Câu chuyện ghi lại giai đoạn từ 30/4/75 đến thời điểm có chương trình HO.
Một cảnh đời bi thảm sau cuộc chiến. Người đàn ông bị tập trung cải tạo, đói khát, bệnh tật, lao động khổ sai, không ngày về. Người đàn bà ở nhà
với đàn con dại, bị phân biệt đối xử, phải lao vào đời để kiếm miếng ăn. Những phản trắc, lọc lừa, ngoại tình, xác thịt, được viết một cách trung
thực với đầy đủ vóc dáng và nhân diện của từng nhân vật. Trong truyện còn ghi lại một thời buổi nhiễu nhương của đất nước trước và sau 30/4/75,
các tướng công sứ quân cát cư từng vùng. Tôn giáo, Đảng phái, Sinh Viên học sinh tranh đấu rồi Hộ khẩu, lý lịch, tham ô, hủ hóa.
* * *
Chương Ba Mươi Mốt
Đang đứng bán hàng ở chợ Quán, Nại Hiên thấy như có một cặp mắt nào đó nhìn xốc vào mặt nàng. Nàng ngẩng lên. Thì ra là Hòa. Anh đã đứng ở
phía ngoài từ lâu, nhìn nàng như thử cố nhận ra có phải đó là Nại Hiên không. Nại Hiên thấy mình hơi lúng túng, bối rối với ánh mắt đó, và cả
với Hòa nữa. Nàng không muốn ai nhìn thấy nàng đang là người buôn hàng xáo. Không thấy nàng bận cặp đồ vải thô xám, đi đôi dép lào lài xài,
đứng nói giá, miệng lưỡi lúc nào cũng khen lấy khen để những món hàng của mình. Nàng nhìn ra, Hòa đi gần lại nàng một chút, rồi nói:
-Chị Hiên, tôi có vào trong nhà chị ở chợ Trạm thăm chị, bà nói chị về đây, sẳn dịp tôi đi công tác đến đây, tôi ghé thăm chị và mấy cháu một
chút. Vào nhà chị trong xóm mới biết chị bán ở đây…
Hòa chưa nói hết câu, Nại Hiên đã cắt ngay:
-Anh đợi tôi chút nhé. Anh vào quán nước ngoài kia đợi tôi.
Nói xong, nàng cười giả lã với mấy người bạn hàng rồi tiếp tục nói giá.
Chị Bích nói:
-Cô Nại Hiên mới về đây mà đã có bồ rồi he.
Chị Cẩm tiếp lời:
-Trông mặt anh ta cũng còn trẻ quá chớ.
Nại Hiên thấy cần phải đính chính:
-Đâu có mấy chị, anh này đi cùng chuyến xe với tôi ở Sài Gòn về đó. Lúc đó, nhờ anh bồng mấy đứa con, chứ tôi một mình lo đâu nổi ba đứa. Về
đây, thỉnh thoảng ảnh tới thăm mấy cháu. Chứ có bồ, kép gì đâu.
Nói vậy nhưng lòng nàng cũng có những rung động nhẹ. Nhớ lần trước mình đã cự với Hòa về chuyện mình bị nghỉ dạy, đã nói cho Hòa biết mình căm
thù những người bận đồ bộ đội như anh. Nàng có một chút ân hận khi Hòa đi về rồi. Có quá đáng chăng? Hòa chỉ là một con ốc trong một cổ máy lớn.
Mà đã đứng trong cổ máy thì phải theo sự vận hành của nó, chứ không thì phải bị nghiền nát. Bên này hay bên kia, cũng chỉ là những con ốc, con
vít mà thôi.
Lần này Hòa đến làm nàng ngạc nhiên và có một chút xao động. Hòa không giận, không tự ái. Bộ quần áo bộ đội làm nàng hơi khó chịu ban đầu bây
giờ nàng cũng cảm thấy quen mắt. Cái gì cũng là một thói quen, kể cả thị hiếu hay sở thích của mình.
Bán xong mấy món hàng, Nại Hiên vào trong nhà người bạn hàng xin nước rửa mặt. Xong nàng đi ra chỗ quán nước. Hòa vẫn ngồi đó với một ly cà
phê. Thấy nàng vào, Hòa đứng lên chào:
-Mời chị ngồi, chị uống gì?
Đang khát khô cổ, nàng kêu một ly nước đá chanh. Kể từ lúc về đây, đi buôn hàng xáo, nàng chưa bao giờ đặt chân đến một quán xá nào, dù vào đó
để uống một ly trà đá. Nàng trở nên tiện tặn vì đồng tiền làm ra cực khổ quá. Nàng muốn tất cả để lo cho gia đình, lo cho con, nàng không giám
tiêu hoang.
Nại Hiên ngồi xuống ghế, nhìn Hòa hỏi:
-Anh đến tìm tôi có chuyện gì không?
Hòa không trả lời câu hỏi của nàng, mà hỏi lại:
-Chị buôn bán có khá không?
-Cũng tàm tạm qua ngày, có vất vã hơn nhiều so với đi dạy học, nhưng tôi chịu được. Cái gì riết rồi cũng quen.
Nàng nhìn Hòa kỷ hơn. Hòa không bận đồ bộ đội nữa, có lẽ từ khi biết nàng không thích màu áo đó. Hôm nay Hòa chiếc quần tây màu xanh đậm, cái
áo thun vàng nhạt, có cổ màu xanh da trời, đi dép sabô, trông Hòa trẻ ra. Nàng nhìn thấy ở Hòa, mỗi lần tìm đến thăm nàng là mỗi thay đổi về
cách ăn mặc. Nàng nhìn xuống thân thể mình, vẫn cặp đồ đen xám với loại vải rẻ tiền, đôi dép hai quai nàng mang đã mòn hơn phân nửa. Có thể nói
nàng đã già đi, già trước tuổi nhiều. Mới mấy tháng lăn lộn với cuộc mua bán, bao lần đạp xe lên các xã xa mua hàng về, dưới cái nắng gay gắt
của miền nhiệt đới, dù nàng đã đội nón, đã có khăn che mặt, nhưng cái nắng, cái nóng đã len lỏi vào từng thớ thịt nàng, làm rám khô đi những
mảng da mềm mại tươi mát. Bây giờ nhiều lúc một mình trong phòng tắm, nàng xối những gáo nước trên thân thể mình, nàng thấy mình như khô cằn đi
nhiều với số tuổi của nàng, hai mươi sáu tuổi. Một người mẹ của ba đứa con thơ dại. Nàng nhìn Hòa rồi nhìn bộ đồ mình mặc trên người, tự dưng nàng
thấy một nỗi xót xa vô cùng tận.
Hòa nhìn nàng rồi do dự, ngập ngừng nói:
-Tôi thấy chị vất vã quá tôi chịu không nổi, tôi muốn chia xẽ cùng chị. Tôi độc thân nên cũng chẳng có nhu cầu gì lớn, tôi thương mấy cháu. Tôi
mới lãnh lương, tôi biếu chị và mấy cháu một ít. Chị đừng ngại, tôi thật tình, chị đem về lo cho mấy cháu.
Nại Hiên bị bất ngờ quá. Đã đành đây là lòng tốt của Hòa nhưng ngoài cái tình thương kia, còn chất dấu bên trong chuyện gì nữa không? Nàng hất
gói tiền, được cột lại bắng cộng cao su, về phía Hòa. Nàng nói hơi nghẹn ở cổ:
-Tôi cám ơn anh, nhưng anh đem về đi, tôi và mấy đứa nhỏ không cần đâu, tôi còn có thể làm việc để nuôi nổi chúng nó. Tôi cảm ơn anh nhưng lúc
này tôi thấy chưa cần.
Câu nói của Nại Hiên có vẻ hơi thẳng thừng làm cho Hòa hơi sượng. Thật ra, người đàn bà ba con này là một ám ảnh đối với Hòa. Anh đã nghe thầm
trong mình nổi rạo rực của một tình yêu đơn phương, đã chớm nở trong trái tim thanh niên, chưa có hình bóng nào ngự trị. Anh có lầm không? Có bị
mê hoặc không? Vì đây là người đàn bà vợ một sĩ quan ngụy, là người đã có nhiều liên hệ với chế độ cũ, điều mà trong cương vị anh không được phép
quen biết, thân thiết, chuyện trò, chứ nói chi đến chuyện tình yêu. Nhưng anh không cưỡng được trái tim anh, anh nhớ nàng và lúc nào trong
tiềm thức anh cũng dậy lên hình bóng đó. Đi thăm mấy đứa nhỏ con Nại Hiên, có phải chăng đó là ngụy trang để anh tìm đến thăm nàng. Như hôm
nay, sau bao ngày tìm hỏi, biết nàng đã về đây, Hòa đã tìm đến và nghĩ rằng, sự chia sớt gánh nặng với nàng là một bổn phận, nên Hòa đã hành
động. Anh chia đôi tháng lương của anh cho Nại Hiên, anh buộc vào một gói và bây giờ, gói tiền bị trả lại.
Hòa hơi bị choáng vì thái độ của Nại Hiên, anh đã không tế nhị với người đàn bà này. Có phải tấm lòng chân thật của anh phơi bày ra quá lộ liễu?
Nhưng dù sao đó cũng là tấm lòng chân thật.
Hòa đẩy gói tiền một lần nữa về phía Nại Hiên, rồi nói:
-Chị đừng ngại gì hết, đây là tấm lòng tôi rất quý chị và thương mấy cháu.
Nại Hiên lần này quyết liệt hơn, nàng trả lời:
-Anh muốn tôi ngồi lại nói chuyện với anh thì anh cầm lại gói tiền của anh đi, không thì tôi đứng dậy đi ngay bây giờ.
Thái độ và lời nói của Nại Hiên quá dứt khoát làm cho Hòa chùn bước, anh cầm lại gói tiền và bỏ vào túi, anh lí nhí xin lỗi:
-Xin lỗi chị, có lẽ tôi hơi đường đột…nhưng thật ra, đó là cái lòng của tôi.
Nại Hiên cười mím môi như bằng lòng, nàng nói:
-Nói cho anh mừng là bây giờ tôi làm việc có hơi cực nhọc nhưng tôi cũng nuôi đủ ba đứa con. Cách sống nào rồi mình cũng quen đi. Nhưng được đi
dạy, được đứng trên bục giảng vẫn là điều mơi ước của tôi, lúc nào tôi cũng muốn được đi dạy lại.
Hòa hơi nhíu mày, anh suy nghĩ, đắn đo một chút, nhưng cuối cùng anh cũng nói ra điều anh nghĩ:
-Chị Nại Hiên nè, có điều này tôi muốn nói với chị, dù chị không bằng lòng, cũng đừng giận tôi, đây cũng là điều thành thật tôi muốn chia xẻ
cùng chị…
Nại Hiên cũng muốn nghe điều Hòa muốn nói gì:
-Anh cứ nói đi, tôi không buồn đâu.
Hòa nói thật chậm, anh cố lựa lời để khỏi chạm đến lòng tự ái cũng như tự trọng của Nại Hiên.
-Tôi đã qua gần mười năm theo cách mạng, tôi đã biết chính sách của cách mạng đối với tù hàng binh như thế nào. Hồi ở ngoài bắc, khi hòa bình
lập lại năm 1954, những người làm việc cho Pháp hay tề, ngụy, bị bắt đi tập trung cải tạo đến trên những mười năm mới về, có người còn đến hai mươi
năm. Cho nên theo tôi nghĩ, anh Soại chắc là còn lâu mới về được, mà chế độ mới là chế độ rất coi trọng vấn đề lý lịch, con cái mà có cha mẹ là
thành phần ngụy thì khó có bề làm gì được. Đi học. Đi làm. Đều dựa trên lý lịch cá nhân, lý lịch ba đời ông bà cha mẹ. Anh Soại đi cải tạo, thì
các con sẽ không đi học được, càng học lên cao càng khó, cho nên tôi có ý kiến với chị là chị nên làm giấy ly dị với anh Soại đi, hay là làm
giấy khai tử cho ảnh đi. Như vậy thì các con chị mới có thể tiến thân được. Đây là đề nghị tốt của tôi, tôi không có ý gì khác đâu. Ý chị thế
nào?
Ý kiến của Hòa thật bất ngờ. Dù đã từ lâu, Nại Hiên cũng thấy được sự việc xấu sẽ đến dài dài hay suốt đời với mẹ con nàng. Nhưng nàng không nghĩ
đến cái ngõ cụt đang chặn ngang trước mặt ba mẹ con sớm thế. Nàng cam phận sống để nuôi con, để lo cho con ăn học. Bây giờ thì ước nguyện đó có
một khối băng sơn chắn ngang. Nhưng nàng chưa bao giờ nghĩ có lúc mình phải li dị chồng hay khai tử chồng. Câu nói của Hòa như một gáo nước lạnh
dội vào mặt Nại Hiên làm nàng lặng người đi.
Nại Hiên cảm thấy mình như nghe lầm hay nghe không rõ. Nàng hỏi lại:
-Anh Hòa, anh nói chi?
Nàng đã hiểu điều Hòa nói, nhưng nàng muốn hỏi lại đó có phải là một sự thật không? Hòa nói vẫn nhỏ nhẹ:
-Những điều tôi nói với chị là thật, không có một tính toán nào khác. Tôi thương chị, thương mấy cháu, nên nói với chị một sự thật đó thôi. Còn
quyết định là do chị. Nếu chị muốn thực hiện những việc đó, tôi sẽ giúp vì tôi có quen biết nhiều.
-Anh giúp đở tôi được gì?
-Gì tôi cũng giúp, với Nại Hiên, tôi vẫn mong và cầu chúc cho Nại Hiên được sung sướng, được trở lại với trường lớp. Môi trường đó mới thích hợp
với Nại Hiên hơn.
Nàng hơi cảm động, dù gì nàng vẫn là một người đàn bà. Dù gì trong hoàn cảnh này nàng cũng cần một người đàn ông để nâng nàng đứng dậy, nàng
đuối sức quá rồi, mệt mõi quá rồi.
Hai người uống nước lặng lẽ, không khí như đọng lại. Có một người đàn bà đi vào quán.
Đó là chị hai Kim, chị đi tìm Nại Hiên vì có bạn hàng gọi. Chị thấy Nại Hiên đang ngồi với một người đàn ông, chị nghiêm mặt lại.
Chị Kim không chào Hòa mà chỉ nói với Nại Hiên:
-Mấy người bạn hàng kêu em qua, tính lại tiền hàng.
Nại Hiên thấy cần giới thiệu Hòa với chị Kim mấy câu, cho chị khỏi nghi ngờ. Nàng chỉ Hòa rồi nói:
-Đây là anh Hòa, bộ đội, bà con với em trong quê, nhân dịp công tác ngoài này nên đến thăm em.
Nại Hiên nói dối cho qua chuyện. Hòa biết điều đó. Hòa đứng lên nói:
-Thôi tôi về, khi nào rảnh tôi ghé thăm chị và mấy cháu.
Hòa cúi đầu chào chị Kim rồi bước ra khỏi quán, lên xe đạp, đạp đi. Trời bỗng nhiên có cơn gió lớn.
*
Nàng tự dưng thấy Soại thật xa. Như anh đã xa nàng từ lâu lắm rồi vậy. Nhớ lần trở về quê của nàng, hai người ân ái với nhau lần cuối, không để
lại dấu vết gì nhiều. Nàng luôn luôn suy nghĩ đến công việc của mình, trước mắt là ba đứa con, choán hết chỗ trong đời sống nàng. Rồi công việc
dạy học, nàng luôn đối phó với những cái nhìn xa lạ, những xoi mói xoáy sâu vào điểm yếu của nàng, làm nàng lúc nào cũng phải thủ thế để đối
phó. Nàng thấy mình như đang đứng trước một bờ vực sâu thẳm mà phía sau có người lúc nào cũng chực chờ xô nàng ngã xuống. Nàng còn nhớ đến Soại
không? Chỉ hàng đêm, nằm ôm con ngủ, cái lạnh lẽo của mùa đông miền trung làm nàng nhớ đến vòng tay của Soại ngày cũ, nàng cũng có những háo
hức của một người đàn ba mới hăm sáu tuổi. Nhưng nàng đã bậm môi nuốt nước bọt, cho qua đi những cơn thôi thúc dục tình. Dần dà cái thôi thúc đó
cũng loãng đi. Có lúc nàng nghĩ Soại như một hình bóng xa mờ, khuất lấp, tít tắp. Có lúc anh đến thật gần, như bên cạnh nàng. Bây giờ thì đã
mấy năm, còn bao nhiêu năm nữa anh mới được trở về. Cái xuân sắc của nàng cũng sẽ tàn phai. Những điều Hòa nói vừa qua như một quả bom nổ chậm,
vang dội trong vùng sâu thẳm của ký ức. Trong tiềm thức nàng vọng lên tiếng kêu: Cuộc sống. Cuộc sống. Nàng sẽ mãi mãi là người đàn bà đi buôn
hàng xáo, như chị ba Trà, chị Sử, chị Cần ở đây sao? Không ai đi học, không ai đỗ đạt gì. Còn nàng, bốn năm đại học sư phạm mà nay phải xếp bỏ đi
sao? Cái tiềm thức như vực dậy, cổ vũ sự sống, bon chen vào đời sống. Sao mình lại cam phận với cuộc sống này cả mấy tháng nay? Rồi tương lai
những đứa con sẽ ra sao?
“Em không coi anh là ngụy, nhưng em tạm thời dứt bỏ những quan hệ ràng buộc giữa anh với em. Mà anh biết không? Có thể là năm năm, mười năm sau
anh mới trở về, sự ràng buộc bây giờ có nghĩa gì đâu. Lúc anh về, em sẽ tiếp tục làm vợ anh ở một nơi chốn nào đó, không phải ở đây, một nơi chốn
không có ai dòm ngó. Bây giờ em phải quyết định cho các con được ăn học, cho các con có tương lai. Đó cũng là nguồn sống của anh mà.”
Gió nổi lên và cơn mưa đổ xuống dữ dội. Mưa dông. Nại Hiên trở về nhà với đôi gánh trên vai. Vai nàng đã trầy và u lên thành cục. Những lời nói
của Hòa vẫn âm vọng trong đầu óc nàng trên suốt chặn đường đi về.
“Em vứt bỏ anh một cục u sần trên vai em hiện có, đã làm đau em bây giờ. Mai này khi vết thưong lành lặn. Em sẽ là của anh. Anh tha thứ cho
em, anh yêu dấu.”
Cơn mưa làm nàng ướt nhẹp.