Tao sống đến ngày cuối cùng cuộc chiến
Được cái hơn mầy nhìn thấy đau thương
Đành làm người ngu đổ thừa vận nước
Uổng cả tháng ngày gối đá nằm sương
Mầy hơn tao vì mầy đã chết
Hưởng chút lễ nghi, hưởng chút ân cần.
(Thơ Trạch Gầm)
Tôi xin mượn ba phần tư ý thơ của ông Trạch Gầm gởi bạn ông
ta để gởi bạn tôi, cố Đại Úy Phạm Đức Thắng. Tôi gọi là ba
phần tư ý thơ bỡi vì bạn tôi cũng đã ra đi, nhưng ra đi trong tức
tưởi, âm thầm. Không có chút “lễ nghi”, không có chút “ần cần”
nào dành cho người lính nằm xuống vào tối ngày 28 tháng tư
năm 1975, khi mà cả đơn vị và đồng đội của anh đang ngập
trong biển lửa, đang cố giữ vững tay súng và cũng đang theo
nhau nằm xuống để trả cái giá danh dự cho Tổ Quốc của những
người lính đúng nghĩa.
Đề tựa tôi dùng cho bài viết này có thể kỳ cục với nhiều người,
nhưng chắc nó gần gũi, thân quen với những người lính. Cho tôi
được một lần gọi lại bạn tôi bằng cái ám danh truyền tin quân đội
mà chúng tôi vẫn thường gọi nhau suốt hai năm dài sống chết
bên nhau. Tôi gọi bạn tôi để nói với anh rằng đồng đội không bao giờ quên anh. Tôi có nhiều lý do để nói như vậy. Thứ nhất,
bài viết này - với tôi - là một biệt lệ, được viết theo “đơn đặt
hàng” của các anh em thuộc khóa hai, trường sĩ quan Chiến
Tranh Chính Trị Đà Lạt, những người bạn cùng khóa gần bốn
mươi năm trước của Phạm Đức Thắng vẫn luôn nhớ đến anh và
vẫn muốn được một lần nhắc lại về anh; kế nữa, với tôi, đây
không phải lần đầu tiên tôi viết về Thắng.
Nhiều năm trước đây, trong bài “Tây Ninh Chút Còn Lại Trong
Lòng Một Người Lính” khi nhắc đến trận đánh bi hùng ở Suối
Đá, tôi có viết về cái chết hào hùng của chuẩn úy Trần Hồng Thu
và nguyên một tiểu đội vũ khí nặng 8 người của em và có đề cập
đến người chỉ huy trẻ đầy lý tưởng của những chiến sĩ can
trường này. Bài viết có đoạn:
Đại đội ba và Chuẩn úy Trần Hồng Thu đã làm đúng theo
lời nhật lịnh của mình, không tiến được cũng không lùi một
bước, quân đội không rườm rà bóng bẩy gì cả gọi như thế là
ngon lành. Không ngon sao được, đại đội ba do Trung úy Thắng
“mát” nắm mà. Xin lỗi bạn, bạn biết đó, khi đặt hỗn danh cho
bạn không ai coi bạn là bất bình thường, bạn chỉ khác thường
thôi. Không khác thường mà xuất thân từ lò Chiến Tranh Chính
Trị, đàn anh khóa hai, được đào tạo để đánh giặc bằng cái đầu,
cây viết và ba tấc lưỡi, bạn đã xin xuất ngành để trở thành lính
bộ binh, ám số chuyên nghiệp 240 để nắm đại đội. Ước mong
của bạn thật nhỏ: được coi Tiểu Đoàn để chấm dứt tình trạng bắt
anh em đi lính cho Câu Lạc Bộ. Lính khổ quá, buồn quá, nghỉ
ngơi ở đâu một chút, xe Dodge của hậu cứ chở hàng lên giá nào
cũng mua, cỡ nào cũng chơi, ký sổ mà, và đến cuối tháng, từ bàn
ông sĩ quan tài ngân, bước qua bàn ông quản lý câu lạc bộ và nhẹ
túi bước ra ngoài nên lính đùa là đi lính cho câu lạc bộ. Thắng
muốn dẹp nạn móc túi người lính và chỉ có thể làm được khi
mình có quyền; tiếc thay anh chưa kịp “cưu” anh em thì chính
anh đã bỏ anh em. Chiều tối ngày 28 -4-1975, Trung úy Phạm
Đức Thắng đã trở thành cố đại úy.
Phạm Đức Thắng, khóa 2 Trường Đại Học Chiến Tranh Chính
Trị, ra trường năm 1971. Vào thời điểm này, những sĩ quan chiến
tranh chính trị, có trình độ đại học xuất thân từ ngôi trường
chuyên nghiệp này không nhiều - trên dưới năm trăm người -
Những hạt giống hiếm quí này, một phần được phân phối về
Tổng Cục hay các Cục trực thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính
Trị, một số khác phục vụ tại các Tiểu Đoàn Chiến Tranh Chính
Trị thuộc các Quân Đoàn hay các Khối Chiến Tranh Chính Trị,
thuộc các quân binh chủng, Sư Đoàn, Tiểu Khu, Trung Đoàn…
nhưng phần lớn những sĩ quan được đào tạo chuyên nghiệp
(chính qui) này được điều động về cấp Tiểu đoàn, thậm chí cấp
Đại đội bộ binh tác chiến. Thắng là một trong số những người
này. Thiếu Úy Phạm Đức Thắng đã phải làm quen với chiến
trường một thời gian ngắn trong cương vị Trung Đội Trưởng
trước khi được phục vụ đúng ngành đào tạo: Đại Đội Phó Chiến
Tranh Chính Trị, thuộc Tiểu Đoàn 3/46 Sư Đoàn 25 Bộ Binh.
Trên nguyên tắc, ngành Chiến Tranh Chính Trị được đánh giá
cao trong tổ chức quân đội và các cán bộ Chiến Tranh Chính Trị
có mặt ở khắp các đơn vị, tuy nhiên, ở các đơn vị tác chiến,
những sĩ quan xuất thân từ ngành này chỉ làm nhiệm vụ chuyên
môn trong cương vị phụ tá cho đơn vị trưởng như Đại Đội Phó,
Tiểu Đoàn Phó, Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị. Họ chỉ
làm Đơn Vị Trưởng khi đã chuyển ngành cho thích hợp và
Thắng cũng ở trong trường hợp này. Đầu năm 1973, Trung Úy
Phạm Đức Thắng, với ám số chuyên nghiệp 240 bộ binh trở
thành Đại Đội Trưởng, Đại Đội 3 Tiểu đoàn 2/46, Sư Đoàn 25
Bộ Binh.
Sư Đoàn 25 Hành Khúc có đoạn: “Đây sư đoàn 25, từ ven đô, đi
Long An, về Bầu Tre, Tây Ninh lập thêm chiến công….” và
Hùng Ca 2/46 khẳng quyết “Long An giúp dân, giúp dân, giúp
dân, Tây Ninh trấn biên, trấn biên, trấn biên…đây Campuchia
xông pha bao lần…” Thắng đã bao lần ngẩng cao đầu, mắt sáng
quắc, cùng anh em hát to lời tâm nguyện mà đơn vị đã kỳ vọng
ủy thác và đã kiêu hảnh mang cái phù hiệu “Sét Miền Đông” với
cái mặt trời đỏ và tia chớp vàng dũng mãnh lao vào các chiến
trường lừng danh trong khu vực trách nhiệm của đơn vị ở Củ
Chi, An Nhơn Tây, Trung Lập, Hố Bò, Chà Rầy, Bời Lời, Tầm
Đinh, Sa Nhỏ của Hậu Nghĩa. Ngã Ba Đất Sét, Cổng Đen, Suối
Ông Hùng, Cầu Khởi, Dầu Tiếng, Cầy Siêng, Trại Bí, Suối Đá,
Phước Tân, Trãng Sụp, Ba Thu, Mỏ Vẹt của Tây Ninh và cũng
đã bao lần rời ranh giới khu vực trách nhiệm cùng đơn vị bạn
vượt giòng sông máu Thị Tính để tái chiếm An Điền, Rạch Bắp,
Căn Cứ 82 hay theo quốc lộ 13, vựợt Lai Khê, Chơn Thành, Suối
Tầu Ô hướng về An Lộc. Ngoài chiến trường, Phạm Đức Thắng
có cái liều lĩnh, táo bạo của một sĩ quan trẻ tuổi, độc thân đầy ắp
lý tưởng và trách nhiệm, nhưng cũng không bao giờ hành sử với
bạn, với thù ra ngoài cái giới hạn mà trường mẹ đã dạy theo lời
Thánh Tổ Nguyễn Trãi: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy
chí nhân mà thay cường baọ”. Như vậy đó, Phạm Đức Thắng đã
sống những ngày đáng sống, đã sống để không hổ thẹn với chính
mình, với đồng đội và với tổ quốc.
Sáng ngày 24 tháng tư năm 1975, Tiểu Đoàn 2/46 rời Gò Dầu
Hạ, cùng Chi đoàn 2/10 Thiết kỵ nhận lệnh tăng phái cho Tiểu
Khu Hậu Nghĩa. Người lính cuốn mìn, lấp hố, lãnh đủ hai lần
cấp số đạn và ba lô lên vai hướng về khu vực trách nhiệm mới.
Hậu Nghĩa như đang trong lò lửa nóng, cái tỉnh lỵ ven đô nghèo
nàn xơ xác này như một cái gai cần xóa bỏ bằng mọi giá trong ý
đố ép sát và cô lập thủ đô của Bắc quân. Hậu Nghĩa bị bao vây từ
nhiều phía, bị pháo kích từ nhiều vị trí và nhiệm vụ của 2/46 là
hành quân giải tỏa áp lực địch, mở rộng vành đai an ninh cho thị
xã, hướng tiến quân là ngã ba Tân Mỹ, là nhà máy đường Hiệp
Hòa, là Đức Hòa, Đức Huệ.
24 tháng 4 - 75, tổ quốc chênh vênh bên bờ vực thẳm, lúc này
lúc khác, chỗ nọ chỗ kia, qua tin tức từ hậu cứ, qua báo chí nhận
được những lần tiếp tế hiếm hoi, qua những chương trình phát
thanh từ các chiếc máy nhỏ cầm tay thì thầm giữ khuya, người
lính biết vùng một đã mất, cao nguyên đã di tản, Qui Nhơn, Nha
Trang, Phan Rang, Phan Thiết đã không còn, Bình Long, Ph ước
Long đã không còn, Sài Gòn đã bất ổn. Người lính biết lãnh đạo
quốc gia đã thay đổi, lãnh đạo quân đội đã thay đổi, người Mỹ đã
có kế hoạch ra đi, nhiều người có chức quyền đã ra đi, phòng
tuyết Xuân Lộc đã khó còn giữ vững. Tất cả, tất cả là những thực
tế làm quặn lòng người lính. Tuy nhiên, người lính không có thì
giờ để nghĩ nhiều, người lính cũng không ảo tưởng gì về những
nghĩa vụ lớn lao cứu dân cứu nước, người lính chỉ biết danh dự
của những chiến sĩ Cộng Hòa và trách nhiệm của từng người đối
với đơn vị, đối với những đồng đội nhỏ nhoi tội nghiệp như
nhau. Người lính giữ vững tay súng, bò lên, trườn lên, rất nhiều
người có thể ngã xuống để chiếm lại từng tất đất, giữ từng mái
nhà, bảo vệ từng người dân. Đó là danh dự, cái danh dư thiêng
liêng mà người lính quyết bảo vể cho dẫu chỉ còn một hơi thở,
cho dẫu ngày mai không biết rồi sẽ ra sao. Tôi không đại ngôn
lớn lối ca tụng về một quân đội đã không còn, về một tập thể mà
tôi có mặt. Tôi chỉ nói từ những kinh nghiệm máu xương về
những giờ phút lịch sử, chua cay mà kiêu hãnh, thay cho những
người đã nằm xuống như bạn tôi Phạm Đức Thắng, hay thay cho
hàng hàng lớp lớp những người lính đã chiến đấu đến những
giây phút cuối cùng, sẵn sàng nằm xuống không rụt rè, không
hối tiếc hay đã ứa lệ buông súng chỉ đến khi không còn ai chỉ
huy, không còn một vùng đất nhà, không còn một đơn vị bạn
nào để tìm tới họp đàn.
Tôi gặp - đúng ra phải nói là nhìn thấy Phạm Đức Thắng lần
cuối cùng chiều ngày 28 tháng tư. Tiểu đoàn 2/46 nhận lệnh về
bảo vệ Tiểu Khu, bảo vệ Tòa Hành Chánh, bảo vệ Trung Tâm
Yểm Trợ Tiếp Vận. Tôi điều động anh em vào vị trí được chỉ
định, ở một hướng khác không xa lắm, Thắng cũng đang làm
một việc tương tự, chúng tôi nhìn thấy nhau và dơ tay lên cao để
chào nhau. Những lúc sau này chúng tôi ít có dịp gặp gỡ, chuyện
trò. Họa hoằn lắm mới có những phút tao ngộ tình cờ ngắn ngủi
trên đường chuyển quân và thường chúng tôi cũng chỉ cầm tay
nhau, nhìn nhau trong im lặng như thầm nói với nhau một ước
hẹn gắn bó không lời, như an ủi, như khích lệ nhau.
Thành phố đang trong biển lửa, đạn pháo làm kho đạn nổ, kho
xăng cháy và nhà cửa, đường sá sụp đổ, thủng nát. Tôi đi một
vòng tuyến nhìn anh em binh sĩ lầm lũi đào hầm, căng mìn, nhìn
thường vụ cắt gác, nhắc nhở chuyện nọ chuyện kia. Tôi xót xa
nhìn những toán tiền đồn lặng lẽ tiến về các vị trí án ngữ xa xa.
Người lính u uẩn mà kiên gan làm phận sự của mình. Chín giờ
đêm 28 tháng 4 - 75, tôi gọi Phạm Đức Thắng trên hệ thống liên
lạc nội bộ của đơn vị, người trả lời tôi là 53 B -11 Mạnh Mẽ
(Đại đội phó đại đội 3, Thiếu uý Mưu). Tôi được Mưu nghẹn
ngào trả lời 53 đi rồi 51 khi tôi hỏi thăm về Thắng. Ống liên hợp
rung lên trong tay tôi, đầu óc tôi lùng bùng. Tôi loáng thoáng
nghe Mưu kể về đợt pháo hỏa tập của đối phương vào vị trí đóng
quân, về trái đạn delay xuyên thủng hầm chỉ huy ngay phút đầu
tiên và Thắng đã tức tưởi rời xa chúng tôi không một lời từ giả.
Tôi buồn lắm nhưng có những lúc ngoài mặt trận người lính
không có thì giờ để buồn, cũng không được phép buồn. Tiếng
đạn pháo vẫn rít trên đầu, những quả đạn chạm nổ vẫn lóe sáng
chỗ này, chỗ khác. Tôi phải trở về với thực tế, hò hét nhắc nhở
anh em chuyện nọ chuyện kia và tự hứa với lòng sẽ ghé bệnh xá
Tiểu khu thăm Thắng vào sáng hôm sau. Điều tự hứa của tôi
không bao giờ còn thực hiện được. Buổi sáng ngày 29 tháng 4,
pháo kích của đối phương tăng cường độ, những toán tiền đồn
báo cáo phát hiện bộ binh phương Bắc đã xuất hiện ở nhiều nơi.
Tiếng súng tấn công đã nổ rộ từ nhiều phía. Dân chúng hoảng
loạn nhốn nháo. Liên lạc vô tuyến với chiến đoàn thưa dần rồi
ngưng hẳn. Tiểu đoàn 2/46 tự quyết định bảo vệ và hướng dẫn
dân chúng triệt thoái khỏi Hậu Nghĩa trưa ngày 29 tháng 4, năm
1975. Phạm Đức Thắng và nhiều anh em khác đã nằm lại nơi đó.
Thân xác bạn có thể đã bị vùi lấp đâu đó trong một ngôi mộ tập
thể vô danh vào những giờ phút hỗn mãn của thời cuộc, còn lại
chăng là chút hồi ức buồn, luôn đậm nét trong lòng những người
thân và những chiến hữu một thời sống chết bên nhau.