Câu chuyện ghi lại giai đoạn từ 30/4/75 đến thời điểm có chương trình HO.
Một cảnh đời bi thảm sau cuộc chiến. Người đàn ông bị tập trung cải tạo, đói khát, bệnh tật, lao động khổ sai, không ngày về. Người đàn bà ở nhà với đàn con dại, bị phân biệt đối xử, phải lao vào đời để kiếm miếng ăn. Những phản trắc, lọc lừa, ngoại tình, xác thịt, được viết một cách trung thực với đầy đủ vóc dáng và nhân diện của từng nhân vật. Trong truyện còn ghi lại một thời buổi nhiễu nhương của đất nước trước và sau 30/4/75, các tướng công sứ quân cát cư từng vùng. Tôn giáo, Đảng phái, Sinh Viên học sinh tranh đấu rồi Hộ khẩu, lý lịch, tham ô, hủ hóa.
* * *
Chương Hai Mươi Ba
Buổi sáng đám quản giáo, vệ binh ùn ùn kéo vào doanh trại ra lệnh tất cả cải tạo viên gọn gàng đồ đạc, rồi ra ngoài sân tập họp.
Niệm nói với Soại:
-Chuyện gì nữa đây, mình ở đây đã hơn ba tháng. Chắc có thay đổi, hay họ sẽ cho mình về?
Soại từ ngày qua cái mốc mười ngày rồi một tháng, rồi hai tháng, chàng không có hy vọng sẽ về sớm như dự tính. Anh đâm ra nghĩ về kẻ thắng trận với những điều sâu sắc hơn, chớ không nông cạn như ngày trước. Tính anh vốn lạc quan hay nói đúng hơn là nông cạn. Bây giờ thì anh chín chắn hơn một chút.
-Chẳng biết ra làm sao đây. Nhưng mình nghĩ tin vui chưa đến sớm thế đâu.
Hai người đều gọn gàng hành trang. Thật ra chẳng có gì, mấy bộ quần áo, cái mền, cái mùng là hết. Niệm thì thêm một số áo quần bao cát vừa mới may. Niệm tự may lấy, anh thu nhặt bao cát về, tự chế tạo cây kim nhọn để may. Anh cũng nhiều sáng tạo lắm.
Cả lán trại xôn xao. Người này nhìn người kia. Ai cũng hỏi. Cho trở về nhà hay đi đâu nữa? Không ai biết. Công việc của “cách mạng” làm vẫn kín như bưng. Toàn khu lán trại ra tập họp trước sân cỏ. Bộ đội quản giáo dồn dập đi đi lại lại. Ai cũng có vẻ nghiêm trọng.
Các tay chức sắc như Ngô Hoàng, Dương lăn xăn kêu người này người kia. Một lúc sau, tất cả đều đã yên vị trong hàng theo từng đội, quản giáo đến từng đội mình phụ trách làm việc.
Quản giáo Mẫn cầm một tờ giấy, đứng trước đội, lên tiếng:
-Hôm nay, trên có đợt biên chế để chuyển một số các anh em đến một nơi khác để có điều kiện học tập tốt hơn. Các anh em im lặng lắng nghe, tôi đọc tên, ai nghe tên mình thì bước ra ngoài hang, ra tập họp bên ngoài kia.
Soại đứng lóng ngóng trong hàng. Anh lắng nghe để chờ đợi. Có thể là sẽ được về? Cũng có thể là chuyển đi một nơi khác. Ở đây hơn ba tháng rồi còn gì. Cái mốc thời gian trong đầu óc Soại cũng chỉ là ba tháng đến sáu tháng. Soại nơm nớp trong niềm hy vọng trở về.
-Nguyễn Văn Cầu.
-Có mặt.
Cầu, sĩ quan quân báo, lề mề một cái túi xách lớn, bước ra khỏi hàng. Người vệ binh dẫn Cầu ra một khoảnh đất trống cách độ năm mươi mét. Tiếp tục theo Cầu là Ngọ, Quyền, Nam, Niệm rồi nhiều người nữa. Soại thấy số kêu tên đã đông, đã ra khỏi hàng làm thưa đi chỗ đứng. Niệm đi qua chỗ Soại, nụ cười thật tươi, có lẽ anh nghĩ anh gặp may, sẽ được về trong đợt này. Soại thấy lòng mình như lửa đốt, anh chưa được kêu tên. Tại sao vậy? hay anh có điều gì dấu diếm trong Bản Tự Khai mà Cách mạng đã biết, thấy anh không thành thật khai báo, nên giữ anh lại. Anh tự nhiên thấy mình lớ ngớ, tay chân run run.
-Trần Quang Soại.
-Có mặt.
Vừa nghe tên, một động lực quán tính nào đó đã khiến anh hô lên tiếng “có mặt” thật lớn. Soại mừng. Thật sự là anh mừng vì anh nghĩ là sẽ được về trong chuyến này. Anh xách cái túi xách bằng bao cát mà Niệm đã may cho anh đựng đồ. Cái xách bao cát rộng nên anh bỏ lại hai cái túi xách nhựa, dồn hết đồ đạc vào cái xách bao cát này. Anh cười với những người bạn đứng trong hàng, bương bả đi ra ngoài theo người vệ binh, nhập vào với số người được kêu tên trước. Bên đám này, họ cười nói vui vẻ, lớn tiếng, nên người vệ binh cứ nhắc chừng, các anh giữ im lặng.
Khoảng một tiếng sau, đám cải tạo được kêu tên, được một người bộ đội khác dẫn ra đường, đi kèm theo một vệ binh cầm súng, tất cả dồn lên một chiếc xe Molotova bít bùng, theo hướng đông mà chạy.
Đám này được chở về Long Khánh, căn cứ sư đoàn 18 bộ binh cũ. Và đám còn lại, mấy ngày sau đó cũng lần lượt lên xe đi Bù Gia Mập
***
Lần này, anh em cải tạo được “xào bài”, nghĩa là thay đổi người lung tung, họ được vào ở trong những căn nhà của trại gia binh. Căn nhà chật, mỗi nhà chỉ có mười hai người.
Soại thất vọng một lần nữa.
Khi ngồi trên xe bít bùng chở về hướng Sài Gòn, anh đã mừng thầm trong bụng. Chắc ăn rồi! Lần này về là phóng về quê ngay. Nhớ Nại Hiên quá. Nhớ Anh Thư, Đông Nghi và Anh Chi quá. Các con nhỏ bé, ríu rít bên anh trong những ngày anh về phép. Bây giờ chắc đang vui chơi ở nhà bà ngoại. Anh về, chắc Nại Hiên và các con sẽ mừng lắm. Anh sẽ hôn từng đứa thật đau cho chúng khóc thét lên. Mấy đứa nhỏ vốn sợ Soại hôn vì anh hôn con mạnh quá. Nhưng Soại đã thất vọng sau khi nghe người bạn hé tấm bạt ở sau xe và nói lớn:
-Xe chạy qua xa lộ Đại Hàn, không chạy vào thành phố anh em ơi!
Có nhiều tiếng lao xao hỏi từ bên trong:
-Nhìn thử lại coi có đúng khong, không lại trông gà hóa cút.
-Còn gì nữa, xe chạy xuôi ra quốc lộ 1 rồi.
Có tiếng nói chán chường:
-Không biết họ đưa mình đi đâu nữa đây?
Nhiều tiếng ồn ào qua lại, khiến người vệ binh ngồi ở đằng cabin phải đập đập vào thành xe nói vọng vào:
-Im lặng, các anh giữ im lặng.
Không khí trong xe ngột ngạt vì hơi người. Sự im lặng rơi xuống nặng nề, khuôn mặt người nào cũng có dấu chấm hỏi, Đi đâu? Đến đâu?.
Khi chiếc Molotova dừng lại trước tiểu đoàn Quân y Sư Đoàn 18 bộ binh cũ, một anh bạn bất giác la lên:
-Doanh trại Sư Đoàn 18 bộ binh anh em ơi!
Tiếng kêu rơi vào khoảng không. Soại nghĩ, thế là mình mừng hụt, chưa về được đâu, các con ạ, Nại Hiên, bây giờ anh sẽ ở thêm ba tháng nữa.
Soại được xếp vào một căn nhà cuối dãy cùng với mười một người khác. Anh đã lạc mất Niệm, một người bạn mà chỉ sống gần với nhau có ba tháng mà đã mến tay mến chưn. Khi lên xe, lu bu quá, anh không biết Niệm được kêu lên xe nào, nhưng anh nghĩ, chắc cũng lẩn quẩn ở khu doanh trại này thôi. Anh cũng đã xa Dương và Ngô Hoàng, hai anh chàng hăng hái, luôn luôn đi đầu trong công tác, họ nghĩ sẽ được về nhờ sự hăng hái làm việc của họ, “cách mạng” sẽ thấy. Nhưng hai người cũng đã lên xe bít bùng, di chuyển đến một nơi nào đó, hai người sẽ bắt đầu “lập công” lại từ con số không.
Dãy lán trại Soại ở nhìn ra trước mặt có một Tượng Phật Bà Quan Thế Âm. Có lẽ, từ ngày sư đoàn 18 tan hàng rời khỏi nơi đây đến nay, không có ai nhang khói, nên trông pho tượng thật buồn và hiu hắt. Những người mới đến đã ra quét dọn pho tượng và làm sạch cỏ miếng đất chung quanh, rác rưỡi được được dọn sạch để trồng rau.
Bây giờ thì đám cải tạo đã có kinh nghiệm để mưu sinh. Đi đến đâu họ cũng tìm miếng đất nhỏ, để bỏ giống trồng rau xanh. Họ đã ăn gạo mục, bắp hay bo bo cứng ngắt, nên phải nấu cho thật nhừ mới nuốt trôi, cho nên có chút rau xanh rất quý. Không có cọng rau nào thì con người sẽ khô quắt đi.
Khu gia binh mười căn nhà khít nhau. Soại bắt đầu làm quen với người bạn mới. Là Thanh, là Mẫn, trung úy hải quân. Hai người được chuyển từ bộ binh qua hải quân, khi hải quân triển khai thêm lực lượng. Hai anh làm thuyền trưởng Duyên Tốc Đỉnh. Có tàu sẳn ra đi dễ dàng, nhưng hai anh không có ý định rời khỏi nước. Anh Lưỡng, trung uý, phục vụ tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Ông Chúc già, thiếu úy, đi từ hạ sĩ quan lên…Căn nhà trở thành một cái gia đình bất đắc dĩ. Anh Lưỡng là người lớn tuổi hơn cho nên được chỉ định làm A trưởng. Công việc lao động là đào hố trồng cây cao su cho khu đồn điền Long Khánh, đó là vùng đất rộng mên mông. Những người Pháp trước đây đã đến khai thác, rồi đến những người Việt Nam đại điền chủ, những tướng lãnh lừng lẫy một thời cũng đã là những chủ nhân ông của hàng vạn hec-ta đất trồng cao su. Bây giờ đến chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, quyền làm chủ đất đai là của nhân dân, một danh từ chung, nên không thấy “ngài nhân dân” nào xuất đầu lộ diện. Hiện nay chính quyền mới cùng Ủy Ban Quân Quản thành phố Sài Gòn kết hợp lại để khai thác đồn điền cao su. Ủy Ban Quân Quản có số nhân lực vô tận là các người trai trẻ đang trình diện học tập cải tạo, mà cải tạo lao động là chính, nên họ phải ra hiện trường, để đào những hố cao su mới, thay thế cho những cây cao su cũ đã hết nhựa. Đám lao động ở đây cả hàng chục ngàn người. Công sức ấy đổ ra mà không hề lấy được một xu teng tiền công, dĩ nhiên món lợi khổng lồ sẽ vào trong tay các quan tham, nhân danh nhà nước.
Soại vẫn thường ra trước tượng Quan Thế Âm và đứng yên lặng. Anh không khẩn cầu điều gì. Chỉ đứng im lặng và nhìn gương mặt bà. Gương mặt từ bi và phúc hậu quá. Anh chỉ muốn thanh thản trong lòng nên khi đứng bên bức tượng anh thấy long mình được nhẹ đi. Đó cũng là một niềm an ủi duy nhất của anh.