Cuộc vui nào cũng tàn và cuộc gặp gỡ nào cũng đến lúc phải chia tay - Cuộc vui ngắn ngủi tại nhà Trung tàn rụi sau đêm mới đến, kế đó 3 ngày lưu lại với Giao cũng chóng qua, giờ đây đã đến lúc chia tay - rời Lyon để về với Paris, kinh đô ánh sáng.
Cảnh chia tay thật xúc động bùi ngùi; Giao và tôi ôm nhau, quấn quýt với nhau - Giao đã trao cho tôi một nụ hôn nồng thắm với lời chúc "thượng lộ bình an"; việc này làm hình ảnh Giao mãi trong trí óc tôi suốt chặn đường bay, kéo dài hơn một tiếng hồ, cho đến khi đặt chân xuống phi trường Orly gặp được cháu tôi, đứa cháu trên hai thập niên xa cách.
Lại một nguồn xúc động nữa dâng tràn trong khóe mắt. Tôi còn nhớ, hồi tôi rời Việt nam để đi Mỹ, cháu và ba cháu đã đến tiễn đưa tôi, tại phi trường Tân Sơn Nhất; lúc đó cháu mới 10 tuổi thế mà giờ đây cháu đã 32, hồi đó cháu chỉ là một cậu bé học tiểu học, ngây ngô khờ khạo, mà giờ đây cháu đã là một người khôn lớn, trưởng thành không những chỉ trong cuộc sống (có văn bằng, có nghề nghiệp, chức vị trong xã hội) mà còn trong cách sống (ý thức được cái thang giá trị của con người).
Từ Phi trường Orly về Trung tâm thành phố Paris, nơi có khách sạn con gái tôi "booked" sẵn, cách nhau khoảng chừng 15 km, nên chúng tôi phải dùng hoặc Taxi hoặc phương tiện nào khác để về nơi đó, thì cháu tôi đề nghị dùng "Tramway" để đi.
Tàu Tramway, không mấy đông người hôm ấy ; nhìn khung cảnh đồng quê bao quanh thật thanh bình mát mắt, khiến lòng người lữ khách phương xa như tôi, cũng cảm thấy nao nao. Tôi miên man ngắm cảnh, ngắm một cách say mê, say mê đến nỗi quên mất những người thân quanh mình, đặc biệt quên mất sự có mặt đứa cháu tôi mới gặp, quên đi cái cảm giác "tha hương ngộ cố tri". khiến vợ tôi phải lên lời trách cứ,
"Nhìn gì mà nhìn dữ vậy - kìa, gặp cháu nó sao không nói gì đi?"
Chừng ấy tôi mới sực tỉnh nói lời xin lỗi cùng cháu, "Thấy cảnh sắc nơi đây thanh bình quá, đẹp quá; đã cuốn hút tâm hồn bác - bác quên mất...!"
Cháu tôi ngắt lời cười nói, "Cháu nghe nói, ở Mỹ cũng có rất nhiều cảnh đẹp kia mà!"
Tôi cười rồi trả lời, "Nơi nào cũng có cảnh đẹp, nhưng cảnh đẹp nơi đây nó gợi cảm tâm hồn bác thật sự!"
Bỗng dưng đôi mắt cháu tôi trở thành đăm chiêu nhìn ra cánh đồng cỏ chạy dài theo con tàu và nói,
"Hẳn nhiên cảnh đồng quê ở đây thật giống cảnh đồng quê nơi quê mình nên bác cảm thấy ngây ngất là phải. Cháu thông cảm điều bác nói, bỡi cháu biết, bác đang khát khao hình ảnh quê hương, như cháu hiện tại, tuy có cuộc sống ổn định nơi đây nhưng vẫn muốn tìm về nguồn cội của mình - cháu đang nghĩ đến, một ngày nào đó cháu cũng phải trở về, dẫu nơi đó người Cộng sản đã tưới vào làn không khí một chất cực kỳ độc hại, chẳng thua gì chất độc màu da cam."
Nghe những gì cháu nói, tôi vừa bùi ngùi xúc động, vừa cám ơn Thượng đế ban cho tôi có được một đứa cháu mang đầy tính "tình người". Tôi vẫn còn nhớ lời em tôi (cha nó) nói với tôi, lúc tôi sắp bước lên máy bay đi Mỹ, "Giờ thì anh đã được đi đến đất nước Mỹ để sống, vậy mai này nếu có điều kiện nên thương giúp cháu anh, thằng Hoàng, con em đó!" Tôi phải làm gì để có thể đấp ứng sự mong muốn đó, nhất là ước muốn của một người mà giờ đây đã trở thành quá cố! Tôi suy nghĩ miên man, phải chăng chuyến đi này về Paris là để tìm thấy "dĩ vãng", nên khiến tôi gặp được cháu tôi để nhớ lại chuyện dĩ vãng, mà chuyện ấy dính líu với tôi. Tôi thẩn thờ, đưa mắt nhìn ra cánh đồng chạy dài theo con tàu, và trãi rộng đến chân trời xa.