Tiếng gà trống đâu đó cất tiếng gáy sáng, nó như là cái đồng hồ báo thức, tiếng gáy của chú gà đủ để đánh thức tôi. Mới 4 giờ sáng, hai mắt còn cay xè vì ngủ chưa đủ giấc, tôi bật ngồi dậy như cái lò xo. Saigon về sáng trời se lạnh. Một ngày vật lộn với cuộc sống lại bắt đầu. Nhìn vợ và con đang còn say ngủ. Ừ thì để vợ con ngủ thêm một chút.
Vợ chồng tôi bán bánh mì vỉa hè độ nhật, thế nhưng thời gian này bột mì khan hiếm một số lò bánh mì không chạy ra bột phải tạm đóng cửa. Thời buổi xã hội chủ nghĩa là thế đó. Cái vẫn được gọi là “ưu việt” của một chủ nghĩa hoang tưởng.
Chúng tôi lại vẫn phải loay hoay kiếm sống, không lấy được bánh mì để bán thì xoay qua lấy bánh ướt để bán chứ ngồi không thì lấy gì sống đây. Thế là mon men tìm kiếm lò bánh ướt. Lò bánh ướt trong con hẻm cũng gần nơi chỗ chúng tôi bán bánh mì độ nhật không xa mấy. Bà chủ người Huế chỉ cho tôi chỗ nhận gởi trẻ gần đó luôn.
Hôm nay đổi qua bán bánh ướt, bán bánh ướt thì chỉ cần một cái gánh với hai cái thúng hai đầu: một thúng đựng vật dụng như dĩa, muổng, đủa,… các thẩu nước mắm, hành ớt…. Một thúng đựng bánh ướt. Hai cái rỗ đậy lên hai cái thúng để khi đặt gánh xuống là bày hàng lên đó. Một cái đòn và vài cái ghế nhỏ để khách ngồi, hai cái xô đựng nước để rữa …. Những thứ này đã chuẩn bị sẳn và gởi ở gần nơi chúng tôi bán bánh mì và nay thì xoay qua bán bánh ướt. Lấy công làm lời chứ không cần vốn liếng chi. Nay tôi đang là giai cấp vô sản, nhưng mà cái giai cấp đang bị đẩy ra rìa của một xã hội đang hiện hữu trên đất nước tôi.
Từ đầu hôm trước khi đi ngủ, chúng tôi đã chuẩn bị các thứ như nấu một nồi nước mắm, dưa leo rau sống,… và đã đến lò chả ở dưới chợ ông Tạ lấy hàng để có giá rẻ.
Tôi thu các thứ vào các giỏ nilon để chút nửa treo lên ghi đông xe đạp cho gọn gàng.
Bây giờ đánh thức vợ tôi dậy, còn thằng con thì để nó ngủ. Vợ tôi đánh răng rửa mặt xong và xem lại mọi thứ một lần sau cùng. Bốn giờ rưởi sáng, bên ngoài trời vẫn còn tối thui. Vợ tôi vất vả với cuộc sống, trông nàng ốm nhom nhưng những nét xinh đẹp của một thời học sinh vẫn ẩn hiện bàng bạc trong ánh nhìn của tôi. Thằng con vẫn vô tư ngủ say, trông nó thật dể thương.
Tôi treo mọi thứ lên ghi đông xe, chiếc xe đạp có thêm cái ghế móc vào ghi đông cho thằng con tôi ngồi, giờ cũng tận dụng để đồ lên đó. Chiếc xe đạp này có lúc cũng đã chở cả nhà tôi, thằng con đầu ngồi ở ghế móc vào ghi đông xe, vợ tôi ngồi sau ôm thằng con út.
Vợ tôi với tay lấy cái mền dù, cái mền dù của Mỹ (poncho liner) nhẹ tênh nhưng ấm mà tôi đã mua của bà Chúc ở chợ Dalat trong ngày đầu ra phố cuối tuần, nó theo tôi bao năm tháng ở Dalat và cũng theo tôi bao năm tháng trong các trại tù cải tạo và giờ đây nó vẫn còn đó vẫn là kỷ niệm một thời, vẫn còn hữu dụng và hiện thực với cuộc sống của tôi.
Vợ tôi xếp tư tấm mền dù, bồng thằng con đặt lên đó và ôm nó vào lòng. Nó vẫn ngủ say. Vợ tôi ngồi lên bóc ba ga phía sau xe đạp. Tôi bắt đầu gò lưng chở vợ con rong duổi từ Phú Lâm quận 6 lên công trường dân chủ quận 3 để kiếm sống. Thằng con vẫn ngủ say trong tấm mền dù mặc cho sương sa gió lạnh buổi sáng. Vợ tôi cúi sát đầu vào lưng tôi, hơi ấm của cha mẹ nó đang sưởi ấm thằng bé say ngủ. Tuổi nó giờ này phải nằm ngủ trong chăn êm nệm ấm như lòng cha mẹ nó mong muốn, nhưng giờ đây lại theo cha mẹ bươn chải kiếm sống. Nhìn con mà chạnh lòng.
o 0 o
Con đường Trần Quốc Toản chập chùng trong sương với những mãng sáng của ánh đèn đường hiu hắt thoáng ẩn thoáng hiện, con đường vẫn còn vắng hiu. Những đoạn đường quá quen thuộc thân thương ngày nào, ừ đây mà quẹo trái ở ngả tư Nguyễn Tri Phương này thì vào trường Cao Đẳng Công Binh, hơn một năm chung học với tám bạn đồng môn K2 từ khắp nơi trở về đây theo học Khóa 1 Dự Bị Cao Đẳng Kỹ Thuật Công Binh, đi thêm một đoạn đến cuối đường rồi quẹo trái thì sẽ đến Học Viện Quốc Gia Kỹ Thuật (Phú Thọ) nơi một thời học trò trong tuổi lính khi chỉ mình tôi K2 theo học kỹ sư ngành công chánh kiến tạo và với các bạn K2 LVTu, NVTuoi học ở ngành Điện Tử. Kỷ niệm chợt phút chốc thoáng hiện, cũng con đường này một thời của tuổi trẻ với bao ước vọng xây đắp tương lai … nhưng nay tâm trạng tôi đã khác, ừ người xưa nói đúng “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” không những không vui mà con đường sao nay trở nên hun hút sâu thẳm, xa lạ lạnh lùng thế.
Đến công trường dân chủ thì trời vừa hừng sáng, tấp vào vĩa hè bờ tường bên trái gần mấy tiệm sửa xe Honda, bỏ đồ đạc lỉnh kỉnh cùng vợ con xuống. Vợ tôi vẫn bồng thằng con say ngủ quấn trong tấm mền dù. Tôi chạy vội vào nhà quen lấy thúng gánh ra rồi lên xe đạp chạy vào lò bánh ướt và bánh cóng lấy bánh mới vừa ra lò buổi sáng.
Trở lại vĩa hè, tôi bồng thằng con cho vợ tôi bày hàng, và một ngày kiếm sống bắt đầu. Khách là những người lao động qua lại. Trời sáng dần, khách qua lại bắt đầu nhiều. Tôi phải phụ vợ tôi rửa dỉa, đủa… các thứ, đành phải thức thằng con dậy. Nó mới chập chững biết đi.
Để nó đâu bây giờ để rảnh tay đây. À có cái cột điện đường to đùng hình tháp bằng 4 thanh sắt chữ L sơn đen chụm lại trên cao kế bên, tôi vội bế nó và đặt vào chân cột điện; nắm hai tay con đặt vào thanh sắt lạnh ngắt buổi sáng sớm để con vịn vào đó mà đứng. Tôi vừa phụ vợ vừa liếc mắt trông chừng thằng con. Buổi sáng mặc áo ấm, mang tất và giày cho con để tránh hơi đất. Thằng con cũng dể chịu và đứng im đó như có mối cảm thông với cha mẹ nó. Tôi biết làm gì hơn, hai đứa con, thằng đầu thì gởi ông bà ngoại trông còn thằng sau thì theo cha mẹ ra đây. Có những ngày như thế đó.
Chừng bảy giờ rưởi, tôi đặt thằng con vào ghế móc ở ghi đông xe và chở thằng con xuống chợ Vườn Chuối để mua chén cháo đậu đỏ với đường cho nó ăn sáng. Chiếc xe đẩy bán cháo sáng cũng đã khá đông khách. Chén cháo múc ra còn nóng hổi bóc hơi nghi nghút, những hạt đậu đỏ chưa nở hết ẩn chìm trên mặt chén dưới lớp đường cát mỏng. Tôi trộn đều chén cháo, thằng con đứng vịn vào bờ tường của tiệm tạp hóa chưa mở cửa, tôi ngồi vừa thổi vừa lấy muổng nghiền những hạt đậu và vừa đút cháo cho con. Nó vừa ăn vừa chập chững đi. Đút cho con hết chén cháo, rồi chở nó đến nhà gởi trẻ tư gia nhờ trông.
Tám giờ sáng họ mới bắt đầu nhận gởi trẻ, cũng gần lò bánh ướt tiện đường cho tôi. Lần đầu gởi trẻ nó khóc thét lên khi người lạ bồng nó vào nhà, thằng bé cứ quay mặt lại nhìn tôi không dứt. Tôi đạp xe ra vĩa hè vừa phụ vợ mọi thứ hết cái gì thì chạy đi mua, bánh ướt bán hết đến đâu đi lấy thêm đến đó và rồi 4 giờ chiều thì đón con về. Thấy tôi nó cười mừng rở, bồng con ra xe, hai tay nó ôm chặt lấy cổ tôi, đặt con vào ghế ngồi móc vào ghi đông xe đạp và cha con trở lại vĩa hè.
Vì bán cho khách bình dân nên phải bán giá thấp để có khách và bù lại thì phải bán nhiều và phải bán hết trong ngày. Vợ chồng tôi hầu như suốt ngày ngồi ở vĩa hè. Khách qua lại có nhiều ánh mắt cảm thông. Không nói nhưng nhìn phong cách của chúng tôi họ cũng đoán được phần nào hoàn cảnh thời thế.
Chỗ mua bán vĩa hè khá phức tạp, trưa chút có thêm gánh cơm, những tụ mua bán phim phổi, rồi xe mua bán sắt vụn tụ họp, … có hôm có cả xe ba gác sắt vụn của Đức trống, xôn xao kẻ mua người bán… Có những tháng ngày thế đó trong đời. Còn tiếp...