- Nghĩa trang này ma dữ lắm ! Người đàn bà tiến bước cho kịp Tâm, liếc nhìn anh, mĩm
cười nói khẻ. Tâm làm như không nghe, cúi xuống xăn lại ống quần. Nghĩa trang nằm bên quốc lộ.
Từ nhà ra rẫy Tâm phãi đi qua đọan đường này, đoạn đường nhiều dấu chân trâu trong những ổ gà được
đắp tạm bằng đất sét. Những chuyện kễ về ma ở nghĩa trang này nhiều như chuyện thời sự hằng ngày.Từ
chuyện đoàn quân ma tập họp trong nghĩa trang, với đèn đuốc sáng trưng chuẩn bị tấn công thành phố,
cho đên những toán quân ma Mỹ xông vào nghĩa trang giao chiến bằng lưỡi lê, mã tấu. Từ chuyện nửa
đêm nghe tiếng hét "trung với đảng hiếu với dân..." cho đến những tiếng kêu than nguyền rủa những
người đưa họ vào chỗ chết. Toàn là chuyện ma. Tâm nghĩ đó chẳng qua là ám ảnh được chắp nối từ một
loài ma khác:
Đó là ma sống.
Ma sống thì ở đâu cũng có, thời nào cũng có, nhưng lộng hành nhất là ờ vùng thôn quê trong thời
loạn. Ma thường lảng vảng cạnh nghĩa trang, rình mò sau những khu vườn hay la cà suốt ngày trong
quán xá. "Ma bắt coi mặt người ta" Ông bà ta nói thế. Những người tin có ma như Tâm thì dễ thấy ma
.Những người không tin thì dễ biến thành ma mà họ không hay biết. Ma theo dõi Tâm nhiều nhất vì
Tâm hay cưòi. Đi cải tạo về mà còn cười! Cha chết, vợ bỏ đói meo mà cười ! Tâm vẫn biết, nhưng chẳng
lẽ lại khóc. Nhiều lần anh tự nhủ: "Thôi ! kệ mẹ nó, đừng cười cũng được". Nhưng thật lạ; khi
nhìn lên bốn chữ "tổ quốc ghi công" môi anh vẫn tự động làm một cái gì đó hơi giống một nụ cười. Tuy
chỉ hơi giống một nụ cười thôi , nó cũng có thể đưa đến cho anh những tai họa, bất ngờ khủng khiếp.
Anh thừa biết: tất cả đều bắt đầu từ cái đêm hôm đó: Cái đêm đi gác quan tài.
Vừa ra trại vài ngày anh được người bí thư chi bộ mời anh đi "Công tác". Công tác ban
đêm! Ở quê anh biết bao người được mời đi công tác ban đêm. Đi là không về, tìm không thấy xác. Mẹ
anh tóc trắng như bông, nghe tin bí thư Đinh Chính mời anh đi họp, bà đã khóc thành tiếng. "Thằng
Chính là con bà Vịnh. Không ngờ bà Vịnh lại có đứa con lấy oán trả ơn." Bà bảo anh đừng đi, có chết
thì chết ở nhà" Tâm chỉ mĩm cười trấn an với mẹ. "Không đi sao được. Họp vài giờ là cùng".
Tâm thừa biêt người ta nói vài giờ cũng có nghĩa là vài năm, cũng có nghĩa là vĩnh viễn. Nhưng thời
gian, sống chết đối với anh lúc này có đáng gì đâu..
Mẹ anh luống cuống lau nước mắt, đội nón lá chống gậy ra đi
"Mẹ qua nhà bà Vịnh, ghé quán con Bưỡi mua ít rượu về cúng ông bà. Ở nhà chờ mẹ về hãy hay."
Tâm vẫn bình thản ngồi mài rựa. Anh bỗng thèm rượu đế. Anh lại nhớ về Bưỡi. Về cả tuần mà không ghé
thăm. Chắc Bưỡi trách mình nhiều lắm. Tình đầu dễ vỡ, khó quên. Nỗi buồn nào cũng kèm theo nỗi xót
xa ân hận. Tâm đã lạc vào quá khứ xa xôi cho đến khi nghe mùi hương thoang thoảng. Mẹ chàng đã quì
trước bàn thờ.
Tâm quì sau lưng mẹ. Không khí trang nghiêm. Anh lạy ông bà lạy cha rồi lạy mẹ. Rót chén rượu cho
mẹ, kê môi vào miệng chai; hít một hơi dài rồi đặt chai xuống đất, nói khẻ vào tai mẹ.
- Giết được con bọn hắn cũng có đứa chết.
Không chờ mẹ trả lời, với chiếc rựa gói trong chiếc chiếu, Tâm lao vào đêm tối, băng đường tắt, tiến
nhanh về hướng cơ quan..
Đối diện với cơ quan là trường tiểu học đang bập bùng ánh lửa. Từng toán nông dân nam nữ ngồi rải
rác, vừa hút thuốc vưà nói chuyện tào lao tục tĩu. Thấy Tâm đên tất cả đều im lặng, đưa mắt nhìn
anh một cách tò mò. Người duy nhất đến bắt tay anh là bí thư Đinh Chính.
Đinh Chính với Tâm là bạn thuở thiếu thời, cùng thôn khác xóm. Cùng học một lớp đến hết tiểu học.
Tâm lên tỉnh học rồi đi Sỉ quan còn Đinh Chính thì thôi học giử trâu và đi du kích. Hai đứa bạn đã
thành hai kẽ thù. Mười lăm năm bây giờ gặp lại.
Đinh Chính bắt tay Tâm mắt nhìn đi nơi khác. Chiếc răng vàng sáng bóng và ngôi sao đồng
trên chiếc nón cối đội nghiêng sáng lên trong ánh lửa vật vờ của hai hàng đèn gió, phản phất một nụ
cười nham hiểm.
- Thế này nhé! Đinh chính nhìn đồng hồ - Tới giờ rồi ...anh mới về nên anh không biết.
Trong chiến dịch thi đua đền ơn đáp nghĩa, huyện ta đã làm xong một nghĩa trang liệt sĩ. Thôn ta
được trên giao chỉ tiêu là 64 liệt sĩ. Hiện tại chúng tôi đưa được 32 đồng chí về đây. Đinh
Chính đưa tay chỉ những chiếc quan tài trên sân - Nội buổi sáng ngày mai phãi tập kết đủ 64 đồng
chí vể nghĩa trang huyện. Đêm nay chúng tôi phãi hành quân khẩn trương. Tập trung thêm 32 đồng chí
nữa. Tạm thời tôi giao cho anh công tác là quản lý những cây đèn gió và bảo vệ quan tài ở đây.
Không cho đèn tắt và không cho ai đến gần quan tài. Tôi có cắt vài đồng chí võ trang ở đây với anh.
Có gì trục trặc các đồng chí ấy có quyền xử lý.
Trước sân trường tiểu học, ba mươi hai chiếc quan tài phủ giắy đỏ có gắn sao vàng được xếp thành 4
hàng ngang, được đặt trên những khung tre đơn giản. Một chiếc tháp khung tre là tháp đài Chiến sĩ
;trên có 4 chữ Tổ Quốc Ghi Công màu vàng. Trên cùng là bàn thờ lãnh tụ được trang trí bằng một chiếc
lư đồng đặt giữa; bên trái là cờ đỏ sao vàng,bên phãi là cở đỏ buá liềm và trên cùng là ảnh cố chủ
tịch Hồ Chí Minh đang mĩm cười nhìn xuống.
Một mình Tâm đứng trước cảnh lung linh của những ngọn đèn vàng úa, trong khung mờ ảo toàn màu huyết
đậm giữa đêm đông; ý nghĩ về vị thần Minotavre chợt đến trong ghê rợn. Những con vật của thời
Trung cổ còn vẳng tiếng kêu than trong hơi gió. Những lễ vật đẫm máu là vật ưa thích của hung
thần. Thời Trung Cổ đả xa vời, lẽ đâu vẫn còn tồn tại nơi đây. Và biết đâu trong đêm nay, chính
nơi nầy sẽ đến lượt anh, vật tế thần để trả thù trong bí ẩn.
"Tôi đã cắt vài đồng chí vũ trang ở đây với anh, có gì trục trặc các đồng chí ấy có quyền xữ lý"
Đinh chính đã nói thế. Tâm nhìn quanh tất cả đều vắng lặng. Cũng có thể họ đang ẩn nấp gần đây .
Chỉ cần anh đến gần bàn thờ Tồ Quốc hay những chiếc quan tài kia là họ sẵn sang nổ súng. Cũng cò
thể chờ lúc anh ngủ say buộc cổ anh lên sườn nhà giống như người tự sát ... cũng không biết chừng.
Đã đến nước nầy Tâm chĩ còn biết đánh liều. Anh vào phòng, trải chiếu trên bục gổ, gối đầu lên con
rựa nhìn ra sân. Im vắng đến lạ lùng. Tâm tự hỏi: - Sao không ai đến viếng. Ba mươi hai chiếc
quan tài cô đơn hình như chỉ còn một điều bám víu duy nhất, đó là nụ cười của vị lãnh tụ kính yêu
của họ từ trên bàn thờ nhìn xuống.
Tâm nhìn qua cửa sổ, vài chiếc đèn gió đã tắt tự bao giờ. Vài tấm giấy đỏ bật lên để lộ những tấm
gỗ tạp đóng sơ sài nhỏ bé. Gọi là quan tài nhưng thật ra chỉ là những chiếc quách dài khoảng một mét
cao khoảng 20 phân, được phủ bằng những tấm giấy đỏ có đánh số và được buộc chặc bằng hai dây lạt
néo sơ sài.
Phiá sau trường, bên kia hàng rào cây mì, một mái tranh mờ ảo với ánh đèn dầu leo lắc. Tâm bỗng
giật mình mò tay lên cán rựa.. Có tiếng cây mì gảy. Tiếng sột soạt gần đây. Một bóng đen vừa băng
qua hàng rào, dáng lom khom chậm chạp.
- Chú Bốn ơi! Chú Bốn Tâm ơi!... Chú ở mô rồi.
Tâm im lặng.
- Bác Vịnh đây, Tâm ơi con có ở đây không?
Bác Vịnh, đó là người đàn bà hàng xóm mà mẹ Tâm luôn tin cậy. Trước kia thường giúp việc cho ba mẹ
Tâm. Chồng bị Pháp giết, đề lại cho bà một cái nhà tranh với năm đứa con nheo nhóc. Bà một mình
nuôi con: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, bốn đứa con trai như bốn hòn núi đất. Cô gái út là Bưỡi nhỏ hơn
Tâm 5 tuổi ốm nhom như con cò ruồi. Vừa khi bốn đứa con bắt đầu làm ra của thì chiến tranh ập đến.
Các xã trưởng lần lượt bị giết. Ấp chiến lượt biến thành củi đốt. Vùng thôn quê bị bỏ rơi. Cả bốn
đưá con trai bà Vịnh đều thoát ly, đưá đi bộ đội đứa làm du kích. Hầu hết dân chúng bỏ làng đi lánh
nạn, bé Bưỡi là con út, khóc ngày khóc đêm xin mẹ rời bỏ vùng lửa đạn nhưng bà Vịnh nhất quyết
không đi. Bà có cảm tưởng nếu rời bỏ làng quê là phản bội. Bà bám trụ. Nếu có đưá nào về bà sẽ cho
một bửa cơm trắng,gói thêm một bọc tôm khô hay cá khô. Ít ra cũng còn một nơi gặp con. Và cũng chỉ
nơi đó thôi, bà mới có hy vọng khấn vái Trời Phật ông bà phù hộ cho con bà tai qua nạn khỏi.
Nhưng chiến tranh mỗi ngày thêm ác liệt. Lủy tre xanh biến thành rừng cây khô. Du kích địa
phương chết gần hết. Chính phãi lên vùng cao. Bà mừng thầm vì cả bốn đứa con đều chưa có tin báo tử.
Bé Bưỡi thì mỗi ngày một xanh xao còm cỏi,dầu cô ta đã lên 16. Bà giật mình nghĩ lại. Ở đây không
còn đàn ông ,không còn trai tráng... làm sao cho bé Bưỡi có chồng. Phãi bỏ quê hương thôi. Chiến
tranh kiểu này thì chết hết. Phãi giữ mạng con Bưỡi lại làm nơi nương tựa khi tuổi về chiều. Và cô
bé Bưỡi đã ra thành phố. Cô lớn nhanh và đẹp như người thành thị. Nàng đã gặp lại Tâm và yêu Tâm,
mặc dầu Tâm và các anh trai nàng đứng hai chiến tuyến. Bà Vịnh cũng biết điều đó, vẫn không ngăn
cản. Con trai còn không giữ được huống gì con gái. Thôi kệ.Cùng lắm cũng có cháu bồng.
Cuộc đời bà buồn khổ quá nhiều rồi, để bọn trẻ vui được ngày nào hay ngày nấy . Thế rồi bà
cũng có một ngày vui. Ngày vui nhất của bà là ngày 30 tháng tư. Bà đã vỗ tay cười ha hả khi nghe
bản tin trên đài phát thanh : Giải phóng Sài gòn.
Ngày hôm sau gặp lại Chính bà mừng rơi nước mắt. Chính không vui mừng như bà tưởng. Chính vừa
gặp mẹ là buông lời hờn trách. Tại sao không bám trụ mà chạy ra vùng địch. Bưỡi nhìn anh mím môi
khing bỉ. Anh em không hợp nhau. Thái độ của con không làm cho bà buồn bằng nghe tin cùng lúc là cả
3 đưá con kia đã hy sinh từ 6 năm về trước. Bà chĩ còn biết đau đớn căm hận. Mỹ đã cút rồi. Ngụy đã
nhào rồi bà biết trả thù ai. Từ đó bà luôn uống rượu say mèm từng đêm kêu trời, chữi đất. Chỉ có
Trời với đất là dễ chữi. Mặc dầu bà biết trời đất không có lỗi gì. Chữi càng mang tội.Cuối cùng bà
thui thủi mở chiếc quán sau trường tiểu học. Bà với Bưỡi hủ hỉ cùng nhau..
Hôm Tâm vừa caỉ tạo về ai cũng nghĩ là bà sẽ có đối tượng. Bà sẽ chữi Tâm. Chỉ có Tâm là Ngụy.
Nhưng bà không chữi. Ai cũng lấy làm lạ .Hay là bà Vịnh già quá hoá quên. Hay bà muốn gả con Bưỡi
cho thằng ngụy đó. Có lẽ Bà đã động lòng khi mẹ Tâm đến nhà chiều nay cầu cứu. Bà nắm tay Tâm nói
nhỏ:
- Con Bưỡi bảo Bác ra đây!
Nghe nhắc tên Bưỡi, Tâm thấy lòng xao xuyến.
- Bác khoẻ không ? Bưỡi được mấy đứa rồi Bác?...
- Chồng đâu mà mấy đưá! Bà vịnh lắc đầu - Con Bưỡi chờ con không chịu lấy chồng. Bà nhìn
Tâm một lát rồi nói tiếp: Bây giờ hắn cũng đang chờ trong kia. Vô với nó một chút đi con .
- Không được đâu bác à!
- Sao lại không được Bà vịnh gắt - Tình cũ không rũ cũng tới. Đi đi. Để đây cho bác lo
cho.
Tâm nhìn qua hàng rào. Ngọn đèn dầu leo lắc như gần như xa. Bưỡi đang chờ thật không? Hay có gì
bí ẩn. Ở đơn vị của Tâm ngày xưa cũng có một sĩ quan chết vì gái đẹp. Sau nầy khi bắt được cô gái ấy
đã khai rằng... khi anh ấy vừa lên bụng em thì anh bị đâm chết. Xác trần truồng được ném xuống sông
sau khi buộc theo tảng đá. Cô được thưởng danh hiệu nữ anh hùng. Những âm mưu giết ngừơi kiểu ấy
như ma như quỉ. Những hồn ma đang ẩn nấp quanh những chiếc quan tài kia, những bóng ma cũng có thể
nấp sau ngọn đèn nhân hậu. Dầu phãi chết cũng không thể chết trong nhục nhã.
- Để bác ở đây bảo đảm hơn. Nghe bác nói đây Bà Vịnh nghiêm giọng - Con là con một. Sống
chết bất thường. Phãi biết khôn. Phãi có chút con trai nối giỏi cho anh chị nhà... Bà Vinh thở
dài - ...Con Bưỡi thương con ,cần con. Tại sao lại không được.
- Con đã có vợ Tâm thở dài - Bác cũng biết rồi. - Dầu vợ con đã vượt biên. Xin bác nói
lại với Bưỡi thông cảm cho hoàn cảnh của con hiện tại. Chúng con có duyên mà không có nợ .
Bà Vịnh lại thở dài: "Mầy tệ lắm !". Bà ho lên sù sụ. Rồi như nhớ ra điều gì bà lấy ra một
chai rượu, nốc một hơi dài. Bà cúi đầu rên rỉ. Tiếng khóc của người già giữa đêm khuya cùng tiếng
gió khua những tờ giấy đỏ làm Tâm luống cuống
- Bác à! Tâm hỏi - Vì sao gác quan tài chỉ giao cho một mình con. Bà bảo vì ở đây chỉ
có một mình chú là ngụy. Lát nữa thân nhân liệt sĩ đến đây, họ sẽ mở nắp quan tài, nhìn xương chồng
xương con, nếu chú không cản họ là có tội với cách mạng, còn cản họ sẽ bị chữi bới đánh đập hoặc
tệ hơn thế nữa
Bà Vịnh lại thở dài.
- Nhưng ai cũng biết. Làm gì có xương trong đó! Rồi bà chợt hỏi. Con đi nhiều rứa
con có biết Trà My là ở đâu không.
- Dạ biết! Tâm vui vẻ khi bà Vịnh đã chuyển đề tài - Nó là huyện miền núi ở
phía tây,thuộc tỉnh Quảng Nam, giáp giới với Kontum và nước Lào lận bác.
- Thằng Kiệm hy sinh ở đó.Còn thằng Cần và thằng Liêm cùng tiểu đoàn 72 thì củng hy sinh
một ngày ở Quế Tiên..Con có biết Quế Tiên không.
Tâm lắc đầu im lặng. Hình ành trận đánh Quế Tiên như một ám ảnh tàn khốc của chiến tranh.. Tiểu
đòan 72 tất thắng cố tiêu diệt một trung đội Mỹ trên ngọn đồi 81!Nhưng tình thế đã hoàn toàn đảo
ngược. Tâm vẫn còn nghe mùi khét của khói lân tinh. Những cánh rừng bốc lửa thành một vòng vây đỏ
rực. Tiểu đòan 72 tất thắng phãi rút lui theo sườn đồi bốc cháy dười những chiếc gunship truy kích.
Những họng súng từ trên cao nẻ vào đầu những con người chạy trốn. Trong cảnh cùng đường ấy họ chỉ
còn biết nằm ngữa ra, xỉa súng lên trời. Và cuối cùng là những xác người rách nát cháy đen. Khi bóng
đêm vừa xuống thì trận mưa cũng bắt đầu. Những đóm lân tinh nhảy múa như những hồn ma dắt nhau xuống
suối. Và con suối cuồn cuôn những đóm lửa ma trơi. Khốn khổ thay cho những người mẹ không biết con
mình đang lâm trong hoàn cảnh cùng đường ấy.. Tội nghiệp cho bà Vịnh. Tâm không thể kể cho bà nghe
về những xác người bỏ lại chiến trường. Những tiếng kêu khóc tuyệt vọng trong đêm mưa hôm ấy. Anh
không dám kể cho ai về mùi người chết cháy bỡi lữa phosphor. Không thể kể những con suối cạn làm mồ
chôn bất đắc dĩ. Những chiếc xe ủi đất đi lượm xác người về chung một hố. Và chiếc hố kia không ai
còn nhớ là ở nơi nào khi cây cối đã mọc lên trong hoang vu quên lảng..
- Thằng Chính bảo hai anh ấy đã được đưa về. Đã có đây rồi nhưng không biết số mấy. Ngày mai lên
nghĩa trang mới biết.
- Á! thì ra là vậy.
- Mười hai giờ rồi. Hăm mốt nửa đêm .Trăng mọc rồi kìa.. Đi đi con!
Tâm lại nhìn về phiá ánh đèn. Lòng lại thấy thương hại Bưỡi. Bưỡi thích nhìn trăng và có
những ước mơ đơn sơ nhỏ bé: một căn nhà nhỏ vùng quê để thấy trăng lên, ăn cơm dưới trăng và ngủ khi
ánh trăng xuyên qua cửa sổ. Tâm bỗng mềm lòng. Cô ấy có lẽ vẫn còn rất ngây thơ như thuở trước ,ngây
thơ trao cả tình yêu cho chàng. Và chàng thấy xót xa ân hận.
- Đi đi con! Bà Vịnh lại giục - Đừng để nó chờ tôi nghiệp..
- Thôi được! Tâm nói nhỏ. - Bác ở đây thay thế con. Độ một tiếng con trở lại.
Tâm cầm chặc cán rựa trên tay bước qua hàng rào nhẹ và nhanh như một cuộc tập kích liều lĩnh. Đến
gần mái tranh, Tâm nằm yên nghe ngóng. Thỉnh thoảng chàng lấy đất ném về phiá sau nhà rồi lại ném về
phiá hiên. Tất cả im phăng phắc. Chàng hé cửa nhìn vào. Bưỡi đang ngồi trên ghé, tựa đầu vào chiếc
bàn lớn đặt giữa nhà, tóc xỏa một bên vai, ngủ gục. Trên bàn là thức ăn đặt trong lồng bàn với chai
rượu và chiếc ly nho nhỏ.
Tâm thấy trái tim mình nóng ran và nỗi yêu thương hạnh phúc chợt đến bất ngờ.
- Bưỡi! Tiếng gọi của như tiếng vọng từ nơi nào xa lạ.
Bưỡi giật mình khi bàn tay Tâm vừa chạm vào vai nàng.
Hai người ôm nhau. Không còn câu nói nào có ý nghĩa. Họ chỉ biết huyên thuyên với nhau, hơi thở gấp
rút, nụ hôn vội vàng, gắn chặt. Cả 2 người như thách thức với những hiểm nguy đang rình rập. Hơn bảy
năm đói khát tù đày, hạnh phúc thật đơn sơ nhưng quí giá. Cả 2 cùng uống rượu, cùng say và cùng nói
những lời thiệt thà dịu ngọt.
- Em nhà nghèo, ít học mà lại thương anh. Anh lại bỏ em đi lấy vợ. Rứa mà em lại chờ anh
- Anh thật tình có lỗi. Bây giờ anh khốn khó. Em thương thì bỏ qua cho anh.
- Em xin anh cho em một .. đứa con.
- Không được đâu em.
- Sao vậy anh. Em sẽ giữ kín nếu anh không muốn cho ai biết. Cho đến khi nó lớn
- Hãy chờ anh một thời gian nữa đã. Anh cần uống thuốc và chữa bệnh.
- Anh bị bệnh gì vậy.
- Liệt.
- Xaọ!
- Thiệt đó em.Anh không còn sức lực với em như ngày ấy. Bảy năm chứ ít ỏi gì. Người ta đã lấy hết
sinh lực của anh rồi.
- Bọn nó ác!. Thôi được em sẽ chờ đến khi nào anh ... hết bệnh. Bưỡi hôn bàn tay Tâm và đeo vào
ngón tay chàng một chiếc nhẫn vàng. - Anh bán đi mà tiêu
Trăng lên sau ngọn đồi phía đông, mờ mờ trong sương khuya lành lạnh.
Hai người sánh vai nhau dưới trăng khuya đi về trường tiẻu học. Bỗng hai người cùng đứng lại.
Bên trái sát bờ rào ba bóng đen ẩn hiện. - Bưỡi ôm chặt Tâm run rẫy.
- Ma!.
Dưới ánh đèn mờ ảo, ba bóng đen đang mở nắp quan tài. Tâm nhìn kỷ thấy người đứng soi đèn chính là
bà Vịnh. Hai người bàn bà kia tóc búi, đang cố sức lôi một gói màu đen ra khỏi quan tài đặt nằm trên
mặt đất. Cả 3 người như giật mình lui lại. Chiéc bọc đen động đậy. Người đàn bà nói khẻ : "chưa
chết" Bà Vịnh đặt ngón tay lên môi. vội vàng cột lạt néo bưng chiếc quan tài về chỗ cũ. Hai
người đàn bà khiên chiếc bọc băng qua hàng rào lẫn vào trong đêm tối.
- Cái gì thế? Tâm hỏi nhỏ.
- Trời đất! Bưỡi rùng mình - Con chó.. hình như còn sống.
- Tại sao lại ở trong đó?
- Họ cải thiện đó anh.
Tâm chợt nghĩ về những ngày trong trại. Khi con người đói khát thì miếng ăn là là cám dỗ vô cùng bi
thiết. Cải thiện cũng có nghĩa là kiếm ăn! Một lúc khá lâu Bươĩ kề tai Tâm nói nhỏ. "Coi như
không thấy nghe anh. Chớ hé môi.May phước cho anh đó." Bưỡi nắm chặc tay Tâm một cái rôì lặng
lẽ vào nhà...
Bà Vịnh đã nằm trên bục gỗ ngáy kho kho như người bị suyễn.
Mười lăm năm như một ngày chờ đợi. Tâm tưởng mình mới bỏ quê năm ngoái. Anh đi một mình trong cái
lạnh cuối năm. Anh đi tìm Bưỡi. Anh trân qúi kỹ niệm dầu nó vui hay buồn.Kỹ niệm buồn thì nhiều
nhưng lại khó quên.. Như mùa đông năm ấy.
Một buổi sáng gió bấc lạnh thấu xương xào xạc qua rừng cây xơ xác. Những cụ già vòng
tay trước ngực run run. Những chiếc nón cời lật qua lật lại che ngang trước măt. Dân chúng được huy
động tập trung trước nghĩa trang. Đài liệt sĩ được quét vôi trắng với 4 chữ tròn "Tổ Quốc Ghi Công"
màu đỏ. Quan tài đã được chôn từ sáng sớm. Những chiếc mộ xây sẵn với tấm bia xi măng thẳng hàng
dài hút mắt. Tất cả được bao bọc bằng một bức tường xây ngang đầu. Tâm lẩn vào đám đông đứng thẳng
cùng với các cụ già.. Trong phút chốc anh nhìn quanh, thấy nhiều người đã lần qua chỗ khác. Bưởi
đến sát bên anh, và anh thấy mọi người đang nhìn Bưỡi. Tâm chợt mĩm cười.
Một người đàn bà nhai trầu móm mém đến bên anh hỏi anh cười cái gì. Có gì vui mà cười. Bưỡi nắm tay
anh, ngẫng mặt nhìn mọi người như thách thức. Nàng nheo mắt ra hiệu bào anh đừng sợ, đừng nói gì
với họ .
Ông chủ tịch đọc diễn văn. Bài diễn văn dài. "...Anh hùng .. vì nước vì Đãng vì dân. Nhờ thế mới
có được như ngày hôm nay. Đời đời nhớ ơn các đồng chí. Tội ác của Đế quốc Mỹ của Ngụy quân nguỵ
quyèn ... Các Đồng chí nằm đây, máu xưong của dân tộc nằm đây, hãy cúi đầu nhớ ơn các liệt sĩ". May
quá ! hết rồi! Bưỡi nói Tâm gặp may, hay ai gặp may chưa biết, nhưng chắc chán không phãi là con chó
đêm qua.
Khi bước ra khỏi cổng nghĩa trang, một thanh niên đi sát Tâm hỏi nhỏ. Anh hôm nay cười 2 lần đấy.
Liệu hồn. Đừng trách.
Không phãi vì lời hăm dọa đó mà Tâm bỏ quê ra đi càng ngày càng xa và không muốn quay về. Thế nhưng
có cái gì thôi thúc từ trong sâu thẳm của trái tim mềm yếu, réo gọi anh thiết tha. Anh không cầm
lòng được. Mảnh đất này là của anh, của tổ tiên ông bà anh để lại. Anh có quyền. Mồ mả ông bà cha mẹ
còn đó, hương khói bao năm vắng tanh.. Những kỷ niệm thời thơ ấu ai cướp được.
Mười lăm năm Tâm lại đứng trước nghĩa trang. Đài liệt sĩ vẫn còn kia, những chiếc mộ rêu
phong cỏ úa. Môi anh không cười được. Anh nhớ mẹ, nhớ thân phận ngày xưa. Anh nhớ Bưỡi. Đôi mắt thấy
cay xè rớm lệ.
Tiệm tạp hóa của Bưỡi bên đường trước nghĩa trang. Bưỡi đã dọn lên đây từ ngày anh đi - "Bưỡi
biết anh sẽ trở về không ngờ lại lâu đến thế. Mười lăm năm bốn tháng 5 ngày". Bưỡi cười bằng
môi nhưng đôi mắt long lanh ngấn lệ.
- "Mẹ chết rồi. Anh Chính thì điên . Những năm đầu ở đây em buôn bán khá lắm Bưỡi mĩm cười nhìn
lên mái nhà, - Xây được ngôi nhà này và xin được một đứa con nuôi. Nhưng buôn bán mỗi năm mỗi ế.
Ngừời đến nghĩa trang thắp hương càng ngày càng ít. Những mẹ liệt sĩ đã chết cả rồi. Liệt sĩ không
vợ không con. Anh em đồng đôi thì mau quên lảng. Nên ban đêm ở đây sợ lắm. Có ma."
- Ma sống hả?
Bưỡi nhìn Tâm mĩm cười. - Cũng có thể là ma sống. Ma sống đuổi theo ma sống. Đôi khi bỏ lại cả
giày dép và quần lót. Thiệt tình!.
Tâm nhìn Bưỡi bồi hồi thương cảm:
- Bưỡi à ! Anh về đây là để tìm em.
- Thiệt hôn?
- Là để nói với em một lời cám ơn và một lời xin lỗi. Em hiểu được lòng anh không.
Bưỡi gật đầu rơi nước mắt. Mái tóc đã muối tiêu chảy xuống vai. Một lúc khá lâu lại nhìn về hướng
nghĩa trang:
- Em hiểu. Thôi mình quên đi nghe anh. Mình già cả rồi.
- Không, em vẫn còn trẻ và còn đẹp lắm.
Đôi mắt Bưỡi nhìn ngang, và đôi má thẹn thùng ửng đỏ.
- Nhưng mà ... hết mơ ước một đưá con rồi anh ạ...
LAM ĐIỀN NGUYÊN THỬ
(Saigon 1994,Charlotte 2008)
(1)Minotavre : Trong truyện cổ Hy Lạp.là một vị ác thần, ưa thích được dâng cúng những lễ vật đẫm
máu.