Đi dạo trong thương xá, trong những ngày nghỉ hưu là thói quen của Gian; vì nó xuất phát từ bản tính thích
sinh động, yêu đời: thích đi bộ, thích nhìn xem cảnh người mua bán, thích nhìn cách giao tiếp lịch sự của họ, thích nhìn những vật dụng trưng
bày trong các cửa tiệm, thích nhìn những cặp tình nhân tay trong tay đi mua sắm, và đặc biệt hơn là thích ngắm dáng vẻ yêu kiều của những
nàng thiếu nữ xinh xinh..., ngần cái đó, tạo ra cuộc gặp hy hữu chiều hôm nay.
"A, xin lỗi, anh phải là người Quảng Ngãi," Gian nhìn người đang đứng mua báo, cất tiếng hỏi.
"À, phải! Vậy có gì sai trái trong việc đó hỡi ông," người mua báo trả lời một cách cộc lốc, tỏ vẻ không mấy hài lòng trước câu hỏi của Gian.
"À, không có gì sai trái cả, chỉ vì tôi cũng là người Quảng Ngãi, nghe giọng nói quê hương của anh nên muốn làm quen thế thôi," Gian ngưng
một chút để thăm dò phản ứng của người mua báo, người mà dường như, một cách mơ hồ nào đó Gian nhận ra gốc gác của người này, nên
nói tiếp, "Mà này, anh có ở gần làng Cẩm Thạch huyện Mộ Đức không?"
Người mua báo tự nhiên giật mình cất tiếng hỏi nhanh, "Thế ông biết làng Cẩm Thạch, huyện Mộ Đức - Vậy ông có ở đó hay sao mà biết rõ
như vậy?"
Gian cố dấu lai lịch của mình nên nói dối, "Thú thật cùng anh, trong thời gian chiến tranh tôi có qua đó. Thời gian tôi qua đó cũng là thời gian
làng Cẩm Thạch bị khói lửa chiến tranh tàn phá, nên không còn mấy gia đình sống ở nơi đây ..."
Vừa nói tới chừng ấy, thì người mua báo dường như bị xúc động mạnh, tự dưng khai rõ lý lịch của mình: rằng ông chính là người dân làng Cẩm
Thạch, sống và lớn lên cùng gia đình ở đó; theo giòng thời gian êm đềm của tuổi thơ, theo học tại trường Tiểu học Cẩm Thạch....Đến một
đêm, một trái đạn pháo, không biết từ đâu, rớt xuống ngôi nhà thân yêu của ông, tạo cảnh tang tóc cho gia đình ông - Không chịu nổi cái ám
ảnh bỡi cảnh đau thương đó, nên gia đình ông từ giã làng quê, tìm về chốn thị tứ kiếm sống qua ngày!"
Để có thêm yếu tố xác định lý lịch của người đang nói nên Gian hỏi thêm, "Anh nói, khi ở làng Cẩm Thạch, anh theo học trường tiểu học tại
đây; vậy anh có người bạn nào mà anh thường chơi chung với nhau và cho đến ngày hôm nay anh còn nhớ?"
"Có chứ," rồi ông ngẫm nghĩ một hồi lâu nói tiếp, "Người đó là Trần Thế Gian, một thằng bạn đáng yêu mà cũng là thằng bạn đáng ghét. Nó
đã bỏ làng quê Cẩm Thạch từ lâu, trước ngày trái đạn pháo tạo ra cảnh tang tóc cho gia đình tôi - Thú thật giờ tôi không còn biết hắn trôi giạt
về đâu!"
Cái linh cảm của Gian thật là tài tình, chàng cố ngăn giòng xúc động hỏi tiếp, "Thế tại sao hắn vừa là người bạn đáng yêu và cũng là đáng
ghét của anh?"
Người mua báo đưa mắt nhìn về cõi xa xăm rồi nói, "Đáng yêu - vì hắn là đứa bạn học giỏi, vừa có tính biết giúp đỡ bạn bè...., và đáng ghét
là vì cái tính tinh quái của hắn, ở lứa tuổi vừa mới lên 10, mà bày đặt liếc gái, yêu đương tằng tịu...!"
Gian cố nén môi cười, xen vào nói, "Yêu đương hay yêu thương là cùng nghĩa, đó là một đức tính tốt, vậy tại sao anh lại ghét hắn?!"
Người mua báo tự dưng nổi nóng nói, "Ông biết tại sao tôi ghét hắn không? Hắn lợi dụng đến nhà tôi nói là để bàn thảo và trao đổi vài bài toán
khó, hoặc đến để chơi 'bắn bi' cùng tôi, nhưng thực ra hắn đến nhà tôi với mục đích duy nhất là để có dịp lếc trộm, nhìn ngắm em gái tôi - em
gái tôi lúc đó chưa tròn 7 tuổi...," Ngưng một chút, như để đè nén cái gì đó bên trong, rồi người mua báo nói tiếp, "Sau này tôi nghiệm ra thêm
cái tính tốt của hắn chỉ có giới hạn vì không ai hắn cũng cho 'copy' toán - trừ tôi!"
Những lời Phạm Chinh Đông (tên người mua báo) nói lên những nhận xét về chàng, vô tình đã đưa chàng Sống Lại Tuổi Thơ ngày ấy. Chàng
thật không ngờ, tuổi còn quá nhỏ mà Đông có một cái nhìn xuyên suốt tâm can của chàng lúc đó; thảo nào trong gia đình ông bà Lẹ (cha mẹ
Đông) ai cũng tỏ vẻ nhường nhịn Đông; lúc ấy chàng cho rằng vì Đông là đứa con trai duy nhất trong gia đình nên được cưng chìu như vậy,
nhưng giờ đây chàng mới nhận thấy vì Đông quá sớm trưởng thành trong suy nghĩ nên mới dành được sự yêu mến của cha mẹ Đông. Dù
nhận xét của Đông về chàng như thế nào đi nữa, nhưng đó là sự thật!
Lòng muốn nghe theo lời của thầy giáo Khâm dặn là không được copy, hoặc cho phép người khác copy. Thế nhưng, mỗi lần nhìn cặp mắt van
xin "copy" của Đông lòng chàng không nỡ, vì chính cặp mắt đó thật giống "đôi mắt biếc" của Thanh Tuyền, em gái của Đông!
Nói về đôi mắt biếc đó thật là khó tả, nhưng nó có sức hút kỳ quái làm tâm hồn Gian trở nên điên đảo; vì thế Gian đã thường tìm mọi cách
đến nhà Đông để có dịp nhìn ngắm Thanh Tuyền, được chìm đắm trong cảm giác đê mê của lứa tuổi chớm yêu, mới lớn.
Từ "Yêu" đến từ đâu và tại sao nó lại có, cho đến cái tuổi về hưu này, Gian cũng chưa đuợc biết rõ! Phải chăng đó là một sức mạnh huyền bí
mà Thượng đế đã phân phát cho con người,
"Chúng ta, hãy làm nên loài người như hình ảnh của ta..." (Sáng Thế Kỷ 1: 26)
Chính bỡi thế, nên con người sinh ra đã có sẵn trong bản thể chất yêu thương. Gian cũng là người hẵn nhiên có chất ấy, nên mỗi lần gặp được
Thanh Tuyền là Gian cảm thấy tâm hồn lân lân, lòng rộn lên một niềm vui khó tả. Thanh Tuyền là dòng suối xanh trong vắt - thảo nào không
tưới mát tâm hồn Gian!
Đã bao lần Gian tự hỏi: phải chăng Thanh Tuyền là mối tình đầu, từ lúc thơ dại, cho nên chàng thường nghĩ tới; đặc biệt hôm nay, có người
nhắc đến tên em thì những kỷ niệm xưa hiện về!
Gian lặng lẽ rời khu thương xá, bỏ lại người mua báo đứng ngơ ngác một mình, bước ra bãi đậu xe thênh thang, thanh vắng tìm chút lắng dịu
cho tâm hồn để thả hồn mình về làng quê Cẩm Thạch trong những ngày mới lớn.