Câu chuyện ghi lại giai đoạn từ 30/4/75 đến thời điểm có chương trình HO.
Một cảnh đời bi thảm sau cuộc chiến. Người đàn ông bị tập trung cải tạo, đói khát, bệnh tật, lao động khổ sai, không ngày về. Người đàn bà ở nhà
với đàn con dại, bị phân biệt đối xử, phải lao vào đời để kiếm miếng ăn. Những phản trắc, lọc lừa, ngoại tình, xác thịt, được viết một cách trung
thực với đầy đủ vóc dáng và nhân diện của từng nhân vật. Trong truyện còn ghi lại một thời buổi nhiễu nhương của đất nước trước và sau 30/4/75,
các tướng công sứ quân cát cư từng vùng. Tôn giáo, Đảng phái, Sinh Viên học sinh tranh đấu rồi Hộ khẩu, lý lịch, tham ô, hủ hóa.
* * *
Chương Ba Mươi
Soại sau khi nghe kêu tên mình, anh nói lớn, có mặt, rồi xách đồ bước ra khỏi hàng. Đi theo mấy người bạn được kêu tên trước, bước vào một căn
nhà loại nhà tiền chế của Mỹ ở căn cứ Long Giao. Thế là chưa đầy một năm mà anh đã ba lần chuyển trại. Mỗi lần đi là mỗi lần khám đồ đạc.
Đồ đạc của anh chẳng có gì. Áo quần toàn lãnh trong trại, mền mùng cũng vậy. Khám là để tìm loại cấm như dao, búa, hay kèm, cưa, đục, chẳng
hạn. Anh làm gì có những thứ đó. Những thằng khố rách như anh, chẳng có gì phải bận tâm.
Soại bước theo những người bạn đi trước. Vào trong lán đã thấy một số anh em khác cũng đang khệ nệ bưng, xách đồ đạc của mình đi tìm chỗ nằm. Anh
đến một chỗ còn trống trong dãy nhà dài. Lần này cả đội được chia ở chung một căn nhà dài. Anh đặt xách đồ của mình bên cạnh một anh mặt mày lạ
hoắc. Soại hỏi:
-Anh từ đâu về đây vậy?
Người bạn mới nhìn anh rồi trả lời:
-Tụi tôi từ Phú Quốc về, đi bằng tàu, rồi được chỡ bằng xe tới đây.
Soại ngạc nhiên hỏi lại:
-Phú Quốc? Chắc anh trình diện đâu miệt miền Tây?
-Không, tôi trình diện ở Sài Gòn, bị đưa ra Phú Quốc cả năm nay. Nay nghe nói bên Miên sắp đánh qua nên họ sợ, họ cho tụi tôi về.
-Thế mà tôi không biết, các anh ở Phú Quốc có đông không?
-Khoảng ba, bốn ngàn người.
Soại thật ngây thơ. Sĩ quan và viên chức chế độ cũ quá nhiều. Khi buông súng, ai cũng muốn đi học tập cho xong, coi như đi trả nợ đời. Cho nên
ai cũng tranh nhau đi trình diện, có người còn sợ đi trình diện không kịp ngày giờ sẽ bị không cho đi học, nên họ thức dậy từ rất sớm. Đến bây
giờ thì ngã ngữa ra, ai cũng đã vào trong một cái rọ. Cái rọ không có giây cột, mà không ai thoát được. Bây giờ họ vẫn còn tin là sẽ được học
tập, học tập tốt sẽ được tha về. Tập trung như thế này một vài năm là dài quá rồi.
Soại vừa sửa soạn chỗ nằm, vừa nhìn người bạn mới. Anh bạn người bắc, nói năng nhẹ nhàng, trông rất hiền từ. Soại gợi chuyện:
-Anh tên gì vậy, hồi trước làm việc ở đâu vậy?
-Tôi tên Thuấn, ngành Chiến Tranh chính Trị, làm việc ở quận mười một, thuộc đô thành Sài Gòn.
Soại nghe lòng vui vui. Một người bạn cùng ngành với anh, anh sởi lởi nói:
-Tôi cũng là dân Chiến Tranh Chính Trị đây, tôi học Đà Lạt ra, nhưng không được làm Chiến Tranh Chính Trị như anh, tôi đi bộ binh và là dân
tác chiến, tôi tên Soại.
Hai người bước đầu đã có sự tâm đắc. Thuấn ít nói, biết nhún nhường, lanh lợi nhưng không bon chen. Soại thấy thích người bạn mới này.
Hai người nằm kề nhau. Soại nghĩ đến Niệm, người bạn cùng nằm gần anh một thời gian ở Trảng Lớn. Bây giờ Niệm ở đâu? Cũng quanh quất đâu đây hay
đã đổi ra trung, ra bắc. Anh em cải tạo như những áng mây, hợp đó rồi tan đó.
Thuấn nói:
-Mới đầu lên tàu ra Phú Quốc tụi tôi cũng ớn lắm, cứ tưởng mình sẽ bị đem ra bỏ biển. Nhưng ra đến nơi sống tương đối thoải mái. Đi lao động về
được ra tắm biển. Phú quốc là một hòn đảo nên quản giáo, cán bộ ít lo chuyện anh em trốn trại.
Soại kể cho Thuấn nghe về vụ nổ ở Long Khánh. Không biết tin tức đâu mà cũng bay lọt đến tai đám Phú Quốc này.
Thuấn nói:
-Tôi nghe nói có vụ nổ, nhưng không rõ chi tiết lắm. Ở Phú Quốc những ngày gần đây, tụi Miên đe doạ đánh qua nên mới chuyển trại đó chớ.
Có Thuấn, Soại cũng thấy bớt đi nỗi cô đơn. Thuấn kể cho Soại nghe về Thuấn, gần ba mươi tuổi rồi mà Thuấn vẫn còn độc than. Khi khăn gói đi
trình diện học tập, Thuấn có một cô bé học trò láng giềng vẫy tay đưa tiễn. Hai gia đình có quen biết nhau nên anh định sau khi học tập mười
ngày xong, anh trở về sẽ cưới cô bé làm vợ. Cô bé tên Hậu, cái tên nghe đủ dễ thương. Không biết sau gần một năm anh bị nhốt không hẹn ngày về,
không tin tức liên lạc gì, cô Hậu có còn giữ lòng với Thuấn không đây?
Trong căn lán mới của Soại còn có thêm hai anh em nhà văn Thứ Lang. Hai anh em cùng nằm sát nhau. Cả hai cùng là sĩ quan quân pháp. Lúc mới
lớn Soại đã mê tờ Văn Học do Thứ Lang làm chủ bút và những vở kịch cùng những truyện ngắn, truyện dài của anh. Bây giờ sống với nhau, tiếp xúc
với nhau bằng xương, bằng thịt hằng ngày, bằng cuộc sống trong trại cải tạo cam khổ này, tình cảm của anh đối với hai bậc đàn anh văn nghệ này vẫn
như xưa. Hình như mỗi nhà văn đều ẩn chứa trong lòng Soại một tình cảm nhẹ nhàng, quý mến.
Sinh hoạt trong trại mới rồi đâu cũng vào đó. Cũng bổn cũ soạn lại khắp mọi nơi mọi chốn: Khai lý lịch, lao động ngoài hiện trường, tối về họp
kiểm điểm, lên lớp học tập chính trị. Đã qua hai trại rồi, Soại thấy lòng mình cũng chai lỳ đi. Anh không còn cái hy vọng trở về sớm. Không còn
hy vọng gì nữa ngoài cuộc sống như một động vật: ăn, ngủ, ỉa, lao động. Chỉ trừ “cái món kia” là không có.
“Cái món kia” cũng là một khổ nạn. Những ngày lính tráng đi hành quân trên núi rừng hai ba tháng, ngày trở về thành phố dưỡng quân là anh trở
về nhà với Nại Hiên. Bây giờ đã một năm xa vô, bị “treo niêu” nên thời gian đầu lúc nào anh cũng thấy náo nức lắm. Nhưng rồi, dần dần, cuộc sống
trong tù với khoai mì, bo bo, bắp, gạo hẩm, chỉ ăn với nước muối nên sinh lực dần dần cạn kiệt. Lao động ngoài hiện trường, một ngày phơi thân
dưới nắng, đã vắt cạn đi hết cái mầm sống trong anh. Hình ảnh, bóng sắc của đàn bà chỉ còn trong suy nghĩ, trong tưởng tượng, trong những giấc mơ
chập chờn tỉnh thức.