vụ thay mặt triều đình
Trọng trách xem xét quân tình ớ đây.
Ngạc Nhi nhận lệnh như vầy: (Francis Garnier)
Ra Bắc giải quyết việc nầy giúp ta
Kế hoạch y đã vạch ra
“toàn quyền hành động” vì Pháp mà …tiến lên! (3)
Dupré trù liệu quân binh
Điều động ra Bắc chừng quanh hai ngàn
Sau nghe hợp lý lời bàn
Ngạc Nhi đề nghị lấy toàn tinh binh
Gần hai trăm lính của mình (171 người)
Cọng với thuộc hạ tên trùm lái buôn (chừng 200)
Hai bên số lượng tương đương
Làm áp lực tướng Tri Phương giữ thành!
Mọi việc thương lượng bất thành
Bất ngờ, Pháp đánh rất nhanh: một giờ! (20-11-1873)
Than ôi! đê rỗng, sụt bờ
Thành mất tướng sĩ thất cơ trận nầy.
Nguyễn Lâm phò mã thương thay (4)
Thăm cha gặp phải họa tai bất kỳ!
Giả từ công chúa ra đi
Tài hoa son trẻ tuổi thì ba mươi
Nêu gương trung liệt rạng ngời!
Riêng quan Tổng đốc đồng thời trọng thương (5)
Dù Tây chạy chữa thuốc thang
“Chết vì việc nghĩa thung dung”, chối từ! (ngày 20-12-1873)
Lão thần đã trải thân thờ
Ba triều dựng giữ cõi bờ công lao
Cả đời trí tổn tâm hao
Nhưng mà vận nước chẳng sao đổi dời!
Lòng trung chứng giám đất trời
Nguyện xin hết sức hết đời mà thôi! (6)
Chiếm thành Hà Nội xong xuôi
Binh triều kẻ chết, kẻ thời tù binh
Khâm sai cụ Phan đình Bình
Liêm-Tôn... binh lính cũng trên hai ngàn.
Bên địch một lính Vân Nam
Chết vì đạn lạc…bẽ bàng biết bao!
Quân Tây kéo tới nơi nào
Quân triều bỏ trốn không sao giữ thành.
Điển hình ở tỉnh Ninh Bình
Chỉ tám tên lính hạ thành như chơi!
Trung châu bốn tỉnh đã rơi
Tay địch trong khoảng hai mươi ngày tròn.(7 )
Giáo dân được dịp rửa hờn
Thừa cơ chém giết dân lương kinh hoàng!
Tự Đức bèn cử phái đoàn
Ra ngay Hà nội xếp dàn tận nơi
Một phái đoàn khác tức thời
Vô Nam thương thuyết việc ngoài Bắc kia.
Hai bên thảo luận còn chưa…
Ngạc Nhi bị giết khi vừa xuất quân (21-12-1873)
Tại Cầu Giấy, bị chính quân
Tá Viêm phối hợp với cùng Cờ Đen. (8)
...
Cuối cùng Hòa ước hai bên
Dupré phiá Pháp, ta tên :Tuấn ,Tường
Hòa ước Giáp Tuất lại nhường (9)
Gồm hăm hai khoảng, thiệt thường về ta.
Tựu trung những điểm chính là:
Nam Kỳ Lục Tỉnh giờ ra của người (khoảngV)
Tự do truyền đạo các nơi ( khoảng IX)
Giáo sĩ ngoại quốc và người Việt Nam
Mở cửa Thị Nại, sông Hồng …( khoảng XI)
Bán buôn Hà Nội Hải Phòng tự do.
Sứ thần hai nước đặt ra:
Pháp thì ở Huế
Ta : Ba Lê-Sài Gòn! ( khoảng XX)
*
Miền Nam Sáu Tỉnh không còn
Ngoại giao-thương mại nằm trong tay người
Nhưng mà chưa hết.Than Ôi!
Chúng còn gây chuyện. Xem hồi tiếp theo!
NT2 Nguyễn Hữu Tư
o 0 o
CƯỚC CHÚ:
(1) Phêrô Trần Lục (1825-1899),
tên thật Trần Văn Hữu, sinh năm 1825, quê ở làng Mỹ Quan, tổng Cao Vịnh, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa .
Ông còn được biết với biệt danh cụ Sáu, là một linh mục Thiên Chúa giáo. Ông nổi tiếng là một giáo sĩ nhiệt thành, là người đã cho khởi công
xây dựng Nhà thờ Phát Diệm. Tuy vậy, ông cũng bị mang nhiều tiếng xấu khi hỗ trợ đắc lực cho Thực dân Pháp trong thời kỳ đầu người Pháp đô hộ
Việt Nam. Trần Lục đã hướng dẫn và cung cấp cho quân Pháp xâm lược 150 tay súng Công giáo để đánh chiếm thành lũy Ninh Bình của nước ta, và đã
huy động 5.000 giáo dân Việt Nam giúp Tây tiêu diệt chiến khu Ba Đình của anh hùng Đinh Công Tráng.
Linh mục Trần Lục đã bị lãnh tụ chống xâm lăng Phan Đình Phùng đè ra hỏi tội và đánh đòn công khai. Sau này y tham gia đánh dẹp nghĩa quân
Phan đình Phùng cùng với Nguyễn Thân và Hoàng cao Khải , Ngô đình Khả…chúng đã cho quật mộ Cụ đốt xác thành tro, trộn vào thuốc súng bắn
xuống sông La. Nhờ thành tích trên y được Pháp tưởng thưởng công lao bằng hai Bắc Đẩu Bội Tinh.
(2) Ngày 18 tháng 11,
một đâu lĩnh của nhà Hậu Lê tàn dư ở vùng Thanh Hóa đến gặp Dupuis tình nguyện làm nội ứng trong thành Hà Nội để ám sát Nguyễn Tri Phương, và
đặt 2.000 thuộc hạ nằm vùng tại Hà Nội dưới quyền sử dụng của J.Dupuis và F.Garnier
(3) Garnier
Garnier hoan hỉ viết thư cho anh trai "Tôi có toàn quyền hành động! Nước Pháp tiến lên!"
…Garnier chuyển quân ra bắc thành hai đợt, đợt đầu 83 lính, đợt hai thêm 88 lính và hai pháo thuyền (kể cả số thủy thủ và thủy binh). Tới ngày
5 tháng 11 ông ta đã đến Hà Nội trên tàu hơi nước của Dupuis, do Dupuis đi đón dọc đường. Cộng với thuộc hạ của Dupuis, gồm có 10 người Âu, 30
người Á, 150 lính đánh thuê Vân Nam và một số lính Cờ vàng, Garnier chuẩn bị đánh chiếm thành Hà Nội sau khi nhận thấy các yêu sách của mình
không đe dọa được Nguyễn Tri Phương.
(4) Phò mã Nguyễn Lâm (1844-1873)
) là con trai thứ hai của Nguyễn Tri Phương, quê tại Thừa Thiên, ham học, siêng năng, tính tình khiêm cung, được vua Tự Đức gả em gái là công
chúa Đông Xuân và phong cho chức Phò mã đô úy. Ông đang ra Hà Nội thăm cha thì quân Pháp đánh thành, ông chỉ huy giữ cửa đông nam, đúng
hướng quân Pháp tấn công vào thành. Sau khi qua đời, ông được triều đình truy tặng Binh bộ tả thị Lang, thờ vào đền Trung Nghĩa.
(5) Quan khâm sai Nguyễn Tri Phương
bị một thợ máy của chiếc tàu Lào Kay là Dillère bắt giữ rồi giao cho F.Garnier. Quan khâm phái Phan Đình Bình cũng bị bắt làm tù binh, con
của Nguyễn Tri Phương là phò mã Nguyễn Lâm tử trận. Trong số người bị quân Pháp bắt tại trận còn có hai người con trai của Phan Thanh Giản là
Phan Tôn và Phan Liêm. Đặng Siêu, lãnh binh Nguyễn Đăng Nghiễm bị quân Pháp bắt đem xuống tàu rồi giải giao vào Sài Gòn với hai người con của
Phan Thanh Giản. Tổng đốc Kiên bị bắt lại vì có 1 kẻ bội phản ở huyện Thanh Trì điềm chỉ nơi ẩn náu.
Hơn hai nghìn quân triều đình bị bắt làm tù binh. Về phía quân Pháp, chỉ có một người lính đánh thuê Vân Nam của Dupuis bị giết do bị một viên
sỹ quan Pháp bắn nhầm.
(6)Lời của đại thần Nguyễn Tri Phương
tâu lên vua Tự Đức :“Người Pháp đã giỏi về binh cơ, lại thêm tàu mạnh súng hay, mình thủ thì hơn chớ đánh thì bất lợi. Nhưng đạo làm tôi phải
trung với nước. Như kẻ hạ thần này nếu ra hòa với người ta, thật lấy làm nhục lắm! Còn đánh mà không hơn được lại là cái tội ngu thần. Vậy xin
theo ý hoàng thượng sở định, ngu thần xin cúi mình hết sức cho đến chết thì thôi, chớ có đâu dám tiếc thân già”.
(7)Thành Hà Nội thất thủ,
quân triều đình đều bỏ trốn, giặc cướp nhân dịp nổi lên. Đại úy Francis Garnier cho những tùy tùng của mình đi làm quan các nơi để chống với
quan triều đình Huế, rồi lại sai quân đi đánh lấy các tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hải Dương. Quan triều đình ở các tỉnh đều ngơ ngác không biết
thế nào, hễ thấy quân Pháp đến là bỏ chạy. Bởi vậy, chỉ có một sỹ quan là Hautefeuille và 7 người lính Pháp mà cũng hạ được thành Ninh Bình, và
chỉ trong 20 ngày mà 4 tỉnh ở Trung-châu mất cả.
(8)Francis Garnier
bị giết ở cầu Giấy ngày 21-12-1873
(9)Hoà ước Giáp Tuất 1874:
ký vào ngày 15 tháng 3 năm 1874 với đại diện của triều Nguyễn là Lê Tuấn - Chánh sứ toàn quyền đại thần, Nguyễn Văn Tường - Phó sứ toàn quyền
đại thần và đại diện của Pháp là Dupré - Toàn quyền đại thần, Thống đốc Nam Kỳ. Hoà ước gồm có 22 điều khoản với nội dung chính là thay thế bản
Hòa ước Nhâm Tuất 1862, công nhận chủ quyền vĩnh viễn của Pháp ở Nam Kỳ, lệ thuộc về chủ quyền ngoại giao, mở cửa cho Pháp tự do buôn bán tại
các cảng biển và trên sông Hồng cùng tự do truyền đạo.
Tài liệu tham khảo: (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)