Nguyễn Chơn vốn là người Phù Cát (Bình Định)
Theo Ông, Cha phiêu bạt vào Nam
Làm nghề chài lưới độ thân
Trú tại Bình Nhựt -Tân An qua ngày. (Long An)
Buổi giặc Pháp thường hay bắn phá
Trên sông ngòi biển cả nước ta
Cuộc sống ngày một khó ra
Phải xuôi Tân Thuận, huyện là Đầm Dơi .(Cà mau)
Ông tính tình vốn người ngay thẳng
Thầy đổi thành Trung Trực làm tên
Yêu thích võ nghệ tập rèn
Có nhiều sức mạnh lại thêm rộng lòng.
Đã can đảm,tinh thông mưu lược
Thấy Tây Tà ngang ngược càng đau
Tìm người chí hướng cùng nhau
Sung vào hệ thống …đứng đầu quan Kinh. (Kinh Lược Sứ Nguyễn Tri Phương)
Thành Kỳ Hòa thình lình nổi sóng (tháng 2-1859)
Dưới quyền Trương Công Định chỉ huy
Lập công phong chức một khi
Quyền sung Quản đạo gọi thì Quản Chơn.
Đã lập được chiến công rực rỡ
Làm quân thù vừa sợ vừa kinh.
Kỳ Hòa tan tác quan binh (25-2-1861)
Ông cùng đồng đội lánh mình Tân An.
Thành Mỹ Tho còn đang tay giặc (từ 12-4-1861)
Tây vô ra kiểm soát thường xuyên
Chiếc tàu Hy Vọng ngang nhiên (Espérance)
Án sông Nhật Tảo ngay miền Long An.
Nhằm giảm bớt uy phong của địch
Hưởng ứng theo lời Hịch Trương công
Nhân lúc địch nó bất phòng
Giả thuyền buôn bán tấn công thình lình! (trưa ngày 10-12-1861)
Là ngọn lửa bất bình đốt cháy
Bốn hai người thoát chạy năm tên!
Chiến công lừng lẫy nêu trên
Sử sách triều Nguyễn ghi lên hàng đầu.
Đã để lại trong đầu người Pháp:
Sự kiện làm quân giặc đớn đau
Người Nam phấn chấn biết bao
Viết nên khúc nhạc mở đầu đấu tranh!
Khi ba tỉnh Miền Đông bị mất (Hòa ước Nhâm Tuất 1862)
Ông rút về hoạt động Miền Tây
Triều đình phong chức liền ngay (1867)
Lãnh Binh, trấn giữ đất nầy Hà Tiên
Cuối tháng sáu lại liền thất thủ (23-6-1867)
Đem quân về cố giữ Hòn Chông
Bất ngờ đánh úp Kiên Giang (16-6-1868)
Giết quan tư Pháp,Việt gian, Mã tà…
Địch bị diệt tính ra bảy chục
Súng ống thì thu được cả trăm
Số ngày chiếm giữ là năm
Chiến thắng vang dội tiếng tăm khắp vùng.
Lần đầu tiên trong lòng địch đóng
Đoàn Nghĩa binh trống gióng chiên khua.
Niềm vui mới nhóm thì vừa
Giặc Tây điều động binh từ Vĩnh Long.
Tổng đốc Phương cùng Trần Bá Lộc
Hai tay Việt gian gộc Miền Nam
Thêm Huỳnh văn Tấn tham tàn
Đều phường bán nước một đàng theo Tây!
Đem quân nó cùng bầy vô loại
Phản công rồi chiếm lại Kiên Giang (21-6-1868)
Nghĩa binh chống trả gian nan
Rút về Phú Quốc bảo toàn dân binh.
Lập chiến khu quân mình Cửa Cạn
Với mục đích chống hạn dài lâu
Huỳnh Tấn hai tháng về sau (9-1868)
Với trăm rưởi lính được tàu chở ra.
Chúng bao vây đánh nà Phú Quốc
Bắt thường dân, hương chức phải theo
Hai bên giữ miếng với nhau
Vì cạn lương thực, rút sâu vô rừng.
Thật oái ăm, anh hùng gặp nạn
Giống cảnh chàng Từ Thứ ngày xưa
Mẹ già như hạt móc mưa
Công ơn phụng dưỡng còn chưa báo đền!
Chữ Hiếu-Trung hai bên vai nặng
Nợ non sông khăn khắn trong lòng
Sá chi một trận thư hùng
Nhưng còn chiến hữu cậy trông sao đành!
Thế đã vậy, dữ lành chịu đành vậy.
Đem mạng nầy đổi lấy ba quân
Cũng là trả hiếu mẫu thân
Quyết đem cái chết quân ân báo đền!
Ông bị giặc hành hình giữa chợ (Rạch Giá)
Khi tuổi vừa đang độ ba mươi (27-10-1868)
Vẫn còn truyền tụng miệng đời
Giây phút oanh kiệt của người hùng anh:
Tại pháp trường bao quanh dân chúng
Từng lời thơ hùng dũng ngân vang
Nợ nước còn vẫn dở dang
Mối “ thù hận chang chang chẳng đội trời!”*
Ông trả lời cho viên Thống soái
Đầy kiêu hùng thống khoái hiên ngang:
“Bao giờ còn cỏ nước Nam
Thì người dân Việt vẫn còn đánh Tây”!
Ông bình thản phút giây tử biệt
Đưa mắt nhìn cảnh đẹp quê hương,
đồng bào...trước lúc lên đường
Thần uy trùm cả pháp trường lặng thinh.
Ôi anh linh của người tuẩn quốc
Vẫn như còn lẩn khuất đâu đây
Trăm năm lặp lại vận nầy
Xin giúp dân tộc thoát ngày lao lung!
NT2 Nguyễn Hữu Tư
o 0 o
CƯỚC CHÚ:
Câu nói lưu danh:
Khi ông bị người Pháp giải về Sài Gòn, viên thống soái Nam Kỳ lúc bấy giờ vừa dụ hàng vừa hăm dọa, Nguyễn Trung Trực đã trả lời rằng:
“Thưa Pháp soái, chúng tôi chắc rằng chừng nào ngài cho trừ hết cỏ trên mặt đất, thì mới may ra trừ tiệt được những người ái quốc của xứ sở
này.”
Và trước khi hy sinh, ông còn khẳng khái nhắc lại:
Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây.
Khen ngợi
Danh sĩ Nguyễn Thông viết: “Nguyễn Văn Lịch tính thâm trầm, nghiêm nghị và can đảm…”. (truyện Hồ Huân Nghiệp trong Kỳ Xuyên văn sao)
Paulin Vial kể:
Trong khi Đại úy hải quân Piquet, thanh tra bổn quốc sự vụ chất vấn ông Trực, ông Trực tỏ ra rất cương quyết và rất đàng hoàng chính đáng. Các
câu trả lời của ông đã cho thấy một cách chính xác phẩm chất của con người đó, người đã đóng một vai trò đáng kể.
Ở đoạn văn khác, Paulin Vial khen ngợi:
Nguyễn Trung Trực là “người rất tự trọng, có tư cách đáng quí và đầy nghị lực”, là “người có gương mặt thông minh và dễ có thiện
cảm” là “một người chỉ huy trẻ tuổi, rất can đảm, chống nhau với ta ngót mười năm trời".
Alfred Schreiner cho biết:
Trong suốt thời kỳ bị giam cầm, ông Trực không có lúc nào tỏ ra yếu đuối cả, một cách thẳng thắng và đàng hoàng, ông công nhận các chiến công
của ông và cũng nhận là đã khinh thường sức mạnh của Pháp. Ngoài ra, ông chỉ yêu cầu ban cho ông một ân huệ, ấy là được xử tử ông ngay tức
khắc.[22]
Trong một bài thơ điếu, Huỳnh Mẫn Đạt có câu:
Anh hùng cường cảnh phương danh thọ
Tu sát đê đầu vị tử nhân.
Dịch nghĩa:
Anh hùng cứng cổ danh thơm mãi
Lũ sống khom lưng chết thẹn dần.
Tương truyền, được tin ông thọ tử, vua Tự Ðức sai hoàng giáp Lê Khắc Cẩn làm lễ truy điệu, đọc bài điếu với chính bút ngự rằng:
Ký bi ngư nhân
Hùng tại quốc sĩ
Hỏa Nhựt Tảo thuyền
Ðồ Kiên Giang lũy
Ðịch khái đồng cừu
Thân tiên tự thỉ
Hiệu khí cổ kim
Thử nhân nam tư
Xích huyết hoàng sa
Ô hô dĩ hi
Huyết thực thiên thu
Chương nhữ trung nghĩa.
Thái Bạch dịch:
'Giỏi thay người chài
Mạnh thay quốc sĩ
Đốt thuyền Nhật Tảo,
Phá lũy Kiên Giang.
Thù nước chưa xong
Thân sao đã mất
Hiệu khí xưa nay
Người nam tử ấy
Máu đỏ, cát vàng
Hỡi ơi thôi vậy
Ngàn năm hương khói,
Trung nghĩa còn đây.
Và cũng chính nhà vua này đã sắc phong ông làm Thượng Ðẳng Linh Thần, thờ tại làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá nơi ông đã hiên ngang thà chịu
chết chớ không chịu đầu hàng Pháp. Đã rất nhiều năm qua, dân làng Vĩnh Thanh Vân, nhất là những ngư dân, luôn tôn kính và tự hào về Nguyễn
Trung Trực, một người xuất thân từ giới dân chài áo vải, vậy mà đã trở thành một vị anh hùng, đúng với ý nghĩa:"Sống làm Tướng và chết làm
Thần!" và "anh khí như hồng", nghĩa là khí tiết của người anh hùng rực rỡ như cầu vồng bảy sắc.
Tưởng nhớ
Sau khi ông bị hành hình, dân chúng cảm thương vô cùng nên đã bí mật thờ ông như một vị anh hùng trong đền thờ Nam Hải đại vương (cá Ông hay cá
Voi), chính là ngôi đền thờ Nguyễn Trung Trực tại thành phố Rạch Giá hiện nay.
Và khi người Pháp không còn cai trị Việt Nam, vào năm 1970, nhân dân địa phương đã lập tượng Nguyễn Trung Trực bằng đồng, màu đen đặt trước "chợ
nhà lồng" Rạch Giá (cũ). Hiện nay, tượng thờ này được sơn lại màu nâu đỏ, và đã được di dời vào trong khuôn viên khu đền thờ của ông tại thành
phố Rạch Giá. Năm 2000, người ta đã cho làm một tượng mới bằng cũng bằng đồng lớn hơn, màu xám, để thay thế, và khu "chợ nhà lồng" mà sau này nó
còn có tên là "Khu thương mại", cũng đã di dời nơi khác để nơi đó trở thành công viên.
Nhiều tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long... nhân dân đã lập đền thờ ông và hằng năm đều có tổ chức lễ tưởng niệm trọng thể. (Đình Nguyễn Trung
Trực tại Rạch Giá tổ chức lễ giỗ vào các ngày từ 27 đến 29 tháng 8 âm lịch. Đình và mộ nơi này đã được công nhận là di tích Lịch -Văn hóa cấp
quốc gia vào ngày 06 tháng 12 năm 1989).
Gia quyến: Cha mẹ
Tương truyền, Nguyễn Trung Trực rất có hiếu với mẹ. Là con trưởng, hàng ngày ông phải đi đánh bắt cá để có tiền phụ giúp gia đình. Theo sách
Hỏi đáp cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực, lúc ông đến ở Tà Niên, chuẩn bị tấn công đồn Kiên Giang, ông đã đưa mẹ đến ẩn náu ở nhà ông
Dương Công Thuyên ở chợ Rạch Giá. Đến khi rút Hòn Chông, ông cũng đưa mẹ đi theo. Chỉ đến khi vượt biển ra đảo Phú Quốc, ông mới đành phải để mẹ
ở lại.
Không bắt được ông, thực dân Pháp đã sai người bắt mẹ ông, rồi tìm mọi cách để bà viết thư khuyên con ra hàng, nhưng bà không nghe. Về sau,
biết tin con ra hàng, bà tức giận thổ huyết mà chết. Nhưng có người lại nói rằng mẹ ông không bị quân Pháp bắt. Đây là chuyện bịa để buộc ông vì
chữ hiếu mà ra hàng. Lúc Pháp tấn công Hòn Chông, thì bà đã đi lánh nạn ở đâu không rõ. Nhưng sau đó bà về ẩn náu ở Tân Thuận (nay là xã Tân
Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) rồi mất ở đó.
Cũng theo sách này, cha Nguyễn Trung Trực mất sớm, bỏ lại 8 người con khiến mẹ ông phải sớm hôm tảo tần vất vả . Nhưng theo câu chuyện còn lưu
lại trong họ tộc cha ông Trực không mất sớm. Bởi sau khi Nguyễn Trung Trực bị bắt ở Phú Quốc, ông vẫn còn sống để đưa gia đình mình và gia đình
của các nghĩa quân xuống ghe về ẩn náu ở Cà Mau. Khi chồng đi, bà Tô Kim Hồng (sách Hỏi đáp cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực ghi là
Lê Kim Hồng, tức mẹ ông Trực), vẫn còn ở lại Hòn Chông, trong sự quản thúc của chính quyền thực dân và bà đã mất ở đó. Mãi sau này hài cốt của
bà mới được cải táng về nằm bên cạnh chồng ở Cà Mau. Hiện nay, hậu duệ của dòng họ Nguyễn Trung Trực đông đúc cả ngàn người, sống rải rác ở khắp
nơi, nhưng tập trung đông nhất là ở hai xã Tân Đức và Tân Tiến, huyện Đầm Dơi.
Vợ con
Cũng theo lời kể thì ông có người vợ tên Điều (tục gọi là bà Đỏ. Có nguồn cho rằng bà Điều và bà Đỏ là hai chị em ruột chứ không phải một người),
người làng Minh Lương (nay thuộc huyện Châu Thành, Kiên Giang). Bà Điều là người đã từng theo sát ông trong suốt thời gian chống Pháp ở Kiên
Giang. Có lần bà đi do thám đồn Săn Đá ở Rạch Giá, bị đối phương bắt được, nhưng Nguyễn Trung Trực đến giải cứu kịp. Sau, bà bị bắt lần nữa, bị nhốt
trong khám lớn Rạch Giá, mãi đến khi ông Trực đánh chiếm đồn bót trên (1868) mới giải thoát cho bà. Chưa rõ hai người có con hay không, bà đã
hy sinh ở đâu và lúc nào.
Khi ở đảo Phú Quốc, ông có thêm một vợ tên là Lê Kim Định (tục gọi bà Quan Lớn Tướng), sinh được một trai nhưng chết non. Hiện còn mộ và đền thờ
của bà ở Cửa Cạn (Phú Quốc) .Theo lời kể, thì khi nghĩa quân bị vây khổn vào năm 1868, bà Định đã dùng ghe theo dòng sông Cửa Cạn để ra biển về
đất liền. Nhưng chẳng may gặp đoạn sông bị cát lấp, ghe của bà bị mắc lại, không đi được. Kiệt sức, bà sinh non trong một đêm mưa bão, và rồi bị
băng huyết mà chết. Hài nhi sinh non cũng chết theo. Có người tìm gặp cả hai thi hài, đem giấu vào một bọng cây. Đến khi yên ổn, người dân mới
đem hài cốt hai mẹ con bà chôn cất tử tế tại bãi Ông Lang. Mộ bà được gọi là mộ Bà Lớn
Trong biên bản hỏi cung khi ông Trực bị giam ở khám lớn Sài gòn có câu: ...Số phận tôi đã đầy đủ, tôi đã không thành công trong việc cứu
nguy nước tôi, tôi chỉ xin một điều là người ta kết liễu đời tôi càng sớm càng tốt và mong rằng người ta cho những đứa con của tôi lên Sài Gòn.
Nếu căn cứ vào câu này, thì ông Trực có ít nhất hai ba đứa con, nhưng cuộc đời của họ sau này ra sao, không thấy tài liệu nào nói đến.