Phần tiếp theo " Đường Vào Cuộc Chiến"
Thân tặng các bạn Nguyễn Trãi 2
và đặc biệt NT2 Phạm Phú Hoan và NT3 Đoàn Văn Hoàng.
Phần I: Bước vào cuộc Thăng Trầm
(tiếp theo)
3. Ra tù
a. Về Cầu Bông/Gia Định
Một buổi sáng cuối tháng giêng 1981, tôi bàng hoàng nhận thông báo sắp được “Phóng Thích!” “Về đâu? Khi vợ con, nhà cửa không còn!” Tôi buâng khuâng tự hỏi.
Cuối cùng tôi quyết định ghi địa chỉ về trú ngụ là địa chỉ nhà chị tôi: Cầu Bông/Gia Định.
α. Ngỡ ngàng
Thật bàng hoàng và bối rối, khi về tới nơi đây, chị tôi đã dọn về Nha Trang, quê chồng của chị, không còn ở nơi này nữa!
Cũng may, trước đây, gia đình chị tôi thuê ở “tầng gác” nhà một người chị bà con, gốc ở Tuy hòa với chúng tôi,
do đó vợ chồng người chủ nhà đồng ý cho tôi tạm dung với họ. Sở dĩ có sự dễ dàng này là trước đây hai người này rất thân tình với
tôi, xem tôi như là em ruột của họ. Thêm vào đó, người chồng vốn là cựu Trung sĩ Hải quân/QLVNCH, cộng thêm anh vốn là “Bắc 54” nên dù rằng không phải đi học tập lâu, vẫn còn được Hải Quân/CS lưu dụng (vì anh làm việc nhiều năm cho
Hải Quân Cơ Khí, có rất nhiều kinh nghiệm trong việc sửa chữa máy móc…,) nhưng anh vốn không ưa thích CS.
Sau khi trình giấy phóng thích cho chính quyền địa phương, tôi tìm đến nhà hai người bạn đã cùng tôi trên đường về Rạch Gía để chạy
trốn năm nào. Tôi hy vọng nhận được tin vui và từ đó có thể nối liên lạc với nhau, nhưng thật bàng hoàng khi người nhà cho tôi biết
hai bạn tôi đã mất tích, không có tin tức gì kể từ ngày ấy!
Tôi quay gót ra về trong tâm trạng não nề và tự hỏi: nếu ngày đó tôi không bị bắt lại thì giờ này tôi có cùng chung số phận với
hai bạn ấy hay không? Phải chăng lời khẳng định của“Thu-Cúc” (cô gái cùng tôi quá giang thuyền về Tích Thiện) cho rằng “con người có số mạng” là đúng?!
Rời nhà cha mẹ hai người bạn xấu số tôi đến thăm Thám, anh của Loan, người con gái mà tôi mến mộ trong tuổi đời trung học (tôi đã
có dịp nói qua trong bài viết “Bộ Ba của Tôi” đã đăng trên Đặc san Ức Trai trước đây). Gặp tôi,
Thám rất mừng. Thám cho tôi biết Loan cũng đã có gia đình và đã mất tích trên đường vượt biên cách đó ba năm! Tôi cảm thấy thật
buồn vì tất cả những người tôi thương yêu không còn ở với tôi nữa!
Thám hỏi tôi về ở đâu và dự tính làm gì?
Tôi nói với Thám là tôi đang tạm trú nhà anh chị Nguyên, nhưng không biết sẽ làm gì để có thể sống còn.
Thám an ủi tôi và nói nếu tôi không ngại thì ngày ngày đến chạy xích lô với Thám. Không có con đường nào khá hơn, nên tôi chấp nhận
và nói tiếng “Cám ơn” sự giúp đỡ của anh.
Thám buồn buồn, cúi mặt nói,
“Đã là anh em với nhau thì xin P. đừng nói tiếng đó. Dù rằng em tôi và P. không tạo nên cái gì nhưng có được giây phút bên P. thì
tôi thấy, dường như, giây phút bên em tôi sống lai!”
β. Cách kiếm sống đầu tiên
Thế rồi cuộc đời tôi gắn bó với chiếc xích lô, ngày ngày ngược xuôi các đường phố Sài Gòn, Gia Định… Hầu hết những con đường tôi
chạy xe qua đều là những con đường tôi đã đi lại nhiều lần và rất quen thuộc trong những ngày còn mang chiếc áo thư sinh, nhưng hôm
nay tôi thấy nó rất xa lạ. Không biết chính do lòng tôi thay đổi, hoặc bỡi cảm nghĩ lá “Cờ Máu” kia đang đùa
giỡn chế diễu tấm lưng đầy mồ hôi dính áo cúa tôi?! Mỗi lần nhấn chân sâu xuống bàn đạp là mỗi lần cảm thấy tim tôi đau nhói và
đau nhói đến tột cùng khi tôi bắt gặp một người khách, mà người khách này chính lại là anh ruột của tôi!
Tôi sững sờ, miệng há hốc nhưng không thốt ra thành tiếng, ngồi im trên yên chiếc xích lô như thể bị buộc bị ràng và trạng thái của
anh tôi cũng không khác tôi mấy, anh đứng im một hồi lâu mới tạo được tiếng ra lời,
“P. đó phải không? Em ra tù hồi nào? Tại sao ra tù mà không cho má và anh biết? Hiện tại em sống ở đâu? Và đang làm gì để sống?”
Nước mắt tôi tự dưng trào ra, tôi lấy tay lau khô và cố mỉm cười nói,
“Anh hỏi em đang làm gì để sống? Chẳng lẽ anh không thấy em làm việc gì hay sao? Em ra tù cỡ ba tháng, nhưng em không thông báo cho
ai biết vì em ngại làm khổ những người thân. Vả lại em cố bám víu ở đây vì em có nhiều bạn bè tốt, cùng chung chí hướng với em, em
hy vọng họ sẽ giúp em vượt thoát khỏi Đất Nước này. Em đang sống tạm với gia đình anh chị Nguyên và ngày ngày cùng anh Thám chạy
xe xích lô kiếm sống…”
Anh tôi ngắt lời, không cho tôi nói nữa, “Không được, em phải về với má và anh.”
Tôi nói, “Em chẳng có nghề ngỗng gì, về đó làm sao sống, lại báo má và anh khổ
lây!”
Anh tôi trấn an tôi bằng cách nói tôi về anh sẽ giúp tôi mọi việc: ăn ở nhà anh, anh sẽ đưa tôi vào làm việc trong Tổ Hợp Dệt, vì
anh có cỗ phần trong đó, nói trắng ra anh là một trong số những người bỏ vốn sáng lập. Anh lại là Trưởng ca trực tiếp điều động
công việc sản xuất, thì việc đưa tôi vào làm việc trong đó không khó đối với anh. Hơn nữa, tôi về cũng thuận lợi cho anh là tôi
hướng dẫn các con anh học hành và nếu thuận tiện, tôi dìu dắt các con anh vượt biên. Rồi anh hỏi tôi nghĩ sao về kế họach đó?
Nghe tiếng vượt biên làm mắt tôi sáng lên, nên tôi nhanh nhẹn đáp ứng lời đề nghị của anh tôi.
Tôi nói, “Anh thật lòng giúp em như thế, em không thể không làm theo ý anh.”
Anh tôi tỏ vẻ hài lòng, lấy tay quàng qua vai tôi cười và nói,
“Thôi em đưa anh về thăm anh chị Nguyên và anh Thám để cám ơn họ đã bảo bộc giúp đỡ em trong mấy tháng qua, và rồi còn phải ra
Phường ‘cắt khẩu’ em; cố gắng tranh thủ thời gian để còn kịp chuyến xe về Tuy Hòa.”
“Anh nói cái gì mà ‘cắt khẩu em’ nghe ghê quá vậy? Em không hiểu gì cả!” Tôi hỏi.
Anh cười trả lời, “Đó là ngôn ngữ của nhóm Đỉnh Cao Trí Tuệ! Nếu em không thích nghe thì
hãy bỏ ngoài tai cho khoẻ trí, thôi ta đi kẻo trễ!”
b. Về Tuy Hòa/Phú Yên
Về Tuy hòa, anh tôi dẫn tôi trình diện Công an Phường Nhất. Tại Phường, anh cho chúng biết: tôi là em ruột của anh, còn độc thân,
có kiến thức về máy móc nên anh xin chúng cho tôi được nhập vào hộ anh để anh đưa tôi vào làm việc cho HTX Dệt vì Tổ Hợp đang cần
người có năng khiếu này, để có thể sửa chữa những trục trặc của các chiếc máy dệt đã quá lỗi thời mà HTX Dệt đang dùng.
Mấy tên CA nghe anh tôi nói muốn giúp Tổ Hợp Dệt đứng vững hoạt động, nên nhanh chóng đồng ý cho tôi làm cư dân của Phường chúng.
Và điều mà làm tôi buâng khuâng không ít là việc, tự dưng, chúng cho tôi biết cũng có hai người Cải Tạo ở Xuyên Mộc mới về trình
diện trước tôi vài tháng. Tuy có chút nghi ngờ, nhưng thấy chúng vui vẻ chuyện trò nên tôi mạnh dạn đánh tiếng hỏi,
“Vậy các Cán Bộ có thể cho tôi biết địa chỉ nhà hai bạn ấy để tôi liên lạc thăm viếng, chuyện trò cho vui được không?”
Cả bọn đồng thanh cười nói, “Lẽ dĩ nhiên là được, vì chúng tôi luôn muốn các anh trở về có cuộc sống
vui để hăng hái làm việc cho tốt.”
α. Gặp những người bạn chung trại tù Xuyên Mộc
Thế là chiều ngày hôm ấy tôi xin phép anh tôi tới thăm nhà người bạn ở gần, chỉ cách nhà anh tôi khoản 500 mét. Gặp Trọng, tôi
được biết bạn là cựu Thiếu úy TĐ8/ND ở khu A, Xuyên Mộc, được phóng thích cùng đợt với tôi. Trọng giới thiệu tôi đến mẹ và các em
của Trọng, mọi người chuyện trò với tôi một cách vui vẻ thân tình khiến tôi có cảm tưởng tôi không là người ngoài đối với gia đình
họ.
Và kể từ đó tôi thường lui tới gia đình Trọng, sự việc này không chỉ vì Trọng mà còn vì mẹ, các em của Trọng. Trọng có cô em gái kế
tên “Bích P” dung nhan em tuy không làm chim trời sa cánh nhưng làm tâm hồn tôi lắng đọng, tạm quên bao
nỗi cô đơn.
Ngày thứ hai, tôi đến thăm người bạn tù còn lại, cách nhà anh tôi hơi khá xa, nằm cạnh chân núi Nhạn, đường xá không đèn tối tăm!
Vừa bước chân tới cửa thì tôi thoát giật mình hoảng sợ, bỡi tiếng la hét bên trong:
“Lại là mày? Mấy tháng nay mày ở đâu? Giờ này mày đến đây làm gì? Ma hay qủy dẫn dắt mày đến nhà tao?”
Rồi một bóng đen vụt ra tóm chặt lấy tôi, hơi thở nồng nặc men rượu, tôi cố ngã đầu về phía sau để có thể nhìn rõ mặt hắn. Định
thần, nhìn kỹ, tôi nhận ra hắn là Văn Ngô ở Đội 6/Khu C với tôi, tuy chung Đội nhưng tôi chưa hề biết hắn là người Tuy Hòa và cho
đến lúc này tôi cũng chưa biết trước kia hắn mang cấp bậc gì và ở đơn vị nào, đồn trú nơi đâu? Duy dáng dấp và tên hắn tôi không
thể nào nhầm lẫn vì hắn lúc nào cũng vui vẻ, yêu đời!
Hắn lôi tôi vào nhà và miệng hắn la lên vui quá, vui quá, và đồng thời gọi vợ, “Em ơi lấy cho anh thêm cái ly. Vui
vui quá, ngồi… ngồi xuống đây P. để tao giới thiệu với mày… đây là “to-be-brother-in-law” của tao cùng có chữ P đứng đầu tên như
mày.” Rồi hắn cười ha hả… nói tiếp, “Phong, đây là P. người bạn ở chung trại tù, nó cùng ra một
đợt với tao, thế nhưng không biết mấy tháng qua nó trôi dạt phương nào, nay bỗng dưng có mặt nơi đây!” Rồi hắn quay
người qua phía tôi nói, “Nói cho tao nghe những điều thắc mắc đó đi mày, gặp lại mày nơi đây tao
rất mừng!”
Tôi tóm tắt những diễn biến sau khi rời trại cùng lý do tôi có mặt tại Tuy hòa cũng như có mặt tại nhà hắn đêm nay.
“Ũa, vậy ông là em ruột anh Ba Lai (anh tôi) sao hồi nào tôi không biết? Tôi và anh chị ông rất thân quen vì có chung phương cách
kiếm sống. Kể từ giây phút này tôi xem ông là bạn thì hãy thường xuyên đến đây chơi với ông Ngô để ổng thấy, cho đến giời phút
này, vẫn còn có người đồng hội đồng thuyền, không cảm thấy cô đơn.” Tiếng nói của ai đó phát ra phía sau lưng tôi, nhưng
theo cách nói tôi đoán là vợ Ngô.
Hắn tiếp lời vợ trong âm điệu dịu dàng khác hẵn âm điệu ồn ào vài giây trước đó.
Hắn nói, “Phải đó mày, đến chơi với tao nhé!”
Tôi nhận thấy hai vợ chồng có vẻ chân tình cởi mở nên rất vui, nhưng tôi làm ra vẻ ởm ờ như không dám hứa.
Tôi nói, “Cái đó coi lại, ông Ngô luôn có bà ở bên cạnh thì sao gọi là cô đơn? Kẻ cô đơn chính là tôi nè…!”
Vợ hắn lập tức nói, “Thôi được, để tôi gả cô em gái khánh tó (khó tánh) của tôi cho ông, để
nó tiếp tục quản lý ông thay cho chính quyền CS... có đồng ý không, hỡi Ông Cô Đơn?”
Lời nói cộng với dáng diệu của vợ hắn làm hắn không cầm được tiếng cười, hắn buông ra một tràng cười sặc sụa.
Và để làm cho không khí buổi gặp gỡ tăng thêm phần vui nhộn tôi lắc đầu nói tiếp,
“Không ổn đâu! Nếu bà muốn gả em bà cho tôi, trước hết nên hỏi ý kiến ông chồng yêu qúy của bà đã, bỡi tôi không biết ông có nghe
người ta khuyên ‘đừng dại dột đem em vợ mình gả cho bất cứ ai sẽ bị trời đánh ba năm!’”
Vợ hắn đấm vào lưng tôi đùng đùng và nói,
“Đồ quỷ, dám chọc phá vợ chồng người ta.”
Rồi quay bước ra phía sau đem thêm rượu thịt.
Còn lại Ngô, Phong, và tôi trò chuyện đến nửa đêm.
(Trong lúc trò chuyện, tôi biết hắn là Trung úy, thuộc trung đoàn 47/SĐ.22/BB chạy di tản vào Sài gòn nên trình diện học tâp tại
đây luôn)
Tôi về tới nhà thì mọi người đều ngủ, trừ anh tôi vẫn còn thức đợi tôi về. Anh tôi vui vì tôi có bạn…
β. Gặp NT2 Bùi Ngọc Thạnh
Sáng hôm sau tôi thức dậy trễ, uể oải ra ngồi ở hàng hiên trước nhà, nhìn ngắm người qua lại, tôi chợt thấy một người, bên kia
đường, có dáng dấp quen quen.
“Bùi Ngọc Thạnh, NT2 Bùi Ngọc Thạnh ?” tôi thì thầm tự hỏi.
Tôi đứng dậy chạy ra phía sau nhà tìm hỏi anh tôi:
“Anh mau ra phía trước với em, em thấy một người ăn mặc rất nốp (noble), trông giống thằng bạn học của em ở Đà Lạt quá, nhưng không
biết có đúng nó không?”
“Em thấy ở đâu?” Anh tôi hỏi
“Phía bên kia đường, trước cửa nhà mình.” Tôi đáp
Anh tôi hỏi tiếp, “Phải trạc tuổi em và mặc bộ complé trắng, bỏ áo trong quần, đầu đội mũ
nĩ trắng hay không?”
“Sao anh biết tả trúng phóc vậy?” Tôi hỏi anh tôi.
Anh tôi đứng cúi đầu im lặng một lúc rồi nói,
“Đó là ‘ông’ chứ không phải ‘thằng’ đâu em nhé. Ông tên Thạnh, Chủ nhiệm HTX Mành Trúc Mây Tre Xuất Khẩu của Tuy Hòa này. Nếu ông
ta là bạn em đó là điều tốt, lúc nào có dịp đến thăm liệu ổng có giúp gì được cho em, nhưng thận trọng trong giao tiếp.”
“Vậy đúng là bạn em rồi, em sẽ đến gặp nó một ngày gần đây và sẽ nhớ lời anh dặn. Cám ơn anh nhiều.” Tôi nói.
Nửa tháng nghỉ xả hơi đi thăm viếng bà con và bạn bè, trong số đó có NT2 Bùi Ngọc Thạnh.
Tôi đến nhà Thạnh một đêm tối trời để tránh sự dòm ngó, Thạnh và tôi tuy sống cùng chung Trung đội, Đại đội suốt thời gian ở Đà Lạt
thế nhưng cuộc gặp gỡ chẳng có chút gì thân tình như ở nhà Trọng và nhà Ngô, điều này làm tôi buâng khuâng tự hỏi: Phải chăng chỉ
có những người cùng trải qua cảnh khổ mới thật sự biết thương nhau?!
Trong lúc nói chuyện, Thạnh tránh đề cập đến những ngày cũ mà chỉ nói rằng sự gặp gỡ giữa những người bạn như tôi và nó trong giai
đoạn hiện tại là rất hiếm, nên nó “muốn giúp tôi” tìm một lối thoát cho cuộc sống, không phải lệ
thuộc vào ai.
Nghe ba tiếng “muốn giúp tôi” làm tinh thần tôi khởi sắc nên hỏi Thạnh, “Có nghĩa là mày sẽ giúp tao vào làm việc chỗ mày? Có thế thì còn gì qúy hơn, cám ơn mày lắm.”
Thạnh nói, “Tao nói chưa hết ý, tao muốn giúp mày đến một chỗ có việc làm bảo đảm
hơn là HTX của tao hiện thời vì tao nhận thấy không chóng thì chầy HTX của tao sẽ dẹp tiệm.”
“Vậy mày dự định giới thiệu tao vào làm cho HTX nào?” Tôi hỏi nó.
Nó trả lời, “Không HTX nào ở đây có thể tồn tại lâu dài, chỉ có ở các nước Tây
phương!”
“Mày nói thế có nghĩa là sao?” Tôi hỏi.
“Mày chậm tiêu thế sao P. Tao nghĩ thời gian dài nằm hộp, mày nhạy bén hơn trong mọi vấn đề. Thôi mày đã không hiểu thì tao nói
trắng, tao muốn giúp mày vượt thoát khỏi Đất Nuớc này, nghĩa là sẵn sàng giúp mày Vượt Biên, nếu mày muốn.” nó nhẹ giọng
nói.
“Vượt Biên?” Tôi hỏi nó và nói thêm, “Mày biết tao mới ra tù đâu có Cắc Xu nào mà dám mơ chuyện
vượt biên! Thôi đừng đề cập việc này với tao, tao sợ lắm việc chưa hình thành đã bị tóm, đẩy vô tù trở lại.”
Nó lại nói, “Chẳng có bao nhiêu cả, chỉ có nửa chỉ vàng mà anh mày không thể giúp
sao? Họ tin tao nên mới dễ dàng cho mày như vậy, đừng bỏ cơ hội ngàn vàng đang đến với mày.”
Nghe nó nói tôi bán tín bán nghi nên cất tiếng hỏi, “Chỉ có nửa chỉ vàng thôi sao?”
Nó cười nói, “Không, nửa chỉ chỉ là để đặt cọc còn khi mày bước vào đất nước nào có
việc làm rồi thì gửi về tao ba lượng nữa để tao chung đủ cho họ.”
“Trường hợp tao không vào được đất nước nào thì sao?” Tôi cũng cười đặt vấn đề.
“Thì họ hiểu mày đã cống hiến thân mày cho cá mập thì còn đòi hỏi gì nữa!” Nó nói.
Rồi ngã lưng ra ghế dựa cười ha hả. Và tôi cùng cười, cười một nụ cười thật thoải mái, thật tươi vì tôi thấy rõ các ngõ ngách con
đường nó chỉ tôi đi. Tôi đứng dậy bắt tay từ giã nó và không quên nói tiếng cám ơn cho sự tiếp đón đêm nay.
Thấy tôi về quá sớm anh tôi hỏi,
“Sao, bạn em có hứa giúp gì hay vạch cho em hướng đi nào tốt cho em không?”
Tôi đáp, “Vạch hướng đi thì có, nhưng em thấy con đường nó chỉ cho em đi đầy nguy
hiểm và chua cay quá!”
Anh tôi vói lấy chai rượu và rót đầy vào hai ly đặt sẵn trên bàn rồi hỏi,
“Con đường gì?”
“Vượt biên!” Tôi ngắn gọn trả lời.
Anh tôi bưng ly rượu lên nốc cạn rồi tự dưng cất tiếng thở dài, mắt đăm chiêu quay đầu đi chỗ khác, như để lục tìm những gì trong
ký ức xa xăm!
Anh tôi nói,
“Cẩn thận em ạ! Biết người biết ta trăm trận, trăm thắng. Thắng ở đây không có nghĩa là thắng ai mà là thắng chính mình, kềm chế
được ham muốn, không để ai dụ dỗ đưa ta vào cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm!” ngừng một chút rồi anh nói tiếp, “Anh nói vậy chứ anh
mong em đừng trách bạn vì bạn em đang gặp thời thì: gặp thời thế, thế thời phải thế…”
Tôi xen vào ngắt lời anh, “Anh nói câu này làm em nhớ lại cuộc bút chiến giữa hai ông Tôn Thọ Tường
và Phan Văn Trị quá, trong các bài xướng họa của hai ông em rất tâm đắc bài họa của ông Phan Văn Trị để đối lại bài thơ “Tôn Phu
Nhân Quy Thục” của ông Tôn Thọ Tường làm ra để biện minh cho hành động hợp tác với Pháp của ông.”
Tự dưng tinh thần anh tôi phấn khởi lên anh hỏi tôi,
“Em còn nhớ? Đọc cho anh nghe đi, anh cũng rất thích bài đó, nhưng không còn nhớ hết. Đêm nay anh em mình ngồi uống rượu ngâm
thơ để quên hết sự đời, em có chịu không?”
Tôi cười nói, “Đã nói rất tâm đắc sao không còn nhớ, nhớ thuộc lòng đó chứ!”
ngừng đôi chút để nhấp thêm tí rượu rồi tôi nói tiếp,
“Trong thời buổi này mà anh em ta còn có những giây phút như vầy thì tiên rồi, khỏi phải cần hỏi muốn hay không muốn”
“Thì em đọc đi!” Anh tôi giục.
Không biết rượu có làm trí anh tôi mờ mà nhầm lẫn cãi với tôi về hai câu kết của bài thơ. Anh đã lấy râu ông này cắm cằm bà nọ:
Anh về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng
(Tôn Thọ Tường)
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ Chúa gái thờ chồng
(Phan Văn Trị)
Tôi đọc nhấn mạnh sự khác biệt trong lối kết luận của hai ông Tường và Trị, lúc ấy anh tôi mới chịu cho tôi là đúng và cười khì
tiếp tục nâng ly.
c. Làm công nhân cho Tổ Hợp Dệt
Qua đêm uống rượu bàn thảo, tôi có cảm giác “e ngại” khi tiếp xúc với một ai dù người đó mới gặp lần đầu hay
đã quen biết từ lâu.
Trong khi chờ đợi đi làm, tôi hỏi anh tôi về điều kiện và thể thức thành lập một HTX thì anh tôi nói cũng đơn giản: chỉ bỏ vốn ra
cho nhà nước quản lý, họ muốn mua sắm gì tùy ý, mình chỉ việc tuân lệnh chăm chỉ làm việc, rồi được nhà nước trả tiền công hằng
tháng. Anh lại nói thêm, thực tế thì không ai chịu tình nguyện bỏ vốn ra, tất cả đều ở trong thế bắt buộc, bỡi nếu không chịu bỏ
vốn thì cứ ôm tiền đó ra khu Kinh Tế Mới mà sống!
Tôi vẫn chưa rõ hết ý nên nêu câu hỏi anh ai là người có thẩm quyền vạch ra phương hướng hoạt động cho một HTX, các người góp vốn
hay Nhà Nước?
Anh tôi nói,
“Như anh đã nói, không có ai tự nguyện, do đó không ai biết làm gì, tất cả do Nhà Nước hướng dẫn. Ngày đầu họ đến bảo anh thuộc
diện phải đi KTM nếu muốn ở lại phải hùn tiền xây dựng HTX sản xuất; anh đâu biết phải xây dựng HTX gì để có thể sinh ra lợi nhuận
thì họ bảo anh đừng lo, tất cả đã có Nhà Nước chỉ đạo.”
“À em hiểu rồi, ‘dân làm chủ, nhà nước quản lý’ bài học nằm lòng mà! Vậy bộ khung lãnh đạo là do nhà nước tuyển chọn còn lực
lượng công nhân thì do ai tuyển chọn?” Tôi hỏi.
Anh đáp,
“Phần lớn dành ưu tiên cho thân nhân người có hùn vốn, tuy nói vậy cái ưu tiên này cũng phải dẹp đi khi có con cháu cán bự điều
hành HTX cần đến!”
Tôi lại hỏi thêm,
“Theo như anh nói, thì việc anh đưa em vào HTX làm chưa chắc chắn được phải không”
“Chắc chắn là được, em yên tâm! Bỡi dạo này: một phần hoạt động của HTX sa sút, một phần kế hoạch KTM hoàn toàn thất bại không
còn cưỡng chế được ai. Hai yếu tố này làm người dân không thấy cần phải vào làm cho HTX. Anh đưa em vào là cho em có chỗ đứng tạm
thời, chứ anh không có ý định cột chân em nơi đó.” Anh tôi trả lời để trấn an tôi.
Hiểu rõ ý anh nên tôi chấp nhận để anh đưa vào làm xã viên HTX dệt.
Và sáng sớm một ngày nọ, anh bảo tôi,
“Em chuẩn bị theo anh vào HTX vì hôm nay có buổi hợp toàn thể Xã viên để ban điều hành báo cáo thành quả hoạt động của HTX trong
quý II. Lơi dụng có đầy đủ các trưởng khâu, anh sẽ yêu cầu họ giúp em, cho em một việc làm nào đó trong khâu của họ.”
“Vậy từ trước đến nay anh chưa cho họ biết việc này à?” Tôi hỏi.
Anh tôi cười đáp,
“Anh đã cho ông Chủ nhiệm và các Trưởng khâu biết rồi, nhưng hôm nay có mặt em là để các trưởng khâu đối chấp tuyển chọn trước sự
chứng kiến của ông Chủ nhiệm và ban quản trị. Dân chủ mà em! Thôi mặc quần áo rồi đi kẻo trễ.”
Hai anh em tôi bước vào phòng họp thì thấy mọi người đã có mặt đầy đủ ở đó. Buổi họp báo cáo quá sơ sài: Ông chủ nhiệm cầm tờ giấy
soạn sẵn, cắm đầu vào đó đọc một lèo rồi ngước mặt lên hỏi ai có ý kiến gì không?
Mọi người không ai trả lời có hay không thì ông nói:
“Nếu không ai có ý kiến gì thì buổi báo cáo coi như xong, anh Ba (anh tôi) muốn giới thiệu ông em với toàn thể xã viên thì làm đi.”
Nói xong ông bước ra khỏi phòng họp thì tiếng ồn ào vang lên như ong vỡ tổ.
Một cô gái ở góc cuối phòng cất tiếng hỏi anh tôi,
“Chú Ba, em chú có vợ chưa? Trông bô (beau) trai nhưng ốm, chắc là thiếu ăn!”
Rồi cô ôm mặt cười sặc sụa.
Một cô khác lại nói,
“Học tập đến những sáu năm, chắc là thuộc bài ăn nói hay lắm. Chú Ba ơi, chú bảo em chú nói cho các cháu nghe đi!”
(Sau này tôi mới biết cô đặt câu hỏi đầu tên là Lâm Kim, cô thợ phụ trách khâu Suốt, con của một thương gia giàu có trong Thị xã
trước 75, còn cô đặt câu hỏi thứ hai là Quỳnh Trâm, cháu vợ của ông Chủ nhiệm, đang đảm nhận phần vụ Kế Toán cho HTX.)
Một công nhân lớn tuổi đứng lên nói,
“Các cô trật tự lại dùm vì vẫn còn trong giờ làm việc. Anh Ba nên bảo ông em nói đôi lời để các trưởng khâu có quyết định chọn,
đừng nên kéo dài thì giờ.”
“Cám ơn anh Sáu!” Anh tôi đáp lời ông công nhân già, xong quay qua phía tôi nói,
“Theo ý muốn anh Sáu thì em hãy nói đôi lời đi.”
Quá bối rối, tôi nói nhỏ với anh tôi là tại sao không cho tôi biết trước để chuẩn bị, giờ biết nói gì đây thì anh tôi bảo,
“Nói đại vài lời gì đó cho xong, miễn đừng dính liếu đến chính trị là được. Mau mau lên, họ đang chờ nghe em nói kìa!”
Tôi cáu tiết nói,
“Nói đại sao được, em không thể nói dóc như anh đã nói với tụi CA Phường Nhất là em có kiến thức về máy móc, còn vấn đề chính chị
chính em thì em quên hết rồi, anh an tâm.”
Anh tôi nở một cười thật tươi và giục tôi,
“Thôi được rồi nói đi.”
Tôi quay mặt nhìn thẳng vào cử tọa nói,
“Thưa Ban Quản Trị, thưa toàn thể anh chị em xã viên: Tôi tên P. Theo gợi ý của chú Sáu, tôi nên nói vài lời để các trưởng Khâu dễ
dàng cho tôi một công việc đúng với khả năng, nhưng hai cô gì đó nêu câu hỏi quá hóc búa làm tôi sợ, quên mất các kỷ năng mà tôi
vốn có. Thôi thì thay vì nói về năng khiếu của mình, cho phép tôi được trả lời câu hỏi của hai cô: Cô thứ hai cho rằng tôi học
tập lâu chắc thuộc bài – Vâng, tôi thuộc lòng câu, “Lao động là vinh quang” do đó tôi luôn muốn có việc làm và nếu có được, thì
tôi sẽ làm trong tinh thần hăng say thích thú. Còn cô thứ nhất nghĩ rằng tôi đang thiếu ăn – Xin thưa, cô ấy đoán trúng trăm phần
trăm, tôi đang đói nên tôi sẵn sàng nhận làm bất cứ công việc gì để có tiền mua cơm mua mắm…!”
Tôi vừa nói dứt lời thì một người đàn ông trong lứa tuổi trên dưới 40, ngồi hàng ghế đầu, ngay trước mặt tôi nói nhỏ với hai người
bạn bên cạnh,
“Anh chàng này ăn nói có vẻ Tiếu Ngạo Giang Hồ, tôi thích hắn các bạn nghĩ sao?”
“Nhất trí, nhận hắn đi.” Hai người ngồi bên cạnh trả lời.
Thế là tên đó giơ tay lên nói,
“Chúng tôi, phân bộ Bảo trì, xin nhận anh P.”
“Khâu Hồ, đồng ý nhận em chú Ba Lai,”
“Khâu Mắc, rất thích được làm việc với một con người có duyên ăn nói!”
Cả ba Khâu đều muốn tôi vào làm cho họ, không khâu nào chịu nhường nên họ đề nghị bốc thăm! Việc này làm tôi cảm thấy tổn thương
vì nghĩ rằng họ xem tôi chẳng khác nào một món đồ vật, nên tôi xin họ để cho tôi tự chọn.
Tôi nói,
“Cám ơn tất cả các trưởng Khâu đã thương mến tôi. Cho đến giờ phút này tôi không biết Khâu nào làm việc nhẹ nhàng, khâu nào làm
việc cực nhọc, nên ai đưa tay ra nắm lấy tay tôi trước thì tôi đi theo, xin thông cảm.”
Thế là tôi vào làm việc cho Khâu sửa chữa và bảo trì máy móc từ đó. Xem tiếp Kỳ 3: Gặp Lại Người Xưa