Pháp chiếm ba tỉnh Miền Đông
Gặp ngay kháng cự người dân Nam Kỳ
Những cuộc khởi nghĩa liên tì
Như mưa làm nấm tức thì mọc lên.
Sau khi chiếm được Cao Mên
Pháp nghĩ phải đánh ngay liền Miền Tây.
Liên thành liền đất để vây
Diệt quân khởi nghĩa nơi nầy dễ hơn.
Tự Đức bị trói tay chân
Giặc giả miền Bắc góp phần thêm vô.
Pháp đang lúng túng âu lo *
Vừa lúc Tự Đức đem cho món quà!
Hiệp ước Nhâm Tuất xảy ra (1862)
Phong trào kháng chiến vậy là bán non!
Lần đầu Pháp chiếm Vĩnh Long
Dễ dàng như tới chỗ không có người! (23-2-1862 )
Giữ lại hơn một năm trời
Lý do là để vãn hồi trị an!
*
Đôi dòng nói tới cụ Phan (Thanh Giản)
Số mệnh gắn chặt miền Nam bấy giờ
Kinh lược trấn giữ cõi bờ
Giao thành cho giặc bất ngờ vì đâu?
Tổ tiên gốc gác bên Tàu
Nhà Minh sụp đổ, chạy vào xứ ta.
Định cư lấy vợ sinh ra
Thân sinh của cụ tên là Ngạn Phan (Phan Thanh Ngạn)
Cuộc sống nghèo khổ khó khăn
Mấy lần chuyển đổi làm ăn không thành
Cuối cùng chim đậu đất lành
Ấy là Tân Thạnh-Vĩnh Bình-Bến Tre.
Con người có số có khi
Qua cơn bĩ cực đến thì thái lai
Lấy vợ sinh đặng con trai (11-11-1796 )
Chính Phan Thanh Giản, thành tài về sau.
Thương ôi hạnh phúc chẳng lâu
Năm ông lên bảy Mẹ hầu đi xa! (mẹ mất năm 1802)
Nuôi nấng Mẹ kế thay cha
Học hành thì có sư Noa chùa làng. (nhà sư Nguyễn văn Noa)
Cha làm Thủ hạp tiểu quan
Vào tù vì bị cáo gian của người. (1815)
Biết cha lương thiện cả đời
Hàm oan, báo hiếu ông thời đệ đơn
Xin quan Hiệp trấn tên Lương
Ở tù thay thế cha đương mắc nàn.
Lòng hiếu cảm động đến quan
Cho ông điều kiện dễ dàng tới lui.
Còn khuyên chăm chỉ dùi mài
Sách đèn khuya sớm, chớ hoài tuổi xuân.
Có người nhân hậu tên Ân
Giúp cho cái mặc cái ăn học hành
Chuyện xưa Dương Lễ-Lưu Bình
Khoa thi Ất Dậu ông dành cử nhân (1825)
Năm sau tiến sĩ có chân (1826)
Là người Nam Bộ góp phần tiên phong.
Ba triều ông trải việc quan
Minh Mạng,Thiệu Trị, Anh Hoàng DựcTông. (Tự Đức)
Lúc giữ trọng trách đại thần
Khi phải quét dọn công đường vẫn vui.
Nói về Hoà ước 62 (5-6-1862)
Phan-Lâm hai cụ trọng vai sứ thần (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp)
Đại diện cho Huế triều đình
Thương thuyết hiệp ước hòa bình với Tây.
Vua ban ngự tửu tận tay
Ân cần căn dặn liệu bài mà toan
Miễn là chuộc được giang san
Dù hơn ngàn vạn lượng vàng cũng nên. (vua ấn định là 1.300 vạn lạng)
Trong lúc tiếp xúc hai bên
Phía ta bàn bạc hớ hênh thế nào
Kết quả đau đớn biết bao
Đất đai ba tỉnh lại giao cho người!
Trong triều ngoài nội rụng rời
Canh bạc thua trắng…ai đời xảy ra.
Thế rồi lại phải bôn ba
Qua Tây vạn dặm để mà nỉ năn (1863)
Ban đầu chính Nã phá Luân (Napoléon đệ tam)
Giao việc thảo luận cho phần ngoại giao
Sứ thần bàn bạc với nhau
Dự thảo hòa ước như sau: một là:
Pháp trả ba tỉnh cho ta
Ta phải nhường đứt (1)…nay là của Tây (xem phần đọc thêm)
Bồi thường hai triệu tiền ngay
Bốn mươi năm kể từ ngày chuẩn y.
Sứ bộ từ lúc ra đi
Với bản dự thảo trong khi trở về.
Được sự ưu ái mọi bề
Nhà vua hoan hỉ tức thì ban khen.
Nghĩ rằng mọi chuyện sẽ êm
Ngờ đâu giông tố nổi lên bất ngờ!
Thượng thư Laubat trở cờ (Chasseloup Laubat)
Xúi hoàng đế Pháp chối từ trả đất!
Thế là tiền mất tật mang
Đại diện Pháp báo với Hoàng đế ta:
Cứ theo hòa ước định ra
Nghĩa là đất mất, tiền ta phải thường!
Đọc lại trang sử đau thương
Ai người Việt chẳng căm hờn thực dân
Lên án cái đám vua quan
Gà què quanh quẩn bên giàn cối xay!
Văn minh thế giới phương Tây
Tiến bộ vượt bực càng ngày càng nhanh
Kỹ nghệ, quân sự... mọi ngành
Đều dùng máy móc, mạnh thành vô song
Ta chỉ giáo mác tầm vông
Làm sao đương cự thần công tàu bè!
Cụ Phan trình tấu mọi bề
Canh tân đất nước còn khi kịp người
Tiếc rằng vua muốn nghe lời
Triều thần thủ cựu kiếm lời dèm pha.
Dịp may vận nước trôi qua
Hậu quả đem lại thật là thảm thê!
Trên đường đi tới Ba Lê
Tàu vừa cặp bến Suez, lệ thường
Chủ nhà chào đón phái đoàn
19 phát súng để mừng, thì ta
Kéo cờ đáp lễ chủ nhà.
Đây điều mới mẻ mà ta chưa từng.
Chỉ lo chuẩn bị quà mừng
Quốc kỳ không có,nữa chừng tính sao?
Phân vân chưa biết cách nào
Lấy vuông lụa đỏ thêu vào tên ta (bốn chữ: Đại Nam Khâm Sứ)
Tấm khăn nguyên để gói quà
Chuyện này chỉ biết trong nhà với nhau.
“Đại Nam Khâm Sứ” về sau
Phái bộ xử dụng suốt hầu chuyến đi
Nghiễm nhiên thành lá Quốc Kỳ
Chấp kinh cũng phải có khi tòng quyền!
Phái bộ gian khổ chẳng phiền
Mà phiền một nỗi sức, tiền bỏ ra
Đất đai ba tỉnh của ta
Vẫn không chuộc được mới là đau thương!
Ổ đây nhân dịp kể luôn
Về việc ngộ nhận thông ngôn đợt nầy
Tháp tùng phái bộ đi Tây
Phải nguời thạo tiếng, nhưng ai bây giờ?
Tiếng Tây thời buổi bấy giờ
Chỉ có cha cố mới thừa khả năng
Ba Tường, Petrus Ký, Simon…(Tôn Thọ Tường- Huỳnh Tịnh Của)
Thư ký cho Pháp, thông ngôn chuyến nầy.
Triều đình thì cũng có mấy tay
Nguyễn Hoằng Linh mục đủ tài đảm đương.
Thương cho ông Nguyễn văn Trường
Thông ngôn phái bộ giữa đường mệnh chung!
Than ôi! tay áo nuôi ong
Lòng người trở tráo thật không thể ngờ!
Quyền chính nước Pháp bấy giờ
Trong tay hoàng đế Na-pồ-lê-ông (Napoléon đệ tam)
Một tay quân phiệt kiêu hùng
Tham vọng thuộc địa tranh cùng năm châu.
Dê vô miệng cọp lẽ đâu
nhả ra, mà có tốn hao chi mình?
Sai người dọ thám tình hình
Pháp hoàng quyết định chiếm liền miền Tây.
Chúng đã điều động tới đây
Tàu thuyền, lính Tập, lính Tây hơn ngàn .
Hai mươi, ta quá bàng hoàng (20-6-1886)
Mắt nhắm mắt mở, Pháp đang vây thành!
Gởi thư đòi nộp thật nhanh
Cụ Phan thế yếu nên đành phải nghe
Yêu cầu De La Grandière (Tướng Pháp chỉ huy cuộc tấn công)
Tránh cho dân chúng khỏi e sợ và
Kho tiền giữ lại để ta
Thanh toán chiến phí theo hòa ước ghi!
Cụ Phan vừa bước chân đi
Lính Tây theo gót, thành trì chiếm ngay!
(Hồng Môn Hạng-Hán trước đây
Phạm Tăng thất bại bởi tay Tử Phòng
Nếu ta cẩn mật đề phòng
Dù Tây gian trá cũng không mắc lừa )
Vậy mà y vẫn chưa vừa
Ép buộc Cụ phải viết thư khuyên hàng
Hà Tiên cùng với An Giang
Cả hai Tây chiếm dễ dàng như không!
Cọng với ba tỉnh Miền Đông
Nam Kỳ Lục tỉnh mất không thực là
Công lao xương máu Ông Cha
Mà nay con cháu để ra thế này!
Tuyệt thực 17 đêm ngày
Để phản đối việc giặc Tây nuốt lời
Ngây thơ con trẻ ai đời
Đem lòng quân tử đãi người lưu manh.
Cụ uống thuốc độc quyên sinh
Lấy cái chết chuộc tội mình, thương thay!
Dặn dò con cháu sau này
Chọn nghề làm ruộng cấy cày mà ăn
Không làm việc với thực dân.
Nỗi lòng của vị đại thần ai hay?
*
Tiếng chim sắp chết bi ai
Lời Cụ trăn trối đắng cay lạ thường!
Đồng thời nó cũng mở đường
Cho cuộc khởi nghĩa Liêm-Tôn sau này.
NT2 Nguyễn Hữu Tư
o 0 o
CƯỚC CHÚ:
(1) Minh tinh:
cái triệu đề tên tuổi, chức tước, địa vị của người chết, buộc vào một cây tre nhỏ (gọi là hóp), trương cao đi trước quan tài khi đưa đám. Viết
theo nguyên tắc “ Quỷ- Khốc- Linh-Thính, Nam Linh , Nữ Thính. Phải tránh hai chữ Quỷ, Khốc. Thông thường Nam là 11 chữ, Nữ là 12 chữ.
Trường hợp cái minh tinh của Cụ Phan gồm 9 chữ, là phạm vào QUỶ , cái thâm ý của cụ Đồ Chiểu muốn gi án tiếp biện hộ cho Cụ Phan Thanh Giản dù
đã lấy cái chết để trả cái nợ mất ba tỉnh Miền Đông, nhưng nỗi hàm oan khó giải bày, linh hồn khó siêu thoát .
(2) Đọc thêm:
…Tự Đức còn đang ấm ức vì đã mất ba tỉnh miền Đông, năm 1863 cử sứ Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguỵ Khắc Đản sang Pháp xin chuộc. Phái đoàn
sáu mươi ba người cùng vàng bạc châu báu, các đồ thượng tiến, như kiệu lớn sơn son thếp vàng và bốn cái tán làm tặng phẩm cho Hoàng Đế Napoléon
Đệ Tam cùng Nữ Hoàng Eugénie. Một sự ra đi tốn kém mà phần thắng lợi chưa sao nhìn thấy rõ. Phan Thanh Giản trước khi lên đường có hỏi ý
kiến Nguyễn Trường Tộ. Tộ thưa :"Cái điều mà triều đình cho là phúc, sẽ là hoạ đấy. Hôm nay triều đình cắn răng lấy tiền muôn, bạc vạn ra chuộc
lại ba tỉnh, thì ngày mai họ kiếm cớ lấy lại." Phan Thanh Giản tiếc không gặp Trương Vĩnh Ký trước khi xuống tàu. Trương Vĩnh Ký là thông ngôn
cho phái đoàn Pháp. Suốt cuộc hành trình, Trương Vĩng Ký rất thận trọng trong mọi giao tiếp. Thông dịch viên của sứ bộ Việt Nam là Nguyễn Văn
Trường chết trên đường đi, chôn ở Aden.
Tại điện Tuleries ngày 5-11-1863, Phan Thanh Giản đã yết kiến Napoléon Đệ Tam, dâng thư của vua Tự Đức và bầy tỏ nỗi mong ước được chuộc lại
ba tỉnh đã mất.
Hoàng đế Pháp có vẻ ưng thuận, giao cho bộ ngoại giao trực tiếp đàm đạo với sứ thần….Một hoà ước mới được thảo ra, trao cho sứ bộ Việt Nam trước
khi lên đường về. Aubaret và Trương Vĩnh Ký dịch ra Hán văn. Pháp đình cho biết hai nước sẽ thương thuyết tại Huế.
Trở về kinh đô, sứ bộ được triều đình tiếp đón trọng thể ở điện Thái Hoà. Sau khi nghe báo cáo, nhà vua coi như Phan Thanh Giản đã gỡ cho
mình mối nhục nghìn vạn năm. Tự Đức vui vẻ phong ông làm thượng thư bộ lại như cũ. Phan Thanh Giản lại tâu thêm :"Sự giầu có, mạnh mẽ và các
việc khôn khéo của nước Pháp nói không hết." Đúng là : Bá ban xảo kế, tề thiên địa. Duy hữu tử sanh, tạo hoá quyền. (Trăm nghề khéo léo bằng
trời đất. Duy việc sống chết, để quyền cho tạo hoá).
Phan Thanh Giản thừa dịp ấy tâu xin vua nên canh tân đất nước, gửi sinh viên ra ngoại quốc học, mở rộng giao thương, và không ngăn cản việc
truyền đạo. Tự Đức không trả lời. Bọn nịnh thần to nhỏ chê bai Phan Thanh Giản mới đi nửa năm mà đã thần phục người Pháp sát đất, còn nói gì đến
việc chống lại họ để giữ nước. Ra về ông buột miệng than :
Từ ngày đi sứ tới Tây Kinh,
Thấy việc Âu Châu phải giật mình.
Kêu rú đồng ban, mau tỉnh dậy,
Hết lòng năn nỉ, chẳng ai tin.
Aubaret mở cuộc thương thuyết cùng Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, Phan Huy Vỵnh về một hoà ước mới từ ngày 16-6-1864 đến ngày 15-7-1864.
Hai bên đã thoả thuận ký hiệp ước trước khi chia tay :
1. Hoàng đế Pháp chịu trả lại cho Hoàng đế Đại Nam quyền cai trị ba tỉnh Gia Định, Biên Hoà và Mỹ Tho.
2. Việt Nam nhường đứt cho Pháp các nơi dưới đây :
. Thành phố Sài Gòn Chợ Lớn,
. Đồn Thủ Đầu Một,
. Đồn Mỹ Tho,
. Dòng sông nhà giây thép,
. Bãi Gánh Rái (Vũng Tàu),
. Sông Sài Gòn,
. Núi Nùa (Bà Riạ),
. Đảo Côn Sơn.
3. Mỗi năm Việt Nam phải trả cho Pháp hai triệu quan trong 40 năm liên tiếp, hoặc bằng tiền hoặc bằng sản vật có giá tương đương.
Vua Tự Đức hài lòng.
Trong lúc ấy, Chasseloup Laubat thượng thư bộ hải quân kiêm bộ thuộc địa Pháp, nhìn thấy một đồng bằng phì nhiêu mênh mông từ bốn tỉnh Nam
Kỳ qua Cao Mên, cùng với con sông Cửu Long nối qua lục địa sang Trung Hoa, tơ lụa phong phú và được ưa chuộng. Chasseloup Laubat dâng sớ tâu
rõ mọi việc lợi hại và xin Hoàng Đế vì quyền lợi của Đại Pháp mà từ chối việc trả đất cho triều đình Huế. Napoléon III là người không quyết định,
hay thay đổi, người nào nói chuyện với ông ấy lần chót là người ấy có lý. Dẫu đang thiếu hụt ngân sách trầm trọng và một cuộc chiến tranh Pháp
Đức có cơ bùng nổ một ngày gần đây, Napoléon III quyết theo lời cầu khẩn của Chasseloup Laubat.
Tháng 2-1865, năm Tự Đức thứ 16, Aubaret trở ra Huế báo với Tự Đức rằng Hoàng Đế Pháp nghĩ lại, xin vua Đại Nam cứ y nguyên hoà ước Nhâm
Tuất thi hành. Tự Đức lặng người. Nhà vua không ngờ người Tây dương tráo trở như thế. Liền lúc ấy, triều đình nhận được một tin khẩn cấp của Tổng-
đóc Vĩnh Long Trương Văn Uyển về ý đồ người Tây dương trước ba tỉnh miền Tây. Cả đình thần nhốn nháo.
Tự Đức hỏi :"Chiến thì chiến cách nào đây? Chiến mà thắng nổi, con dân ta đâu sợ hao xương tổn máu ? Còn hoà ? Hoà trong thế bại, chúng ép ta
trăm bề. Người cẩn trọng như Phan Thanh Giản, còn để họ lừa mà không biết."
Quần thần đề nghị vua cử Phan Thanh Giản vào kinh lý trong Nam. Tự Đức nhìn Phan Thanh Giản phán :"Trẫm phong khanh làm hiệp biện đại học
sĩ, hộ bộ thượng thư, sung kinh lược sứ, ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Từ nay trẫm tha tội cách lưu."
Trích từ tài liệu PHAN THANH GIẢN hay Cuộc Hoà Bình Dang Dở PHÁP VIỆT 15-07-1864 tác giả VĂN BÁ
(tức Bác sĩ Nguyễn Văn Ba-Paris)