Câu chuyện ghi lại giai đoạn từ 30/4/75 đến thời điểm có chương trình HO.
Một cảnh đời bi thảm sau cuộc chiến. Người đàn ông bị tập trung cải tạo, đói khát, bệnh tật, lao động khổ sai, không ngày về. Người đàn bà ở nhà với đàn con dại, bị phân biệt đối xử, phải lao vào đời để kiếm miếng ăn. Những phản trắc, lọc lừa, ngoại tình, xác thịt, được viết một cách trung thực với đầy đủ vóc dáng và nhân diện của từng nhân vật. Trong truyện còn ghi lại một thời buổi nhiễu nhương của đất nước trước và sau 30/4/75, các tướng công sứ quân cát cư từng vùng. Tôn giáo, Đảng phái, Sinh Viên học sinh tranh đấu rồi Hộ khẩu, lý lịch, tham ô, hủ hóa.
* * *
Chương Hai Mươi Chín
Theo sự chỉ dẫn của chị Kim, Nại Hiên đi mua mấy cái rổ tre, mấy cái thúng. Đó là những vật dụng để nàng đi buôn hang xáo. Chị Kim nói:
-Em đạp xe lên vùng trên, vô mấy xóm quê, hỏi dân trong đó có bán gì không thì mình mua. Đậu phụng, đậu xanh, đậu đen, chè, chuối, mít. Mua rồi bỏ vào rổ, vào thúng, cột chở về chợ Quán, bán lại, hể thấy lời là bán. Nghề dạy nghề, em đi một vài lần sẽ quen đi.
Nại Hiên nghe lời. Nàng ký ca ký cóp, còn một chỉ vàng, nàng đem xuống chợ Tam Kỳ bán, đây là số vốn còn lại duy nhất của nàng.
Thôi dẹp hết những áo dài vàng hoàng hậu, áo dài xanh lam ngọc, áo dài màu “bọt đô” kiểu raglan mới nhất. Thôi bỏ hết những chiếc đầm ngắn, đầm dài, đủ màu, đủ cở mà ngày trước Soại đã mua cho nàng. Thôi bỏ hết những quần jean, quần tây dài, ngắn. Chỉ con lại, bây giờ, là cái quần đen, cái áo đen, chiếc nón lá thô đội trên đầu che nắng, với những cái rổ, cái thúng, được cột phía sau baga xe đạp. Nàng bắt đầu chuyện làm ăn như thế này để kiếm lấy lon gạo, mớ rau, lát cá về nuôi con.
Nàng cất kỷ số tiền bán chỉ vào trong bóp, rồi nói với bé Anh Thư:
-Con ở nhà với bà nội nghe, coi em đừng cho em vọc đất, đừng cho em ra giếng, mẹ đi làm chiều mẹ về.
Con Anh Thư chỉ biết gật đầu, dạ. Nó còn nhỏ quá, đâu biết được hoàn cảnh của mẹ nó bây giờ.
Nàng đạp xe ra đường cái. Nắng chang chang trên đầu. Gió thổi ngược chiều làm xe đạp như muốn dừng lại. Nàng phải gò người về phía trước. Nàng mặc thêm bên ngoài một chiếc áo nhà binh màu cứt ngựa dài tay để che nắng. Nắng bắt đầu chói lên lên đầu, xộc vào mặt, vào mũi nàng. Nàng theo sự chỉ dẫn của chị Kim về con đường trước mặt. Cứ thế mà đạp xe, dù những nơi này nàng chưa một lần đặt chân đến.
“Trước lạ, sau quen, em ạ, cố gắng đi”. Nàng nghe lời chị Kim văng vẳng bên tai. Nàng đạp xe qua khỏi chợ Quán, ra khỏi ga xe lửa, qua một cái cầu sắt. Đây là xã Kỳ Bình. Nàng tấp vô mấy nhà trong xóm. Mấy con chó thấy người lạ thì sủa vang lên rồi chạy đến bên xe nàng, vừa sủa, vừa gầm gừ, nhe hàm răng trắng nhởn. Một người đàn bà từ trong nhà bước ra. Nàng vội hỏi, giọng xởi lởi:
-Chào chị, nhà chị có bán gì không? Chè, mít khô hay tiêu?
Nàng nói như là quen kiểu mua bán này quá rồi vậy.
Người đàn bà hỏi lại:
-Cô mua gì?
Nại Hiên lại nhoẻn nụ cười thật tươi.
-Có gì mua nấy, chị có bán gì không?
Người đàn bà cười:
-Ở đây gần chợ Quán Rường lắm, đi một chút là tới. Ai có hàng cũng đem ra chợ Quán Rường bán cho được giá, chứ không bán cho bạn hàng xáo đâu, cô đạp xe lên trên xa nữa kìa.
Nại Hiên chưng hửng. Thế mà nàng tưởng đến đây là quá xa rồi. Hai chân nàng đạp xe, dắt xe qua cầu, qua những bờ kênh đã mõi rụng đôi chân và đôi tay. Nay người đàn bà bảo nàng đi xa nữa. Đi đến đâu, đi đến tận ngọn núi Cà Tý kia phải không? Đến đó, mua đầy hàng rồi chở về nữa. Chao ơi!
Nại Hiên kêu thầm trong bụng, nàng gật đầu chào người đàn bà rồi lầm lủi đạp xe đi. Còn bao nhiêu đoạn đường nữa mới đến nơi có hàng thổ sản cho nàng mua. Mồ hôi chảy ra ướt đầm cả vạt áo sau lưng của nàng.
Đến xế trưa thì Nại Hiên mới tời khu dân làng ở dưới chân núi Cà Tý. Nàng hỏi một người đàn bà đang đứng trong vườn bên một ngôi nhà tranh thấp, như là đã quen lắm:
-Chị ơi, chị có thổ sản gì bán không? Em mua cho.
Người đàn bà nói:
-Tôi có một ít chè, định đem xuống chợ bán, nay có cô lên mua thì tôi bán cho. Vô đây, vô đây coi hàng.
Người đàn bà vồn vã làm cho Nại Hiên lên tinh thần. Nàng dựng xe bên gốc cây ngoài vườn rồi bước vô nhà. Người đàn bà chống tấm cửa lên rồi nói:
-Cô vào nhà đi, ngồi uống nước nghỉ đi. Tôi vào lấy bao chè ra cho cô coi.
Căn nhà tranh, tối và ẩm thấp. Một căn buồng phía trong dung để chứa đồ. Người đàn bà đem ra cái bao tải đựng chè khô:
-Đây cô coi. Chè nhà tôi hái phơi khô hồi trước Tết. Định để nấu nước uống nhưng nay túng quá, cô mua được tôi bán để mua lúa giống về gieo. Mùa này, ruộng lúa nhà tôi thất bát quá.
Nàng cầm lấy cái bao, bốc chè lên tay coi. Chè tỏa mùi thơn ngan ngát. Đây là loại chè nhỏ, hái bằng nụ chè, phơi sương nhiều lần mới đem phơi nắng. Nàng hỏi nhỏ:
-Chị bán bao nhiêu một ký?
-Nếu tôi đem xuống chợ Quán Rường thì phải hai chục ngàn, nhưng cô đã lên đến đây, tôi lấy mười tám ngàn thôi, để cô về bán lại kiếm chút đỉnh.
Nàng thấy băn khoăn trong dạ, không biết trả giá ra sao, nàng đành nói thật:
-Chị ơi, em mới đi buôn lần đầu, đâu có rành giá cả gì đâu, chị bớt cho em được không? Chị lấy em mười lăm nghìn một ký đi.
Người đàn bà nhìn nàng, như thấy dáng vẻ của nàng không phải là người đi buôn chuyên nghiệp, nên chị ta nói:
-Tôi nói giá thật chứ không nói thách đâu, nhưng mà cô mới ra nghề thì tôi bớt cho cô hai ngàn nữa, mười sáu ngàn đó, cô tin tôi đi, cô mua số chè này về chợ Quán Rường bán lơi chắc mẻm bốn ngàn một ký đó.
Nàng đồng ý mua gần mười lăm ký chè của người đàn bà. Nàng trả tiền rồi bỏ bao chè lên trên cái thúng, đặt lên baga xe đạp, lấy dây ràng cột lại rồi chở đi, sau khi đã uống một gáo nước lạnh từ ảng nước trong nhà người đàn bà. Nàng đạp xe lên trên nữa. Mua thêm một số hàng như cau, trầu, đậu đen, mỗi nơi một hai ký, ba bốn ký. Đến gần ba giờ chiều mới đạp xe về.
Ngày đầu tiên đi buôn “hàng xáo”. Nại Hiên lời trên sáu chục ngàn. Tròn trèm hơn hai ngày đi dạy của nàng. Tuy mệt điếng người nhưng nàng cũng vui. Nàng ghé chợ mua quà cho con và cho bà Khải, dù gì bà cũng ở nhà giữ con cho nàng đi chạy chợ.
Nại Hiên đã trở thành một người buôn hàng xáo thuần thục. Nàng đi lên các xóm nhà sâu trong tận các hẻm núi rừng xã Phước Long. Ở đây họ để dành thổ sản đổi lấy hàng hóa dưới chợ, như vải vóc, áo quần, muối, cá khô, nước mắm, xì dầu. Sau khi hành nghề được khoảng hai tuần, nàng trở thành người trao đổi hàng hóa hơn là đi buôn. Buổi sang nàng chở trên xe một “cần xé” hàng. Buổi chiều nàng chở về một “cần xé” thổ sản. Nàng đem về chợ là có mối mua ngay. Ngày nào nàng cũng kiếm được tiền lời, nhưng thân xác nàng thì hao gầy đi thấy rõ. Chiếc xe đạp kẽo kẹt. Quần ống thấp ống cao. Nón lá đội che đầu, mặt trùm kín mít với cái khăn buộc quanh miệng. Nàng đã trở thành người đàn bà đi buôn thật sự.