Địa danh Ba Tơ không xa lạ gì với những người cán binh Cộng Sản. Đối với họ, đó là một địa danh lịch sử, là cái nôi của "cách mạng" với đoàn du kích đầu tiên và là nơi đào tạo các sĩ quan cho đoàn quân mang danh "giải phóng".
Ba Tơ là một quận lỵ miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, tiếp giáp với tỉnh Kontum nằm về phía đông của dãy Trường Sơn. Quận Ba Tơ có nhiều xã, mà xã xa xôi nhất mang tên là Gia Vực. Đó là một lòng chảo với những ngọn núi hiểm trở bao quanh, đường kính rộng chừng bảy tám cây số. Nơi đây có một căn cứ hỏa lực, được trấn đóng bởi một tiểu đoàn Biệt Động quân. Đó là tiểu đoàn 70 Biệt Động biên phòng.
Thực ra, xã ấy trước đây được gọi là Gió Vụt. Tên đúng theo nghĩa của nó, là mảnh đất để gió muôn phương tụ về vụt bốc lên cao. Lâu dần được đọc trại ra là Gia Vực.
Khu lòng chảo Gia Vực chỉ có lèo tèo vài ấp mà dân chúng phần lớn là người thượng Hré. Người kinh rất ít, hầu như chỉ là vợ lính và thân nhân của họ.
Căn cứ của tiểu đoàn Biệt Động Quân nằm sát dưới chân núi, là một khu tương đối bằng phẳng, bao quanh bởi những căn hầm nằm sâu trong lòng đất chỉ chừa những cửa sổ là nhô lên. Nơi ấy các họng súng được chĩa ra bắn vào địch quân mỗi khi biến động. Cách chừng trăm thước lại có một vọng gác vươn hẳn lên cao. Dĩ nhiên được bao quanh bởi rất nhiều đất đá, xi măng và bao cát.
Doanh trại của ba đại đội tác chiến chỉ là những căn hầm, nối tiếp nhau làm thành một vòng tròn. Phía trong tất cả các đường giao thông hào được đào sâu và rộng tạo thành một lối đi trong lòng đất. Từ đại đội nọ liên tiếp tới đại đội kia, giao thông hào trở thành một vòng tròn kín. Mỗi đại đội đều có đường hầm như thế chạy thẳng tới bộ chỉ huy và các ban ngành nằm ở trung tâm doanh trại.
Vào những ngày bình thường, mọi người trong bộ chỉ huy đều làm việc trong một khu nhà nổi bao quanh sân cờ rộng, tất cả giấy má sổ sách đều để ở đây. Khi đêm đến, mọi người đều phải ngủ dưới hầm sâu. Mỗi người làm việc tại Bộ chỉ huy dều có một căn hầm riêng biệt trừ các đại đội tác chiến, binh sĩ phải ngủ trong các hầm dài. Các cấp từ trung đội trưởng trở lên mới có hầm riêng.
Ngay bên cạnh tiểu đoàn là một sân bay bằng đất. Ngày mới đặt chân xuống Gia vực, Nhật không tưởng tượng là máy bay có thể lên xuống được trong một đám đất lởm chởm gồ ghề như thế. Chàng đứng mãi ở sân bay, để tận mắt nhìn chiếc Caribou phóng trên phi đạo, bay vút lên không.
Xã Gia Vực chỉ có bốn ấp, tất cả đều nằm trong khu lòng chảo dưới sự kiểm soát của chính quyền Quốc Gia . Bốn ấp đó được thiếu tá tiểu đoàn trưởng đặt tên theo vần chữ A, B, C, D.
Ấp A nằm ngay sát tiểu đoàn, gồm toàn là người kinh. Họ là thân nhân những người lính đồn trú tại đây. Ấp B, C, D hầu như toàn người thượng, chỗ ở kiến trúc theo kiểu nhà sàn, nằm xa dần căn cứ, chạy mãi tới chân núi xa xa.
Bao quanh phía bắc căn cứ là một dòng sông. Cát bồi hai bên bờ lấp lánh. Ở giữa dòng nước rộng trong veo chạy uốn quanh theo sườn đồi là một khúc sông tròn rộng như mặt hồ. Nơi ấy có một tiền đồn phụ được trấn đóng bởi một trung đội Biệt Động trực thuộc đại đội tác chiến bên trong căn cứ. Bên kia bờ là các ngọn đồi cao dần rồi hòa nhập vào rặng núi âm u. Ngọn thấp nhất, nằm sát bờ sông cao 157 mét được Chuẩn úy Tống Phước Lành đặt cho một cái tên: đồi Trinh Nữ.
Ấp A có thể nói là một nơi phồn thịnh, sầm uất nhất trong căn cứ. Tuy chỉ vài chục nóc nhà dọc theo con đường chạy từ cổng chính ra nhưng mà nơi đây là trung tâm văn hóa, xã hội, chính trị của mọi người. Tất cả các giai nhân của Gia Vực đều tụ tập quanh đây. Những con buôn, những người đi rừng vần thường dùng ấp A làm nơi đổi chác.
Giữa hai ấp A, B là một trường sơ cấp. Đây là một cố gắng khai hóa văn minh của vị tiểu đoàn trưởng. Trường chỉ có ba lớp, hai cô giáo và một ông thầy. Ông thầy dĩ nhiên là dân nhà binh và cô giáo là con của lính. Học trò phần đông là người kinh nhưng cũng có vài người thượng trong mỗi lớp.
Gia Vực không họp chợ và cũng không có chợ. Mọi mua bán, đổi chác qua lại giữa các hàng xóm với nhau được thực hiện ngay trong nhà họ. Hôm nay người này giết một con heo, tức thời nhà ấy trở thành khu chợ, người ta kéo nhau đến mua bán, đổi chác và đôi khi nhậu nhẹt. Không có một hàng quán nào nhưng mà nếu muốn thì bất cứ nhà nào cũng có thể là hàng, là quán.
Ngày mới lên, Nhật thấy các cô gái, hai tay xách giỏ nặng trĩu, xô đẩy nhau lên máy bay, giữa một ông phi công đang sắp xếp chỗ ngồi và thu tiền như mấy người lơ xe làm Nhật hơi ngạc nhiên. Chàng hỏi mấy người lính, được biết rằng đó là những con buôn. Lên tới căn cứ, thấy không khí chiến tranh hiện diện trên từng cảnh vật, chàng lại càng không hiểu họ buôn gì, bán cho ai giữa chốn rừng xanh núi đỏ này. Mãi về sau này, khi đã quen dần với cuộc sống chàng mới hiểu ra.
Tất cả những cô gái đó đều qui tụ về ấp A để phân phối những món đồ mà họ mang lên. Sau đó họ lại phải chuẩn bị những món hàng để mang xuống miền xuôi. Bóng sắc những cô gái đi buôn và những cô gái sống hàng ngày trong ấp đã tạo cho ấp A một vẻ quyến rũ, hấp dẫn vô cùng. Các cô gái đi buôn thường xinh đẹp. Mỗi nụ cười, ánh mắt của họ có những giá trị nhất định để cho công việc của họ được dễ dàng.
Lâu dần, Nhật khám phá ra rằng Gia Vực thật sự không phải là một vùng đất chỉ có chiến tranh, chết chóc, kinh hoàng. Không chỉ riêng ấp A đầy dẫy những bông hoa biết nói, các ấp B, C, D của người thượng sống quanh đây cũng có những dáng vẻ riêng của nó. Những cô gái ngực trần, mang gùi lên nương mỗi sớm, những phong tục, tập quán lạ kỳ mà chàng chưa nghe, chưa thấy bao giờ cũng làm cho Nhật thích thú và say mê tìm hiểu. Và nhất là bên kia bờ sông, ngay trước mặt chàng có một ngọn đồi linh thiêng mà chàng thề rằng phải đặt bước chân lên đồi Trinh Nữ.
Buổi sáng hôm nay Nhật ngồi lặng thinh trên hàng ghế dành cho các sĩ quan của tiểu đoàn. Những lời ngợi khen, tán dương xưng tụng rót đầy vào tai chàng rồi chạy sang tai phía bên kia. Người ta trầm trồ, người ta thêu dệt thêm vào chiến công của Nhật, nhất là qua miệng thằng Nhiều, cuộc rượt bắt giữa chàng và người nữ du kích Việt Cộng đã trở nên sôi nổi, dữ dội và tàn khốc như trong phim ảnh.
Cũng có người, chắc vì lòng ganh tị, nói với vẻ hoài nghi.
- Ối chà, thức lâu mới biết đêm dài, biết đâu chẳng là gặp may. Cứ đợi thời gian nữa thì mới biết đâu là vàng thật hay giả.
Hôm qua, mãi tận khuya chàng mới dẫn được trung đội trở về. Mặc dù mấy lần cương quyết ra lệnh cho cả trung đội đi về hướng bờ sông Re, nghĩa là phải băng ngang qua đồi Trinh Nữ nhưng Nhật đều thất bại. Cứ nhìn những khuôn mặt tái xanh, run rẩy của những người lính thượng, Nhật hiểu được rằng muốn đánh tan đi nỗi sợ hãi trong lòng họ không phải là dễ. Chàng và Viện đã đi lên hàng đầu nhưng mà trừ vài người lính kinh ít ỏi, đám lính thượng chẳng ai dám theo chàng. Ngay cả ông Trung sĩ Ớt cũng lắp bắp nói không ra hơi:
- Ông thiếu úy đừng... đừng cho trung đội đi ngang qua đồi con Yêng. Nó bắt hết cả trung đội... sợ lắm!
Nhật bực quá, chửi thề:
- Đù má, sợ cái gì, có chết tôi chết trước rồi mới tới các ông.
- Không, không chết bây giờ đâu nhưng mà con yêng sẽ bắt chết. Chúng tôi không dám đi đâu... Đi lối khác đi thiếu úy.
Đến cớ sự này thì Nhật phải chịu thua, chẳng lẽ lại kê súng vào từng đứa bắt đi. Mà đi như thế thì không cần phải bị phục kích, chỉ cần một thằng Việt Cộng cầm mã tấu chạy xô ra hù dọa là chúng nó chạy toán loạn hết, bỏ chàng ở lại đánh nhau tay đôi với địch. Nhật ngao ngán nhìn mấy người lính thượng rồi lại nhìn cái phù hiệu con cọp đen họ đeo trên vai áo lẩm bẩm:
- Đù má, thế mà cũng là lính Biệt Động Quân... sát. Việt Cộng không sợ mà lại sợ một đứa con gái nào đó. Người không sợ lại sợ ma. Rõ là quân,,, mọi.
Cuối cùng chàng đành theo ý chúng nó, đi về phương nam, leo lên những đỉnh đồi.Trời đất ơi, bây giờ Nhật mới thấm đòn lội bộ hành quân miền núi. Lúc trực thăng đổ bọn chàng bay vù một cái không đầy mười lăm phút, thế mà khi trở về thì chao ôi đường xa thăm thẳm... Chàng không thấy gì ngoài những tàn cây và đèo dốc, cứ vừa mới xuống, lê người xuống thì lại bám mà leo lên sườn đồi khác. Trung đội di chuyển chẳng có đội hình, chiến thuật gì ngoài một hàng dọc. Đứa nọ bám đứa kia, người đằng sau trông người đằng trước.
Nhưng phải nói rằng những người Hre có biệt tài về leo núi và quan sát. Đôi khi mệt quá, Nhật không bám kịp được người phía trước để mất dấu luôn, chàng lại phải gọi một thằng lính thượng lên, nó nhìn sơ qua là tìm được dấu chân người đi trước và chỉ một lúc sau là bắt kịp.
Cứ như thế, từ trưa đến chiều, hết chiều đến tối, lắm lúc bực quá chàng cằn nhằn Trung sĩ nhất Viện:
- Ông làm gì mà lâu quá, tôi ở trên đồi chờ ông muốn chết. Trưa ông mới tới nơi. Làm sao mình về trại kịp tối nay.
- Thì tôi cứ lo cho ông thầy, thức cả đêm chờ. Mãi gần sáng mới nhận được tín hiệu, tôi liền cho anh em thu xếp đi ngay. Nhưng mà ông thầy mới lội lần đầu thì mệt thật, vài lần sau là quen ngay, mà chưa hết đâu, mai về đến trại là ông thầy sẽ nằm luôn, chân nó rút vài ngày mới đi được. Thôi đưa ba lô và súng đây, tôi bảo mấy thằng kia nó cầm cho.
- Tôi đâu phải người nào khác (ý chàng nói Thiếu úy Kiên, nhưng thấy không nên chê bai người đã khuất nên tránh đi). Tôi còn đủ sức để mang ba lô và súng, chỉ trừ khi bị thương hay chết.
Lê lết mãi rồi cũng đến nơi. Tảng sáng là thiếu tá tiểu đoàn trưởng đã cho xe tới đón Nhật về tiểu đoàn để họp. Đi đón Nhật, ngoài Đại úy Nghĩa, trưởng ban 3, còn có Thiếu úy Đinh Ruồi, đại đội trưởng. Lại có cả hai ông chuẩn úy Vinh và Chí, tất cả đều cùng đại đội với chàng đang nằm phòng thủ doanh trại tiểu đoàn. Chừng ấy người ngồi ngất ngưởng trên chiếc xe Jeep không mui. Chiếc xe Jeep độc nhất của ban 3 dùng để tản thương và chạy đi lại giữa các tiền đồn.
Đại úy Nghĩa thấy chàng là nhảy xuống bắt tay ngay. Ông nói bô bô, trong lúc Thiếu úy Ruồi chỉ im lặng nhìn quanh tiền đồn.
- Đó, đó, thấy tôi nói có đúng không. Tôi đã bảo kỳ này thế nào ông cũng hốt về được cá mà. Mới ra trường mà được vậy là khá lắm rồi, chỉ vài tháng nữa là ông sẽ qua mặt Thiếu úy Ruồi cho coi.
Nhật không nói gì, chàng gật đầu chào lại Vinh và Chí, hai ông sĩ quan sữa nhất của tiểu đoàn. Họ ra trường trước chàng vài tháng, dân Sàigòn, ở cùng đại đội nhưng ít khi gặp nhau vì họ theo đại đội phòng thủ tiểu đoàn, còn chàng và trung đội thì nằm ở tiền đồn. Nhưng mà nói chuyện trên máy thường xuyên nên dù ít gặp nhau mà đã như thân tình.
Riêng Thiếu úy Đinh Ruồi thì khác hẳn, ông tuy là người thượng bản xứ nhưng lại to cao như tây, mũi cũng cao hơn các người Hre ở đây. Trước đây ông là đại đội trưởng một đại đội dân sự chiến đấu. Sau khi cải tuyển vào quân lực Việt Nam Cộng Hòa, ông mang lon thiếu úy, vẫn giữ nguyên đại đội, chỉ khác là ông được bổ sung thêm ba ông sĩ quan rất trẻ, Thiếu úy Nhật, Chuẩn úy Vinh và Chí. Đối với các sĩ quan ông rất trọng nể, phần vì họ là người kinh, phần vì họ được đào tạo từ trong quân trường ra, nhất là với Nhật, ông nghe nói từ một quân trường nào lớn lắm trên Đà Lạt.
Đinh Ruồi là một con người có rất nhiều huyền thoại. Người ta đồn rằng ông có bùa ngải nên địch không bao giờ bắn trúng. Ông đi hành quân là phải giết được địch, thu được súng mới chịu trở về. Nếu hết kỳ hạn hành quân mà chưa có được gì, ông xin tiểu đoàn gia hạn thêm và ở lại cho đến kỳ có được chiến công. Ông cũng là một người có thế lực nhất trong vùng, ít ra đối với những người thượng quanh đây. Đinh Ruồi có rất nhiều vợ, mười mấy bà cùng ở một căn nhà rộng lớn trong buôn. Ông rất hào phóng và dễ dãi với những người kinh từ quan tới lính. Ai muốn nhờ ông việc gì, nhất là việc ngấm nghé các cô sơn nữ trong vùng, ông sẵn sàng giúp ngay và còn hãnh diện được giúp người ta nữa.
Nhật không có dịp tiếp xúc với ông nhiều. Ngày chàng mới về căn cứ, chỉ gặp ông một lần rồi ra nằm tiền đồn. Từ đó mỗi lần có chuyện gì, chàng liên lạc thẳng với ban 3 tiểu đoàn, ít khi qua đại đội, vả lại có nói chuyện với ông thì Nhật cũng chẳng biết nói gì. Tiếng Hre thì chàng không hiểu, còn tiếng kinh thì ông cũng chẳng biết nhiều. Đôi khi ông mặc cảm không dám ra lệnh cho Nhật nữa. Tuy vậy Nhật rất quí nể ông vì tuổi tác và nhiều kinh nghiệm chiến trường và vì ông là cấp chỉ huy trực tiếp của chàng.
Đại úy Nghĩa đang cầm vô lăng xe. Thiếu úy Ruồi ngồi ngay bên cạnh định bước xuống để nhường chỗ cho Nhật làm chàng lúng túng. Nhật vội vàng chạy ra phía sau, nhảy lên chiếc ghế bên cạnh Vinh và Chí.
Con đường đất đỏ gồ ghề buổi sáng đang còn thấm ướt hơi sương. Một đoàn con gái Hre vác gùi lên nương thản nhiên phô bày cặp ngực tròn như hai trái bưởi. Vừa đi họ vừa ríu rít chuyện trò. Thời gian gần đây, dân trong buôn đã bỏ tục lệ cưa răng nên các nàng cười xinh xắn lắm. Đại úy Nghĩa cho xe chạy chậm, vừa đi ông vừa bóp còi inh ỏi cho họ chú ý rồi hỏi to bằng tiếng thượng:
- Lâm tác lé.
Đó là câu duy nhất ông biết được, đi đâu, gặp con gái là ông xổ ra, nó có nghĩa
là "đi đâu đấy".
Mấy cô gái đều quay lại, họ nhao nhao trả lời:
- Đi lên rẫy, lên rừng. Ông đại úy lâm tác lé?
Ông liền quay lại, trỏ vào băng sau, chỗ Nhật, Vinh, Chí đang ngồi, hỏi mấy cô
bằng tiếng nửa kinh, nửa thượng:
- Có thích mấy ông này không? Có muốn "té" mấy ông này không?
Ông cho xe dừng lại, Nhật không hiểu gì, nhưng Vinh và Chí thì thích thú cười dòn khi mấy cô cùng bu quanh ba đứa, cùng trả lời. Họ vui vẻ hồn nhiên quá. Đôi mắt to đen trông hệt mắt nai. Có cô chỉ vào chàng rồi nói:
- Em muốn ông thiếu úy. Em "té" ông thiếu úy.
Vinh, Chí lại phá lên cười. Cả Đại úy Nghĩa và Thiếu úy Ruồi cũng cười theo vui vẻ. Chỉ có Nhật là ngơ ngác không hiểu gì. Mãi một lúc sau, trên đường về, Vinh mới giải thích cho chàng biết nghĩa của chữ "té". Té có nghĩa là làm cái chuyện ấy với mấy cô. Đại úy Nghĩa lại đùa với Nhật.
- Thiếu úy Nhật có số đào hoa đấy nhé. Cô nào cũng đòi "té" với Thiếu úy Nhật.
Vào đến cổng trại là Đại úy Nghĩa lái thẳng lên văn phòng căn cứ tiểu đoàn. Khi năm người bước vào đã thấy nhiều người chờ đợi. Chàng không biết mặt, biết tên ai ngoài thiếu tá tiểu đoàn trưởng và mấy ông đại đội trưởng.
Sĩ quan trong tiểu đoàn chẳng ai chịu đeo lon. Mười mấy ông quan rất trẻ, mới bổ sung khi tiểu đoàn vừa được thành lập từ các đại đội dân sự chiếu đấu. Họ mới ra trường nên ông nào cũng là chuẩn úy. Cùng một lứa, cùng một cấp bậc, ai cũng biết nhau nên họ chẳng cần đeo lon lá làm gì.
Thiếu tá tiểu đoàn trưởng bắt đầu ngay khi mọi người ngồi xuống. Ông giới thiệu Nhật với mọi người và khen ngợi chàng về chuyện đổ quân vừa qua. Mấy ông sĩ quan trẻ đều liếc nhìn, chắc họ đang coi giò cẳng mặt mũi chàng. Nhật nghe rõ cả tiếng thì thầm ở phía sau.
- Ủa, cha nội đó là thiếu úy kia à. Sao lúc nãy thiếu tá bảo là mới ra trường.
- Nghe nói là dân Đà Lạt. Trông cái mặt dóc tổ, làm bộ ta đây lắm. Vừa rồi may mắn lấy được mấy khẩu súng về là cái mặt cứ vênh lên.
Họp hành và các ban ngành thuyết trình một hồi, thiếu tá nhắc nhở vài điều. Sau cùng ông giới thiệu các sĩ quan tiểu đoàn với Nhật.
Đầu tiên là ông sĩ quan trợ y, Chuẩn úy Nguyễn Bá Đức. Nhật hơi ngạc nhiên thấy ông này cùng họ với mình. Chuẩn úy Đức người tầm thước. Trong đám sĩ quan trẻ mới ra trường ông là người già nhất. Tuổi đã ba mươi, ông thường tâm sự với mọi người rằng ông vốn là sinh viên y khoa, không may thi mấy lần chẳng lên lớp nên phải ra trường vào Thủ Đức. Ông mang ống nghe khám bịnh cho đám thượng y như một vị bác sĩ chính hiệu. Toa thuốc đưa ra là mấy người lính trong ban Quân Y của ông cứ thế mà thi hành. Cuối tháng ông kiểm toa còn thừa bao nhiêu ông đưa cho mấy cô lái buôn. Ông chỉ biết có tiền, không cần để ý rằng thuốc sẽ được tiếp tế cho Việt Cộng.
Chuẩn úy Đức thường hay nói về bệnh tật, nhất là những lúc ở trong câu lạc bộ, có cô Thúy Vân, con ông chủ ngồi ở quầy tính tiền. Đây là câu lạc bộ duy nhất của tiểu đoàn mà con gái ông chủ cũng là cô gái đài các tân tiến nhất ở mảnh đất này. Trời cũng không phụ lòng chàng sĩ quan Quân Y hào hoa, học giỏi, tài cao nên lúc Chuẩn úy Đức ba hoa, cô Thúy Vân ngồi nghe có vẻ chăm chú lắm. Vả lại Đức rất khôn ngoan khi nào cũng ngồi sát ngay quầy tính tiền, thỉnh thoảng đưa mắt liếc Thúy Vân để chắc chắn là những lời vàng ngọc được rút vào tai người đẹp.
Người thứ hai được giới thiệu là ông sĩ quan ban 1, Chuẩn úy Nguyễn Minh. Ông này người hơi thấp nên người ta thường gọi là Minh lùn. Ông hơi lạnh cẳng nên dạ vâng hơi kỹ. Ông Minh lo chuyện quân số cho tiểu đoàn. Với các quan trên, ông rất là dễ dãi, ai nhờ gì cũng vui vẻ làm. Nhưng với cấp dưới thì hơi khó, mà mấy người lính thượng thì ông nạt nộ, chửi bới thẳng thừng dù rằng đôi khi chuyện chẳng dính dáng gì đến phận sự của ông.
Ban Hai tiểu đoàn được nắm giữ bởi ông chuẩn úy cũng không cao gì lắm, Chuẩn úy Nguyễn Lương. Ông này ít nói, lúc nào cũng bí hiểm như ban Tình báo của ông. Ông cũng ngấm nghé cô Thúy Vân, nhưng coi bộ tình báo yếu kém nên có vẻ thua ông chuẩn úy Quân Y. Tuy nhiên ông không nản chí. Lâu lâu ông lại tung tin động trời.
- Thằng Đức xạo tổ cha. Vợ con đùm đề rồi mà cứ làm như còn độc thân.
Người ta hỏi thì ông chỉ ậm ừ, đúng theo phương thức tình báo. Chẳng biết cô Thúy Vân có tin ông hay không, nhưng đâm ra nghi ngờ Nguyễn Bá Đức thấy rõ.
Dưới quyền Chuẩn úy Lương có Trung sĩ Long, tự Long khùng. Mấy đứa vô kỷ luật gặp Long thì ớn thấy rõ vì anh ta "dợt" hơi nặng tay, càng đánh càng hăng, càng... khùng, vì thế mới thành tên gọi. Lương và Long rất hợp ý nhau, hai thầy trò lúc nào cũng đeo kiếng đen lang thang ở ngoài xóm, có khi còn ngủ lại luôn để điều tra và phối kiểm tin tức. Thành thử trong căn cứ có bao nhiêu cô, tình cảnh ra sao hai người đều rõ cả. Ai muốn điều tra lý lịch cô nào cứ việc dẫn hai người đi câu lạc bộ, sẽ được giải đáp thỏa mãn ngay.
Trong vùng, Lương chẳng thích cô nào ngoài cô Thúy Vân, con ông chủ câu lạc bộ. Chàng trẻ tuổi, đẹp trai, tuy hơi thấp nhưng có sao đâu, đi giày saut là trông cao ráo liền. Nhất định là phải trông bảnh hơn thằng cha trợ y "bá đạo" kia. Bá Đạo là tên mà Chuẩn úy Lương dành tặng cho đối thủ của mình là Chuẩn úy Nguyễn Bá Đức.
Ban Ba thì thiếu tá tiểu đoàn trưởng chẳng cần giới thiệu Nhật cũng đã rõ ràng. Đại úy Nghĩa thật tháo vát và lanh lẹ, kiến thức và kinh nghiệm quân sự của ông thật xứng đáng với chức vụ ông đang nắm giữ. Tiểu đoàn phó kiêm trưởng ban 3. Nghe nói trước đây ông đã từng là đại đội trưởng lâu năm nhất của một tiểu đoàn tiếp ứng dưới miền xuôi. Tuy đã có gia đình và con cái nhưng tính tình Đại úy Nghĩa vui vẻ lắm. Gặp mấy cô gái ông giỡn tối đa nhưng mà chỉ đùa cho vui vậy thôi chứ chưa ai thấy ông "bắt cái nước" bao giờ.
Dưới quyền Đại úy Nghĩa có hai ông sĩ quan phụ tá. Người thứ nhất là Trung úy Hoàng Lê, nguyên sĩ quan trại phó cho thiếu tá tiểu đoàn trưởng khi tiểu đoàn còn là một trại dân sự chiến đấu. Lê trước đây là hạ sĩ quan của Sư đoàn 22. Đi học khóa sĩ quan đặc biệt rồi về lực lượng đặc biệt làm trại phó. Khi cải tuyển sang Biệt Động, Lê đâm ra thất nghiệp. Làm đại đội trưởng thì Lê không muốn mà làm tiểu đoàn phó thì Lê không đủ tư cách.Thiếu tá muốn Lê làm trưởng ban 3 thì không đủ khả năng nên Lê cứ làng chàng qua lại giữa các ban. Hơn ba mươi tuổi và còn độc thân, Lê ở vào thời kỳ tình dục sung mãn nhất không kém gì Thiếu úy Kiên. Suốt ngày Lê lang thang trong các ấp để tìm những bông hoa miền núi. Có điều Lê hơn hẳn Kiên ở chỗ keo kiệt. Không bao giờ dám bỏ ra, dù một xu, để thỏa mãn cho những nhu cầu đòi hỏi.
Người phụ tá ban Ba thứ hai là chuẩn úy Nguyễn Đức Thanh. Thanh còn trẻ, nói tiếng Anh rất khá nên được thiếu tá tiểu đoàn trưởng lưu ý ngay. Thanh rất cởi mở và có trách nhiệm. Phần lớn việc điều hành của ban 3 nằm trong tay Thanh. Chàng giúp Đại úy Nghĩa rất nhiều việc và được mọi người kính nể.
Ban 4 được giao cho một chuẩn úy lai Tầu: Chuẩn úy Lâm Chấn. Chấn ở miền Nam, vùng Sóc trăng hay Bạc liêu, lúc nào cũng vui vẻ, chỉ cười. Ít khi chàng ta có mặt ở tiểu đoàn mà thường xuyên nằm dưới phố để lo đồ tiếp tế. Mọi việc trên căn cứ đều giao cho Trung sĩ Nguyễn văn Trọng lo toan.
Trọng là một thanh niên khá đặc biệt. Đang học luật ban cử nhân năm thứ ba thì bị bắt quân dịch vì giấy tờ trục trặc sao đó. Mới đầu chàng ta bị ghép tội bất phục tùng. Sau khi điều qua chỉnh lại, Trọng được học hạ sĩ quan về tiếp liệu. Tuy có chút kiến thức nhưng Trọng cũng biết phận mình. Trọng thích chơi với Chuẩn úy Vinh và Chí. Họ đối xử với nhau rất thân tình, vượt hẳn ra ngoài cấp bậc trong quân đội.
Đến ban 5, tức là ban Chiến Tranh Chính Trị, đứng đầu bởi một ông chuẩn úy khá
đạo mạo, không trẻ mà cũng không quá già, Chuẩn úy Tống Phước Lành. Thoạt trông thấy ông, Nhật liên tưởng ngay đến ông trưởng khối khóa sinh ở trong trường, người có biệt hiệu là Đức Đạt La Lạt Ma. Đầu tóc hớt cao, đeo kiếng trắng gọng đen trông rất ư là đạo mạo. Chuẩn úy Lành cũng rất khá tiếng Anh, có lẽ trước đây ông là hạ sĩ quan thông dịch. Ông biết Nhật tốt nghiệp trường đại học Chiến Tranh Chính Trị nên ngày đầu tiên chàng về tiểu đoàn, ông đã đến thăm hỏi vì tưởng chàng sẽ là xếp trực tiếp của ông. Ông sống rất chừng mực và có tư cách. Nhìn ông ai cũng nghĩ đến bậc chân tu. Bởi nghĩ như vậy cho nên có lần Nhật ngạc nhiên khi nghe ông nói về chuyện chơi bời dưới xóm, kiếm mấy nàng "kiều" thành thạo như ăn cơm bữa. Sau này chàng mới nghĩ ra là ông còn độc thân nên có chuyện ấy cũng là bình thường. Chuẩn úy Lành rất biết điệu, ông có cái ngay thẳng của người miền Nam nên rất dễ thương.
Giới thiệu tới ban Truyền Tin, Nhật thấy một ông đen như cột nhà cháy đứng lên, Chuẩn úy Trần Đình Trí. Anh chàng to con và khá đẹp trai, nhất là nụ cười nhe hàm răng trắng rất có duyên. Trí ít nói, chỉ cười, suốt ngày trong hầm bận rộn với máy móc và những người phụ tá. Trí làm việc chăm chỉ và chỉ mong đến ngày phép để về với vợ. Nghe đâu vợ chàng mới cưới mà đã có mấy đứa con. Nhìn tướng tá to cao, đen thủi của Trí, việc chàng có nhiều con cũng chẳng có gì lạ lắm.
Khác với các tiểu đoàn Biệt Động Quân tiếp ứng có bốn đại đội tác chiến, những tiểu đoàn Biệt động quân biên phòng chỉ có ba. Ba ông đại đội trưởng ngồi yên lặng, vẻ mặt lầm lì và quan trọng. Các ông đều đứng tuổi nên không hay đùa giỡn như đám sĩ quan trẻ để khỏi mất uy. Ngoài Thiếu úy Đinh Ruồi, đại đội trưởng trực tiếp của Nhật đã biết, hai ông kia người kinh, mỗi ông một vẻ.
Người thứ nhất là Thiếu úy Trần Bi. Ông Bi khoảng gần bốn chục. Trước đây ông ở miền xuôi, đổi lên căn cứ ngày vừa thành lập tiểu đoàn. Ông làm việc không chăm mà cũng không lười biếng, cứ "tàng tàng" cho qua ngày tháng. Ông có máu mê cờ bạc nên mỗi lần hành quân về là ông chúi mũi vào những quân bài cùng mấy người đệ tử. Ông thức thâu đêm suốt sáng, bỏ mặc bà vợ ngáp ngắn ngáp dài. Không giống các sĩ quan khác, ông mang hẳn gia đình lên căn cứ. Hai người ở trong một căn hầm trang trí khá ngăn nắp và đẹp mắt. Nhưng mà bà Bi thất vọng ra mặt vì tuy ở bên cạnh chồng mà như vậy cũng như không. Ông Bi thức đêm đánh bài thì còn thì giờ đâu mà dành cho vợ. Thiếu úy Trần Bi người xương xương, ông thường khoe mình là có võ. Với cú chặt A tê mi của ông thừa sức giết chết địch thủ trong nháy mắt mặc dù chưa ai thấy ông biểu diễn bao giờ. Nhưng hình như ông không được can đảm cho lắm vì một hôm có người cho ông biết là Chuẩn úy Cẩn, sĩ quan Pháo Binh, thường giở trò say rượu, rờ mó bà Bi ngay trong căn hầm của ông mà ông chỉ im lặng, coi như không nghe thấy gì.
Dưới quyền thiếu úy Trần Bi có ba sĩ quan. Đại đội phó là một ông chuẩn úy người thượng, thấp bé, có tên là Đinh Ò, từ Biệt Kích cải tuyển qua và hai ông chuẩn úy người kinh tên là Lê Trung Trực và Nguyễn Đăng Diệu. Hai ông này là người Quảng Ngãi nên rất thông thạo địa thế vùng này.
Xem tiếp kỳ tới...