Mùa thu đã về với đất trời nên khí trời Colorado se lạnh, những hoạt động ngoài trời không còn
thu hút tôi. Mỗi ngày sau khi đi làm về hoặc những ngày nghỉ cuối tuần tôi thường ngồi xem TV hay
trùm chăn nằm đọc sách. Với số tuổi tôi đang có, tôi đã thực sự bước vào mùa thu của cuộc đời nên
vấn đề chiêm nghiệm sự thăng trầm trong đời sống của con người nói chung và của cá nhân tôi nói
riêng, là điều rất thú vị; do đó, tôi đã dành nhiều thì giờ nằm đọc sách hơn là ngồi dán mắt vào
màn ảnh truyền hình TV. Phần lớn các sách tôi đọc là những quyển sách nói về đời sống “Tâm
Linh” của con người. Đề tài mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn hôm nay là THIỀN. Dẫu rằng khi
đề cập đến thiền, tôi lại nhớ bốn câu thơ của vua Trần Nhân Tôn, mà người anh tinh thần của tôi,
Trần Vĩnh Lộc (một Luật sư trước 75) đã tặng tôi.
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên,
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền!
Tôi tạm dịch
Muốn an lạc, đừng nên suy nghĩ,
Hãy để duyên tự đến tự di,
Đói thì ăn, mệt thì ngủ nghỉ,
Ngọc trong ta, “thiền” nghĩ làm gì!
“Gia trung hữu bảo hưu tầm mích” nghĩa là trong ta đã có ngọc ngà châu báu thì cần tìm
gì nữa! Vâng, vua Trần Nhân Tôn nói đúng; bỡi trong sách Thánh kinh cũng có câu nói tương tự như
vậy (ngọc trong túi). Tôi biết, trong nguyên thủy, tôi cũng có nó nhưng bỡi cát bụi thời gian cõi
thế phủ dày, cộng thêm cái tính tự kỷ của tôi làm tôi ù lỳ, không lau chùi chăm sóc, khiến ngọc
của tôi kia bụi bám lu mờ. Cũng vì vậy tôi đang đi tìm một chất “xúc tác” để làm ngọc trong tôi
được sáng như nguyên xưa; chất xúc tác tôi cần ấy: chính là Thiền.
“Thiền” thì hầu hết trong chúng ta ai cũng đã từng nghe và cũng đã có lần thử nghiệm.
Với tôi, không những nhiều lần thử nghiệm mà còn đào sâu bằng cách tham khảo sách của các hiền
triết phương Đông cũng như của các học giả phương Tây về lãnh vực này.
Với lại, tôi làm việc cho CSU (Colorado State University) nên được nghe giảng nhiều lần về
“Meditation” (một môn học dành cho các sinh viên theo Major of Applied Human Science) ngõ
hầu giảm bớt những căng thẳng trong cuộc sống, nhất là trong những lúc làm việc.
Meditation được lý giải trên bình diện khoa học là tạo sự cân đối (quân bình) cho cả hai phần
phải và trái của khối óc (Meditation is an effective relaxation technique that balances the left
and right hemisphere of the brain. The left is in control of the thought process and the right is
sociated with our feelings and sensation.) Nếu dùng một Não Điện Đồ (Electroncephalograph) để đo
làn sóng rung động trong óc của một người đang lu bu làm việc thì ở mức độ 22 chu kỳ mỗi giây hay
ở mức Beta (22 cycles/second or at level of Beta); nếu người đó về nhà tắm rửa nghỉ ngơi thì
10/giây (ở mức độ Alpha); và nếu người đó ngồi yên bất động, không để tâm trí vướn bận bất cứ
việc gì thì mức xung động của nó sụt xuống 4/giây (ở mức Theta); và sẽ sụt xuống nữa tùy theo mức
độ ý chí muốn xóa bỏ vĩnh viễn những ràng buộc trong cuộc sống của họ (cách tham thiền của các vị
tu để giải thoát của Phật giáo.)
Trong quá trình lâu dài, vừa đọc vừa thực hành cách tọa thiền nhưng cho đến nay tôi vẫn
chưa thực chứng những điều mà người ta viết trong sách như: “tọa thiền” mang lại nhiều ích lợi:
tăng sức khỏe chống bệnh hoặc ngăn cản bước tiến của bệnh tật, tạo sự thoải mái cho đời sống tinh
thần, hoặc sẽ được “giải thoát” như Đức Phật khi xưa.
Trong trung tuần tháng 8/2011, tôi có tham dự một cuộc họp mặt có tính cách Picnic của các thành
viên hai nhà thờ Denver và Colorado-Springs, tại Estes Park, cạnh Rocky Montain National
Park/Colorado; tình cờ quen ông Nguyễn Huệ Nhật. Trong lúc tâm tình trao đổi, ông cho tôi biết
ông đã có 20 năm theo con đường của Phật để tìm về với nguồn cội của chân lý, nhưng ông vẫn không
tìm thấy ánh sáng mở ra; nhờ có sự mách bảo của bạn ông, Bùi Giáng, mà ông đã tìm thấy chân lý,
do đó ông đã quay về với Chúa. Đó là lý do ông có mặt trong cuộc họp mặt của những người con Chúa
ngày hôm ấy.
Nghe ông nói có 20 năm tu luyện với Phật giáo nên tôi hỏi ông đã học được những gì nơi nhà Phật,
thì ông mỉm cười nói rằng: “Trong thời gian ở chùa, tôi thường nghe lời chỉ dạy của các
Thầythiền là con đường tắt chóng thành chánh quả do đó tôi đã dốc hết tâm sức tu luyện thiền đến
nỗi các bạn bè ngại rằng tôi sẽ bị tẩu hỏa nhập ma!” Ông nói thêm, “ngồi thiền thú
vị hơn đi du lịch vòng quanh thế giới vì thấy những cảnh huyễn hoặc: có đôi khi thấy lạc vào cảnh
tiên, cảnh sắc rất tuyệt vời, có khi gặp Bồ tát, Thiên Long Bát Bộ, gặp ma quỷ, gặp cả “kiếp
trước” của mình, hoặc ngao du nghe nhạc trên không trung, thấy vô vàng màu sắc trong không gian
vô tận, nhưng thầy tôi nói đó chỉ là ảo giác nội tâm vì khi thân thể người tu tập đạt đến một sự
yên tĩnh nhất định, những sự kiện ảo ở đâu đó trong vô thức mình từ từ hiện ra trong lúc thiền
định.”
Lời ông nói đẩy tôi vào đám sương mù, không còn thấy lối cho hướng tới bến thiền mộng của tôi,
nên hỏi cảm nghĩ cá nhân của ông về “Thiền” như thế nào? Thì ông đưa cho tôi xem bài
thơ “Xem Cây Biết Trái” sau đây, để thay cho câu trả lời.
Ngổn ngang quyền lợi hư danh,
Ngổn ngang chức tước ngọn ngành hơn thua,
Ngổn ngang đạp thiếu đội thừa,
Ngổn ngang bóp chẹt bốn mùa thiêng liêng!
Trói chân một chỗ “Tọa Thiền”,
Làm sao rửa sạch những viên sạn lòng?
Bao giờ Thánh sủng vào trong,
Hồn em như thửa ruộng trồng ân thiêng,
Cho em thoát khỏi nợ “Thiền”!
Tự do tự tại trong niềm Thánh Linh.
Lời ca em toát nhiên thành,
Phúc âm vô lượng loan nhanh mỗi ngày,
Nhìn bông trái để biết cây,
Cây nào giống tốt trái đầy sắc hương!
(Nguyễn Huệ Nhật)
Những điều ông nói chưa thể cỡi mở, cho tôi thấy, đầy đủ về những lợi ích của thiền, nhất là từ
lâu ai cũng công nhận “Thiền Tọa” là một phương pháp độc đáo của Phật giáo để loại trừ những
lo âu phiền não trong cuộc sống, và đó cũng là một phương pháp rất tốt để kiềm chế lý trí, tư
tưởng, quan niệm, thành kiến, qua việc tập trung đếm hơi thở để cho Tâm Thân hợp nhất. Việc
ông rời bỏ cửa chùa để đến với cửa nhà thờ (hiện tại ông là Mục sư Tin Lành) đủ để cho tôi hiểu
rằng dù có 20 năm tu luyện ông cũng chưa tìm thấy được cái hay, cái lợi ích thiết thực của thiền
thì làm sao tôi, một sớm một chiều, có thể hiểu được; với lại, trọng tâm của cuộc picnic là tạo
cơ hội học hỏi Thánh Kinh giữa những người cùng chung “Đức Tin” nơi Chúa, nên tôi
không thể bàn thảo thêm về thiền với ông. Tuy vậy, thiền vẫn còn là một ý niệm trong tâm thức
tôi, tôi cần có sự cảm nhận cái hiệu năng của nó.
Trong chuyến đi Texas vừa qua, vợ tôi có mang về một quyển sách có tựa đề “Hoa Trôi Trên Sóng
Nước”, tự truyện của Satomi Myodo. Tôi đọc qua và vô tình khám phá ra rằng “Tu Thiền” không
đơn giản và dễ dàng như tôi nghĩ. Thiền, có thể ví, con dao hai lưỡi!
Cô Satomi, người Nhật, chính cũng vì muốn luyện thiền để loại bỏ những đau buồn trong cuộc sống
cho bản thân (giải thoát) nên đã dồn hết tâm huyết tìm thầy để học hỏi và để được hướng dẫn cách
tu luyện. Trong quá trình luyện tập, suýt chút nữa đưa cô vào con đường tà đạo, phá hỏng mục tiêu
lý tưởng của cô! Và trước khi để thấy rõ cái lợi, cái hại của phương pháp tu thiền; tôi xin lược
qua hành trình tầm đạo của cô để các bạn có cái suy nghĩ về thiền cho riêng mình.
Cô được sinh ra tại Nhật, trong thời đại Minh Trị thứ hai, nền giáo dục vẫn còn đè nặng bỡi lớp
rêu phong kiến nên các lớp học dành cho nữ sinh, không được học các môn nhằm nâng cao kiến thức
mà chỉ học những môn giúp người nữ trở thành “vợ đảm và mẹ hiền.” Satomi không có bản tính tuân
thủ, nên cho đường lối giáo dục như thế chỉ nhằm hạ thấp giá trị của đàn bà, nhất là việc bà Hiệu
trưởng trường cô luôn nhấn mạnh cái khôn ngoan của người nữ là phải lấy cho được một người chồng,
để nương tựa, ngõ hầu tránh những cạm bẩy do người đàn ông giăng ra. Đàn ông, theo bà, là con thú
chuyên rình rập hãm hại các thiếu nữ ngây thơ khờ dại!
Là một thiếu nữ bướng bỉnh, nên cô cho rằng hôn nhân chỉ là cạm bẩy do người đàn ông đặt ra. Và
từ đó phát sinh ra tư tưởng trả thù đàn ông. Đối tượng để cô hành hạ là những nam sinh si tình
cô, nhưng cô quên mất câu nói của dân gian “chơi dao có ngày đứt tay,” nên cô đã mang bầu! Và
điều đáng nói hơn là do cái tính tự cao tự đại vốn có, nó đã ngăn cản cô thú nhận với mọi người,
kể cả cậu nam sinh, tác giả cái bào thai mà cô đang mang; cô âm thầm chịu đựng cho đến ngày sinh
nở.
Nhìn sự cưu mang đầy cơ cực mà cha mẹ đã dành cho cô và đứa bé, lòng cô chùng xuống. Đến giờ phút
đó, cô nhận biết tất cả những hệ lụy phát sinh từ tính lạnh lùng, ích kỷ, ưa châm biếm, nghi ngờ;
chẳng nghĩ đến ai và cũng chẳng cần ai giúp đỡ của cô! Đạo đức và Luân lý, bây giờ không còn là
trừu tượng mơ hồ trong cô nữa mà là cái động năng màu nhiệm thúc đẩy con người hành động một cách
cao thượng, điển hình việc cha mẹ cô đang làm bây giờ, nhưng làm sao có thể thực hiện được cái
giá trị căn bản cao quý này? Cô không trả lời được, nhưng tin rằng những người đã từng trải
nghiệm cuộc sống, nhất là các vị trụ trì tại các ngôi chùa sẽ vạch rõ, chỉ rõ cái hiệu năng của
nó.
Cô xin cha mẹ trông giúp đứa bé và cho phép cô lên đường ra đi tầm đạo.
Đối với cô, nhu cầu tìm thầy để học đạo không phải để khỏi rơi vào địa ngục hay được lên thiên
đàng, mà là làm sao giải quyết được những vấn đề khó khăn trong cuộc sống hiện tại. Bỡi vì cô
nghe nhiều người nói: “Thiền, hay là tập trung định lực là một phương pháp để quên tất cả
những phiền toái cuộc đời, hay nói khác hơn là để được “giải thoát”.
Bôn ba ngược xuôi trên con đường tìm thầy học đạo, một hôm cô ghé nghe một lão sư thuộc phái Thần
Đạo thuyết giảng về đề tài “Chí tâm, Thành ý.” Ông nói:
“Trong thiên nhiên đã có sẵn một trật tự chung; biết sống với cái trật tự này là đã gần đạt
đến đạo rồi. Muốn đạt đến đạo lớn thì phải biết lập chí lớn; muốn lập chí lớn thì phải lo tu
thân; muốn tu thân thì phải chính tâm; muốn chính tâm thì phải thành ý; và muốn thành ý thì phải
biết rõ sự liên quan tất cả mọi sự vật với nhau. Con đường tu tập phải bắt đầu bằng việc quán xét
thật kỹ các hiện tượng trong trời đất, xét cho cùng chỗ tương quan của chúng, coi xem cái nào gốc
cái nào ngọn, cái nào là nguyên nhân cái nào là hậu quả. Có biết rõ điều này thì ý mới thành, và
ý có thành thì tâm mới chính; khi tâm đã chính thì thân mới tu sửa được. Nếu mình biết sống thành
thật với chính mình, không tự lừa dối mình, thì hành động chân thật này biểu lộ ra ngoài, cảm hóa
được những người chung quanh. Thành ý không là một cái đức tính mà là một năng lực cảm hóa hết
sức mầu nhiệm, có thể thay đổi tất cả.”
Lời giảng này đã thu hút hết cả tâm ý của cô nên cô tìm cách lân la đến xin thụ giáo. (Thật sự
khi tôi đọc qua đoạn văn này, dù là người thờ Chúa, tôi cũng bị thu hút: bỡi “Trong thiên
nhiên đã có sẵn một trật tự chung” phải chăng trật tự đó do Chúa sắp sẵn từ ngày tạo dựng
Trời Đất? Điều này làm tôi mở tâm, mở lòng đọc hết quyển truyện dày hơn 250 trang!)
Và trong những ngày đầu nhập môn ông đã tâm sự với các thiền sinh (trong đó có cả cô) rằng: khi
còn nhỏ ông không khỏe mạnh lắm, bị bệnh suyễn kinh niên, đã diều trị bằng nhiều loại thuốc men
nhưng không có kết quả, đến khi ông dùng phương pháp tĩnh tọa (Kannagara-no-michi) để
tu luyện trong vòng một năm thì các chứng bệnh của ông mất hẵn. Ông giải thích thêm:
Phương pháp “Kannagaro-no-michi” là phương pháp của Thần Đạo; phương pháp này gồm ba phần chính:
điều thân, điều khí, và điều tâm. “Điều thân” là ngồi thật vững vàng, ngay thẳng (quỳ
gối trên bọng chân, giữ lưng thẳng, nhắm mắt, đặt hai tay trên dùi.) Sau khi ngồi yên một lúc
chuyển qua việc “điều khí” là giữ cho hơi thở điều hòa tự nhiên (hít vào phình bụng
ra, thở ra ép bụng lại.) Sau khi hít thở đã điều hòa thuần thục thì bắt đầu “điều tâm” bằng cách
tập trung tư tưởng để phát ra âm thanh “o-oo” (trong khi đó không được nghĩ đến chuyện gì, ngay
cả những điều cầu mong mơ ước.) Sau khi phát âm “o-oo” đều đặn khoảng một lúc, thì chuyển qua
phát âm từng nguyên âm (a,e.i,u). Việc cần thiết khi phát âm các nguyên âm này cần có sự phối hợp
của cả tinh thần lẫn thể xác, nghĩa là âm thanh phát ra phải được rõ ràng, mạnh mẽ, và thật sâu.
Ông cho biết “tĩnh tọa” là căn bản quan trọng nhất trong phương pháp tu tập của Thần
Đạo.
Qua những buổi nghe thuyết giảng cũng như tìm đọc các kinh sách trong nhà của thiền sư, cô biết
thêm rằng: vào thời kỳ “hoàng kim”, tâm thức con người chất phác và thuần hậu nên có thể giao cảm
với tâm thức của các đấng thần linh (kami) dễ dàng. Trong thời buổi hiện tại thì nhân loại bị ô
nhiễm bỡi nhiều ái dục, xa rời cái nguyên thủy nên không thể tiếp cận với chư thần được nữa. Vì
thế, phương pháp “Kannagara-no-michi” (tọa thiền) là để khôi phục cái tính nguyên thủy của con
người, mà muốn khôi phục được nó thì không làm gì khác hơn là phải tẩy uế tâm thân. Từ sự thức
tỉnh này, cô đã tìm đến ngọn thác Kagami gần đó để tắm gội tẩy uế, hằng ngày bất kể thời tiết. Và
một hôm lão sư bắt gặp cô đang làm việc này đã đem lời quở trách (nếu không muốn nói là ngăn
cấm,) nhưng cô vẫn lén tập liên tục vì cô nghĩ rằng phải làm đúng kinh sách thì mới mong tiếp cận
với chư thần.
Dù có quyết tâm vượt qua những chướng ngại, nhưng việc tắm rửa trong lúc thời tiết băng giá làm
cô mang bệnh. Cô cảm thấy tuyệt vọng nên một hôm, cung kính chắp tay thành tâm niệm lớn “Nam
mô Đại Từ, Đại Bi, cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát,” tức thì trước mặt cô một luồng sáng
hiện ra, giữa luồng sáng đó có một dòng chữ lớn “Con hãy tập yêu thương,” dòng chữ này
giúp hiểu rõ nguyên nhân làm cô đau khổ: là từ trước đến giờ cô chỉ nghĩ đến mình mà chẳng nghĩ
đến ai! Thế là cô thấy rõ cái lợi ích của việc tĩnh tọa và từ đó cô tìm đọc các pho sách của Thần
Đạo để biết thêm những ẩn nghĩa của nó; đặc biệt chú trọng vào việc phát triển “định lực”
(Joriki) vì theo sách nói nó là một năng lực quan trọng có thể giúp người ta thích ứng với
hoàn cảnh thay đổi bên ngoài. Và chính nhờ tập luyện thêm về định lực mà vô tình cô
khám phá ra rằng, khi cô thiền định cô có thể tiếp xúc với vong linh thuộc thế giới siêu hình của
mình. Ví như, một năm mãn giao kèo thụ giáo với thiền sư, cô trở về nhà: ngày ngày con chó Koro
hàng xóm chạy đến quấn quit bên cô để được cho ăn, rồi bỗng dưng biến mất cô buồn nhớ nó; cô ngồi
nhắm mắt tọa thiền thì thấy nó hiện về mình đầy máu. Hoặc một hôm, trong lúc tọa thiền
thì thấy một người đàn ông lạ mặt, tự xưng là cha Kamataro, thằng bé bên cạnh nhà cô, bước qua
khung cửa cô đã đóng kín. Ông nhờ cô chuyển lời nhắn của ông đến mẹ thằng bé: là hãy hủy những
món nợ mà ông cho vay lấy lãi, để ông sớm được siêu thoát…. Và nhiều cảnh ngộ nữa mà cô đã thấy
trong lúc tọa thiền; cô mừng rỡ viết thư báo sự việc cho Lão sư (thầy cô) biết. Và sau đó ông kêu
cô trở lại để học, chứ tuyệt đối không chia sẻ thành quả của cô.
Cô trở lại trong cái hy vọng được học thêm những điều chưa biết, nhưng mười sáu năm trôi qua, ông
chẳng chỉ dạy những gì ngoài lời khuyên cố gắng tuân thủ các yêu cầu của vợ ông. Cô trở thành tên
gia nô không hơn không kém, ngày tối chỉ biết vâng, dạ; biến cô trở thành một người thụ động hoàn
toàn, cô không là cô nữa! Cô buồn chán có ý định không theo đuổi việc học nơi ông nữa, thì đột
nhiên nhận được thư mẹ cô gửi đến: nài nỉ cô về vì cha cô đang mang trọng bệnh, nhà cửa tan hoang
vì hỏa hoạn, và đứa con gái cô cũng sắp lấy chồng.
Có thêm một lý do để từ giã gia đình lão thiền sư mà cô cho rằng vô nhân đạo, lợi dụng và bóc lột
sức lực của cô. Và cho đến khi cô xin phép được trở về quê thì ông yêu cầu cô làm vài việc nhỏ
(ngồi làm “Cô Đồng” để mách bảo những khúc mắt của người dân quanh vùng như: lý do
bệnh hoạn, bị tai nạn, bị mất cắp v.v..) để trắc nghiệm những gì cô đã học, cho đến lúc đó cô mới
khám phá ra rằng cô đã đã lầm và lầm lớn. Thật ra thời gian sống với gia đình lão sư không vô
nghĩa như cô tưởng, nhưng là sự rèn luyện âm thầm, một cách huấn luyện kỳ lạ của lão sư để phát
triển khả năng tiếp xúc với cõi giới siêu hình cho cô.
Chính nhờ đức tính tuân thủ, chịu đựng được sự sai khiến bỡi một lực, một người đã luyện được nên
khi trở về với gia đình, cô đã trở thành một “Cô Đồng” thật xuất sắc; có nhiều người tìm đến để
được hướng dẫn cách sống làm sao cho hợp ý với chư thần (cúng tế) mỗi ngày một đông. Chỉ một thời
gian ngắn cô đã kiếm được một số lợi tức rất cao không chỉ giúp ích cho gia đình cô mà cho cả
những người xung quanh. Từ việc cô đã dùng một phần tiền kiếm được xây đền miếu để tô điểm bộ mặt
tốt đẹp cho xóm làng, thu hút sự kính nể của hầu hết bà con chòm xóm, nhưng người trong gia đình
không ai cho cô cái vinh dự đó. Họ cho rằng cái nghề “đồng bóng” là lừa bịp thiên hạ không còn
thích hợp với thời buổi văn minh hiện tại.
Vốn bản tính ương ngạnh, lạnh lùng, cô xem thường những lời khuyên giải (ngày xưa cô lắng nghe,
tuân thủ lệnh của bà vợ lão sư là có mục đích,) cô vẫn tiếp tục hành nghề bỡi lời khuyên của thầy
cô, trước khi từ biệt, vẫn còn in sâu trong đầu óc: “Quyền năng không phải là thứ mà ai
cũng có thể sở hữu mà đó là ý muốn của chư thần; do đó dù bất cứ chuyện gì xảy ra, con phải luôn
luôn biết ơn các ngài đã ban cho con cái quyền năng này!” Cộng thêm, lời nói mơ hồ của một vị trụ
trì ở một ngôi chùa rằng: “chỉ cần quyên góp tiền bạc để xây chùa đúc tượng, tạo chút phước đức
là đủ, đừng tìm hiểu những điều cao siêu không thể nghĩ bàn!”
Nhưng ngày qua ngày, lời nói của người thân cứ vang vọng trong đầu óc cô, giống như những giọt
nước khuấy động mặt hồ yên lặng, tâm trí cô không còn tĩnh lặng. Tuy có thể giao tiếp với cõi âm,
các chư thần nhưng cô vẫn thấy có một cái gì không ổn, trong thâm tâm vẫn nhen nhúm một điều gì
khắc khoải kỳ lạ không thể diễn tả. Càng ngày nỗi ray rức càng gia tăng khiến cô bắt đầu lo sợ,
ngay cả trong những lúc tịnh tâm cô không còn tập trung tư tưởng được nữa. Cô cảm thấy không
thoải mái với chính mình và hình dung như bị cột vào sợ dây dài (các chư thần) cứ chạy quanh quẩn
trong phạm vi của sợi dây đó, tưởng mình tự do nhưng không phải. Cô nhận thấy, sống thuận theo ý
chư thần, đặt cả vận mệnh vào vòng tay của chư thần là một quan niệm không rõ ràng của Thần Đạo;
nó khiến con người thụ động, nhu nhược, và mú quáng. Thực hiện các nghi thức cúng tế, áp dụng các
quy tắc tĩnh tâm cũng chỉ đem lại những giải pháp nhất thời, xoa dịu các nỗi đau khổ, ưu tư trong
chốc lát nhưng không chữa được gốc rễ căn bệnh. Ví như đã trải qua nhiều năm công phu tập luyện,
đã được quần chúng tín nhiệm như một vị thầy nhưng đã mấy ai biết rõ được lòng cô bối rối hoang
mang như thế nào?
Cho đến khi đó cô ý thức được cái công phu tập để diệt bản ngã, cái ý định quên mình tuyệt đối để
vâng lời một quyền năng nào đó, đã không đánh tan được bản ngã mà chính là một hình thức che đậy
của bản ngã, một thứ ngụy trang khéo léo của bản ngã dưới một danh từ tốt đẹp; rốt cuộc cô vẫn bị
bản ngã đánh lừa. Như một tia sáng rọi vào tâm trạng hoang mang u tối, cô nhận thấy người ta
không thể đi tìm một lối thoát bằng các phương pháp tẩy uế tâm hay các hình thức bên ngoài được;
vấn đề là ở bên trong, phải tìm một phương pháp tu tập nội quán hòng giải quyết những khắc khoải
để đời sống không còn là một sự tranh đấu mâu thuẫn nữa. Cô đi đến quyết định là phải đi tìm một
con đường khác, một con đường có thể giúp cô chấm dứt cái tình trạng dằn vặt đầy đau khổ này; cô
quay về với Phật giáo.
***
“Tọa Thiền là chỉ ngồi trong yên lặng theo dõi hơi thở và tuyệt đối không làm việc gì.”
Vị thiền sư nói, rồi ông nhấn mạnh thêm, “Nếu tâm hoàn toàn yên tĩnh thì một phút
ngồi thiền chính là một phút làm Phật, còn như ngồi mà tâm vọng đọng, mong cầu thì có ngồi bao
lâu cũng chỉ là vô ích thôi!”
Cô nghe vị trụ trì nói như vậy yên tâm và cố gắng tọa thiền theo chỉ dẫn. Tuy vậy chùa của vị trụ
trì này chỉ mở khóa tu thiền vào lúc cuối tuần, nên cô cần học thêm để chóng có kết
quả vì vậy cô ghi danh tham dự khóa nhiếp tâm của thiền sư Joten tại chùa Maruyama.
Mục đích chính của khóa Nhiếp Tâm là tham công án, để phá tung các vướng mắt của lý trí, tư
tưởng, quan niệm, thành kiến…Và trước khi mãn khóa học (một tuần lễ) mỗi thiền sinh phải độc tham
(trình bày trải nghiệm cá nhân về chủ đề công án) với thầy để được thầy ấn chứng (chứng nhận đạt;
nếu không, khóa sau phải trở lại học tiếp.)
Công án mà cô và các thiền sinh phải chiêm nghiệm đó là “Vô”. Thoạt đầu nghe quá dễ mà thật là
khó đối với cô, hàng trăm ý tưởng và hình ảnh cứ nẩy sinh trong đầu óc làm thể xác cô mệt mỏi, ý
nghĩ bỏ cuộc đến với cô; nhưng ý định đó chưa có dịp thực hiện thì khóa học cũng sắp đến ngày kết
thúc; cô và các thiền sinh lần lượt vào gặp thầy để độc tham. Kết quả: cô không đạt, cô phải chờ
năm tới học tiếp vì thiền viện này mỗi năm chỉ mở một khóa mà thôi.
Để có thể tiếp tục nghiên cứu về công án mà cô chưa đạt được, cô trở về quê dựng chòi trên núi để
được yên tĩnh tu luyện một mình. Bốn năm trôi qua, không những không mang lại kết quả khả quan
nào mà còn bị nhận nhiều lời chế diễu mỉa mai của các người thân (coi chừng ở trong núi một mình,
bị loài chồn hoang cám dỗ, lại quay lại làm nghề đồng bóng, lừa bịp thiên hạ) khiến cô chán nãn,
không còn muốn sống, nên một hôm cô làm một sợi dây thòng lọng trong ý định để treo cổ tự sát,
nhưng khi vừa đưa sợi dây ấy qua khỏi cổ thì bỗng dưng ý chí phấn đấu ở đâu đó chợt bùng lên, cô
tự nhủ: phải đạt “ngộ” để được giải thoát; kiếp này không hoàn tất thì bắt cầu cho kiếp sau tiếp
nối để không uổn phí mấy mươi năm tu luyện! Cô vứt tung sợi dây tử thần qua một bên rồi quỳ mộp
gối xuống thành tâm niệm Phật, xin sám hối những lỗi lầm đã phạm và cô đã khóc, khóc thật nhiều
rồi thiếp đi lúc nào không hay biết.
Trong trạng thái vật vờ mê tỉnh cô chợt thấy một làn hơi mờ đục hiện ra rồi tụ lại thành một con
vật lông lá xù xì, trông như con dã nhân, con vật này vươn mình lên cao mãi cho đến khi đầu nó
đụng những lớp mây đang lơ lửng trên trời. Cô ngỡ ngàng trong giây lát, sau đó tập trung tư tưởng
để quán xét hiện tượng: cô bỗng thấy chính cô là Thái Dương Thần Nữ; một sự an lạc lạ lùng xâm
chiếm tâm hồn cô. Cái thế giới phiền muộn từ trước đến nay phá rối cô bỗng dưng tan biến. Cô reo
lên: “Ngộ rồi (Satori), ta đã chứng ngộ rồi!” Cô choàng dậy trong một cảm giác kỳ lạ không
thể diễn tả! Cô thấy trong người nhẹ nhõm thoải mái như vừa trút được một gánh nặng ngàn cân. Cô
tự hỏi: “Phải chăng ta đã chứng ngộ? Phải chăng chứng ngộ là như thế?”
Cô muốn ấn chứng về kinh nghiệm tâm linh này, nhưng lúc đó trời đất mới bắt đầu vào đông, nghĩa
là phải đợi ba tháng nữa khóa nhiếp tâm mới khai giảng, mới có thể gặp thiền sư Joten trình kết
quả tham công án “Vô”, ngõ hầu để được ông ấn chứng! Sự vui mừng hối thúc làm cô không thể chờ
đợi, cô cấp tốc đáp xe lửa đến Maruyama, nơi ngôi chùa thiền sư Joten cư ngụ. Trong lúc ngồi trên
xe cô đã thảo một bản văn ngắn trình bày sự kiến giải của cô về công án “Vô” với hy
vọng sẽ được thiền sư Joten cho ấn chứng, nhưng khi gặp được thiền sư và nghe những lời ông nói,
bao nỗi hân hoan sung sướng của cô vừa bừng lên vội tắt ngủm như ngọn đèn trong gió và niềm an
lạc dễ chịu chợt tan biến như mây khói, tâm hồn cô lại rơi vào trạng thái dằn vặt vô biên!
Thất vọng tìm giải thoát qua việc tham cứu công án, cô tìm đến Hayakawa, người bạn thiền năm cũ,
tâm sự cùng nói lên những ước nguyện của mình thì được Hayakawa dẫn cô đến giới thiệu với người
thầy của bà, giáo sư Shibata.
Sau khi nghe cô tự sự, giáo sư Shibata khuyên cô nên tập trú về tụng kinh niệm Phật vì nó giúp
hiểu rõ lời dạy của đức Phật. Ông giải thích:
Tụng là đọc, niệm là suy tưởng đến lời dạy của đức Phật để làm phương châm cho đời sống hằng ngày
và gieo hạt giống “giải thoát” vào tâm thức; do đó, theo ông, tụng niệm là phương
pháp huân tập tâm thức rất tốt, giúp người tụng kềm chế được thân, khẩu, ý. Ông nhấn mạnh thêm,
để vững chải trên đường tu luyện, cô ta nên trang bị cho mình kiến thức Phật pháp trước đã. Và
ông hứa sẽ giúp cô trong vấn đề này.
Cảm động trước sự chỉ giáo đầy chân tình và ưu ái, cô đã ngày đêm chăm chỉ học tập. Sau bảy năm
gắn bó với ông, cô thấy một điều mà trước đây cô thường nhầm lẫn, đó là có sự khác biệt giữa Phật
giáo và Thần Đạo. Thần Đạo: vin vào sự giúp đỡ của các chư thần, Phật giáo: tự mình phấn đấu,
vạch cho mình một con đường đi. Từ đó, cô bắt đầu cảm thấy thoải mái, thấy cuộc sống có ý nghĩa!
Thế nhưng, tình trạng ấy không tiếp tục kéo dài lâu bỡi ân sư của cô không còn nữa. Một sự hụt
hẫng chợt dậy trong lòng cô khiến cô chao đảo, lạc mất hướng đi.
Cô lại tìm về người bạn cũ, Hayakawa. Và lại một lần nữa, Hayakawa đưa cô đến gặp thiền sư Suga
Sama. Vị thiền sư này đặt nặng vấn đề tọa thiền, nhưng cũng chỉ hỏi sơ qua quá trình tu luyện của
cô rồi khuyên cô tức tốc đến tu viện Mitaka, một tu viện dành cho nữ giới.
Cô đến tu viện Mitaka, không gặp Ni Sư trưởng vì bà đang tọa thiền và họ cũng không cho cô trú
ngụ tại đó để chờ đợi; cô phải đến tá túc một ngôi chùa bên cạnh, chùa Taiheiji.
Và vài ngày sau đó cũng được gặp Ni trưởng nhưng cô không được nhập thất để tu vì nhiều lý do:
già, không đủ sức canh tác để tự sinh nhai, không bà con thân tộc để đỡ đần khi đau ốm…
Cô trở về thiền viện Taiheiji với tâm trạng buồn rầu thất vọng hơn bao giờ hết. Cô than thân
trách phận là “nghiệp” của cô quá nặng nên cô muốn vào chùa tu cũng không được; con đường đạo vẫn
còn là một cái gì xa vời, không thể đạt được và tâm trạng cô bây giờ lạc lõng, bơ vơ!
Cảm động trước nhiệt tâm cùng những lời thống hối, vị trụ trì chùa Taiheiji, thiền sư Yasutani,
nói với cô rằng nếu muốn, cửa chùa ông sẽ rộng mở đón nhận cô và ông sẽ nhận trách nhiệm dìu dắt
cô trên con đường tầm đạo.
Thay vì cô vui mừng chấp nhận, cô đã xin thiền sư Yasutani cho cô vài ngày suy nghĩ vì đầu óc cô
còn quá xúc động bỡi những chuyện vừa xảy ra, với lại lời hứa với thiền sư Suga Sama là sẽ nhập
thất tu tại Mitaka, nếu không được thu nhận ít ra cô cũng phải báo tin cho ông biết rồi xin ông
chỉ dẫn. Thiền sư Yasutani chấp nhận.
Trong thời gian chờ cơn xúc động lắng dịu, cô có dịp dự buổi thuyết pháp của thiền sư Yasutani.
Nội dung bài thuyết giảng của ông là:
Con người sinh ra đều có Phật tánh nhưng vì vô minh che lấp nên không ai nhận ra điều ấy.
Phương pháp hữu hiệu nhất để trở về với cái Phật tánh thanh tịnh đó là “Tọa Thiền”.
Tâm của Phật và tâm của chúng sanh không khác nhau. Cái tâm ví như mặt hồ; tâm của Phật thì như
mặt nước yên tĩnh, trên đó mặt trăng chân lý có thể phản chiếu một cách trọn vẹn. Trong khi tâm
của chúng sanh thì giống như mặt nước đang bị các làn sóng vô minh khuấy động, không thể phản
chiếu được. Mặt trăng chân lý lúc nào vẫn sáng, do đó vấn đề chính của sự tu tập là làm sao để
cho tâm của mình có thể phản chiếu rõ ràng mặt trăng chân lý mà thôi. Cái làm tâm ta khuấy động
đó là “tư tưởng”, do đó trong việc tu tập phải biết làm “bặt” các tư tưởng dấy lên. Và thiền định
là phương pháp làm ngưng lại và dứt đi những tư tưởng này. Một khi các làn sóng tư tưởng khuấy
động đó dứt tuyệt thì mặt trăng chân lý hiện ra. Giây phút nhận ra điều này là “Kiến tánh”, tức
là “Ngộ” là hiểu rõ bản thể chân thật của tự tánh, và tự tánh sẽ ở mãi với ta; ta sẽ có cuộc sống
thoải mái, bình an trong cái tâm trạng đầy phúc lạc!
Sau lời thuyết giảng cô đến gặp ông, trình bày hoàn cảnh của cô và nói cho ông biết những cảnh
ngộ mà cô đã thấy trong lúc tọa thiền, đặt biệt ở Hokkaido, quê cô, và việc thiền sư Suga Sama
cho rằng cô đã chọc thủng bức màn vô minh, dù chỉ được một hai lỗ rất nhỏ, thì đó có thể nói là
cô đã đạt đến kiến tánh hay chưa? Thì thiền sư bảo rằng:
“Nếu bà có thể sống mãi trong tâm trạng như vậy thì đó là kiến tánh, còn nó đến trong một
phút nhất thời rồi lại mất đi thì đó chỉ là một thứ mà người ta gọi là Ma cảnh, không có gì đáng
nói cả. Đừng bao giờ để ý nó và quan trọng hóa nó lên.” Ông giải thích thêm, “Ma cảnh là những
hiện tượng không có thật, những cảm giác hư ảo mà người tu thiền thường gặp phải trong giai đoạn
nào đó. Ma cảnh là những vọng tưởng đến và đi theo thời gian, nó rất quyến rủ làm người tu thiền
tưởng thật. Ma cảnh thường xuất hiện theo nhân cách, tính khí của người tu, nghĩa là nó xuất phát
từ tư tưởng, gốc rễ của vô minh. Vậy khi thấy nó đừng để tâm vọng đọng, cứ tiếp tục công phu
thiền tập, không sợ hãi, không vui mừng, vì nó sẽ làm khuấy động tâm thức người tu, khó có thể có
được một tâm yên lặng như mặt nước hồ thu, phản chiếu mặt trăng chân lý một cách rõ ràng trọn
vẹn.”
Ông công nhận người tu thiền thấy được “Ma cảnh” là đã có tiến bộ nhỏ trong việc tu tập, vì các
lớp tư tưởng hời hợt trong tâm thức có bị chế ngự. Nói theo Duy Thức học thì các vọng niệm thuộc
thức thứ sáu đã lắng đọng, các chủng tử thức bảy và tám sẽ bị kích động và nổi lên tạo ra hình
ảnh, màu sắc, âm thanh đặc biệt. Nếu không được các vị thầy có đầy kinh nghiệm hướng dẫn thì
người tu luyện bị nó quyến rủ đi vào con đường ma đạo.
Và theo kinh nghiệm cá nhân ông, khi sự điều hành hơi thở và tâm thức chưa được hoàn chỉnh, nghĩa
là tâm và thân chưa hòa hợp thì sự lệch lạc này có thể tạo ra những hiện tượng kỳ lạ, đó chính là
Ma cảnh; do đó tư thế tọa thiền và việc điều hòa hơi thở rất quan trọng. Bất cứ sự căng thẳng nào
của thân cũng ảnh hưởng đến tâm và bất cứ cuộc xung đột nào của tâm cũng ảnh hưởng tới thân.
Tọa thiền không những phải đúng cách (ngồi thoải mái, buông xả hoàn toàn) mà còn phải ngồi sao
cho có vẻ trang nghiêm, thành kính với lòng biết ơn sâu xa những vị, những người cho ta sự sống
và sự hiểu biết tìm đến với Phật pháp.
Nhờ công phu tu thiền mà tâm thức được thoải mái, các vọng tưởng dần dần lắng xuống, và tâm được
thanh tịnh. Khi tâm và thân đã hài hòa (harmony) thì sự an lạc sẽ đến.
Cô ngắt lời thiền sư hỏi, “Thưa thầy, con có thể ngồi lâu không mệt mỏi, nhưng sao vẫn không
thấy kết quả bao nhiêu?” Thì thiền sư hỏi cô rằng: phải chăng lúc ngồi thiền có cố gắng đạt
đến giác ngộ hay không, nếu có, chính cái lòng mong cầu, ao ước đó là chướng ngại đã phá đi trạng
thái ung dung cần thiết. Sự mong cầu, dù mong cầu một sự bình an giác ngộ vẫn là một vọng niệm
khuấy động mặt hồ tâm thì làm sao mặt trăng chân lý có thể phản chiếu một cách trọn vẹn được? Dù
người có định lực, nghĩa là làm chủ được thân tâm, như cô vẫn không thoát khỏi sự khổ não vì chưa
nhận ra tự tánh của mình. Có định phải có tuệ đi kèm thì mới nhận ra tự
tánh của mình được. Kiến tánh là sự phối hợp tự nhiên của định và tuệ.”
Nhờ sự lý giải của ông mà cô đã thấy được cái màng vô minh trong mắt cô hé mở, cô mãnh liệt tin
tưởng khả năng dìu dắt của vị thầy này nên cô đã đến quỳ mộp dưới chân ông xin thụ giáo. Thiền sư
Yasutani cười vui, chắp tay đáp lễ.
Những ngày tháng sống ở thiền viện Taiheiji mỗi sáng cô thức dậy để tham dự các thời khóa biểu
tọa thiền. Thực hành đúng lời chỉ dẫn của thiền sư Yasutani là cẩn thận ngồi đúng cách, và giữ
gìn cử chỉ trang nghiêm thành kính; tuy nhiên kết quả mỗi buổi tọa thiền không giống nhau: có lúc
thấy thoải mái, dễ chịu; có lúc cảm thấy chán nãn kỳ lạ. Cô đều đem sự việc nói cho thiền sư biết
và xin chỉ giáo, thì ông nói rằng điều đó không có gì lạ vì nó xảy cho tất cả học viên chứ không
phải chỉ riêng cô. Lý do: con người ai cũng thường quen suy nghĩ nghĩ theo đường lối nhị nguyên,
có chủ thể, có đối tượng nên cái đó đã bám sâu vào bản ngã. Do đó đừng bám víu vào những gì thấy
trong lúc tọa thiền mà hãy quyết tâm phấn khích lòng nhiệt thành của mình trong công việc tu
luyện. Ông nhấn mạnh lòng tự tin hay còn gọi là Đại Tín Căn là một trong ba yếu tố quan trọng
công việc tu thiền. Tự tin, khác với mê tín dị đoan, là lời tin tưởng sắt đá vào điều Phật dạy:
“Ta là Phật đã thành và các con là Phật sẽ thành.”
Cô tuân thủ làm theo lời thầy chỉ dẫn trong lúc tọa thiền cũng như trong việc tham công án của
những khóa Nhiếp Tâm, nhưng có lẽ đầu óc cô còn đọng nhiều kinh nghiệm quá khứ, Ma cảnh vẫn còn
dày vò cô, nên ông khuyên cô hãy khởi sự lại từ đầu, nghĩa là xem mình như người sơ tâm chưa biết
gì!
Và trong sự quan sát việc tu tập cùng những kết quả nghiệm chứng, thiền sư Yasutani đề ra ba
phương pháp để đối trị những chướng ngại trong cô (bản chất ưa lý luận, suy nghĩ nhiều, và có
thói quen mẫn cảm, thụ động do việc thực hành phương pháp thiền ngoại đạo,) là phải:
1/ Tham công án để phá vỡ những chướng ngại về trí thức lý luận,
2/Quán hơi thở để giữ đầu óc minh mẫn, luôn chủ động không để lọt vào trống rỗng, thụ động.
3/Thực hành Chỉ Quán Đả Tọa để thể hiện Phật tánh sẵn có, tránh những mong cầu về ngộ.
Và kể từ đó cô làm theo cái thứ tự đã được đề ra. Dưới sự hướng dẫn của thiền sư Yasutani là cần
tập trung tư tưởng nơi “đan điền” vì đó là nơi các năng lực tinh thần quy tụ. Tập trung năng lực
vào nơi đó sẽ làm giảm đi các vọng niệm xảy ra trong đầu vì máu trên óc sẽ được kéo xuống đan
điền, xoa diệu bộ óc và hệ thống thần kinh, làm xả giãn các sự căng thẳng.
Cứ thế ngày này qua tháng nọ, cô tiếp tục tu thiền qua thứ lớp tuần tự mà thiền sư Yasutani dành
cho riêng cô. Việc tập luyện lúc đầu có gây nhiều khó khăn cho cô, nhưng dần dần cô cũng quen đi,
cảm nhận vài sự thoải mái trong tâm hồn. Và một đêm, khi đặt mình nằm xuống sàn, cô cảm thấy mọi
việc đều là “Vô’, ngay cả khi thở ra hít vào, tiếng chó sủa, mèo kêu, tiếng gió thổi, tiếng lá
rụng, cánh cửa, bức tường… đều cũng là vô! Bất chợt mọi sự trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Cái
kinh nghiệm này thật không thể diễn tả ví như “chỉ ai uống nước mới biết được nóng lạnh!” Cô bật
cười sung sướng và thốt lên “Ôi cái ôngTriệu Châu này, ông đã làm khổ tôi biết mấy! Thì ra
công án Vô chỉ có thế thôi…” Cô toan ngồi dậy đi tìm thiền sư Yasutani để xin độc tham,
nhưng không hiểu tại sao cô thấy điều đó không còn cần thiết nữa!!!
***
Phải chăng cô Satomi đang hành động đúng? Bốn mươi năm trèo đèo lặng suối để mong tìm giây phút
cô đang có, vậy cô cần được gì hơn nữa?
Cần được một sự “ấn chứng” là còn cầu mong, mơ ước, mà còn cầu mong mơ ước là tâm tư còn vọng
đọng, mà vọng đọng giờ này đã hoàn toàn tắt lịm trong cô!
Tôi rất tâm đắc với chủ trương của Tổ Đạo Nguyên (1200-1253) là tùy theo căn cơ của học trò mà
giảng dạy (tùy bệnh cho thuốc). Ông đã phân chia người tu thiền ra làn 4 loại. Xét theo sự phân
chia của ông, tôi nhận thấy tôi thích hợp với loại 2 là nhằm cải thiện sức khỏe, cả thể xác lẫn
tinh thần; tôi không muốn tu thiền để đi theo con đường của Phật, nghĩa là phải xả bỏ tất cả! Tôi
rất cần có vợ tôi, con tôi vì tôi thấm nhuần câu danh ngôn của người Mỹ “Nowhere like
family!”