Đã hơn 40 năm rồi một thời chinh chiến qua đi, biết bao nhiêu biến đổi của cuộc đời trôi theo cùng năm tháng nhưng những dấu hằn nghiệt ngã từ cuối tháng ba đau thương ấy vẫn cứ in sâu trong tiềm thức.
Đêm 23 tháng 3 năm 1975, khi đại đội 2 Tiểu đoàn 130 ĐPQ/TK Thừa Thiên dưới quyền điều động chỉ huy của tôi được trải dài dọc theo tuyến vùng Thanh Tân, Sơn Quả, Ô Hồ thuộc Xã Phong An Huyện Phong Điền Tỉnh Thừa Thiên, đây là vùng đồng bằng cận sơn đất đai màu mỡ nhưng bị bỏ hoang từ khi chiến tranh leo thang sau Tết Mậu Thân 1968. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn nói chung và của đại đội nói riêng sau Hiệp Định Paris 27 tháng 1 năm 1973 là đóng chốt giành dân giữ đất. Chốt vc gần nhất cách khoảng 30m qua một bụi tre và con suối cạn nơi xa nhất Ban CH/ĐĐ cách 150m. Tình hình chiến sự mấy ngày này thật sôi động, tâm tư của người lính cũng có chút bất an, nghe tin Quân Đoàn 2 di tản, phòng tuyến Quảng Trị bị vỡ, các đơn vị trên tuyến đầu Quảng Trị đang rục rịch di tản về Huế, nhưng với tinh thần trách nhiệm tôi nào dám rời bỏ nhiệm vụ của mình.
Khoảng 9 giờ tối nhận được lệnh từ Tiểu Đoàn cho con cái di chuyển lên đồi (gần nơi đóng quân của BCH/TĐ hơn), 11 giờ đêm con cái đã bỏ chốt tập trung lên đồi. Từ giờ phút nầy không còn liên lạc được với Tiểu đoàn, linh tính mách bảo đơn vị tôi đã bị bỏ rơi, rạng sáng ngày 24 tháng 3 vẫn không liên lạc được với BCH/TĐ, cũng không liên lạc được với các đơn vị cùng đóng chung phòng tuyến, không biết họ đã đi đâu tự bao giờ. Chiến trường yên ắng, không biết bây giờ nên cho quân đi đâu và làm gì, theo phản ứng tự nhiên phải rời xa phòng tuyến càng sớm càng tốt, vì trước mắt mình bên kia phòng tuyến địch, tiếng hô tập thể dục buổi sáng 1234, 2234 ,3234… vẫn còn vang vọng và khói bếp nấu ăn buổi sáng của địch còn lan tỏa trong không gian. Đoàn xe Molotova vận chuyển súng đạn vũ khí nhìn rất rỏ đang chạy bụi bay mù trời bên kia tuyến dọc đường mòn đất đỏ cận Trường Sơn. Nổi chết không rời, cái chết luôn luôn rình rập bên mình chỉ vì một sơ ý khi giẫm phải mìn bẩy mà ban đêm bọn chúng rình rập gài theo các lối mòn giữa cánh đồng tranh nơi đang đóng chốt dọc tuyến phòng thủ, hay chúng có thể dùng CKC để bắn sẻ khá chính xác.
Tôi tập họp các Trung đội trưởng cho lệnh di chuyển về Huế mang theo toàn bộ vũ khí đạn dược, bây giờ là lúc mình phải tự cứu lấy mình chứ không còn ai giúp mình cả. Ra đến quốc lộ 1 khoảng cây số 23 (cách Huế 23 cây số) gặp đoàn xe TQLC chận chúng tôi lại bảo chúng tôi phải nằm lại để giữ an ninh lộ trình. Chúng tôi vẫn nhận tần số liên lạc và ám danh đàm thoại nhưng với tình hình này như rắn mất đầu, cấp chỉ huy trực tiếp của tôi không còn, tôi vẫn phải tự lo liệu cho mình nên cho con cái di chuyển về hướng nam cầu An Lỗ sau đó tách ra đi về hướng vùng quê nhắm thẳng Bao Vinh - Huế.
Khoảng 5 giờ chiều đến Huế sau một ngày lội bộ đã thấm mệt. Tôi vào BCH/TK Thừa Thiên không còn ai, ngang qua Bộ TL/QĐ1/Tiền Phương vắng hoe, về nhà Thiếu tá TĐT không gặp, trở lại ĐĐ đang ở Bao Vinh. Tâm tư rối bời đi hay ở: Nếu đi thì đi đâu không có phương tiện nếu ở lại đây thì đồng nghĩa đầu hàng địch, tôi thương những người lính, những người lính chân chất thực thà, khi chọn làm lính họ chỉ biết tuân lệnh và thi hành, lẻ nào giờ đây tôi bỏ rơi họ. Tôi không biết lựa chọn nào là tốt nhất, tôi tập họp anh em, phân tích tình hình, nói lời từ giã trong nỗi ngậm ngùi, cay đắng và cho lệnh tan hàng ai muốn về với gia đình thì về, ai muốn vào Đà nẳng thì chỉ còn con đường về biển Thuận An bằng phương tiện tự túc rồi đi tàu chứ đường bộ QL1 bị VC chận ở đèo Phước Tượng cách Huế khoảng 50 km và cùng hẹn gặp nhau tại Đà Nẳng.
Tôi có người bạn Th/úy Thọ SQ/Truyền tin đến đón tôi cùng lên xe Honda trực chỉ cửa biển Thuận An, giữa đường xe bị xẹp bánh nhưng vẫn cố lết đến Thuận An 12 giờ đêm trên đoạn đường 22km. Một cảnh tượng vô cùng náo loạn bên này bờ Phá Tam Giang người đông như kiến, một rừng xe đủ loại ngổn ngang, tiếng súng nổ liên hồi mạnh ai nấy bắn chỉ thiên, tranh nhau qua phà.
Sáng ngày 25/3 một đoàn quân đông đảo thuộc các quân binh chủng (TQLC, Thiết Giáp, BĐQ, Pháo Binh, SĐ1BB, ĐPQ, NQ, Cảnh Sát…) đang có mặt ở cửa biển Thuận An. Lữ đoàn 147 TQLC là đơn vị còn cấp chỉ huy nghe nói có máy bay sẽ bốc đi nên tôi theo đơn vị này. Đến 3 giờ chiều không thấy hy vọng gì về việc máy bay sẽ bốc đi, trong khi đó ở ngoài khơi cách bờ biển khoảng 2 km có 3 chiếc tàu đang neo đậu nhưng trong bờ không có phương tiện để đi ra. Tôi cùng hiệu thính viên Hạ sĩ Thạnh người Quảng Nam và Thượng sĩ thường vụ Vọng cùng vào làng gọi dân làng đem ghe chở chúng tôi ra tàu với số tiền công hậu hỉnh (mổi ghe chỉ chở tối đa được 3 người) đây là một sáng kiến của cá nhân tôi mà giúp được một số người lên được tàu vào Đà nẳng, số đông không đi được phải ở lại, một số khác không may bị ghe chìm không bơi được vào bờ hay lên tàu vì hôm đó biển động sóng rất lớn.
Tối 25/3 VC pháo kích vào biển Thuận An, chuyện gì đã xảy ra cho các đồng đội của chúng ta? trên bải biển trống lốc không một nơi để trú ẩn, một đoàn quân đông đảo, đủ mọi thành phần quân binh chủng, một đoàn quân không còn lối thoát, chỉ làm bia đỡ đạn cho địch. Tôi may mắn rời khỏi Thuận an chỉ sau mấy tiếng đồng hồ.
Sáng 26/3 tôi vào ĐN gặp lại gia đình và tình hình ĐN vẫn không yên nghe đâu VC từ đèo Hải Vân đã đến vùng Hòa Khánh. Chiều 27/3 cùng gia đình gồm ba mẹ và mấy đứa em lại ra biển Sơn Trà lên tàu Hải quân để xuôi Nam. Tàu vừa ra khỏi Sơn Trà bị VC pháo kích suốt đêm vào căn cứ. Sáng 28/3 tàu vẫn còn trong khu vực biển ĐN sau đó từ tàu nhỏ chuyển qua tàu 801 của HQVN trực chỉ Cam ranh - một chuyến tàu đông nghẹt quân và dân.
Đêm 29/3 gia đình tôi xuống Cam Ranh vì có người bà con đang ở vùng đất mới khai hoang lập ấp nơi đây sau Mùa Hè đỏ lửa 1972 của người dân Quảng trị. Sau đó tàu 801 đi Phú quốc. Ngày 31/3 lại một lần nữa khăn gói lên đường vì nghe đâu VC đã đến Nha trang. Gia đình tôi gồm 6 người không thể nào tìm được phương tiện để lên xe cùng một lúc nên tôi đành đoạn phải bỏ lại gia đình ba mẹ cùng mấy đứa em để leo lên chiếc xe be chở gỗ đi về hướng Tháp chàm. Đang trong cơn tuyệt vọng không hiểu vì sao chiếc xe be không đi về hướng Phan thiết mà lại đi ngược lên Tháp Chàm để lên Đà lạt, nhảy xuống xe cũng không được mà vẫn theo xe lên Đà lạt cũng không xong. May mắn thay vừa đến Tháp Chàm tôi thấy đoàn xe của trường Đại Học CTCT/ĐL đang ngừng ở đây, mừng quá nhảy xuống định leo lên xe GMC thì bị mấy SVSQ/CTCT dí súng không cho lên. Nghe tiếng ồn ào, ngay lúc ấy có một SVSQ/CTCT từ trong xe ngoi đầu lên nhận ra tôi là đồng hương đó là Cao Hửu Dũng K5, khi đó mấy anh em sinh viên mới cho tôi lên xe cùng Trường ĐH/CTCT/ĐL đi về hướng Lương Sơn Tây thuộc Phan rang, xe không vào được Thị xã Phan Thiết vì nghe tin Trường Võ Bị đang mắc kẹt trong thị xã vì tình hình an ninh.
Chúng tôi cùng Trường ĐH/CTCT ở lại quanh nhà thờ Lương Sơn Tây một đêm sáng hôm sau tôi cùng trại gia binh của Trường đi trước ngược lại Phan Rí Cửa thuê ghe biển về Long Hải. Ngày 2/4 tôi đã về đến Tam Hiệp Biên hòa ở cùng gia đình đứa em trai đang làm việc tại Trung Tâm bán lẻ QTV thuộc sở 3 QTV Biên Hòa. Sau đó không lâu Trường ĐH/CTCT cũng về đóng ở Tiểu đoàn 30 CTCT Tam Hiệp Biên Hòa. Cơ duyên tôi gặp lại Trường ĐH/CTCT/DL trên đoạn đường ở Tháp Chàm là một may mắn hiếm hoi trong cuộc đời. Tôi như đứa con xa nhà lâu lắm trở lại mái nhà xưa trong vòng tay ấm áp của Mẹ hiền hay như kẻ chết đuối giữa biển khơi nhận được cái phao cứu tử. Mấy ai trong chúng ta những đứa con của Trường mẹ có được cái may mắn trong đời như cá nhân tôi. Tôi trân quý và thầm cám ơn Trường mẹ - ĐH/CTCT/ĐL.
Sau một đoạn đường vất vả gian nan nhưng đầy may mắn bỏ lại đàng sau đơn vị, anh em, bạn bè đồng đội, biết bao nhiêu chiến sĩ đã nằm xuống trên bãi biển Thuận An vì bị địch pháo kích vì sự đụng độ không cân sức thiếu người chỉ huy của quân ta, sau đó họ bị bắt, bị làm tù binh và bị lưu đày mút mùa trong các trại tù của CS. Gần một tháng về lại Sài gòn – lại một tháng tư nghiệt ngã đau thương - ngày nào cũng về trình diện tại Tiểu đoàn 50 CTCT trên đường Phan Đình Phùng và ngày 27 tháng 4 là kỳ lảnh lương cuối cùng của đời binh nghiệp cho đến sáng ngày 30 tháng 4 nghe DVM tuyên bố đầu hàng. Hết rồi một thời oanh liệt, hết rồi một thời dâng hiến đời trai cho Tổ quốc trong nhiệm vụ Bảo Quốc An Dân. Chấp nhận đau thương khi nợ núi sông chưa tròn. Làm sao quên được những ngày tháng ấy.