Gia đình nghèo nên cha mẹ tôi gửi tôi vào Sài gòn để nhờ người chị lo cho ăn học. Lúc đó tôi còn quá nhỏ chưa hiểu rõ việc cha mẹ tôi làm,
nên thật buồn và đã khóc. Và mẹ tôi cũng đã khóc khi đưa tôi ra bến xe, tiễn tôi đi.
Hình ảnh mẹ tôi ngày đó: tay xách gói quần áo cũ của tôi và vài bịch bánh kẹo cùng vài thứ đồ chơi tôi thích. Ra tới bến xe, mẹ ôm tôi vào
lòng, rồi hôn lên trán tôi, rồi lấy tay vò đầu tôi cùng lời an ủi:
"Gắng lên con, cuộc sống này là như thế. Con người lớn lên phải ra đi, tìm cuộc sống cho riêng mình, chứ không thể mãi ở với cha
mẹ...''
Tôi khóc và nói "không, không...., con không muốn đi, con muốn ở với ba mẹ à. Vào Sài gòn xa lạ lắm, con sợ lắm..."
Mẹ tôi lại an ủi tôi, "Không xa lạ lắm đâu con, nơi đó con vẫn có người thân ngày đêm bên cạnh con, lo cho con ăn học. Với lại, trước lạ sau
quen; bỡi nơi đâu cũng thế, cũng có những con người và cũng có hoa, có cỏ, có đất đai, có cả núi sông, và có cả những thứ mà đấng Tạo
hóa dựng nên, ban tặng cho con người ..."
Tôi dùng dằng không chấp nhận lập luận của mẹ và tôi định nói... nhưng nơi đó chỉ có người với xe cộ đông đúc...., nhưng tiếng nói của tôi bị
gió cuốn theo chiếc xe chuyển bánh!
***
Thế rồi ngày tháng dần qua, tôi quen với lối sống Sài gòn và dường như đã quên hẳn nếp sống êm đềm bình dị nơi quê tôi - Đối với
tôi là vậy, nhưng đối với mẹ tôi lại khác, bà luôn luôn nhớ đến tôi, cứ một vài tháng lại vô thăm tôi. Tôi thấy sức khỏe mẹ tôi ngày càng yếu
dần, mà phải ngồi xe gần ngàn cây số; với lại mỗi khi đến thăm, bà phải khệ nệ mang theo những thứ tôi ưa thích lúc còn ở quê nhà: muối dần
lá é, muối trộn với cua rang, bánh tráng nướng dày v.v... làm tôi cảm thấy áy náy. Tôi cố tình tỏ ra vẻ không ưa thích, để bà nghĩ rằng tôi
không biết trân quý việc làm của bà, mà họa may bà nghĩ lại, giảm bớt việc ra vô thường xuyên thăm viếng tôi chăng! Thế nhưng tôi đã quên
mất câu ca dao người xưa để lại "Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng...", nghĩa là không có cái gì ngăn cản tình thương mẹ dành cho
tôi!
Ngày tháng dần qua, theo thời gian lớn lên, tôi vào lính. Lúc đó tôi nghĩ, tôi đã trưởng thành lại ở trong một trường huấn luyện quân sự, nên
hy vọng rằng mẹ tôi giảm bớt việc viếng thăm; nhưng lại không ngờ những cái đó không ngăn được bước chân mẹ tôi. Tôi nhớ, một ngày thứ
sáu trong tuần, được người lính cơ hữu gát cổng trường thông báo cho biết mẹ tôi đến thăm. Thế là tôi xin phép viên Sĩ quan phụ khảo (đang
ở mùa văn hóa) cho phép tôi ra cổng đón mẹ. Ra tới cổng nhìn mẹ tôi đang đội cơn mưa đứng đợi chờ tôi, làm tôi muốn khóc.
Hai ngày cuối tuần đó, mẹ con tôi rong chơi ngắm cảnh phố phường Đà lạt, viếng thăm đồi cù. Hai mẹ con cùng ngồi xuống, đưa mắt nhìn
trời mây, rồi những đóa hoa lung linh trong gió sớm; chợt mẹ tôi thở dài, chép miệng nói rằng thời gian chóng qua mau! Mẹ nhớ những ngày
còn son trẻ, ba mẹ tôi cũng đã có dịp ngồi bên nhau ở nơi đây, như thế này. Tôi hỏi mẹ dịp nào, thì mẹ trả lời khi cha mẹ làm việc kiếm sống
ở nơi đây. Tôi định hỏi thêm về cuộc tình ba mẹ ngày xưa, nhưng mẹ đã khéo léo cắt ngang ý nghĩ của tôi, để xoay qua hỏi thăm việc học
hành của tôi cùng dự tính tương lai của mình. Tôi nói với mẹ rằng tôi không có dự tính gì cả vì khi ra trường, nói là được tự do lên chọn,
nhưng thật ra chẳng được tự do chọn đơn vị như ý, vì nếu không may, thứ hạng mình trong nhóm quá thấp. Tôi đơn cử trường hợp tôi biết,
qua các khóa đàn anh: có người khi ra trường mơ về dù hay thiết giáp, nhưng cuối cùng phải về với Địa Phương Quân.
"Tuy ĐPQ không hào hùng đầy uy thế, nhưng xét cho cùng ĐPQ vẫn sướng hơn, an toàn hơn; thuận tiện cho việc có gia đình con ạ, "mẹ tôi
nói, rồi dừng lại đôi lát và nói tiếp, "À mà này, con đã có người yêu chưa , có dự tính cưới vợ hay chưa," Tôi cười thật tươi và nói, "Người yêu
chưa có, nhưng bạn gái thì đã có rồi," Mẹ tôi lại hỏi ai vậy, thì tôi trả lời là Loan, em gái anh Thám ở cạnh nhà chị tôi ở Sài gòn (người con gái
tôi đã đề cập trong chuyện Bộ Ba Của Tôi). Mẹ tôi lại phán một câu làm tôi hơi buồn, mẹ nói Loan không được vì tướng tá "chảnh lắm", mẹ
khuyên tôi nên cẩn thận suy xét kỹ trước khi có ý định cưới Loan làm vợ. Mẹ đề nghị tôi thử làm quen với Ngọc - Tôi hỏi Ngọc nào, thì mẹ
tôi nói Ngọc ở cạnh nhà cha mẹ tôi ở ngoài Trung. Mẹ nói Ngọc cũng muốn thăm tôi, nhưng lần này mẹ đã từ chối, hẹn Ngọc lần sau. Mẹ
còn nói, mẹ cần tôi có vợ để mẹ có cháu bồng. Tôi thấy vấn đề hơi phức tạp nên đề nghị rời vườn bông để đi ngắm thêm cảnh phố xá nơi
đây.
***
Thế rồi thời gian ở Đà Lạt cũng trôi qua, tôi ra trường, nhưng tôi không về được quân binh chủng tôi ước muốn. Tôi về Tiểu khu Vĩnh Long,
rồi bị phân phối về một TĐ/ĐPQ đóng ở Tích Thiện thuộc Quận Trà Ôn, Vĩnh Long; nhờ đóng quân một chỗ, nên tôi đã có cơ hội thả "dê" đi
khắp xóm làng. Tôi quen một cô giáo xinh đẹp (gái Trà ôn - vùng nước ngọt - thịt da trắng ngần - xinh đẹp - nổi tiếng) thế nhưng tôi không
cho cha mẹ tôi biết điều ấy ngay cả địa điểm đóng quân của đơn vị tôi. Thế nhưng không biết tại sao mẹ tôi lại biết, mẹ dẫn Ngọc vào Sài
gòn, rồi gọi báo tôi phải về vì mẹ đang đau. Tôi về, thấy có sự hiện diện của Ngọc, là tôi biết ý muốn của mẹ; tuy vậy tôi vẫn phải tỏ ra vui
vẻ, đưa Ngọc đi thăm phố xá Sài gòn. Thời gian 7 ngày nghỉ phép trôi qua, tôi trở về đơn vị, trước khi tôi ra đi mẹ gọi tôi nói nhỏ "con thấy
Ngọc ra sao? Má muốn con kết thân với nó, bỡi má thấy nó được nết được người".
Tôi tươi cười nói, "Từ từ má ơi, để con nghĩ đã," Nói xong, tôi vội khoác balô ra đi, đi cho mãi tới gần cả năm sau không thư từ liên lạc với
gia đình. Đùng một cái, tôi lại nhận một bức điện gọi tôi về, lý do mẹ đang đau nặng, lúc ấy tôi đang hành quân ở Tân Phú Đông/Đồng Tháp
Mười. Nghe tin, tôi vội xin phép ông TĐT cho phép tôi được theo chuyến máy bay tiếp tế về tiền cứ ở Cai lậy. Tại đây, tôi gặp cô giáo Trà
ôn tôi yêu. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao cô ta biết tôi ở đây mà đến gặp thì cô ta mỉm cười nói, "Anh ngạc nhiên lắm sao, ngạc nhiên là phải, bỡi
vì chính em đánh điện cho anh!"
"Vậy mẹ anh bệnh thật không, nếu thật anh phải về Sài gòn ngay," tôi hoảng hốt đáp.
Nàng nhoẻn miệng cười nói, "Từ từ rồi sẽ tính - Hãy về Trà ôn với em đi, rồi mọi việc sẽ được ổn thỏa," Tôi còn mơ hồ về sự việc, nhưng
gặp được người yêu trong lúc đó cũng đã vơi đi phần nào nỗi lo âu trong cõi lòng tôi!
***
Bước vào nhà, tôi thấy mẹ tôi đang tươi cười nói chuyện với mẹ Thủy (tên cô giáo tôi yêu). Tôi vui mừng gặp mẹ, hỏi lý do gì mẹ tôi
có mặt ở nơi đây thì mẹ tôi nói, dường như có "cái duyên" nên mẹ với gặp Thủy.
"Con tắm rửa đi rồi ra đây mẹ sẽ nói chuyện với con." mẹ bảo tôi.
Tắm xong, tôi ra ngồi bên mẹ tôi, đồng thời mẹ Thủy cũng được gọi Thủy ra ngồi cạnh bên đó.
Mẹ tôi nói, "Mẹ may mắn gặp được Thủy dẫn mẹ về đây, nếu không có, chẳng biết mẹ giờ này ở nơi đâu. Về đây nghe chị (ý nói mẹ Thủy)
nói rằng con và Thủy đã thương nhau, nên mẹ nghĩ đã đến lúc con cần có vợ, để ổn định cuộc sống, để có cháu cho mẹ ẵm bồng, để cho vui
ở tuổi già - con nghĩ sao?"
Tôi thật ngỡ ngàng, vừa vui vừa sợ lẫn lộn, bỡi chính tôi chưa có ý nghĩ gì về việc hôn nhân, tôi đang buâng khuâng, không biết trả lời như thế
nào thì mẹ Thủy xen vào, "Nếu con chưa thể quyết đinh cũng không sao, nhưng xin con hiểu một điều, là bác luôn luôn mong con ban cho gia
đình bác chút danh dự; hơn nữa, theo bác nghĩ, đây là dịp hiếm có; mấy khi mẹ cháu vào đây!"
Tôi thấy đôi mắt Thủy long lanh ngấn lệ, làm lòng tôi chùng xuống. Tôi cuối đầu hỏi Thủy, "Bác và mẹ anh muốn vậy, em tính sao?" Thủy gục
đầu im lặng hồi lâu, rồi ngẩn đầu lên nói, "Mẹ tính sao em chìu vậy, việc còn lại tùy anh!"
Thế là đám hỏi diễn ra ngày hôm sau đó, và 6 tháng sau là tiệc cưới giữa hai chúng tôi đuợc trình làng.
Mẹ tôi vui mừng vì có dâu vừa ý, nên dù xa xôi cách trở mẹ vẫn thường vào ra thăm viếng vợ chồng tôi. Niềm vui to lớn nhất đối với mẹ là khi chúng tôi có được một đứa cháu gái...
Giòng đời trôi chảy tưởng như sẽ êm đềm, không ngờ sóng gió, ngày 30/4/75, ập tới:
Tiếp theo đó, tôi vào tù, bỏ lại con thơ vợ dại, ngày đó vợ tôi mới tròn 24 tuổi. Đêm giã từ để vào tù, tôi thức trắng, viết bài thơ để lại cho vợ tôi, nhưng không ngờ đó là điềm báo "vĩnh viễn chia tay" của chúng tôi:
Giây phút nữa,
anh rời xa phố thị
chôn cuộc đời trong ngục tối thâm u !
Nói gì đây?
lời từ biệt của người tù,
tù nhưng không biết vì sao mình có tội!
Thôi em nhé,
từ đây đời hai lối
hai lối đời, chia cách chúng ta.
Nuốt lệ đi em!
Hãy cố nén những xót xa,
Đừng để phút giây này trôi theo giòng nước mắt.
Mai con có hỏi cơ nguyên anh vắng bặt,
Trả lời bằng: Chỉ lật Sử Xanh!
Tội hay công?
lịch sử sẽ luận rành
đừng nói dối những gì là sự thật!
Còn những ai…bạn, quen, thân tộc
Trả lời rằng anh chắc có ngày về!
Anh sẽ về…trong cùng tận những ước mơ,
Tuy ngày ấy…
không vòng hoa hay lá cờ trang điểm!
Và ngày ấy…
có thể trời giăng giăng mây tím,
giọt nắng buồn le lói đọng cành cây!
Anh sẽ về…
Hoặc trên bờ má hây hây,
Hoặc trên mái tóc với vành khăn che phủ!
Nhưng anh sẽ về…
Để đời em thôi ủ rũ,
Để chấm dứt những đợi chờ, mong ngóng
năm tháng dài,tàn phá tuổi xuân em!
Anh sẽ về,
Để em thôi thao thức thâu đêm,
Thôi trống vắng, cô đơn đời thiếu phụ!
Anh sẽ về…và chắc anh sẽ về….!!!
Đêm đó vợ tôi khóc thật nhiều, nước mắt tuông rơi lả chả nên đã cuốn mất thời kỷ niệm với nhau; vì thế vợ tôi đã rẽ bước sang ngang, sau 4
năm buôn tần bán tảo, trao gánh nặng chăm sóc tôi lại cho mẹ tôi.
Ngày đầu tiên mẹ gặp tôi ở trại tù Vườn Đào/Cai lậy, mẹ đã khuyên tôi đừng trách hờn gì Thủy. Tấm lòng mẹ tôi thật là bao dung độ lượng.
Mẹ nói chuyện đời người như cơn nước ròng nước lớn - Mẹ khuyên tôi hãy noi gương ông "Job" trong Thánh kinh - Việc thắng thua chẳng
có ý nghĩa gì. Điều đáng nhớ lời Thánh kinh đã nói là không có việc gi tệ hại, xấu xa dưới mắt của Người. Nhờ có được những lời khuyên
của mẹ, nên tôi đã vượt những khổ ải trong tù, có được ngày về cùng mẹ.
Ngày tôi về chẳng có gì, ngoài đôi bàn tay trắng, mẹ lại tần tảo làm việc nuôi tôi. Rồi mẹ kiếm cho tôi một người vợ, người vợ hôm nay là
món quà của Chúa, mà Chúa đã ban cho tôi qua bàn tay Thiên thần, mà Thiên thần đó chính là mẹ tôi.
Để nhớ mẹ, xin ghi vài lời tôi nghĩ về mẹ, để trang trãi cõi lòng cùng với anh em.
Mẹ thường nói "Sinh ly, Tử biệt!"
Đó là nghĩa thường tình của khiếp Nhân sinh!
Mẹ khuyên con theo lý tưởng của mình,
Đừng bịn rịn bỡi mẹ già tóc bạc!
Ngày con đi,
Mẹ gượng cười không khóc
Mẹ gục đầu, để dấu kín tâm tư!
ngoảnh mặt đi, khi con cất tiếng tạ từ
Con hiểu rõ, Mẹ cố ngăn dòng lệ nhỏ!
Con nhớ lắm những ngày xa xưa đó
Mẹ lưng gùi (1) lẻo đẻo đến thăm con
Nơi chiến trường xa
góc bể hay chân non
Những năm tháng tù đày,
nơi rừng sâu núi thẳm..!
Mẹ thương con Mẹ chắt chiu từng chút
Chút muối mè,
nắm cơm vắt Mẹ mang.
Ngày ra tù cuộc sống con lầm than
Mẹ tần tảo giúp con nuôi ý chí!
Hôm nay đây, đã qua thời vận bĩ
Con có miếng cơm, manh áo tạm lành
Mẹ không hề nhắc đến chuyện ngày qua
hay đòi hỏi những gì cho Mẹ!
Mẹ khuyên con, gắng lo cho đàn trẻ
Mẹ nhắc con noi lối sống của “Ba (2)”
Khiến lòng con cảm xúc, xót xa
Con chợt hiểu
Mẹ “Tấm lòng biển cả!”