Câu chuyện ghi lại giai đoạn từ 30/4/75 đến thời điểm có chương trình HO.
Một cảnh đời bi thảm sau cuộc chiến. Người đàn ông bị tập trung cải tạo, đói khát, bệnh tật, lao động khổ sai, không ngày về. Người đàn
bà ở nhà với đàn con dại, bị phân biệt đối xử, phải lao vào đời để kiếm miếng ăn. Những phản trắc, lọc lừa, ngoại tình, xác thịt, được viết
một cách trung thực với đầy đủ vóc dáng và nhân diện của từng nhân vật. Trong truyện còn ghi lại một thời buổi nhiễu nhương của đất nước
trước và sau 30/4/75, các tướng công sứ quân cát cư từng vùng. Tôn giáo, Đảng phái, Sinh Viên học sinh tranh đấu rồi Hộ khẩu, lý lịch,
tham ô, hủ hóa.
* * *
Chương Mười Tám
Đến ngày thứ mười mà vẫn biệt vô âm tín chuyện đi về. Đi Về! Sao tiếng gọi dễ thương quá mà chẳng bao giờ có trong đời của những người
trình diện. Họ như những nhân vật trong những vở hài kịch hay những vở xiếc. Ngơ ngác, ngây ngô, tin tưởng một chuyện không bao giờ có
thất. Khi chiếc lưới bủa ra để hốt một mẻ cá lớn thì đừng hòng. Những người chiến thắng đã trả lời một câu rất nhẹ nhàng: “Có câu nào
trong bản thông cáo nói là đi học tập cải tạo với thời gian là mười ngày đâu. Trong bản thông cáo ghi rõ là đem đồ ăn, thức uống, áo
quần xử dụng đủ trong mười ngày, có nghĩa là trong mười ngày đầu tiên cách mạng chưa lo kịp thì phải cần những vật dụng cá nhân ở nhà
mang theo.”. Câu trả lời thật “chuẩn” nhưng đã làm anh em chưng hửng. Anh em có một số người đã thất vọng, chữi thề vung vít. “Đồ
đểu, đồ chó má.” Câu chữi thề chỉ có tác dụng vào không khí.
Ngày thứ mười là ngày đánh dấu niềm tin của anh em đối với “cách mạng”. Thật rõ ràng là lính miền Nam lơ mơ về chính trị. Đọc về cộng sản
chỉ hiểu lờ mờ. Đi lính vì không có con đường nào khác. Đi tác chiến vì không “chạy” được làm việc ở văn phòng. Khi ra tác chiến nắm
chức vụ thì phải thi hành lệnh. Cái sứ mạng cao cả như bảo quốc, an dân, trí, nhân dũng, thành, được đọc lên như những ngôn từ nghe từ
lỗ tai này qua lỗ tai kia. Nhưng họ có cái hay là cuộc sống xã hội và gia đình đã tạo thành nếp trong họ những trật tự, những mẫu mực.
Như tôn trọng của công, có hiếu thảo với cha mẹ, tình yêu Tổ Quốc. Cái đó như giòng máu đỏ len lỏi trong từng li ti huyết quản của đời
sống họ. Nó tự nhiên như cây xanh trổ lá, trổ hoa. Cho nên, dù thất bại trong cuộc chiến, họ vẫn mang cái tâm thức ẩn tàng kia. Những
mưu đồ nhỏ nhen, chơi chữ, để đưa họ vào tròng, đã làm trong họ tan loãng đi những niềm tin ban đầu với chế độ mới.
Ngày thứ mười là một ngày buồn hiu. Buổi chiều anh em đi lao động về, ăn cơm, tắm rửa xong là đi lòng vòng trên những con đường chung
quanh Ngã Tư Quốc Tế. Nét mặt tươi hồng của một số anh em sau mười ngày dãi dầu ngoài hiện trường đã biến thể. Sạm đen. Áo quần đem theo
phải mặc để đi làm cũng lấm lem. Quần áo mặc đi chơi, đi dự học tập, theo họ nghĩ, là áo quần dân sự bảnh bao, mà bây giờ đem “cày”
ngoài hiện trường. Đào đất, khiêng PSP - đó là những tấm vỉ sắt lớn ở phi trường trực thăng dã chiến Trảng Lớn. Dọn dẹp và phá đi những
hầm trú ẩn của lính Mỹ bỏ lại, phá những hàng rào kẽm gai dày đặc, dù chỉ mới mười ngày cũng làm áo quần te tua. Họ bắt đầu tim cách “mưu
sinh thoát hiểm”. Đó là lấy những cái bao cát còn xài được để may những cái mũ, trước tiên là đội che nắng. Rồi cũng bằng vải bao cát,
họ may những cái quần đùi để thay đổi cho những cái quần đã rách. Rồi đến cái áo, cái quần dài mặc đi lao động. Mốt thời trang bằng bao
cát được phát động rầm rộ trong cả trại. Hai ông lớn, một ông giữ chức vụ Tổng Giám Đốc ngân hàng Quốc Gia Việt Nam ngày trước, và một
ông là bác sĩ Viện trưởng Viện Đại Học Y Khoa SG, đã đấu đá nhau, giành qua giựt lại, dằng co nhau, vì một cái bao cát, trong một buổi
đi lao động bên ngoài. Hai người nhìn thấy cái bao cát cùng một lúc nên không ai nhường ai, suýt đánh lộn. Đó là hoạt cảnh đầu tiên.
Đi với Niệm trên con đường trong khuôn viên những lán trại. Soại nói:
- Như vậy là tụi mình hết hy vọng trở về sau mười ngày. Đôi lúc mình nghĩ không thể về được, nhưng rồi lại cố tin.
Niệm nói, giọng đầy những băn khoăn:
- Với mình thì không sao nhưng lo cho vợ con quá. Mình cũng thật dại dột khi để vợ con ở lại Sài Gòn. Vợ mình người quê Bình Định, đâu
có rành đường đi nước bước ở Sài Gòn. Bây giờ mình về không được, không biết tính sao đây?
Soại an ủi bạn:
- Thôi, có lo lắng cũng chả được gì, mình đang ở trong rọ của tụi nó mà.
Soại nhìn bạn kỹ hơn. Mới mười ngày mà Niệm đã xuống sức thấy rõ. Gầy và đen. Ba ngày đầu đám tập trung còn được cho ăn gạo tốt. Đến ngày
thứ tư thì khi đi lãnh thực phẩm, người “anh nuôi” thấy gạo có mùi mốc, cầm lên tay toàn cám mục. Gạo chỉ còn lại xác khô, hết chất.
Người anh nuôi khiếu nại, được cán bộ hậu cần trả lời:
- Các anh ăn đỡ, đây là gạo Trung Quốc tiếp tế cho bộ đội ta. Từ bắc chuyển vào Nam chất ở kho trên núi, bộ đội ta chưa ăn đến thì đã
giải phóng Sài Gòn. Bây giờ các anh ăn gạo này tuy là hơi mốc nhưng còn hơn lúc chúng tôi chiến đấu trong rừng, chỉ có ăn khoai củ và
uống nước lã.
Anh em tập trung ăn gạo mốc, không có chất B1, thịt ai cũng loãng ra rồi sưng lên, lấy tay bấm vào thì không trở lại bình thường mà lõm
sâu vào. Phù thủng. Ai cũng thấy như mình yếu oặt ra, ngồi không muốn cử động.
Soại bị phù thủng. Người anh tự nhiên thấy yếu hẳn đi, làm việc, cuốc đất hay khiêng đồ, chỉ một chặp là thấy mệt, mắt đổ đom đóm. Niệm
cũng bị phù thủng nhưng đỡ hơn Soại. Niệm chỉ đen và gầy hơn.
Niệm nói:
-Mình đi không đem theo thuốc men gì, anh em có cho mình một ít viên B1, để mình chia cho Soại mấy viên. Loại thuốc này uống vào thì
đỡ phù thủng.
Soại cảm động vì lòng tốt của bạn. Gió chiều hiu hiu se lạnh. Mặt trời thấp thoáng ở phương tây chiếu những tia nắng vàng úa cuối ngày.
Gió mát thổi về từ hướng đông làm dịu đi cái khô rang của một ngày mùa hè. Anh em tập trung từ từ đi về lán trại của mình. Đi loanh
quanh, tán chuyện gẩu, nghe đài phát thanh ong ỏng nói, ong ỏng hát những bài ca với âm vực cao làm chói tai. Tất cả rồi cũng chán.
Đài phát thanh lúc nào cũng oang oang, chính sách của cách mạng trước sau như một. Như một, như một, nghĩa là không thay đổi, là khoan
hồng, độ lượng, dẫn dắt những người «lầm đường lạc lối» trở về với nhân dân, với dân tộc. Nhưng mười ngày chỉ là đem đồ dùng xử dụng đủ
mười ngày. Chứ có chữ nào ghi trong bản thông cáo nói là thời gian học tập là mười ngày đâu. Biết không?
Niệm và Soại vào phòng, vừa nằm xuống chỗ nghỉ của mình thì nghe một tiếng bùm thật lớn đâu bên dãy doanh trại bên kia. Tất cả anh em
trong lán im lặng nhìn nhau.
Một chốc có tiếng người nói :
- Chuyện gì đã xảy ra bên đó vậy?
- Tiếng nổ của lựu đạn.
Không ai biết. Tiếng nổ rền của lựu đạn. Anh em toàn là sĩ quan nên chuyện phân loại tiếng nổ của vũ khí rất dễ dàng. Có thể là vệ binh
làm sẩy chốt lựu đạn hay có thể là khu vực trại bị tấn công. Không ai đoán ra cả. Anh em, một số còn ngồi uống nước lạnh đun sôi, cũng
dẹp đồ đoàn đi ngủ.
Hôm sau, đi lao động ngoài hiện trường, anh em chuyền miệng nhau. Đêm hôm qua, dược sĩ Mai Gia Thược đã tung lựu đạn tự tử, vì biết
mình đã lầm khi đi trình diện tập trung.
Soại cũng biết niềm tin mười ngày học tập của mình cũng bị xói mòn. Anh không còn hăm hở về ngày về nữa. Anh nghĩ, ít nhất cũng ở đây
cũng ba tháng hay sáu tháng ? Chứ không thể ngắn ngày được. Anh an tâm đôi chút với suy nghĩ của mình. Dù gì thì vợ con anh cũng đã
về quê. Cái gánh nặng như được trút đi một phần.
* * *
Một buổi sáng, mặt trời lên rực rỡ, tốp quản giáo hôm nay nai nịt gọn gàng. Họ vào từng nhà. Quản giáo kêu nhà trưởng Hoàng ra chỉ thị:
- Anh cho tập hợp anh em lên hội trường học tập.
Mọi người đang chuẩn bị đi lao động như mọi ngày. Nghe tin đi học tập, có người nhảy cởn lên la to :
- Rồi, đến rồi, phải thế chứ. Học tập xong chuyến này là về, anh em tin tôi đi.
Lời nói đó của Lập, một tân thiếu uý, anh còn nắm chức vụ trung đội trưởng một trung đội bộ binh. Lập hay lạc quan «tếu», hay loan những
tin tức thuận lợi cho ngày về. Trong đầu óc Lập non choẹt về sự phán đoán. Lập thường nhìn sự việc bằng hiện tượng hơn là bản chất.
Lập nói tiếp:
- Anh nào cá với tui không? Tôi nói về là về. Họ nhốt mình để làm gì, chỉ tốn cơm nuôi.
Có một số người muốn đáp lại lời Lập, nhưng lại bận lo chuẩn bị mặc áo quần đi học tập nên họ im. Soại cũng vui trong lòng. Biết đâu đấy!
Quan trọng nhất trong việc tập trung là học tập. Học tập là tẩy não, là xóa đi cái nhìn cũ trong đầu và tiếp thu lấy cái mới, cái cách
mạng, cái giải phóng dân tộc, cái tự do, độc lập và hạnh phúc. Mà nay đã đến ngày đó. Chắc là ngày về cũng gần kề thôi.
Trong lúc bận áo quần, Soại hỏi Niệm:
- Bạn nghĩ thế nào, sau đợt học tập này?
Niệm cũng đang mặc áo. Cái áo bao cát anh vừa thực hiện. Cái áo khô, cong lên, trông nực nội, nóng bức. Nhưng Niệm đã rách hết áo
quần. Từ Quy Nhơn chạy vô Sài Gòn anh đem theo mấy bộ đồ, rồi gói đi «học tập» luôn. Gần một tháng lao động ngoài trời, mồ hôi mồ kê đổ
ra như tắm, làm áo quần mục đi.
Niệm nói:
- Bây giờ mình theo chủ nghĩa hoài nghi. Bắt đầu tin lời ông Thiệu nói. Để coi thử sao?
Soại lắng đi cái tin tưởng, cái háo hức vừa mới bùng lên trong đầu.
Hoàng nhà trưởng. Dương B trưởng, hối hả, hấp tấp, vừa chạy đầu này, chạy đầu kia, hối thúc anh em nhanh lên, nhanh lên. Mười phút sau,
cả đội chuẩn bị xong, tập họp ở trước sân nhà.
Người quản giáo đứng trước anh em, lên tiếng:
Hôm nay bắt đầu cho đợt học tập chính trị, các anh sẽ đến hội trường tham dự học tập. Các anh phải nghiêm túc tiếp thu những cái mới. Có
được sớm trở về đoàn tụ với gia đình hay không là do các anh. Tôi thấy các anh vẫn còn lề mề, lao động thì chây lười. Tôi dặn các anh,
đến hội trường dự học tập các anh phải nghiêm túc, không được nói chuyện ồn ào, trò chuyện riêng, các anh quán triệt hết chưa?
Mọi người đồng thanh, nghe rõ. Tất cả đi theo quản giáo.
Dương bước ra khỏi hàng, anh hô, một, hai, ba, bốn như đi diễn hành, cho toán đi đều hàng, như những ngày còn học ở quân trường. Trong
đầu óc Dương lúc nào cũng đầy đặc óc chỉ huy, toán đi phải có «khí thế».
Dương lên tiếng :
-Anh em đi đều bước nhé, tôi hô các anh em đi theo lệnh tôi, một, hai, ba, bốn, một, hai, ba, bốn, một, hai, bước đều, bước.