Thế là một ngày nữa qua đi, đã đến lúc chúng tôi từ giả Rome!
Thức dậy sớm như thường lệ, xuống ăn sáng tại khách sạn ; sau đó gọi Taxi đưa chúng tôi ra phi trường để tiếp tục đến thăm viếng những nơi
có trong lịch thăm viếng của chúng tôi.
Chúng tôi sẽ đến Thành phố VENICE - một thành phố nằm phía Đông Bắc nước Ý, nổi tiếng là nơi thanh lịch nhất của thế giới, một
thành phố được mệnh danh là Thánh địa của Tình yêu (Venice, theo tiếng Latin có nghĩa là Tình Yêu) với nhiều cảnh đẹp; bỡi nó được
bao quanh bỡi nước với nước - nơi vắng bóng tiếng ồn ào của xe cộ - nơi mà mọi người, trong đó có tôi, mơ có một lần trong đời sống của họ,
được đến nhìn ngắm cảnh, người nơi đây!
Thế là tôi đã thỏa nguyện ước mơ! Chúng tôi đặt chân xuống phi trường San Marco Polo, lúc 10:30 sáng. Không biết nhiệt độ lúc đó là bao
nhiêu độ, chỉ cảm nhận cái không khí thật là mát mẻ - làn gió biển thổi vào làm căng phồng buồng phổi tôi. Tôi vung tay ưỡn ngực ra đón lấy
làn khí trong lành ấy, và rồi theo chân con gái tôi đến bến thuyền để mướn Ca-nô (người dân ở đây gọi là water-taxi) về thành phố. Thuyền
lướt sóng, tâm hồn tôi cảm nhận một cảnh thanh bình tuyệt hảo, khác với cảnh lướt sóng trên các kinh rạch ở vùng IV, trong thời chiến tranh
khi xưa. Trên biển cả mênh mông, tôi vẫn thấy có các "làn" dành cho tàu thuyền qua/tàu thuyền lại, khác với Việt nam - không có phân chia
đường ranh cho tàu ngược/tàu xuôi - mạnh ai nấy chạy nấy đi!
Sau gần một tiếng đồng hồ, ca-nô cặp bến, cạnh khách sạn con gái tôi đã "booked" sẵn. Bước xuống khỏi Ca-nô, nhìn cảnh sinh hoạt thuyền
bè tấp nập qua lại trông thật là vui mắt. Tôi muốn nấn ná giây phút để chiêm ngưỡng cảnh sắc ở nơi đây, nhưng con tôi giục về khách sạn để
tắm rửa nghỉ ngơi chuẩn bị tinh thần cho buổi chiều khởi hành cuộc thăm viếng.
Tắm rửa nghỉ ngơi đôi chút, chúng tôi trở lại bờ kinh lúc trưa Ca-nô cặp bến; con kinh rộng khoảng chừng 50 đến 60 mét, chiều dài thì không
biết bao nhiêu chỉ thấy tàu thuyền đông nghẹt, ngăn chận tầm mắt của tôi. Con gái tôi bảo đó là con kinh chính của thành phố, có tên Grand
Canal, con kinh này phân chia thành phố Venice ra làm 2 khu vực chính: khu Marco và khu Polo. Hai khu vực này nối liền bỡi 3 chiếc cầu lớn:
Scalzi, Rialto, và Accademia.
Để cho chúng tôi có sự trải nghiệm, con tôi dẫn cho đi xem ba cái cầu - với cảnh sinh hoạt người mua bán tại đây. Tại một cây cầu nhỏ, nằm
cạnh cây cầu Accademia, nối liền hai khu vực chính là Marco và Polo, tôi thấy có nhiều ống khóa treo lủng lẳng ở hai bên thanh cầu - hỏi ra
mới biết, đó là những chiếc khóa ghi lời thề nguyền gắn bó đời nhau của các cặp tình nhân đã một lần đến đây; tôi lại gần nhìn kỹ thì thấy trên
mỗi ống khóa luôn có ghi hai tên người cùng với chữ "forever"(tiếng Anh), "pour toujours (tiếng Pháp), "per sempre" (tiếng Ý), và nhiều ngôn
ngữ khác v.v... ở phía dưới...
Chỉ có thế thôi, cũng đã hết một ngày trên phố biển; chúng tôi quay về khách sạn nghỉ ngơi. Và con gái tôi cho biết lịch trình ngày hôm sau là
đi tham quan cảnh sắc phố Venice bằng thuyền Gondola (Gondola là phương tiện di chuyển của người dân Venice khi xưa, nhưng ngày nay nó
biến thành phương tiện chuyên chở du khách đi thăm phố nước). Và cho biết lý do dùng du thuyền Gondola là để được nhìn ngắm các thắng
cảnh dọc theo các con kinh (ví như các con đường trong phố): các lâu đài, dinh thự, và các ngôi nhà thờ cổ kính. Và sẽ được nghe người lái
thuyền nói về nguồn gốc lịch sử của nó và nhiều thứ khác vân vân... Ví như, có thể, được nghe những bài hát dân ca thời Venice mới hình
thành - vai trò người lái thuyền chẳng khác nào vai trò hướng dẫn viên du lịch!
Quả đúng như lời con tôi nói, chính nhờ cuộc du thuyền trên sông này, tôi được tận mắt nhìn thấy lối sinh hoạt của người dân ở đây (người
người đi bộ, và chỉ có thuyền là phương tiện di chuyển duy nhất) cùng những cảnh trí của Venice.
Grand Canal, lúc ban đầu, là nơi đến và đi của các tàu buôn, nhưng ngày nay là nơi quy tụ du khách từ các nơi về, đến thăm viếng Venice, nó
chẳng khác nào phòng tiếp khách thập phương của Venice vậy. Những kiểu kiến trúc cũ kỹ thời La mã cổ (Byzantine), mọc hai bên bờ kinh
lần lần đuợc thay thế bằng những lâu đài huy hoàng, hoành tráng, xây theo lối Gothic, thời Phục Hưng ở Châu Âu, vào những năm thế kỷ 17.
Con gái chúng tôi nói cũng không sai, người lái thuyền không những chỉ cho chúng tôi thấy những cái hay cái đẹp của mỗi thứ, mà còn nói rõ
cái nguồn gốc lịch sử của nó, ví như:
- Dinh thự "Ca' d'Ore", một dinh thự được xây bằng đá hoa cương nhiều màu và được trang trí mặt tiền bằng vàng thật. Lâu đài được xây
theo ước muốn của một nhà giàu có ở Venice, tên là Marino Contarini, muốn thành phố ông ở có một lâu đài phi thường lộng lẫy nhất của xứ
sở.
- Nhà thờ San Marco, có tháp chuông cao 100 mét, có 2 tượng đồng "Moors" đứng gõ chuông từng giờ. Chính cái thú vị là hiểu được nguồn
gốc hai tượng đồng đó, đó là biểu tượng cho nhóm người "Moors" khi họ mới định cư trên vùng đất này, đánh chuông từng giờ để cảnh thức
những người đang trong giấc ngủ mê ...!!!
Đi qua kinh chính, kinh phụ cắt dọc, ngang thành phố ; người lái tàu cho chúng tôi biết ngoài ba cây cầu chính nối liền hai khu vực thương mại
Marco và Polo, còn có 350 cây cầu phụ nối liền các khu vực khác với nhau trong thành phố. Trong mối tương đàm với nhau, người lái tàu còn
nói lên nỗi buâng khuâng rằng, có thể có một ngày nào đó thành phố này sẽ biến mất, vì người ta nhận thấy rằng, mỗi năm có chừng một hay
hai milli mét chìm xuống biển sâu. Ông nở một nụ cười cộng lẫn tiếng thở dài rồi nói, "nói thì nói vậy, hơi đâu mà lo, phải không quý vị? bằng
chứng lượng người đến đây gấp bội cư dân của thành phố này, ước tính trung bình mỗi ngày có đến 50, 60 ngàn người đến thăm viếng nơi
đây!"
Và trước khi chia tay nhau, ông cũng cho chúng tôi lời đề nghị, nếu có thì giờ, thì nên đi đến nơi này hoặc nơi kia. Theo lời đề nghị của ông,
ngày thứ ba, chúng tôi thật sự bước vào đi thăm viếng. Trước tiên chúng tôi dạo quanh phố, thấy đường phố rất hẹp, chỗ rộng nhất là 4 mét,
phần còn lại chỉ cỡ 2 mét thôi. Tại các khu vực gọi là Campo hay Campiello thì có miếng đất trống rộng hơn, nhưng đó chỉ là những khu vực
gần nhà thờ, hay khu buôn bán của dân chúng. Các cây cầu bắt ngang qua những con kinh đều được xây cao, để thuyền bè dễ dàng qua lại.
Người đi trên phố toàn là du khách, nên ai cũng có cái túi du lịch mang theo.
Chúng tôi theo chân đoàn du khách đến thăm viếng những nơi như: thư viện, viện bảo tàng, riêng rạp hát, rạp chiếu phim, các khu vận động
dành riêng cho thể thao, đặc biệt vào Casino (sòng bài) thì chúng tôi không vào. Chiều tối đến, chúng tôi đến viếng nhà thờ San Marco; cảnh
trí nơi đây trông rất thanh bình, người và chim bồ câu thân thiện đang đùa giỡn với nhau. Chúng tôi lại có cái may mắn được xem chương
trình ca nhạc, do nhóm thiện nguyện trình diễn, nhóm này do chính các du khách đảm trách, vì thế tôi có sự nhầm lẫn, theo chân cặp vợ chồng
ở chung khách sạn, vào lối dành riêng cho các nghệ nhân có chân trong buổi ca nhạc. Vợ tôi thấy vậy, vội kéo tay tôi lại và cho lời mắng yêu,
"tội nghiệp mắt mù, tai lại điếc!"
Với cuộc viếng thăm Venice vừa qua, tôi nhận thấy Venice rất hấp dẫn du khách bỡi vì mỗi góc độ của nó đều mang một vẻ lãng mạn, nơi mà
thực tế pha trộn hài hòa với những ước mơ, có đầy dẫy những hoạt động du lịch thú vị: chiêm ngưỡng các nhà thờ, các lâu đài, các đài tưởng
niệm, các nhà thờ cũng như có đầy đủ thư viện, viện bảo tàng - được xây từ lâu với các kiến trúc tráng lệ, đậm nét lâu đời của Venice - cộng
thêm, có rất nhiều hoạt động giải trí: có sòng bạc, rạp chiếu phim, nhà hát ca nhạc kịch, ca nhạc sống, có trường đua ngựa, và cũng có khu
dành riêng cho các hoạt động thể thao v.v...
Tuy có ba ngày thăm viếng ở thăm Venice, nhưng tôi chưa có thể nói trải nghiệm được thứ gì, mà chỉ là những cái nhìn lướt qua; duy tôi có
một ấn tượng sâu sắc về hệ thống kinh rạch ở đây, nó chằng chịt chẳng khắc nào vùng IV - quê tôi - làm tôi cảm thấy rất thân, và rất gần gũi.
Tôi nói "Venice là thiên đàng của nhân thế" vì ở đây chỉ thấy người người vui chơi hưởng thụ!
Gửi các anh, các bạn xem vài hình ảnh chuyến thăm viếng Venice vừa qua của vợ chồng tôi.
Đường vào Venice
Hai vợ chồng trên chiếc Gondola
Thành phố Venice, bên dòng kinh
Hai vợ chồng trong phố Venice, tại một địa điểm gọi là Campiello
Hai vợ chồng tại chân cây cầu Accademia, nối liền hai khu vực Marco và Polo
Chùm ống khóa "thề nguyền" treo lủng lẳng trên thanh cầu, phia sau lưng tôi