Câu chuyện ghi lại giai đoạn từ 30/4/75 đến thời điểm có chương trình HO.
Một cảnh đời bi thảm sau cuộc chiến. Người đàn ông bị tập trung cải tạo, đói khát, bệnh tật, lao động khổ sai, không ngày về. Người đàn bà ở
nhà với đàn con dại, bị phân biệt đối xử, phải lao vào đời để kiếm miếng ăn. Những phản trắc, lọc lừa, ngoại tình, xác thịt, được viết một cách
trung thực với đầy đủ vóc dáng và nhân diện của từng nhân vật. Trong truyện còn ghi lại một thời buổi nhiễu nhương của đất nước trước và sau
30/4/75, các tướng công sứ quân cát cư từng vùng. Tôn giáo, Đảng phái, Sinh Viên học sinh tranh đấu rồi Hộ khẩu, lý lịch, tham ô, hủ
hóa.
* * *
Chương Ba Mươi Chín
Chiếc xe đò chạy từ Bà Rịa về Sài Gòn chật ních người. Những người lên sau phải đứng vịn vào thành xe, xe lắc lư như người say rượu, nhưng tài
xế và lơ xe thấy ai đứng dọc đường đón xe vẫn cố sức mời:
- Đi Sài Gòn không? Đi Sài Gòn không? Năm ngàn, lên xe đi.
Nhiều người đón xe nhìn thấy xe chật quá thì lắc đầu, xe chạy luôn. Nhưng với Nhự thì anh không thể chần chừ được nữa. Chiều đang xuống dần và
chiếc xe nào chạy qua cũng đầy ắp người như vậy.
Nhự hỏi người lơ đứng bên hông xe:
- Về Sài Gòn còn chỗ không?
- Còn, năm ngàn.
- Bốn ngàn đi, cải tạo về hết tiền rồi, chở dùm đi.
Nghe Nhự nói thế, người tài xế cho ngừng xe. Nhự nhảy lên một chỗ trống chỉ để được hai bàn chân, còn tay anh phải vịn vào thành xe.
Xe chạy, gió thổi u u hai bên tai. Nhự nghĩ, sẽ gặp lại Sài Gòn hôm nay. Thế mà cũng gần tám năm xa thành phố.
Trại cải huấn giáo dục thanh thiếu niên hư hỏng Duyên Hải do công an quản lý. Ở đây chuyên giam giữ giữ đa số là những tội phạm hình sự,
như buôn bán lẻ xì ke, ma tuý, chích choát, đánh bạc, buôn bán vàng, đô la lậu. Thời gian tranh sáng, tranh tối, tệ nạn xã hội mọc lên như
nấm, nên trường này thu nhận “học viên” khá đông.
Sau ba mươi tháng tư bảy lăm, Nhự thất nghiệp. Anh quay quắt tìm cách ra đi, nhưng không có tiền, đành phải theo người bạn đi buôn bán đô
la. Nghề đó bây giờ là bất hợp pháp. Anh làm ăn trot lọt được mấy tháng, có tiền ra, tiền vào, anh làm ăn mạnh hơn. Công an hình sự theo dõi
và hốt anh cùng tang vật đem về sở Công An Thành Phố, rồi nhốt anh vào Chí Hòa. Sau khi ra toà, anh bị kết án tám năm.
Sau hai năm, anh được đưa đi lao động cải tạo ở Duyên Hải, và nay anh được cho về kiếm một địa chỉ thân nhân, để khi mản hạn tù anh sẽ về cư trú
nơi đó. Chuyến về này là một sự thử thách, thử thách anh có trở về trại hay không? Hay là anh một đi không trở lại.
Xe chạy trên con đường gập ghềnh lạng qua lạng lại, nhiều lần xe nghiêng như sắp ngã đến nơi. Vì hành khách bu bên ngoài nhiều quá. Xe ngừng
tại bến xe Văn Thánh đúng sáu giờ tối. Nhự nhảy xuống xe với đôi chân mỏi rụng rời. Anh chập choạng bước ra khỏi bến xe.
Đám Honda ôm thấy anh thì nhao nhao chạy theo mời gọi:
- Anh đi về đâu, đi xe tôi, tôi chỡ lấy đúng giá cho.
Nhự không còn một đồng xu dính túi. Trong trại thả anh ra, phát cho anh bốn ngàn đồng đi đường, anh đã trả hết cho cuốc xe đò từ Bà Rịa về
đây. Bây giở thì anh là vô sản thứ thiệt. Anh đang tìm về với Oanh, người vợ, và thằng Cường, đứa con trai đầu lòng, lúc anh đi tù nó mới lên
ba tuổi.
Anh không được tin tức gì của Oanh từ ngày chuyến xe từ khám Chí Hòa đi Duyên Hải. Bao lá thư anh gởi về cũng biệt tăm. Oanh nay có còn là
của anh không? Và cu Cường nữa?.
Công việc làm ăn của anh khiến anh bị tù cũng vì Oanh và con thôi. Oanh của trường Đồng Khánh áo dài bay trắng cả đất trời, Oanh của xứ thần
kinh, của Huế cổ kính ngàn năm trầm mặc. Oanh của một thời nữ sinh anh đã yêu điên mê bằng cả tuổi trẻ.
Đến ngày Sài Gòn hoảng loạn, anh không đi được, anh ở lại và bị tù. Oanh bây giờ có còn ngồi ngồi ôm con đợi anh về hay không?
Nhự đi bộ về hướng Thanh Đa. Ngày trước, Oanh đã ở đây cùng anh trong căn phòng nhỏ, không biết Oanh còn ở đó không, nhưng anh vẫn tìm về.
Sáu năm trong lao tù hình sự, va chạm với biết bao điều nghiệt ngã, Nhự trở về bằng tấm lòng hối hả. Anh nghĩ lần này mình tự gói người mình
lại để tìm cách ra đi, không sống nổi ở đây thì chỉ có con đường ra đi là duy nhất.
Anh đi thất thễu, bóng ngã nghiêng nghiêng trên đường, vì đói và khát. Nhưng anh nghĩ, còn một đoạn đường ngắn nữa thôi là đến nhà, mình
phải cố gắng.
Bước lên hai cái cầu thang, Nhự thấy như sụm cả đôi chân. Đứng trước căn nhà cũ, số 112, anh nhớ như in, không sai chệch vào đâu được, lô G cư
xá Thanh Đa, nhà số 112, anh lẩm bẩm trong miệng. Nhiều người đi qua đi lại nghiêng ngó anh, nhưng anh làm ngơ. Anh đang chuẩn bị những nụ
hôn tới tấp. Đón chờ ôm Oanh vào lòng và bế nàng vào phòng trong, đón chờ tiếng nói dễ thương của cu Cường kêu ba, ba.
Anh bấm chuông. Tiếng chuông reo. Phía bên trong có tiếng lệch xệch, rồi cửa mở. Một người đàn ông bận áo ba lỗ, quần xà lỏn bộ đội, nhìn anh
săm soi, rồi hỏi bằng giọng bắc kỳ:
- Anh hỏi ai?
- Tôi tìm cô Oanh hồi trước ở căn nhà này.
- Oanh nào ha? À, có phải cô Oanh người Huế không? Cô Oanh và chú Phan dọn nhà lên quận một rồi, đã mấy năm rồi. Vợ chồng cô Oanh mua nhà
trên đó nên bán lại nhà này cho tôi. Chú Phan đổi về công tác ở công an quận một, nên về trên đó làm việc cho gần.
Chì ngần ấy câu nói là Nhự đã hiểu ra tất cả. Chính Phan, người công an khu vực đã lấy Oanh. Khi anh bị bắt, bị giải về nhà cho công an lục
xét, chính Phan đã đến đây hợp tác với công an hình sự khám xét nhà anh. Bây giờ thì Phan đã cuỗm luôn vợ anh rồi.
Bây giờ chỉ có một cách là tìm một cây mã tấu, hỏi nhà, dò tìm đến nhà Phan. Sẽ chém Phan một đường thật ngọt. Sẽ chẻ hai nó ra như chẻ hai
khúc củi anh thường chẻ trong trại cải tạo. Rồi sẽ đến lượt Oanh, cũng bằng cây mã tấu. Anh sẽ đâm cắm ngập vào tận quả tim Oanh cho máu phọt
ra từng vòi, cho mắt Oanh trợn ngược lên và giẫy giụa chết. Chỉ có vậy mới hả cơn giận bây giờ, cơn giận đang phừng phừng trong đầu làm anh run
rẩy. Người đàn ông đã khép cửa lại tự bao giờ mà anh còn đứng ngơ ngác bên ngoài.
Nhự cố nuốt cơn giận xuống, nhận chìm những oán hận vào trong, anh lếch thếch bước đi, chập choạng.
Như đi bộ suốt hai tiếng đồng hồ mới đến đường Hồ Văn Huê, Phú Nhuận. Anh len lỏi vào trong một con hẻm cũ, nhà của ba má Nhự. Ông già đi tù
ngoài bắc, còn bà già với mấy đứa em không biết còn ở đây không?
Nhự hỏi người đàn bà đang quét trước sân:
- Thưa bà, bà Toàn hồi trước ở đây nay đâu rồi?
- Đi kinh tế mới rồi, đi miệt Bình Dương Sông Bé gì đó. Hồi năm bảy chín, ở thành phố ai không có hộ khẩu đều phải đi kinh tế mới hết. Tôi là
gia đình liệt sĩ nên mới được phường cấp cho nhà này đó chớ.
Nhự lại quay đi. Anh đi thất thểu. Tới đường cùng rồi. Tối nay ngủ ở đâu đây, ăn ở đâu đây. Anh đói quá, khát nước quá. Lúc này thì anh liều,
không còn xấu gổ gì nữa. Anh đến một cái quán bên đường, xin một ly nước lạnh. Người chủ thấy anh thê thãm quá, rót cho anh ly đá lạnh. Anh
uống một hơi cạn, anh thấy đỡ khát, anh lại lầm lủi bước đi.
Nhự đi như hụt hơi. Anh thở đứt đoạn từng chặp. Mắt anh nhạt nhòa, nổi đom đóm. Anh nhớ anh đã dừng lại một quán bán hủ tiếu và mì. Có một cặp
trai gái vừa ăn xong để lại hai cái tô còn mì và nước súp lỏng bỏng. Anh sà vào gục mặt vào ăn và húp sì sụp nước súp. Anh đứng dậy tiếp tục
đi như kẻ mất hồn.
Trong đầu óc anh loé lên một tính toán nho nhỏ. Đến chùa ngủ. Anh nhớ đến một ngôi chùa ở đường Trương Minh Giảng mà ngày xưa anh vẫn thường
đến đó đi lễ với ba mạ. Hình như trên dưới khu vực Bùi Phát thì phải. Chùa nằm trong một con hẻm nhỏ bây giờ thì anh đã quên. Anh đi qua lại
mấy lần mà không thấy ngôi chùa đâu, tâm hồn anh mụ đi, anh lê bước đến cổng xe lửa số sáu.
Tự nhiên Nhự nhớ ra, hình như cậu Đạt ở đâu khu này. Đạt là em bà con với mạ Nhự, ông không biết còn ở lại đây hay đã vượt biên. Trước ngày
Nhự bị “vồ” rồi vô “ấp”, Nhự nghe nói cậu Đạt đang chuẩn bị một chuyến đi. Mợ Ngãi vợ cậu Đạt đã nói cho Nhự biết như vậy.
Nghĩ đến mợ Ngãi, Nhự nhớ đến người đàn bà mặt hoa da phấn đã làm choáng ngợp hồn anh một thời tuổi trẻ. Thời đó, cậu Đạt từ Sài Gòn về Đà
Nẵng, dẫn theo mợ Ngãi. Người đàn bà có mái tóc thật là dài và khuôn mặt trắng như sữa. Với tuổi mười lăm, mười bảy, Như chiêm ngưỡng mợ Ngãi
như một con chiên chiêm ngưỡng thiên thần. Nhự chiêm ngưỡng mợ Ngãi với một tâm hồn trẻ thơ đầy lãng mạn cùng nổi khát khao của tuổi vừa lớn.
Mợ gọi Nhự bằng tên và cười với Nhự bằng nụ cười có tiếng róc rách của suối ngàn trong đêm rừng vô tận. Nụ cười đó mang mãi trong tim Nhự những
thổn thức cho đến khi Nhự bừng tỉnh và yêu Oanh.
Đến bây giờ Nhự mới hiểu, trong nụ cười của mợ Ngãi, có cả tình thương và sự bao dung trong đó.
Ngày trước, Nhự nghe một lần mạ nói với ba, mợ Ngãi không hạnh phúc. Mợ bị cậu Đạt đánh nhiều lần tàn nhẫn vì nụ cười mà cậu cho là lẳng lơ.
Thực ra Nhự không thấy nụ cười của mợ Ngãi có mang ý lẳng lơ, nhưng chắc nhiều người đàn ông mê đắm nụ cười của mợ. Chính Nhự, ở tuổi thanh niên
phơi phới, mà còn mê, huống hồ gì.
Nhưng đó là một thời thanh niên đã qua khi anh còn là một công tử đất Đà thành. Đà Thành xô bồ, nhộn nhịp, chẳng kém gì sài Gòn hoa lệ. Thời
đó, anh là cái đinh của đám con gái các trường Hồng Đức, Phan Thanh Giản, Sao Mai...Nhưng anh đã chọn Oanh và chỉ có Oanh, cô gái đất Thần
Kinh dịu dàng muôn thuở. Bây giờ thì Oanh đã bỏ anh đi lấy thằng công an khu vực, còn anh thì tám năm tù, chung đụng với bọn anh chị, ma cô
ma cạo, đầu đường xó chợ. Riết rồi anh cũng quen đi với lối sống giang hồ, bạt mạng.
Không còn cách nào khác, Nhự đưa mắt tìm một số nhà quen thuộc trong trí nhớ. Đây rôi, có thể đây chứ còn đâu nữa. Anh đứng bên lề đường
nhìn căn nhà lầu đầy bóng đèn nê ông. Đúng là nhà cậu Đạt chứ không sai. Dù gì, một giọt máu đào hơn ao nước lã, minh trở về với hoàn cảnh
này chắc cậu cũng thương tình mà cho mình một bữa ăn, một cái quần, cái áo, rồi ngày mai, đến đâu thì lo đến đó…
Nhự thu hết can đảm và sức lực bước lên thang lầu lộ thiên và gõ cửa. Nhà đèn sáng nhưng vắng vẻ quá. Anh đứng đợi. Có tiếng dép từ phía
trong đi ra. Cánh cửa mở, mợ Ngãi hiện ra với mái tóc thật dài. Chắc mợ hơi sợ, mợ dừng lại, hỏi vọng ra:
- Anh tìm ai đó?
- Đây có phải là nhà cậu Đạt không?
- Đúng là nhà cậu Đạt, nhưng anh là ai, tôi là vợ cậu Đạt. Cậu Đạt đã đi một năm rồi.
Nhự kêu lên:
- Mợ Ngãi, con là Nhự đây, con mới ở trại cải tạo về.
Mợ Ngãi đứng lui phía sau một bước để nhìn cho rõ Nhự, rồi bước tới gần Nhự. Người đàn ông hom hem này là Nhự sao? Nhưng đúng là Nhự, khuôn
mặt, thân hình, giọng nói.