Đêm hôm đó Thuý Vân có nghe nhiều tiếng súng nổ nhưng đâu biết chuyện gì. Súng nổ trong đêm ở một vùng chiến tranh hiện diện từng giờ là một chuyện bình thường. Thế rồi chiều hôm sau người ta lại ra lệnh cho nàng mang tất cả số thuốc men còn lại vào điểm hẹn. Nàng cứ phải tuân lệnh, mà những lời yêu cầu mỗi lúc một khó, mỗi lúc một nhiều hơn. Đã đến lúc Thúy Vân muốn tìm một giải pháp cho mình thì được thư hẹn hò của Nhật.
A ! Thì ra anh chàng đã không làm bộ nữa. Vì thế, hôm nay trước khi đến đây Thúy Vân đã trang điểm thật kỹ lưỡng để cho anh chàng thong manh kia nổ hai con mắt mù luôn. Ngờ đâu Nhật không bị mù, mà nàng lại khóc mờ cả mắt. Nhưng thế cũng hay.
Thúy Vân đã chán sợ những việc phải làm ở đây và đang tìm một ngươì tin cậy để nàng tâm sự, giúp đỡ trong hoàn cảnh ngặt nghèo này. Vầng trán thông minh và đôi tay rắn chắc của người thanh niên kia đủ cho nàng tin cậy. Nghĩ thế, Thúy Vân kéo Nhật cùng ngồi trên tảng đá lớn bên giòng suối. Nàng hỏi trong nước mắt.
-Anh, em sẽ nói hết cho anh nghe tất cả, nhưng xin anh có giữ kín cho em.
-Anh hứa với em điều ấy. Em thử nghĩ coi, nếu là ai khác, hoặc nếu không vì chuyện của chúng mình thì anh đâu có nói chuyện, gặp gỡ em giờ này. Đúng ra người nói chuyện với em hôm nay là ông chuẩn úy Lương kia. Vì đó là nhiệm vụ của ông ấy.
Thúy Vân rất hiểu điều này. Nàng biết việc làm và nhiệm vụ của ông sĩ quan tình báo. Nhật nói như thế thì chắc chuyện của nàng chỉ có một mình chàng biết được. Nhưng làm sao Nhật biết thì Thúy Vân chưa dám hỏi. Chỉ hy vọng rằng, Nhật sẽ tìm cho nàng một giải pháp yên ổn , không làm xáo trộn cuộc sống hôm nay. Nàng hỏi Nhật một lần nữa để tìm một sự an tâm.
-Nếu em nói hết, anh có giúp gì được cho em không. Có che chở cho em được sống bình an và... và... còn thương em nữa không?
Nhật ngây người suy nghĩ trước khi phải trả lời câu hỏi khó khăn này, mà khó khăn nhất là những lời cuối cùng của Thúy Vân. Trong thâm tâm Nhật chàng muốn giữ tất cả những gì chàng đã hứa, nhưng hoàn cảnh đổi thay, xô đẩy chàng vào những tình huống chẳng đặng chẳng đừng. Vì thế, đôi khi chàng trở thành người nói dối. Cô nào thông cảm thì tha thứ, còn cô nào khó khăn thì hờn giận suốt đời. Chàng dịu dàng bảo Thúy Vân:
-Em cứ kể cho anh nghe hết mọi chuyện rồi chúng mình sẽ lần lượt giải quyết từng chuyện một. Có những chuyện ngoài tầm tay của anh và em thì chúng ta đành chịu. Như chuyện mai sau, có ai nói chắc được hôm nay, phải không?
-Dạ
-Thúy Vân à! Anh rất ngạc nhiên và muốn biết lý do nào, động cơ nào thúc đẩy em làm việc với bọn Việt cộng. Em biết rằng việc làm đó vô cùng nguy hiểm và thay đổi hẳn cả tương lai tốt đẹp của em. Em được tụi nó tuyên truyền và kết nạp từ bao giờ. Em nghĩ sao mà hy sinh cả một đời cho họ.
Thúy Vân sợ quá òa lên khóc. Chuyện của nàng bắt đầu thật là đơn giản. Đâu ngờ mỗi ngày một lún sâu. Như người lỡ bước xuống sình không thể nào rút chân ra khỏi, dù biết rằng có một lúc nào sẽ chết. Chỉ mong thời gian chờ chết được kéo dài. Những giọt nước mắt của nàng hôm nay nhỏ xuống bằng một sự xúc động thành thực, chứ không phải là nũng nịu để cho Nhật dỗ dành. Tuy vậy Nhật vẫn cứ luống cuống không biết phải làm sao để nàng thôi thổn thức, cuối cùng thì chàng cũng đành ôm lấy đôi vai thon nhỏ và bờ ngực căng nở vào lòng, vỗ về an ủi:
-Nín, nín đi em, nói cho anh nghe. Rồi hai đứa mình sẽ tìm cách giải quyết êm đẹp. Thông minh như em thì mọi chuyện có khó khăn gì.
Nói xong, Nhật cảm thấy ngường ngượng. Chàng không ngờ mình đã khéo nịnh một cách thật tự nhiên. Với đàn bà chàng nghiệm thấy mình khó có thể nói thật những gì mình nghĩ, lúc nào cũng phải ngợi khen. Chắc cái máu nịnh đầm của chàng đã có trong huyết quản. Từ đời ông nội hào hoa với sáu bà vợ truyền lại cho chàng. Mặc dù vậy, Nhật vẫn thấy Thúy Vân có vẻ hài long thích thú. Nàng thôi khóc rồi kể cho chàng nghe chuyện từ năm trước.
Vô tình vòng tay của Nhật vẫn cứ để trên vai Thúy Vân . Hai chân nàng căng duỗi thẳng, đầu tì lên ngực Nhật, Thúy Vân bắt đầu câu chuyện.
... Năm ấy, Gia Vực được mùa nai. Trên các đồi tranh bạt ngàn chạy dài đến tận cùng các ngọn núi đá, những người Thượng Hre thường hay đốt tranh trồng khoai sắn. Những vạt đất loang lổ đầy tro than thường hấp dẫn các đàn nai tới hằng đêm. Người ta bảo trong tro có chất khoáng mặn mà lũ nai ở rừng rất thích nên thường kéo hàng đàn để cùng nhau thưởng thức. Nhất là các nơi gần suối, nếu thợ săn chịu khó rình rập thì mỗi lần đi săn, thế nào cũng có thịt khiêng về.
Bắn được một con nai ở Gia Vực là kể như khỏi đi làm cả tháng. Thịt nai được xẻ ra chỉ trong một loáng là người ta mua hết ngay, vì nơi nầy thịt thà rất hiếm. Thế mà Nai thường đi ăn hàng đàn, hàng lũ, quả thật rất là hấp dẫn với các tay thợ săn đêm.
Ông Tài, chủ câu lạc bộ - cha của Thúy Vân - là một người làm ăn buôn bán lớn, lẽ nào không nhìn thấy nguồn lợi đó. Nó vừa là một cái thú tiêu khiển cho những ngày phải nằm lại trên này để chờ tiền lại vừa có lợi. Mà vốn liếng có cần gì đâu. Chỉ một khẩu súng săn và cái đèn chiếu đội đầ, ông nhập bọn với những người thợ săn mà không cần xin phép tắc lằng nhằng gì khác, bởi vì ông là người làm ăn tín cẩn của các ông lớn miền xuôi.
Nhưng chuyện đời không như mình dự tính. Một đêm đang say sưa chờ đợi rình mồi thì người anh em phía bên kia tìm đếùn với ông thay vì là những con nai. Nói đúng ra chỉ là những anh du kích người Thượng, ngô nghê, nhe hàm răng cửa tới lợi mời ông vào khu nói chuyện. Ông tái mặt, mất hồn tưởng đâu phen này sẽ đi về chầu ông bà sớm. Đêm miền núi lạnh mà mồ hôi ông đổ ra như tắm. Mò mẫm đi theo họ hết đồi tranh này tới đồi cây khác, ông được dẫn vào một căn nhà tranh khuất dưới những lùm cây. Đêm gần về sáng, mà vẫn tối đen như mực. Không đèn không đuốc, chỉ có ánh sáng lờ mờ của những vì sao trời khuya khoắt đủ đưa ông tới gặp một người mặc áo bà ba đen, thấp bé, tóc và râu dài, hàm răng lổm chổm nhô ra như những con sói rừng đói thịt. Đôi mắt y láo liên, đầy hung quang, rõ ràng là mắt sói. Những người du kích nói chuyện với con người thấp bé ấy một lúc bằng tiếng địa phương. Ông Tài không hiểu lắm nhưng đoán chừng họ đang nói về ông. Nói chuyện với nhau xong thì người ta bịt mắt ông lại bằng một miếng vải đen.
Thế là hết rồi. Ông Tài sợ quá bật khóc hu hu, đấm ngực tự trách mình tham lam, để cho mấy người thợ săn dụ dỗ đi theo họ. Chẳng là vì ông quen biết lớn, tiền nhiều nên nói chuyện với các ông lớn dễ dàng. Ngay cả giấy phép đi săn đêm ông muốn là phải có. Họ rủ ông đi vì thế. Họ muốn nhờ ông, nương theo ông để được phép dễ dàng vào rừng, có thể ở lại đây đêm hay vài đêm tùy theo công chuyện. Cứ theo những lời bọn thợ săn kể thì thật dễ dàng. Đâu ngờ lại có như ngày hôm nay, đời sao ngắn ngủi. Việt cộng mà bịt mắt ông lại thế này chắc phải đếm từng phút, đôi khi phải từng giây.
Ông bước đi theo họ như một người máy vô tri. Những cành cây gãy nhọn đâm vào da thịt mà ông không còn biết nữa. Cảm giác đã trốn khỏi thân thể ông rồi. Một lúc sau ông được giải đến một khu bằng phẳng và bước xuống một cái hồ cạn, chắc là mới được đào lên để ông gửi nắm xương tàn. Ông sợ quá khóc rống lên không kể trời đất gì nữa. Đám du kích dẫn ông đi vẫn yên lặng, cái yên lặng lạnh tanh chết chóc. Chỉ mình ông nghe lại tiếng ông. Ông thấy thương vợ, nhớ con, thương chính thân mình nên càng nức nở.
Nhưng lâu quá mà ông chưa được chết. Đáng lẽ dẫn ông xuống hồ xong là họ đọc cho ông bản tuyên án rồi cho ông một phát. Thế mà đi mãi họ vẫn chưa nói gì. Hay là ông đã ... chết rồi mà ông không biết. Bất giác ông Tài ngưng khóc lấy tay bấu vào da thịt mình để thử. Ôi đau quá chắc là ông còn sống.
Người du kích Việt cộng đi phía sau đưa tay ấn đầu ông chúi xuống, làm ông đưa hai tay lên sờ soạng. Họ đang bắt đầu chui vào một khúc đường hầm không rộng lắm. Mùi đất ẩm ướt xông lên thay thế không khí trong lành của rừng đêm. Ông phải vất vả bấu tay vào vách đất, cố theo kịp người phía trước. Dù vậy, ông vẫn cứ đụng vào người phía sau đang bước tới. Cuối cùng ông cảm thấy trên đầu ông không còn vướng víu nữa. Ông có thể đứng thẳng lên được thì người ta mở mắt ông ra.
Bây giờ ông mới biết là ông đang ở trong một căn hầm nhỏ, gần như vuông vức mỗi cạnh chừng hai thước. Không biết những người du kích đã biến vào ngõ ngách nào mà trước mặt ông chỉ là người đàn ông thấp bé, tóc râu dài đang ngồi trên một cái chỏng tre, bên cạnh chiếc đèn dầu lù mù tự biến chế bằng một lọ thuốc trụ sinh. Tim đèn rất nhỏ đến độ chỉ một hơi thở nhẹ cũng có thể làm ánh sáng tắt ngay. Cũng may là trong hầm không có gió và dĩ nhiên là ông Tài đâu dám thở mạnh nên cái ánh sáng lờ mờ kia vẫn cứ lung linh, nhảy múa. Người đàn ông thấp bé kia vội đứng lên, đưa tay vồn vã như muốn ôm lấy ông như một cử chỉ thân mật làm ông Tài ngạc nhiên đến độ há hốc miệng ra. Ông nghe tiếng mời mọc ngọt ngào nhưng vẫn chói tai của người miền quê xứ Quảng, giọng phát âm nguyên chất chứ không pha trộn như ông:
-Ngồi xuống đi, anh Tài. Mời anh ngồi xuống đi rồi chúng mình nói chuyện. Chúng tôi mời anh về đây là có chuyện muốn bàn với anh, để chúng ta cùng nhau lo cho dân cho nước.
Ông Tài chỉ biết riu ríu tuân theo lệnh mời của người đàn ông. Hắn có đôi mắt sáng lạnh, long lanh của loài thú dữ làm ông không dám nhìn vào. Sau không biết bao nhiêu lời tán tụng về sự bất khuất của người dân vô sản, sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của bác Hồ và Đảng, sự tất thắng của chủ nghĩa vô sản Mác-Lê-nin, hắn bắt đầu kể tội ác của các tên đế quốc tư bản, từ đế quốc Pháp đến phát xít Nhật rồi đến đế quốc Mỹ bây giờ và bổn phận của người dân là phải hy sinh cho đất nước. Hắn xoa hai bàn tay vào nhau rồi kết luận:
Đấy, anh Tài cũng biết các cụ nhà mình ngày xưa đã có câu “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” huống hồ chi mình là đàn ông. Chuyện cứu nước là nhiệm vụ và bổn phận của mọi người chúng ta. Tuy kêu gọi sự tình nguyện nhưng là sự bắt buộc.
Ông Tài hiểu ra ngay. Thật tình lúc ấy ông mừng vì tên đàn ông đã cho ông một cơ hội cứu nuớc. Nghĩa là còn cho ông một con đường sống. Nên ông hoan hỉ thề hứa. Nhưng mà theo Việt cộng không phải dễ dàng. Sau khi đã thông suốt đường lối, ngõ ngách của “Cách Mạng” là đến màng ông kê khai lý lịch, sự nghiệp của ba đời nhà ông và viết đơn xin tự nguyện làm việc cho đoàn quân giải phóng. Đến đây thì ông Tài cảm thấy sợ hãi cho cuộc đời làm nô lệ dài hạn cho mấy thằng Cộng Sản. Nhưng bây giờ ông đang ngồi trên lưng cọp, chuyện dẫn dắt tới đâu, đâu còn trong tầm tay của ông nữa. Hai người lại bắt đầu bàn bạc sang vấn đề cụ thể. Nghĩa là ông Tài phải làm những gì. Nói là bàn nhưng thực tế là lệnh cho ông Tài phải hy sinh, tự nguyện hy sinh cho Cách Mạng bằng phương tiện và tài sản mà ông hiện có. Tên đàn ông lại nói:
-Chúng tôi biết anh Tài rất có thế lực với đám ngụy quân, ngụy quyền ở tỉnh Quảng Ngãi này nên việc chúng tôi nhờ anh giúp cho Cách Mạng không có gì khó khăn cho lắm. Cứ mỗi chuyến hàng tiếp tế cho câu lạc bộ của tiểu đoàn Biệt Động quân ngụy ở đây, anh mua giúp một ít thuốc trụ sinh. Mỗi lần chừng một gùi thuốc là được rồi. Tốn kém bao nhiêu chúng tôi sẽ bồi hoàn lại cho anh.
Ông Tài thừa biết câu sau cùng của tên đàn ông chỉ là lời nói lấy... vui. Không biết có người nào dám nhận lại tiền”bồi hoàn” của việt cộng hay không chứ ông thì không dám. Vả lại, ông biết dù có dám nhận lại thì mấy thằng Việt cộng cũng lấy đâu ra mà trả. Thường thường chúng dùng súng đạn trả lại, nhẹ nhàng mà kín đáo hơn. Đa số những người làm ăn với Việt cộng, cuối cùng rồi sẽ nhận như thế khi trái chanh đã khô hết nước.
Mang được một gùi thuốc trụ sinh lên miền núi này không phải dễ dàng dù là trong các chuyến bay. Một vài lần thì còn có thể trót lọt. Dù sao ông cũng có uy tín lẫn tiền bạc nên người ta còn nễ không khám xét những vật dụng riêng tư trong những xách tay. Nhưng mà nhiều lần là cả một vấn đề. Tình báo của những người lính Cộng hòa không phải là dở hoặc thông manh. Chuyện họ khám phá ra ông chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Nghĩ đến đây ông thấy đã run rồi. Lại còn nhiều vấn dề khó khăn kế tiếp. Giả thử ông mang được thuốc lên đây, nhưng làm sao giao cho Việt cộng được. Gặp nhau ở đâu, làm sao trao đổi cho người ta khỏi nghi ngờ. Ông càng nghĩ càng muốn ngất xỉu. Giá mà được chết đi có khi lại còn hay hơn cái sống dở chết dở bây giờ. Oâng run run ngập ngừng hỏi lại:
-Thưa... ông, thưa... ông
-Anh Tài đừng khách sáo, cứ gọi tôi là anh Ba.
-Dạ thưa... ông... Ba
Tên đàn ông vội cướp lời, hắn làm ra vẻ xuề xòa, thân mật:
-Đó, đó, nói rồi mà cứ ông này, ông nọ, cứ gọi tôi là anh Ba được rồi. Với Cách mạng mình gọi nhau là anh em cho thân mật, thưa gửi làm gì
-Dạ, dạ thưa anh Ba, khi tôi mua được thuốc trụ sinh mang lên đây rồi, làm sao tôi giao cho ... Cách Mạng được?
-Ồ! Cái đó anh tài đừng lo. Tôi biết anh có cô con gái xinh lắm. Chúng tôi sẽ có điểm hẹn, cô ấy cứ việc đi rừng đổi đồ, ghé qua điểm, bỏ lại, sẽ có người đến lấy ngay. Cô ấy đi dễ che mắt bọn ngụy dễ hơn.
Ông Tài ngạc nhiên đến sững sờ. Thì ra tụi này điều tra ông quá kỹ càng. Chúng nó biết rõ ông từng chi tiết một, chẳng trách nào ông sập bẫy một cách dễ dàng. Nghĩ đến Thúy Vân, đứa con gái cưng của ông, vì ông mà phải làm việc với bọn chúng làm ông hối hận cho cái tính tham lam của mình mà ra nông nổi. Nhưng mà nghĩ cho cùng thì bọn chó chết này đã nhắm vào ông, không có cách này thì cũng có cách khác để ông trở thành nô lệ cho bọn chúng.
Đêm hôm đó, đến tận gần sáng ông mới được thả trở về đồi tranh cũ. Trước khi từ giã, anh Ba đã ôm ông thắm thiết, hẹn gặp nhau trong ngày giải phóng miền Nam. Làm xong cái màn vờ vịt thân mật đó hắn biến đi ngay để cho ông với mấy thằng du kích với những họng súng đen ngòm đến bịt mắt ông, dẫn trở lại rừng. Khẩu súng đi săn của ông được trả lại, và ngạc nhiên hơn nữa khi vừa đến nơi ông đã đứng rình tối qua, một con nai lớn đã bị bắn chết từ lâu sẵn sàng nằm đó cho ông gọi người đến khiêng về. Đó là con nai đầu tiên cũng là con nai cuối cùng vì từ đó về sau, mỗi khi nghe nói đến đi săn là ông đã co rúm người lại vì sợ. Chỉ trong một đêm kinh hoàng đó đã làm thay đổi hẳn cả một tương lai, dự tính của ông và gia đình.
Ông Tài biết rằng thâm hiểm và gian manh trên thế gian này không ai bằng Việt cộng. Con nai mà chúng bắn sẵn dành cho ông hôm đó như là một phần thưởng, một lời cảnh cáo và giúp ông giữ bí mật dễ dàng với những người quốc gia nếu họ có nghi ngờ. Thịt nai được xẻ ra, một phần đem bán, một phần ông đem biếu cho nhà bếp tiểu đoàn để ông nấu cho mấy ông sĩ quan độc thân, thường hay lui tơí câu lạc bộ dự liên hoan. Những lời chúc tụng và khen ngợi chỉ làm ông thêm đau lòng khi nghĩ đến những ngày tháng chông gai sẽ xảy đến nay mai.
Chuyến bay đầu tiên, kể từ hôm đi săn trở về làm cho ông hồi hộp quá. Suốt mấy ngày lang thang dưới tỉnh, ông không còn tâm trí đâu mà lo chuyện hàng hóa, bán buôn. Ông cứ ngược xuôi, lên xuống để lùng mua cho đủ số thuốc mà anh Ba yêu cầu giao phó cho ông. Mua coi như tạm đủ rồi, ông phải nghĩ cách làm sao để mà vận chuyển. Bỏ trong sách tay của ông thì nhiều quá, mà bỏ nằm trong những kiện hàng nếu vô tình bị xét hỏi, lòi ra thì ông cũng bỏ đời. Quân Cảnh, cảnh sát đầy đường, hàng hóa đem đi, đem lại, dù có giấy phép trong tay cũng đâu phải là tuyệt đối. Nhỡ gặp những anh chàng bướng bỉnh, coi cái giấy phép của ông như không, cứ khám xét mà lòi ra thuốc trụ sinh cả bao như bao cát thì khó khăn đến vơí ông cầm chắc trong tay. Mà đút lót mua chuộc thì tiền đâu mà lo cho nỗi. Vả lại trong những chuyến hàng thường thường là ông hay mua gấp hai, gấp ba cái số được phép. Bình thường thì cũng chẳng sao. Nhưng khi người ta khám phá ra ông buôn lậu thuốc tây thì vấn đề chính trị được đặt ra ngay. Chỉ có thể là tiếp tế cho Việt cộng thì mới mang nhiều thế. Mà ông thì đang tiếp tế cho Việt cộng thật, còn cãi vào đâu.
Nhưng rồi ông bà, ông vải phù hộ cho, chuyện vẫn êm xuôi. Đêm hôm đó, khi hai bố con ông ngồi tính toán, bàn bạc, ông bùi ngùi kể cho Thúy Vân nghe thực sự về cái đêm đi săn hãi hùng. Cả cái câu lạc bộ này tuy rộng nhưng mà không có chỗ nào kín đáo để ông cất dấu bao thuốc. Sau cùng cả hai bố con đồng ý là chỉ có trong phòng Thúy Vân là tương đối ít ai qua lại, vào ra. Từ đó căn phòng nhỏ của con gái ông đã trở thành kho thuốc.
Cất dấu xong rồi thì chờ đợi lệnh cho ông ... giúp nước. Một buổi sáng đang lui tới để chỉ huy mấy người thượng đang khiêng đồ dọn dẹp ông thấy ngay trên quầy thu tiền của Thuý Vân có lá thư cho ông. Mở ra ông mới té ngữa, vì đó là lệnh của anh Ba. Dù đang chờ đợi mà ông vẫn ngạc nhiên vì không ngờ ngay giữa tiểu đoàn mà chúng nó còn đem thư đến tận tay ông. Thế thì người của chúng ở khắp mọi nơi, ông không thể nào cựa quậy hay phản lại chúng, nếu ông chưa chán sống. Ông nghĩ mãi không ra, không biết là ai. Lúc này khi ông bước vào, đám lính Thượng đứng quanh đông quá, đứa nào cũng có thể thò tay vào túi lấy một bức thư bỏ lên bàn. Càng nghĩ ông càng sợ nhiều hơn.
Bức thư ấy hẹn gặp Thúy Vân ở một khúc quanh trên con đường dẫn xuống ấp D trong một chuyến đi rừng. Thường thường Thúy Vân ít khi vào rừng đổi đồ như những cô gái khác. Dù có mướn những người giúp đỡ, nhưng mà việc quán xuyến trông coi câu lạc bộ cũng làm Thúy Vân bận bịu vô cùng nên rất ít có thì giờ rảnh rỗi. Đôi khi, cô cũng theo mấy cô khác đi rừng. Nhưng thường thì không phải là vì sinh kế mà chỉ để rong chơi, tìm kiếm sự mới lạ nhiều hơn. Thế mà từ hôm nay cô phải đi vào rừng một mình, lăn lộn như những cô gái khác. Chỉ nghĩ đến đó cũng làm cho ông Tài đau lòng và Thúy Vân bật khóc, nhưng biết làm sao.
Cô mang gùi xuống khúc quanh ngồi đợi. Chỉ một lát sau là có người bước đến. Đó là ông trung sĩ Ớt, làm tiểu đội trưởng ở tiền đồn của Thiếu úy Kiên. Thuý Vân thấy ông lừng thững đi tới thì sợ quá. Nàng tưởng rằng chuyện này đã bại lộ và từ nay phải nhắm mắt vào tù. Nhưng không, ông không nói, chỉ ra dấu cho nàng đi theo ông tiến vào rừng thẳm. Hai người đi lại quanh co cả tiếng đồng hồ men theo con suối, băng ngang qua tiền đồi đến bờ sông cạn, rồi tiến lên những tảng đá, biên giới cuối cùng của giòng sông Re và đồi Trinh Nữ.
Hồi đó đồi Trinh nữ chưa nổi tiếng. Chưa làm khiếp sợ những người lính thượng như bây giờ. Chỉ sau cái chết của ông Thiếu úy Kiên người ta mới đồn đãi, thêu dệt thêm cho ngọn đồi linh thiêng đó. Tại đây, cô được chỉ vào một tảng đá thấp nhất, bao quanh bằng những tảng đá cao để đặt gùi thuốc vào. Đặt xong băng qua đường khác, vào rừng để trở về ngay không cần biết đến việc gì sẽ xẩy ra. Nhưng đó là chuyện về sau này, trong những lần khác, chứ trong lần đầu tiên này cô cần gặp anh Ba để được anh Ba giáo dục, nhồi nhét cho cô lòng yêu nước, sự hy sinh cho Cách Mạng, cho Đảng, cho cả sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của toàn dân.
Mặc dù đã được cha cô nói trước, mô tả thật kỹ càng nhưng mà lần gặp anh Ba đầu tiên cũng làm cô khiếp sợ. Cứ nhìn cái tướng bé nhỏ, không trẻ, không già của anh Ba làm cô có cảm tưởng như anh Ba không phải là một con người. Mà một con người không giống ai thì chỉ là con quỷ.
Từ đó trở đi, cứ mỗi tháng một lần cô phải vác gùi đi rừng để lại thuốc tây cho Việt cộng. Dần dần công việc mỗi ngày một khó khăn thêm mà anh Ba thì lại cứ đòi hỏi nhiều hơn. Công tác giao cho cô không thuần túy là mang thuốc vào rừng, mà còn nhiều việc đa dạng khác. Như làm sao quyến rũ được Nhật, đưa Nhật vào tròng để làm việc cho chúng, hoặc là theo chân thiếu úy Kiên ngày xưa.
Nghe nói đến thiếu úy Kiên, Nhật vã mồ hôi. Chàng mừng thầm rằng số mình còn hên lắm, nếu không bây giờ thì đã xanh cỏ mất rồi. Cứ nghĩ đến cái họng súng đen ngòm, chĩa thẳng vào mặt là chàng cảm thấy điếng người, thần kinh giật mạnh. Nhưng mà đêm kia, khi biết rõ người con gái ấy là ai thì chàng cảm thấy bồi hồi. Nghĩ đến nàng, Nhật vừa thương cảm vừa mừng vui. Nhưng mà tại sao người con gái của sông Re lại ra nông nỗi đó chắc phải cần thời gian để có câu trả lời.