Câu chuyện ghi lại giai đoạn từ 30/4/75 đến thời điểm có chương trình HO.
Một cảnh đời bi thảm sau cuộc chiến. Người đàn ông bị tập trung cải tạo, đói khát, bệnh tật, lao động
khổ sai, không ngày về. Người đàn bà ở nhà với đàn con dại, bị phân biệt đối xử, phải lao vào đời để
kiếm miếng ăn. Những phản trắc, lọc lừa, ngoại tình, xác thịt, được viết một cách trung thực với đầy
đủ vóc dáng và nhân diện của từng nhân vật. Trong truyện còn ghi lại một thời buổi nhiễu nhương của
đất nước trước và sau 30/4/75, các tướng công sứ quân cát cư từng vùng. Tôn giáo, Đảng phái, Sinh Viên
học sinh tranh đấu rồi Hộ khẩu, lý lịch, tham ô, hủ hóa.
* * *
Chương Sáu
Chung cư là một khu building lớn, năm tầng lầu, mỗi tầng được xây nhiều phòng để cho thuê.
Ông Mậu, dân biểu đơn vị tỉnh Q...Bà Bách Diệp, là vợ ông. Sau hai nhiệm kỳ, ông bà phất lên trông
thấy. Một căn nhà ở đường Lý Thường Kiệt. Cái building này và một căn biệt thự phía trong. Căn biệt
thự chiếm một khu đất rộng, chung quanh có tường cao được gắn miểng chai phía trên, chơm chởm để đề
phòng kẻ gian đột nhập. Bên ngoài là cánh cổng sắt to đùng luôn luôn được khóa chặt, ai muốn vào phải
bấm chuông. Bên phải có một khung chữ mạ vàng được gắn lên bức tường: Biệt thự Bách Diệp. Ai nhìn vào
cũng cứ nghĩ như là một dinh cơ của quan phủ, quan tuần ngày còn chế độ phong kiến.
Ông Mậu hoạt động trong một đảng phái chống cộng. Hồi kháng chiến mười năm, ông bị cộng sản bắt giam ở
nhà lao Tiên Hội một thời gian. Sau đó ông được thả ra đến ngày quốc gia tiếp thu, ông hoạt động trở
lại. Cuộc đời tham gia hoạt động chính trị của ông cũng trầy trật bầm dập trăm bề. Hết tù cộng sản đến
tù chính quyền Ngô Đình Diệm. Với khát vọng của tuổi trẻ lên đường, ông rất lý tưởng. Nhưng khi ông
ngồi vào được chiếc ghế dân biểu, ông lại bị bà vợ lái ông để làm giàu. Cái ngày ông đứng trước sân
vận động tỉnh lỵ hứa với nhân dân những điều ông sẽ thực hiện, như công bằng xã hội, đạp đổ áp bức,
bất công, đem ruộng về với dân cày, xây cầu đường, đắp đê điều cho nước tưới khắp đồng xanh. Ông cũng
đã quên dần với thời gian những lời hứa đó.
Bà nhờ uy danh ông mà áp phe thành công nhiều chuyện như trúng thầu giặt áo quần lính Mỹ ở khu căn cứ
Long Bình. Hàng ngày bà dùng hai chiếc xe vận tải chở quần áo lính Mỹ dơ đem về thuê công nhân giặt
với giá rẻ mạt. Cứ thế bà tiếp tục phất lên. Một cái nhà rồi hai cái. Rồi khu building này.
Con đường Nguyễn Văn Thoại, đoạn đường từ trường Nữ Quân Nhân đến Ngã Tư Bảy Hiền là một nơi ăn chơi
của quân đội Mỹ. Hàng dãy snack bar mọc lên như nấm. Người ta vẫn ví von, ở đâu có lính Mỹ là ở đó có
đĩ. Lính Mỹ đóng ở phi trường Tân Sơn Nhất, ở căn cứ Long Bình, đêm đêm kéo về đây uống rượu và chơi
gái. Những cô gái mới lớn lên ngữi thấy mùi đô la thơm quá cũng nhảy vô vòng chiến, làm thân gái bán
bar, đem thân cho lính Mỹ nhào nắn, bốc hốt và cuối cùng là nó kéo lên giường. Bà Bách Diệp có đôi mắt
tinh đời và cái lỗ mủi đánh hơi rất nhạy, nên bà cho xây căn chung cư này với mục đích là cho Mỹ thuê.
Chung cư có năm tầng lầu được xây thành từng căn phòng nhỏ, được trang trí đầy đủ tiện nghi như một
căn phòng khách sạn. Có chiếc giường ngủ đôi, phòng tắm, lavabô, kiếng soi mặt, bàn cầu vệ sinh.
Những anh chàng GI viễn chinh sau khi đã ăn nhậu no say với em út dưới quán bar, đến lúc cần giải
quyết sinh lý thì tìm lên đây. Ở đây cho thuê từng giờ, từng đêm hay một tuần, một tháng. Tùy theo
thời gian mà giá cả lên xuống thêm bớt chút đỉnh. Quân đội viễn chinh nào cũng mang bản mặt riêng của
nó, lính Mỹ xa nhà nên nhu cầu sinh lý rất cần thiết. Số gái làm điếm và lấy Mỹ càng ngày càng đông
nên khu chung cư này là bãi đáp lý tưởng cho họ. Và như thế là dãy building cho thuê của bà Bách Diệp
đắt như tôm tươi.
Sau khi ký hiệp định ngưng bắn Paris và quân Mỹ từ từ rút ra khỏi Việt Nam, khu chung cư không còn
khách nữa. Năm tầng lầu cao ngất ngưỡng vắng khách như chùa bà đanh. Bà Bách Diệp dùng căn nhà trệt
làm phòng cho thuê, như một thứ phòng trọ, phòng ngủ. Nhưng cũng không ăn khách gì mấy. Còn các tầng
trên thì bỏ trống.
Cuộc di tản đã đẩy một số dân chúng từ miền Trung chạy vào Sài Gòn lánh nạn. Họ tấp vào đây, khu chung
cư này. Vì nghĩ rằng, họ là những người dân của ông, là cử tri của ông, là đồng chí của ông, nên trong
lúc thất cơ lỡ vận, họ xin ông cho tạm trú trong những căn phòng bỏ hoang đó một thời gian, để xem
tình hình như thế nào. Nhưng bà thì không nghĩ thế. Thà là bỏ hoang những căn phòng trên, bà còn yên
tâm hơn là cho họ ở. Họ sẽ chiếm nhà bà như chơi. Nên bằng mọi cách bà phải đuổi họ đi. Nếu còn chế độ
cũ bà sẽ phone cho cảnh sát trưởng quận, là lập tức có xe cảnh sát tới hốt ngay, quăng đồ đạc của họ
ra đường là xong. Nay chế độ mới về chưa đầy hai tháng, bà có chút e dè, vì chế độ mới là đối địch với
hoạt động chính trị của ông. Nhưng bà nghĩ lại, chế độ nào cũng vậy thôi, đồng tiền đi trước là đồng
tiền khôn, nên bà dùng phương pháp cũ, dùng tiền bạc để mua những người cách mạng, nghĩa là ai có mang
súng, bận áo quần bộ đội, mang băng đỏ, là bà mua. Bà chỉ cần làm sao tống cổ dân cư ngụ trên building
của bà ra đường là được rồi.
Và sáng nay, bà vợ của ông dân biểu đã kéo được những anh chàng “cách mạng ba mươi” đó đến building,
gõ cửa từng phòng, thẳng thừng bắt họ dọn ra khỏi nhà trong vài ngày. Nếu ai không ra khỏi nhà bà, bà
sẽ nhờ “cách mạng” cho đi cải tạo cả nút.