Câu chuyện ghi lại giai đoạn từ 30/4/75 đến thời điểm có chương trình HO.
Một cảnh đời bi thảm sau cuộc chiến. Người đàn ông bị tập trung cải tạo, đói khát, bệnh tật, lao động khổ sai, không ngày về. Người đàn bà ở nhà với đàn con dại, bị phân biệt đối xử, phải lao vào đời để kiếm miếng ăn. Những phản trắc, lọc lừa, ngoại tình, xác thịt, được viết một cách trung thực với đầy đủ vóc dáng và nhân diện của từng nhân vật. Trong truyện còn ghi lại một thời buổi nhiễu nhương của đất nước trước và sau 30/4/75, các tướng công sứ quân cát cư từng vùng. Tôn giáo, Đảng phái, Sinh Viên học sinh tranh đấu rồi Hộ khẩu, lý lịch, tham ô, hủ hóa.
* * *
Chương Bốn Mươi Lăm
Soại chở Phượng đi trên đường Lê Quang Định, con đường chạy xuống Bà Chiểu. Mặt trời nắng chói chan. Anh gò lưng đạp. Phượng ngồi đàng sau ôm eo ếch anh. Soại bắt đầu thở phì phò vì đường đá lổn nhổn, đạp xe phải luồn lách tránh né.
Hai người rủ nhau đi ciné ở rạp Cao Đồng Hưng. Hôm nay rạp đang chiếu một phim Hồng Kông đã cũ, nhưng khá hay và có ý nghĩa cho những cặp tình nhân. Phim “Vàng có giá nhưng tình yêu vô giá” do Chân Trân và Đặng Quang Vinh đóng vai chính.
Hai người cố tìm lại cho mình một chút không khí của ngày xưa. Đó là tuổi học trò thơ mộng. Hai người đã bước qua cái thời đó, bước qua bằng đoạn đường truân chuyên khổ ải, nay quay nhìn lại, thấy mình sao cằn cổi quá, già nua quá, nên họ cố vớt vát, tìm chút tình yêu thừa, sót lại, để thăng hoa nó lên, như cái tựa phim đầy sức thuyết phục này.
Soại quay lại nói với Phượng:
- Đường sá lồi lõm quá, anh đạp xe té khói luôn.
Phượng vỗ vỗ vai Soại:
- Cố gắng đi anh, tiến lên xã hội chủ nghĩa mình sẽ có xe hơi chạy, còn bây giờ thì khắc phục, khắc phục. Nói vậy chứ anh mệt thì để em chở cho, mình đổi nhau làm tài xế đi.
Soại lắc lắc cái đầu:
- Đâu có được, thân nam nhi chi chí, có khổ cực bao nhiêu cũng phải cam chịu. Ai lại để phụ nữ chở, người ta nhìn vào coi sao được.
Phượng cười rũ ra:
- Yêu nhau cởi áo cho nhau mà, có gì đâu. Nói vậy chứ để em đấm lưng cho anh là anh hết mệt liền.
Phượng dùng hai tay đấm vào lưng Soại. Soại cố đạp xe lên dốc, còn một đoạn xa nữa mới đến rạp chiếu bóng. Trên đường xe cộ lũ lượt qua lại như mắc cửi. Con đường này hẹp, nên người ta chen nhau lấn lướt đi.
*
Soại xuống tá túc ở nhà Thạch đã hai năm. Anh được Thạch giúp vốn chạy hàng hóa chất. Công việc cần phải có sức. Anh chạy hàng miệt mài. Lấy hàng từ chợ Kim Biên rồi đi bỏ mối ở những cơ sở sản xuất xà bông, kem đánh răng. Anh làm lầm lủi, không ngóc đầu nhìn ai nữa.
Buổi tối, trở về trên căn gác nhỏ, tận trên lầu ba của nhà Thạch, như một cái lồng chim bồ câu. Anh sống như ông đạo Dừa, trên cao chót vót. Đêm tối là niềm lo sợ của anh, chơ vơ, cô đơn cùng tận. Anh không về gặp các con, anh thường đến trước cổng trường các con đi học và nhìn các con từ xa cho đỡ nhớ.
Một lần, Thạch góp ý với Soại:
- Ông tu hay sao mà cứ ở mãi trên đó vậy. Đời là cái đầu buồi chứ có gì đâu mà phải quan trọng. Như tui đây này, bị thương giữa núi rừng Sơn Tịnh, bốn bề địch tấn công ào ào như thác lũ, máy bay tản thương lên là bị pháo, ba ngày sau mới tải thương được, về đến bịnh viện là tui bất tỉnh. Vậy mà không chết mới hay, nên tui biết con người có số mệnh. Khi mình chạm đến cõi tử sinh rồi mình mới thấy cuộc đời chẳng là cái thá gì. Sống cứ sống, có gì phải buồn đau.
Soại triết lý vụn:
- Mình thấy cuộc đời hết ý nghĩa sống nên mình không muốn va chạm nữa. Bất cứ với ai.
Thạch chữi thề:
- Đéo mẹ, vậy tui là gì của ông.
Soại hơi đớ lưỡi. Thật sự, nếu không nhờ Thạch không biết anh sẽ ra sao? Nhớ cái đêm hôm đó, sau khi đạp xe ở nhà chị Ngãi về, anh gõ cửa nhà Thạch và xin tá túc. Anh cương quyết bỏ căn nhà của Nại Hiên, bỏ sạp hàng, bỏ những chiều đi chợ mua đồ ăn về nấu cơm cho cả gia đình. Anh nhớ quay quắt, nhưng anh không thể trở về, quyết một đi không trở lại.
Thạch tới ôm vai bạn:
- Tui hiểu ông, nhưng tui khuyên ông đừng sống thu mình trong vỏ ốc. Ông đi với tui, ra chỗ Phượng bán hàng ngồi đấu láo. Tui đã đưa tiền ông trả cho Phượng rồi, cô ả nhắn ông hoài. Đàn bà là cái thá gì mà giận dỗi, mất công.
Tánh Thạch hay bốp chat, nhưng chân thành với bạn.
Hôm đó Thạch và Soại ngồi đến gần mười hai giờ đêm. Đến khi hết khách nhậu vì quá khuya, Phượng dọn hàng, Soại nói đùa:
- Phượng cho tôi làm phụ tá Phượng nhe, dọn hàng, xếp bàn ghế, bưng đồ nhậu, rót bia, chuyện gì tôi cũng làm được, chỉ cần cho tôi một chai bia mỗi đêm.
Phượng trố mắt ra:
- Anh nói thật không đó?
- Thật chứ sao không, tôi tình nguyện làm không công.
Thạch nói chen vô:
- Thôi, mày làm tài xế là được rồi. Buổi tối dọn hàng xong mày có bổn phận chở nàng về dinh là được.
Câu nói đùa của Thạch mà hóa ra thật. Phượng liếc xéo Thạch, rồi nói nhỏ với Soại:
- Thật đó, xe đạp em đi chở bia nặng quá cong vành rồi, anh Soại đưa em về nghe.
Thạch nháy mắt với Soại:
- Thế thì tui về một mình, ông ở lại với nàng.
Trên đường chở Phượng về, gió nổi lên mát rượi. Đã hơn mười hai giờ đêm mà Sài Gòn vẫn sáng choang, các quán cà phê vườn lung linh đèn màu, nhạc xập xình mời gọi.
Soại dắt xe vào trong khu vườn rậm. Đèn tù mù. Dưới mỗi gốc cây kê một cái bàn thấp, hai cái ghế dựa dài, chung quanh được che chắn bởi những tấm mành nhỏ. Tiếng nhạc từ một cái loa đặt phía bên trên, phát ra những âm thanh trong vắt. Những cặp tình nhân vào đây là để có một thế giới riêng, vừa kín đáo, vừa tình tứ.
Khi hai người ngồi xuống cái ghế dựa thấp, cái ghế dựa thật mời gọi, có thể điều chỉnh ngồi hoặc nằm xuống được.
Một người con gái bước ra hỏi nhỏ:
- Anh chị dùng gì?
Soại hỏi Phượng:
- Phượng uống gì?
- Cho em ly sữa đậu nành.
Soại nói với người tiếp viên:
- Một ly sữa đậu nành, một cà phê đá.
Người tiếp viên đi rồi, anh cầm tay Phượng:
- Ở đây khung cảnh này tình quá em ha. Anh ở Sài Gòn bao nhiêu lâu mà không biết mấy chỗ này.
Phượng siết chặc tay anh:
- Anh chân chỉ hạt bột mà làm sao biết được. Saì Gòn thì thiếu gì chỗ ăn chơi.
Tiếng nhạc nhẹ rót vào tai hai người, những bản nhạc cũ, nhạc cho lính, giọng ca Nhật Trường: “từ khi anh thôi học, từ khi anh khoác áo trây di, từ khi anh xa nhà, một nghìn đêm nhung nhớ giữa trời mây…Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay, thư của lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình…”. Soại như sống lại cái đời sống cũ của anh, những ngày dọc ngang ở chiến trường.
Tiếng nhạc ru anh vào trong cơn mộng mị của những ngày làm lính. Phượng cầm tay anh:
- Sao anh im lặng vậy Soại?
Soại mơ màng:
- Nghe nhạc anh bồi hồi quá, nhớ lại những ngày trai trẻ của mình. Lúc đó em ở đâu?
- Em cũng yêu lính, cũng là vợ lính. Nhưng thôi, chuyện cũ bỏ qua đi anh.
Người tiếp viên mang thức uống đặt trên bàn, rồi nói:
- Anh chị cho xin tiền.
Soại móc ví. Phượng dằn lại:
- Để em trả cho, dù gì em buôn bán cũng có lời, anh chạy hàng cực qúa, giữ lấy mà tiêu.
Soại cảm động, anh chợt nghĩ đến Nại Hiên với cái bóp tiền luôn luôn kè kè bên mình.
Đêm đó Soại nói câu tình yêu đầu tiên với Phượng. Anh hôn nàng, nụ hôn thắm thiết, say đắm, hung bạo. Chỗ gần hai người ngồi có một cặp tình nhân cũng đang tỏ tình. Tiếng rên, tiếng hít hà, tiếng thở dồn dập của họ làm cho hai người càng hưng phấn thêm. Soại ôm lấy thân thể Phượng hôn cùng khắp. Phượng nhắm mắt lại, hai tay vít lấy cổ anh, nói giọng lạc đi như trong cơn mê sảng:
- Mình đi thuê phòng đi anh, ở đây không tiện.
Tình đến với hai người từ đó, bình thường như trăm chuyện bình thường khác. Họ cặp kè nhau, chia sớt nổi đau thương cho nhau trong cuộc sống khốn nạn khôn cùng này.
*
Soại dừng xe trước cửa rạp hát. Một dòng người chen chúc mua vé. Đây là lần đầu tiên nhà nước mở cửa cho chiếu một cuốn phim của xã hội tư bản, phim Hồng Kông, nên dân chúng chen chân đi xem phim đông nghịt.
Phượng nói:
- Anh đi gởi xe đi, em vào mua vé cho. Gởi xe xong anh vào trước cửa ra vào, đợi em nhé.
- Rồi.
Soại nói rồi vụt đạp xe ra bãi giữ xe. Xe đạp nhiều nên anh đợi đến lượt mình. Người giữ xe ghi lên trên một tờ giấy đã in sẳn, đưa Soại một tấm, một tấm kẹp vào căm xe. Gửi xe xong anh đi nhanh về phía rạp, đến trước cửa soát vé đợi Phượng.
Phượng chen vào mua vé trong cảnh hổn loạn, chẳng ai nhường ai, chẳng biết ai trước ai sau, cứ chen được là chen. Đàn ông, đàn bà, thiếu nữ, thanh niên áo quần xốc xếch, mồ hôi mồ kê. Cuối cùng rồi nàng cũng cầm được hai tấm vé trong tay. Nàng bước nhanh lại chỗ Soại đứng:
Soại nói, giọng có chút đãi bôi:
- Mua vé cực quá, sao không để anh mua cho.
Phượng giục:
- Em mua được mà, thôi vào đi anh, kiếm ghế ngồi chứ đông như thế này không ai xếp cho mình ngồi theo số ghế đâu.
Soại cặp tay Phượng bước vào trong rạp. Bóng tối phủ trước mặt anh. Anh không nhìn thấy được gì hết. Một khoảng đen lớn, tối thui. Soại dắt Phượng lần mò trong bóng tối tìm hàng ghế trống. Anh kéo Phượng ngồi xuống.
Khi anh đã nhìn quen mắt, trước mặt anh là một vùng sáng với đám người lao xao. Anh chợt thấy hai người ngồi ở hàng ghế trước mặt anh là Quốc và Nại Hiên và kế bên là Nhự và Ngãi. Thì ra, ai cũng thích xem phim “Vàng Có Giá Nhưng Tình Yêu Vô Giá.”
Soại vội vàng nói nhỏ vào tai Phượng:
- Mình dời lại chỗ kia ngồi đi em, còn hai ghế trống đó, ở đây xa quá, mắt anh nhìn không rõ.
Soại và Phượng đứng lên dời chỗ.
Đoạn Kết
Chị Vân tìm đến nhà Nại Hiên vào buổi tối.
Lâu rồi chị không lên nhà Nại Hiên vì trái ngã đường, lại chị cũng bận quá. Nhưng hôm nay chị phải lên. Chị muốn gặp Nại Hiên để nói chuyện quan trọng.
Anh Thư thấy dì Vân ngoài cửa thì reo lên:
- Chào dì, lâu quá dì mới đến nhà con.
Chị Vân không trả lời câu hỏi của Anh Thư, mà hỏi lại:
- Có me ở nhà không con?
- Dạ có, me con nằm trong phòng trong đó dì.
Nghe Anh Thư nói, biết chị Vân lên chơi, Nại Hiên bỏ quyển sách đang đọc xuống giường, rồi bước ra.
- Thì chị biết chuyện của tụi em rồi. Ổng không ở đây nữa. Bây giờ ổng làm gì, ở đâu, mặc kệ ổng chứ chị nói với em làm chi. Em không biết gì hết, em chẳng liên lạc gì với ổng nữa. Phần em, em sống, phần ổng, ổng sống, chẳng có gì phải mắc mứu nhau.
Nại Hiên nói một hơi dài như trút hết nổi oan khiên mà nàng phải gánh chịu. Chị Vân vẫn nhỏ nhẹ:
- Em nói như vậy cũng đúng, phần em, em sống sao cũng được, nhưng còn mấy đứa con em nữa, em phải lo cho tương lai mấy đứa chớ.
Nại Hiên vẫn giọng hằn học:
- Thì từ trước đến nay một mình em lo chứ ai lo vào đó. Từ tiền ăn, tiền học, tiền quà cáp cho thầy cô, tiền đóng góp xây dựng trường ốc, cũng một tay em lo.
- Chị biết vậy, nhưng tương lai lâu dài của tụi nó kia.
Nại Hiên bây giờ mới xì ra chuyện nàng đã thực hiện:
- Chị biết không? Em còn lo chuyện dài lâu hơn cho mấy đứa con. Là ai cũng nói là con của ngụy quân, ngụy quyền sẽ không được học lên cao, lên đại học sẽ bị loại vì lý lịch, nên em phải chạy chọt là làm lại cho tụi nó toàn bộ giấy khai sinh khác, khai họ mẹ, để tụi nó không dính dáng gì đến ông Soại hết. Như vậy tụi nhỏ mới ngóc đầu lên được chớ. Cũng tốn mất ba chỉ vàng chứ có ít đâu.
Chị Vân bây giờ mới bộc bạch ý của mình, giọng chị trầm xuống:
- Em làm như vậy cũng đúng, nhưng đó chỉ giai đoạn thôi, em phải nghĩ chuyện xa hơn nữa.
Rồi chị kê sát tai Nại Hiên thầm thì:
- Chị nghe tin bán chính thức nhưng cũng đúng đến chín mươi phần trăm, là các sĩ quan đi cải tạo trên ba năm được thả về, chính phủ Mỹ sẽ bảo lãnh cho cả gia đình đi định cư ở Mỹ. Em nghe tin đó chưa?
Nại Hiên tròn xoe đôi mắt:
- Chưa, em chưa nghe, làm gì có chuyện đó chị.
Chị Vân dáng vẻ trông rất quan trọng:
- Có đó em. Chuyện chính trị mà mình biết đâu được. Cho nên chị mới lên đây cho em biết tin này là có thật. Anh Toàn ở Mỹ cũng nhắn về bảo em làm hồ sơ đi. Anh đâu biết gia đình em tan đàn xẻ nghé như vầy. Thôi, em bằng mọi cách em nhắn thằng Soại về. Lúc này là lúc em cần nó, em nhắn nó về đi, có gì thì xin lỗi nó một tiếng. Đàn ông nói vậy chứ chỉ muốn ngọt, mình giả bộ xuống nước, phục tùng thì họ chịu ngay. Đó là cả tương lai của em và mấy đứa con nữa đó. Chắc là mấy cái khai sinh cũ của mấy đứa nhỏ em còn giữ chứ gì, lấy ra xài lại hết. Thằng Soại không biết em làm khai sinh khác thì chả ai biết đâu.
Nại Hiên ngẩn người ra và thấy lòng thấp thỏm. Soại bây giờ ở đâu? Anh trôi giạt phương nào? Chuyện này là chuyện lớn chứ không phải nhỏ. Mình đã hạ đo ván, hạ nốc ao anh một quả thật là tàn độc, biết anh có quay trở về không đây?
Nàng nói với chị Vân mà như nói với chính mình:
- Em không biết ảnh ở đâu? Nghe nói ảnh xuống nhà anh Thạch, bạn ảnh. Nhưng bây giờ có còn ở đó không? Thôi đến nước này để em dò hỏi thử coi xem sao? Có gì em sẽ tính sau.
Chị Vân hối hả:
- Tính gì nữa mà tính, mai em đi tìm nó ngay. Bây giờ mới bắt đầu làm hồ sơ thì cả năm sau mới có kết quả. Còn lâu lắm em.
Nại Hiên nghe chị Vân giục cũng nôn nao trong bụng. Nại Hiên nửa nói chơi, nửa nói thật:
- Được rồi, để em đi tìm ảnh rồi bắt xác ảnh về.
- Em phải bắt xác nó về mới được, ai chẳng có sai lầm. Em cố làm sao cho nó hiểu, vì hoàn cảnh nghèo cực nên em mới có những hành động bất nhân với nó. Bây giờ thì em ân hận lắm rồi. Đàn ông thường hay nhẹ lòng, thằng Soại chị biết, nó tuy tánh xốc nổi nhưng hiền lành, chân chất. Em nói vì tương lai mấy đứa con thì nó sẽ xuôi theo thôi. Nếu em làm hồ sơ được, em cho chị gởi con bé út của chị đi theo, cứ khai là con em. Chị biết ngày trước em có kể, hồ sơ của em và Soại hồi chế độ cũ là có bốn con, em khai thêm một đứa để ăn lương. Bây giờ em cứ khai như vậy. Nhớ em nói với Soại cho chị gởi con bé. Có thiếu tiền chị giúp cho. Em phải đóng vai vợ hiền cho thật xuất sắc mới kêu gọi được tình thương của nó. Em nhớ nghe, chuyện này vừa giúp chị mà giúp cả em nữa đó.
Giọng Nại Hiên có một chút quả quyết:
- Chị yên tâm đi. Tính chồng em mà em không biềt thì biết tính ai. Em cố gắng làm cho chị vui lòng. Khi em nắm được ảnh trong tay, em bảo cái gì chẳng được. Em sẽ đóng vai đào thương, vừa mùi vừa lẵng nữa. Ảnh chẳng chạy vào đâu khỏi tay em hết.