Câu chuyện ghi lại giai đoạn từ 30/4/75 đến thời điểm có chương trình HO.
Một cảnh đời bi thảm sau cuộc chiến. Người đàn ông bị tập trung cải tạo, đói khát, bệnh tật, lao động khổ sai, không ngày về. Người đàn bà ở nhà
với đàn con dại, bị phân biệt đối xử, phải lao vào đời để kiếm miếng ăn. Những phản trắc, lọc lừa, ngoại tình, xác thịt, được viết một cách trung
thực với đầy đủ vóc dáng và nhân diện của từng nhân vật. Trong truyện còn ghi lại một thời buổi nhiễu nhương của đất nước trước và sau 30/4/75,
các tướng công sứ quân cát cư từng vùng. Tôn giáo, Đảng phái, Sinh Viên học sinh tranh đấu rồi Hộ khẩu, lý lịch, tham ô, hủ hóa.
* * *
Chương Hai Mươi Bảy - Phần 2
Cơn giận làm nàng đỏ mặt, nàng muốn nói một câu gì đó với Hòa, nhỗ toẹt vào mặt anh những uất hận mà nàng đã ngầm giữ trong long từ ngày bị
nghỉ việc. Nhưng cái lòng nàng, cái miệng nàng, từ lâu, vẫn là của một cô giáo, đứng trên bảng đen giảng cho học trò những lời hay ý đẹp. Nàng
không mở ra lời. Cuối cùng nàng chỉ ứa nước mắt nói:
-Các anh về đây làm gia đình tôi khổ quá. Thôi anh đi đi, đừng đến thăm tôi nữa, tôi hận mấy anh quá rồi.
Hòa hơi sựng lại vì câu nói của Nại Hiên, anh cũng tự hiểu ra, có một hố sâu ngăn cách gữa anh và nàng. Trên đường từ Sài Gòn về, cô giáo một
nách ba con làm anh mũi lòng và thấy cần giúp đỡ. Qua những lần tiếp xúc, anh thấy nàng một tâm hồn rất lạ lẫm làm anh bị cuốn hút. Có phải
những ngày trong bộ đội, nằm rừng, nằm hố, đã chôn chặt trong anh những ước mơ về một mối tình đẹp. Ai nói con người cộng sản không có tình yêu.
Anh đã lên rừng là cả một nhiệt huyết của tuổi trẻ. Chiến Tranh Giải Phóng. Kháng Chiến. Là những danh từ đẹp nhất đã kích động con người anh.
Bây giờ trở về. Anh thấy mình như đã qua đi, đã bỏ mất một quãng đời niên thiếu đẹp đẽ thơ mộng. Nại Hiên đã cho anh lại những mơ mộng về một tà
áo dài thấp thoáng ở sân trường trung học. Nhưng sao Nại Hiên vẫn còn căm hờn những người như anh? Ra đi vì một lòng giải phóng quê hương.
Anh nói nhẹ nhàng:
-Chị đừng buồn tôi. Tôi vô tội trong chuyện này. Thôi xin phép chị tôi về. Chúc chị một cái tết vui. Tôi gởi chị chút quà cho các cháu.
Hòa để gói quà trên bàn rồi quay quả ra xe. Nại Hiên nghe lòng mình trống không. Cái trống không của chán nãn và uất hận.
Hòa đạp xe đi. Tiếng chuông leng keng đã ở đầu ngõ. Nại Hiên mới thấy ân hận về chuyện mình đã nói nặng lời với Hòa. Mình giận cá chém thớt quá
đáng. Nại Hiên bước đến cầm gói quà và mở ra. Bánh ngọt và cốm Trung Quốc. Của tuy không quý nhưng nàng nghe lòng mình dịu lại. Đây có lẽ là
suất lãnh ăn tết của Hòa, Hòa đem biếu hết cho nàng và các con. Dù gì thì cũng là một tấm lòng. Nàng đem những miếng cốm Trung Quốc cho bà Ngọ
và các con.
Nàng kêu:
-Anh Thư dẫn em vào đây me biểu.
Ba đứa con nàng đang chơi ngoài sân chạy vào. Đông Nghi liếng thoắng hỏi:
-Sao chú Hòa về sớm vậy me, me làm gì chú Hòa giận vậy?
Nàng nạt con:
-Kệ chú ấy, con đừng hỏi. Vào đây ăn bánh.
Thấy các con vui mừng chia nhau bánh cốm. Nàng nghĩ, mình hận thù họ mà mình nhận quà của họ. Thật là nhục quá chừng. Nàng muốn hất tung gói
quà đi nhưng thấy các con đã cầm trên tay đưa lên miệng ăn ngon lành, trông chúng đùa giỡn vui vẻ với nhau nàng không nỡ giật lấy miếng bánh.
* * *
Dắt díu ba đứa con trở về lại căn nhà bà Khải, nàng thấy bước chân mình như đi trên con đường nung nóng. Xuống xe lam từ bến xe Tam Kỳ, Nại
Hiên thuê xe đạp thồ chở ba đứa con, còn nàng đạp chiếc xe đạp của nàng đem theo về nhà bà nội. Chiếc xe đạp bây giờ như là một vật bất ly thân
đối với nàng. Đó là cái chân nối dài của nàng.
Nàng nói với người đạp xe thồ:
-Bác chở dùm ba đứa nhỏ về chợ Quán, bao nhiêu hả bác?
-Mười lăm ngàn đồng.
Bác chở ba đứa nghe, một đứa bác để trước, hai đứa để ở sau, được không bác?
-Được chứ. Thì phải vậy thôi.
Bác xe thồ cột sau baga một tấm gỗ dài, đặt hai đứa nhỏ lên. Anh Thư và Đông Nghi ngồi ôm nhau. Còn Anh Chi ngồi phía trước. Nại Hiên đạp xe
theo trên con đường lởm chởm những hòn đá cuội. Cuộc di tản, bỏ chạy, thất trận, để lại cho nàng một gia tài như thế này đây.
Xe chạy vô nhà bà Khải. Căn nhà cũ, mảnh vườn, sân cỏ, cây dừa, cây dâu đất, cái giếng tắm. Tất cả hiện ra trước mắt như đang nhìn nàng bằng cái
nhìn soi mói.
Nại Hiên xuống xe đạp. Ba đứa con được bế xuống đất, tụi nó chạy vô nhà thưa bà nội. Nàng trả tiền cho bác xe thồ rồi bước vào nhà. Bà Khải đang
ngồi trên cái chỏng tre.
Bà nói giọng hiền lành:
-Mẹ con nhà Hiên về đó hả. Con Thư, con Nghi, con Chi, đứa nào cũng lớn quá he.
Nàng bảo ba đứa con:
-Mấy đứa vòng tay chào bà nội đi con.
Ba đứa thi nhau chào bà nội rồi chạy ra sân chơi. Còn lại mình nàng trong nhà, nàng nói vơí bà Khải:
-Con bị trường cho nghỉ việc rồi mẹ. Họ nói gia đình mình là ngụy nên không cho con làm việc nữa. Biết làm sao bây giờ. Con ra ở với mẹ một thời
gian, nhờ chị Kim chỉ cho con mua bán kiếm ăn nuôi con. Mẹ thấy được không mẹ?
Bà Khải chậm rãi:
-Thời buổi khó khăn quá. Kiếm miếng cơm cũng khó. Nhưng thôi để đó tính sau. Miễn là con chịu cực, chịu khổ thì làm gì cũng được. Kệ, cố gắng
nghe con. Con có nghe tin tức gì của thằng Soại không?
-Dạ có. Chị Vân con nhắn về, họ nói đi học tập mười ngaỳ mà mười ngày không thả về mẹ à. Anh Soại đang tập trung ở Long Khánh, ảnh có thư về cho
chị Vân con đó mẹ, ảnh nói ảnh vẫn khoẻ.
Nàng nói để cho bà Khải an lòng, chứ thật ra từ ngày về đây nàng cũng chẳng được của Soại một thư nào. Nghe tin chị Vân nhắn về, anh có gởi cho
chị một là thư ngắn viết có mấy dòng, báo tin anh đang ở Long Khánh, hỏi thăm Nại Hiên và mấy con. Thế thôi. Thời buổi khó khăn, đường sá ngút
ngàn. Nại Hiên thấy long mình bỗng dưng nguội lạnh, cả tình yêu với chồng. Có phải cái khổ của nàng bây giờ là do Soại làm nên không? Có phải
ba đứa con đã ghì cuộc đời nàng xuống để nàng ngóc đầu không nổi, có phải cái từ “ngụy” đã đi theo sát nàng là do Soại đem đến không?
Nàng mua cho bà Khải gói thuốc Cẩm Lệ để bà ăn trầu. Bà Khải ngồi nhai trầu bỏm bẻm, bà còn xỉa thuốc nữa, thuốc Cẩm Lệ ngon, bà xỉa vào, hơi
thuốc làm bà ngây ngây say. Bà nói với Nại Hiên:
-Chị hai mi cũng hết đi dạy rồi. Nó đi buôn trên Cẩm Khê, Tiên Phước. Buôn hàng xáo đó mà. Lên đó có gì mua nấy đem về chợ Quán bán. Cũng kiếm
đủ ăn. Mi không biết có sức đi buôn như rứa không?
Nại Hiên trả lời:
-Con cũng cố thôi chứ không biết làm sao mẹ. Đói thì đầu gối phải bò. Chắc là phải nhờ chị hai dẫn dắt chuyện buôn bán chứ con trước giờ đâu có
biết buôn bán là gì?
Bà Khải nói:
-Mi đem cháu về đây ở với tau là tau mừng. Chuyện làm ăn để đó tính sau. Mi tắm rửa rồi đi nấu cơm ăn. Mẹ ra chợ mua chút đồ ăn. Gạo mẹ để trong
thạp đó.
Nói rồi bà Khải le te bước ra cổng. Cuộc đời bà, vẫn những bước chân le te đó, đã nuôi hai thằng con trai lớn khôn.
Nại Hiên dọn dẹp trong bếp. Những cái nồi đã cũ đầy lọ. Những cái rế dùng đề son, nồi đã hư, đã rách, nằm chông chênh ngoài sàn nước. Bà Khải ở
một mình, đã già rồi nên không ai dọn dẹp. Nàng sắp xếp lại chỗ để bát, đủa. Sắp xếp lại nồi, niêu, son, chão cho gọn ghẽ. Bây giờ nàng thực sự
gánh vác gia đình này. Một mẹ già và ba đứa con dại.