Câu chuyện ghi lại giai đoạn từ 30/4/75 đến thời điểm có chương trình HO.
Một cảnh đời bi thảm sau cuộc chiến. Người đàn ông bị tập trung cải tạo, đói khát, bệnh tật, lao động khổ sai, không ngày về. Người đàn
bà ở nhà với đàn con dại, bị phân biệt đối xử, phải lao vào đời để kiếm miếng ăn. Những phản trắc, lọc lừa, ngoại tình, xác thịt, được viết
một cách trung thực với đầy đủ vóc dáng và nhân diện của từng nhân vật. Trong truyện còn ghi lại một thời buổi nhiễu nhương của đất nước
trước và sau 30/4/75, các tướng công sứ quân cát cư từng vùng. Tôn giáo, Đảng phái, Sinh Viên học sinh tranh đấu rồi Hộ khẩu, lý lịch,
tham ô, hủ hóa.
* * *
Chương Mười Tám Phần 2
Trong toán, anh em đang đi tự do, nghe tiếng hô của Dương tự nhiên chập choạng. Có tiếng xì xào:
-Đi tự do đi, đều bước cái con mẹ gì. Đi tù mà cứ như đi diễn hành vậy. Đụ mẹ!
Rồi nhiều tiếng chữi thề tiếp theo cất lên sau đó. Ngô Hoàng vội chạy tới hỏi ý quản giáo, quản giáo vừa nói vừa chỉ tay. Ngô Hoàng chạy
về trước hàng quân, nói lớn :
-Thôi anh em cứ đi tự do, bước đều nhau là được rồi.
Dương quê cơ. Anh im lặng bước đi. Ai cũng biết giữa Ngô Hoàng và Dương có hiềm khích nhau. Dương chỉ là B trưởng, tức là dưới quyền
Hoàng, thế mà Dương có nhiều lúc lấn lướt, gặp quản giáo là Dương lăn xăn báo cáo, làm ra vẻ tích cực lắm. Anh thường có ý kiến, có nhận
xét, đề nghị về cách sinh hoạt của anh em trong đội. Quản giáo nhiều lúc cũng tin lời Dương. Ngô Hoàng đâm ra cay cú.
Tất cả anh em toàn trại được tập trung vào hội trường. Hội trường là một căn nhà rộng, lợp bằng tranh do anh em tập trung bên lán trại B
thực hiện. Anh em vô rừng, rừng Tây Ninh đầy đặc tranh và cây gỗ. Anh em đốn gỗ, cắt tranh, cả mấy đội làm việc hàng tháng mới dựng nên
hội trường này. Mùi tranh mới, còn nồng.
Hội trường được trang trí sơ sài, nhưng đầy đủ ý nghĩa. Một tấm màn đỏ kéo ngang qua làm cái nền. Màu đỏ mới trông vào ai cũng rờn rợn.
Bức tượng bán thân của ông Hồ Chí Minh bằng thạch cao màu trắng để một bên. Một bên là khẩu hiệu "Không Có Gì Quý Hơn Độc Lập Tự Do".
Anh em từng đội được dẫn vào ngồi dưới đất theo thứ tự. Các quản giáo chạy đi chạy lại. Vệ binh mang súng đứng bên ngoài lố nhố. Cũng ba
mươi phút sau mới bắt đầu.
Một người bộ đội mang cấp bậc Thiếu tá, lên đứng trên bục gỗ. Ông tự xưng là người của Ủy Ban Quân Quản thành phố, lên nói về chiến thắng
vẻ vang của cách mạng và tội ác của ngụy quân, ngụy quyền đối với nhân dân. Ông nói tràng giang đại hải, dùng những từ rất mới, nên Soại
nghe quá lạ tai. Ngày trước, có đôi lần Soại nghe lén đài phát thanh Hà Nội hay đài Giải Phóng Miền Nam, anh có nghe những từ này,
nhưng nghe qua rồi bỏ. Hình như cái lén lút hay kích thích con người. Bây giờ nghe người thiếu tá giảng viên nói, anh lại thấy khó
chịu, nhưng anh phải ngồi im. Nếu như đây là một giảng đường đại học, anh đã bỏ về.
Anh em có nhiều tiếng xì xào nho nhỏ, hình như ai cũng có cảm giác tương tự như Soại. Nhất là khi người giảng viên nói qua tội ác Mỹ
Ngụy. Soại thấy mình như bị va chạm một điều gì đó thuộc về nhân phẩm. Tội Ác? Thật sự trong chiến tranh, chuyện bắn giết nhau để giành
lấy chiến thắng, nên bên này hay bên kia cũng vậy. Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ là chính nghĩa, nhưng đó cũng chỉ là những nhân danh. Bây
giờ thì lý là ở kẻ mạnh, là ở phe của những người chiến thắng.
Cuối cùng, sau khi nghỉ giải lao mười lăm phút, người giảng viên tiếp tục nói đến Bản Tự Khi Lý Lịch. Cũng là chuyện bình thường mà cả đội
đã làm nhiều lần, có người khai xong, bị trả về làm lại. Người giảng viên nói :
-Bây giờ muốn cân đo sự thành thật của các anh, các anh sẽ làm tiếp Bản Tự Khai. Lần trước các anh đã làm nhiều rồi nhưng chưa đạt. Cách
mạng biết rõ hết về quá trình hoạt động của các anh nhưng muốn thử các anh thành thật đến mức độ nào, nên lần này, Bản Tự Khai các anh
phải khai rõ ràng từng giai đoạn hoạt động của mình, như chức vụ, quân hàm, công tác…
Ông còn nói thêm nhiều nữa nhưng Soại cảm thấy mệt quá, sức nóng của hơi người đông đảo làm anh muốn ngạt thở. Anh thấy sức khoẻ của mình
sa sút hẳn, nhất là đôi chân. Đôi chân sưng húp, đó là kết quả của bệnh phù thủng. Anh thấy tê cả phần dưới, những lúc đi lao động, đôi
chân hoạt động còn đỡ nhức nhối hơn là ngồi nghe như thế này. Mấy người bạn ngồi bên anh, nói nhỏ:
-Nữa rồi, lý lịch, lý lịch hoài. Ghi một mẫu để nhớ rồi cứ theo đó mà viết ra.
Cách mạng dùng chữ trước sau như một mình cũng chơi chữ trước sau như một. Đụ mẹ, lý lịch ba đời cứ khai hoài, ông bà cha mẹ chết rồi cũng
nằm không yên chỗ.
Người bạn kế bên hích tay người đang nói, anh nháy mắt về phía Dương, Dương đang ngồi nghe một cách chăm chú.
Theo chương trình, suốt buổi chiều và buổi tối, anh em được chia từng tổ, ngồi học tập, thảo luận, triển khai bài giảng của giáo viên
đứng lớp, rồi phat biểu ý kiến của mình. Vì là buổi học tập đầu tiên nên bắt buộc ai cũng có ý kiến. Dĩ nhiên là chia phiên nhau. Ý
kiến anh em chung chung. Chỉ có Dương là gay gắt. Anh kết án quân đội cũ tham nhũng, hối lộ, quân phiệt. Anh em ngồi nghe, có người che
miệng ngáp.
Theo thời khóa biểu, suốt một tuần, từ thứ hai đến thứ sáu, buổi sáng lên lớp nghe giảng bài, buổi chiều về phòng họp từng toán thảo
luận, đến chiều thứ sáu là thu hoạch. Mỗi người được phát một cây bút lá tre và một bình mực, như những lần khai lý lịch trước.
Đến ngày thứ hai thì các buổi học tập trở nên sôi động. Đám cải tạo tuy lặng lẽ nhưng vẫn nghe và hiểu những điều đang tiếp thu. Buổi
chiều trời nóng oi nồng. Không có một chút gió nào. Không gian như khô lại. Đám cải tạo ngồi dưới nền xi măng. Nhà trưởng Ngô Hoàng
điều hành buổi thảo luận. B trưởng Dương làm thư ký. Khuôn mặt ai nấy đều căng ra, không biết có phải vì bịnh phù thủng hay vì đề tài
nóng bỏng?
Đề tài "Từ Chủ Nghĩa Thực Dân Cũ đến Chủ Nghĩa Thực Dân Mới". Trên Hội trường, giáo viên giảng huấn đã giảng rằng :
"Bắt đầu chủ nghĩa thực dân là các đế quốc châu Âu như Pháp, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, muốn tìm thị trường buôn bán nên đem quân đế
các nước Á Châu, trong đó có Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Trung Quốc, đi kèm theo mũi súng của quân đội viễn chinh đế quốc
là các ông cố đạo truyền bá đạo Chúa. Vì bản chất của người Á Đông là theo Phật hay đạo Khổng, các ông cố đạo nhân danh Chúa, đã làm
công cụ cho lực lượng đế quốc. Vua Gia Long đã cỏng rắn cắn gà nhà, cho Pháp đến Việt Nam xuyên qua các ông cố đạo như giám mục Bá Đa
Lộc."
Đề tài nóng vì đụng chạm đến tôn giáo. Anh em ngồi xếp bằng. Ai cũng muốn nói lên suy nghĩ của mình. Có người đồng tình, có người
không. Tuy nhiên, anh em ai cũng biết, đây là buổi học tập chính trị của cộng sản nên những suy nghĩ của mình không thể phát biểu ở
đây. Tốt hơn là ngồi nghe hơn là nói.
Ngày cuối cùng trong đợt học tập là thu hoạch. Như người trồng lúa đến ngày gặt lúa, như người trồng khoai, trồng đậu đến ngày thu hoạch
thì đem cuốc ra đào khoai, hái đậu đem về nhà. Nay thì một tuần học tập là một tuần gieo giống, cày xới thảo luận, rồi đến cuối tuần
thì thu hoạch kèm theo là làm Bản Tự Khai quá trình hoạt động của bản thân, để xem qua việc học tập của anh em tiến bộ đến đâu?
Soại cũng chăm chú luay hoay viết bài thu hoạch, anh viết như bài đã học, nào chế độ cũ là ngụy quyền không đại diện cho ai, quân đội
cũ là ngụy quân, phục vụ cho ngụy quyền. Tướng tá thì tham những, hối lộ và quân phiệt, phần đông là xuất thân từ quân đội Pháp, phục vụ
cho thực dân Pháp, là kẻ thù của dân tộc, đã chiếm và cai trị Việt Nam hàng trăm năm.
Anh viết một mạch theo dòng suy nghĩ tuôn tràn. Có những lúc cảm hứng anh viết văn hoa bóng bảy thêm lên như là viết một truyện ngắn,
nhưng nó cũng rỗng tuếch chẳng đâu vào đâu. Đến lúc viết bản tự khai, anh khai ở đơn vị không tác chiến, làm việc ở văn phòng, không
dính dáng đến chiến tranh chính trị, an ninh hay tình báo. Anh ghi chú ngày giờ và từng đơn vị anh phục vụ trong một tờ giấy nhỏ, anh
biết sẽ còn khai lý lịch dài dài nên phải viết làm sao cho trùng khớp, trước sau như một.
Buổi tối nằm một mình, anh hơi ân hận những điều mình đã khai. Anh đã dấu đi quân trường Mẹ, nơi anh xuất thân. Anh đã ở đó trên hai
năm, đã luyện tập để trở thành người sĩ quan hiện dịch, với bao nhiêu cực khổ cam go, anh đã hãnh diện cùng bạn bè đồng khóa khi quỳ
xuống ở Vũ đình trường trong ngày xuống núi. Nhưng anh nghĩ lại, trong chiến tranh, trong tác chiến, có những lần hành quân bắt được tù
binh, hàng binh địch, họ đã vứt bỏ cấp bậc, chức vụ, để không ai chú ý, để lẫn trốn. Trong chiến tranh, chuyện gì, việc gì, cũng trở nên
bình thường.
Những ngày mới ra trường với biết bao hoài bão, bao nhiêu lý tưởng đầy ắp trong lòng, mình sẽ làm một điều gì đó theo như những lý
thuyết đã học. "Đem Đại Nghĩa để thắng hung tàn, lấy Chí Nhân mà thay cường bạo".
Soại ra trình diện đơn vị với hai người bạn đồng khóa. Từ sư đoàn chuyển về trung đoàn. Tư lệnh sư đoàn lúc đó là tướng công, gương mặt
ông bạnh ra như là một con heo nọc, lúc này tướng công đang bị báo chí đánh tơi bời vì tội đã hiếp dâm một em bé.
Trung đoàn trưởng là đại tá Nghìn, tốt nghiệp trường Võ Bị. Ông lúc nào cũng nghiêm nghị, mặt không bao giờ có một nụ cười. Ông leo lên
từ cấp thiếu úy lên đến đại tá. Đã giữ nhiều chức vụ chỉ huy từ trung đội trưởng trở lên. Con người như vậy cứ ngỡ là rất lý tưởng cho một
sĩ quan hiện dịch. Nhưng khi có trong tay quyền hạn lớn, ông trở nên ăn chơi, quân phiệt và tham nhũng. Khi về trình diện trung đoàn,
tất cả 4 tân thiếu úy cùng khóa vào trình diện ông. Ông ngồi phía trong một cái bàn dài, rộng. Sau khi mỗi người trình diện ông xong,
ông chỉ nói một câu:
"Các anh biết là đơn vị bộ binh chẳng có gì cần phải làm công tác chiến tranh chính trị cả. Các anh về làm đại đội phó ở đơn vị tác
chiến dưới đại đội lẻ."
Chào ông trung đoàn trưởng đi ra, lòng Soại nghe một nổi buồn từ đâu ụp đến, không phải anh sợ hành quân gian khổ, nhưng anh thấy như
lý tưởng của mình như là một ảo vọng.
Và tháng ngày sau đó là lội suối trèo đèo, ăn ngủ trong rừng từ tháng này qua tháng khác. Khi lên hành quân chưa đây hai ngày, Soại
nghe tin người bạn cùng khóa, thắng Bút chết. Một năm rưởi sau, thằng Dân chết. Soại bỏ ngành anh đã học để làm người lính tác chiến
thật sự. Thời gian đã biến đổi anh và đã dạy cho anh một bài học thực tế, ở ngoài đơn vị tác chiến, người sĩ quan phải có quyền, phải nắm
chức vụ «trưởng». Nếu không, chỉ là người vô dụng. Anh không còn con đường nào khác là phải bỏ ngành để lên làm cấp trưởng.
Anh thương những thằng bạn cùng khổ với anh, thương những người lính dưới quyền mà cái chết của họ được đếm trong từng tíc tắc. Mới cười
nói đó, mới ước mơ đó, mới kể chuyện tiếu lâm đó, mà nghe một cái ầm, tiếng nổ từ một quả mìn của địch gài, sẽ tung lên những thân xác
người lính. Họ chết trong ngất ngứ, không toàn thây. Sau tiếng nổ, những người lính còn sống sót sẽ đi nhặt nhạnh ở chung quanh, đâu đó
một cánh tay, một cái chân hay một cái đầu bê bết máu. Cái chết không trối trăn, không dặn dò.
Soại chỉ còn lại niềm tin ở những người đồng đội cùng anh trong chốn tử sinh. Cuối năm đó anh nghe tin trung uý Tín chết khi đang hành
quân ở mặt trận Quế Sơn. Tín là khóa đàn anh của Soại. Tìn đã về làm việc ở Bộ chỉ huy trung đoàn một thời gian, nhưng sau lại bị đại tá
Nghìn đổi ra đơn vị tác chiến vì không "chung" đủ số vàng cho ông. Soại nghe tin mà hụt hẩng cả người.
Bây giờ anh là người bại trận. Anh sẽ khai gì đây. Hồ hởi phấn khởi trước sự thắng lợi của phía bên kia? Như những người đục nước thả câu
trong những ngày sau ba mươi tháng tư bảy lăm, đeo băng đỏ, bận đồ bà ba đen, đi trên những chiếc xe jeep căng đầy biểu ngữ hô hào
chiến thắng, kết tội kẻ thua. Anh không có cái lòng ấy. Dù gì anh đã lớn lên, hít thở không khí ở miền Nam, đã chịu sự giáo dục dưới
những mái trường thân yêu, anh không thể đành lòng lên án một chế độ đã qua.
Con người, chỉ có con người là có lỗi. Những nhân vật, những con người, khi quyền hành quá lớn đã làm họ đi chệch đường vì tham vọng. Sự
đào thải sẽ cuốn họ trôi đi như những giòng nước bẩn, sẽ trôi đi ra biển, để lại cho dòng sông sự im lặng, lóng trong.
Nhưng Soại vẫn nghe lòng mình không yên ổn. Xã hội lúc nào cũng có sự lẫn lộn giữa người và người, giữa tốt và xấu. Ai cũng mặc lên mình
chiếc áo gấm trang trọng. Làm sao phân biệt được ai? Như Dương, như Hoàng. Mới một tháng trước đây còn đứng trước hàng quân oai phong
lẫm liệt, mà nay đã quay mặt lại chữi quân đội thậm tệ, không còn danh từ nào tệ hơn.