Phần tiếp theo " Đường Vào Cuộc Chiến"
Thân tặng các bạn Nguyễn Trãi 2
và đặc biệt NT2 Phạm Phú Hoan và NT3 Đoàn Văn Hoàng.
Lời nói đầu:
“Khi cố quên là khi lòng nhớ thêm!” Đó là cái nghịch lý mà người đời ai cũng thường vấp phải. Tôi, không phải là con người
ngoại lệ nên “những sự việc xảy đến với tôi sau cuộc chiến” cứ vật vờ mãi trong
tâm trí, không chỉ mỗi tháng Tư về mà mỗi khi có một chiến hữu nào của tôi ngày cũ gọi thăm hay đến viếng là những cay đắng ngọt
bùi trong các năm đó hiện về.
Phần I: Bước vào cuộc Thăng Trầm
A. Khởi sự
Thượng tuần tháng 8/1974, tôi được điều động ra khỏi chiến trường Chương Thiện về làm trưởng B.5 Chi Khu Bình Minh/Vĩnh Long
(CKBM/VL.) Về tới đây chưa kịp đặt mông trên chiếc ghế trưởng Ban thì ông Chi Khu Trưởng, Thiếu tá Trần Hoành S, lệnh cho tôi đại
diện CKBM về Sài Gòn học khóa “Kế Hoạch Hậu Chiến,” rồi tiếp đến khóa “Điều Hành
Tham Mưu” ở Cần Thơ.
Chấm dứt khóa học sau, trở về BM lại trúng vào thời điểm tình hình chiến sự leo thang, không những ở các Vùng Chiến Thuật phía Bắc,
mà ngay cả Vùng IV và trong lãnh thổ CKBM cũng vậy, nổi bật là VC cả gan mở một cuộc tấn công vào đầu não BCH/CK cách đó không lâu,
do đó mà ông CKT thấy tôi về ông tỏ vẻ mừng gọi tôi vào phòng ông ngay và nói, “P, đáng lý em hoàn tất hai khóa
học, anh nên để em phụ trách B.5 như SVL đưa em về đây, nhưng…” rồi ngừng đôi phút, như thể ông cũng rất ngại ngùng cho tôi
biết một sự thật phũ phàng ông sắp nói.
Lợi dụng thời gian này tôi vội xen vào và hỏi ông, “Có nghĩa là Thiếu tá sẽ sắp đặt cho tôi đảm nhận một chức
vụ khác, thay vì làm Trưởng B.CTCT?”
Ông ngước mắt nhìn tôi, thở dài như vừa trút bỏ một gánh nặng. Ông nói, “Vâng, đúng đó.”
Tôi lại hỏi ông, “Vậy ai sẽ đảm trách Ban 5 thay tôi?”
“Ông Đại úy Lê Văn T. Tiểu khu vừa mới đưa về.” Ông đáp.
“Phải Đại úy Lê Văn T. ở Đại đội CTCT/VL? Lý do gì ông rời bỏ chức vụ ông đang nắm? Và lý do gì TK bổ nhiệm ông về thay thế tôi?”
Tôi đặt câu hỏi cho ông.
Ông nói, “Anh xin trả lời từng phần: Đúng ông T. ĐĐT/ĐĐ/CTCT/VL; lý do ông rời chức vụ này anh không rõ lắm; TK không
đưa ông về đây để thay thế em, mà chính anh để ông nắm B.5! Sở dĩ anh làm việc này là vì anh biết, ông cầm chức vụ ĐĐT đại đội CTCT
đã lâu, hẳn nhiên ông cũng có ít nhiều kinh nghiệm về CTCT. Vả lại, công tác này không mấy quan trọng trong cái thời điểm cần có
sức mạnh ‘Quân Sự’ hơn là ‘Lời Nói’. Nói như thế không có nghĩa là em thua sút ông ta trong lãnh vực CTCT. Em hơn ông ta nhiều anh
biết: bỡi em xuất thân từ trường đào tạo SQ/CTCT nồng cốt, với lại, mới đây, em đỗ ‘Thủ khoa’ khóa “Kế Hoạch Hậu Chiến” ở SG, đã
nói lên tất cả. Ngoài cái kiến thức CTCT em sẵn có, anh còn thấy em có khá nhiều ‘kinh nghiệm tác chiến’ qua những năm lăn lộn
trong chiến trường, một thứ kinh nghiệm mà anh thực sự cần dùng cho công tác ‘An ninh Phòng thủ’ hiện nay. Đó là lý do anh không để
em đảm trách B.CTCT.”
Ông nhắc đến những việc như: tôi xuất thân từ trường Đại học CTCT/Đà Lạt, tôi đỗ ‘Thủ khoa’ khóa “Kế Hoạch Hậu Chiến/Sài Gòn" làm tôi cảm thấy bàng hoàng xúc động và trộn lẫn trong cái cảm giác đó là chút xót xa
hổ thẹn bỡi lẽ: Là SQ/CTCT Đà Lạt, tôi đã làm gì để xứng đáng cho danh hiệu đó? Là Thủ Khoa, tôi đã làm gì để thực thi lời phát
biểu của tôi trong buổi mản khóa ( … “Một con én không làm nên mùa Xuân,” là hàm chứa một tư tưởng thụ
động. Tôi hy vọng quý vị khi trở về đơn vị sẽ là một con én đơn độc trong khoản trời mênh mông, hay một viên gạch nền móng trầm
lặng nằm dưới một tòa nhà đồ sộ…!) Tôi gục đầu ngẫm nghĩ và than thầm: “Mẹ ơi! Mẹ đã dạy con trong những hai năm,
rồi trao cho con quyển Cẩm Nang vào đời để xử dụng, nhưng trong cuốn cẩm nang này con đã không tìm thấy trang nào viết về nghệ
thuật thuyết phục cấp chỉ huy của con, để họ có thể cho phép con làm những điều mẹ đã từng kỳ vọng! Con đang lạc lõng giữa chợ đời
không người cộng tác giúp đỡ. Đã hai lần, con đưa bảo vật Mẹ để làm tin mà không ai thèm nhìn ngó và tôn trọng. Mẹ ơi con rất đau
lòng và không nhìn thấy hướng tương lai!”
Ông thấy tôi ngồi im lặng quá lâu không nói, nên ông cất tiếng hỏi, “Em thấy thế nào? Có vui lòng giúp anh không?”
Nghe ông luôn dùng tiếng "Anh/Em” trong lúc nói chuyện, lòng tôi cũng cảm thấy chút nhẹ
nhõm, bỡi những kỷ niệm xưa sống dậy trong tôi, kỷ niệm của cái thời ông và tôi còn trong chiến trận (Tiểu đoàn ông và Tiểu đoàn
tôi chung cùng một Liên Đoàn) nên tôi nhẹ giọng đáp lời ông, “Anh là Chỉ Huy Trưởng, anh muốn sắp xếp sao cũng
được!”
Ông nhìn tôi với vẻ hài lòng và cười nói, “Tốt lắm, thôi em về nghỉ, ngày mai họp tham mưu sẽ phân định rõ nhiệm vụ
cho em.”
Tôi chào ông rồi về dãy nhà, phía sau dinh CKT, dành cho SQ cơ hữu ở. Tắm rửa xong ngã lưng ra ghế bố đánh một giấc và không biết
thời gian trôi qua là bao lâu thì có một người lính vào đánh thức tôi dậy và bảo ông CKT cần gặp tôi gấp.
Tôi vội khoác quân phục, mang giày đến gặp ông tại Văn phòng.
Ông vào đề ngay, “Ba cây số về phía Đông Nam cầu Mù – U (nằm trên Quốc Lộ 4,) sáu tên
trong băng đảng Năm Giao, có vũ trang đang hoành hành, cướp bóc của cải tiền bạc của dân chúng. Anh nhờ em chạy xe đến gặp Trung sĩ
Thạch S, rồi hai người phối hợp tóm chúng.”
Tôi nhìn ông rồi cười nói, “Bắt sống chắc không ổn đâu, vì bọn này có súng. Anh cho phép tụi em tiêu
diệt thì em mới dám đảm nhận?!”
Ông đồng ý nhưng căn dặn tôi thêm, “Bắt sống hay tiêu diệt gì cũng được, nhưng cố gắng tránh gây tổn hại về
tính mạng dân chúng. Thôi em đi ngay đi, Trung sĩ S. đang chờ em dưới chân cầu Mù U đó. Chúc em may mắn!”
Tôi vừa bước ra khỏi phòng, sực nhớ ông muốn bắt sống nên xin ông bảo B.5 cho tôi mượn cái loa đồng thời nói B.4 cung cấp cho tôi
một cây M.16 thì ông bảo mọi thứ tôi cần đã có
sẵn trong chiếc xe Jeep đang đậu chờ tôi bên ngoài.
Đúng như lời ông CKT nói, tôi gặp Trung sĩ Thạch S. ngay chân cầu. Hai chúng tôi lập kế hoạch tiến đánh. Chúng tôi chia quân làm
hai cánh bao vây bọn cướp, bắt loa gọi chúng đầu hàng. Tiếng loa vừa phát ra thì được bọn cướp trả lời bằng những tràn đạn, bắn
“dữ dội” về phía chúng tôi, làm một người trong chúng tôi bị thương, tôi nhận thấy không thể nào
khuyên chúng đầu hàng do đó ra lệnh binh sĩ tiến công tiêu diệt.
Giao tranh khoảng chừng hai mươi phút: 4 tên chết tại chỗ, một tên bị thương bị chúng tôi bắt sống, còn một tên chạy thoát, tịch
thu 4 súng M.16 và 1 súng AK.47. Tôi lại được huy chương, một thứ “Super Glue” gắn chặc đời tôi với chiến
trận.
Sau chiến thắng, ông CKT tin tưởng vào khả năng điều quân của tôi, nên ông phái tôi đến tăng phái cho đại đội phòng thủ khu vực Bến
Bắc Cần Thơ. Dù là tăng phái, nhưng vì cấp bậc tôi cao, cộng với thành tích dày dạn tác chiến nên được sự vị nể của Thiếu úy Đ,
đang xử lý chức vụ ĐĐT cùng anh em binh sĩ trong Đại Đội, hầu hết mọi người đều vui vẻ làm theo các đề nghị của tôi. Những ngày ở
đây, thật là nhàn hạ và sung sướng, ăn uống nhậu nhẹt dường như không phải móc tiền túi mà do các chú lính hảo tâm bao trả vì hằng
ngày các chú ấy đều nhận được chút tiền “Lì-Xì” từ các “Bác-Tài” và “Chủ-Buôn” qua lại nơi đây. Tôi thấy đời tôi bắt đầu lên hương có ý nghĩa nào là: ngày ngày có nhiều dịp gặp được
những giới chức quan trọng, được chiêm ngưỡng vô số ‘Nam thanh & Nữ tú’, được gần Trung tâm Văn hóa Miền
Tây, gần trường Đại học Cần thơ, cho tôi nhiều cơ hội để thăng tiến, để đạt được những ước mơ…, nhưng tôi đâu biết rằng đó là cái
tia “bộc sáng cuối cùng” của cây đèn dầu sắp hết nhiên liệu!
B. Vào Cuộc Tang Thương
1. Giã từ vũ khí
Sáng sớm hôm ấy…, sau khi phân phối nhiệm vụ cho mỗi trung đội trong Đại đội bảo vệ yếu khu cầu Bắc Cần Thơ, Thiếu úy Đ và tôi dạo
quanh khu vực bến Bắc một vòng để xem xét tình hình rồi sau đó vào quán nhấp vài ngụm café để điểm tâm. Thực sự tôi không mấy thích
vào những quán đông người ồn ào, nghẹt thở vì tràn đầy khói thuốc, nhưng chìu bạn tôi vẫn phải bước vào.
Bên tách Café bốc khói, tâm trí tôi bị thu hút bỡi cảnh sinh hoạt bên ngoài: người, tàu, xe qua lại tấp nập trên đường lộ cũng như
trên những nhánh sông Hậu giang, thì chợt nghe tiếng la “Trời...!” phát ra từ một người nào đó ở trong quán.
Tôi quay mặt lại hỏi, “Ai la vậy? Có chuyện gì xảy ra mà la trời nghe ghê quá vậy?”
“Trung úy không nghe ông DVM tuyên bố những gì qua làn sóng truyền thanh hay sao?” Người ngồi bên cạnh tôi, với gương mặt
mất bình tĩnh, đáp.
“Ông tuyên bố những gì anh có thể thuật lại cho tôi nghe không?” Tôi yêu cầu.
“Thế nào cũng phát lại, ngồi chờ mà nghe,” người ấy đáp.
Đúng như lời người ấy nói, chỉ vài phút sau lệnh đầu hàng của TT/DVM lại được phát lại. Tôi và Thiếu úy Đ. tức tốc đứng dậy rời
quán về doanh trại đơn vị.
Bước chân tôi vừa đến vị trí đồn trú thì các binh lính ở đó nhao nhao lên hỏi, “Mình phải làm gì bây giờ Trung
úy?”
Tôi nói, “Còn quá sớm để quyết định! Hãy chờ xem các đơn vị xung quanh ta ứng phó thế nào rồi sẽ tính, nhất là phải
chờ để nhận lệnh cấp chỉ huy trực tiếp của chúng ta. Thôi, việc gì đến nó sẽ đến, cứ bình tĩnh. Kể từ giây phút này các anh em canh
gát cẩn mật hơn,” tôi nói, rồi ra lệnh ai về vị trí đó, đồng thời gọi máy đến các trung đội phòng thủ các khu vực kế cận
cũng làm như vậy.
Tôi và Thiếu úy Đ. đến ngồi một chỗ mà có thể quan sát toàn cảnh bến Bắc, tuy nhiên chúng tôi không một ai nói gì hay bình luận gì
việc TT/DVM vừa ban lệnh cho toàn quân dân trong cả Nước. Riêng tôi cảm nhận có đám mây mù che khuất lối tôi đi và trong tôi một âm
vang xa thẳm vọng lại:
Dang tay ôm lấy phím tơ trời,
Gảy khúc đàn tâm vọng đến Người,
Nhưng bỗng không gian đầy ánh sáng
Vũ trụ tan tành ta chơi vơi…!!!
Tôi đang ngồi trầm ngâm suy nghĩ thì nghe nhiều tiếng ầm ầm vang lại từ đàng xa, như thể có một đoàn xe lớn đang tiến về bến Bắc,
đưa mắt nhìn kỹ thì thấy có đoàn quân xa chở đầy lính và quân dụng, từ hướng Vĩnh Long đổ về, lính tôi đang điều động các xe dân sự
tạt qua một bên để dành ưu tiên cho đoàn xe Quân sự xuống Bắc, tuy vậy vì lượng xe dân sự quá đông nên đoàn xe này vẫn phải đậu lại
chờ sự sắp xếp.
Tôi đứng dậy tiến đến đoàn quân xa thì nhận ra đoàn xe này là đoàn xe BCH/ Tiền phương của Đại tá B. (Trung Đoàn trưởng
Tr.Đ33/SĐ.21/BB.) Tôi rất đỗi ngạc nhiên vì BCH của ông đang đóng tại Chi khu Bình Minh, cách cầu Bắc không xa, để điều động Trung
đoàn của ông đánh giải tỏa áp lực của Cộng quân ở phía bắc Chi khu này, sao lại bỗng dưng cuốn cờ nhổ neo mà không hề thông báo gì
cả? Tôi không dám tới hỏi ông, nên tiến đến ông phó của ông, Trung tá P. hỏi,
“BCH dời đi đâu vậy Trung tá?”
“Chạy trốn chứ có dời đi đâu! Bộ anh không nghe ông DVM ra lệnh buông súng đầu hàng hay sao?” Ông trả lời tôi với giọng
‘nhát gừng’!
“Vậy còn các Tiểu đoàn đang trong vùng hành quân thì sao, thưa Trung tá?” Tôi hỏi ông.
Tôi không hiểu câu hỏi này có làm gì cho ông xúc động hay tức giận, mà ông nhảy ra khỏi xe và hét lớn, “Trời ơi,
ngày nào sống chết có nhau mà giờ này chỉ biết lo cho thân mình còn thuộc cấp chết sống ai mặc kệ. Hèn, hèn lắm!”
Ông ngừng một chút, rồi cầm ống liên hợp gọi các Tiểu đoàn đang truy lùng địch quân và nói,
“Thần Ưng 1,2,3,4 nghe đây, Đại bàng đã vỗ cánh bay xa không còn ở đây nữa, nên anh em chúng ta giờ phải lo liệu cho chính mình.
Các em hảy tìm đường an toàn kéo ra trục lộ giao thông rồi từ đó các em muốn làm gì thì làm, miễn có lợi cho bản thân và gia đình
các em là được, không có ai quy trách gì đâu. Chúc sự bình an đến với các em, phần anh giờ này anh cũng lo cho bản thân anh vậy!”
Ông nói xong, bật khóc nức nở. Tôi thấy rất đau lòng, lững thững bỏ đi. Và vào tới vị trí chỉ huy tôi bốc máy gọi trực tiếp CKT xin
lệnh, thì ông ra lệnh cho chúng tôi áng binh bất động tại chỗ, đợi đến ngày mai xem có gì thay đổi. Tôi gọi các ban tham mưu, B.5,
B.3… để biết thêm tình hình CK hiện tại thì không ai bốc máy trả lời. Tôi tự hỏi: Chẳng lẽ mọi người đã tháo chạy, không còn ai ở
đấy cả? Tuy buâng khuâng như vậy nhưng tôi không thể rời đơn vị ngay lúc đó, nên lặng lẽ chịu đựng để thời gian lặng lờ trôi
qua…!
Tối đến, cảnh sinh hoạt của bến Bắc vẫn bình thường, tuy lượng xe cộ và tàu thuyền qua lại dường như có giảm đi đôi chút, chỉ có
những mảng lục bình, không cảm xúc, vẫn bềnh bồng trôi. Đặc biệt từ phía Cần thơ súng thi nhau nổ rộ, làn đạn đan nhau bay lên
không trung thắp sáng cả một góc trời, chẳng khác nào cảnh pháo bông ngày lễ. Tôi không biết súng bắn từ tay ai đêm đó: CS bắn để
mừng chiến thắng hay anh em lính phe tôi bắn vài phát để rồi giã từ vĩnh viễn cây súng thân yêu?! Nhưng dù cho ai, cho phe nào bắn,
tiếng súng giờ này đối với tôi là một sự mỉa mai diễu cợt, tôi mong tiếng súng im đi và bóng đêm mau tan biến.
Sáng ngày hôm sau (01/5), tôi nhận lệnh từ CKT cho phép chúng tôi tan hàng và tôi truyền lệnh đó tới các binh sĩ. Các lính của tôi,
có người vẫn để bộ đồ trận trên người, có người cởi ra vứt bỏ bên đường, quay gót ra đi. Nhìn những quần áo, nón sắt lóc lăn trên
đường lộ, tôi chợt thấy đau lòng cho những vật vô tri! Ngày nào chính những thứ đó cho họ niềm tự hào hảnh diện, thế nhưng giờ này
vứt bỏ chẳng tiếc thương.
Tôi được một anh lính quen có chiếc Honda đưa tôi về CK. Bước vào cổng thấy vắng toe, ngay cả không có người lính đứng gát. Tôi
bước qua dãy phòng của các ban ngành cũng không còn có một ai ở đó, ngoại trừ ở văn phòng ban 3, còn có Đại úy D.(Trưởng B.3,) ông
đang cầm máy liên lạc với ai đó tôi không rõ, chỉ nghe được đoạn cuối: “…các anh vào mau đi, chậm trể người ta
‘hôi’ hết tài sản của cải CK bây giờ…!”
Tôi, tằng hắng một tiếng thay cho cái gõ cửa, bước vào thì tên Đại úy này lớn tiếng quát, “Giờ này mà anh còn mang súng
ống và vào đây để làm gì? Ra khỏi nơi này ngay đi có được không?”
Lối ăn nói hách dịch của hắn làm máu nóng trong người tôi bốc lên, tuy tôi cố nén nó xuống rồi từ tốn đáp: “Thưa Đại úy, trước khi tôi trả lời câu hỏi, tôi cũng muốn hỏi Đại úy một câu tương tự là cho đến giờ phút này mà Đại úy
nghĩ còn có uy quyền đối với tôi sao?” Và này là câu trả lời của tôi đây…”
Tôi rút khẩu súng Colt 45 bên người bước tới, tên Đại úy “trở cờ” thấy vậy xanh mặt!
Hắn la lên, “Đừng bắn, đừng bắn tôi có làm gì nên tội đâu?”
Tôi gằn giọng nói, “Tội phản trắc, ăn cơm QG thờ ma CS!”
Hắn lại, lần nữa, van xin tôi đừng bắn hắn bằng cách đưa hình ảnh người vợ đáng thương của hắn, người bạn chí thân của vợ tôi, để
hòng lung lạc tôi: “…nếu anh không thương tôi thì cũng xin anh nghĩ đến người bạn chí thân
của vợ anh, phải sống cảnh côi cút trong những ngày sau cuộc chiến!”
Hắn thật lợi hại, quả lời nói của hắn đã làm cơn thịnh nộ của tôi hạ xuống, tôi hạ tay súng xuống lững thửng bước ra khỏi phòng và
rồi tiến đến văn phòng CKT.
Cánh cửa mở hờ, tôi gõ ba tiếng thì ông bảo tôi vào. Câu hỏi đầu tiên của tôi là ông có biết giờ phút này còn ai tại sở và có biết
những gì Đại úy D. đang làm?
Ông vẫn gục đầu không nói, một lát sau ông ngẩn đầu lên nhìn tôi với đôi mắt không còn thần khí. Ông nói, “Em có thể
rời nhiệm sở ngay bây giờ và muốn đi đâu tùy ý. Anh chưa thể đi được vì còn chờ bên kia vào để bàn giao.”
Tôi hỏi ông, “Sau khi hoàn tất công việc bàn giao, anh sẽ làm gì và sẽ về đâu?”
Ông thở dài và trả lời, “Cho đến giờ phút này anh cũng không biết phải về đâu, nhưng có lẽ anh
phải về để gặp vợ con anh trước đã. Thôi em đi đi kẻo trễ!”
Ngày đầu nhận SVL về trình diện đơn vị, ông Thiếu tá trưởng khối CTCT/VL cũng giục tôi “đi đi kẻo trễ,” và
giờ đây tôi sắp rời bỏ đơn vị thì ông Thiếu tá CKT/BM cũng đã cho tôi lời khuyên ấy! Ngày xưa điểm đến của tôi là Tích Thiện, còn
giờ này nơi đâu là điểm đến của tôi?
Mỹ chăng? Không, Tôi không thể chạy theo một tên phản bạn, hắn đã bỏ anh em chúng tôi cô độc giữa bầy lang sói đang thèm khát thịt
da người!
“Về đâu bây giờ?” tôi tự hỏi tôi, nhưng không có câu trả lời! Đầu óc tôi đang trong cơn hỗn loạn… Cuối cùng tôi cũng làm
theo cái cách mà ông xếp của tôi là tìm về với vợ con.
Vừa bước vào nhà thì bà chị vợ tôi la lên, “Giờ này mà dượng vẫn còn mặc bộ đồ lính và đeo lon lá làm gì nữa? Không
mau cởi ra và đem vứt một nơi nào đó đi kẻo mà mây ổng vào thấy thì bất lợi không những cho dượng mà cho cả chị em chúng tôi nữa
đó.”
Vợ tôi lại xen vào, “Chị tư nói phải đó anh, cởi ra đi rồi đưa em đi liệng cho.”
Tôi cảm thấy chua xót, ngày nào không những tôi mà cả vợ tôi, chị vợ tôi rất trân qúy những thứ tôi mang trên người này, thì giờ
đây họ xem nó là như là những thứ đem đến tai họa cho họ!
Tôi nhìn họ và mỉm cười chua xót nói, “Giờ này tôi có cởi bỏ tất cả, để trần truồng họ vẫn biết tôi là Sĩ quan
trong quân đội mà họ gọi là Ngụy. Trước sau gì họ cũng bắt tôi nhốt vào tù hoặc đem xử bắn thì có gì phải hoảng hốt lo sợ. Tôi sẽ
rời khỏi nơi đây để các người khỏi phải liên lụy, đừng có lo.”
Vợ tôi hoảng hốt chạy đến níu lấy cánh tay tôi và nói, “Anh đi đâu bây giờ? Có đi đâu cũng cho mẹ con em theo với,
đừng bỏ mẹ con em tội nghiệp!”
Tôi nói, “Đất miền Tây này, nhất là Vĩnh long quá biết về anh, nên anh nghĩ không mấy thuận lợi cho anh ở lại nơi đây,
có lẽ anh sẽ về Sài gòn trình diện. Em an tâm, ở đó có chị anh lo cho anh, em khỏi phải lo.”
Tối hôm đó, vợ tôi khóc thật nhiều và có lẽ quá nhiều nước mắt nên, chẳng bao lâu sau, đã làm nhạt nhòa “lời yêu”
từng viết trong tim! Còn tôi đêm ấy không tài nào nhắm mắt được, đầu óc mãi ám ảnh cảnh thê lương những ngày sắp tới và ám
ảnh cảnh vợ con côi cút giữa chợ đời. Tôi muốn nói với vợ tôi đôi điều nhưng nàng đã chìm trong giấc ngủ:
Giây phút nữa,
anh rời xa phố thị
chôn cuộc đời trong ngục tối thâm u !
Nói gì đây?
lời từ biệt của người tù,
tù nhưng không biết vì sao mình có tội!
Thôi em nhé,
từ đây đời hai lối
hai lối đời, chia cách chúng ta.
Nuốt lệ đi em!
Hãy cố nén những xót xa,
Đừng để phút giây này trôi theo giòng nước mắt….
Sáng ngày hôm sau (02/5) tôi về Sài gòn, chị tôi rất mừng khi thấy tôi bình yên trở về. Tôi hỏi tin tức về mẹ và anh chị em tôi ở
ngoài Tuy hòa thì chị tôi nói không nghe biết gì cả. Tối hôm đó hai chị em bàn tính kế hoạch về quê để biết rõ sự việc. Chị tôi bảo
tôi ở lại coi nhà để chị một mình về Tuy hòa, tôi đồng ý để chị ra đi. Hai tuần lễ sau chị trở về báo tin mọi người trong gia đình
bình yên, chỉ trừ em tôi, Trung úy A. đã bị bắt nhốt khi CS chiếm toàn bộ nơi đây và giờ này em tôi đã bị liệt đôi chân không còn
đi đứng được nữa. Mẹ tôi nhắn tôi trình diện học tập ở miền Nam chứ đừng về quê thêm khổ!
Tôi nghe lời mẹ nhắn nên đi trình diện những ngày sau đó. Trong giấy chứng nhận trình diện, cho phép tôi ở nhà cho tới 25/6/75 mới
vào học tập, thời gian học tập là một tháng. Tôi an tâm đi tìm thăm các bạn thân của tôi thời trung học. Và một hôm một hôm tôi gặp
Cầu và Tâm chung mái trường Nguyễn Trải, hai người bạn này rủ tôi về Rạch Giá để vượt biên vì họ bảo họ có người bà con ở Kinh
2/Cái Sắn đang chuẩn bị ra khơi.
2. Vào Tù
Đồng ý, ngày 19/6/75 chúng tôi lên đường về Rạch Giá, ngày 19/6 chính là ngày Quân Lực của QĐ/VNCH mà lúc đó chúng tôi không còn
tâm trí để nhớ, nên CS tăng cường lực lượng an ninh: canh gác và chận xét giấy tờ các người qua lại tại những cứ điểm trọng yếu.
Vừa bước chân lên khỏi phà Mỹ Thuận thì bị cán binh CS chận hỏi giấy tờ, tôi quá thật thà đưa giấy trình diện ở SG cho chúng xem
thì chúng bảo tôi cố tình chạy trốn vì ở Vĩnh Long không còn một ai thuộc thành phần như tôi mà giờ này còn ở bên ngoài, do đó
chúng bắt tôi và đưa vào khám VL (nơi đây tôi đã gặp được NT2 Nguyễn Ngọc Hồng mà tôi đã có dịp tường thuật cùng các bạn trong bài
viết “Cho một thoáng suy tư” đã đăng trên Đặc san Ức Trai,) lúc đó tôi tự hỏi phải chăng sợi dây oan nghiệt
đã lôi kéo tôi về đây?!
Trong những tháng ngày sống trong khám Vĩnh long, tôi cố gắng tìm kiếm những bạn bè ở chung đơn vị nhưng tôi không gặp được một ai,
khiến đầu óc tôi vươn lên chút lo sợ và sự lo sợ này thật sự nẩy nở, lớn mạnh khi hay tin CS đã đưa Thiếu tá Dần (cựu TĐT/TĐ.463),
ông Tổng Thêm (Xã trưởng Cầu Dĩ) ra xử bắn, và gần nhất là việc chúng đã treo cổ Thiếu tá Quế ngay trong khám (do việc ông tin lời
chúng chỉ chỗ cất dấu vũ khí.)
Tôi hoảng hốt tìm đủ mọi cách để trốn thoát, nên tháng 3/76 lợi dụng lúc lao động tại Hiếu Tín thuộc xã Hựu thành/Trà ôn tôi trốn
thoát, nhưng xui cho tôi chạy không khỏi dù rằng tôi đã cao bay xa chạy gần 10 cây số. Tôi bị đưa về trung tâm thẩm vấn Vĩnh Long
và chịu làm thân phận cái bao cát để cho các cán binh của Hồ ly tinh luyện võ.
Và sau đó, tôi không còn nhớ rõ ngày tháng, tôi bị đưa về nhốt trong khám Vĩnh Bình. Ở đó một thời gian họ lại đưa tôi ra đào mương
đắp đập ở Cồn cù/Láng Cháo/Vĩnh Bình.
Nhớ buổi chiều tàu đổ chúng tôi xuống Cồn Cù thật thảm thương, phần lạnh cóng vì trời mưa, phần bị nhóm thanh niên quá khích ném
đá, phần bị dân chúng vùng này xua đuổi không cho chúng tôi vào nhà trú ngụ qua đêm. Tôi cảm thấy thật chua xót cho số phận những
người anh em chúng tôi lúc đó, nhưng nhớ lại hình ảnh Chúa Jesus Christ trên cây Thập Tự ở đồi Sọ ngày nào, tôi không trách những
người dân Cồn Cù cho lắm vì họ có biết gì đâu những việc họ đang làm!
Làm công tác lao động ở Cồn Cù/Láng Cháo độ một tháng, thì BCH quản lý công trường gọi tôi lên làm việc, họ thông báo cho tôi biết
là tôi được Đảng và Nhà Nước khoan hồng cho ra về. Họ bảo tôi thu quén đồ đạt về Bào sen/Long Toàn để nhận giấy phóng thích. Tôi
không mấy tin, nhưng vẫn phải làm theo lệnh. Về tới Bào Sen, tôi nhập chung với một số anh em khác cũng được đưa về đây. Các bạn
còn ở lại đến chúc mừng chúng tôi và xin những vật dụng chúng tôi đang cầm giữ.
Tôi đang làm công việc phân phát đồ dùng của mình, thì đột nhiên Thiếu úy T, (trưởng B.4 của TĐ tôi trước đây) xuất hiện, T. mắng
tôi là thằng ngu, nghe lời CS nói đối, T. phân tích cho tôi thấy: nào là SQ/CTCT nồng cốt, nào là ĐĐT/TC đã có thành tích đẫm máu,
nào là đã từng trốn trại… cho nên vấn đề thả tôi về quá sớm như thế này là không có thật, cái có thật là CS muốn chuyển tôi đến một
chỗ nào đó để nhốt cho an toàn hơn, ngõ hầu có thể khai thác thêm những gì tôi chưa khai hết. Tôi chợt tỉnh, muốn lấy lại những thứ
mà tôi đã cho, nhưng đã quá muộn. Tôi cất tiếng thở dài, T. hiểu ý nên T. đã đưa cho tôi tấm nylon của T.
Chúng tôi bị đưa trở về khám Vĩnh Bình ngay sau đó. Và những ngày ở đây là những ngày căng thẳng: nào là bị gọi lên văn phòng làm
việc riêng từng người, bị uy hiếp, nộ nạt tra hỏi, làm lại tờ tự khai…!
Độ một tuần kể từ ngày bị đưa về đây, tôi được một vệ binh thông báo là có người ở ngoài cổng muốn gặp. Ra tới cổng, thấy vợ tôi và
mẹ của nàng đứng ở đó. Tôi hỏi tại sao biết tôi ở đây mà đến thăm thì vợ tôi bảo ông Cậu Ba cho biết!
Tôi trố mắt sửng sốt hỏi, “Ông Cậu Ba nào mà anh chưa từng nghe nói? Ông là ai, có liên hệ gì với mẹ
hay em?”
Nàng trả lời rằng ông Cậu Ba, chính là Đại úy Ba Cần, Thủ trưởng Trại Nhà Đài, người đưa tôi ra Hiếu Tín để lao động. Và cũng nói
thêm cho tôi biết, vì có mối liên hệ với mẹ nàng, nên ông đã xin cho tôi miễn bị xử bắn khi tôi bị bắt trên đường tẩu thoát.
Nghe nàng nói, một luồng khí lạnh chạy dài theo cột xương sống của tôi. Tôi mơ hồ thấy một bức tường vô hình mọc lên, chia cắt mỗi
đứa chúng tôi thành hai bên đối nghịch. Tuy vậy, tôi cũng cám ơn nàng, cũng nhờ nàng có chút dính líu với tôi mà tôi không bị lôi
ra xử bắn! Tôi thở dài và nhẹ giọng hỏi rằng trước đây nàng có biết mình có một ông cậu theo phe CS hay không thì nàng lắc đầu im
lặng!
Tôi quay gót trở vào khám khi thời gian cho phép nói chuyện chấm dứt, bao câu hỏi dồn dập nổi dậy trong trí tôi: Tôi phải có thái
độ nào cho những ngang trái đang diễn ra? Liệu rằng mối liên hệ giữa tôi với gia đình vợ tôi, nhất là với vợ tôi còn tốt đẹp và mối
liên hệ đó có còn vững chắc với chuỗi dài của thời gian trước mắt?!
Tôi chưa tìm ra được câu giải đáp thì một buổi sáng tinh sương chúng tôi bị lùa lên một chiếc GMC, đôi cánh tay chúng tôi bị cột
chặc vào thành xe (vì muốn có sự an toàn, theo lời giải thích của cán bộ CS dẫn độ.) Và đưa chúng tôi về Trung tâm huấn luyện Chi
Lăng ở dưới chân núi Cấm/Thất sơn/Châu đốc.
Bảy giờ chiều ngày hôm đó đoàn xe đưa chúng tôi vào khu Liên đoàn B/Chi lăng, vừa nhảy xuống xe đã thấy các NT2: Đào Trung Chính,
Huỳnh Công Phát, Ngô Minh Thảo,Võ Thiện Hiếu, và Lương Muôi Chải đứng ở đó. Thấy tôi, các bạn mừng đến bắt tay thăm hỏi và kế theo
các bạn tổ chức một cuộc họp mặt, một nồi chè đậu xanh và vài điếu thuốc lá thay cho những gì các bạn muốn nói với tôi.
Tôi cảm thấy thật ấm lòng và thầm cám ơn trường Mẹ đã dạy cho anh em chúng tôi “biết yêu thương, đùm bọc
nhau” trong lúc hoạn nạn và bỗng dưng quên đi cái cảnh tù đày khốn khổ trong hiện tại, nhưng cái cảm nghĩ đó không kéo dài
được lâu bỡi lẽ tôi “bị hay được?” đưa vào tổ 2/Đội 4 dưới sự quản lý kềm kẹp của tên
Tổ trưởng Phan Công Kh. (cựu trung úy. ANQĐ, quê ở MT) và tên Tổ phó Lê Văn N. (cựu trung úy Pilot Trực thăng, quê ở BT) là hai tay
làm việc cho CS rất đắc lực, chúng liên tiếp báo cáo lên cấp trên tôi là tên biếng nhác lao động (không lập luống rau cá nhân,) thụ
động trong học tập (không đóng góp, phát biểu ý kiến…) Sở dĩ chúng ghét tôi là vì mỗi khi bảo tôi phát biểu ý kiến thì tôi nói,
“Những gì Đảng và Nhà nước đưa ra đều đúng 100%, nên không cần phải phân tích, bàn thảo gì cả. Càng phân tích bàn thảo là càng
chứng tỏ thiếu sự tin tưởng vào đường lối của Đảng.” Và mỗi khi bảo tôi lập luống rau cá nhân để cải hoạt thì tôi lại nói, “hãy để Nhà Nước lo!” Và lại nói thêm: “Quyền tư hữu không được chấp nhận trong một nước theo chủ
nghĩa CS! Tôi không muốn chống lại CS nên tôi nhất quyết không làm.” khiến hai tên này cảm thấy quê với tập thể anh em.
Thế nhưng “đời có ông ác thì cũng có ông thiện” sống trong tổ này cũng có
hai người mến tôi, luôn cho tôi nhiều sự giúp đỡ, đó là Đại úy/Bác sĩ Lê Thức Lãng/SĐ và anh Trần Văn M. (cựu trung úy CTCT/GC.)
Bác sĩ Lãng nằm cạnh tôi, ông luôn khuyên tôi học chữ NHẪN (Bách hạnh NHẪN vi chi thượng,) Và đồng thời khuyên tôi vận dụng sự hiểu
biết của mình để vạch cho mình một hướng đi, mà hướng đi đó không làm tổn thương những người bên cạnh (NGỘ chấp nê BẤT NGỘ.) Còn
anh M. tuy không bênh vực gì cho tôi, nhưng anh thường dành ánh mắt đồng tình với những gì tôi làm, tôi nói.
Một hôm gặp tôi ở chỗ vắng người, anh bảo Ba Minh (tên Chính ủy) muốn gặp tôi làm tôi xanh mặt. Tôi lo lắng hỏi anh vậy anh có biết
Ba Minh gặp tôi để làm gì thì anh nở một nụ cười rồi nói, “Mọi chuyện sẽ tốt lành đừng có lo!”
Lời nói của anh cho tôi chút an tâm, tuy vậy khi bước vào Văn phòng của tên Chính ủy tôi cũng thấy lo lo sao ấy!
“Anh là LNP có phải?” tên Chính ủy hỏi tôi.
Tôi chưa kịp trả lời thì hắn kéo ghế mời tôi ngồi và vào đề ngay: “Anh M. cho tôi biết, anh viết chữ đẹp nên tôi mời
anh đến đây để xem thử anh viết chữ đẹp đến độ nào, nếu được tôi sẽ nhờ anh, hằng tháng, đến đây viết giấy khen cho Cán bộ và Quản
Huấn Viên có thành tích học tập và lao động tốt.”
Kết quả, hắn chấp nhận nét bút của tôi và từ đó tôi có dịp được biết những bộ mặt ghê tởm trong hàng ngũ Cải Tạo, cùng được thấy
cảnh anh Quách Dược Thanh (NT.1) và Thiếu tá Lý Đức Xích, cựu Tỉnh Trưởng Gia Định, vào làm việc với tên Chính ủy này. Những gì tên
Chính ủy trao đổi với hai anh, Thanh và Xích, tôi không biết hết; tuy mỗi người đã để lại cho tôi lời nói ghi tâm.
“Ngày xưa chúng tôi được dạy rằng Chủ nghĩa CS không thể nào tồn tại trên bán đảo Đông Dương vì người dân ở đây theo thuyết hữu
thần còn Chủ nghĩa CS thì ngược lại. Nhưng, nhưng... điều đó hoàn toàn sai, vì hiện thực thì đảng CS ta đã toàn thắng!”
(Quách Dược Thanh)
“Nước là một nhu cầu cần thiết cho cuộc sống hằng ngày của con người, do đó “NƯỚC” rất có ý nghĩa đối với chúng ta. Tuy vậy, nước
cũng có hai loại chúng ta cần nhận chân cho rõ: nước nào sẽ nuôi sống ta, nước nào sẽ giết chết ta chẳng hạn như thứ nước lũ đang
vây khốn đời ta hiện tại...” (bài viết về cơn nước lũ năm 1978 của Nguyễn Đức Xích)
Cái “khéo tay” của tôi được các Cán bộ và Vệ binh/CS phụ trách các đội Quản huấn biết đến, nên đã nhờ tôi
khắc vẽ “KẸP, LƯỢC” cho chúng. Lợi dụng dịp này tôi xin báo, các tạp chí của Liên Sô để đọc.
Chúng hỏi tôi, “Thế anh biết tiếng Nga?”
Tôi đáp, “Tuy không biết tiếng Nga, nhưng sách báo Liên sô in ra nhiều thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Anh, tôi muốn
xin ấn bản tiếng Anh vì tôi biết ngôn ngữ này. ”
Một mặt muốn làm tôi hài lòng để giúp chúng, một mặt nhận thấy những tác phẩm của tôi chứa đầy tâm huyết của một người nghệ sĩ vì
tôi luôn hỏi chúng về người chúng muốn dâng tặng kỷ vật như: tên họ, tuổi tác, trình độ học vấn, nghề nghiệp, gia cảnh v.v.., nên
chúng không ngần ngại cung cấp những thứ tôi cần. Và nhờ đó mà những tháng năm ở trong tù tôi vẫn có dịp trau dồi học hỏi thêm về
nghệ thuật khắc vẽ qua các bạn bè có năng khiếu hơn tôi, có sách báo ôn luyện tiếng Anh. Và nhờ còn có chút vốn liếng đó, nên sau
khi ra tù tôi đã dùng nó như là phương kế sinh nhai phụ như: vẽ bảng hiệu cho các tiệm buôn, trang trí đám cưới, mở lớp dạy kèm
tiếng Anh (cho những học sinh có nhu cầu Anh ngữ.) Và khi đặt chân đến nước Mỹ, tôi đã có thể hội nhập với nếp sống của người dân ở
Thành phố Fort Collins, Tiểu bang Colorado, nơi mà tiếng Anh là miếng cơm manh áo.
Cuộc đời Cải tạo của tôi trải qua hai nhà tù và năm trại lao động. Nơi nào cũng có rất nhiều điều đau lòng diễn ra mà điều đau lòng
lớn nhất cho tôi có lẽ là mảnh giấy với hàng chữ: “Anh P, ngày anh về không biết có hay không nhưng tuổi xuân
em không dừng lại! Hiện tại nơi quê nhà có người thương em, muốn tiến đến hôn nhân anh nghĩ sao? – Em, Bích T.” của vợ tôi,
trao cho tôi trong kỳ thăm nuôi sau đợt nước lũ năm 1978 tại trại Vườn Đào/Cai Lậy.
Hai ngày tôi bỏ ăn, suy nghĩ lung tung và cuối cùng tôi cũng hồi đáp để cho nàng khỏi phải đợi chờ:
“Cám ơn em đã cho anh biết một sự thật! Và theo cái triết lý “yêu” của anh là sẽ cố gắng làm bất cứ cái gì để đem đến hạnh phúc
cho người mình yêu, nhưng hiện tại anh chẳng thể làm gì cả! Vậy em cứ tiến theo con đường mà em nghĩ rằng nó sẽ mang lại hạnh phúc
cho em. Thân chào em – LNP.”
Thế rồi, từ đó vợ tôi không còn liên lạc viếng thăm gì nữa, tôi trở thành con Bà Phước trong trại tù, ngày ngày tự an ủi tôi qua
những câu Kinh Thánh và những lời khuyên vàng ngọc của các tiền nhân: “Bạn sẽ gặt những gì bạn đã gieo”
làm cho tôi không buông lời oán hận; “Bạn không muốn nó thay đổi, nhưng bạn không thể ngăn chặn để nó đừng
thay đổi thì hãy thay đổi Thái độ của bạn.” giúp tôi chấp nhận nghịch cảnh, tạo sự thanh thản tâm hồn.
Tôi sống sót cho đến ngày ra trại tù không thể quên những tấm lòng vàng sau đây: Quách Văn Bé, Lâm Quốc Cường (NT2). Đoàn Văn Hoàng
(NT3), Nguyễn Văn Huân (HQ), Phạm Phú Hùng (TG), và một số bạn bè nữa mà tôi chỉ biết tên nhưng không biết họ, ở đâu hay thuộc binh
chủng nào. Tôi chân thành tri ân các bạn! Xem tiếp Kỳ 2: Ra Tù