Câu chuyện ghi lại giai đoạn từ 30/4/75 đến thời điểm có chương trình HO.
Một cảnh đời bi thảm sau cuộc chiến. Người đàn ông bị tập trung cải tạo, đói khát, bệnh tật, lao động khổ sai, không ngày về. Người đàn bà ở
nhà với đàn con dại, bị phân biệt đối xử, phải lao vào đời để kiếm miếng ăn. Những phản trắc, lọc lừa, ngoại tình, xác thịt, được viết một cách
trung thực với đầy đủ vóc dáng và nhân diện của từng nhân vật. Trong truyện còn ghi lại một thời buổi nhiễu nhương của đất nước trước và sau
30/4/75, các tướng công sứ quân cát cư từng vùng. Tôn giáo, Đảng phái, Sinh Viên học sinh tranh đấu rồi Hộ khẩu, lý lịch, tham ô, hủ
hóa.
* * *
Chương Bốn Mươi Mốt
Soại đạp xe đạp đến chợ rất sớm. Công việc của anh bây giờ là ra dọn hàng cho Nại Hiên. Anh đến chợ khi còn lác đác khách hàng. Buổi sáng,
trời trong và gió mát. Một hàng xe Honda ôm đậu phía bên ngoài chợ đón khách. Mấy chiếc xích lô thậm thò thậm thụt đậu ngoài đường Nơ Trang
Long. Phu xích lô không giám cho xe vào trong khu vực chợ vì sợ công an giao thông hốt về đồn vì tội đậu xe choán lòng lề đường. Soại dắt
xe đạp vào sạp, anh cho chiếc xe ngã nằm xuống đất rồi đẩy vào trong lòng sạp. Như vậy vừa tiện là khỏi gởi xe tốn tiền, lại vừa khỏi choán chỗ
của khách hàng.
Soại lấy chiếc xe đẩy hàng cất trong lòng sạp, đẩy xe vào trong nhà lồng, chỗ gởi hàng, chở hàng ra. Trước đây, công việc này là của anh em
khuân vác phải thuê hàng tháng. Từ ngày anh về, ra bán hàng với Nại Hiên, thấy công việc nhẹ, anh dành làm, cho đỡ một khoản tiền. Anh nói
thế và Nại Hiên bằng lòng.
Vào bên trong, cửa kho hàng đã mở. Anh lấy mấy cái xách chứa hàng để lên xe đẩy. Hai bao tải khá nặng nhưng anh cố gắng chất lên, xong, anh
đẩy về sạp. Bỏ hai cái bao tải lên sạp, cất cái xe dưới gầm sạp rồi anh bắt đầu dọn hàng.
Anh theo lời chỉ dẫn của Nại Hiên, phải treo bộ này ở đâu, bộ kia ở đâu, xoay hướng nào? Trình bày sao cho bắt mắt khách hàng, cho khách nhìn
vào là “kết” ngay. Anh thấy cái nhìn của anh khác với cái nhìn của Nại Hiên. Nhiều lần anh mất công dọn hàng cả buổi để trình bày sao cho
thật đẹp mắt, thì Nại Hiên ra dẹp xuống, treo lại tất cả. Nại Hiên cằn nhằn trong miệng, “làm một chút mà cũng không được, chẳng ra cái hồn
gì.”. Anh tức giận trong lòng nhưng cố nén xuống. Anh nghĩ, ở trong tù, nhiều lúc quản giáo, vệ binh chữi sát sạt vào mặt còn chịu được huống
hồ gì là vợ con. Thôi cố chịu đựng, anh dằn xuống nhưng cơn giận đang bùng lên trong người.
Đã gần một năm từ ngày trở về, anh luay huay trong công việc phụ dọn hang, rồi đi lấy hàng may sẳn ở các mối lái, hoặc đôi khi đến chợ An
Đông, Chợ Lớn lấy hàng thêm. Nại Hiên thường đưa anh vài trăm đồng bạc lẻ để anh bơm lốp xe, hay uống nước trà đá. Thường thường anh tiết kiệm
không xài, đem tiền về trả lại cho Nại Hiên. Lâu dần, Nại Hiên thấy anh không xài đồng nào nên chẳng đưa nữa, anh cũng chẳng buồn hỏi tới.
Tất cả tiền bạc trong nhà và sạp hàng đều do Nại Hiên quản lý. Mỗi lần anh bán được món hàng nào là Nại Hiên đợi khách trả tiền xong, liền đưa
tay ra, nói:
- Đưa đây.
Anh cầm tiền đưa ngay cho vợ mà lòng anh buồn rười rượi.
Cứ như vậy mà đã một năm trôi qua. Anh như cây rêu bám vào thành đá. Soại thèm vô cùng được một lúc nào đó ngồi đấu láo với những người bạn
cùng tù, cùng khóa sĩ quan hoặc các bạn cùng học thời trung học, ở một quán cà phê hay một quán cóc bên vệ đường nào đó. Anh thèm vô cùng
được tham dự một đêm ngâm thơ hay nghe ca nhạc. Anh không có một giờ phút nào cho riêng mình. Anh chỉ là một vệ tinh bay quanh thái dương hệ
là Nại Hiên.
Khoảng chín giờ, Nại Hiên chạy Honda tới. Câu hỏi trước tiên của nàng:
- Có bán được gì không anh?
- Không.
- Sao lại không, mấy sạp bên kia người ta bán hà rầm.
- Không có khách mua thì bán cho ai.
Những câu đối đáp ngắn. Nại Hiên nhìn anh với vẻ nghi ngờ, coi xem túi áo, túi quần có phồng lên đồng bạc nào không?
Nại Hiên ăn mặc bảnh bao, trông dáng đài các. Đẹp. Phải nói là Nại Hiên mặc những bộ đồ kiểu sườn xám Thượng Hải trông sang trọng lắm. Anh
cũng rất hạnh phúc khi thấy vợ mình đẹp.
- Anh đi lấy hàng đi. Anh xuống nhà anh Bạch lấy áo sơ mi, xuống nhà anh Hợp lấy quần tây, rồi lên Chợ Lớn lấy thêm áo thun hiệu con ngựa nữa
nhé. Mấy chỗ kia lấy gối đầu, còn Chợ Lớn thì tiền đây, giá cũ là như vầy, anh lấy 2 tá, khoảng năm mươi ngàn là đủ, còn dư bao nhiêu đem về.
Lời nói đó là lệnh. Anh cầm tiền rồi kéo xe đạp từ dưới sạp ra. Dựng lên, sửa lại cái yên cho ngay ngắn rồi leo lên đạp đi. Nại Hiên nói vói
theo:
- Anh đi nhớ về sớm, đừng la cà.
Trời bên ngoài nắng gắt, cái nắng chói chan chụp xuống thân thể Soại làm mồ hôi toát ra, rịn trên lưng. Anh lầm lủi đạp xe theo dòng người
xuôi ngược, chiếc mũ lưởi trai cũ mềm chụp lên đầu.
Anh ghé đường Cách Mạng Tháng Tám, vào nhà Bạch, rồi mới qua nhà Hợp ở đường Phan Đình Phùng. Mỗi nơi đều mời anh một ly trà đá, anh uống
cạn, tự nhũ, uống cho khỏi uống ngoài đường, đỡ tốn mấy trăm bạc.
Bạch là người cùng hoàn cảnh với anh, nên nói chuyện vui vẻ về chuyện tù cải tạo, chuyện đói, chuyện thi đua lao động trong trại. Những lúc
này anh thấy lòng mình thoải mái đôi chút.
Đang nói chuyện tù, Bạch chuyển hệ, nói qua chuyện gia đình:
- Ông bây giờ thì khoẻ quá rồi, tà tà phụ bà xã làm ăn như thế này là nhất. Chả bù với tôi, bù đầu bù cổ, chạy chỗ này chỗ kia mua vải làm
hàng, mà giá vải lên như hỏa tiễn, kiếm miếng cơm khó quá ông ơi!
Soại muốn xổ ào bầu tâm sự của anh, nhưng anh dừng lại được, anh nói giọng bất mãn:
- Ông nghĩ vậy thôi, chứ đèn nhà ai nấy sáng ông ơi. Tôi cũng chán lắm, tôi muốn đi làm ngoài, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Bà xã tôi khó
tính lắm.
Bạch chua mày:
- Thì vợ chồng chìu nhau mà sống, tôi cũng vậy, nhưng thôi mình cố gắng nhẫn nhịn, mình bây giờ còn gì nữa đâu.
Soại nói cho lòng khỏi ấm ức:
- Ông ra sao chứ tôi nhiều lúc nghĩ mình như loài rêu, loài tầm gởi, sống bám, ăn bám. Tôi chán quá.
- Ông mà tầm gởi sao được. Ông chạy hàng cho bả bán năng nổ thế, siêng năng thế. Không có ông bả làm sao khá được như bây giờ. Thấy sạp hàng
ông bà càng ngày càng phát triển, hàng càng nhiều, tôi biết ông bà phất lên, tôi cũng mừng.
- Thấy vậy mà không phải vậy đâu. Bả thường nói tôi nhờ bả mới được như bây giờ, bả vẫn chữi tôi là đồ ăn bám đó ông.
- Như vậy thì quá lắm, nhưng tôi nghĩ có lẽ khi bà giận ông, bà nói vậy thôi. Vợ chồng chín bỏ làm mười đi ông.
- Thì mình khi ở tù, chỉ mong được về gần vợ con, lo cho vợ con, nhưng mà về mới thấy có nhiều điều suy nghĩ. Nhất là mình bây giờ không còn
gì, chức vụ không, tiền bạc không, ở nhà thì gọi ăn bám, ra ngoài thì bị công an rình rập, hăm he, đòi trục xuất ra khỏi thành phố hàng
ngày, hằng bữa, đủ chuyện hết. Tôi thấy chán hết sức vậy đó.
- Thì tôi cũng vậy chứ có khác gì ông, ai trong chăn mới biết chăn có rận.
Soại thấy chuyện vãn đã lâu, anh liền chào Bạch mà đi.
Soại đạp xe đi, trong lòng hơi nhẹ xuống một chút vì đã xả những cơn tức dồn nén bấy lâu với Bạch. Chỉ những người cùng tù trở về mới hiểu hoàn
cảnh nhau thôi.
Trên đường ở Chợ Lớn về, anh khát nước khô cổ nhưng anh suy nghĩ, nên tiện tặn, thôi nhịn về sạp uống nước luôn, đỡ tốn mấy trăm bạc. Anh nhẫm
tính trong bụng, lấy hàng ở Chợ Lớn xong, còn dư được năm ngàn, đó là tiền bớt của chủ sạp hàng để anh lấy hên, chứ trong toa hàng vẫn ghi đủ.
Anh chợt nhớ về mẹ anh tha thiết. Những lúc buồn đau, bất hạnh trên đời này, chỉ có mẹ là chia xẻ với anh thôi. Sao anh suốt từ một năm nay,
từ ngày trở về, anh chưa về thăm mẹ, chưa được nhìn lại mẹ, chưa được ăn cơm với mẹ một lần, chưa có món quà nào cho mẹ.
Hốt nhiên anh thấy mình quá tệ. Hay là mình lấy năm ngàn còn dư này mua cho mẹ một hộp thuốc bổ, để khi nào có ai về ngoài quê mình gởi, ít
ra cũng có một chút quà, mẹ già như chuối ba hương…
Anh nghĩ vậy nên anh dừng xe lại và lấy số tiền năm ngàn bỏ vào túi quần sau, định chiều về sẽ tìm một chỗ kín cất, có dịp mua lọ thuốc gởi về
cho mẹ. Anh hân hoan với ý nghĩ này. Phải làm sao cho Nại Hiên đừng biết, chứ nàng biết thì rầy rà lắm đây.
Khi về đến chợ thì trời đã trưa lắm rồi. Anh chạy thẳng xe vào trong sạp, mồ hôi mồ kê ướt đẫm cả lưng áo.
Nại Hiên thấy anh về liền lớn tiếng ngay:
- Đi đâu mà lâu lắc, khách hỏi hàng không có mà bán, cứ cà kê dê ngỗng, bạn bè hoài.
Anh trả lời nhẹ nhàng, nhưng anh thấy đầu anh bắt đầu nóng lên:
- Thì anh đi lấy hàng hai ba chỗ lận mà, xong là lo về ngay chứ có đi chơi đâu.
- Về ngay! Về ngay mà hai ba tiếng đồng hồ, còn dư tiền không, đưa đây.
- Hết rồi, có toa hàng đây, coi đi.
Những ngày gần đây, hai người thường nói trổng không, không dùng đến từ anh, em nữa. Anh thấy Nại Hiên có dụng ý thế, nên anh cũng làm theo.
Anh móc các túi định lấy toa hàng đưa cho Nại Hiên, trong lúc quá tức giận, anh quên khuấy chuyện là mình còn dư năm ngàn bỏ trong túi quần
sau, thấy cộm, anh móc ra, không phải hóa đơn mà là một nắm tiền anh cầm trong tay. Nại Hiên nhìn anh chằm chằm, nàng la lên chói lói:
- Hóa đơn đâu? Tiền lấy hàng dư sao không đưa lại mà cất trong túi, bộ để dành cho gái hả?
Anh thấy mình như bị bắt quả tang, anh xấu hổ quá, liền đưa số tiền cho Nại Hiên và nói lấp liếm:
- À, tiền này của chủ sạp trên Chợ Lớn bớt cho mình mà quên đưa lại.
-Quên, quên gì, ăn cắp tiền thì có.
Dù anh nhịn cố sức, nhưng Nại Hiên đã nói quá đáng, trong lòng anh dội lên tự ái cao độ. Nhiều người bạn bán hàng chung quanh nghe hai người
to tiếng xúm lại coi. Soại vừa ức, vừa hổ thẹn, anh tuông ra những lời cộc cằn, thô lỗ:
- Đồ điếm thúi mà tưởng ngon lắm, đây đếch cần.
Rồi anh chạy lại lấy chiếc xe đạp, nhảy lên đạp bất kể, ra khỏi sạp.
Soại đi mãi miết, đầu óc anh bấn loạn, anh chẳng biết mình chạy đi đâu, đến đâu. Cuộc trở về của anh đã thất bại, anh cố dằn lòng sống mà
không được. Những chuyện nhỏ nhặt mà Nại Hiên đã hành hạ anh làm anh thấy mình bất hạnh quá, cùng khốn quá. Nghĩ lại, anh thấy mình đang sống
trong một cơn mộng dữ đầy kinh hoàng. Anh đã nép mình sống. Cuối cùng Nại Hiên nói một câu phủ phàng:
- Lăn xăn thế chứ có được gì, chỉ có ăn là giỏi.
Soại lặng thinh. Anh nghĩ trong đầu óc và tính toán, phải tìm việc gì làm, chứ sống lệ thuộc như thế này khổ quá, mà làm gì đây giữa thành
phố xô bồ này, anh không có một đồng vốn trong tay.
Đạp xe lang thang, anh đang đi trên đường Ngô Gia Tự chạy lên hướng Chợ Lớn. Qua khu nhà thờ Ngã Sáu, đoạn đường này anh đi qua nhiều lần,
anh thấy có nhiều cô gái mặt mày đầy son phấn, ăn bận diêm dúa đứng trên đường. Anh biết đó là những cô gái mại dâm đang đón khách. Anh lặng
lẽ đạp xe qua. Đến khu nhà thờ, anh thấy nhiều người ngồi trên các ghế đá công viên. Anh tạt vô và tìm một ghế đá ngồi nghỉ.
Lúc này anh mới thấy đói và mệt. Đi suốt một buổi sáng, chỉ uống nước đá lạnh, chưa có một hột cơm nào trong bụng, nên ruột gan anh nổi loạn
cồn cào. Đói, đói quá, không có một đồng lận túi để mua đĩa cơm, thôi nằm xuống ngủ cho qua cơn đói. Anh nằm trên ghế đá như con sâu cằn quấn
mình lại và cố lim dim ngủ.
Nhưng anh ngủ không được, lòng anh lại xốn xang nghĩ đến cái sạp hàng. Trời sắp tối, sắp dọn hàng vào, một mình Nại Hiên ai giúp dọn hàng.
Anh tự nhiên thấy mình như thiếu bổn phận, thiếu lòng bao dung và ăn nói quá thô tục.
Anh đâm ra hối hận và có ý nghĩ quay về, anh vội vàng đạp xe trở về sạp.