Câu chuyện ghi lại giai đoạn từ 30/4/75 đến thời điểm có chương trình HO.
Một cảnh đời bi thảm sau cuộc chiến. Người đàn ông bị tập trung cải tạo, đói khát, bệnh tật, lao động khổ sai, không ngày về. Người đàn bà ở nhà
với đàn con dại, bị phân biệt đối xử, phải lao vào đời để kiếm miếng ăn. Những phản trắc, lọc lừa, ngoại tình, xác thịt, được viết một cách trung
thực với đầy đủ vóc dáng và nhân diện của từng nhân vật. Trong truyện còn ghi lại một thời buổi nhiễu nhương của đất nước trước và sau 30/4/75,
các tướng công sứ quân cát cư từng vùng. Tôn giáo, Đảng phái, Sinh Viên học sinh tranh đấu rồi Hộ khẩu, lý lịch, tham ô, hủ hóa.
* * *
Chương Hai Mươi Bảy
Nại Hiên trở về nhà. Một lần trở về buồn bã và tuyệt vọng. Nhận được tin thôi việc từ ông hiệu trưởng tám Thọ, nàng bỗng chao đi một lúc rồi nàng
lấy lại bình tĩnh. Nàng sắp xếp hồ sơ đúng như mọi ngày vẫn làm, nàng định cố gắng để làm hết ngày hôm nay, nhưng đến gần trưa, không chịu được sự
xao động và buồn trong lòng, nàng gõ cửa vào nói với ông hiệu trưởng:
-Thưa thầy, em đã làm xong công việc ngày hôm nay, em xin về.
Ông hiệu trưởng tám Thọ đang đọc cái gì đó, nghe tiếng gõ cửa thì ngẫn đầu lên, thoáng thấy bóng Nại Hiên, ông trở nên lúng túng, khi nghe Nại
Hiên nói, ông mới trấn tỉnh lại rồi cất tiếng:
-Cô muốn nghỉ việc ngay hôm nay hả? Thôi cũng được. Tôi cũng không giữ cô làm gì. Cô về đi, tôi sẽ chấm công cho cô đến cuối tháng. Tem phiếu
mua hàng cũng vậy, cô sẽ nhận được đầy đủ.
Nại Hiên nói cảm ơn thầy rồi bước ra ngoài. Nàng đi luôn một mạch ra ngoài chỗ để xe đạp. Nàng cúi mặt đi lầm lủi, rồi nàng ngững lên nhìn lại
ngôi trường. Đây là lần cuối cùng nàng nhìn lại ngôi trường, một thời gian dài nàng đã gắn bó. Bây giờ thì hết rồi, hết mọi hy vọng. Sẽ là lần
cuối cùng, sẽ không còn những háo hức đứng trên bục giảng trở lại. Bốn năm đã sống và làm việc ở đây. Dù gì cũng để lại trong tâm hồn nàng bao
nhiêu kỷ niệm. Nàng cũng muốn đến chào thầy Quỳnh, thầy Huy, thầy Khởi, nhưng cũng chẳng nghĩa lý gì. Ai cũng như nàng, cũng hoàn cảnh của một
người bị cho thôi việc.
Nại Hiên bước ra khỏi sân trường, đến cổng, nàng quay lại nhìn ngôi trường. Nàng vẫy tay thật nhẹ với ngôi trường rồi vẫy tay tay đón một chiếc
xe lam, cho tài xế bỏ chiếc xe đạp nàng lên mui, nàng thấy mệt mõi không còn sức để đạp xe đạp nữa.
“Anh biết không? Em đã trở về và đã thất vọng. Một hy vọng nhỏ bé để bấu víu là được đi dạy lại, để khi anh về cùng em lo nuôi con, mà cũng
không được. Bây giờ không biết em sẽ làm gì để sống đây. Anh ở đâu, anh đang ở đâu vậy hở?”
Người lái xe hỏi:
-Cô về đâu?
-Tôi về đến chợ.
-Hai trăm.
Nại Hiên lấy tiền ra trả. Nàng không nói gì thêm. Nàng nghe lòng mình chùng xuống.
Nại Hiên đạp xe từ ngã ba chợ về nhà. Vẫn con đường đất đỏ mấy chục năm nàng đã sống. Bây giờ tự nhiên như xa lạ. vô hồn. Mấy lần đi làm về, nàng
thường ghé chợ để mua chút cá hay chút thịt về nấu cho mẹ và các con ăn cơm. Hôm nay nàng bị thôi việc, buồn quá, nàng chạy xe về nhà luôn.
Các con chạy ra đón nàng. Đứa nào cũng vô tư hỏi mẹ đủ điều.
Nàng đi vào nhà. Bà Ngọ hỏi:
-Sao hôm nay về sớm vậy con?
Nàng ứa nước mắt:
-Con bị cho nghỉ việc rồi mẹ.
Bà Ngọ hơi sựng lại một chút. Nhưng rồi bà cũng hiểu ra. Nai Hiên không thể được tiếp tục làm việc vì gia đình bà toàn là “ngụy”. Điều đó thật
dễ hiểu. Bà không buồn nhưng bà lo cho con và cháu. Nó sẽ làm gì để kiếm miếng ăn đây?
Bà nhẹ nhàng nói:
-Khi con về lại đây mẹ đã nghĩ là con không xin đi dạy lại được. Trước đây những thầy cô giáo gia đình có liên quan đến ngụy đều không được dạy
lại. Con được làm việc là chuyện khó tin, cũng nhờ thằng tư Lộc. Nay con nghỉ việc là mẹ biết điều mẹ nghĩ là đúng, thằng tư Lộc thì sắp nghỉ hưu.
Thôi cũng đừng buồn, chuyện đâu còn có đó. Trời sinh voi sinh cỏ.
Bà Ngọ nói theo suy nghĩ của bà, bà dùng chữ “ngụy” để chỉ về phe quốc gia như bao nhiêu người đã dùng, để chỉ một chế độ đã qua, bà không có
một suy nghĩ gì về từ ngữ. Nại Hiên ra giếng rửa mặt, mũi, tay, chân. Nàng thả chiếc gàu xuống giếng nước múc nước, mặt nước lung linh, bong hình
nàng tan loãng, chao động. Bóng nước chao động như chính lòng nàng lúc này. Chỉ có một ý nghĩ duy nhất. Làm gì để ăn, để sống đây? Nàng, một
bà mẹ và ba đứa con. Nàng làm việc ở trường thế mà cũng được sáu tháng. Mỗi tháng lãnh được mười tám ký gạo. Tem phiếu mua thức ăn, thực phẩm và
một số tiền nhỏ. Cả gia đình nàng sống dựa vào đó.
Bây giờ mất đi khoản lương đó. Làm sao? Làm sao? Gần Tết rồi. Còn mấy tuần nữa thôi. Thôi chịu đựng qua Tết sẽ lo liệu cho công việc mới. Lúc này
phải xắn tay áo lên chạy chợ. Chứ không cả nhà sẽ đói. Nghĩ đến chữ đói nàng thấy run người lên.
Tết rồi cũng đến, đang đến. Buồn tẻ và lạnh ngắt. Cả nhà không sắm sửa gì. Không hoa quả, không bánh trái. Bánh tét, bánh ú, bánh gai của những
mùa tết xưa, nay không có. Không pháo nổ, không dưa hành câu đối đỏ. Cả gia đình Nại Hiên sống lầm lủi. Nàng soạn lại mấy cái áo cũ còn mặc được
cho các con. Mua một con gà về cúng giao thừa với xôi nếp. Cả nhà im lặng. Bà Ngọ nhìn con và cháu ăn tết mà nước mắt lưng tròng. Cái tết đầu
tiên sau ngày giải phóng. Nàng không dẫn con đi chơi đâu, chỉ lẩn quẩn trong nhà. Nàng nghĩ đến Soại bằng những ý nghĩ rời rạc. Mười ngày đã
qua. Rồi ba tháng, rồi sáu tháng. Mọi hy vọng đoàn tụ tắt ngấm trong lòng nàng. Nàng thấy nàng khổ hơn bất cứ ai, kể cả Soại đang trong diện tập
trung. Vì trên vai nàng còn phải nuôi ba đứa con. Nàng phải suy nghĩ, tính toán.
Ngày mồng ba.
Đang ngồi xếp đồ cho con ở ghế trường kỷ thì có tiếng chó sủa rồi tiếng xe đạp thắng kít ngoài sân. Tiếng của bé Anh Thư reo ngoài hiên:
-Chào chú Hòa, chú Hòa đến thăm con đó hả? Chúc mừng năm mới chú Hòa.
Nại Hiên nghe tim mình đập mạnh. Hòa. Lại Hòa.
Hòa dựng xe bên bức tường rồi bước vô nhà sau khi trả lời mấy câu chào hỏi của bé Anh Thư. Ngày Tết, Hòa bận đồ thật tươm tất. Quần tây xám, áo sơ
mi xanh da trời, đi dép sa bô. Bỏ đi bộ quần áo bộ đội thấy Hòa trẻ ra.
Hòa thấy Nại Hiên thì nở nụ cười, rồi vồn vả nói:
-Chào chị Nại Hiên năm mới.
-Chào anh Hòa, năm mới anh đi chơi sớm nhỉ.
Hoa đon đả:
-Sẳn đi thăm bạn bè ở Núi Thành, ghé qua thăm chị và mấy cháu. Chị khỏe không, phát tài chưa?
Nại Hiên không cười nữa. Nàng cau mặt lại, nói mỉa mai:
-Tôi mất việc từ tháng nay lận, nên tết đến buồn lắm. Mấy ông ở phòng giáo dục huyện cho tôi nghỉ việc vì tôi có thân nhân tham gia chính quyền
cũ. Tôi đói đến nơi rồi đây, chứ có gì mà phát tài.
Hòa trố mắt nhìn Nại Hiên, tưởng như nàng nói đùa, nhưng nhìn khuôn mặt ấy, đôi mắt ấy, ai cũng thấy một nổi u uẩn khôn cùng.
Hòa nói nhỏ như một an ủi:
-Tôi không biết chị đã nghỉ việc. Xin lỗi chị. Tôi đã nghĩ trước chuyện này nhưng không giám nói cùng chị.
Hòa đứng im lặng bên Nại Hiên, hai tay anh vòng trước ngực. Nại Hiên nghe tự lòng mình có một cơn giận từ đâu ùa tới. Có phải chế độ này mà đại
diện là Hòa, là những người mặc đồ bộ đội từ trên rừng về. Đạn pháo nổ trên những nóc nhà, những mảnh vườn, cày xới đất đai, làm bật tung lên
những xác người. Trẻ em. Đàn bà. Người già. Họ không có một tấc sắt trong tay. Họ là những người cùng khổ chạy giặc tứ tung cùng khắp các nẽo
đường. Không có những người bộ đội như Hòa, bỏ quê, bỏ đất, lên rừng. Để bây giờ, trở về tạo nên một hố sâu ngăn cách với những ý thức hệ về chủ
nghĩa. Quốc gia, Cộng sản, là gì? Chẳng là gì hết. Nạn nhân. Những con tốt nạn nhân. Nàng cũng là một trong những con tốt đó.