Sau 2 tiếng đồng hồ bay, từ phi trường Dublin/Iceland, chúng tôi bước xuống phi trường Fiumcino/Rome lúc 11:05 sáng, thế mà trời bên ngoài vẫn còn làn sương mù bao phủ, nhiệt độ lúc đó chỉ 13°C. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một hàng người tay cầm bảng: homeless, thất nghiệp đang cần có việc làm, single-mom cần sự giúp đỡ... đang đứng chật lối ra phi trường. Tôi dừng chân đứng nhìn thử xem có ai mở lòng từ tâm, thì con gái tôi kéo tay tôi, giục tôi bước đi. Liếc nhìn qua phía phải thì cũng thấy một hàng người khác tay cầm những bảng tên, trong đó có "Minh-Chau Le", tôi chợt hiểu đó là người tài xế taxi đến đón con gái tôi. Chúng tôi vội tiến đến người cầm bảng tên "Minh-Châu Le" bắt tay và cùng nhau ra Taxi về khách sạn. Khách sạn nằm trong khu phố cổ, do đó đường xá rất đông đúc người qua lại, làm con đường vốn chật lại chật hơn.
Về khách sạn tắm rửa nghỉ ngơi đôi chút, rồi 3 chúng tôi (con gái, vợ tôi, và tôi) kéo ra phố để tranh thủ thời gian thăm viếng vì chúng tôi chỉ có 3 ngày ở Rome mà thôi.
Con gái tôi đưa chúng tôi dến trạm Subway để mua vé đi đến Colosseum (chữ M thật to tướng nổi bật trên tấm bảng màu xanh, nói cho người biết nơi đó là chỗ vào đường hầm Subway - ở Ý và Pháp cũng giống nhau), đấu trường của La Mã cổ. Nhìn cảnh vật điêu tàn, tôi cảm thấy bùi ngùi xúc động, trái với tâm trạng đứa con gái tôi: nó thao thao bất tuyệt giảng nghĩa về lịch sử của đấu trường này, cùng vai trò hiện tại của nó. Chúng tôi đi quanh đấu trường và đi lướt qua khu tích lịch sử của thời vua chúa La mã cổ, rồi chúng tôi kéo nhau đến trạm xe bus chuyên chở khách du lịch đi vòng quanh thành phố để xem các di tích lịch sử. Mỗi người chúng tôi được cấp một "écouteur" gắng vào tai để lắng nghe lời thuyết giảng về nguồn gốc lịch sử của những tượng đài hay những lâu đài khi xưa. Bus Tour kéo dài cỡ 45 phút. Sau đó chúng tôi trở về khách sạn chờ người hướng dẫn "tour of Rome By Night" đến, để đưa chúng tôi đi dạo. Chúng tôi được đưa vào một nhà hàng tương đối sang trọng đãi ăn tối; tại đây có phục vụ ca nhạc sống. Giọng hát của hai ca sĩ thật tuyệt, nhất là giọng ca nữ khỏi phải chê - khi cô lướt gần lại bàn chúng tôi, dáng dấp nàng thanh thanh với nụ cười luôn điểm trên môi, trông thật đáng yêu - hỏi ra mới biết nàng mang dòng máu Korean. Ba mươi phút cho ăn uống, chúng tôi lên một chiếc xe mini Van đến các Piazza (Quảng trường tiếng Ý) để xem hoạt động dân chúng ở đây - Qua các quảng trường, đông và vui nhất là quảng trường có hồ phun nước - Chúng tôi cũng được đưa đến những di tích lịch sử mà hồi chiều chúng tôi được Bus đưa đi tham quan, Tour of Rome By Night chấm dứt lúc 12 giờ đêm - Chúng tôi về khách sạn để nghỉ ngơi.
Một ngày qua tại Rome, buổi sáng thức dậy con gái tôi nhắc nhở vấn đề ăn mặc phải chỉnh tề, trước khi bước xuống ăn sáng tại khách sạn. Vì hôm đó chúng tôi sẽ vào thăm đền Thánh Phê-rô (Peter). Ăn sáng chưa dứt bữa thì Taxi đến, chúng tôi vội vã bước ra để đi. Đến văn phòng hướng dẫn du lịch, nằm cách nhà thờ Thánh Peter cỡ 800 mét. Bước vào văn phòng tôi thấy đông nghẹt người - người người đến trình giấy đăng ký được hướng đẫn du lịch - Con gái tôi cũng đến trinh giấy và được xếp vào nhóm du khách nói tiếng Anh. Mỗi nhóm 10 người, có được 1 hướng dẫn viên. Hướng dẫn viên của nhóm chúng tôi là cô Marina - cô căn dặn chúng tôi nhìn theo cây dù trong tay của cô mà đi theo kẻo lạc. Mỗi người chúng tôi được phát một máy nghe có "écouteur" gắng vào tai để nghe chỉ dẫn cùng lời thuyết giảng của cô khi đi qua, một bức tranh, một pho tượng, hay một khu vực trong museum - Căn dặn những điều cần thiết xong, chúng tôi lần lượt kéo ra đường đi bộ tới nhà thờ.
Trời bắt đầu đổ mưa, mưa tầm tả như những cơn mưa đầu mùa ở Việt Nam, làm tôi e ngại - không biết lấy gì để che mưa. Liếc nhìn bên cạnh thì thấy có một người bán dù - mừng quá, định bụng bảo vợ mua một cái dù thì thấy nàng mỉm cười, và lấy tay đưa vào túi xách lôi ra một cái dù cán xếp - tôi thầm phục tính chu đáo của vợ tôi và càng cảm thấy yêu nàng hơn - Chúng tôi đi trong mưa - người người giăng dù lên: xanh đỏ vàng tím, rợp cả khung trời, tạo ra một khung cảnh thật đẹp mắt -
Vì đoàn người quá đông, nên mất đến 30 phút mới tới địa điểm cần đến - Dừng lại, để nghe thêm vài chi tiết lần cuối trước khi bước vào bên trong - nói là lần cuối, nhưng khi qua cổng an ninh cô tập họp chúng tôi lại - một lần nữa, để nhắc, nhắc thêm . Trong khi chờ đợi mọi người quy tụ, tôi có dịp nhìn quanh để nhớ lại lời một du khách nói: "có hàng tỷ người, mỗi năm, đến Rome - Đến để chiêm ngưỡng dung nhan của Đức Thánh Cha (ĐGH) hay để cầu xin những ơn lành từ Thiên Chúa," Quả lời nói không ngoa!
Tập họp mọi người đầy đủ, cô nói vài lời thêm; rồi cô cầm dù đi trước, chúng tôi bước theo. Qua chiếc cầu thang xoắn ốc, tới một sảnh đường to lớn, nơi có trưng bày mô hình toàn bộ Museum, cô dừng lại,
chỉ và giảng nghĩa từng khu vực chúng tôi sẽ tham quan: khu vực thứ nhất là museum, khu vực thứ hai là nhà nguyện Sistina, và khu vực thứ ba là ngôi thánh đường Peter - hai tiếng đồng hồ cho khu vực thứ nhất, ba mươi phút cho khu vực thứ hai, và ba mươi phút cho khu vực thứ ba - tổng cộng là ba thiếng, cô sẽ làm việc với chúng tôi.
Museum, cô giải thích, là nơi tàng trử tất cả các tác phẩm nghệ thuật cổ xưa từ các tranh ảnh - vẽ, khắc, tạc, các pho tượng quý giá đầy tính nghệ thuật từ ngàn xưa để lại, nói về những vị cao nhân (Đức giáo hoàng/thánh), những thành tích họat động của họ trong lúc sinh thời để chúng ta chiêm ngưỡng và tưởng niệm đến họ. Và rồi cô rút ra một số tranh ảnh điển hình, từ trong chiếc cặp cô mang theo, cho chúng tôi xem. Trong số các bức tranh, tôi lưu ý hai bức tranh: một là bức có hình Chúa Jesus và mẹ Maria ngồi bên cạnh - bên phải bức tranh, có dòng người bay lên và bên trái có dòng người bay xuống; hai là bức tranh, cảnh người đội vương miện cao 3 tầng, tay phải cầm cây thập giá dài.
Với bức tranh thứ nhất, cô giảng thích đó là cảnh ngày phán xét của Chúa Jesus Christ - cảnh người bay lên là những người được Chúa ân thưởng đều trần truồng - cô lại lý giải: đó là cảnh người lên Thiên đàng, người đã lên Thiên đàng là người vô tội lỗi, nên nhìn thấy bất cứ cái gì cũng hoàn hảo tốt đẹp; trái với người phàm tục - Thế mới có câu "tốt khoe. xấu che" - nhìn bức tranh, tôi có chút suy nghĩ phải chăng đó là luật tuần hoàn của vũ trụ, trong đó bao gồm cả kiếp sống của con người ?!
Với bức tranh thứ hai, là Đại đế Constantine, người có công phục hưng đời sống cho Ki-tô hữu - Mẹ Constantine là bà Helena, bà vốn là cô chạy bàn cho một quán rượu ở Anh, lấy một anh sĩ quan La mã, sau này khi sinh ra Constantine thì bị chồng bỏ, lúc đó Constantine mới 7 tuổi - bà rất đau buồn nên tìm an ủi trong đạo Ki-tô, chẳng bao lâu sau bà trở thành một tín đồ sùng đạo. Hành động theo đạo Ki-tô của bà đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh của Constantine.
Cô kể tiếp, vào năm 305, nước Anh có một cuộc nổi loạn. Constantine đang ở Pháp, được cha (Constatius Chlorus) giao cho sứ mạng mang quân qua nước Anh dẹp loạn. Tháng 7/306 trong lúc Constantine đang ở nước Anh thì nghe tin cha chết tại Ý; các quân sĩ dưới quyền tôn Constantine lên làm Đại đế (emperor).
Trong ý muốn thống nhất lãnh thổ - Bỡi vào năm 285, hoàng đế Deocletian, đã chia lãnh thổ La Mã ra làm 4 vùng, mỗi vùng do một thống đốc cai trị (bốn thống đốc đó là Licinus, Maxentius, Galerius, và Constantius Chlorus/cha Constantine). Trong lúc đó nước Ý đang dưới quyền cai trị của Maxentius. Muốn thu trọn lãnh thổ về một mối, phải thắng được Maxentius, phải có trên 3 vạn quân; trong khi đó lực lượng của Constantine chỉ có vỏn vẹn 1 vạn quân, mà phần lớn là tín đồ Ki-tô giáo; vì thế Constantine thành lập đạo quânThập tự, với cờ hiệu là hình chữ Thập, viết 2 chữ Hy Lạp "XP" có nghĩa là Ki-tô, để kích lệ tinh thần quân sĩ.
Một giai thoại rất kỳ thú là, trong lúc đang cân nhắc về sự chênh lệch lực lượng đôi bên, thì đêm trong giấc ngủ, Constantine nằm mơ thấy Chúa hiện ra ban cho chàng hai chữ Alpha (α ) và Oméga (Ω) - Thức giấc, Constantine luận nghĩa dấu hiệu Chúa cho, và quả quyết rằng ý Chúa là muốn chàng thực hiện ước mơ - Constantine động quân khởi đánh và đã giết được Maxentius - Từ đó vai trò của người Ki-tô hữu được trọng dụng!
Qua câu chuyện, tôi hiểu phần nào lý do tại sao Chúa Jesus sinh ra, lớn lên đi hành đạo, rồi chết tại Do Thái mà giáo hội Công giáo lại thành lập tại Ý (xin mở ngoặc tại đây về từ Công Giáo, là giáo hội tình thương của Chúa, chứ không phải là giáo hội của công cộng hay của quần chúng, như mọi người thường lầm tưởng).
Và thêm một lý do nữa để giải thích tại sao Giáo hội Thiên Chúa giáo thành lập tại đây là vì Chúa đã muốn Peter, tông đồ thứ nhất của Ngài, ở lại đây làm trụ cột nền tảng cho giáo hội của Chúa về sau (Còn ta, ta bảo ngươi rằng: ngươi là Peter, ta sẽ lập hội thánh ta trên đá này, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó. Ta sẽ giao chìa khóa nước Thiên đàng cho ngươi; hễ điều gì ngươi đã buộc ở trên đất, thì cũng sẽ phải buộc ở trên trời, và điều gì ngươi mở ở dưới đất thì cũng sẽ được mở ra ở trên trời" (Matt 16: 18-19) - Vậy thầy đang đi đâu vậy? (trên đường chạy thoát sự khủng bố của người La mã, đêm trong giấc mơ Peter gặp Chúa và hỏi - Ta về Roma để chịu đóng đinh một lần nữa (Chúa Jesus đã trả lời) Và luận về lời Chúa, Peter đã chấp nhận ở lại để bị đóng đinh như Chúa.
Theo chân cô Marina, chúng tôi bước vào Museum, điều đập vào mắt tôi trước hết là tòa nhà Museum toàn bộ đều xây có mái vòm rất cao - cô lý giải - vì đó là biểu trưng (theo kiểu thiết kế Hy Lạp cổ) cho mỗi Bascilica (tiếng Ý, còn theo nghĩa tiếng Anh là Church/Chapel) dành cho những người tử vì đạo - Vì tất cả khu vực này được xây trên những nấm mộ của người đó, trong số đó có Thánh Peter.
Nhìn lên trần, nơi các bức vách, ngay cả trên sàn nhà đâu đâu cũng tràn đầy tranh ảnh, và nơi các góc cạnh, đều có đặt các pho tượng khỏa thân - đến nơi nào cô cũng dừng lại giải thích nguồn gốc của bức tượng/bức tranh cùng tác giả người tạc/ vẽ cả; tuy nhiên tôi không thể nhớ hết để kể/trình bày cùng anh em.
Tận cuối của Bảo Tàng Viện là nhà nguyện Sistina. Bước vào đây, mọi người phải tuyệt đồi giữ im lặng, người đội nón/mũ (như tôi) phải bỏ nón/mũ đứng cầu nguyện.
Sau ba mươi phút cầu nguyện, chúng tôi được hướng dẫn tới thăm Thánh đường Peter (Phê-rô). Kiến trúc Thánh đuờng thật độc đáo, có hai dãy cột giống pháp đình cổ La Mã, có nội thất rất lớn - nơi đây được coi là nơi thiêng liêng - vì nhà thờ xây cất trên phần mộ của Thánh Peter, là vị Giám mục đầu tiên của thành Rome, và cũng là Đức Giáo Hoàng đầu tiên của tòa Thánh Vatican.
Nhà thờ Thánh Peter có mái vòm cao rộng, có thể thấy đường chân trời của Roma. Lối kiến trúc theo kiểu Gothic thật độc đáo, cộng với những truyền thuyết được truyền lại; có lẽ vì thế, nơi đây, đã thu hút rất nhều khách thập phương đến thăm viếng.
Ba mươi phút lưu lại, để chỉ dẫn giải thích những gì chúng tôi không hiểu biết. Thì giờ và nhiệm vụ của cô Marina chấm dứt, nàng bắt tay mọi người và không quên chúc chúng tôi, "have a nice tour!"
Cảnh du khách đông đúc tại cửa vào
Cô Marina (người có mang kiếng) tại phòng mô hình Museum
Cô Marina đang giải nghĩa một bức tranh có trong Bảo tàng viện
Cô Marina, với cái dù, bắt đầu dẫn du khách đi tham quan
Cô Marina, bên trái phía trước vợ tôi, tay cầm cây dù dẫn nhóm du khách đi tham quan
Cô Marina (người mang kiếng) giảng về vị trí của nước Ý với những biến cố lịch sử của nó
Vợ tôi trong nhóm du khách
Hai vợ chồng lại gặp nhau nơi chỗ trống trong Bảo Tàng Viện
Lối ra nhà nguyện Sistina - Đoàn người du khách
Hai vợ chồng tôi chụp hình kỷ niệm với cô Marina
Trước Thánh đường Peter là một quảng trường to rộng mang tên ông. Quảng trường này là nơi Đức Giáo Hoàng làm lễ chúc phúc cho giáo dân cũng như quần chúng. Rất tiếc, thời gian vợ chồng tôi đến đây, Ngài đang công du nơi nào đó nên nơi quảng trương không mấy tấp nập; tuy nhiên vẫn có lắm người đến đây. Mời các anh em cùng nhìn xem.
Quảng trường Peter
Hai vợ chồng ở trước quảng trường Peter
Nhìn đồng hồ còn sớm nên đứa con gái tôi đưa chúng tôi đến chơi ở quảng trường "Spanish Step", để trải nghiệm cuộc sống sôi động của người dân ở thành Rome. Lại mời các anh và các bạn thưởng thức cảnh trí ở nơi này