Người giúp việc đưa Hoà vào một căn phòng rộng, đặt va li xuống rồi tiến về phía sau mở
toang cánh cửa. Anh ta chỉ tay về phía chiếc cầu mới xây và một vùng cát vàng phía dưới.
- Đây là căn phòng đẹp nhất trong khách sạn. Đứng ở ban công này ông có thể nhìn thấy tất cả
sông Trà. Từ cầu Trường Xuân bên kia nhà máy đường, đến khu cầu mới bây giờ rồi cả núi Thiên Ấn
ngoài kia.
Hòa không nói chỉ gật đầu rồi đưa cho anh ta một tờ giấy bạc màu xanh rêu. Giữa một xấp bạc lộn xộn
với những con số cao ngất ngưởng, Hòa chưa quen giá trị của đồng tiền nên tờ giấy đưa ra làm anh
chàng giúp việc vui bất ngờ vì đồng tiền lớn quá. Anh ta rối rít cảm ơn rồi nói.
- Dạ, dạ, cảm ơn ông nếu ông cần gì cứ gọi tôi sẽ tới ngay.
Anh ta lại đứng lại tần ngần, gãi đầu như muốn nói thêm một điều gì. Hoà vẫn đứng nhìn như khuyến
khích.
- Ông có cần mấy cô mát-xa cho khoẻ không tôi gọi cho. Mấy cô trẻ đẹp lắm, chiều khách tới
nơi luôn.
Hoà mỉm cười lắc đầu ra dấu cho anh ta đi ra. Chàng không khỏi ngạc nhiên khi thấy chuyện thầm
kín mà bây giờ người ta mời chào công khai như chào một món hàng. Hòa rút trong ví ra tấm hình
Thương đang cười rất tươi, âu yếm nhìn nàng rồi khẽ nói.
- Không có em người ta đang quyến rũ anh đó.
Đóng cửa lại, Hòa đã nằm vật ra giường. Chàng đã quá mệt sau chuyến xe từ Qui Nhơn tới đây chỉ muốn
nằm nghỉ ngơi một chút rồi còn phải đi thăm nhiều nơi nữa. Sao bây giờ ở Việt Nam sự dối lừa đã trở
thành cuộc sống. Chuyến xe chàng đi hôm nay mà người bạn bảo là xe tốc hành, thật ra đã dừng lại cả
vài chục lần để đón khách trên đoạn đường chỉ hơn một trăm cây số. Rồi đến khách sạn, người ta giới
thiệu là đệ nhất gì gì đó rồi dẫn chàng vào căn phòng này sao nhiều bụi bặm và có mùi ẩm mốc.
Chỉ năm phút sau Hòa ngồi bật dây. Cái mùi ngai ngái khó chịu của máy lạnh từ lâu không được mở
cộng với nỗi háo hức, bồi hồi về lại nơi xưa làm chàng không tài nào ngủ được dù chỉ một phút. Nơi
đây là đất của tuổi thơ, nơi chàng đã gửi một phần đời đẹp nhất. Xa cách quá lâu rồi nay mới trở
về hỏi có ai yên tâm nằm yên để giỗ giấc ngủ trưa.
Chàng mở cửa sau tiến ra ban công nhìn ra bên ngoài. Từ tầng lầu cao Hòa nhìn được cả một khỏang
trời bao la trên dưới. Cây cầu mới xây trước mặt chắc đã xóa đi con dốc cũ. Dưới bãi cát vàng dòng
sông cạn chơ vơ đá cát chỉ như con suối lấp lánh chút nước dưới nắng chiều. Xa hơn nữa là một
khoảng xanh của cỏ cây cao dần với ngọn núi trầm ngâm giữa cánh đồng mênh mông vàng vàng lúa chín.
Đó là ngọc ấn của trời đóng xuống sông Trà Khúc.
Thiên Ấn niêm Trà là một
trong những thắng cảnh nổi tiếng của xứ Quảng này đây.
Chàng quay vào bước vô phòng tắm. Nước lạnh rũ bụi đường xa làm tươi thân thể, cho Hòa khỏe lại.
Chàng thay quần áo vui vẻ bước xuống con đường vẫy một chiếc xe tắc-xi đang đậu ven lề bảo quay về
phố. Vẻ quen thuộc, rành rẽ làm chẳng ai biết chàng là khách lạ. Gần bốn mươi năm rồi, cảnh vật có
đổi thay nhưng các con đường chính vẫn chưa đổi tên, vẫn còn nằm trong ký ức của chàng.
Hòa bảo người tài xế cho tôi về trường Trần quốc Tuấn. Thấy anh ta gật đầu , chàng yên tâm là sự
thay đổi không nhiều. Con đường Quang Trung chạy dọc theo quốc lộ ngày xưa có thể được sửa sang
rộng hơn một chút nhưng không lạ lẫm. Xuống xe chàng ung dung bước vào nói vài lời với người gác
cổng. Tôi là học sinh cũ ở đây, chỉ có thế thôi mà nét hân hoan của người lao công đã hiện rõ trên
khuôn mặt. Chàng với ông ta không hề quen biết nhau nhưng chắc cùng chung quá khứ. Thế là đã đủ
vui cho những tâm hồn ở lứa tuổi về chiều.
Hoà bồi hồi ngồi xuống chiếc ghế đá được khắc chạm câu thơ của Chế Lan Viên
“ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi
ta qua đất đã hóa tâm hồn ” mà chợt thấy lòng buồn. Trường xưa cũng chẳng thay đổi gì lắm.
Vẫn sân cỏ cũ mà trong giờ hoạt động thanh niên bọn chàng phải ra ngồi xếp từng hàng nghe mấy thày
cô kể chuyện hay nghe chị em cô ca sĩ Hồng Vân, Hồng Việt hò khoan, nhưng giờ sao hoang phế quá.
Cây phượng vĩ trước cổng trường không còn nữa, chỉ có hàng phượng trẻ đầy những lá xanh trong sân,
mùa hè mà chỉ lác đác mấy cánh hoa non.
Đi quanh một vòng, hút tàn mấy điếu thuốc Hoà mới bước ra ngoài cổng. Chàng đi bộ dọc theo con
đường Quang Trung rồi bước vào quán ăn Sông Trà không chủ định. Hoà không đói cho dù chỉ ăn ở nhà
người bạn ở Qui Nhơn từ sang. Thấy cái tên Sông Trà hay hay gợi nhớ thì chàng bước vào, chẳng biết
quán có ngon có đẹp hay không vì trí óc chàng vẫn còn đang phiêu du trên những từng ký ức.
Sông Trà Khúc là con sông tuổi thơ của Hoà, là con sông trong tâm hồn của người dân xứ Quảng.
Mấy cô gái thấy khách bước vào, một bầy đua nhau chào đón. Cô nào cô nấy trẻ măng như chưa qua khỏi
tuổi hai mươi. Thế này chẳng trách nào ở nơi chàng ở lắm người bỏ vợ, bỏ cả gia đình về đây để hái
chùm khế ngọt. Chàng như thầm nhủ với Thương, em ở đâu, có cùng anh đi về quá khứ. Hôm nay giữa
lòng đất Quảng, Hoà về đây trọn vẹn thương yêu nhưng chỉ thiếu một người.
Thực đơn được đưa ra nhưng Hòa chẳng nhìn vào. Cầm chai bia lạnh từ tay người con gái chắc còn thua
tuổi đứa con gái út của chàng, với lời chào mời anh anh em em ngọt lịm làm Hòa hơi ngượng ngùng với
mái tóc lốm đốm bạc của mình. Ăn cái gì bây giờ. Thịt thà thì ngán quá. Rau cỏ thì không biết có
hợp vệ sinh. À phải rồi, chàng về xứ Quảng là để ăn don. Những bát don ngọt ngào sông nước của miền
Trung ngày xưa đang vẫn đợi Hòa.
Chàng yêu cầu được ăn một bát don, thức ăn không có trên thực đơn làm cô gái tiếp viên ngơ ngác.
Ngay chính cô, dù sinh ra ở đây cũng không biết nữa. Cô hấp tấp chạy vào trong hỏi người trong
quán. Có lẽ vì bực mình bị hỏi tới hỏi lui nên Hoà nghe rõ tiếng người con gái, có lẽ là chủ quán
nói với cô tiếp viên còn nguyên chất Quảng.
- Hổng có. Mùa ni lồm chi mà có doong. Mi ra noái ổng eng mì Quảng đi.
Thế là Hoà đành ngồi uống bia, ăn mì Quảng mà nghĩ tới những bát don. Sông Trà chắc là nơi độc
nhất có con don vì chàng không thấy đâu bán món này. Con don là một loại nhuyễn thể nhỏ có lẽ đi
từng đàn. Hoà không biết người ta bắt don ra sao chứ ngày xưa chàng thường ăn don mỗi sáng trước
khi đến trường vì don là thức ăn dân giả, rẻ tiền rất hợp với những gia đình nghèo mà đông con như
gia đình chàng.
Ngày ấy mỗi buổi sáng người ta thường thấy các cô gái, các bà gánh những lu don nhỏ nóng nghi ngút
khói với một bên là chồng bát đũa và bánh tráng cao ngất. Muốn ăn cứ việc gọi tới, người bán đặt
quang gánh xuống lấy bát ra múc trong lu một thứ nước màu hoàng yến cộng với những con don nhỏ như
con tép sơ sinh rồi đưa cho khách hàng với một chiếc bánh tráng nướng dầy. Người ăn chỉ việc bẻ
bánh cho vào bát và đã có một bát don nóng hổi ngon lành. Hoà không thể hình dung con don hình dạng
thế nào nhưng nước don thì ngọt lịm mà bánh tráng thì dòn như tiếng cười của cô hàng don mới chừng
mười lăm mười sáu khi xưa.
Cô gái hàng don ấy khi xưa chắc thua Hoà vài tuổi. Mỗi buổi sáng đi ngang nhà Hoà là cô ghé vào chờ
sẵn. Trong nhà chẳng ai ăn don ngoài Hoà nhưng cô vẫn đợi. Cha mẹ Hoà thường ăn thứ khác nhiều
tiền hơn như bún phở, các em Hoà thường chọn xôi chè. Chỉ có mình Hoà là trung thành với mấy con
don, có lẽ cả cô hàng don nữa.
Ăn riết thành ghiền. Mà cô hàng chỉ biết múc don cho Hòa chứ ít chú ý đến tiền. Lắm hôm vội vã cô
múc sẳn cho chàng rồi tất tả quảy gánh đi cho kịp khách. Có một buổi sáng Hoà đã chuẩn bị đến
truờng mà cô chưa tới làm chàng đứng đợi bên ngoài cửa. Sắp đến giờ rồi mà bóng cô hàng don chẳng
thấy đâu. Chàng đang tính nhịn đói đi học thì cô vừa tới.
Đặt gánh don xuống là cô múc ngay vào bát. Có lẽ vì vội vàng nên cô cũng không chú ý tới xiêm y.
Hàng nút bấm vội trên cồn ngực vì thiếu sót hay tại ngực cô đã to hơn tự nhiên bật ra để hở cả một
cồn ngực trắng ngần. Hòa thẫn thờ luống cuống đánh rơi cả bát don đang cầm trên tay mà cô hàng
cũng vừa chợt thấy thân hình của mình trên đôi mắt Hoà nóng bỏng. Cô hoảng hốt cài lại hai hàng nút
gánh đi, quên cả múc cho Hoà bát khác. Hôm ấy lần đầu tiên Hoà chưa ăn sáng mà không thấy đói vì
trong lòng rộn rã niềm vui.
Ngày xưa Hoà là học sinh Trần quốc Tuấn. Một trường công lập mà học sinh phải thi tuyển mới đựơc
vào học. Tỉnh nhỏ người thưa mà rất trọng chuyện học hành nên cái mác học sinh trường công lập đủ để
cho Hoà dễ dàng nói chuyện với phái bên kia. Dĩ nhiên cô hàng don cũng biết vì có hôm cô nhìn lén mà
Hoà bắt gặp, cô nói bâng quơ.
- Học sinh Trần quốc Tuấn, giỏi dữ hông.
Rồi Hòa cũng biết tên cô là Mượt. Cái tên rất xứng với người vì vất vả sớm hôm nhưng lúc nào trông
cũng mượt mà.
Hai năm sau ngày thi trung học thì gia đình Hòa dọn ra Đà Nẵng. Hình bóng cô hàng don và niềm xao
xuyến dần dần cũng thu nhỏ lại trong ngăn ký ức. Hoà biết cô có cảm tình đặc biệt với chàng vì đôi
mắt cô nhìn ướt át quá làm cho Hòa không thể nào quên.
Năm năm sau, quê hương tràn đầy khói lửa, Hòa đã là người lính trận. Chàng vừa cưới Thương trong vài
ngày phép ngắn ngủi trong thời chiến đã bị điều động ra đơn vị. Chuyến hành quân tăng phái cho sư
đoàn 2 Bộ Binh làm Hòa trở lại sông Trà.
Một buổi chiều lục soát trên xã Sơn Kim người trung đội phó báo cho chàng biết vừa bắt được người
giao liên khi dẫn đồng bọn băng ngang khu đồng cấm. Theo người trung đội phó cho biết người giao
liên này rất nguy hiểm vì đã ngoan cố chống trả, cầm chân binh lính của chàng cho đồng bọn chạy
thoát về phía bên kia, vì hết đạn nên đành buông súng. Khi người lính dẫn cô giao liên về trung
đội, Hoà đã sửng sốt nhận ra người giao liên chính là Mượt, cô hàng don ngày ấy. Đôi mắt, nụ cười
không lẫn vào đâu được, chỉ khác là ngực đã vun cao và mông tròn lẳn hơn ngày trước. Cô cũng mở to
đôi mắt ngạc nhiên nhìn Hoà. Vẻ bối rối thoáng qua trên khuôn mặt nhưng thay đổi ngay, lạnh giá như
băng. Chàng chưa kịp hỏi cô đã nói bâng quơ.
- Học sinh Trần quốc Tuấn mà làm tay sai cho giặc Mỹ.
Nghe nói thế Hoà biết rằng Mượt cũng nhận mình và rất tiếc là nàng đã bị phía bên kia tuyên truyền
lừa phỉnh, nhồi nhét những lòng yêu nước dối gian đỏ thẫm cả tim rồi. Chàng bối rối không biết làm
sao khi trời đã về chiều. Giải giao lên đại đôi để chấm dứt trách nhiệm của mình hay thả nàng ra vì
đôi mắt ngày xưa xem chừng còn rất ướt trong ký ức của chàng. Hay là giữ nàng lại ở đây với chàng
đêm nay, cố thuyết phục giảng giải cho nàng đường ngay nẻo chính rồi báo cáo với cấp trên rằng nàng
hồi chánh. Nghĩ thế, Hòa chưa vội báo cáo lên đại đội vì đêm nay câu chuyện mới thực sự bắt đầu.
Đích thân Hòa dẫn Mượt ra dòng suối cạn để nàng chải sơ mái tóc rồi đưa nàng lên chiếc võng trận
duy nhất của mình. Người lính mang máy và người tà lọt cũng trải pa-no nằm phía xa xa. Mỗi lần đi
kiểm soát lính gác xong Hòa lại ngồi ngay xuống đất, lưng dựa vào cột, đong đưa chiếc võng, thầm
thì.
Hòa kể cho nàng nghe tại sao gia đình chàng phải chạy từ bắc vào nam vì không thể chịu đựng được sự
tàn nhẫn và dối gian có hệ thống của chủ nghĩa và con người Cộng Sản. Chính ông nội, bà ngoại của
chàng đã chết oan khiên trong những đợt cải cách ruộng đất đấu tố man dã ngoài kia. Rồi những lần
pháo kích vào thị thành, trường học. Tết Mậu Thân người chôn sống người trên đất Huế tang thương còn
đó để chàng phải dấn thân làm lính trận hôm nay. Chàng kết luận là người Cộng Sản không có quê
hương hay dân tộc họ chỉ lợi dụng danh nghĩa và không từ bỏ một hành động dã man nào để đạt được mục
đích sau cùng. Cuối cùng Hoà ôn tồn nói.
-Nghĩ cho kỹ đi em, ai là người xâm lăng xiềng xích, giết hại dân lành. Anh tiếc rằng
chúng ta có ít thì giờ để nói cho em hiểu rằng anh đang chiến đấu cho quê hương cho đồng bào chống
lại cuộc xâm lăng của người Cộng Sản phương bắc, người Mỹ chỉ giúp các anh bảo vệ dân lành. Em lầm
lẫn lớn rồi Mượt ơi. Hãy quay về trước khi quá muộn. Anh sẽ giúp em hồi chánh.
Mượt chỉ yên lặng. Không ai biết nàng đang nghĩ gì. Hòa biết đêm nay cả hai đều không ngủ được.
Đến gần sáng Mượt mới ghé tai chàng nói nhỏ.
- Khó lắm anh ơi. Tay đã nhúng chàm rồi.
Hoà không nói gì thêm. Chàng dẫn nàng ra dòng suối, qua trạm gác giặc đêm rồi bảo Mượt.
- Thôi, em đi đi…
Mượt ngạc nhiên, ôm chầm lấy Hoà và nước mắt đẫm ướt trên ngực áo trận rằn ri. Nàng băng mình vào
đêm tối để từ đó cho đến khi buông súng Hoà không bao giờ còn gặp lại nàng.
Hôm nay, về lại sông Trà chàng muốn có một bát don để tìm lại dư hương ngày cũ và nhớ lại hương vị
đậm đà trong những bát don của cô Mượt ngày xưa.
... Chai bia đã cạn, rồi chai khác tiếp theo. Cô tiếp viên trẻ cũng ngạc nhiên thấy Hoà chỉ uống
chứ không ăn không nói, nhưng cô chẳng thắc mắc gì. Thời này thiếu gì người lạ lùng. Ông khách này
chắc ở trong số đó. Bổn phận của cô là chiều chuộng, nói cho khách vui uống nhiều hơn để cô có thêm
tiền thưởng. Nếu khách có tiền mà thích chuyện kia thì cô cũng sẵn sàng. Thời bây giờ ai còn để ý
đến nhân cách hay đạo đức. Sự đói khổ nghèo hèn vây bủa khiến người ta có thể dùng bất cứ phương
tiện gì, ngay cả xác thân để có được chén cơm manh áo. Cô là người được sinh ra trong mảnh đất Cách
Mạng anh hùng này đây nhưng mà Cách Mạng chẳng cho cô đựợc no đủ, được học hành nên chưa lớn cô đã
phải dấn thân.
Đã ba năm rồi kể từ ngày Thương mất đi Hoà chưa biết đến đàn bà. Nhưng với chàng chuyện ấy phải
bắt nguồn từ tình cảm chứ không thể đi mua. Hôm nay chàng về đây để tìm một chút hương xưa đã mất,
không hứng thú mà cũng chẳng để ý gì đến cô gái vì quá trẻ quá, có muốn nói chuyện tâm tình hay mua
vui cũng không đồng điệu. Thấy Hoà cứ ngồi uống bia, chẳng nói mà tay chân cũng chẳng ngứa ngáy
đụng chạm gì cô gái xem ra cũng buồn, thở ra hết đứng lại ngồi.
Đang lúc lơ mơ ngất ngưởng Hoà nghe tiếng hỏi to ở phiá những dãy bàn sát trong nhà bếp.
- Mi chỉ cho tau ông mô thích eng doong.
Hoà ngước nhìn lên thấy một cô gái mặc áo bà ba đen đang xăm xăm bước tới. Cô chừng trên dưới ba
mươi, da mịn màng, tóc đen óng ả và gương mặt đẹp não nùng. Hoà ngồi ngay ngắn lại nhìn sững vào
cặp mắt. Chàng đã bị hớp hồn rồi.
Theo hướng chỉ cô gái áo đen tới bên bàn của Hòa. Cô gái trẻ đứng lên nhường chỗ. Khi thấy ánh mắt
Hoà tha thiết quá cô lại ngại ngùng, ấp úng.
- Anh, anh. Chú hồi nãy kêu doong phải hông?
Hoà biết rằng gọi bằng chú là một điều lạ lùng với các cô gái phục vụ trong quán bây giờ. Các ông
lão sắp đem chôn, đi chơi cũng được các cô cháu gái gọi bằng anh ngọt ngào như đường mía huống hồ
chàng lưng chưa biết mỏi. Cô gái này đã thấy ở đôi mắt chàng có điều gì không ổn, nên cô e dè gọi
anh bằng chú. Cô ngập ngừng ngồi xuống khi Hòa thiết tha nói nhỏ mà không ngượng miệng.
- Đừng gọi anh bằng chú.
Hòa biết cô gái áo đen tò mò ra đây chỉ để xem mặt ai bây giờ mà còn nhắc đến món don. Bao nhiêu
năm rồi, vùng đất này sông đã cạn khô thì tìm đâu ra những con don để nấu những hũ sành thơm ngọt.
Chính cô cũng rất mù mờ về món ăn này vì chỉ được nghe mẹ nói. Ngày xưa...
Nói chuyện với nhau một lúc Hoà được biết tên cô gái áo đen này là Trà Giang, cái tên giống như tài
tử, tên của một con sông. Trà Giang cũng ngạc nhiên thấy Hòa biết nhiều về đất Quảng, nhưng với
giọng nói và cử chỉ của Hoà cô không tin rằng chàng là người ở xứ này. Hoà vắn tắt nói cho cô hiểu
một phần đời mình thuở trước. Chàng là học sinh của trường Trần quốc Tuấn này đây, dân Quảng ai mà
chẳng biết ngôi trường nổi tiếng này. Hoà còn kể thêm về sông Trà ngày ấy có bến Tam Thương nước
trong xanh để cho chàng những buổi chiều tắm mát. Hay là những ngày nghỉ học, ra tận chân cầu, nằm
trên bãi cát dài. Có khi chàng lội xuống dòng nước cạn và trong, nhìn rõ những con cá bống cát lặng
yên, Hoà đưa tay thọc sâu vào cát từ từ nâng lên. Con cá bống cứ theo nắm cát trong tay Hòa nâng
lên cao đến khi gần lên khỏi mặt nước là chàng nắm tay lại, thế là chàng đã tóm được một chú cá bống
cỏn con. Bãi cát chạy dài ven sông cho chàng rất nhiều thích thú với những ruộng dưa hấu trên bờ
để chàng hái ăn tự nhiên như chính của mình và nhất là những bát don ngon ngọt của cô gái ngày nào
cho chàng lót dạ mỗi sáng cắp sách tới trường.
Hoà nhìn người con gái như muốn nói như thế đủ chưa em.
Hôm sau và những hôm sau nữa, khi được biết Trà Giang sau mấy lần dang dở, bây giờ vẫn chưa có người
yêu Hoà mừng lắm. Chàng ngồi trong quán từ sáng đến chiều, từ tối đến khuya. Ăn sáng ăn trưa, ăn
chiều ăn tối tại quán Sông Trà. Có sao đâu vì chính người mà chàng yêu cũng là chủ quán. Trồng cây
si như Hoà, cộng thêm lối tiêu xài không đếm thường không lâu cây si kết trái. Vả lại tấm lòng chàng
chân thành quá ai mà chẳng xiêu lòng. Chính Hoà cũng chẳng hiểu vì đâu chàng lại si mê cô chủ quán
này. Vì cô xinh đẹp ư. Không, đất nước này có biết bao người xinh đẹp. Thôi phải rồi, chàng mê say
chỉ vì đôi mắt.
Rồi vì công việc chàng phải ra đi và những ngày xa cách đó không mấy khi mà chiếc handphone được
nghỉ. Hoà ngạc nghiên sao tình yêu cuối đến với chàng sôi nổi hơn cả tình yêu đầu tiên. Chàng lấy
tấm ảnh của Thương trong ví ra thì thầm với người trong ảnh. Tha thứ cho anh. Anh vẫn yêu em nhưng
anh cũng yêu người con gái khác.
Đến hôm Hoà trở lại đất Quảng thì cô chủ quán Sông Trà và chàng đã khắng khít như bóng với hình. Cô
bỏ mặc quán cho người làm theo Hoà đi lang thang khắp dòng sông cạn. Dấu chân trên cát khô làm
chàng nhớ tới những con bống cát ngày xưa. Bây giờ thì bống cũng chẳng còn, nói gì đến những con
don bé nhỏ. Hai người thuê xe đi vòng lên đỉnh núi Thiên Ấn, vào chùa lễ phật. Ra sân nhìn sâu vào
giếng nước duy nhất được đào trên đỉnh núi. Đi bên Trà Giang vui đùa tươi trẻ nhưng Hoà không còn
mặc cảm già nua. Cô hỏi Hoà tại sao yêu cô, chàng trả lời tại vì em đẹp quá nhưng cũng tại vì đôi
mắt em sâu. Chàng hỏi lại cô sao lại bằng lòng đi chơi với mình, cô trả lời rằng buổi đầu tiên
chàng hỏi món don làm cô chú ý. Tại vì chàng yêu sông Trà, dòng sông nuôi cô khôn lớn và cũng tại
vì cô nhận thấy tình yêu của chàng bao la, sâu rộng và chân thật như những giòng sông .
Một buổi sáng gặp nhau, Hoà vui mừng khi cô chủ quán ngỏ ý mời chàng về nhà. Nàng bảo có một sự ngạc
nhiên dành tặng cho chàng. Hoà đoán rằng chắc cô muốn khoe chàng áo cưới vì hai người cũng đã bàn
đến chuyện hôn nhân khi Hòa nói thực với nàng là Thương, vợ chàng mất đã ba năm, bây giờ chàng chẳng
có gì ràng buộc cả.
Hai người thuê xe đi qua bên cầu Trà Khúc, rẽ xuống một thôn xóm nhỏ nằm cạnh bờ sông. Bước chân
Trà Giang thênh thang như con chim sáo nhỏ. Bao nhiêu năm cô đã tìm được người đàn ông thương cô
chân thật, người đàn ông tôn trọng và trân quý tình yêu, không coi bọn đàn bà con gái các cô là
những món hàng giải trí. Cô đã nói nhiều lần với mẹ về anh ấy, mẹ rất mừng. Tội nghiệp mẹ cô mù
lòa, câm lặng chỉ mong cho con tìm được người thương, có một gia đình êm ấm.
Cô hỏi mẹ làm sao nấu được món don anh ấy thích. Nhưng tìm ở đâu bây giờ những con don bé nhỏ khi
dòng sông khô cạn chổng chơ. Cuối cùng hai mẹ con bàn tính là tìm những con hến nhỏ thay thế,
người ta cũng có thể nấu thành những hũ don thơm ngọt như xưa. Đó là điều mà Trà Giang muốn làm Hoà
ngạc nhiên. Hôm nay cô dẫn Hoà về cho mẹ biết và cũng để cho chàng được nếm lại món don xưa.
Đi qua những hàng rào thưa, lơ thơ mấy loại dây leo tàn úa bao quanh con đường mòn của một thôn
nghèo quen thuộc như hồi trước chiến tranh khơi dậy trong lòng Hoà một cảm giác bồi hồi. Chàng lặng
yên bên Trà Giang tươi vui đang nói nhiều về mẹ. Đến trước một căn nhà gạch nhỏ, khá xinh chàng
thấy một bóng người ngồi trên ghế ở trước thềm mặt hướng ra phía dòng sông cạn nước. Trà Giang buông
tay Hòa chạy đến bên người ngồi trên ghế, tiếng gọi reo vui.
- Mẹ ơi, con dẫn anh Hòa về thăm mẹ.
Bóng người đang ngồi lặng lẽ đứng lên. Hoà cũng đã tiến bước tới gần. Chàng bàng hoàng thấy hai mẹ
con sao giống nhau lạ lùng, chỉ khác chăng là mẹ thì xác xơ héo úa còn con thì no tròn tươi trẻ.
Trong một giây chàng nhận ra ngay vì sao chàng lại yêu Trà Giang đến thế. Phải rồi vì đôi mắt. Đôi
mắt to tròn ướt át đã ngủ yên trong ký ức của chàng suốt mấy mươi năm. Người đàn bà kia, mẹ của
người Hòa yêu bây giờ chính là Mượt, cô hàng don thuở trước, đã gửi cho con gái mình đôi mắt ngày
xưa.
Trà Giang hớn hở nắm tay kéo Hòa vào trong nhà, lấy khăn múc nước vào chậu cho chàng rửa mặt rồi lấy
ra chiếc ghế đặt bên cạnh mẹ cho Hòa ngồi xuống thưa chuyện với mẹ mình, rồi nàng qua nhà hàng xóm
để nhờ sửa soạn bữa ăn.
Hòa vẫn đứng yên hai tay bám vào thành ghế chăm chú nhìn người đàn bà. Đôi mắt vẫn như ngày xưa
nhưng không còn ướt át. Nhìn về dòng sông nhưng chắc chẳng thấy gì vì Hòa cảm thấy nó vô hồn lạnh
lẽo. Đôi mắt như có một tấm màn che khuất đến nỗi Hoà đang đứng đây mà Mượt không hề hay biết.
Thu hết can đảm Hòa khẽ gọi.
- Mượt, Mượt ơi. Có phải Mượt đó không.
Như bị điện giật, người đàn bà đứng lên ngay quay mặt về phía Hòa. Nàng nghiêng đầu về phía âm thanh
như cố lắng nghe. Hòa nghẹn ngào nói tiếp.
Tôi là Hòa ngày xưa học sinh Trần Quốc Tuấn mà mỗi sáng Mượt cho ăn don đi học. Rồi chúng ta lại
gặp nhau trên chiến trường ở xã Sơn Kim đêm ấy, Mượt còn nhớ không ?
Rất lâu, thời gian như đứng yên không trôi nữa. Hòa thấy những giọt nước mắt lăn tròn trên má Mượt.
Nàng từ từ ngồi xuống.
- Thì ra đó là anh. Tôi quên anh sao được. Có điều tôi không ngờ rằng người yêu của gái tôi chính là
thần tượng của tôi ngày mới lớn. Ngày ấy anh biết không, hình ảnh của anh trong tôi to lớn lắm.
Nhất là sau cái đêm chúng ta gặp nhau trên chiến trận thì anh lại càng vĩ đại biết chừng nào. Nó làm
đổi thay ý nghĩ và cuộc sống của tôi từ khi ấy. Nhưng tôi đã nói với anh đêm ấy. Tay trót nhúng chàm
rồi, khó mà rửa sạch. Sự thay đổi trong tư tưởng mà anh truyền đạt chỉ mang đến cho tôi hiểm họa to
lớn này đây với thân thể tật nguyền và tàn tạ. Nhưng tôi cũng chẳng buồn vì biết mình làm đúng.
Hòa vẫn đứng lặng yên, không biết phải nói điều gì. Anh không ngượng ngùng khi đã yêu Trà Giang con
gái Mượt. Ngày xưa đôi mắt ướt của Mượt mà anh ấp ủ trong tim thì bây giờ đôi mắt ấy làm anh si mê
trong thân thể Trà Giang. Nhưng biết nói sao bây giờ. Mượt lại thong thả từng lời.
- Trà Giang chẳng biết gì về anh đâu. Nó thấy anh tiêu xài rộng rãi cứ tưởng anh làm ăn buôn bán lớn
đâu đó trong nước. Nhưng bây giờ thì tôi chắc anh từ bên kia về. Tôi không hề ngăn cản hai người vì
tôi biết Trà Giang yêu anh lắm. Nó đã nói với tôi điều ấy. Nhưng anh nghĩ lại xem. Cuộc chiến tranh
ngày xưa đã chấm dứt đâu. Nó còn đang tiếp diễn, chỉ thay đổi hình thức bên ngoài mà thôi.
Dừng lại như để cho Hòa kịp theo lời nói của mình, Mượt lại thong thả nói.
Anh thấy đó, quê hương bây giờ vẫn xác xơ điêu tàn, người dân vẫn đói nghèo khốn khổ. Trai tráng đi
làm lao nô, con gái bị bán buôn cho ngoại quốc, không còn phẩm hạnh chỉ là món đồ chơi. Có sung
sướng chăng là lũ buôn dân bán nước đang cai trị và những người chạy theo đế quốc như các anh.
Mượt thở dài ngước mặt lên trời. Nàng thấy gì, nghĩ gì Hòa không thể biết. Chỉ nghe giọng nào đều
đều như tiếng than dài.
- Ngày xưa chúng nó nhân danh chiến tranh giải phóng để lợi dụng những người ngu dốt như tôi, để
cướp đi của người dân tất cả. Ngày nay chúng nó buôn dân bán đất, lại nhân danh xây dựng cho đất
nước giàu đẹp mà cướp đi đất đai tài sản của dân. Đất vườn nhà tôi trước kia không nhiều nhưng
không phải chỉ còn cái mảnh đất cỏn con này.
Hòa chỉ biết cúi đầu như người học trò lầm lỗi bị cô giáo khiển trách ngày nào. Ngước về phía căn
nhà anh đã thấy Trà Giang đang dừng trước cửa. Mắt cô mở to kinh ngạc về những điều đã nghe và thái
độ cung kính của Hòa.
- Anh đi đi, đi về thế giới của anh để hưởng giàu sang phú quý. Đừng trở về dùng đồng tiền mua lấy
cho mình sự sang trong giả tạo. Tôi van anh hãy để Trà Giang lại ở đây. Tôi chỉ còn có nó, tôi cần
nó giúp tôi.
Như để giải thích cho Hòa nàng lại nói thêm.
- Ít ra là trực tiếp phản kháng bọn cầm quyền thối nát đang sống trên mồ hôi nước mắt người dân.
Chúng tôi vẫn tin rằng một ngày nào đó chúng nó sẽ ngã xuống để quê hương Việt Nam sẽ đầy đủ tự do
và hạnh phúc.
Hòa vẫn lặng yên không nói một lời. Anh quanh lại phía Trà Giang đang bưng mặt khóc như thầm nói lờ
xin lỗi. Ngày hôm sau chàng đón chuyến xe sớm nhất rời bỏ đất Quảng về lại Sài Gòn. Hơn một tuần
bận rộn để lo giấy tờ và thủ tục chàng đã có mặt trên chuyến bay về Mỹ. Nhìn xuống mảnh đất chằng
chịt những con sông phía dưới Hòa biết rằng đã từ lâu và cho đến khi nhắm mắt không bao giờ chàng
quên được đất Quảng và sông Trà yêu dấu.