Đúng như Hà nói, cái gì đến nó sẽ đến! Chàng ba-lô khăn gói về đơn vị mới, bao việc mới đến với chàng; chàng cố gắng tập trung tâm trí để thích nghi với nhiệm vụ mới, với môi trường mới, cộng thêm những biến động dồn dập xảy ra trên khắp đất nước, khiến chàng quên hẵn những việc đã qua: Riêu-Bông không còn trong trí chàng!
Cho tới khi nằm trong khám Vĩnh-Bình, chờ ngày ra lao động, tình cờ gặp ông dượng của Riêu-Bông!
“Có phải Thiếu úy Diệp?” Ông gọi cấp bực như ngày đầu chàng đến nhà ông.
“Vâng chính tôi, nhưng xin gọi tên là đủ rồi, đừng gọi thêm cấp bực làm gì!”
Được, tôi không gọi nữa! Và này, anh có nghe tin tức gì về Hà không, nó bị mất tích sau trận đánh gần cuối năm 1974 đó?
“Không, nhưng ai cho chú biết?”
Thì vợ nó chứ ai!
Ủa, Hà có vợ hồi nào, và vợ nó là ai mà tôi không biết!
Thế là ông nói cho chàng biết, vợ Hà không ai khác hơn là Riêu-Bông, cháu ông!
Chàng cảm thấy vui, vì Hà đã cưới được người Hà yêu, nhưng cái vui vội tắt khi biết Hà đã bị mất tích, và cho đến giờ phút này cũng không ai biết Hà còn sống hay đã chết!
Ông nói thêm, hiện thời Riêu-Bông đã về sống với mẹ nàng ở Tân Phú Đông, cuộc sống hiện thời thì rất là khó khăn vì vừa đảm trách công việc sinh nhai, vừa lo cho mẹ già, vừa chăm sóc đứa con dại (nàng đã có thai trước khi chồng nàng mất tích,) cộng thêm sự xích mích trong gia đình bỡi ông chồng CS của mẹ nàng, về cùng ở chung một nhà, cố đưa cách sống của những người CS miền Bắc vào nếp sống của gia đình nàng.
Chàng xót thương cho nàng, cất tiếng thở dài, làm một ông ngồi bên cạnh chú ý, và hỏi ông dượng Riêu-Bông, chàng là ai và có liên hệ gì với cháu ông, mà cất tiếng thở dài như vậy?
Dượng Riêu-Bông nhanh nhẩu nói,
“Thôi đừng tìm hiểu những chuyện thuộc về quá khứ, chỉ cần biết bây giờ ba chúng ta là bạn!
Thôi, để tôi giới thiệu cho ông biết, đây là Thiếu úy Diệp, bạn chồng con Riêu-Bông…
“Lại gọi cấp bực nữa, khổ quá mà!” Chàng vội xem vào cắt lời ông.
“Xin lỗi tôi quên…., và đây là ông Lời, quen biết gia đình tôi từ lâu; ông là Kỷ Sư Nông Lâm Súc, là chủ trại Cá Tân Hòa, Vĩnh Long vài tháng trước đây….
Chàng lại xen vào:
“Tôi biết trại cá Tân Hòa; lý do gì vào đây vậy?”
Ông dượng Riêu-Bông cười nói tiếp,
“Trước 30/4, lợi dụng quen biết lớn ở Sài gòn, cưỡng đoạt đất của người ta, để đào ao nuôi cá, tạo lợi cho riêng mình; mà oái oăm thay, miếng đất đó thuộc quyền sở hữu của một người có thân nhân làm lớn trong chính quyền Cách mạng hiện nay!”
Ông Lợi xen vào,
“Thôi đi anh Thọ (tên ông dượng Riêu-Bông), chuyện cũ qua rồi hãy bỏ đi, anh càng nói thì CS có thêm lý do để kết tội tôi!”
Rồi quay sang chàng hỏi,
“Anh tính khi ra tù về đâu và dự tính làm gì để sống; nếu về Vĩnh Long, thì hợp tác với hai chúng tôi; anh Thọ có nghề làm nấm rơm, nấm mèo; còn tôi có nghề nuôi cá chép vàng, không sợ gì đói.”
Chàng cười thầm cho cái ngây ngô của tên kỷ sư Nông Nghiệp, tin lời hứa của CS là chỉ học tập vài tháng thì được thả về; tuy vậy chàng chẳng nói chi vì biết rằng: càng chứng tỏ sự hiểu biết của mình trong lúc này chẳng có lợi gì cả, mà tăng thêm sự lưu ý của bọn Cán bộ CS giam giữ lâu hơn! Người ta thường nói: “trong thời buổi nhiễu nhương càng ngậm miệng càng ăn tiền” như là kim chỉ Nam cho cuộc sống hiện tại; vì thế, chàng lấy được cảm tình của ông dượng Riêu-Bông cũng như tên kỷ sư có tính dễ tin lời CS, khiến hai ông này thi đua hướng dẫn chàng cách làm ăn khi trở về đời sống dân sự. Chàng cảm thấy vui, vì nằm trong khám mà thì giờ không trống rỗng buồn tẻ và cũng không uổn phí, vì mỗi giờ, mỗi ngày chàng đều học được một vài cái mới, có thể đem áp dụng vào cuộc sống trong mai hậu; nhưng rồi, bỡi cái vô thường của cuộc đời nên chưa đầy một tháng bên nhau, chàng lại chia tay với hai người bạn tù, tương đối thân, ở nhà tù Vĩnh Bình nơi miền Tây nước Việt.
Và tiếp nối là những ngày tháng lênh đênh của kiếp đời tù tội, những ký ức trong chiến tranh, sau chiến tranh đều bị lu mờ nhường cho công cuộc đấu tranh để sinh tồn, nổi bật trong tâm trí chàng! Và cho đến cái buổi sáng… trời mưa ở Denver, thủ phủ của Tiểu bang Colorado, những kỷ niệm xưa mới sống lại!
*
**
Đã bao lần định gọi phone, nhưng đã gần ba tháng qua từ ngày rời Denver, vẫn chưa làm được, vì mỗi khi chạm vào phone, tự dưng chàng lại rút tay về; bỡi lẽ không biết nói gì, và cũng không biết lý do để gọi; cái hy vọng biết thêm về ngày Hà cưới nàng, để xem nàng có thực sự yêu Hà hay vì một lý do nào khác, làm cách nào nàng loại bỏ bóng hình chàng, để thay thế vào đó hình ảnh Hà, nơi đầu óc và trái tim nàng một cách dễ dàng như vậy? Những ý muốn đó dần dần hầu như nhạt nhòa theo thời gian!
Và có lẽ, sự việc gì cũng phải đợi đúng thời điểm nó mới nẩy sinh ra ....., và ngày đó là ngày vợ chàng cần đi Denver mua thức ăn; thế là chàng có dịp tháp tùng!
Trong lúc vợ chàng bận mua sắm, chàng lái xe đến thăm Riêu-Bông; và cũng rất tình cờ gặp mặt con gái nàng; khuôn mặt Kimberly trông thật giống Hà, làm chàng có cảm tưởng như gặp lại bạn xưa; chàng không ngại ngùng cất tiếng nói, “Trông cháu thật giống ba cháu!”
“Ủa, làm sao bác hiết ba cháu?” Kimberly hỏi.
Chàng đang ú ớ, không biết trả lời sao vì biết mình lỡ lời!
Kimberly nhoẻn miệng cười,
“Bác sợ mẹ con biết bác là bạn ba cháu chứ gì; bác hãy xem lá thư mẹ con để lại cho bác trước khi đi Cali, rồi mọi ngại ngùng sẽ tan biến và bác sẽ cảm thấy vui vẻ, thoải mái.”
Denver, ngày… tháng… năm
Thưa ân nhân,
Chờ mãi để thông báo tin vui mà không thấy ân nhân gọi, nên viết vài giòng để lại; hy vọng ân nhân đọc được những lời này trước ngày tôi trở lại Denver.
Đệ tử của ân nhân vẫn còn sống, đang ở thành phố Vancouver/Canada, nhưng hiện tại có mặt tại Orange County/California; tôi về Cali để thăm người đệ tử của ân nhân đó, nếu không có gì trở ngại thì hai chúng tôi sẽ gặp ân nhân tại Denver, và rất hy vọng ân nhân không trốn chúng tôi!!!
Thân,
Riêu-Bông.
Đọc xong lá thư, tâm hồn chàng cảm thấy nhẹ nhõm, chàng đan hai bàn tay lại với nhau, ngước mắt nhìn trời dâng lời cảm tạ đến Chúa, đã cho vợ chồng Hà gặp lại sau mấy chục năm xa cách, và cho chàng được nhìn thấy chiến hữu mà chàng hằng mến thương.
Kimberly thấy chàng đứng lặng nhìn trời thì cất tiếng hỏi,
“Bác làm sao thế; thư của mẹ cháu có gì làm bác phiền lòng?”
Chàng vui vẻ trả lời,
“Không, không có cái gì để bác buồn phiền cả, mà ngược lại, bác cảm thấy thật vui vì được biết ba mẹ cháu lại gặp nhau sau nhiều năm xa cách, nhất là hai người ngày nay vẫn còn mạnh khỏe; bác vui lắm cháu à!”
Kimberly cười tươi, cám ơn chàng cho những việc giúp mẹ cháu trong thời gian cháu ở Cali vừa qua, và cũng cho chàng biết chuyến đi của cháu vừa rồi là để dọn đường cho cha mẹ cháu gặp nhau ngày hôm nay. Và rồi cháu gục đầu nói như những gì mẹ cháu đã tâm sự:
“Mẹ cháu nói: ngày xe bị đụng gặp bác, mẹ đã nhận ra bác ngay, nhưng mẹ cố tình làm như xa lạ, để xem bác đối xử với mẹ như thế nào…! Mẹ có buồn, vì những kỷ niệm giữa mẹ và bác vẫn còn đó, nhưng mẹ không hề trách bác vì mẹ và bác ai cũng đã có gia đình riêng rồi, ai cũng có bổn phận với gia đình mình cả; vì vậy, bác hãy yên tâm sẽ không có bất ổn xảy ra khi bác gặp lại mẹ cháu vài ngày tới đây; để chứng tỏ những gì cháu nói với bác là sự thật, và bác thật lòng tin những lời nói của cháu, cháu mong bác đi đón ba mẹ cháu tại phi trường Denver khi họ trở về, để ba mẹ cháu thấy được bác vẫn còn quan tâm đến họ. Cháu sẽ thông báo ngày giờ, chuyến bay, cũng như hảng bay cho bác biết, nếu bác gật đầu ưng thuận.”
Thế rồi ngày đó đến, không chỉ có chàng mà còn có Tú, vợ chàng, cùng ra phi trường đứng đón.
Thấy chàng, Hà vội chạy tới ôm chầm và khóc nức nở như con nít, mắt chàng cũng ứa lệ; Riêu-Bông thẩn thờ đến đứng cạnh nhìn hai người; vợ chàng, tỏ ra hiểu tâm lý, đến nắm tay Riêu-Bông kéo nàng ra xa, bảo để Hà và chàng tiện bề tâm sự với nhau.
Hà đưa tay lau nước mắt, rồi hỏi chàng một câu hỏi, tuy quá bình thường, nhưng nó đã làm lòng chàng chùng xuống,
“Anh dạo này có khỏe không?”
“Khỏe,” Chàng cười đáp.
Và không để những giây phút yếu lòng này kéo dài, chàng bảo mọi người ra xe về Denver để còn có đủ thì giờ ăn uống, nghỉ ngơi, và trò chuyện.
Xe đến khu buôn bán của người Việt Denver trời chưa quá tối, vợ chàng và Diêu-Bông rủ nhau đi mua vài thứ thức ăn chuẩn bị cho buổi tiệc mừng Hà về thăm gia đình, và đồng thời cũng để con rễ và cha vợ biết nhau.
Chàng và Hà không có vai trò gì trong việc đó, nên vào nhà hàng ngồi chờ đợi và cũng “orders” sẵn những món ăn để khi Riêu-Bông và vợ chàng trở lại dùng ngay, không phải mất công chờ đợi; do đó hai người có dịp tâm sự.
Hà tâm sự:
Trong trận đánh gần cuối năm 1974 là để giải tỏa áp lực của Cộng quân, phía bắc đồn Tân Phú Đông; giáp ranh với Mộc Hóa, trong trận đánh này TĐ bị VC bao vây dường như tứ phía; trước viễn cảnh TĐ bị tiêu diệt hoàn toàn, TĐT ra lệnh mở đường máu tháo chạy, và đồng thời gọi pháo binh bắn Overlay (nổ chụp trên không,) ai mạnh chạy thì sống; do đó lính VC chết rất nhiều và binh lính trong TĐ cũng chết bộn; Hà cũng cố chạy, nhưng quá đuối sức, không thể chạy được nữa nên chui xuống những đám lục bình trốn, và khi trận chiến im tiếng súng, Hà trốn về Sài gòn, đào ngũ luôn; Thấy Hà về người trong gia đình mừng vô hạn, ra sức che dấu Hà và quyết tâm không cho Hà trở lại đơn vị.
Và vài ngày trước khi TT/DVM ra lệnh buông súng đầu hàng, cha mẹ Hà vạch kế hoạch di tản, Hà yêu cầu cho vợ con Hà được đi theo thì mẹ Hà đồng ý và bảo Hà chỉ đường để bà và em gái Hà đi, chứ Hà không nên đi.
Hà đồng ý chỉ đường cho họ, nhưng khi họ về chỉ thấy có con Hà mà không thấy Riêu-Bông đâu cả; hỏi lý do thì mẹ Hà thẳng thừng bảo rằng nàng chẳng dính líu gì với gia đình Hà cả; Hà bất mãn không đi, ở lại tự kiếm sống, nay đây mai đó, muốn về Tân Phú Đông tìm Riêu-Bông nhưng ngại VC phát giác bắt ở tù.
Cuộc sống quá vất vả, nên Hà tìm đường vượt biển, khi tàu Hà cặp vào phần đất của Philipine thì lệnh đóng cửa các trại tị nạn của LHQ có hiệu lực; Hà lang thang, sống chui rúc trên đảo Palawan và cũng may mắn gặp được con gái ông chủ ghe đánh cá, mà Hà xin làm mướn, thương Hà và chịu làm vợ Hà, dù không được cha nàng chính thức thừa nhận; đó là lý do Hà không được nhập quốc tịch Phi, cũng như được vào Úc, vào Canada đợt đầu, như những cặp vợ chồng khác; vợ chồng Hà là gia đình VN sau chót rời đất nước Phi; hiện tại đã có với nhau một trai và hai gái, cuộc sống tạm ổn định.
Hà mới liên lạc được em gái Hà vài tháng trước đây thôi, Hà rất mừng là mẹ con Riêu-Bông đã được đoàn tụ, nhất là việc Kimberly được sự nuôi dưỡng chu đáo của em Hà: học hành đến nơi đến chốn, có bằng cấp, có việc làm, và cũng có chồng đàng hoàng…”
Trong lúc Hà vói tay lấy ly nước để thấm giọng, chàng xen vào hỏi:
“Chú đã gặp Riêu-Bông, vậy chú có hướng giải quyết gì không?”
Hà hớp một ngụm nước rồi nói:
“Hướng gì anh; em và Riêu-Bông chỉ có vài tháng sống bên nhau thì tình nghĩa có bao nhiêu so với người vợ Phi em đang có; hơn nữa các con em với người vợ sau này, còn nhỏ nên em còn có trách nhiệm dìu dắt; trái lại, đứa con em với Riêu-Bông đã trưởng thành, có nghề nghiệp để sống, không cần tới sự giúp đỡ của em, và với bản thân Riêu-Bông cũng vậy; anh thông cảm, không phải em có mới nới cũ đâu nhé!”
Thấy chàng ngồi gục đầu, Hà lấy tay vỗ vào vai chàng vài cái, như thể để đánh thức chàng dậy để nghe những lời đề nghị của Hà sắp nói, mà Hà cho rằng hợp lý hợp tình:
“A..a… hay là như thế này, anh ở gần Riêu-Bông, cáng đáng việc đó cho em đi!”
Chàng giật mình, cau mày nói,
“Chú nói gì? Vợ chú mà giờ này chú bảo tôi cáng đáng, cáng đáng có nghĩa là làm sao?”
“Có gì mà anh cau mày, chẳng lẽ Riêu-Bông không thuộc về anh trước em sao?” Hà buông tiếng cười sau câu nói.
“Phải chăng, chú đang thả trí tưởng tượng về những ngày ở Tân Phú Đông, hay có ai gợi ý cho chú; chú thử chỉ cho tôi biết người ấy!” Chàng nở nụ cười e thẹn, hỏi lại Hà.
Hà tỏ vẻ buồn và nhẹ giọng cất tiếng hỏi:
“Anh thật sự không có gì với Riêu-Bông sao? Anh thề đi!”
Chàng ngã người ra lưng ghế, cất tiếng cười ha hả:
“Trời đất ơi, thời buổi này mà chú đòi hỏi tôi phải có lời thề!”
Hà từ tốn nói,
“Anh không dám thề, thôi thì em thề dùm cho anh đây: Tôi, Lê Diệp, xưa kia nếu có lẹo tẹo gì với Riêu-Bông thì xin cho xe lửa cán đường rầy…!”
Hà vừa nói đến đây thì vợ chàng và Riêu-Bông cũng đã trở về và cả hai bước tới chiếc bàn Hà và chàng đang ngồi đồng thanh cất tiếng hỏi:
“Hai người, ai nói cái gì xe lửa cán đường rầy?”
Hà lấy tay chỉ chàng…, và chàng cũng lấy tay chỉ Hà…, rồi cả hai cùng cất tiếng cười!
Thấy chàng và Hà đang chơi trò con nít, Riêu-Bông lắc đầu cười nói với vợ chàng:
“Thiệt tình, chị thấy đó hai ông này già cái đầu rồi, tật xưa cũng không chịu bỏ!”
“Tôi đâu có biết, có thấy tật xưa của hai ông ấy ra sao, họa may chỉ có chị, vậy chị hãy vỗ tay tán thưởng cái trò chơi lạ mắt của hai ông ấy đi!”
Câu nói của vợ chàng làm mọi người ai cũng phải cất tiếng cười!
Và cũng ngay lúc đó, nhân viên nhà hàng mang thức ăn đến!
Thế là mọi người vui vẻ dùng bữa cơm tối; một bữa cơm tối thật ngon miệng vì không ai, trong bốn người, đem bóng tối quá khứ chan đầy bát cơm của mình!
• Hà hứa sẽ gửi quà, tạo niềm vui cho Riêu-Bông trong những dịp lễ, và nếu nàng muốn du lịch Canada thì Hà sẽ sẵn sàng tài trợ các chi phí.
• Tú, vợ chàng hứa đưa Riêu-Bông vô nhóm nghiên cứu Thánh Kinh, để có dịp gặp nhiều người trò chuyện, làm cuộc sống trở nên vui tươi với một tinh thần hướng thượng.
• Riêng chàng hứa sẽ là “dung môi” cho mọi người dễ hòa hợp, tạo ra những cơ hội để mọi người có dịp gần nhau, hiểu nhau, và gắn bó với nhau….!