Câu chuyện ghi lại giai đoạn từ 30/4/75 đến thời điểm có chương trình HO.
Một cảnh đời bi thảm sau cuộc chiến. Người đàn ông bị tập trung cải tạo, đói khát, bệnh tật, lao động khổ sai, không ngày về. Người đàn
bà ở nhà với đàn con dại, bị phân biệt đối xử, phải lao vào đời để kiếm miếng ăn. Những phản trắc, lọc lừa, ngoại tình, xác thịt, được viết
một cách trung thực với đầy đủ vóc dáng và nhân diện của từng nhân vật. Trong truyện còn ghi lại một thời buổi nhiễu nhương của đất nước
trước và sau 30/4/75, các tướng công sứ quân cát cư từng vùng. Tôn giáo, Đảng phái, Sinh Viên học sinh tranh đấu rồi Hộ khẩu, lý lịch,
tham ô, hủ hóa.
* * *
Chương Mười Chín
Đảng phái: Không.
Trước đây, Soại không tham gia đảng phái nào cả. Kể cả đảng Dân Chủ của ông Thiệu một thời bành trướng đến tận cùng thôn ấp, lấy lực lượng
chính quyền và hệ thống giáo dục làm nòng cốt. Tổ chức, ra mắt rầm rộ, cùng khắp. Nhiều sĩ quan, bạn bè anh đã tham gia, nhưng anh từ
chối. Anh thấy đây là một đảng cầm quyền chẳng ra ngô khoai gì cả. Với lại, lúc đó anh đang hành quân suốt năm, suốt tháng, còn thì giờ
đâu mà nghĩ đến chuyện «chính chị, chính em».
Nhưng anh cũng loay hoay suy nghĩ đến Việt Nam Quốc Dân Đảng. Hình như ở quê anh, những gia đình khá giả, tiểu tư sản, đều gia nhập
đảng này. Khi anh còn bé dại, anh đã nghe nói đến những người trong Việt Nam Quốc Dân Đảng, đã làm nên những kỳ tích anh hùng. Nguyễn
Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Ký Con, Nhượng Tống…Anh mê những hình hình ảnh lãng mạn cách mạng của họ, những con người mà thể hiện là nhân
vật Dũng trong truyện Đôi Bạn và Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Và cả Nhất Linh nữa, anh cũng mê sự nghiệp văn chương của ông, và cả sự
nghiệp hoạt động cách mạng của ông nữa.
Soại lớn lên trong một gia đình phú nông, cha anh là một thầy dạy học miền quê. Cha anh là hình ảnh những ông đồ nho còn sót lại của
thời phong kiến qua thời đệ nhất cộng hòa. Cha anh để lại cho anh hình ảnh một con người của giai cấp trung lưu, yêu nước thụ động và chỉ
có những ý nghĩ lãng mạn trong đời sống thường nhật.
Anh lại nghe lòng mình rộn lên những cảm xúc dạt dào của những ngày mới lớn. Việt Nam Quốc Dân đảng lập chiến khu Nam Ngãi chống chế độ
Ngô Đình Diệm. Đó là hình ảnh thuở thiếu thời của Soại. Anh bảy Phát, anh tám Cẩn, anh Phước đã thoát ly lên rừng núi của ba xã Phước
Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà, lập chiến khu kháng chiến, gọi là chiến khu Sơn-Cẩm-Hà.
Ôi ! Chiến khu, chiến khu.
«Lãng mạn cách mạng» quá đi mất thôi. Như chiến khu Ba Lòng của Đại Việt, và trước đó, chiến khu Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật, chiến
khu Ba Đình của Đinh Công Tráng.
Sau đó, Việt Nam Quốc Dân Đảng đầu hàng chính quyền Ngô Đình Diệm và bị khủng bố đến tận cùng. Chỉ có một số ra làm việc cho chính quyền
mới, còn lại, tất cả đều ở trong thế đối lập. Việt Nam Quốc Dân Đảng vẫn còn ẩn chứa trong anh những hình ảnh tuyệt vời.
Soại lại nghĩ đến phong trào học sinh sinh viên tranh đấu ngày anh còn học trung học. Đó là những ngày sau cách mạng 1.11.1963. Chính
quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ kéo theo những khủng hoảng chính trị ở chính trường miền Nam. Phong trào Phật giáo tranh đấu, biểu tình, bãi
khóa liên miên. Các bạn anh đã khoác lên mình bộ áo tranh đấu. Nào Trà, nào Chiến, nào Nhẫn, nào Tuyết. Những thằng bạn hiền hậu ngồi
trong lớp chăm chú học hành và học giỏi, mà giờ đây đã đứng trên những chiếc xe, giữa chợ đông người đăng đàn diễn thuyết. Họ dăng biểu
ngữ, hô hào biểu tình, họ phát biểu kêu gọi. Đoàn biểu tình đông đảo, tiếng gào thét vang rân trời. Tất cả đã đem nhiệt huyết tuổi trẻ
của mình ra để đấu tranh, cho dân chủ, tự do, chống độc tài, quân phiệt. Nhưng họ không ngờ là họ bị giựt dây. Tuyết và Chiến, trên một
chuyến xe đò đi từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng đã bị nghĩa quân bắt đem đi thủ tiêu. Những bạn còn lại bỏ trường bỏ lớp mà đi. Nhẫn bị bắt lên ty
Cảnh Sát, nằm trong trại giam gần mấy tháng trời, ghẻ lở đầy mình, sau nhờ có người thân làm việc cho chính quyền bảo lãnh Nhẫn mới được
thả ra.
Đó là một thời của tuổi thanh xuân, những người thanh niên đã trải lòng minh ra để làm một cái gì đó, nhưng tất cả đã bị điều hành, chỉ
huy, lèo lái của những thế lực. Nên khi biết ra mình bị lợi dụng thì Trà phải bỏ trường mà đi, Nhẫn ra tù cũng tấp vô Sài Gòn, những đứa
khác vào quân đội. Quân đội là chỗ an toàn nhất để trú thân, tránh sự trả đủa của chính quyền đương thời. Một thời buổi nhiểu nhương
nhưng đầy hào khí. Đó là cái «lãng mạn cách mạng», bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Chiến tranh lan rộng, mọi thanh niên đều phải thủ một thế đứng, bên này hay bên kia. Nguyễn Thanh Vân, Trình Nhữ, Trình Anh, Nguyễn
Văn Tường, Trần Ngọc Thản «nhảy núi». Một số ít tiếp tục lên đại học, còn thì vào lính. Bên nào cũng cần những tay súng nã đạn vào quân
thù. Bắn chậm thì chết. Miền Bắc ào ạt tuyển quân, miền Nam ra lệnh Tổng Động Viên trên toàn quốc. Những thiếu niên mới lớn bị xúc vào
quân trường rồi thảy ra chiến trận. Miền Bắc thì đi B. Đường Trường Sơn, lũ lượt hàng trăm ngàn binh lính bộ đội miền Bắc tràn vào miền
Nam.
Soại tình nguyện vào quân đội trong lúc anh đang đi dạy học. Thật ra thì không còn con đường nào khác. Dạy học rồi cũng bị động viên
vào Thủ Đức, học sáu tháng ra chuẩn úy với cái quai chảo trên cầu vai. Làm trung đội trưởng với mấy chục người lính tiền tiêu, dễ chết
như chơi. Thời buổi chiến tranh chuyện chết chóc là chuyện thường ngày. Soại quyết định thi vào trường hiện dịch. Anh sẽ học ở đó hai năm,
biết đâu khi ra trường tình hình sẽ đổi khác, biết đâu gió sẽ xoay chiều.
Nhưng có phải anh tình nguyện đi sĩ quan hiện dịch vì lý do đó thôi sao? Hay vì Nại Hiên. Mối tình của Nại Hiên đã làm anh choáng
váng. Cùng học chung một trường trung học. Nại Hiên như một hình bóng rất xa ngoài tầm tay. Nại Hiên áo dài trắng học trò, Nại Hiên hát
hay, múa giỏi. Nại Hiên làm bàng hoàng trong anh nổi khắc khoải không rời. Nhưng có phải vì thế thôi sao? Nại Hiên có một người đàn ông
theo đuổi, đó là một người xuất thân từ trường Võ Bị. Có phải sự tranh hơn của anh, muốn cho mình cũng được làm người hùng trong tim Nại
Hiên nên anh tình nguyện thi vào trường hiện dịch? Để anh có những chiều thứ bảy, chủ nhật, bát phố cùng em trong những bộ đồ dạo phố mùa
đông, mùa hè? Hay thành phố sương mù Đà Lạt đã quyến rủ anh trong những mộng tưởng xa vời? Thành phố sương mù. Thành phố núi. Hoàng
triều cương thổ. Tất cả những lý do đó đã đưa anh đến Đà Lạt. Còn tình yêu Tổ Quốc, Lý Tưởng? chỉ lờ mờ, mơ hồ trong tâm tưởng anh như một
sợi chỉ mong manh, xuyên suốt, ẩn sâu trong huyết quản, trong tâm thức. Chỉ bùng lên như lúc này đây, trong trại tập trung, anh mới
thấy mình có một thời quá nông cạn trong suy nghĩ, trong đánh giá kẻ thù. Còn kẻ thù thì lọc lừa,hung bạo bao nhiêu?
Đêm vẫn lặng lẽ trôi qua một cách mệt nhọc. Khu Trảng Lớn rộng chứa đầy mấy ngàn người tập trung cải tạo. Đêm im ắng và buồn tẻ. Soại vẫn
thao thức trong cơn đau nhừ của tinh thần. Anh cố gắng ngủ mà đôi mắt vẫn mở toang. Nhớ về vợ và các con thật xa vời vợi, như đã là ngàn
trùng xa cách.