Câu chuyện ghi lại giai đoạn từ 30/4/75 đến thời điểm có chương trình HO.
Một cảnh đời bi thảm sau cuộc chiến. Người đàn ông bị tập trung cải tạo, đói khát, bệnh tật, lao động khổ sai, không ngày về. Người đàn
bà ở nhà với đàn con dại, bị phân biệt đối xử, phải lao vào đời để kiếm miếng ăn. Những phản trắc, lọc lừa, ngoại tình, xác thịt, được viết
một cách trung thực với đầy đủ vóc dáng và nhân diện của từng nhân vật. Trong truyện còn ghi lại một thời buổi nhiễu nhương của đất nước
trước và sau 30/4/75, các tướng công sứ quân cát cư từng vùng. Tôn giáo, Đảng phái, Sinh Viên học sinh tranh đấu rồi Hộ khẩu, lý lịch,
tham ô, hủ hóa.
* * *
Chương Hai Mươi Hai
Dẫn các con trở về lại trong quê, từ giã căn nhà tranh lụp xụp của bà Khải, Nại Hiên cảm thấy bùi ngùi xúc động. Nàng về làm dâu bà
Khải đã năm năm, có ba đứa con, nhưng hình như nàng chưa làm dâu ngày nào. Ngày trước, nàng đi dạy ở trường trung học nơi quê nàng, nên
nàng ở đó. Còn Soại thì đi hành quân quanh năm suốt tháng, nên chỉ khi Soại về nghỉ dưỡng quân, nàng mới cùng Soại về thăm bà. Bây giờ
sống với bà một tháng, hàng ngày, nàng đi học bồi dưỡng, các con ở với bà. Bà lo lắng, tắm rửa cho mấy đứa, nấu cơm cho tụi nhỏ ăn. Đến
chiều tối nàng mới trở về, cơm nước bà đã nấu sẳn. Nàng tự dưng xúc động. Những lúc như thế này nàng mới thấy cái tình. Khi sửa soạn xong
cho các con, nàng ra thưa với bà Khải đang tưới rau ngoài vườn.
-Thưa mẹ, hôm nay con xin phép dẫn mấy cháu về lại trong quê, con về trình diện đi làm. Mẹ cho phép con về.
Tuy đã thưa với bà Khải hôm qua, nhưng hôm nay nàng cũng nói lại. Bà Khải rất buồn khi phải xa các cháu nội của bà, nhưng vì công việc
làm của Nại Hiên bà không thể cản. Bà ứa nước mắt:
-Con về đi dạy lại, khi nào rảnh dẫn các cháu về thăm mẹ. Ở với chúng nó mấy tuần thấy vui cửa vui nhà, bây giờ nó đi, mẹ buồn quá.
Tánh bà Khải hay khóc. Suốt một đời hình như bà không được lúc nào vui, hạnh phúc trọn vẹn. Bà lúc nào cũng thui thủi một mình. Ông
Khải đã mất trong cơn bạo bịnh, ngày đó Soại còn ở trong quân trường, đến bây giờ cũng đã trên sáu năm. Một mình bà, các con thì đi
lính biệt tăm ở đâu đó. Tụi nó thoáng về thăm bà đội ba ngày rồi lại đi. Bây giờ hòa bình đã đến mà hai đứa con trai bà đều phải đi tập
trung cải tạo.
Nại Hiên nói:
Dạ. Thỉnh thoảng thứ bảy, chủ nhật, con sẽ về thăm mẹ, mẹ cố ăn uống và giữ gìn sức khoẻ.
Nàng vào nhà bế Anh Chi và dắt Anh Thư, Đông Nghi ra chào bà nội. Bà Nội lại gần hun mấy đứa mà nước mắt ràn rụa.
Chị hai Kim cũng đạp xe đạp vào cùng với mấy đứa con của chị, dự định sẽ chở mẹ con Nại Hiên vào bến xe đò cho đỡ tốn tiền đi xe thồ. Chị
Kim nói:
-Thôi em về, em đi làm lại được chị cũng mừng. Cố gắng làm ăn nuôi mấy đứa con. Chị cũng không có gì giúp em, có chiếc xe đạp cũ chị cho
em đem về sửa lại mà đi. Mình làm không ra tiền mà đi xe lam tốn tiền lắm.
Tất cả lên xe đưa Nại Hiên và mấy đứa con xuống bến xe để về lại trong quê. Mẹ con Nại Hiên đã ngồi vào ghế, chiếc xe đạp được cột trên
mui, mẹ con chị Kim mới đạp xe về, Nại Hiên cảm thấy buồn, nàng ứa nước mắt.
Anh Thư hỏi mẹ:
-Có gì buốn mà mẹ khóc vậy mẹ?
Nàng trả lời con:
-Mẹ xa bà nội và cô mẹ buồn quá. Các con có thương bà nội không?
-Có chớ mẹ, bà nội ở một mình buồn quá há mẹ.
Chiếc xe đò rung rung máy rồi bắt đầu lăn bánh. Bến xe thật vắng khách. Thấp thoáng những người bận đồ bộ đội đi qua đi lại trên đường.
Vắng đi những tà áo dài ngày cũ, vắng đi những thanh niên bận áo bỏ vô quần. Ở đâu cũng thấy những người ăn mặc xuềnh xoàng, áo bỏ
ngoài quần, mang dép râu, đi lang thang trên đường.
Về đến nhà trời cũng xế chiều chiều. Chiếc xe đò đi ra đi vô đón khách, rồi còn đứng lại đón khách dọc đường nhiều lần nữa, nên đến nơi
rất chậm. Nại Hiên mệt mõi quá. Nàng nói với bà Ngọ:
-Mẹ coi mấy đứa dùm con chút, con ngủ một giấc chứ ngồi xe đò cả ngày, mõi cái lưng quá.
Nàng đi tắm, rồi vào nằm nghỉ trong giường thì bà Ngọ từ ngoài nói vọng vào:
-Hôm trước có anh bộ đội nào ghé vào đây thăm con, ảnh nói ảnh tên Hòa, đi cùng xe với con ở Sài Gòn về, mẹ nói con đi học ở Tam Kỳ một
tháng mới về. Ảnh nói lúc khác ảnh tới.
Nại Hiên giật mình. Nàng nghĩ tới người bộ đội đi cùng xe với nàng từ Sài Gòn về tháng trước. Cũng nhờ có người bộ đội này chứ không thì
nàng cũng không biết tính sao khi một nách phải dẫn ba đứa con về quê, các con còn quá nhỏ. Hình ảnh người bộ đội cũng nhạt nhòa đi
trong trí nhớ nàng. Nàng phải qua một một lớp bồi dưỡng chính trị đã làm tinh thần nàng tê điếng như mất hết cảm giác. Bây giờ trở về căn
nhà cũ, nàng thấy thư thái ra một chút. Ít ra, căn nhà cũng là một điểm tựa, để tâm hồn nàng được thư giản trong bước đường cam go mà
nàng phải đối diện, sẽ trải qua, sẽ gặp phải. Nại Hiên đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng.
***
Nàng bước lên hiên trường trung học Núi Thành. Núi Thành là nơi đã xảy ra trận đánh giữa Mỹ và quân cộng sản. Trận đánh được “cách mạng”
cho là chiến thắng lẫy lừng, nhiều lần được tang công trên đài phát thanh Giải Phóng và Hà Nội. Và nay, Núi Thành được đặt tên quận
thay cho tên quận Lý Tin.
Nại Hiên bước vào văn phòng. Vẫn cảnh cũ, chiếc bàn thấp, văn phòng hiệu trưởng đặt chung trong văn phòng làm việc, chỉ cách nhau tấm
ván che. Cũng chỉ có hai người trong văn phòng. Thầy hiệu trưởng, vẫn bận cái áo bộ đội, cái quần tây đen, áo bỏ ngoài quần, mang dép
râu. Thấy Nại Hiên bước vào, ông gật đầu chào, rồi nói:
-Cô Nại Hiên đi học bồi dưỡng đã về rồi đó hả. Cô vào đây, ngồi xuống đây mình nói chuyện.
Nại Hiên chào ông:
-Thưa thầy, em mới về hôm qua, hôm nay vô trình diện thầy liền đây.
Ông hiệu trưởng nói theo:
-Tôi biết rồi. Mọi điều tôi đều được báo cáo.
Thấy ông hiệu trưởng vồn vã, nàng cũng an tâm, chả bù với lần trước, khuôn mặt ông im lìm đến nặng nề. Nại Hiên ngồi xuống ghế, ông hiệu
trưởng dỡ một cái tập bìa màu xanh rồi nhìn nàng, nói lớn:
-Tôi đã được điện thoại của đồng chí tư Lộc ngoài thị xã gọi vào. Tôi là đàn em của anh tư Lộc, ảnh có nhờ tôi giúp đỡ trường hợp của cô.
Như cô biết đó, giáo dục là một môi trường đào tạo con người nên rất khó khăn. Thôi, tôi cũng đã hứa với anh tư Lộc, là giúp cô, cho cô
làm việc ở văn phòng, chứ trường hợp lý lịch của cô thì căng lắm. Ai ở địa phương này không biết thằng Toàn, thằng Đạt, anh cô, thằng Soại
chồng cô, đều là những người theo ngụy. Thôi tôi không nói nhiều nữa, cô giúp tôi làm việc ở văn phòng này nhé.
Ông hiệu trưởng tám Thọ nói một hơi dài, như không nói hết lần này, sẽ không còn kịp nói nữa. Nại Hiên đã được anh tư Lộc cho biết, nàng
không sững sốt, đột ngột, nhưng trong lòng nàng vẫn thấy nuối tiếc. Bốn năm đại học sư phạm của nàng coi như bỏ biển. Với lại ông hiệu
trưởng tám Thọ này, đã một thời đi du kích, là tay chân của cha nàng, mà nay gọi các anh nàng là thằng này, thằng kia, làm nàng nghĩ
như mình bị xúc phạm. Nàng nóng mặt lên nhưng nàng đã kịp thời ghìm lại.
Nại Hiên lấy tờ giấy đã học khóa bồi dưỡng chính trị đưa cho ông hiệu trưởng. Ông hiệu trưởng cầm lấy nhưng không đọc. Ông đã biết nội
dung tấm giấy nói gì, ông bỏ tờ giấy chứng nhận vào tập sơ mi xanh rồi nói tiếp:
-Thôi cô về nhà nghỉ hôm nay, ngày mai cô vào làm việc. Tôi sẽ bảo nhân viên chấm công cho cô từ ngày hôm nay.
Nại Hiên nói:
-Cám ơn thầy đã giúp đỡ. Mai em sẽ đi làm, có gì thầy chỉ vẻ cho em với.
Ông hiệu trưởng vui vẻ nói:
-Cô yên trí, công việc văn phòng không có gì đâu, có gì tôi sẽ giúp.
Nại Hiên đứng dậy, nàng chào người đàn ông cùng làm ở văn phòng rồi bước ra cửa. Mai đây, những người này sẽ là đồng nghiệp của nàng.