NẠN ĐÓI NĂM ẤT DẬU
(tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945)
“Một cơn gió bụi vừa tan
Hai triệu sinh linh đã mất
Khí oan tối cả mây trời
Thây lạnh phơi đầy cỏ đất…”.
Văn tế của G/S Vũ Khiêu
tại Ngôi mộ tập thể nạn nhân vụ đói năm Ất Dậu 1945
địa chỉ: 559/86/17 phường Vĩnh Tuy, Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Nạn đói Ất Dậu xảy ra
Hai triệu người chết quả là khiếp kinh (1)
Nông thôn cho đến thị thành
Từng đoàn ma đói thân hình trơ xương.
Xác chết thối rữa bên đường
Kẻ còn hấp hối...vô phương đoái hoài
Xe kéo đi nhặt xác người
Dù còn ngắc ngoải cũng thời chôn luôn
Có nơi thịt cả trẻ con
Sau khi bươi móc chẳng còn chút chi
Lá, cây, chuột,bọ...đã thì
Cái gì ăn được chẳng gì mà tha
Đói thì thành quỷ thành ma
Bù loong ăn được chắc là nguyên cân!(2)
Miền Bắc hơn sáu triệu dân
Hai triệu người chết tức gần phần ba.
Đau lòng nhiều cảnh diễn ra
Có nơi chết trọn cả nhà không chôn
Có người gục xuống chết luôn
Lúc chờ để lãnh cháo cơm phần mình!
Có người ngã chết thình lình
Bao tử bị “bể” sự tình vì no!
Có người chết miệng đầy tro,
Đất,rơm, cỏ, lá...Ô hô kiếp người!
Chết nhiều đến nỗi sình hôi
Những bệnh truyền nhiễm đồng thời lây lan
Càng làm người chết thêm tăng
Chôn cất không xuể dù rằng dập chung.
Ban đầu nhiều kẻ xung phong
Về sau ốm đói cuối cùng cũng...đi!
Bộ trưởng Tiếp Tế Ông Thi (Nguyễn Hữu Thi)
Lo việc cứu đói cũng thì hy sinh (bị máy bay bắn)
Khả năng hạn chế của mình
Đương thời chính phủ thật tình lo toan (Trần Trọng Kim)
Tàu thuyền chở gạo trong Nam
Ra Bắc cứu trợ ...bất kham bởi vì
Cửa biển, đường sá trong khi
Máy bay Mỹ bắn, phải đi đường vòng
Tổ chức nhóm nhỏ, gánh gồng,
Thồ, vì đường biển đường sông bất thành.
Đích thân Bộ trưởng Phan Anh (Bộ trưởng Bộ Thanh niên)
“Thanh niên Khất thực” vội thành lập ra
Sinh viên, lớp trẻ tham gia
Xin cơm cứu trợ để mà giúp thêm
Những Hội Cứu tế lập nên
Lạc quyên lương thực thuốc men cọng vào.
Việt Minh đục nước béo cò
Cướp gạo đem trữ chiến khu để dành
Chuyến nào không lọt tay mình
Thì lại mật báo Đồng minh... thế là
Những vụ bắn phá xảy ra
Vì Nhật đang đóng nước ta bấy giờ!
Nguyên nhân thứ nhất là do
Quân phiệt Nhật Bản mưu đồ xâm lăng
Hàng đầu điều chúng quan tâm
Tích trữ lương thực nuôi quân tối cần.(3)
Lại còn ra lệnh nông dân
Giảm đất trồng lúa, tăng phần trồng đay
Những cây công nghệ loại này
Mục đích phục vụ lâu dài chiến tranh.
Những kho lúa Nhật để dành
Có thể nuôi triệu dân lành mấy năm!
Nước Pháp đang gặp khó khăn
Bị Đức chiếm đóng, Pétain đầu hàng (Thống chế, Thủ tướng nước Pháp)
Decoux cô thế khó toan (Toàn quyền Pháp tại Đông Dương)
Chưa biết bị Nhật bẻ càng khi mô
Lại lo dân chúng thừa cơ
Nổi lên “ làm loạn” bấy giờ khó ngăn
Phải cho chúng đói nhăn răng
Chỉ lo quanh quẩn miếng ăn hằng ngày
Không còn nhấc nổi chân tay
Thì sức chống đối chúng mày tiêu ma.
Hiệp ước Pháp-Nhật đưa ra
Hàng hóa Pháp nộp chính là lúa, ngô
Nên chúng tận sức thu mua
Để nộp cho Nhật lại vừa phòng xa
Trăm điều đổ xuống dân ta
Lương thực mất một triệu ba (tấn) ít gì! (4)
Thứ ba thủ phạm hiểm nguy
Gây ra nạn đói đích thì Việt Minh.
Nhiều người chắc sẽ không tin
Nhưng mà ly cớ chứng minh rõ ràng:
Hồ vừa về đến Cao Bằng (Hồ Chí Minh, đầu năm 1941)
Hội nghị Cộng đảng vội vàng họp ngay
Trường Chinh được chọn lên thay (tháng 5-1941)
Tổng bí thư đảng lo ngay hai điều
Việt Minh chính thức tên kêu (Việt Nam Độc lập Đồng Minh Hội)
Hai là lập chiến khu theo từng vùng
Lập khu tự trị với cùng
Tổ chức du kích để dùng về sau.
Tích cực vận động hô hào
Nông dân chống thuế, cọng vào chống sưu
Chống lúa gạo bị thu mua
Chống giảm trồng lúa, đất thừa trồng đay...
Vậy là chính thức từ nay
Việt Minh độc chiếm vũ đài Việt Nam.
Vụ đói Ất Dậu bốn lăm (1945)
Là cơ hội tốt Việt Minh tuyên truyền
Đã kích bôi nhọ chính quyền (Trần Trọng Kim)
Xúi dân lăng nhục nhân viên thi hành
Để việc cứu tế bất thành
Dân chúng vốn đói nhiệt tình nghe theo
Gây nên lắm cảnh trớ trêu
Miếng ăn tới miệng lại kêu ầm trời!
Nhờ tin tình báo kịp thời
Phe Trục thất trận khắp nơi đã kề
Đức-Ý đã rút quân về
Đồng Minh tiến đánh ba bề bũa vây
Đó là mặt trận phía Tây
Hiler chỉ đợi cái ngày bại vong. (8-5-1945)
Riêng Nhật mặt trận phía Đông
Tình hình bi đát cũng không hơn gì
Trên không trên biển đã thì
Hoàn toàn không lực Hoa kỳ đảm đương
Làm chủ vận mệnh chiến trường
Bộ binh Mỹ cũng trên đường tiến binh
Liên sô tuyên chiến thình lình
Bom nguyên tử thả, Đông Kinh bàng hoàng (ngày 6 và 9-8-1945)
Nhật phải tuyên bố đầu hàng (2-9-1945)
Chấm dứt thế chiến kinh hoàng từ đây.
Việt Minh lợi dụng dịp nầy
Xúi giục dân chúng phá ngay kho tàng
Đang đói có kẻ chỉ đàng
Kiếm ăn một cách dễ dàng nên theo
Thế là kẻ gánh người đeo
Kẻ bao người bị gặp nhau “chiến trường”
Quang cảnh hổn loạn mà thương
Thản nhiên lính Nhật ra đường đứng coi.
Dân nghèo thì được mấy hơi
Bao nhiêu còn lại chú thời khiêng đi
Chú đem lên chiến khu vì
Để mà nuôi cán với thì chỉnh quân!
Chính quyền khi cướp đã xong
Cụ Hồ khuyên khích gieo trồng đầu tiên
Các cấp phải thực hiện liền
Giặc đói, giặc dốt thường xuyên phải trừ
Vì chúng nguy hiểm cũng như
Âm mưu xâm lược kẻ thù xấu xa !
Quả là người biết lo ra
Nên quỹ cứu đói cũng là tịch thâu
Cướp ngay tài sản mặc dầu
Những ai “lọt sổ” hồn đâu mà hoàn?
Vậy là lịch sử sang trang
Vậy là vận nước trên đàng đổi thay.
Vụ đói Ất Dậu đến nay (1945-2013)
68 năm, bấy tháng ngày trôi qua
Ai còn sống sót tính ra
Tuổi gần bảy chục hoặc là đã trên
Giờ đây kẻ nhớ người quên
Cố gắng thu thập ghi nên chuyện nầy.
Một điều xin nói lên đây
Những thủ phạm chính đến nay chưa hề
Dù lời xin lỗi vụng về
Tạ hồn người chết não nề năm xưa!
Nhật dù thất trận vẫn chưa
Quên tội kẻ tử thù xưa quả là!
Nhưng họ lại nợ dân ta
Vụ đói Ất Dậu quá là lớn lao
Hai triệu người chết là bao ?
So vụ nguyên tử gấp cao mười lần! (214.000 người)
Nạn nhân nguyên tử tất cần
Xây đài tưởng niệm nhắc dân nhớ đời
Tổ quốc bi tráng một thời
Trách nhiệm thúc đẩy mọi người tiến lên!
Không lẽ chính họ lại quên
Bao nhiêu tội ác gây trên xứ người?
Đại Hàn, Trung quốc hai nơi
Nhật đã chính thức trả lời lương tâm
Còn về trường hợp Việt Nam
Đến nay sao vẫn ngậm tăm thế này!?
Thực dân Pháp đã phủi tay
Bao nhiêu tội ác xứ này gây ra
Cho là món nợ đã qua
80 năm suối lệ với là núi xương
Gây bao tang tóc đau thương
Thêm vụ Ất Dậu chưa phương giải trừ!
Việt Cộng cho tới bây giờ (Cọng sản Việt Nam)
Vẫn còn lấp liếm hai bờ giả-chân
Vẫn trò lừa gạt người dân
Vẫn dùng thủ đoạn bất nhân xưa rày
Vụ đói Ất Dậu đến nay
Mới nửa sự thật phơi bày mà thôi
Còn nửa sự thật tới hồi
Đảng Cọng Sản phải trả lời quốc dân
Chớ chờ khi nước tới chân!!!
*
Lòng thành một nén hương dâng
Và lời cầu nguyện nạn nhân thuở nào
Hương Linh dù ở nơi nao
Ấy Đài Tử Sĩ ngạt ngào hương hoa./.
NT2 Nguyễn Hữu Tư 21-4-2013
o 0 o
CHÚ THÍCH:
1- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình ghi: năm 1945 cả tỉnh có 280.000 người chết đói, chiếm 25% tổng dân số. Nhiều địa phương chết tới trên 50% dân số như xã Tây Lương: 67%;
Sơn Thọ, Thụy Anh (Thái Thụy): 79%; xã Thanh Nê (Kiến Xương) có 4.164 người thì chết gần 2.000 người; xã Tây Ninh (Tiền Hải) có 171 gia đình chết không còn một ai
Cuốn Lịch sử tỉnh Hà Nam Ninh xuất bản năm 1988 ghi:Phủ Nghĩa Hưng, Nam Định mỗi ngày chết 400 người. Huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cả vụ đói có 22.908 người chết. Trong
6.161 hộ thì có 1.571 hộ chết không còn người nào. Nam Định chết 212.218 người; Ninh Bình: 37.939 người, Hà Nam: 50.398 người.
Theo giáo sư sử học Văn Tạo - nguyên viện trưởng Viện Sử học: nạn đói năm 1945 đã diễn ra ở 32 tỉnh thành cũ từ Quảng Trị trở ra.
Từ năm 1990-1995 Viện Sử học với hàng trăm cán bộ nhân viên, có sự giúp đỡ của hàng trăm cộng tác viên của các tỉnh, thành cùng sự trợ giúp của nhiều giáo sư, tiến sĩ Nhật
Bản đã tiến hành ba đợt điều tra nghiêm túc, tỉ mỉ và rất khoa học tại 23 điểm đại diện cho các tính chất dân cư khác nhau về nạn đói này.
Kết quả trung bình cộng cho thấy tỉ lệ người chết đói tại các địa phương là 15%. Dân số VN năm 1945 tại 32 tỉnh thành lúc đó là trên 13 triệu người. Con số 2 triệu người chết một
lần nữa được khẳng định.
2- Nhái lại lời nói... lúc ở tù VC.:''Tù nhân quá đói nên ăn bất cứ con gì bắt được, chỉ trừ con bù loong”.
cân : ki-lô-gram (kg)
3.- Trong tập tài liệu "Chiến tranh châu Á trong tiềm thức của chúng ta", ông Yoshizawa Minami một người Nhật Bản đã viết:
"...Tình hình khu vực Việt Nam thật đặc biệt do sự có mặt thường xuyên của 80 ngàn quân ta và 200 ngàn lực lượng hậu cần đã khiến tình trạng kinh tế ở đây hỗn loạn đến cực
độ...
"...Đông Dương có vị trí then chốt đối với Nhật Bản về lương thực. Ngoài lượng gạo nhập khẩu vào Nhật, quân đội Nhật còn rất cần một trữ lượng gạo lớn lao để tiếp tế cho các
mặt trận đang lan rộng khắp Á Châu và khu vực Thái Bình Dương. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp gây nạn chết đói cho hai triệu người Việt năm 1945..."
4.- Cụ thể, bắt đầu từ ngày 6-5-1941 Nhật buộc Pháp ký một hiệp ước kinh tế yêu cầu Pháp phải cung cấp lương thực ở Đông Dương cho Nhật hằng năm. Bốn năm liền từ
1941-1944 Nhật - Pháp đã ký bốn hiệp định giao nộp lúa, ngô cho Nhật mỗi năm từ 700.000 - 1,3 triệu tấn, tương đương 50-80% tổng sản lượng lương thực VN thời đó.
Theo Trần Gia Phụng.