Với sự khuyến khích của bạn Đỗ Nguyên Thiện, Dưới Trời Âu
Mùa Thu được viết để góp vui với các bạn trước khi ta hội ngộ 40 năm. Cảm ơn các bạn đã theo
dõi bước chân của tôi.
***
Tôi được đi vòng quanh Âu châu vào mùa thu năm nay là một chuyện tình cờ không chủ định. Khi cô
con gái út vừa tốt nghiệp xong, cháu lại chọn nơi làm việc ở một nơi hẻo lành miền đông nước Pháp.
Thương con và không muốn cháu phải lo lắng một mình trong những ngày đầu tiên, tôi quyết định đi
theo cháu để chia xẻ một phần nào khó khăn trong những bước đường đời. Vả lại, đến Âu châu từ lâu
đối với tôi vẫn là niềm mơ ước từ khi vừa mới lớn mà không có điều kiện. Nay tôi có cơ hội sao lại
có thể bỏ qua. Được đặt chân đến để xem sứ sở của
Monsieur Vincent mà tôi chỉ biết đến trong những trang sách ngày
xưa.
Du lịch Âu Châu. Các bạn sẵn sàng chưa. Ba lô lên vai ta cùng
đi. Hình chụp tại phi trường Barcelona. Tây ban Nha
Theo như dự định, hai bố con tôi sẽ bay một chặng dài từ Dallas để tới Amsterdam, thủ đô của xứ Hoà
Lan. Nơi đây tôi sẽ được nghỉ vài tiếng trước khi chuyển tiếp máy bay tới Geneve, Thụy Sĩ. Từ Thụy
Sĩ chúng tôi sẽ đi xe để vượt biên giới sang Annemasse, một tỉnh lỵ nhỏ của miền đông nước Pháp.
Cháu Thảo Nguyên sẽ làm việc tại nơi đèo heo hút gió này.
Mong ngóng ngày đi và sự trông chờ nơi đến cũng làm tôi hồi hộp. Dù sẽ chẳng có ai đứng đợi ở cửa
lối ra và bao nhiêu nỗi âu lo nơi xứ lạ cũng không làm mất cảm giác ngây ngất đầu tiên của tôi khi
đặt chân đến Âu châu. Mặc cho cả đêm ngủ chẳng yên giấc trên máy bay cũng không làm tôi mệt nhọc.
Phi cơ giảm dần cao độ vào một buổi sáng tinh mơ đưa tôi đến trời Âu. Có một chút gì xao xuyến, bâng
khuâng trước con người và cảnh vật khi nhìn qua khung cửa kính đầy nắng ban mai của phi trường
Amsterdam.
Tôi vẫn nghe rằng Hoà Lan là xứ của ngàn hoa tulip, loại hoa mà ngày xưa Thương của tôi vẫn thích.
Sao bây giờ tôi chẳng thấy màu sắc gì ngoài vạt đất mênh mông bụi đỏ và một vài hàng cây thưa thớt
màu xanh. Hay là đất nơi đây thấp hơn mặt biển nên ít có những cây lớn như tôi từng được nhìn nơi xứ
Mỹ.
Nhưng khi ra khỏi máy bay bước vào bên trong phi trường thì sự nhộn nhịp, tươi vui làm cảm giác của
tôi khác hẳn. Mọi thứ nơi đây đều được sắp xếp gọn gàng và con người cũng cao ráo gọn gàng đẹp đẽ
như tính tình nồng hậu của họ. Các cô gái, những chàng trai làm việc trong phi trường đều tươi cười
thân thiện. Họ luôn luôn hỏi han và giúp đỡ nếu thấy hành khách lung túng trong bất cứ vấn đề gì với
hai thứ tiếng Pháp và Anh rất nhuần nhuyễn. Đi bên con gái, tôi chợt thấy có một chút gì tiếc nuối
nhớ nhung. Phải rồi, tôi lại chợt nhớ đến người bạn đời của tôi. Phải chi có Thuơng ở bên cạnh
cha con tôi, trong những phút giây tươi vui này thì hạnh phúc biết bao nhiêu. Ngày xưa, chúng tôi
vẫn thường mơ ước có một ngày bên nhau đi khắp thế gian. Nhưng nay, ngày ấy không bao giờ đến nữa.
Đây Hòa Lan, xứ sở của các cối xay gió mang nước ra biển,
của hoa tulip (uất kim cương) muôn màu và các cô gái chân dài xinh đẹp làm cho trái tim ta như
muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.(Hình từ Internet)
Hai bố con ngồi đợi ở phi trường để làm thủ tục nhập cảnh dù rằng với Pasport của Mỹ, tôi không phải
xin Visa để vào châu Âu như các nước khác. Giã từ Hòa Lan, thêm hai tiếng bay nữa chúng tôi đến được
Geneve, Thuỵ sĩ. Với thành phố này, không một người Việt Nam nào ở độ tuổi tôi lại vô tình không
biết vì nó là chứng nhân của một hiệp định phân ly nước tôi thành hai miền Nam Bắc năm 1954, mở đầu
cho một cuôc chiến tranh huynh đệ tương tàn hai mươi mốt năm, để lại biết bao nhiêu hệ lụy đau
thương cho mọi người dân Việt. Thú thực, không hiểu tại sao mà tôi không có một chút cảm tình gì với
thành phố này. Khi lòng đã không ưa thì nhìn cảnh vật cũng thờ ơ ảm đạm. Geneve, tôi nhìn ra cửa
kính của phi trường bắt gặp những con đường nhỏ bé, những căn nhà cũ kỹ những sườn đồi loang lổ làm
xám thêm một buổi trưa mùa thu với những đám mây đen, làm buồn lo thêm trong lòng người lữ khách, đi
mà chưa biết về đâu.
Nhưng thật may, lúc đó cháu Thảo Nguyên mới bảo tôi sẽ có một người bà con bạn cháu ở Dallas ra đón
và chỉ vẽ cho lối qua biên giới tới khách sạn của tỉnh Annemasse. Tôi trách con không nói làm bố lo
lắng mấy hôm rày. Cháu trả lời rằng cho đến giờ phút này nó mới biết chắc có nguời ra đón. Chúng
tôi đặt hành lý lên chiếc xe đẩy ra ngoài chờ đợi. Khá lâu sau, ông bà Dumont, cư dân ở thành phố
Geneve ra đón. Chị Dung, người miền Nam vợ bác sĩ Dumont, sang du học ở Thụy Sĩ đã hơn bốn mươi
năm trước khi miền Nam mất về tay Cộng sản. Tuy cũng là bác sĩ như chồng, nhưng chị có những cử
chỉ rất bình dị và thân ái khiến tôi có cảm tưởng được nói chuyện với một bà chị Nam bộ, Bến Tre
nào ngày trước.
Hồ Geneve, nằm trong thành phố Geneve mà bất cứ người
Việt nào cũng biết vì đó là nơi ký hiệp định chia đôi đất nước Việt nam
Chúng tôi được chở về nhà ở ngoại thành phố Geneve để dùng bữa trưa trước khi về Annemasse. Xe
chạy vào trung tâm thành phố, cảnh vật tươi màu thêm một chút. Có lẽ sự đón tiếp vui vẻ của chị
Dung làm lòng tôi phấn khởi hơn nhất là khi xe chạy lướt qua bờ hồ nước thật xanh trong. Tôi được
biết thành phố Genève nổi tiếng về sự đắt đỏ vì cư dân ở đây đều là những người giàu có, lương
bổng rất cao. Chừng hai mươi phút sau xe đậu trước một căn biệt thự khá xinh. Nhà chị Dung có một
lầu, một basement, rộng chừng hơn 2000sf, dĩ nhiên là cũ mà giá tới khoảng hai triệu rưỡi USD. Thú
thực tôi có một chút hiểu biết và hay tìm hiểu về tình hình địa ốc ở Dallas cũng không thể tưởng
tượng được nhà cửa ở đây lại đắt đỏ đến dường này.
Tôi đi một vòng quanh khu vườn nhà chị Dung thich thú thấy được một vườn rau Việt Nam, thật hiếm với
xứ này. Có đủ loại rau thơm, cà chua bầu bí do chính tay chị vun trồng. Sau này tôi mới biết
thêm là người Việt Nam tại Âu châu thường ở trong những căn chung cư, chứ ít ai có nhà riêng để có
mảnh vườn như chị.
Khoảng bốn mươi phút sau chúng tôi được mời ngồi vào bàn ăn. Hôm nay chị Dung nấu cho chúng tôi ăn
bún riêu nhưng lại có giò heo. Chị hỏi tôi có ăn giò heo không chứ mấy đứa con và ông chồng Thụy Sĩ
của chị không thích món này. Dĩ nhiên là tôi rất thích. Bún riêu được múc vào những tô lớn, đặt
trên những đĩa to, cộng thêm muỗng nĩa và rưọu khai vị rất long trọng. Ở Âu châu mọi người thường
ăn uống trịnh trọng như vậy. Chuyện này làm tôi nhớ đến một anh bạn tù ngày trước đi du học ở Âu
châu về. Anh ấy vót mấy thanh tre làm muỗng và nĩa để ăn ba lát mỳ khô trong trại giam ngày xưa.
Người Thụy sĩ nói hai thứ tiếng Đức và Pháp. Tôi chẳng biết tiếng Đức, tiếng Pháp gì ngoài câu hỏi
Parlez vous Anglais
dạo đầu nên dùng tiếng Anh để nói chuyện với chồng chị Dung, một người đàn ông chắc lớn hơn tôi vài
tuổi, trầm lặng và lịch sự nhưng xử sự rất thân tình. Thú thực, tuy chưa ăn gì nhưng tôi không thấy
đói bụng lắm, ăn theo phép lịch sự cho xong bữa và phải để ý đến cung cách bên ngoài quá nhiều vì
sợ bị chê là thô lỗ.
Nghỉ trưa tại nhà chị Dung vài tiếng chúng tôi được vợ chồng chị chở về Annemasse, tới khách sạn mà
cháu Thảo Nguyên đã đặt sẵn khi còn ở Dallas. Theo dự trù là hai bố con sẽ đi tìm thuê ngay một căn
Appartment để tránh phải ở nhiều ngày ở Khách sạn. Nhưng lúc này trời đã về chiều, chúng tôi không
có thời giờ nhiều ngoài việc mua được hai thẻ điện thoại và tìm được một quán ăn trong cửa hàng
Giant gần đó. Đây là một siêu thị gần giống như Walmart ở Mỹ, bán đủ mọi thứ đồ gia dụng và có
những tiệm Fast Food, giá cũng không mắc lắm. Tuy nói là không mắc là chỉ so với Âu châu thôi chứ
tính ra tiền Mỹ thì rất là mệt óc vì thời giá bây giờ một Euro của châu Âu bằng 1.485 USD. Thành
thử cái gì rẻ nhất cũng đắt gấp rưỡi.
Thành phố Annemasse mùa thu
Hôm sau là thứ bảy, hai bố con lội bộ từ sáng đến chiều khắp thành phố Annemasse, vừa để tham quan
cuộc sống vừa tìm thuê một căn phòng cho Thảo Nguyên, mới biết rằng ngày thứ bảy ở nước Pháp người
ta không làm việc. Ngoài những cơ sỏ thương mại ra, tất cả các dịch vụ khác đều đóng cửa hay chỉ mở
từng phần theo nhu cầu. Điện thoại cầm tay mà bên Pháp gọi là Portable rất đắt. Có lẽ đắt hơn cả ở
Việt Nam. Gọi liên lạc với nhau trong nước là 0.50 Euro/phút. Còn gọi ra nước ngoài thì tùy theo
nước. Gọi về Mỹ là 1Euro/phút. Tôi ớn quá tính dùng computer để gọi vì tôi có download program
Skype, có thể gọi ra ngoài nhưng ngặt nỗi khách sạn tôi ở thuộc loại bình dân, nên không có đường
dây internet. Muốn có phải trả tiền 5 Euro trong vài giờ. Như thế tính ra cũng quá đắt.
Một góc chung cư tại thành phố Annemasse mùa thu, nơi
Thảo Nguyên cư ngụ
Thành phố Annemasse nhỏ nhưng xinh xắn. Đó là ý nghĩ ban dầu của tôi khi thường thấy những căn nhà
rất cũ, có thể hằng trăm năm nhưng lại đầy màu hoa chung quanh. Các cô gái Pháp, đa số là mảnh mai
và dễ thương chứ không mập tròn như ở Mỹ, có lẽ tại họ đi bộ quá nhiều. Ở đây người ta ít dùng xe
hơi, đa số đi xe Bus nên thường phải lội bộ hơi nhiều để tới trạm hoặc đổi xe. Thành phố sát ngay
biên giời Thuy Sĩ nên cũng là vùng núi non, lên dốc xuống khe nên trông lạ mắt. Có lẽ vì tôi ở
Texas, vùng đất bằng phẳng nhìn cái gì cũng cứ đều đều nên bây giờ thấy một chút nhấp nhô đã thấy
rộn rã trong lòng.
Đặc điểm của các căn nhà ở các tỉnh nhỏ nước Pháp là Hoa nở
khắp mọi nơi
Chúng tôi bước vào một văn phòng Tourist, may quá, sắp đóng cửa vì ngày thứ bảy họ chỉ mở tới 12
giờ. Thảo Nguyên hỏi xin bản đồ và tin tức thêm về các văn phòng địa ốc. Một cô gái Á đông tiếp
chuyện chúng tôi - dĩ nhiên là bằng tiếng Pháp - Tôi chỉ biết đứng nhìn vì có hiểu gì đâu. Trời
vào thu nên hơi lạnh. Cô gái ăn mặc thật giản dị mà sao tôi thấy có vẻ gì rất hài hoà và đẹp quá.
Tôi không nói tới nhan sắc mà chỉ chú ý đến cách phục sức bên ngoài. Từ màu sắc của chiếc khăn
quàng cột rất xinh trên ngực với cái áo Tshirt, và chiếc áo len mỏng trễ xuống để nâng cao phần
ngực, sao mà nó rất hợp với chiếc quần jean hơi chật để lộ cả thân hình dễ thương mà chắc thưong
thì không .. dễ. Cô có một vẻ gì quyến rũ rất Âu châu. Hai mươi lăm năm rổi nhìn cách phục sức lè
phè của dân Mỹ đã quen, nay được nhìn các cô gái Pháp ăn mặc hợp thời trang, hỏi lòng tôi sao không
hồi hộp rộn ràng.
Muốn thuê nhà chúng tôi phải có ngay tiền mặt để trả tiền đặt cọc, tiền tháng đầu tiên. Tôi đã biết
ngay chuyện đó, vả lại cũng có ý định đi chơi nên chuẩn bị một số tiền khá lớn. Đáng lẽ tôi phải
đổi ngay ở Mỹ nhưng nghe người ta nói sang Paris đổi cho mấy thằng Tàu có giá hơn (Ôi lại nghe người
ta nói) nên bây giờ kẹt cứng. Ôm mấy ngàn đô la tôi đi lang thang hết nhà băng này đến nhà băng
khác chẳng đổi được tiền. Dân Âu châu chê tiền dollar nên xua tôi đi, muốn đổi thì qua vùng biên
giới có thể đổi ở các nhà Duane. Ở đây họ chỉ đổi tiền Thụy sĩ lấy Euro mà thôi. Mẹ ơi, không
biết đường mà cha con tôi cũng cố gắng mò mẫm coi trong bản đồ cầm tay lôi bộ sang biên giới. Tới
nơi mới biết rằng thứ bảy chúng nó không làm việc. Không có cô con gái bên cạnh thì tôi đã chửi thề
cho sướng miệng.
Mất hết cả ngày thứ bảy mà không được công chuyện gì. Ngày mai chúa nhật chắc chắn là không hy
vọng. Tình huống này chắc chắn tôi phải ở khách sạn thêm rất nhiều ngày. Cháu Thảo Nguyên, đúng là
con gái Mỹ chẳng lo lắng gì. Cháu hỏi tôi có đi Geneve chơi cho biết hay không nhưng nỗi buồn lo về
tìm một chỗ ở không làm tôi còn hứng thú. Tôi bảo cháu không thể đi đâu nếu chưa có một chỗ ở chắc
chắn để làm tan đi nỗi lo lắng phải tốn tiền thêm. Nó không nói gì, chỉ nhún vai chê tôi sao "kẹo”
quá. Đi loanh quanh một hồi bố con chúng tôi
về lại Downtown mà sau này Phạm cô Giao giảng cho tôi nghe ở Pháp
thường gọi là Hotel de ville. Giờ này nhà bank đã đóng cửa vì người ta chỉ làm
việc vài tiếng vào sáng thứ bảy mà thôi. Có vài người đang đứng nơi máy đổi tiền. Cháu Thảo Nguyên
bước tới và reo lên là với thẻ Visa của Bank of America, tôi có thể rút tiền ở đây được. Dĩ nhiên là Euro
chứ không phải Dollars. Mừng quá tôi đợi đến luợt mình, đưa thẻ vào máy mà lòng hồi hộp như đang
phỏng vấn việc làm đợi chờ phán quyết của ông chủ xem có nhận hay không.
Một lúc sau máy mới cho dữ kiện, tôi chỉ được rút 300 Euro cho mỗi ngày. Ba trăm Euro làm sao đủ
khi tôi cần ngay 1200 Euro để thuê nhà. Ngày mai có rút thêm thì cũng chỉ có sáu trăm. Đang lúc
suy nghĩ đến nát óc ra tôi mới nhận ra rằng mình còn một cái thẻ khác của Bank of America làm ở
California nữa. Tôi lập tức cho thẻ vào. Ba trăm Euro khác chạy ra ngay. Cái thẻ này lý ra tôi
phải cancel khi làm thêm thẻ mới nhưng vì cái tật lè phè nên
tôi quên mất, thế mà nó lại giúp tôi trong lúc ngặt nghèo này. Đến mai tôi lại chịu khó ra đây rút
một lần nữa là đủ tiền thuê nhà cho Thảo Nguyên.
Đến ngày thứ hai dân Pháp làm việc, nhưng thật không dễ dàng để thuê một căn phòng như chúng tôi
tưởng lúc còn ở Mỹ. Bố con lại lê chân khắp thị trấn nộp đơn hết chỗ này sang chỗ nọ nhưng ai cũng
bảo chờ. Trước khi đi tôi đã gọi hai thằng bạn đang ở Pháp là Phạm Cô Giao và Nguyễn Hiền Trung để
nó cố vấn cho một số vấn đề, Trung đã cảnh báo cho tôi biết những khó khăn sẽ gặp nhưng tôi nghĩ nó
chỉ hù cho tôi ớn chơi nên không care lắm. Bây giờ mới biết có tiền chưa chắc làm gì
cũng được.
Thuê một căn phòng, người đi mướn phải trả tiền cho nhân viên địa ốc. Khác hẳn với Mỹ là người chủ
nhà phải trả. Lại nữa nếu không có người bảo đảm thì phải đóng luôn số tiền trong thời gian mình ở
mà không được trả lại nếu nửa chừng mình bị cho thôi việc hoặc có bất cứ lý do hợp lệ nào khác. Giá
cả cũng không rẻ gì. Một căn phòng chiều ngang ba thước, dài khoảng 7 thước, chỉ đủ kê một chiếc
giường giá là 585 Euro/tháng. Đây là giá tại tỉnh Annemasse chứ ở Paris chắc đắt gấp hai.
Tôi đành cầu cứu hai thằng bạn nhờ nó bảo đảm cho dù rằng hôm mới tới khi gọi thăm hai đứa có nói
cần gì cứ gọi tao, tôi đã hùng hồn tuyên bố rằng an tâm đi tao sẽ lo được. Tội nghiệp nhất là chị
Trung cứ bắt thằng bạn tôi lái xe từ Lyon lên Annemasse để chở hai bố con ông ấy về đây, khi nào
thuê được nhà hãy về làm việc. Tôi cảm ơn nhưng không muốn về Lyon vì thấy mình còn lo được. Chỉ hứa
với chúng nó rằng khi nào xong công chuyện sẽ có một ngày mò tới thăm chúng nó.
Ngay trong những lúc gay go nhất thì lại thấy ánh sáng nơi cuối đường hầm. Sau cả tiếng đồng hồ điện
thoại lui tới Thảo Nguyên cho biết: Sở giáo dục mà cháu làm việc sẽ can thiệp với sở Xã hội ở đây
để cháu có thể thuê được một căn phòng rộng rãi với giá phải chăng. Tốt hơn nữa là cháu sẽ được trợ
cấp thêm để trả một nửa tiền nhà từ tháng thứ hai trở đi nhưng phải đợi gần một tuần sau mới có nhà
vì người ta phải chuẩn bị để làm sách sẽ và sơn phết lại. Đây cũng là một điều may mắn vì ngày mai,
thứ tư cháu Thảo Nguyên phải đi về tỉnh Grenoble để training công việc trong ba ngày. Sau đó cháu sẽ gặp bạn
bè từ Mỹ sang ở thêm vài ngày nữa.
Còn tôi, hy vọng thuê được chỗ ở làm tôi cũng vui lên. Lại một điều may nữa là cũng vào dịp này có
một số người ở Paris tổ chức buổi họp mặt Thu Hội Ngộ
ngay tại kinh thành ánh sáng Paris cho mấy ông bà
văn, thi sĩ từ Mỹ sang. Tôi có nguời bạn cũng là dân viết lách được mời trong buổi hội ngộ này, rủ
rê tôi phiêu lưu lên Paris cho biết. Người bạn quảng cáo rằng ban tổ chức sẽ thuê dùm khách sạn và
nhất là có người dẫn phái đoàn đi thăm vòng quanh khắp Paris xinh đẹp. Nếu tôi muốn đi ké thì bạn tôi sẽ giữ chỗ cho, nhưng phải đóng tiền
khách sạn trước để được giá phải chăng. Tôi nghe bùi tai nên bằng lòng ngay không một chút đắn đo.
Sau đó nghĩ lại tôi rất phân vân vì biết rất nhiều khó khăn. Làm sao tôi phiêu lưu lên Paris một
mình mà không có cô con gái làm thông dịch cho. Tiếng Pháp thì không rành, đi xe hay tàu từ
Annemasse lên Paris phải đổi bao nhiêu chặng đường mà vốn liếng thì chỉ có một cái địa chỉ khách sạn
cộng với một số phone, với lới hứa hẹn là tới ga sẽ có người ra đón. Để cho chắc ăn tôi gọi người
đón trước làm quen xem anh ta sẽ đón tôi ở chỗ nào, tôi nên đi đứng ra làm sao. Lấy phone tay ra
gọi, đầu dây bên kia reng mãi mới có tiếng người đàn bà trả lời. Tôi hỏi tên người sẽ đón tôi nhưng
bà ta nói liền một tràng tiếng Pháp tôi chẳng hiểu gì. Tôi lỳ mặt nhắc lại một lần nữa bằng tiếng
Anh, lại một tràng tiếng Pháp nữa xổ ra. Tôi nản quá đành cúp máy định rằng gọi về Mỹ nói với người
bạn tôi không đi nữa.
Xui cho tôi khi gọi về Mỹ thì người bạn tôi đã ra tới phi trường để bay sang Pháp. Như thế là bạn
tôi sẽ cứ đinh ninh rằng tôi sẽ có mặt ở Paris vì đã đóng trước tiền khách sạn cho tôi. Đi hay ở
bây giờ với tôi là câu hỏi lớn. Suy nghĩ mãi thêm nhức cả đầu, hôm sau tôi quyết định cứ liều đi,
tới đâu thì tới. Ngày xưa người ta có câu ông vua cũng thua thằng liều. Không liều lĩnh sao làm
được việc. Đời tôi cũng đã nhiều lần liều lĩnh. Cũng lắm lần may mắn với cái liều của mình mà làm
được chuyện. Vả lại đi chơi chứ làm vương tướng gì. Có lạc mới có khôn.
Nhưng còn một chuyện khó khăn nữa là làm sao gửi được bốn cái vali to mà hai bố con tôi khiêng từ
Dallas qua đây. Tôi vì cái tật hà tiện nên bắt con mang theo đủ thứ để đỡ phải mua. Chẳng lẽ giữ
phòng khách sạn mỗi ngày 75 Euro chỉ để bốn cái vali thì đau quá. Mà gửi ai bây giờ đây. Sẳn Giao
gọi thăm tôi than thở nó lại bảo mày lên Paris làm cái giống gì ở trển. Nhà cửa không lo mà lo đi
chơi. Lại một màn phân trần tả oán, Giao nghe xong bảo tôi là nhà ga có chỗ cho gửi đồ. Hai bố con
chạy lên hỏi ngay nhưng ngưòi ta không nhận. Tôi nản quá đâm cáu kỉnh quyết định không đi nữa, ở
lại khách sạn một mình.
Thảo Nguyên rất muốn tôi đi Paris trong thời gian cháu training ở Grenoble nên gọi điện thoại cho
ấy người bạn tới trước để gửi. May mắn quá có một đứa nhận lời. Càng may mắn hơn là nhà của người
bạn Thảo Nguyên lại cùng trên đường tớí ga Annemasse. Như thế thì tiện cả đôi bề.
Hai bố con hì hục kéo bốn cái vali to tới nhà cô bạn rồi vui vẻ ra nhà ga Annemasse mua ba tấm vé.
Một cho Thảo nguyên đi Grenoble, hai cho tôi đi Paris vì tôi phải đổi xe ở tỉnh Bellgarde. Cháu còn
cẩn thận viết những câu tiếng Pháp thông dụng để cho tôi vừa đi vừa học. Tôi vác balô lên xe trong
lòng rộn rã vì sắp được đi xuyên nước Pháp, không một chút gì lo lắng nữa. Đi chơi chứ có đi hành
quân như ngày xưa đâu mà sợ. Tôi lên tàu, chọn một chỗ ngồi bên cửa sổ để được nhìn cảnh vật miền
quê nước Pháp rõ ràng hơn.
Tàu lửa chạy nhanh và êm ái như ngồi trên máy bay và cảnh vật miền quê xanh tươi quá. Tôi được nghe
mấy thằng bạn dọa rằng sang Pháp, thăm Paris chỉ đạp nhằm cứt chó chứ chẳng có gì. Chưa tới Paris
tôi chưa dám nói. Nhưng miền quê nưóc Pháp quả đẹp và gọn gàng hơn hẳn quê hương tôi.
Một làng quê miền trung nước Pháp
Những mái nhà cổ kính nấp sau lùm cây đủ các màu hoa. Những lâu đài ẩn hiện trên những ngọn đồi hay
sau vách đá cheo leo. Pháp là xứ sở của những lâu đài nổi tiếng mà tình cơ tôi đã được đi thăm sau
này.
Dọc theo đường xe lửa là những cánh đồng xanh bát ngát. Tuy không thể sánh với ruộng đồng của Mỹ
nhưng màu xanh ở đây cũng đủ bao la để tầm mắt tôi mất hút. Những con sông xanh lơ quanh co uốn
khúc gợi tình. Tôi chợt khám phá ra con sông nào của nưóc Pháp mà tôi đi qua hôm nay nước cũng
trong xanh quá. Thảo nào làm cho cô gái Pháp nồng nàn hơn trong tình yêu. Bao nhiêu thiên tình sử
mà ngày xưa tôi mê say, theo tháng năm đã rơi rụng hết thì nay lại lần luợt trở về.
Mùa thu trên một con đường quê nước Pháp
Mải ngắm cảnh say sưa, chút nữa tôi quên mất phải xuống ở ga Bellgarde nếu không có anh chàng ngồi
bên nhắc nhở. Tôi cũng nghiệm ra rằng nếu tôi hỏi bằng tiếng Anh thì ai cũng vui vẻ trả lời dù họ
chỉ biết chút ít, không như nghe người ta đồn rằng dân Pháp rất kỳ thị, dù biết tiếng Anh cũng không
muốn nói chuyện với mình. Sở dĩ anh chàng bên cạnh nhắc tôi là vì khi lên xe, tôi đã làm quen, hỏi
thăm và nhờ anh nhắc khi nào đến Bellgarde. Anh ta không biết nói nhiều nhưng cũng hiểu, rất vui
vẻ bằng lòng.
Một dãy phố miền quê nước Pháp
Dân Pháp, dân Âu châu nói chung hút thuốc lá rất nhiều. Nhất là con gái cô nào cũng cặp điếu thuốc
trên tay phun khói liên tục. Họ hút bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Quán ăn ngoài trời, trong nhà,
trên ga trên tàu xe lửa tôi không thấy bẳng cấm hút thuốc bao giờ. Thảo nào dân Việt sang đây
chuyên nghề bán thuốc lá cũng giàu to. Nhìn họ hút mình đâm thèm lây. Ngặt một điều cô con gái tôi
kiểm soát dữ quá tôi đành nhượng bộ. Bây giờ đi có một mình tôi liền kiếm ngay một gói Pallmall
thủ sẵn trong túi ở ga Bellgarde.
Mua thuốc xong tôi vào trong ga hỏi đường đi Paris. Tôi cứ tiếng Anh nói đại và nhân viên xe lửa
cũng cứ tiếng Anh mà trả lời. Gặp người gỉỏi thi lẹ làng mau chóng, gặp người biết chút chút thi
lâu thêm một chút, đôi khi cũng phải dùng tay quơ đại. Sign language vốn là ngôn ngữ đầu tiên của
loài người.
Tôi theo sau một chị Pháp vừa đi vừa hút thuốc. Quen nhau vì chị xin lửa của tôi. Chiếc hộp quẹt
mới mua đã giúp ngay được chủ. Quen để hỏi thăm đường thôi chứ trông chị cũng khá chán. Được cái
là chị vui vẻ nói chuyện huyên thuyên bằng tiếng Anh rành rọt hơn cả dân Mỹ là tôi đây. Ngày xưa
chị đã ở New York, gặp tôi, có con gái học ở New York lên thăm được vài lần nên nói phét rằng mình
cũng là dân New York, thành thử hai người đứng chờ tàu nói không hết chuyện. Tàu Paris đến, thiên
hạ đua nhau ùa lên. Tôi dành được hai chỗ ngồi, để cái ba lô lên định bụng rằng để dành chỗ cho chị
nhưng liếc dọc liếc ngang chẳng thấy chị đâu. Mới nói chuyện vui vẻ đó bây giờ biến mất tiêu. Tôi
chẳng tiếc nữa vì còn lâu mới đến Paris. Trong vé đã ghi rõ ràng, tàu sẽ đến ga Lyon đèn vàng của
ông Cung trầm Tưởng. Ga này là một trong những ga chính của Paris mang tên Lyon. Nó đã nằm trong
dòng nhạc trữ tình miền Nam (mà bây giờ mấy anh Việt Cộng hát ké) mấy mươi năm rồi. Đừng lầm với
nhà ga ở tỉnh Lyon mà hai ông bạn tôi trú ngụ. Ít nhất là ba tiếng nữa mới tới Paris. Tôi có quyền
thiếp đi một chút vì cả đêm qua lo lắng quá không ngủ được. Xem tiếp Kỳ 2: Ngày Đầu Tiên Trên Đất Paris