Dẫu đã trở về với cuộc sống bình lặng nơi thành phố núi, cách xa Denver gần trăm dặm, nhưng câu chuyện
xảy ra ở Denver ngày ấy, những lời tâm tình và hình ảnh Riêu-Bông cứ chập chờn trong trí, làm sống lại
cuộn phim thời chinh chiến ngày xưa của chàng.
Chàng nhớ ngày đầu về đơn vị, được ông TĐT giao cho chàng Binh nhất Trần Vĩnh Hà phụ giúp chàng trong
các sinh hoạt hằng ngày, dù lúc hành quân cũng như lúc về hậu cư, dù ở BCH/TĐ hay ở Đại Đội tác chiến,
chàng và Hà vẫn gắn bó bên nhau như hình với bóng, cùng chia sẻ những sướng vui cũng như những nhọc
nhằn trong đời quân ngũ, ngay cả những uẩn khúc cuộc đời của cá nhân cũng nói cho nhau nghe; do đó,
mối quan hệ giữa chàng và Hà không còn là thầy trò mà đã trở thành anh em; chàng không những mến Hà mà
còn vị nể nữa, vì gia đình Hà, cũng chính như bản thân của Hà, không phải là thành phần thấp kém trong
xã hội. Hà xuất thân từ giòng dõi trâm anh ở Huế; cha Hà vốn là lục sự của một tòa án ở miền Trung,
nhưng khi vô Sài gòn thì đổi làm thư ký cho Bộ Tư Pháp, kể từ thời đệ nhất Cộng Hòa của Tổng Thống
Diệm; mẹ Hà nguyên là giáo sư Đồng Khánh, hiện thời là giáo sư dạy tại Gia Long. Với Hà, cũng đã học
qua chương trình Đệ Tam (lớp 10) ở Chu Văn An; đáng lý con đường học vấn của Hà vẫn còn tiếp tục nâng
cao, nhưng vì lỡ ham vui, theo bạn bè sa đà vào hút xách nên bị bắt cầm tù. Hai năm trong trung tâm
cai nghiện và khi được thả ra thì cha mẹ không còn nhìn nhận Hà là con nữa; Hà bị cưỡng bách vào quân
đội, làm lính binh nhì như những người chưa từng cắp sách đến trường; Hà thích đọc những áng thơ văn
hay, và những vần thơ của Thi sĩ Đinh Hùng thì Hà thật thích. Vì tâm hồn chất chứa thi ca nên Hà rất
dễ cảm xúc bỡi ngoại cảnh, Hà thường yêu cầu chàng làm vài câu thơ để ca ngợi những gì Hà cho là thơ
mộng đáng yêu; chính vì đó mà Riêu-Bông đã trở thành cái hệ lụy cho cả hai! Chàng còn nhớ rõ:
Đầu năm mùa hè đỏ lửa, khi Tiểu Đoàn chàng băng qua cánh đồng Tân Phú Đông/Tiền giang, lúc vạt nắng
hoàng hôn trải dài trên thảm lúa; hình ảnh người con gái, ngồi trên lưng trâu, đang lững thững dẫn
trâu về, nổi bật ở một góc trời hồng thắm làm tâm hồn chàng ngây ngất; chàng đứng lại lặng nhìn và Hà
cũng đứng lại chia sẻ cái cảnh sắc tuyệt vời đang có. Khi cô gái và con trâu lướt qua mặt hai thầy
trò, Hà bỗng dưng cất tiếng nói lớn, có lẽ cố để cho cô gái nghe:
“Ôi đẹp quá; hãy tức cảnh đề thơ tặng người đẹp đi ông thầy!”
Chàng nhìn nàng mỉm cười, và nhẹ nhàng cất tiếng ngâm:
Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ,
Ngồi trên mình trâu, phất ngọn cờ lau, và miệng hát nghêu ngao…
Nàng nhoẻn miệng cười thích thú khi nghe chàng hát, nhẹ chân hích vào hông trâu để trâu từ từ tiến
bước, nhưng khi nghe chàng hát lại điệp khúc thứ hai:
Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ,
Ngồi trên chòm lông, lúc lắc đôi mông, và miệng hát lung tung!!!
Thì cô nàng thúc chân mạnh vào hông trâu, giục trâu chạy nhanh về phía trước, đồng thời gửi gió mang
lại cho chàng câu chửi đổng,
“Đồ dzô dziên!”
Đám lính cười đáp,
“Ổng ta có đủ hai dziên thật to, em yên chí đừng có lo!”
Lại những tràng cười nổi lên.
***
Khi bóng nàng khuất trong rừng cây trước mặt, đoàn quân chàng tiếp tục đi theo mũi tên của phóng đồ đã
vẽ; và khi bóng tối bao trùm cả cánh đồng miền hạ lưu Đồng tháp; tiểu đoàn dừng lại tìm chỗ đóng quân
qua đêm và đại đội chàng được lệnh tiến chiếm và lục soát xóm dân phía Tây Nam, cách vị trí đóng quân
của BCH/Tiểu đoàn vài dặm.
Thấy chàng dẫn lính đến một ông già chạy ra, mời chàng vào nhà dùng nước trà cho ấm; chàng vui vẻ nhận
lời.
Vào nhà, an tọa xong, chàng hỏi thăm về tình hình sinh hoạt dân chúng trong vùng. Ông già tỏ ra cởi mở
trao đổi về những gì chàng muốn biết, và vài phút sau ông cất tiếng gọi,
“Bông! Cháu có ở sau nhà không; pha một bình trà nóng để ông đãi khách.”
Một tiếng “Dạ” phát ra từ phía sau; và độ vài phút sau đó, một cô gái mang bình trà đến.
Chàng giật mình - Vừa bối rối, vừa ngẩn ngơ, vì cô gái tay cầm bình trà không ai khác hơn là cô gái
trên lưng trâu lúc ban chiều trên cánh đồng cách đây vài dặm.
Chàng nhoẻn miệng cười, gật đầu chào nàng và được nàng trao lại bằng cái ‘nguýt” thật dài và
thật đáng yêu!
Chủ khách chuyện trò đến 9 giờ đêm thì chàng xin phép về ngủ.
Đang trong giấc ngủ, bỗng Hà đánh thức chàng dậy,
“Thiếu úy, thiếu úy dậy đi với em đến gặp cô gái hồi chiều, hỏi lý do tại sao cho đến giờ này chưa đi
ngủ mà cứ thập thò thập thửng, bước ra bước vào, mắt luôn láo liêng nhìn đây đó; theo em nghĩ, cô ta
có thể là điềm chỉ viên của Việt cộng, đang điều động tụi Vi Xi tấn công chúng ta trong đêm nay.”
“Thì một mình chú đến hỏi cô nàng là được rồi, cần chi phải có mặt tôi,” chàng càu nhàu nói.
“Không được đâu thiếu úy ơi, lỡ cô nàng cố tình làm ‘quạng’ nói em đêm khuya lợi dụng lúc vắng
người, vào phòng hãm hiếp cô thì có chết; dậy đi cùng em đi thiếu úy.”
Nghe Hà nói có lý nên chàng bước xuống võng, xỏ chân vào giày và cùng Hà đi đến trước cửa phòng của cô
gái. Chàng cất tiếng ‘tằng hắng’ để cô chú ý và xô cửa bước vào,
“Sao đến giờ này cô chưa đi ngủ?”
Nhìn ánh mắt và gương mặt nghiêm nghị của chàng, cô gái rụt rè trả lời,
“Không dấu gì thiếu úy, em đang có một bài toán quan trọng mà chưa giải được; em có ý định xem ai
trong các anh giúp em giải bài toán này, vì thầy em cho biết bài toán này là bài toán mẫu; do đó ai
giải được thì có thể giải được các bài toán ‘logarithm’ trong kỳ thi sắp tới.”
“Cô có thể cho tôi xem bài toán,” Chàng nghiêm nghị hỏi.
“Đây thiếu úy xem dùm.”
Log 5 + Log10 3 = ?
Liếc nhìn qua bài toán chàng không nói có giải được hay không mà lại mỉm cười hỏi,
“Có lẽ cô 17 tuổi và đang học Đệ Nhị (lớp 11)?”
Nàng ửng hồng đôi má, thẹn thùng đáp,
“Thiếu úy đoán đúng đấy, Thiếu úy quả có tài, em hy vọng Thiếu úy giúp em giải được bài toán này; giúp
em nghe thiếu úy!”
“Giúp được hay không được là tùy ở nơi cô…!” Chàng cười nói,
“Thiếu úy nói gì; em không hiểu!”
“Ví như, chỗ nào cô cần tôi sờ đến chẳng hạn…!”
Nàng đưa mắt ‘lườm’ chàng, rồi lấy tay chỉ vào đề toán và nói,
“Log 5 không có cơ số này nè!”
“Chèn đéc ơi, đầu óc cô lúc này đang ở nơi đâu mà không còn nhớ gì cả; để tôi nhắc hai chi tiết
nhỏ rồi cô tự làm.
Này nhé: hai Log không có cùng cơ số thì không bao giờ cộng hay trừ được; Log10 , còn gọi là Log
Nguyên, mà đã là Log nguyên thì không cần phải ghi cơ số của nó vào đó vì ai cũng hiểu cơ số của nó là
10; giống như căn số bậc 2, không cần ghi số 2 trên dấu căn của nó; vậy ông thầy, bà cô nào ra bài
toán này là để đánh lừa và cũng để thử trí thông minh của học sinh đó, cô ạ; mà này cô học ở trường
nào?”
“Dạ, em học ở Tống Phước Hiệp.”
“Tống Phước Hiệp/ Vĩnh Long? Sao cô không học ở Cai Lậy hay Mỹ Tho cho gần?”
“Em không có người thân hai nơi đó; Vĩnh Long tuy xa, nhưng em có bà dì không con không cháu hầu cận
nên việc em đến ở trọ học có lợi cho cả đôi bên.”
“Cô có học chung lớp với Bùi Kim Loan không?”
“Có - Làm sao thiếu úy quen biết nó; nó có phải là người yêu của thiếu úy không?” Nàng vội hỏi.
Chàng cười nói,
“Cô có máu Tào Tháo trong người rồi; Kim Loan là em gái của người bạn cùng đơn vị với tôi, Loan thường
đến thăm anh nên tôi mới biết cô ta, thế thôi!”
Thế rồi, từ việc phải tìm ra đáp số của bài toán, đến việc tìm kiếm mấu chốt vấn đề trong đời sống tâm
tình của nàng, một cô gái nữa quê nửa thị.
Nàng cho chàng biết: nàng mồ côi cha từ nhỏ, sống với mẹ và người cha của mẹ; ngoại và mẹ nàng cả hai
đã già nên công việc đồng áng, nếu không nhờ ai giúp được, nàng phải bỏ học để về làm; người mà thường
giúp nàng trong công việc đồng áng đó là ông dượng, chồng bà dì, ở Vĩnh Long. Nàng có mặt ở nhà kỳ này
là để cấy vài đám ruộng làm trễ; do đó vài ngày nữa nàng phải trở lại Vĩnh Long để tiếp tục học. Nàng
thiết tha đạt được bằng cấp cao để cuộc sống không còn chân bùn tay lấm như hiện tại, nàng cũng ước mơ
có một gia đình êm ấm, có chồng có con để con nàng tiếp nối hoài bảo mà có thể trong sinh thời nàng
không thực hiện được…
Mãi chuyện trò quên mất thời gian, cho đến khi có tiếng gà gáy ở xóm bên, báo hiệu bình minh sắp lố
dạng, thời điểm mà chàng và nàng phải chia tay để trở về với nhiệm vụ của riêng mình; chàng đứng dậy
xin phép ra về và nàng tiễn chàng ra tận cửa. Trước khi chia tay nàng hỏi: liệu rằng bao lâu chàng trú
đóng nơi vùng đất chôn nhau cắt rún của nàng này?
Chàng nhìn nàng trong ánh mắt âu yếm và tự dưng đổi cách xưng hô,
“Đơn vị anh không có trách nhiệm lãnh thổ nên nơi đâu chiến trường cần thì đến, đến rồi đi thế thôi em
à!”
“Vậy khi xa nhau, anh có còn muốn gặp em nữa không?” Nàng cúi mặt buồn rầu cất tiếng hỏi.
“Muốn chứ sao không; nhưng làm sao được, khi em ở nơi đây?” Chàng nhẹ giọng đáp.
“Ta có thể gặp nhau tại nhà bà dì của em ở Vĩnh Long!” Nàng đề nghị.
“Thế thì được; anh sẽ cố gắng!” Chàng đáp.
Rồi quay gót trở về chiếc võng mà Hà đã giăng cho chàng đêm qua. Chàng cố gắng nhắm mắt ngủ để lấy lại
sức sau một đêm dường như thức trắng, nhưng hình ảnh Riêu-Bông cũng như những lời nàng nói cứ chập
chờn trong tâm trí khiến chàng không thể nào ngủ được….
Khoảng 6 giờ sáng, Hạ sĩ nhất Hai mang chiếc máy PC.25 đến cho chàng và bảo rằng Trung úy Minh, trưởng
ban III, hành quân, cần gặp chàng. Qua điện đàm Trung úy Minh cho biết cấp trên cần Tiểu Đoàn dừng lại
nơi đây một thời gian để làm công tác phát hoang, rồi kế đó dựng lên một cái đồn cho một đơn vị ĐPQ
đến trú đóng. Cái lý do dựng lên một cái đồn nơi này, nằm trong kế hoạch giành dân chiếm đất, chuẩn bị
cho việc ký kết Hiệp định Paris năm tới (1973). Cũng theo sự ước tính của Trung úy Minh thì thời gian
để hoàn tất hai công việc cấp trên giao phó, chắc là lâu chứ không phải là một tuần hay một tháng, vì
cái đồn này là thí điểm quan trọng trong khu vực, do đó phải xây cất theo đúng thiết kế của cấp trên
đưa xuống (có hầm ngầm, các lô-cốt xây bằng bê-tông cốt sắt…)
“Tiểu đoàn mình trước đây cũng đã có dựng vài cái đồn rồi, mà đâu có nghe nói gì đến thí điểm!” chàng
thắc mắc hỏi.
Trung úy Minh trả lời,
“Đồn này sẽ là cứ điểm cho Phân Chi Khu Trưởng trong tương lai; sau khi Hiệp Định Paris đã được ký
kết, sẽ có cải tổ hành chính, cánh quân sự của chúng ta sẽ đảm nhiệm thêm hạ tầng cơ sở, nghĩa là, mỗi
xã sẽ có một PCK, như mỗi quận có một CK hiện nay; PCKT sẽ do một Sĩ quan cấp úy, mà người này đòi hỏi
phải có kiến thức căn bản CTCT lẫn kinh nghiệm tác chiến; theo tôi, Thiếu úy rất có triển vọng đảm
nhiệm chức vụ này, vì kinh nghiệm tác chiến thì lắm người có, nhưng về CTCT thì hiếm người có cấp bằng
ĐH/CTCT như Thiếu úy; ông có cảm thấy thích thú nếu được chọn làm PCKT không?”
“Không chút nào!” Chàng trả lời một cách thẳng thừng.
“Bộ đầu óc ông đang không được bình thường phải không?”
Đầu óc tôi đang trong trạng thái - không những bình thường, mà có lẽ còn rất tỉnh táo; để tôi nói cho
Trung úy nghe tại sao tôi không thích:
Nếu tôi nắm được chức vụ đó thì chẳng khác nào tôi ngồi trên bếp lửa, không chóng thì chầy tôi phải
đứng dậy ra đi vì sức nóng của tiền bạc và thế lực bè phái; tôi hiểu, tôi không có bản lĩnh bằng ai,
nên chấp nhận đời lính trận, chấp nhận cái rủi may trong cuộc sống và tự an ủi mình bằng câu, mà người
ta thường nói trong lúc này: “Chết trước có mồ có mả, chết sau bị quà quạ kên kên!”
Ông hơi bi quan đó Thiếu úy à; nhưng xét cho cùng, những điều ông vừa nói không phải là không phản ánh
sự thật về cách điều hành nhân sự trong cơ cấu chính quyền cũng như trong quân đội của chúng ta hiện
tại, tôi đồng ý với ông trong vấn đề này!
Còn đối với việc VNCH phải ký Hiệp Định Paris sắp tới đây, thì ông nghĩ sao, hỡi ông Thiếu úy, xuất
thân từ trường Đại Học CTCT/Đà Lạt?
Trong giọng thật trang nghiêm, chàng nói:
Thú thật với Trung úy, hồi còn học ở trường, cũng có vài chính khách đến thăm viếng, và họ cũng có nói
suy nghĩ của họ về cái Hiệp Định này; trong số những vị khách đó, có Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, ông
không chỉ nói quan điểm của ông mà còn tường trình rất chi tiết về diễn tiến các buổi họp cho chúng
tôi nghe.
Nói chung, ai cũng cho rằng cái lý do chính phủ Mỹ rút quân họ ra khỏi đất nước ta là để làm giảm
cường độ chống chiến tranh đang diễn ra trên khắp đất nước, và cũng để giảm bớt gánh nặng cho ngân
sách quốc gia của họ. Chúng ta thông cảm việc làm của chính phủ Mỹ, nhưng bên cạnh đó một viễn cảnh
không mấy tốt đẹp cho chúng ta lại hiện ra; việc Mỹ rút hết quân, ta không ngại tạo lỗ hỏng phòng thủ,
nhưng e ngại không còn có đủ vũ khí đạn dược để đương đầu với CS Bắc Việt, vì CS Bắc Việt vẫn còn tiếp
tục nhận sự viện trợ của khối Cộng. Nhìn qua các cuộc chiến tranh, điển hình Thế chiến thứ II, cũng
chỉ vì Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống đất nước Nhật mà buộc người Nhật, nổi tiếng là một dân tộc
anh hùng bất khuất, với tinh thần Võ Sĩ Đạo (Sumarai), phải buông súng đầu hàng vô điều kiện; còn nếu
điểm qua các trận đánh trên lãnh thổ Miền Nam Việt Nam, chúng ta phải công nhận lực lượng Dù và TQLC
ghi nhiều chiến thắng hơn bất cứ đơn vị nào khác, là nhờ họ có hỏa lực yểm trợ đầy đủ! Do đó, yếu tố
vũ khí đạn dược là quan trọng, đành rằng yếu tố tinh thần (lòng dũng cảm) cũng rất cần, nhưng yếu tố
này bị giới hạn bỡi gia đình vợ con, bỡi cuộc sống cá nhân của người lính. Ví như cách đây vài tháng,
TĐ ta đã bắt được một lính chính quy Bắc Việt lạc đơn vị, hắn không biết chạy đi đâu bèn leo trên cây
cao ẩn trốn, bị ta phát giác bắt dẫn về; khi ấy, hắn không van nài được tha mà chỉ xin cho hắn ăn no
rồi muốn bắn xử thế nào cũng được; các lính ta vội ca ngợi tinh thần dũng cảm của tên lính CS Bắc Việt
này; thế nhưng khi đã no đủ, hắn lại quỳ lạy chúng ta xin tha! Thế mới biết khi con người có cơm ăn áo
mặc đầy đủ thì họ mới quý mạng sống và rất sợ chết, phải không Trung úy?!
Không biết Trung úy Trưởng ban III nghĩ gì về những điều chàng vừa nói, mà giữ im lặng một lúc lâu mới
cất tiếng và cũng đổi cách xưng hô:
Thiếu úy không hổ danh tốt nghiệp từ trường Đại Học CTCT/Đà Lạt, tôi hoàn toàn đồng quan điểm với
Thiếu úy, chính vì thế mà mắt tôi thấy một dám mây đen thật to đang hướng về bầu trời Miền Nam của
chúng ta; nhưng tôi vẫn còn mang hy vọng là nó chỉ bay ngang qua chứ không dừng lại!
Trung úy Minh buông tiếng thở dài rồi nói tiếp,
Thôi việc gì đến thì nó sẽ đến, nhiệm vụ của TĐ ta bây giờ là làm sạch cỏ rác trong khu vực này, rồi
dựng lên một cái đồn giao cho họ, rồi lại tiếp tục ra đi… Bây giờ, nhiệm vụ Đại đội của Thiếu úy là
cùng các Đại đội trong TĐ tập trung trong công việc phát hoang, sau đó lập vòng đai an ninh cho BCH/TĐ
và 3 Đại đội còn lại làm nhiệm vụ kế tiếp của họ.
Nghe có tiếng “gác” máy đầu dây bên kia, chàng hiểu rằng cuộc điện đàm cùng Trung úy Trưởng ban
III chấm dứt, nên chàng bảo Hạ sĩ nhất Hai mang máy ra về, đồng thời nhờ thông báo đến các trung đội
trong Đại đội chuẩn bị tập hợp để nhận nhiệm vụ trong ngày.
Công việc phát hoang bắt đầu ngay buổi sáng hôm ấy. Và để được lòng dân, chàng cũng như các Đại Đội
trưởng khác kêu gọi dân chúng tự làm sạch khu vực quanh nhà họ; tất cả đều làm tốt, ngoại trừ hai xóm
cực Bắc có sự chống đối dữ dội! Lệnh TĐT cho phép bắt tất cả những người chống đối; thế là lính TĐ gom
được ba mươi người, và rồi thông báo lên cấp trên xin chỉ thị, tức thời lực lượng Phụng Hoàng tỉnh
Tiền Giang phái nhân viên đến làm công việc đọ, xét lý lịch những người bị bắt, và cuối cùng họ phát
hiện được hai nhân vật VC nằm vùng quan trọng, đó là bà Năm Sương (giống hệt bà Năm Sa Đéc,) phụ trách
hậu cần Khu IX (tức QK.IV của VNCH,) và Chín Lợi (hình dáng tóc tai giống nhân vật Dr. Emmett Brown,
trong phim Back To The Future ) phụ trách hậu cần tỉnh Tiền Giang – Thế là TĐ được thưởng 15.000 đồng
để ăn nhậu.
Nhờ đóng quân tại chỗ nên chàng lại có nhiều dịp kề cận chuyện trò với Riêu-Bông, khiến tình cảm giữa
chàng và nàng mỗi ngày mỗi sâu đậm thêm; mỗi chiều sau một ngày làm việc, chàng trở lại trú đóng cạnh
nhà nàng; và nếu có thì giờ rảnh rỗi thì chàng và Hà cùng xén cao ống quần, ra ruộng bắt tôm bắt cá,
hái rau về cho Riêu-Bông làm thức ăn.
Bên nồi cơm bốc khói, cùng với mùi thơm của những ngọn “ngò om” tỏa ra từ tô canh chua đầy hương vị,
màu sắc các loại rau, bông súng, bông lục bình… tẩm liệm cho món cá kho tộ, làm cho món cá ngon hơn,
cộng thêm những mẫu chuyện vui, tiếu “râm rang” trong bữa cơm, tạo cái không khí đầm ấm của một
gia đình làm chàng cảm thấy vui! Và vui hơn, là bên chàng luôn có Riêu-Bông ngồi cạnh, làm chàng say
sưa chìm đắm trong hạnh phúc, quên đi những nhọc nhằn đời lính, quên đi thực tế cận kề với địch, cái
sống và cái chết chỉ có thể ví bằng tia chớp đó thôi; nói như thế không có nghĩa là chàng quá say mê
cái nhan sắc của Riêu-Bông, nên hóa ra ngu muội!
Không, chàng vẫn còn tỉnh trí; lời cảnh bảo của Trung tá Long, CKT/CK Cai lậy, trong buối họp Hành
quân đầu tiên, vẫn còn vang động trong đầu óc chàng:
“Toàn lãnh thổ Cai lậy, chúng tôi biết rõ, có 9 khẩu K.54 đang nằm trong tay 9 cô gái đẹp; vậy các ông
Sĩ quan trẻ liệu chừng mà thả dê! Nói như thế không có nghĩa là tôi cấm các ông, nếu các ông có bản
lĩnh như Chuẩn úy Tâm, đồn trưởng đồn Cầu Đúc, thì tôi khuyến khích các ông làm.”
Và sau đó ông kể cho mọi người trong buổi họp nghe về câu chuyện Chuẩn úy Tâm: một Chuẩn úy không mấy
đẹp trai nhưng rõ nét nam tính, đặc biệt biết cách giữ im lặng giữa đám thực khách ồn ào, khiến cho Mỹ
Linh (cô chủ quán) chú ý, thầm yêu. Và một hôm nàng báo cho chàng biết VC sẽ tấn công tiêu diệt đơn vị
chàng trong vòng hai ngày sắp tới. Nhờ biết trước, cộng với sự yểm trợ tích cực từ CK, đơn vị Tâm đã
chiến thắng địch, nhưng chính bản thân Tâm mất đi người thương và cũng là người cứu mạng sống cho
chàng.
Câu chuyện hào hùng của Chuẩn úy Tâm vẫn còn râm rang trong đầu óc chàng, chàng cũng muốn chinh phục
Riêu-Bông để lấy thêm tin tức hoạt động của CS trong vùng chàng đang trú đóng, vì chàng biết chắc rằng
đây là vùng xôi đậu nên cấp trên cần có sự hiện diện của quân đội VNCH ở đây.
Một tuần lễ khai hoang qua đi và cũng là một tuần lễ Riêu-Bông về giúp gia đình đã hết, nàng trở lại
Vĩnh Long!
Vắng bóng nàng trong các bữa cơm chiều, không chỉ có chàng mà còn có cả Hà, cảm thấy canh cơm không
còn ngon ngọt; Hà đề nghị thôi ăn cơm chiều với mẹ, ngoại nàng để tránh cái không khí ngột ngạc buồn
tẻ trong bữa ăn. Chàng đồng ý, tuy vậy khi nói cho ông già biết về cái ý định đó thì ông cứ nài nỉ
tiếp tục ăn chung cho bằng được.
Để làm hài lòng cả hai, ông và Hà, hai thầy trò chàng đành phải ăn riêng trong những buổi cơm chiều
sau đó; những lúc ăn chung chỉ có hai người (ông và chàng,) ông thường kể cho chàng nghe những chuyện
cổ tích, mang tính cách giáo dục, làm chàng có cảm tưởng mối quan hệ giữa ông và chàng lúc đó không là
mối quan hệ người dưng nước lã, mà là mối quan hệ ông cháu trong gia đình. Câu chuyện “Hoàng Thiên
Hữu Nhãn” ông kể, làm chàng suy nghĩ nhiều đêm, phải chăng ông muốn nói chàng gặp cháu ông là
duyên tiền định, như nhân vật người con trai của ông già trọng nghĩa, sau chuyến băng rừng vượt suối
đến Tây vực để gặp được Hoàng Thiên trở về, được vị trang chủ đầu tiên (người nhờ chàng chuyển câu hỏi
của ông đến Hoàng Thiên giải đáp,) gả con gái cho? Chàng mỉm cười cho cái mơ mộng không có bờ bến của
chàng!
Chỉ có một tuần lễ vắng Riêu-Bông mà chàng tưởng chừng cả tháng; một ngày qua thật lê thê buồn tẻ đối
với chàng. Chàng thường tìm đến những con kinh, những thửa ruộng mà có ghi dấu kỷ niệm của hai đứa cho
đỡ buồn!
Thời gian trú đóng tại Tân Phú Đông, Riêu-Bông không bao giờ làm gì khiến chàng cảm thấy buồn chán; dù
con đường Vĩnh Long và Tân Phú Đông khá dài, khá xa, nhưng tuần nào nàng cũng trở về…, điều đó nói lên
nàng cũng nhớ thương chàng không ít.
Thương anh mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua!
Việc Riêu-Bông trở về hàng tuần, gây sự chú ý cho ông và mẹ nàng; ông, thì vui nhưng mẹ nàng thì tỏ vẻ
e ngại, bà luôn là vật chắn giữa con bà và chàng; ngày ấy chàng không hiểu lý do tại sao, nhưng qua
cuộc gặp gỡ và được nói chuyện với Riêu-Bông tại Denver mới đây, thì chàng hiểu rõ!
Thời gian vốn vô tình không chờ ai đợi ai cả, cho dù đóa hoa tình yêu giữa chàng và nàng chưa đủ thời
gian để kết nụ! Đơn vị chàng đã hoàn tất nhiệm vụ, ngày mai phải về Cai Lậy để được trực thăng bốc đổ
xuống Ba dừa/Cái bè, để tháo gỡ các gọng kềm của CS đặt xung quanh đó.
Trong bữa cơm chia tay có đủ năm người (ông, mẹ, Riêu-Bông, Hà, và chàng) ông ngoại nàng xin chàng để
lại cho ông một cái gì làm kỷ niệm; chàng suy nghĩ và suy nghĩ mãi cũng không biết tặng chi, thì
Riêu-Bông đề nghị làm một bài thơ tặng ông vì ông nàng rất thích thơ, văn, chuyện cổ v.v…
Như được Riêu-Bông khai sáng tâm trí, chàng cất tiếng nói với ông già:
“Thưa ông, trong những lúc ông cháu mình bên nhau, ông thường kể cho nghe những câu chuyện về lối sống
có đạo đức của con người, thì hôm nay cháu cũng xin tặng ông một bài thơ hướng dẫn cách bảo vệ thể
chất và tinh thần cho những ai muốn được sống lâu và có một cuộc đời thanh thản, để cháu đọc cho ông
nghe, nếu ông thích thì cháu bảo em Hà ghi lại cho ông.”
Sống không giận, không hờn, không oán trách,
Sống mỉm cười trước thử thách, chông gai,
Sống vươn lên theo nhịp sống ban mai,
Sống chan hòa với mọi người chung sống,
Sống là động nhưng lòng luôn bất động,
Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vươn,
Sống yên vui, danh lợi mãi coi thường,
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến!
Chàng vừa đọc xong thì ông già vỗ tay khen hay và yêu cầu ghi lại trên giấy để ông lộng vào khung giữ
làm kỷ niệm.
Chàng quay sang Hà bảo lấy giấy bút ghi bài thơ, và trong thời gian Hà chuẩn bị làm công việc này,
chàng cho ông biết bài thơ đó không phải do chàng sáng tác, mà do một thiền sư ẩn danh, không muốn ai
biết tên mình; và đồng thời, yêu cầu ông đừng vội mua khung để lộng, chàng sẽ làm việc ấy cho ông khi
trở về hậu cứ, là sẽ thi họa bài thơ để bài thơ có giá trị và dễ đọc.
“Khi nào cháu trở lại đây để ông có bài thơ?” Ông hỏi.
“Không lâu đâu, cháu sẽ nhờ con chim câu này mang đến cho ông!”
Nói xong chàng cười và đưa tay
dí vào trán Riêu-Bông làm Hà nóng mặt!