Câu chuyện ghi lại giai đoạn từ 30/4/75 đến thời điểm có chương trình HO.
Một cảnh đời bi thảm sau cuộc chiến. Người đàn ông bị tập trung cải tạo, đói khát, bệnh tật, lao động
khổ sai, không ngày về. Người đàn bà ở nhà với đàn con dại, bị phân biệt đối xử, phải lao vào đời để
kiếm miếng ăn. Những phản trắc, lọc lừa, ngoại tình, xác thịt, được viết một cách trung thực với đầy
đủ vóc dáng và nhân diện của từng nhân vật. Trong truyện còn ghi lại một thời buổi nhiễu nhương của
đất nước trước và sau 30/4/75, các tướng công sứ quân cát cư từng vùng. Tôn giáo, Đảng phái, Sinh Viên
học sinh tranh đấu rồi Hộ khẩu, lý lịch, tham ô, hủ hóa.
* * *
Chương Mười Hai
Bà Ngọ đang ngồi nơi hiên nhà bếp xắt rau cho heo ăn thì nghe tiếng chó sủa ngoài đường, khiến bà
ngó ra. Ba chiếc xe đạp thồ chở ba mẹ con Nại Hiên và hành lý tấp vào trong sân. Bà dụi mắt để nhìn
cho kỹ. Đúng là Nại Hiên và ba cháu ngoại của bà đã về. Sự lo lắng của bà từ ba tháng nay, kể từ ngày
nghe tin Nại Hiên ở Đà Nẵng theo tàu di tản vào Nam. Từ đó đến nay bà bặt tăm tin tức. Mấy người con
trai lớn của bà cũng biệt tin từ ngày đó, ngày những người mang súng từ trên núi xuống tiếp thu quận
lỵ và cơ quan hội đồng xã.
Bà im lặng nghe ngóng tin tức, nhưng những tin xấu cứ một ngày một lan rộng ra. Mất Quảng Ngãi, Quy
Nhơn, Nha Trang rồi Long Khánh... Bà còn lại một mình trong căn nhà quá rộng, bà chỉ còn một điều là
cầu nguyện, cầu nguyện Phật Trời gia hộ cho các con bà được bình yên.
Bây giờ Nại Hiên trở về. Bà thấy mừng trong bụng nhưng bà cũng thương cho đứa con gái út, số nó rồi
sẽ khổ. Nhưng bây giờ nó đã trở về với bà, mẹ con phải đùm bọc nhau mà sống thôi. Bà Ngọ vội bỏ con
dao xắt rau xuống, rồi đứng lên nói lớn:
- Con Hiên và mấy đứa nhỏ về đó hả? Thế mà bấy rày tao lo cho tụi bay quá.
Mấy đứa nhỏ lục tục xuống xe thồ, đến trước mặt bà ngoại cúi đầu:
- Chào bà ngoại con mới về.
Bà xoa đầu từng đứa rồi hối tụi nhỏ đi tắm. Hai ngày hai đêm trên chiếc xe đò nóng hừng hực làm tụi
nhỏ đứa nào đứa nấy cũng rít rịt mồ hôi. Bây giờ về quê, tụi nhỏ như được thả lỏng ra, tụi nó bung ra
khỏi tay bà và chạy ù ra giếng. Nước trong lu đã múc sẳn, tụi nhỏ tha hồ đùa dỡn với làn nước mát
rượi.
Nại Hiên bế Anh Chi, đứa con gái mới sinh đã chịu nhiều lao đao của nạn chạy giặc, từ Tam Kỳ ra Đà
Nẵng rồi từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, Ôi chao! Mỗi lần đi là mỗi lần bế Anh Chi trên tay đã làm cho đôi tay
Nại Hiên mỏi muốn rụng rời.
Buổi trưa ở miền quê yên tĩnh. Bây giờ bà Ngọ đã vào nằm nghỉ trên chiếc ghế gỗ đặt dưới hiên nhà. Ở
đó, gió từ phía biển thổi qua rặng dương liễu, lồng lộng xuyên suốt mái nhà, luồng vào hàng hiên. Gió
mát nên bà thường nằm nghỉ tại đây. Nại Hiên sau khi đã tắm xong, giặt giũ đồ đạc cho mấy đứa con,
nàng vào nằm trên tấm phản ngựa giữa nhà. Tấm phản hình như đã có từ hàng trăm năm nay rồi, khi nàng
sinh ra và hiểu biết, nàng đã thấy tấm phản đã được kê ở đây. Bây giờ thêm mấy chục năm nữa. Tấm phản
nàng đã nằm khi còn là cô bé mũi dãi lòng thòng, đến khi nàng là thiếu nữ, rồi có chồng, có con. Có
một thời, Soại làm rể trong căn nhà này, anh đã nằm ở đây phải không anh? Ngày đó anh quen em, anh
lên dạy em học và ngủ trên tấm phản này. Em đã lấy chổi lông gà quét cho hết bụi, lấy khăn ướt lau cho
sạch để anh nằm ngủ. Ở đây, mỗi tối, em lén mẹ ra nằm với anh. Anh ôm em vào lòng và hai đứa mình rì
rầm nói chuyện suốt đêm. Bây giờ thì em trở về đây một mình. Lúc đó anh ở một nơi nào xa tít, khi thì
trên núi cao, khi thì dưới miệt biển sâu với đám lính của anh. Anh đã bỏ quên em, đã bỏ em lại đằng
sau cho sự tàn phai. Còn bây giờ thì anh một mình ở Sài Gòn, anh đang làm gì trong đó, chuẩn bị đi
học tập cải tạo chưa? Em một mình cùng ba đứa con thơ dại. Trở lại căn nhà, khu vườn cũ. Em nhớ anh
quá! Soại ơi.
Nại Hiên kêu lên nho nhỏ trong miệng. Bây giờ trước mặt là ba đứa con. Mình phải làm gì để nuôi tụi
nhỏ sống được đây. Mẹ thì già quá rồi. Những thửa vườn, những đám ruộng còn đó, nhưng đâu còn là sở
hữu của mình nữa. Nhưng mà thôi. Để đó, dẹp mọi phiền muộn âu lo lại cho ngày mai, ngày mốt. Phía
trước mặt còn quá dài và đang trải ra. Sẽ choáng hết đời em vào đây. Soại ơi!
* * *
Căn nhà từ đường kiểu cũ, nơi thờ phượng họ tộc mà cha Nại Hiên đã giữ được trong mấy mươi năm. Mấy
mươi năm trôi qua từ ngày tiêu thổ kháng chiến. Ngày đó, nông dân vùng lên làm cách mạng đánh Nhật,
đuổi Tây. Tây đóng đâu tận Đà Nẵng, Hội An nên được gọi là vùng bị chiếm, còn vùng nầy là vùng tự do,
có Ủy Ban Hành Chánh Xã, có chính quyền cách mạng.
Thời đó, trong một phiên họp của Ủy Ban Hành Chánh quyết định tiêu thổ kháng chiến để chống quân Pháp
đi càn, tất cả các nhà ngói, nhà rường phải giở đi, phá đi, trong đó có căn nhà từ đường của họ tộc
nhà ông. Ông Ngọ đứng lên phản đối. Tại sao phải giở căn nhà tự đường đã có trên mấy trăm năm. Nơi
đó, ông đã thờ phượng ông bà, cúng giỗ hàng năm. Con cái, cháu chắt về đông chật cả căn nhà rộng.
Cuộc họp tan trong sự hậm hực của Ủy Ban Hành Chánh. Cũng may mà ông Ngọ đứng lên phản đối nên công
việc tiêu thổ kháng chiến của xã tạm thời ngưng thi hành. Sau đó mấy tháng thì rục rịch có tin ký hiệp
định đình chiến. Nhờ vậy, căn nhà được trụ lại cho đến bây giờ, hơn hai mươi mốt năm.
Hàng năm các con ông Ngọ mỗi lần kỵ giỗ đều trở về đây lạy tạ ông bà. Nhưng ông Ngọ thì đã ra đi không
trở về quá sớm.
Quốc gia tiếp thu. Ông Ngọ ra làm chủ tịch xã. Dù ông là đảng viên Việt Quốc nhưng khi mới thành lập
chính quyền, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng cần có những người như ông trợ lực. Ông làm việc cần mẫn,
liêm khiết, nên chỉ mấy năm sau hòa bình lập lại. dân chúng ai cũng đều có chén cơm ăn, cuộc sống an
nhàn hơn. Cơ quan Hội Đồng Hương Chính đặt phía dưới đường quốc lộ, nằm sát bên là trường tiểu học và
bịnh xá của xã. Bên kia sát mé bờ sông là chợ, người dân mua bán tấp nập, ồn ào náo nhiệt, thật đông
vui.
Ông Ngọ chết. Những ngày đau buồn cũng qua. Bà Ngọ sống âm thầm cùng các con, lo cho các con ăn học.
Toàn, ngươì anh cả đã thành danh, đã hoạt động có tiếng tăm trong chính giới. Còn những người con khác
cũng có bằng cấp và nghề nghiệp. Dĩ vãng lùi dần phía đàng sau.
Bây giờ cũng trên mười lăm, mười sáu năm, cuộc đổi đời một lần nữa lại đến. Bà đối diện thẳng với
những người từ trên núi xuống, những người mà ông Ngọ và các con bà đều coi như kẻ thù không đội trời
chung.