Chợp mắt được mười lăm phút tôi tỉnh dậy ngay. Đi du lịch thì phải nhìn, phải thưởng thức chứ không
thì thật là phí phạm tiền bạc với thời gian, tôi tự nhủ lòng như vậy nên ráng thức dậy để nhìn ngắm
hai bên đường.
Xe lửa chạy êm ái quá. Tôi nhớ khi còn ở ga Annemasse
một người thanh niên Pháp khi biết tôi đi xe lửa
lần đầu bảo rằng ông ngồi trên xe sẽ có cảm giác như ngồi trên phi cơ phản lực quả không sai. Tôi
chăm chú nhìn sang hai bên đường thấy quang cảnh thật sạch sẽ và gọn gàng như trong những bức tranh.
Xe đi xuyên qua những rừng cây thấp rồi chạy song song theo một con sông nhỏ.
Nước ở đây xanh lơ, xanh hệt như màu mắt cô con gái Pháp. Màu xanh của nước, màu xanh của cỏ
cây, màu vàng đất của đồng lúa đã gặt xong điểm lơ thơ những căn nhà bên rừng lá hay dưới sườn đồi
thật đúng là một cảnh đồng quê mà tôi hằng mơ ước.
Tâm hồn tôi như hòa vào cảnh vật nên thời gian đi nhanh. Xe tiến vào ngoại thành Paris và
không còn bao lâu nữa sẽ dừng lại ga Lyon, tôi sẽ không sợ lạc vì đó là ca cuối. Tôi lấy phone ra
để gọi người đón mình nhưng cũng như khi ở Annemasse,
một tràng tiếng Pháp đã xổ ra khi tôi chưa kịp nói
gì. Tôi buồn rầu tắt phone đi và hỏi thăm người thanh niên ngồi bên cạnh đường đến khách sạn nằm
trong quận 13 là quận có đông cơ sở thương mại của người Việt Nam.
Hình ảnh nông thôn nước Pháp chụp từ khung cửa xe lửa tốc hành.
Tôi lo lắng khi anh chàng này cứ ngớ ra khi tôi nói tiếng Anh. Hay tại giọng nói của mình hay quá
nên anh ta không hiểu. Tôi cố gắng nói một lần nữa, bắt chước giọng Mỹ mà anh ta cứ lắc đầu quầy
quậy. Thôi chết tôi rồi. Hỏi thăm ai bây giờ.
Đang bối rối nhìn quanh, chẳng kịp lấy hành lý thì một người thanh niên khác, ăn mặc khá
lịch sự đến gần bên tôi và hỏi bằng tiếng Anh.
Ông cần tôi giúp gì không?
Tôi mừng quá gật đầu mấy lần, miệng nói
please liên tục. Rồi tôi đưa địa chỉ cho anh ta coi. Coi
xong người thanh niên gật đầu làm cho tôi yên tâm hơn.
Trước hết anh bảo tôi đi theo anh ta xuống xe và cẩn thận với chiếc ví của mình vì rất dễ bị
móc túi ở một chỗ đông người. Tôi đeo chiếc backpack
có
laptop trên vai rồi kéo theo va li đựng quần áo, sờ lại
túi quần rồi bước xuống.
Trời ơi tôi không thể tưởng được ga Lyon đông người đến cỡ này.
Người ta phải chen sát vai nhau mà bước. Cũng may là anh thanh niên Pháp nhanh nhẹn đi lên phía
trước rồi đứng lại chờ tôi. Chúng tôi đi xuống hai tầng lầu thì đến cửa ga đối diện con đường có đầy
xe bus. Anh ta bảo tôi.
- Ở đây là bến xe bus. Tôi có thể chỉ ông đi xe bus để ngắm cảnh Paris nhưng dễ bị lạc lắm, vì
phải đổi xe. Tốt hơn hết ông nên đi subway, dễ dàng hơn.
Tôi chỉ biết gật đầu đồng ý. Hai người lại xuống một tầng hầm nữa, đây là trạm subway của ga Lyon. Người thanh niên dẫn tôi đến một bản
đồ lớn chằng chịt những đường xe với màu sắc khác nhau rồi chỉ lên bản đồ bảo tôi.
- Chúng ta đang ở đây, nơi ông đến là chỗ này. Trước hết ông phải lấy xe số 14 theo chiều
hướng về Olympiates. Tới trạm đầu tiên là Bercy ông xuống, đổi qua xe số 6 hướng về Charles De Gaulle E’toile và xuống ở Place D’Italie. Đây là ngã năm, từ đó ông sẽ kiếm ra đường
Choisy. Khách sạn Le Barron ở đó.
Ở Dallas chưa có Subway, nhưng tôi lên New York mấy lần và thường dùng subway di chuyển nên không bỡ
ngỡ lắm, vả lại người thanh niên này chỉ quá rõ ràng. Anh ta còn tặng tôi một vé xe để tôi khỏi phải
xếp hàng mua ở quầy. Tôi cố gắng trả lại tiền nhưng anh nhất định không nhận nên tôi đành chỉ biết
cảm ơn.
Mười lăm phút sau bước ra khỏi đường hầm đặt chân lên Place D’Italie, tôi đã nhìn ra đường Choisy và thong thả ngồi xuống một chiếc ghế ven bùng
binh ( Round point) và lấy thuốc lá ra tự thưởng cho mình một điếu. Bây giờ tôi mới bình tâm để
sung sướng nghĩ rằng mình đang đứng trong lòng Paris, thủ đô của ánh sáng, của những mối tình lãng
mạng vào bậc nhất trên đời mà suốt một thời đi học tôi từng mơ ưóc được đặt chân đến nơi này.
Hoàng hôn đang xuống nhưng trời chưa tối hẳn. Tôi đi dưới tàn cây hai bên đường, lẫn vào những khách
bộ hành, tự nhiên như một Parisien, nhưng phải khá lâu mới tìm thấy khách sạn Le Barron. Sau này khi đã quen đường tôi mới nghiệm ra rằng
nếu mình xuống Place de Choisy thì không phải đi bộ xa như thế.
Đây cà phê của người Paris, xin mời các bạn
Đến nơi, người bạn mừng quá và trách rằng tôi không mở phone để người ta phải lo lắng, tưởng đâu tôi đã lạc rồi. Khi biết
rằng tôi một thân một mình dẫn xác tới đây người bạn càng không tin hơn nữa. Xách vali lên tôi được
biết mình ở chung phòng với một ông nhà văn có bút hiệu, nói theo kiểu Việt Cộng bây giờ là khá
ấn tượng. Tên ông ta là Duy An Đông, tác giả cuốn tiểu thuyết Đời cô Thủy. Chẳng biết Đời cô Thủy có chị em gì với Đời cô Lựu
mà cô đào thoại kịch Kim Cuơng thường diễn hay không. Ông này là nhà văn từ Mỹ qua chính thức tham
dự đại hội Thu tao ngộ, nhằm giới thiệu các văn thi sĩ Việt Nam ở Hoa Kỳ và
ra mắt độc giả Paris một cuốn sách có tựa đề: Món ăn theo
bước chân di tản, do các văn nghệ sĩ này viết chung .
Vốn là dân nhà binh, tôi dùng chiến thuật du kích, dấu mình trước một biển người đẹp mà lại tài hoa,
bằng cách dặn đi dặn lại người bạn rằng đừng nói cho họ biết về tôi, nhất là đừng khoe tôi là tác
giả cái cuốn sách mà ai đứng đắn đàng hoàng, thấy nhan đề cũng bĩu môi khinh bỉ. Đừng để cho địch
biết ta dễ quậy hơn. Tôi định bụng rằng cứ gặp bà nào cô nào là khen rối rít về những cuốn sách của
họ là ăn chắc. Nịnh đầm vốn là nghề của mấy ông sinh viên sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị. Bài học của
bà Alice Kiều Oanh dạy năm xưa mà bây giờ không đem ra áp dụng thì còn đợi đến bao giờ.
Sau khi tắm rửa xong, chúng tôi cùng nhau ra đường xuống phố. Đêm xuống ở quận 13 thành phố Paris
nồng nàn, quyến rũ lạ thường. Tôi hân hạnh được gặp và đi chung với các nhà văn, thơ nữ từ Hoa kỳ
sang như các chị Ngọc Dung ở VA, Mặc Giao, Ngọc An ở CA. Lưu Hồng Phúc ở Dallas, Chu kim Oanh ở
Arizona và một lô các nàng Thu như Phong Thu ở VA, Tiểu Thu ở Canada và Mây Thu ở Paris. Phía đàn
ông chỉ có tôi, nhà văn Duy an Đông và anh Đoàn phú Lập, phu quân của nhà báo Chu kim Oanh. Người
hướng dẫn đêm nay là Thi Như, cựu tiếp viên hàng không Việt Nam đã ở Paris ba mươi lăm năm rồi.
Chị Thi Như hướng dẫn phái đoàn đi rong chơi Paris ban đêm
Trời đêm se lạnh, hương đêm ngọt ngào như mật ong. Chúng tôi mười mấy người vừa bước đi vừa
cười nói vui đùa.
Đặc điểm ở Paris là có những nhà vệ sinh công cộng hình bầu dục ở bên lề đường. Người nào muốn đi
phải bỏ tiền vào máy cửa mới mở ra được. Nhưng cũng có đôi khi máy bị hỏng, bỏ tiền vào mất luôn mà
việc cần giải quyết vẫn còn nguyên trong bụng. Chúng tôi giăng hàng ngang chụp hình làm cho mấy
người du khách khác thấy lạ. Họ tưởng chúng tôi không biết đó là restroom.
Thấy quán hàng nào chúng tôi cũng dừng lại. Vào trong những quán nhỏ mua hàng, các chị vừa trả giá
vừa chọc ghẹo chủ quán. Đám chúng tôi có muời mấy bà hiệp lực lại chẳng sợ một ai. Tôi lấy máy hình
ra chụp mái tóc đuôi gà của Thi Như. Chụp lén thôi, không ngờ mấy chị khác la lên tố cáo. Tôi tái
mặt tưởng đâu phen này là chết chắc, nhưng Thy Như đã không giận mà còn nghiêng mình làm duyên cho
chụp thêm một tấm nữa. Oh my God.
Chúng tôi đi qua các dãy phố đêm rộn ràng đầy người qua lại. Các quán bên đường dường như mới bắt
đầu sinh hoạt. Người ta ngồi lan ra khắp các con đường hẻm. Tôi không biết đây là khu nào. Nhà cửa
san sát, những con đường chật hẹp lót bằng gạch đá càng đi càng lên cao. Tuy thế cả khu phố đêm bừng
bừng sức sống.
Paris, các khu phố ban đêm bừng lên sức sống
Đến một quán nhạc người ta hát hò, bắc ghế ngồi chật cả góc đường. Một người nghệ sĩ cầm Tây ban Cầm
hát một bản tình ca bằng tiếng Pháp. Tôi đoán là tình ca vì nghe êm dịu và tha thiết chứ có hiểu gì
đâu. Gặp đoàn chúng tôi người nghệ sĩ đưa tay chào đón. Thi Như nói nhỏ với anh ta vài lời. Anh
ta im lặng dạo lại tiếng đàn rồi bắt đầu hát bản Việt Nam, Việt Nam của Phạm Duy. Chúng tôi cùng vỗ
tay và vui vẻ hát theo. Những người trong quán cũng vỗ tay. Không khí sống động hẳn lên. Mấy chị
ôm nhau cùng nhảy. Ô, tôi không ngờ ban đêm Paris vui nhộn đến thế này.
Hát xong ai có tiền thì cho người nghệ sĩ vì anh ta hát để kiếm sống hàng ngày.
Chúng tôi cứ nối tiếp di chuyển từ gian hàng này đến gian hàng khác. Múa hát, rươu bia và thuốc lá
không thể thiếu trong những quán ven đường phố nhỏ Paris.
Mọi người cùng vỗ tay, nhảy múa và hát bài Việt Nam, Việt Nam
Đến gần nửa đêm thì đi đã quá xa. Thi Như đưa ra ý kiến nên về lại khách sạn bằng xe bus. Ở Paris
ai cũng có thẻ đi xe hàng tháng. Riêng chúng tôi không có nên phải mua vé. May mắn, Thi Như lên
trước, nói gì đó với người tài xế thế là anh ta gật đầu bằng lòng cho cả bọn lên, khỏi cà thẻ, khỏi
mua vé, đỡ phải tốn tiền.
Đêm hôm đó về khách sạn tôi nằm ngủ với mười mấy giấc mơ khác biệt hoàn toàn.
Sáng hôm sau dù rất muốn ngủ thêm, chúng tôi cũng phải thức dậy sớm vì huớng dẫn viên đã có mặt ở
văn phòng khách sạn, sẵn sàng đưa chúng tôi đi thăm những thắng cảnh nổi tiếng của Paris.
Paris, thủ đô nằm ở phiá bắc của nước Pháp, được xây dựng hai bên bờ sông Seine, ngay hợp lưu của
sông Seine và sông Mame. Mật độ dân số vào hàng cao nhất trong các thủ đô của châu Âu. Từ thế kỷ thứ
10 Paris đã là một trong những thành phố chính của Pháp với các cung điện hoàng gia, các tu viện và
nhà thờ. Đây cũng là nơi diễn ra cuộc cách mạng nổi tiếng 1789 của Pháp kéo theo các sự kiện lịch sử
quan trọng của châu Âu. Paris cũng là một trong những trung tâm văn hóa lớn của thế giới, thủ đô của
nghệ thuật và giải trí của mọi người
Paris có gì lạ không em. Mai anh về giữa bến sông Seine ( Thơ Nguyên Sa)
Người Việt ở Pháp khoảng độ 300.000 người. Không thấy có khu phố Việt Nam như ở Mỹ nhưng có rất
nhiều tiệm ăn Việt Nam ở khu phố Tàu thuộc quận 13. Có một giáo xứ công giáo ở quận 17 và vài ngôi
chùa ở ngoại ô như chùa Khánh Anh và Trúc Lâm Thiền Viện.
Paris có quá nhiều nơi để chúng ta tìm đến nhưng vì giới hạn bởi thời gian chúng tôi chỉ được hướng
dẫn đến một số nơi nổi tiếng. Người hướng dẫn nhóm chúng tôi hôm nay là giáo sư Nguyễn ngọc Chân và
nơi chúng tôi đến đầu tiên là Khải Hoàn Môn nằm trên đại lộ danh tiếng nhất thề giới: Champ Élysées.
Khải Hoàn môn là một trong những biểu tượng lịch sử nổi tiếng của nước Pháp nằm trên điểm cuối cùng
trên đại lộ Champ Élysées. Kích thước gần như hình vuông với chiều rộng 45 mét và chiều cao 50 mét
nằm trên quãng trường có đường kính 240 mét là công trình điêu khắc lớn nhất của Pháp trong thế kỷ
19. Đây là khu vực tập trung đông đảo khách du lich nhất vì đến Paris không thể không đi dọc theo
đai lộ Champs Élysées.
Khải hoàn môn được hoàng đế Napoléon
xây vào năm 1806 sau chiến thắng Austerlitz để vinh danh chiến thắng của quân đội, do kiến
trúc sư Jean-Francois-Thérèse thiết kế, nhưng chỉ được hoàn thành vào năm 1836.
Ngày nay có bảy con đường họp lại thành quãng trường
Étoile.
Chúng tôi mua vé để đi subway. Khoảng 13 Euro cho 10 vé tàu. Cứ mỗi lần xuống và lên khỏi mặt đất
là tốn hết một vé. Hướng dẫn viên khỏi lo chuyện này vì ông có vé đi lại cả năm trên bất cứ tuyến
đường nào.
Chui ra khỏi đường hầm lên đại lô Champs Élysées. chúng tôi đã thấy một khối lượng lớn du khách qua
lại.
Khải hoàn Môn Paris với rất nhiều người qua lại ngày đêm
Giáo sư Chân dừng lại, giảng giải cho chúng tôi nghe về đời sống diễn ra hàng ngày quanh đây. Nghe
thì nhiều song nhớ lại chẳng bao nhiêu vì tôi cứ chú ý đến muôn người qua lại, nhất là các cô gái
Pháp và sinh hoạt nhộn nhịp bên lề đại lộ. Nếu bạn có tiền bạn có thể mua vé để leo lên hành lang
cao tít trên Khải Hoàn Môn mà nhìn quanh một vùng Paris rộng lớn. Chúng tôi không có nhiều tiền và
cũng không có thì giờ để sắp hàng nên chỉ đứng xa nhìn ngắm cái vĩ đại của người xưa rồi cùng nhau
đi dọc theo đai lộ Champs Élysées.
Một cô gái nhỏ chừng mười lăm, muời sáu rất xinh , ăn mặc theo kiểu Hồi giáo chận tôi lại và hỏi tôi
có biết nói tiếng Anh không. Tôi vui vẻ ưỡn ngực gật đầu thì cô liền đưa cho tôi một tấm giấy bìa
dầy viết đại khái rằng mẹ cô đang nằm bệnh viện và gia đình cô không có tiền ăn, xin được giúp đỡ.
Tôi ngạc nhiên nhưng không ngần ngại móc ra hai Euro đưa cho cô bé. Sau tiếng cảm ơn ngắn ngủi cô
lẫn vào đám đông mất hút. Giáo sư Chân đến bảo tôi là từ nay đừng cho như thế vì sau đó sẽ có nhiều
người đến làm phiền mình. Quả nhiên một lúc sau một đám người toàn là bà già và con nít tới bao
quanh tôi và ông Chân. Thật là một bài học đích đáng cho cái tội thấy con gái là sáng ngay mắt, cái
gì cũng gật. Chúng tôi phải nhắm mắt lại bước đi sau nhiều lần nói không liên tục.
Ra khỏi đám đông giáo sư Chân nói thêm là những ngưới ăn mày Hồi giáo được một tổ chức xã hội đen
đưa từ các nước theo đạo Hồi nghèo đói tới đây huấn luyện cho họ ăn xin, được bao nhiêu cũng phải
nạp cho tổ chức và họ chỉ phát lương đủ sống hàng ngày. Tôi bắt đầu chú ý thấy suốt dọc con đường
những người xin ăn với nhiều kiểu cách trình bày khác nhau đầy dẫy trên con phố. Họ không làm ra
vẻ quá bi thảm như ở Việt Nam nhưng số lượng chắc là không kém.
Đại lộ Champs Élysées là đại lộ lớn và nổi tiếng của Paris, nối liền hai quảng trường Concorde và
Étoile, nơi quần tụ tất cả các thương hiệu nổi tiếng trên
thế giới với nhiều cửa hàng, quán cà phê và rạp chiếu phim. Hãng xưởng nào, công ty nào cũng muốn
có một mảnh đất cắm dùi ở đây để cho thế giới biết tên nên giá đất đai và sinh hoạt ở đây khỏi phải
nói về khoản đắt đỏ. Hai bên đại lộ trồng cây xanh được lát bằng gạch vuông nhỏ, cứ đi một quãng lại
có ghế để cho du khách ngồi nghỉ chân. Đây là nơi các người làm ăn lợi dụng để kiếm tiền. Có một
người mặc quần áo Ai Cập xa xưa thời các Pharaon cai trị ngồi sẵn. Ai muốn chụp ảnh cũng được, nhưng
nhớ rằng sau khi chụp xong phải bỏ tiền vào chiếc thau gần đó. Không thiếu những nghệ sĩ vỉa hè đờn
ca hát xướng giúp vui nhưng cũng đừng quên những chiếc thau chờ tiền đặt ngay bên cạnh.
Bạn muốn ngồi bên cạnh chụp hình cứ tự nhiên, nhưng nhớ đừng quên bỏ tiền vào chiếc giỏ mây này
Chúng tôi đi qua những gian hàng lừng danh, những toà nhà cổ kính mà tôi không còn nhớ là nhà hát
hay toà quốc hội Pháp và hướng đến công trường Concorde.
Quảng trường Concorde là nơi nổi tiếng nhất của Paris, nằm ở đầu phía đông đại lộ Champs Élysées,
ngay bên bờ sông Seine được khởi công xây dựng năm 1748 đặt một bức tượng của vua Louis 14 cưỡi
ngựa, để chào mừng nhà vua hồi phục sau cơn bạo bệnh. Đầu tiên quảng trường được gọi là Quảng trường Louis 14. Quảng trường có hình bát giác.
Quảng trường Concorde, nơi hành hình vua Louis 16 và hoàng hậu Marie Antoinette sau cách mạng 1789.
Nơi đây đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện bi thảm. Đầu tiên là 133 người chết ngạt do cuộc bắn pháo
bông mừng đám cưới hoàng tử Louis 16 và công chúa Marie Antoinette. Khi cuộc cách mạng 1789 bùng nổ máy chém đã được
đặt tại nơi đây và đôi tình nhân vương giả này đã chấm dứt cuộc đời trên máy chém. Đây là địa điểm
đẫm máu nhất trong lich sử cách mạng Pháp. Có tất cả 1119 người bị xử tử tại quảng trường này
trong cuộc cách mạng. Khi ấy tượng vua Louis 14 bị kéo xuống và người ta lại đặt tên là Quảng trường Cách mạng. Năm 1826, vương quyền trở lại trên chính trường,
quảng trường lại đổi tên thành Quảng trường Louis 16
, cuối cùng năm 1830 lại một lần nữa đổi tên thành
quảng trường Concorde cho đến ngày nay.
Nhìn từ xa tôi thấy một cột đá giống như cây tháp bút ở Wasington DC nhưng nhỏ hơn. Giáo sư Chân bảo
rằng cây tháp đó là nguyên một cột đá chứ không phải là ngọn tháp được lắp ghép bằng nhiều tảng đá
chồng chất lên nhau.
Cột đá đó có tên là Obélisque là một trong hai chiếc cột đá của đền Luxor Ai Cập mà phó vương Mahammad Ali tặng cho Dân Pháp năm 1831. Cột có 3300 năm tuổi,
chiều cao 22.86 mét nặng 227 tấn được tạc nguyên từ khối đá syenite hồng. Bốn mặt tháp được tạc những hình tượng thể
hiện sự vinh quang của pharaon Ramesses Ai Cập. Cột được đặt trên một bệ đài cao 9 mét và
chóp mạ vàng trên đỉnh có chiều cao 3.5 mét.
Đại lộ Champs Élysées với hai hàng cây xanh, cuối cùng là ngọn tháp của quảng trường Concorde
Chúng tôi tới gần cột đá để chứng kiến tận mắt một vùng đất trải qua bao nhiêu bi hùng trong lich sử
Pháp. Có hai đài phun nưóc tại quảng trường. Đài phía bắc mang tên: Đài phun nước của các giòng sông tượng trưng cho hai con sông lớn Rhin và Rhône. (La fontaine des fleuves). Đài thứ hai nằm ở phía
nam mang tên : Đài phun nước của các đại dương ( La fontaine des Mers) tượng trưng cho biển Địa
Trung Hải và Đại Tây dương.
Cột đá của quảng trường Concorde và đài phun nước phía bắc
Cả đoàn người thi nhau chụp ảnh, tôi muốn nhân đây ghi lại hình ảnh của mình trên một vùng
đất có lắm oan khiên.
Chiều dần xuống. Gió vi vu thổi, lạnh lùng đâu đây như tiếng của những oan hồn xưa cũ. Bao nhiêu
triều đại hưng phế qua rồi. Từ vương triều xa hoa lộng lẫy đến Cách Mạng sắt máu bạo tàn để đến hôm
nay nền Cộng Hòa mang lại cho người dân Pháp tự do dân chủ. Tôi nhớ đến quê hương Việt Nam xưa cũng
có nền Cộng Hòa non trẻ, chưa lớn đã bị người ta bóp nghẹt để con dân trong cuộc sống lưu vong,
lang thang khắp năm châu bốn biển. Đi và nghĩ chỉ thấy những nỗi buồn.
Đài phun nước phía nam
Quảng trường Concorde là địa điểm mọi người dừng chân lâu nhất. Ai cũng muốn thu lại hình ảnh mảnh
đất mà một thời xưa khi còn đi học đã mường tượng ra biết bao nhiêu biến cố. Tôi nhìn quanh. Nơi nào
ngày xưa người ta đã lê máy chém. Nơi nào nàng công chúa yêu kiều Marie Antoinette gục xuống để
chịu khổ hình. Thời gian đã xóa đi tất cả để hôm nay quãng trường Concorde là niềm tự hòa của người
dân Pháp. Họ đã cho chúng ta một bài học: Hoa tự do
phải tưới bằng máu mới trường tồn.
Cột đá Obélisque của phó vương Muhammad Ali tặng cho nước Pháp năm 1831
Rời Concorde, chúng tôi lại tiếp tục đi tới một nhà thờ cũ xây từ thế kỷ 14 có tên là Saint Germain des Pres. Vào trong nhà thờ nhìn những bức tranh đã trải qua
hằng bao thế kỷ nhưng màu sắc vẫn còn tươi rói như mới vẽ hôm qua mới thầm phục cái bí quyết gìn giữ
màu sắc của người xưa.
Nhà thờ Saint Germain des Pres được xây từ thế kỷ 14
Đi bộ như thế, đến giờ này ai cũng đói lắm rồi. Chúng tôi mời giáo sư Chân và chị Mây Thu vào một
quán ăn. Cả bọn đồng ý vơí nhau là trả tiền theo lối Mỹ, nghĩa là chia đều cho tất cả trừ hai
hướng dẫn viên.
Lần đầu tiên tôi bước vào một quán ăn sang trọng ở trên một đại lộ danh tiếng của Paris. Giáo sư
Chân và chị Mây Thu hướng dẫn chúng tôi gọi thực đơn bằng tiếng Pháp nhưng điều này xem ra hơi thừa.
Du khách vào quán ăn nào cứ việc nói tiếng Anh vì tất cả nhân viên trong nhà hàng đều biết.
Bữa ăn ở Pháp thật cầu kỳ. Người ta dọn ra rượu khai vị để thực khách uống cho mau đói rồi mới dọn
thực đơn sau. Muỗng nĩa lỉnh kỉnh mà đồ ăn thì khiêm nhường vì chúng tôi sợ tốn tiền không dám kêu
nhiều thứ. Tôi ăn mà không thấy ngon lành gì, có lẽ vì tôi chọn thức ăn rẻ nhất. Ăn uống xong, tính
ra chia đều, mọi người đều phải trả 55 Euro, tương đương với khoảng chừng tám mươi đô la Mỹ. Nghỉ
ngơi một chút chúng tôi lại tiếp tục đi.