Nói đến chuyện đi Mỹ là cả một thiên tình sử đầy máu và nước mắt
của người Việt Nam. Một Dân tộc sống trên bán đảo Đông dương có bản đồ hình cong chữ S thuộc vùng
Đông nam châu Á.
Vào những ngày cuối tháng Tư 1975, khi lệnh buông súng đầu hàng của Tổng Thống ba ngày Dương văn
Minh công bố thì mạch sống ở miền Nam Việt nam như ngưng đọng, trái tim đã ngừng đập. Nỗi sợ hãi
bao trùm trên từng khuôn mặt những người còn lại
“thấy ai người cũ chẳng nhìn làm chi!!”.
Kể từ ngày 30/04/1975, Cộng sản miền Bắc chính thức vào làm chủ vùng đất phía Nam khi Chính phủ Hoa
Kỳ vì quyền lợi của họ thật sự bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa. Đồng minh, một người bạn đã từng chiến đấu
với Mỹ để bảo vệ lý tưởng Tự Do, ngăn chận làn sóng Cộng Sản.
Tại miền Nam Việt nam tất cả binh lính, viên chức chính quyền cũ Việt Nam Cộng Hòa đều phải trình
diện học tập cải tạo. Theo sau là lệnh trục xuất những thành phần có liên hệ với chế độ Sàigon phải
ra khỏi thành phố về những vùng xa, sâu, nước độc, khẩn hoang lập ấp mà sinh sống (đi kinh tế mới)
để những chủ nhân ông từ miền bắc vào cai quản các đô thị miền Nam.
Hàng trăm trại tập trung được dựng lên giam giữ hàng trăm ngàn cán bộ, viên chức cũ không một bản
án, lao động cực nhọc, ăn uống thiếu thốn, tật bệnh không thuốc men, số lượng lớn người không chịu
nổi đã gục ngã, hy sinh. Trường hợp tại trại Tổng Binh thuộc Quân khu 5 Tù Binh, địa bàn giáp ranh
hai tỉnh Phú Yên và Gia Rai thời gian từ 01/04/1975 đến giữa tháng 06/1975 đã có trên 200 anh em
chết tức tưởi vì sốt rét. Số tù còn lại 100% bệnh tật kể cả Y Bác sĩ đều phải chống gậy mà bốc thuốc.
Bệnh duy nhất gây ra là sốt rét ác tính gây chết người; từ khi phát bệnh đến lúc trút hơi thở không
quá 10 tiếng đồng hồ. Vợ con tù nhân lên thăm nuôi, nhiều người chỉ cần uống một ly nước suối trong
vắt xung quanh khu vực trại giam là có thể xa lìa chồng con.
Khoảng 1977-78, nhiều nguồn tin từ thân nhân đưa vào trong tù: Cộng Sản kinh tế kiệt quệ có thể sẽ
đổi lấy số lớn tù binh đưa đi Mỹ hay cô lập tại một vùng nào đó trong nước lao động, sản xuất
“làm việc theo yêu cầu do Mỹ trả lương”
!!. Cộng thêm những tin tức về Kampuchia: Khờme đỏ và Việt nam đánh nhau. Trung Quốc có thể xua quân
sang dạy cho Việt nam một bài học …
Nếu đây là sự thật! Chúng tôi ở trong tình thế lưỡng nan phải làm gì để có thể tồn tại? Qua thăm dò
bạn bè cùng chí hướng chúng tôi sẽ mạnh dạn đăng ký, dù rất là nguy hiểm nếu Cộng sản cho gài bẩy
nhưng với số lượng lớn khó cho chúng tiêu diệt. Trong tù, có thành phần bị mua chuộc làm ăng-ten
khai báo lập công thì cũng rất khó cho chúng tôi. Cái chết hàng ngày cộng với nỗi bất an thường trực
luôn luôn đe dọa sự sống của mình. May mà sự việc đã không xảy ra suốt thời gian còn ở trong tù.
Ngày được thả ra, về trình diện tại địa phương. Tôi còn chịu sự quản chế 02 năm. Giấy ra tù giao
nộp cho chính quyền cấp Huyện cất giữ. Mọi sinh họat đi đứng đều phải khai báo. Hàng tháng phải làm
bản tường trình có chữ ký. Sau gần ba năm tôi cũng đòi hỏi xóa được lệnh quản chế nầy qua một cuộc
họp công khai kể tội trước dân may mà bà con thương mến yêu cầu xóa bỏ bản án.
Năm 1987, tôi lại nhận được giấy mời về Công an Huyện làm việc, ghi chú bên dưới có nhân viên tiếp
đón. Đây là một hiện tượng lạ. Hôm đó tôi gặp mặt Trưởng Phòng Công an gần hai tiềng đồng hồ. Ông
mời tôi hút thuốc cán (có đót). Trên tay ông là một bản lý lịch trích ngang gồm từ 10 đến 15 người
tù cải tạo. Nội dung chính là việc đi Mỹ. Ông hỏi tôi về việc sinh họat từ ngày ra khỏi trại. Phê
bình tôi chưa tích cực khai báo người vượt biển, sẽ nhận một số tài liệu Cách mạng về làm việc, gởi
thư báo cáo hàng tháng …. Tất cả các sự việc nêu trên tôi đều từ chối chỉ nhận việc gửi thư nhưng
khi nào tôi phát hiện được vấn đề gì. Sau cùng ông ôn tồn bảo tôi:
“Được sự chấp thuận của chính phủ ta và phía Mỹ. Những người học tập cải tạo như anh được đăng ký.
Vậy Anh có đi Mỹ không?"
Thật quá ngạc nhiên về việc nói trên, sợ bị công an gạt gẫm, không thận trọng có khi lại phải vào
tù. Thời gian nầy chưa có tin tức báo chí nào đề cập tới chương trình nầy. Do đó để trả lời về việc
đăng ký thì tôi xin làm theo ý Đảng:
“Đảng bảo ở tôi ở, đảng bảo đi tôi đi, nếu sau này có người đăng ký thì tôi xin cũng được làm như
họ”
Trong chuyến mời về Huyện hôm đó có một Đại úy ngành An ninh Tình báo còn tôi thuộc Chiến tranh
Chính Trị Dalat. Khi gặp một số anh em tôi thông báo việc lên danh sách nói trên để anh em chuẩn bị
tinh thần. Sau cuộc gặp gỡ này phía Công an họ thấy không kết quả nên vào những năm 1989, 90 họ bắt
đầu đi đến từng nhà thông báo, mời gọi hay gạ gẫm cho người có diện đi Mỹ.
Qua tìm hiểu, chương trình đi Mỹ diện H.O bắt nguồn từ Hôi nghị Thái bình dương năm 1987, Tổng bí
thư Đảng Cộng sản Việt nam Nguyễn văn Linh có bắn tiếng nếu phía Mỹ đồng ý nhận những người lính
của chế độ miền Nam trước đây thì Việt Nam sẵn sàng cho họ ra đi. Thêm với sự vận động của những
người Việt nam tỵ nạn tại Hoa kỳ với chính giới Mỹ. Chính phủ Hoa Kỳ cũng muốn lấy lại danh dự của
mình đã bị hoen ố bởi cuộc chiến tranh Việt nam kết thúc năm 1975. Ban đầu phía Mỹ yêu cầu chỉ nhận
những người ở tù từ 05 năm trở lên vì bị Việt nam bạc đãi, nhưng phía Việt nam cho rằng như thế là
bất công, phân biệt. Phía Mỹ bảo:
“Nếu anh đồng ý thì tôi sẵn sàng nhận tất cả binh lính và viên chức chính quyền VNCH trước
1975".
Việt Nam nghĩ như thế là mình bán dân để lấy tiền nên không đồng ý. Sau cùng Mỹ nêu lên mức thấp
nhất 03 năm không thiếu một ngày là thành phần bị bạc đãi đã được Việt Nam chấp thuận; bởi trước đó
Thủ Tướng Cộng sản Phạm văn Đồng đã từng tuyên bố với thế giới: “Sau ba năm không còn một người nào ở trong Trại
Cải-tạo”
Một Hiệp Định được ký kết giữa chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Ngọai Giao Mỹ George P. Schultz năm
1988 và bắt đầu thi hành từ 1990. Nội dung Hiệp Định dành cho những người trước đây bị giam giữ tại
các Trại Cải Tạo ít nhất là 3 năm. Họ là những người tỵ nạn và cần sự giúp đỡ để tái định cư tại Hoa
Kỳ. Chương trình nầy gọi là H.O viết tắt từ chữ “Humanitarian Operation” (Chiến Dịch Nhân
Đạo). Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh thế giới, một Hiệp Định được ký kết giữa một nước thua
trận và bên phe thắng trận để giải quyết những chiến binh trong chiến tranh bằng con đường ra đi tỵ
nạn theo quy chế Liên Hiệp quốc.
Việc thực hiện chương trình H.O cũng lắm nhiêu khê.
Tại mỗi tỉnh Công an mở một Phòng Quản Lý Xuất Nhập Cảnh dành cho những ai đủ tiêu chuẩn đi Mỹ đăng
ký. Hồ sơ xuất cảnh gồm: bản lý lich cá nhân, hộ khẩu, khai sinh, hôn thú. Quan trọng nhất là
giấy ra trại cải tạo mà tất cả đã bị chính quyền thu giữ từ khi mới trở về trình diện địa
phương. Những người lập hồ sơ khi liên lạc chính quyền xin lại giấy ra trại, phần lớn đã bị thất lạc
(không có lý do!) vì không có người chịu trách nhiệm. Chính giấy ra trại đã làm cản trở việc ra đi
không biết bao nhiêu người! Nếu mất đi chỉ còn tìm các nơi lưu trử hồ sơ hay các trại cải tạo có thủ
tục đầu tiên nó hiệu qủa như thế nào!!! Nhiều khi có giấy trong tay rồi khi vào sơ vấn họ còn yêu
cầu phải xác minh. Muốn được xuất cảnh người xin đi cũng phải ký Hợp Đồng với một Dịch Vụ trung
gian do Công An đảm trách. Khẩu hiệu:
“Ai đăng ký trước, đi trước, ai làm sau đi sau!”.
Thành ra việc được đi sớm hay muộn phần lớn quyết định do có tiền của hay không? Nhiều bạn ra thẳng
Hà Nội hợp đồng được chọn lựa những danh sách H.O sớm. Nhiều bạn đăng ký ở Tỉnh rồi không làm dịch
vụ gì cả cho đến khi chương trình chấm dứt cũng chưa rời được Việt Nam. Sau này có chương trình
“Tái Định Cư Nhân Đạo” được mở ra từ 25/06/2007, chấm dứt sau hai năm vẫn không giải quyết
hết vụ việc.
Một người bạn làm việc ở Thái Lan kể lại: Trong lần xét duyệt để thi hành Hiệp Định theo chương
trình H.O. Giám Đốc Chương trình ODP, trước đây là Cố vấn Trưởng một tỉnh lớn ở miền Trung. Khi nhìn
vào danh sách đầu tiên từ H.O 01 đến H.O 05, Ông hỏi Thứ trưởng Lê Mai chả lẽ một tỉnh lớn như BĐ.
hơn một triệu dân không có người nào đăng ký đi theo diện H.O?
Khi trở về Hà nội, Lê Mai báo cáo với chính quyền Trung Ương nên tỉnh nầy bị khiển trách. Tỉnh vội vã
lên ngay danh sách H.O 06 để có người ra đi; một số anh em may mắn vừa Hợp đồng đã nhận được Hộ
Chiếu và lên danh sách sớm. Tại miền Nam chỉ có 02 tỉnh là Đồng Nai (Biên Hòa cũ) và Gia Lai Darlac
(Kontum, Pleiku, Ban mê Thuột) được chính quyền tỉnh trực tiếp mang hồ sơ về Trung Ương nên tất cả
đều nhận Hộ chiếu rất sớm. Tại hai tỉnh nầy anh em đăng ký rất thoải mái được sự giúp đỡ tận tình
dầu sau nầy có sự đền ơn, đáp nghĩa hay thực hiện những chuyện giao kèo nào khác đó là chuyện phải
làm.
Với tôi, qua lần làm việc với Trưởng phòng Công an Huyện năm 1987, họ chẳng đá động gì đến việc nầy.
Đến tháng10/1989, tôi lập hồ sơ xin xuất cảnh tại tỉnh. Sau khi vay mượn đủ tiền bạc, tôi đã đi Đà
Nẵng Hợp Đồng với Trung Tâm Dịch Vụ Xuất Nhập cảnh ngày 01/06/1990 chi phí gần cả triệu bạc, tiền
nộp trước 2/3. Phần còn lại sẽ chi trả khi nhận kết quả 01/10/1990. Nội dung hợp đồng:
“Liên hệ xin cơ quan chức năng xét duyệt hồ sơ, nếu cho xuất cảnh
cấp hộ chiếu (passport). Xin lên danh sách chuyển Bộ ngọai giao Việt nam để trao phía
Mỹ”
Việc nhận Hộ Chiếu của tôi bị chậm trể. Cô Thịnh trưởng Phòng Dịch Vụ giải thích:
“Vì hồ sơ của anh ở tỉnh không chịu xét duyệt, tôi đã cử người về
làm việc, lần thứ hai mới giải quyết; trở ngại phía tỉnh chịu trách nhiệm với Trung
Ương”.
Mãi đến ngày 15/11/1990 tôi mới nhận và được lên danh sách H.O 21, định cư ở Hoa Kỳ. Số tiền 1/3 còn
lại theo hợp đồng, phía Dịch Vụ bị lỗi, nên tôi khỏi phải thanh tóan .
Từ khi nhận được thư mời của Sở Ngọai Vụ (cơ quan lo việc xuất cảnh) 184 bis, Nguyễn thị Minh Khai
Quận I Sàigon vào làm thủ tục phỏng vấn. Thư từ thường bị thất lạc hay địa phương tiêu hủy nên việc
ra đi cũng lắm khó khăn. Hồ sơ phỏng vấn được phái đòan nghiên cứu rất kỹ, hồ sơ nào có vấn đề khi
phỏng vấn thường gặp vị Trưởng đòan và ngày phỏng vấn chả khác nào thí sinh vào phòng thi, hồi họp
lo âu vì nó quan trọng cả một đời người vì tương lai cũng lắm chuyện đắng cay, chua xót. Có trường
hợp một Thiếu tá Cảnh Sát, khi làm việc có người bạn Quốc Gia Hành Chánh có gởi cho một số giấy tờ
khai sinh đã ký sẵn. Sau ngày đi tù về, con cái vì chiến tranh giấy tờ thất lạc ông tìm được xấp
giấy khai sinh của bạn cho. Anh điền tên con cái của mình để học hành sau nầy làm hồ sơ lo việc xuất
cảnh. Khi vào phỏng vấn, nhân viên phái đòan phụ trách gạn hỏi anh ta có gì không thành thật?. Người
chủ gia đình trả lời tất cả đều là sự thật. Cuối cùng nhân viên phỏng vấn đã từ chối gia đình nầy
sang Mỹ, nêu lý do: các giấy khai sinh các con anh không phải làm thời đó. Yêu cầu anh về xác minh
lại giấy khai sinh. Gia đình đã nhiều lần gởi thư qua Bangkok khiếu nại nhưng đều bị từ chối không
cho xuất cảnh.
Trải bao thủ tục rườm rà. Suốt thời gian hơn ba năm có lúc chúng tôi tưởng chừng như vô vọng. Trong
ngày ra đi trước khi từ giã những người thân yêu, lòng tôi không khỏi quặn đau bởi Mẹ già tôi còn ở
lại với người chị cả và hai đứa em gái.
Mẹ bảo tôi:
“Má biết con bịn rịn không bao giờ muốn con xa má. Con ở lại má chẳng yên lòng dầu má có mình con
là trai. Má lại không thể nhẫn tâm nhìn con khổ. Mà có cái khổ nào bằng khi má thấy người ta hành hạ
con mình !!!”
Mẹ ơi:
“Rời yêu thương nào đã thấy ai vui. Con bước đi mà nghe lòng nhỏ lệ". Đó là nỗi lòng của kẻ ra đi.
Trước giờ ra đi khi vào phòng cách ly vì không có tiền biếu xén cho người phụ trách. Cô nhân viên
bảo tôi anh còn tiền bạc gì nữa không ? Rồi bỏ mặc gia đình tôi bảo còn phải đợi xác minh việc gì đó
trong khi những người khác đều được giai quyết nhanh chóng. Sau cùng gần xế bóng, tôi được đưa qua
bộ phận kiểm tra hành lý. Một phụ nữ ra vẻ bà cán bộ bảo tôi lấy hộ chiếu ra kẹp 20 đô la bỏ trên
bàn. May mà tôi có bà con giúp đỡ một ít đổi được gần 100 đô. Trong khi chúng tôi con nhỏ lại mang
một ít hành lý thêm lại có người hối thúc tôi phải làm gấp vì trễ chuyến bay. Khi chúng tôi lên cầu
thang trên lầu thì một nhân viên IOM hỏi passport của tôi thì tôi trả lời nhân viên kiểm tra hành lý
cất giữ. Ông ta bảo phải tìm lấy lại passport, không có, không đi được. Tôi bèn gởi hành lý và vợ
con cho ông ta. Tôi quay lại chỗ cân hành lý thì mụ ta đã biến đâu mất, tôi bực tức la toáng lên có
người lấy tiền rồi bỏ mất passport của tôi, một nhân viên khác thấy vậy tìm hộ cho tôi. Anh ta kéo
hộc bàn ra may mà passport tôi còn nằm đó.Thật hú hồn.
Khi qua cửa khẩu, một sĩ quan công an cầm
passport vợ tôi lại bảo không phải người trên passport, ở trong tóc dài, ở ngoài lại tóc ngắn. Tôi
quá bất bình yêu cầu nhân viên IOM tới nhận dạng giúp. Mái tóc của vợ con tôi trước sau vẫn vậy. Vì
kiểm tra thiếu người trên chuyến bay, nhân viên IOM và nhân viên Hàng Không đã trở lại tìm gia đình
chúng tôi vì sự sách nhiễu của những nhân viên phi trường Tân Sơn Nhất. Đó là kỷ niệm khó quên của
ngày rời quê hương đất nước. Kẻ sau cùng của chuyến bay với 119 gia đình xuất cảnh đi Mỹ diện H.O.
Tôi đã đặt chân đến Seattle Washington 25/10/1993.