Câu chuyện ghi lại giai đoạn từ 30/4/75 đến thời điểm có chương trình HO.
Một cảnh đời bi thảm sau cuộc chiến. Người đàn ông bị tập trung cải tạo, đói khát, bệnh tật, lao động khổ sai, không ngày về. Người đàn bà ở nhà với đàn con dại, bị phân biệt đối xử, phải lao vào đời để kiếm miếng ăn. Những phản trắc, lọc lừa, ngoại tình, xác thịt, được viết một cách trung thực với đầy đủ vóc dáng và nhân diện của từng nhân vật. Trong truyện còn ghi lại một thời buổi nhiễu nhương của đất nước trước và sau 30/4/75, các tướng công sứ quân cát cư từng vùng. Tôn giáo, Đảng phái, Sinh Viên học sinh tranh đấu rồi Hộ khẩu, lý lịch, tham ô, hủ hóa.
* * *
Chương Mười Lăm
Nại Hiên thức dậy từ sáng sớm. Nàng lo nấu cơm và dọn dẹp nhà cửa, lo cho bà Khải và ba đứa con bữa ăn sáng. Nàng lấy lon Guigoz bới cho mình một lon cơm và một khúc cá chiên, để nàng ăn buổi trưa. Hôm nay, Nại Hiên định xuống Phòng Giáo Dục để hỏi thủ tục theo học khóa huấn luyện bổ túc chính trị, bao giờ khai giảng?. Dù gì nàng cũng phải đi hỏi. Đây là một cái cầu nối duy nhất để nàng bước tiếp con đường dạy học. Nếu muốn đi dạy lại thì phải qua cây cầu này. Nàng tự nhủ lòng như thế. Nàng đã quyết định phấn đấu, vượt qua những khó khăn để được đi dạy lại. Nàng nghĩ đó là con đường duy nhất cho nàng có thể nuôi ba đứa con, chứ đi ra buôn bán hay làm ruộng, làm sao nàng làm nỗi. Để tiện việc ăn uống và không quá tốn kém, nàng quyết định bới cơm theo ăn trưa. Thời buổi này mà lấy tiền đâu ăn cơm quán. Trong giờ nghỉ trưa, nàng sẽ đem cơm ra ăn. Nàng mang theo một lon guigoz đựng nước sôi để nguội. Như vậy là nàng đã quá tiết kiệm. Qua khóa học, may mà được đi dạy lại, nàng có chút lương hàng tháng, nàng sẽ mua gạo gởi lại cho bà Khải, vì nàng biết bà Khải đã già, chẳng còn làm ra được gì nhiều, ăn miếng cơm của bà lúc này nàng nghe đắng chát, nhưng biết làm sao hơn.
Nại Hiên lựa một cái quần tây cũ, màu nâu đậm, ống quần vừa phải không rộng lắm và cũng không chật quá. Chiếc áo sơ mi màu xanh da trời. Như vậy là được rồi. Từ hồi “giải phóng” đến nay, nàng chưa bao giờ được mặc một lần chiếc áo dài, nên nàng cũng thèm thuồng được mặc lắm, những chiếc áo dài nàng còn giữ treo đầy trong tủ. Nhưng nay, tự dưng, trong hoàn cảnh này, đi trình diện để theo học khóa bồi dưỡng, nàng vẫn thấy mặc áo dài không còn hợp thời nữa. Áo dài bây giờ đã thành một món hàng xa xỉ phẩm, mốt thời thượng quá lố, mặc nó vào tự nhiên cảm thấy lạ lẫm, như là quá phong lưu, quá đài các và phi lao động.
Chiếc xe đạp của chị Kim cho mượn là chiếc xe đạp sườn đầm sơn màu xanh đậm. Đàng sau baga chị kẹp thêm hai thanh gỗ dài để chở hàng. Nại Hiên tháo hai thanh gỗ ra và buộc cái xách trong đó đựng cơm nước của nàng lo cho bữa ăn trưa. Nàng kiểm tra lại bánh xe đạp có đủ độ cứng chưa. Nàng xem lại cái yên xe, cái yên đã sờn rách, các ốc vít gắn trên yên xe đã long, nàng phải lấy dây cao su bó chặt lại nên cái yên cộm lên. Nhưng dù sao nàng cũng yên tâm ngồi đạp xe hơn là ngồi trên cái yên quá lõng lẽo.
Nại Hiên chuẩn bị xong xuôi, nàng trở vào trong nhà dặn dò Anh Thư và Đông Nghi:
- Hai con ở nhà với bà nội, me đi xuống thị xã có chút việc chiều mẹ mới về, hai con không được phá nghe, me về nghe bà nội mách lại là bị ăn đòn đó nghe.
Hai đứa con gái vừa mới thức dậy, vẫn còn ngái ngủ nên gật đầu cho có lệ. Biết me đi thị xã nên con Anh Thư dặn dò thêm:
- Chiều me về mua cà rem cho con nghe.
- Ừ, me sẽ mua quà về cho các con.
Nại Hiên nhìn vào trong buồng thấy bà Khải còn đang ngủ với bé Anh Chi, dù vậy nàng vẫn chào:
- Thưa mẹ con đi.
Nàng bước ra sân, dắt chiếc xe đạp ra khỏi cổng rồi mới leo lên xe. Vì mới đi lại xe đạp, cũng hơn trên mười năm, từ ngày gia đình nàng sắm chiếc Honda dame, nàng không đi xe đạp nữa, nên nàng lái lạng quạng lúc đầu. Đường trong xóm buổi sáng vắng người nên cũng đỡ lo. Khi đạp xe đến đường tỉnh lộ, nàng thấy tay lái mình mới nhuần nhuyễn đôi chút. Buổi sáng sớm nên ít người đi lại trên đường, một vài chiếc xe đạp thồ chạy ngược chiều, một vài người quang gánh đi chợ Chiên Đàn sớm. Trời se lạnh, gió mát thổi rì rào trên các lùm cây. Một đêm đã qua và một ngày mới bắt đầu.
Nàng đạp xe vô đến Kỳ Hương là thấy mình đã quá mệt, mồ hôi mồ kê chảy ra ướt cả vạt áo sau lưng. Nại Hiên thở mạnh, cố dấn bàn chân đạp mạnh lên pedal xe. Chiếc xe đã cũ nên nặng trình trịch. Nại Hiên quẹo xe theo hướng tòa hành chánh tỉnh cũ. Cách đây hơn khoảng năm tháng thôi, khu vực này là tỉnh lỵ Quảng Tín. Có mấy lần nàng đã đến đây, đến với Soại bằng trên chiếc xe jeep của anh, trong những lúc anh đi công tác liên lạc Trung Đoàn với Tiểu Khu. Anh đã chở nàng đến đây và bảo nàng vào quán cà phê ngồi đợi anh. Anh quay lại một vài tiếng sau đó, rồi hai người cùng đi ăn phở hoặc mì Quảng. Nơi này, với nàng tuy đã biết qua, nhưng nay thì rất lạ. Chỉ cách đây trên năm tháng, đây là nơi các ty, sở của tòa hành chánh tỉnh. Bây giờ đã đổi chủ. Nơi nào của đơn vị quân đội cũ nay đều đổi tên “Doanh Trại Quân Đội Nhân Dân Việt Nam” với màu chữ vàng trên nền đỏ chói.
Nại Hiên loay hoay trên đường lên tòa hành chánh. Nàng nhớ lời hướng dẫn của ông hiệu trưởng trong trường hôm nọ. Phòng Giáo Dục bây giờ là Cơ Sở Học Chánh ngày trước. Nại Hiên đi theo trí nhớ của những năm tháng cũ, khi nàng ra trường sư phạm về trình diện ở Sở Học Chánh. Những hàng cây dương liễu, bạch đàn, trồng hai bên đường theo gió reo vi vu. Một cơn gió mát thổi qua làm nàng thấy khoẻ lại đôi chút. Đạp xe trên đoạn đường tám cây số, qua hai cây cầu bị gãy đổ phải dắt xe men theo bờ ruộng đi quanh. Bây giờ đã đến đây rồi, phải tiếp tục con đường đang đi, không thể quay lại được. Dù thế nào đi nữa nàng cũng phải cố gắng.
Nại Hiên mừng quýnh lên khi từ đàng xa nàng thấy tấm bảng màu xanh đậm có hàng chữ "Phòng Giáo Dục". Nàng đạp xe mau hơn, đôi mắt nháo nhác tim chỗ để xe, nàng dựa xe vào bậc thềm xi măng rồi khóa xe cẩn thận lại. Nàng bỗng bật cười khan. Chiếc xe đạp cà tàng thế này mà bây giờ quý quá, không có nó là không làm gì được, mất là không có tiền đền cho chị Kim. Khóa xong xe nàng bước lên thềm đi đến Phòng Giáo Dục.
Văn phòng chỉ có hai người làm việc. Cách trang trí thô sơ, giản dị. Những cái bàn gỗ với những xấp hồ sơ. Trên tường là tấm hình ông Hồ với chòm râu bạc và câu châm ngôn kẻ màu vàng trên tấm vải đỏ: Không Có Gì Quý Hơn Độc Lập Tự Do.