Bước vô nhà, thấy vắng trước vắng sau nên chàng chép miệng hỏi,
“Vợ chồng con gái chị đi làm hay đi đâu mà thấy vắng vẻ như thế này?”
Nghe chàng hỏi, Riêu-Bông tỏ ra lo lắng, nước mắt chan đầy khoé mắt, trầm giọng nói,
“Đang ở California thăm bà cô của tụi nó; chính vì thế mới xảy ra nông nổi này, nếu tụi nó ở nhà thì tôi đâu phải lái xe đi chợ cho gây tai nạn; cái khó là ở chỗ này, mai mốt tụi nó về tôi biết phải nói sao vì trước khi đi tụi nó có dặn không nên lái xe đi đâu cả!”
Diệp tỏ ra thông cảm nên đưa lời an ủi,
“Chuyện đã lỡ rồi, thôi chị hãy bớt buồn; để tôi thử liên lạc với công ty bảo hiểm của tên Mễ, xem họ giải quyết vấn đề này ra sao,”
Nói xong chàng gọi đến Công ty bảo hiểm của tên Mễ thì được xác nhận, và bảo đem xe đến Addition Auto Center, ở 2005 S. Holly Street, để được ước tính phí tổn sửa chữa để họ gửi tiền đền bù.
Chàng thông báo tin vui cho nàng và đồng thời bảo nàng cùng ra xe đi với chàng đến Repair Shop; công việc xong, chàng lại đưa nàng về nhà; cùng lúc đó vợ chàng gọi phone bảo cứ ở nhà Riêu-Bông chơi, đợi nàng xong công việc đến rước; và nàng cũng nói thêm có thể phải chờ lâu, vì nàng đang cùng Diệu (bạn nàng) đi ăn sinh nhật con của một người bạn khác.
Chàng như được mở cờ trong bụng vì có lý do để lưu lại; tuy vậy cũng hỏi Riêu-Bông nếu phải đợi vợ chàng đến rước hơi lâu liệu có trở ngại gì không, thì nàng bảo là không, vì trong lúc nhà không ai, bên ngoài trời lại mưa mà có người ngồi chuyện trò thì thật đỡ buồn, nàng giải thích như vậy!
Nàng bảo chàng ngồi nghỉ nơi phòng khách, để nàng vào bếp làm một chút gì bỏ bụng, viện lý do từ sáng đến giờ chưa có gì bỏ vào bụng cả, hơn nữa nàng muốn vừa ăn, vừa nói chuyện mới vui, mới ngon miệng. Nói xong, nàng đi ngay ra sau bếp, không cần có sự đồng ý của chàng; và trước khi đi, nàng thảy cho chàng chiếc khăn để lau các chỗ thấm nước mưa trên cơ thể và trên quần áo, làm chàng xúc động!
Một mình trong phòng vắng lặng, ngồi suy nghĩ lung tung: làm thế nào để biết tất cả những điều muốn biết mà không để lộ chân tướng; càng nghĩ đầu óc càng bấn loạn, nhịp tim nhanh, nhanh đến độ chàng không còn tự chủ; ngã người trên chiếc ghế “sofa” để rồi thiếp đi không còn ý thức; mãi cho tới khi Riêu-Bông đem thức ăn đến, đánh thức, chàng mới tỉnh dậy.
Chàng bàng hoàng như vừa trải qua một giấc mộng, nhất là khi nhìn dáng dấp, khuôn mặt nàng còn lưu quá nhiều dấu tích ngày cũ, chàng chép miệng thở dài - Ôi quả đất tròn!
“Ăn đi chớ, sao ngồi thừ người ra vậy?” Nàng cất tiếng bảo.
Diệp giật mình cầm muỗng lên, múc mì đưa vào miệng một cách vội vã, khiến nàng ngơ ngác,
“Bộ không muốn nói chuyện hay sao?” Một câu nói hàm chứa một sự trách móc.
Diệp nở một nụ cười cho đỡ ngượng nói,
“Tính ăn xong để chị đi nghỉ, vì có lẽ chị cũng mệt mỏi với những chuyện xảy ra sáng nay, chứ thật sự tôi cũng có nhiều điều muốn hỏi chị.”
“Tôi không cảm thấy mệt mỏi gì cả, không cần phải đi nghỉ; vậy anh có muốn hỏi gì thì cứ hỏi,” Riêu-Bông nhún vai trả lời.
Chị đến Colorado này bao lâu rồi?
Tôi mới đến đất nước này được hai năm, nhưng con tôi đến Mỹ đã lâu, trước hay sau ngày 30 tháng 4 năm 75 gì đó; mẹ chồng tôi đem nó đi lúc nó chưa tròn một tuổi.
Sao chị không đi cùng với con chị lúc ấy?
Riêu-Bông buồn bã trả lời,
“Họ đã cướp con tôi để đem đi vì nó là cháu họ, chứ họ đâu có cho tôi đi, vì từ trước đến nay họ chưa bao giờ công nhận tôi là con dâu của họ; ngày anh Hà, con họ, hỏi cưới tôi không một người thân của anh đến tham dự, ngoại trừ ông Đơn vị Trưởng của anh, thay mặt đàn trai dự lễ mà thôi.”
Diệp nêu thắc mắc hỏi,
“Lý do gì vậy?”
“Chuyện rất dài dòng, có lẽ tôi không thể nói hết cho anh nghe được; với lại, đây cũng là một chuyện tình đẫm lệ của tôi; anh thông cảm, đừng bắt tôi phải kể vì càng kể càng thêm đau lòng,”
Riêu-Bông nói, và khi nói xong nàng úp mặt vào hai lòng bàn tay như để dấu những giọt nước mắt đang trào ra.
Diệp ngồi im lặng một hồi lâu rồi cất tiếng nói,
“Chị không nói về cuộc đời của chị cũng được, nhưng chị có hình ảnh ngày cưới, hoặc hình của anh Hà cho tôi xem được không?”
“Tôi còn giữ được một tấm hình anh Hà chụp chung với người bạn của anh, để tôi vào trong lấy ra cho anh xem,” Riêu-Bông nói rồi đi vào trong, và đem một tấm ảnh, được lộng kính, cỡ 8X10.
Nhìn tấm ảnh Diệp biết ngay đó là tấm ảnh chàng thấy ở trong bóp của nàng hồi sáng, được phóng lớn; và chàng hiểu ngay không ai khác hơn Hà đã cho nàng chiếc ảnh đó; chàng cất tiếng hỏi,
“Người có mang lon chắc là anh Hà?”
“Căn cứ trên cái gì để anh nói như vậy?”
“Cái đó cũng dễ hiểu thôi; vì không ai tặng người yêu tấm ảnh có hai người, mà người đứng bên cạnh mình là một người xem ra hơn mình về một phương diện nào đó; chẳng lẽ anh Hà quá ‘stupit’ giao cho chị quyền so sánh chọn lựa sao?!”
“Stupit đúng như anh nói, nhưng không chỉ có anh Hà, mà có cả tôi nữa, hai chúng tôi đều stupit; để tôi nói cho anh nghe có đúng không: Anh Hà là người giúp việc của ông Thiếu úy Diệp, người tôi yêu, Hà hiểu rõ tình cảm giữa tôi và thầy anh rất sâu đậm, thế mà anh cứ bám theo mỗi khi vắng Diệp và luôn nài nỉ xin được cưới tôi! Còn Hà dưới mắt tôi, chỉ là người thân của Diệp lẽ dĩ nhiên là của tôi nữa; thế nhưng không biết tại sao, bỗng dưng tôi chấp nhận làm vợ Hà thật kỳ lạ! Nhiều đêm tôi vắt tay lên trán tự hỏi: phải chăng đầu óc tôi bị nhiễm độc bỡi lời nói vô căn cứ của một cô gái lạ tự xưng là Fiancé của Diệp, bỡi lời khuyên của con khỉ Loan, bạn tôi, và lời năn nỉ quá thảm thiết của Hà?!”
Diệp im lặng lắng nghe, nhưng tới đây chàng lại xen vào,
“Lời nói của cô gái lạ mặt làm chị tự ái cắt đứt tình cảm với ông Diệp thì tôi hiểu; thế nhưng cô Loan đã nói gì, và anh Hà đã năn nỉ chị như thế nào khiến chị phải xiêu lòng?”
Riêu-Bông thở dài đáp:
“Thú thật cho đến giờ phút này tôi vẫn chưa xác nhận được tôi bỏ Diệp hay Diệp bỏ tôi, vì tôi chưa kiểm chứng được lời nói của cô gái lạ! Còn lời con Loan, vẫn còn làm cho tôi suy nghĩ nhiều bỡi lời nó phản ánh cuộc sống hiện tại của con người trần thế; nó khuyên tôi đừng bám vào mấy ông Sĩ quan, bỡi ông nào cũng có nhiều đào cả, nhất là ông sĩ quan tôi đang yêu; tôi hỏi làm sao nó biết, thì bảo rằng anh nó nói cho nghe. Nó lại triết lý về cuộc sống là nên lấy chồng gần chứ đừng lấy chồng xa; lấy người yêu tôi hơn là người tôi yêu họ; nó dẫn dụ: anh Hà không còn cha mẹ nên khi thành vợ chồng, anh ấy có thể sống bên tôi; còn ông Sĩ quan, cha mẹ ở tận miền Trung, nếu tôi lấy ông, thì có cơ tôi phải về miền Trung mà sống; anh Hà yêu tôi nhiều hơn ông Sĩ quan ấy yêu tôi v.v…”
“Chà, cái cô Loan nào đó cũng lắm chuyện!” Diệp xen vào.
“Chưa hết đâu anh,” Riêu-Bông lại nói,
“Nó còn bảo tôi đừng lấy mấy ông có tâm hồn thi sĩ, vì mấy ông đó thường than mây khóc gió không thực tế, không chịu cực khổ được đâu; mấy người có tâm hồn thi sĩ ai cũng thường mang chứng ngoại tình tư tưởng như: TTKH, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu, Hồ Trường v.v…”
“Làm sao cô ta biết ông Sĩ quan của chị có tâm hồn thi sĩ?”
“Cũng lỗi tại tôi; tôi khoe ông Sĩ quan của tôi có tâm hồn thi sĩ, có tài ‘tức cảnh sinh tình’’ tôi đã đọc cho nó nghe vài bài thơ mà ông ấy làm tặng tôi, để nó phải nể mặt…”
“Còn anh Hà ?”
Anh Hà luôn nói với tôi:
“Anh chẳng có ai trong đời, xin em cho anh chút tình thương để sống, em là cột trụ linh hồn anh!”
Diệp bỗng bật cười nói,
“Chị bảo chuyện tình đẩm lệ của chị, chị không muốn nhắc đến, nhưng từ nãy giờ dường như chị đã kể trọn cuộc tình của chị; thôi thì lỡ rồi, nói hết ra đi để đêm nay ngủ ngon vì không còn ấm ức!”
“Tôi nói gì mà anh nói rằng tôi nói gần hết?!” Riêu-Bông to tiếng hỏi.
“Thôi, chưa hết hay không hết gì cũng được; điều tôi thật sự không rõ là vừa rồi chị có nói: họ đã cướp con tôi, cháu họ để đem đi, chứ họ đâu có cho tôi đi, vì từ trước đến nay họ chưa bao giờ công nhận tôi là con dâu của họ; ngày anh Hà, con họ, hỏi cưới tôi không một người thân của anh đến tham dự…., họ không tham dự lễ cưới hỏi, sao họ biết nơi chị ở và biết anh Hà đã có con với chị mà đến bắt; và lúc đó anh Hà ở đâu mà để họ làm như vậy?”
Nước mắt Riêu-Bông tuôn đổ, nàng lấy tay lau vội rồi nói,
Cuộc đời tôi bất hạnh lắm anh! Khi tôi vừa mang thai độ ba tháng thì anh Hà mất tích sau một trận đánh. Tôi có đến đơn vị nhiều lần để hỏi thăm công việc tìm kiếm anh Hà cũng như hỏi thăm tin tức về ông Diệp trôi giạt nơi đâu, nhưng không ai cho tôi biết một cách rõ ràng cả và mãi cho đến nay, tôi vẫn không nhận được tin tức gì về hai người ấy; còn việc lý do nào mẹ anh Hà biết chỗ ở của tôi thì tôi hoàn toàn không biết. Trước 30/4 vài ngày, tôi đang sống với mẹ tôi ở Tân Phú Đông/Tiền giang, thì có một bà người Huế, tuổi trên 50, cùng với đứa con gái của bà đến tự xưng là nội, cô của đứa con tôi; nhất quyết bắt nó về nuôi cho bằng được, vì họ không muốn nó sống với tôi, nơi sình lầy nước đọng, để suốt đời chịu đói khổ và ngu dốt. Tôi khóc lóc năn nỉ họ đừng bắt mẹ con tôi chia lìa; tôi ôm chặt nó vào lòng nhưng cả hai mẹ con bà, lợi dụng lúc không có ai trong nhà, không có nhà hàng xóm lân cận, dùng sức mạnh người bẻ tay tôi, người giật lấy đứa bé, ẵm nó đi; đã thế trước khi đi, họ còn xô tôi ngã lăn trên đất, bất tỉnh, và khi tỉnh dậy thì tôi không biết họ đã ẵm con tôi đi phương nào!”
Ngừng một chút rồi nàng nói tiếp,
“Mãi khóc vì nhớ con, nên tôi thường hay đau ốm, cuộc sống gia đình do đó rất khó khăn, tôi rất buồn khổ; và buồn khổ đến tột cùng là khi có mặt một ông CS, mà mẹ tôi bảo rằng chính ông này là cha ruột của tôi, mấy năm trước đây ông theo Bác & Đảng làm công việc vĩ đại là giải phóng miền Nam khỏi ách đô hộ của Đế quốc Mỹ, nay đã hoàn thành nhiệm vụ nên quay về với gia đình, vợ con! Tôi bàng hoàng đến cực điểm trước những lời mẹ tôi nói, vì trước đây tôi có hỏi về cha tôi thì bà nói đã chết vì bom đạn của chiến tranh trước khi tôi chưa ra đời; điều tôi ngạc nhiên hơn nữa là từ lâu mẹ tôi rất ít nói và nếu có nói cũng chỉ nói về những cánh đồng với những con trâu, thế bỗng dưng hôm nay mẹ tôi lại nói những câu sặc mùi chính trị mà các ông cách mạng 30/4 thường nói.
Ông Cộng sản, cha tôi, nhìn thấy tấm ảnh, tôi vừa đưa cho anh xem, treo trên đầu giường của tôi thì tình cảm cha con, vừa mới chớm nở trong ông và cũng như trong tôi, lại tan vỡ. Ông buộc tôi lấy tấm ảnh đó đốt đi vì ông không muốn thấy gương mặt của những tên bám chân Đế Quốc Mỹ. Tôi không tuân lệnh thì ông bảo tôi có ý phản động, phản đường lối chỉ đạo của Đảng và Nhà Nước; ông luôn nhìn tôi với đôi mắt kẻ thù; không những thế, ông còn bắt mẹ con tôi phải luôn làm việc, dù có đau ốm, không làm được việc nặng thì cũng phải làm việc nhẹ - vì có lao động thì mới có vinh quang, ông nói.”
Nàng ngừng lại giây lát để lấy ly nước thấm giọng rồi nói tiếp,
“Có lẽ anh cũng có một thời gian sống với những người CS sau 30/4; họ thường tỏ ra ta đây, phách lối, họ luôn nghĩ rằng họ, người miền Bắc, là kẻ chiến thắng và ta, người miền Nam, là kẻ chiến bại; kẻ chiến bại phải tuân phục kẻ chiến thắng; trong gia đình tôi cũng có hai lực đối kháng này: kẻ thắng, ông cha CS của tôi - người bại, mẹ con tôi. Trên nói dưới không nghe, có nghĩa là ông ra lệnh mà chúng tôi không thi hành, làm ông thất vọng, buồn chán dẫn đến căn bệnh suy tim khiến ông chết vào năm 2000. Và cũng trong năm đó, tôi lại nhận được lá thư của con tôi, sau 25 năm xa cách; đúng là sau cơn mưa trời lại sáng, có tin vui trong giờ tuyệt vọng; anh có muốn coi lá thư của nó không?
Diệp thấy đây cũng là cơ hội để chàng biết thêm đời sống của nàng từ năm 2000 đến nay, nên vui vẻ đáp,
“Nếu sẵn có, chị cho xem thì vinh hạnh quá.”
Riêu-Bông chạy vào phòng ngủ mang ra bức thư.
California, ngày… tháng … năm ….,
Thưa mẹ,
Con là con 25 năm về trước của mẹ đây; hôm nay là ngày đầu tiên con biết điều này vì 25 năm qua không ai nói cho con biết. Và cũng vì với sự chăn sóc dạy dỗ đầy yêu thương của cô ba, con cứ ngỡ cô ba là mẹ của con chứ không ai khác. Con không trách cô ba, hay nội bỡi chính những người này có công cưu mang con từ tấm bé, và cho con ăn học đến thành tài như ngày hôm nay!
Con báo tin mừng cho mẹ là con đã tốt nghiệp Đại học, chuyên ngành y tá điều dưỡng; và cũng được một bệnh viện ở Tiểu bang Colorado thu dụng; có lẽ vào mùa Xuân tới, năm 2001, con sẽ đi về Colorado nhận công việc. Và thêm một tin mừng cho mẹ nữa là hiện thời con cũng đã có người yêu, anh ta tuy là người Mỹ nhưng rất yêu thương con. Chúng con đợi ổn định nơi ở thì sẽ cưới nhau.
Cô ba đã kể cho con nghe tất cả những sự tình của mẹ con mình trước 30/4/75, khiến con khóc suốt mấy đêm; cô ba cũng có lời xin lỗi về những việc làm của cô và nội trước đây; cô đã nhờ con chuyển lời xin lỗi này đến mẹ. Con hứa con sẽ làm và đồng thời cũng nói cám ơn cô đã tiết lộ nguồn gốc của con. Con nói với cô, tuy cuộc đời mẹ lắm đau buồn nhưng tin chắc rằng mẹ sẽ không lưu tâm những gì thuộc về quá khứ, vì quá khứ chẳng qua là kỷ niệm phải không cô? Cô cười, đồng ý với con và đã dẫn con đến một luật sư để được hướng dẫn viết đơn điều chỉnh giấy khai sinh mà trước đây cô ba đã làm cho con, chuẩn bị việc bảo lãnh mẹ qua Mỹ đoàn tụ với con; bây giờ con và cô ba đang đợi ngày ra tòa để làm việc ấy. Tuy tiến trình bảo lãnh có hơi rườm rà rắc rối bỡi việc điều chỉnh giấy khai sinh này, nhưng cũng không có gì bế tắc đâu mẹ. Mẹ cứ an tâm, mẹ con mình sẽ gặp nhau một ngày không xa, nếu mẹ đồng ý để con bảo lãnh.
Vài giòng tạo sợi dây liên lạc với mẹ, và cũng là vài giòng trao đổi tin tức về con. Con kính chúc mẹ khỏe mạnh.
Con của mẹ,
Kimberly Trần.
Tái bút: Trên đây là lời dịch của cô ba từ lá thư tiếng Anh con viết.
Đọc những lời Kimberly viết gửi cho nàng, niềm hưng phấn trong tâm hồn chàng được nâng cao lên đôi chút vì những ray rức từ lâu tạm lắng dịu; chàng ngước mặt nhìn nàng với một nụ cười thật tươi, và bỗng dưng đưa tay ra cầm lấy tay nàng; cùng với lời nói “Chúc mừng chị!”
Riêu-Bông không phản ứng gì, vẫn để bàn tay nàng trong tay chàng trong giây phút rồi từ từ cất tiếng nói,
“Cám ơn anh cho sự chia sẻ những khó khăn của tôi trong ngày hôm nay.”
“Không có chi, chị đừng quan tâm về việc ấy; chúng ta là những người đồng hương với nhau mà!” Chàng nói.
Thế rồi cả hai cùng ngồi im lặng; một lúc sau Diệp cất tiếng nói,
“Theo lá thư của con chị, việc làm giấy tờ bảo lãnh khởi đi từ năm 2000; thế tại sao chị mới đến nơi đây chỉ có hai năm?”
“Chỉ vì tôi còn có mẹ, tôi không nỡ bỏ mẹ ra đi!” Riêu-Bông nhanh nhẹn đáp.
Diệp định hỏi thêm vài vấn đề khác, nhưng chiếc “cell phone” trong túi chàng reo; chàng biết Tú đã đến, vội đứng dậy xin phép ra về và trước khi đi, chàng không quên xin số điện thoại của nàng để khi cần có thể liên lạc.