Thân tặng các
bạn Khóa NT 2/CTCT/Đà Lạt - NT2 Lê Như Phò
Vào Cuộc Chiến
1/ Đổ bộ tái chiếm đồn Tân Quy
Sáng ngày hôm sau, Thượng sĩ Dương (Thường vụ LĐ) đến gặp tôi nói LĐT cần gặp tôi tại phòng
hành quân. Tôi vừa tới cửa phòng họp, thì gặp Đại úy Long (Trưởng Ban 2 kiêm ĐĐT/ĐĐCHT,
Trung úy Vân (ĐĐT/ĐĐ1), và ông LĐT đang bước ra. Gặp tôi ông nói, “Trung úy Minh đang chờ
Thiếu úy ở bên trong.”
Thấy tôi bước vào, Trung úy Minh đứng dậy kéo ghế mời tôi ngồi rồi vào đề ngay, “Đêm hồi
hôm lúc VC pháo kích ta chính là lúc nó tiến đánh đồn Tân Quy và đồn Tân Quy đã bị VC tràn
ngập. CK/Trà-Ôn cho biết VC đã đốt cháy toàn bộ căn cứ này do đó hầu hết lính đồn trú và vợ
con của họ đều bị giết. CK ra lệnh cho LĐ ta phải tái chiếm vị trí này. Đại úy muốn nhân
đây cho Thiếu úy học hỏi cách điều quân tái chiếm của chúng ta. Đại úy LĐT, trên nguyên
tắc, đã đồng ý với phóng đồ hành quân do tôi vẽ ra. Đây Thiếu úy thử nhìn xem.”
Tôi đứng dậy nhìn vào phóng đồ HQ trên chiếc bàn nhỏ trước mặt Trung úy Minh, anh chỉ cho
tôi đâu là điểm xuất phát, đâu là tuyến xuất phát, đâu là tuyến tấn công, và đâu là mục
tiêu. Nhìn những nét vẽ xanh đỏ trên bản đồ tôi nể anh quá, nhất là lúc anh vạch cho tôi
thấy cách điều phối với các đơn vị yểm trợ. Vì là lần đầu tiên tôi chạm với thực tế chiến
trường nên cái gì cũng mới lạ đối với tôi, khiến tôi khó có thể góp ý kiến mà chỉ biết cất
tiếng ‘ừ..ừ..’ dấu hiệu của sự đồng ý.
Anh nói tiếp, “Tuy rằng Thiếu úy là ĐĐP/ĐĐCH hiện nay, nhưng trong cuộc hành quân tái chiếm
ngày mai, Thiếu úy không có nhiệm vụ gì ngoài việc theo tôi để học hỏi cách điều quân. Đại
úy đồng ý để một ‘tài lọt’ mang Ba-lô cho Thiếu úy, để Thiếu úy dễ dàng theo kịp đoàn
quân.” Ngừng một chút rồi anh lại nói tiếp, “Ngày mai lúc 3:00 giờ sáng, tàu Hải quân đến
đây đưa chúng ta đến Cù Lao Tân Quy, giáp ranh CK/Kế Sách/Sóc Trăng. Do đó phải mất 45 phút
tàu mới tới đó. Vỉ trí đổ bộ cách xa đồn Tân Quy cỡ 2 cây số, và nơi đó là tuyến xuất phát
của chúng ta. Theo tôi nghĩ, giờ này VC không dại gì bám lấy đồn Tân Quy mà đang chờ ta tại
con kinh ‘Cái Lập’ Do đó tuyến tấn công của chúng ta là 300 mét cách kinh ‘Cái lập’ thay vì
đồn Tân Quy. Thiếu úy có điều gì cần hỏi, cứ hỏi, nếu không Thiếu úy có thể ra về để nghỉ
ngơi chuẩn bị cho cuộc hành quân sáng sớm mai.”
“ Cám ơn sự chỉ dẫn của Trung úy. Tôi không có gì để phải hỏi.” Tôi nói.
“Tốt! Thôi Thiếu úy hãy ra về.” Trung úy Minh tiếp lời tôi.
Cỡ 2:00 giờ sáng tôi nghe tiếng rầm rầm, bước chân của những người lính thuộc các ĐĐ. 2,3,4
kéo về cùng tiếng còi báo thức của Thượng sĩ Dương, mọi người thức dậy chuẩn bị ba-lô súng
đạn để lên đường. Đúng 3:00 giờ tàu Hải Quân cập bến ngay trước BCH/LĐ, lần lượt các
ĐĐ/TC.1,2,3,4, rồi ĐĐCH và sau chót là BCH/LĐ lên tàu. Tàu rời bến lúc 3:30 sáng. Tiếng máy
ì ạch trong đêm trên sông vắng nghe thật não nùng buồn tẻ. Cảnh mặt nước sông mờ mờ bỡi làn
khói lạnh ban mai, cho tôi cảm giác như đang lạc vào cõi ma quái âm u. Cũng cái cảnh vật
buổi sáng mờ mờ như Đà Lạt nhưng Đà Lạt, trong tôi, chẳng khác nào là cõi Thiên Thai, còn
bây giờ ở đây sao tôi tưởng chừng là Địa Ngục có phải chăng tôi cảm nhận rằng tàu đang đưa
tôi vào “vùng đất mà cái Tử lớn hơn cái Sinh?!!!”
Tôi đang chìm đắm trong suy tư thì nghe tiếng máy tàu hơi đổi khác, tiếng máy kêu như to
hơn vài giây trước đây, tôi chợt nghĩ có lẽ tàu đang mắc cạn và đang cố vượt qua đụn cát
hay bùn nào đó dưới dòng sông. Nhưng không phải vậy, tàu đang hãm máy để dừng lại. vì tôi
nghe Trung úy Minh lệnh cho mọi người đổ bộ. Từng người lao xuống mặt nước đen ngồm và tôi
cũng lao theo. Chưa kịp giật mình vì cái lạnh thì tôi bị chìm sâu trong nước, tôi cố trồi
lên, nhưng trồi lên lại chìm xuống, tôi cố bơi nhưng đôi giày, nón sắt, và súng đạn như cầm
cản cánh tay tôi. Tôi uống nước nhiều đến độ làm tôi muốn tắt thở nhưng cũng cố lên để bắt
kịp bạn bè. Lên được trên bờ tôi thở đốc, nước từ trong miệng tôi ào ạt tuông ra. Thấy vậy
Hà (người mang Ba-lô cho tôi) hỏi tôi, “có sao không Thiếu úy?” thì tôi lắc đầu nở một nụ
cười cho đỡ ngượng và trả lời là “Không!” Hà cũng đáp lại tôi với một nụ cười như để tỏ sự
‘cảm thông’. Rồi Hà vui vẻ bày tôi cách vượt những đoạn sông sâu ngập đầu như vừa trải, ‘là
phải nín hơi đi ngầm’ thì không có chuyện bị trồi lên trụt xuống như tôi. Tôi cám ơn Hà cho
tôi bài học thật là quý giá và đồng thời nói một câu buâng quơ rằng, “ví như tàu đỗ bến gần
hơn thì tốt biết bao!” Hà lại cười bảo Hải Quân họ không ưa những gì ‘nông cạn’ và cũng
chẳng ưa mấy ‘bà cỡ tuổi 41, 40’. Câu nói Hà có chút khôi hài và thâm thúy, bây giờ Hà
trước mắt tôi không là Hà đến nhận lãnh mang chiếc Ba-lô cho tôi lúc ban đầu. Tôi vui và
thầm nghĩ từ đây tôi có bạn, có thể cùng tôi chia sẻ những vui buồn.
Đường tiến quân không có nhiều chướng ngại, nên đến 8:00 sáng LĐ đã làm chủ tình hình cả
khu vực quanh vùng căn cứ Tân Quy. Tôi theo toán Trinh sát vào trong đồn để thám sát, thấy
có 15 xác lính nằm chết ngổn ngang, chúng tôi tiếp tục tiến sâu vào những con hầm bị sập
thì khám phá thêm 4 xác của vợ lính nằm chết ngay đơ. Tôi không thấy vết đạn nào lưu trên
thân thể những người đàn bà xấu số, nên không rõ nguyên nhân họ chết ra sao, cho đến khi
khiên xác họ ra khỏi hầm gặp phải cơn mưa làm quần áo họ bị thấm ướt rã ra để lộ cả thịt da
cho tôi hiểu họ chết bỡi ngạt do hơi lửa nung đốt. Tôi cúi mặt dành một phút im lặng cho
những người bạc mệnh và tự dưng cảm thấy no hơi khi Hà mang đến cho tôi mấy miếng lương
khô. Tôi rảo bước quanh đồn nhìn cảnh điêu tàn thấy lòng thật buồn bã, thế nhưng những
người lính trong LĐ tôi vẫn cười nói như vô tình. Tôi tự hỏi, đời họ đã chứng kiến nhiều
cảnh bi thương như thế nên đã quen rồi, niềm xúc cảm của họ đã hóa đá hay chăng?!
Chiều đến lệnh CK cho LĐ tôi đóng quân tại chỗ, những đám lửa bập bùng khơi sức sống lại
hồi sinh, tiếng đàn hát nổi lên xóa tan phần nào nỗi buồn mất mác, và bài ca “Kỷ Vật Cho
Em,” hạ sĩ nhất Tài hát, tôi chợt thấy buồn cho thân phận những người lính trận hôm nay. Từ
sáng cho đến 8 giờ tối tôi vẫn thường xuyên đi quanh quẩn, suy nghĩ mông lung cố gắng tìm
ra một hướng đi mà huớng đi đó tôi có thể mở gói hành trang trường Mẹ ban cho ra dùng,
nhưng tôi không thấy có cách nào đem ra áp dụng. vì địa hình thực tế quá khác xa với mô
hình được tạc vẽ nơi Trường! Tôi nghiệm thấy lời ông LĐT nói đêm đầu tiên có phần đúng, nếu
tôi không có mặt để chứng kiến đời sống của người lính hôm nay thì làm sao hiểu họ cần có
những gì? Và dẫu rằng hôm nay tôi hiểu nhu cầu của họ, nhưng liệu rằng tôi có khả năng làm
được hay nhờ ai chấp cánh cho tôi?!
Đêm càng về khuya khí trời càng trở lạnh và càng lạnh hơn bỡi cái tử khí quanh đây. Hà mang
đến cho tôi một tấm chăn để quấn quanh người cho đỡ lạnh, nhưng tôi nói không cần vì tôi
sắp đi ngủ rồi!
Sáng ngày hôm sau Trung úy Minh nhận lệnh, LĐ tôi phải dựng lại căn cứ Tân Quy. Lệnh phát
hoang được ban ra, trung đội Thám sát lại một lần nữa lục tìm những cạm bẫy mà VC có thể để
lại trong khu vực. Đại úy LĐT, Đại úy Long, Trung úy Vân, và Trung úy Minh đi tìm địa điểm
lập đồn mới, tôi cũng được cho theo nhóm người quyết định chiến trường.
Địa điểm được chọn, LĐT, Đại úy Long, Trung úy Minh trở lại căn lều Chĩ huy của LĐ. Trung
úy Vân trở lại ĐĐ của ông. Còn tôi, không ai bảo tôi phải theo họ và tôi cũng không thấy
cần trở về chỗ nghỉ đêm rồi, nên tôi lợi dụng dịp đó đến làm quen với anh em lính đang làm
nhiệm vụ phát hoang, nhất là các anh em lính thuộc các ĐĐ đã không có mặt trong ngày tôi ra
mắt LĐ. Thật là vui, tôi đi đến đâu cũng được anh em tiếp đón chào hỏi niềm nỡ. Những mẫu
chuyện tiếu lâm tạo nên những tràng cười như pháo nổ, cộng thêm tiếng búa rìu, cây đổ làm
sống động cả khu rừng. Chiều đến, vài đám mây đen kéo đến rồi một cơn mưa dài nhè nhẹ tuông
rơi. Cảnh sống động ban trưa dần dần giảm xuống và giảm xuống đến tận cùng khi một trái lựu
đạn VC gài trên cây nổ tung xé nát thịt da của trung sĩ Khi! Tôi cúi mặt bước theo chiếc
băng ca khiên người xấu số, bước qua từng đám người tôi thấy ai nấy đều nhăn mặt cúi đầu!
Và đêm hôm đó những hình ảnh bi thương cứ vật vờ trong trí khiến giấc ngủ tôi cũng ở trạng
thái vật vờ.
Bình minh thứ ba lại lố dạng, 5 người Sĩ quan chúng tôi lại hội họp bên nhau. Hơi nóng từ
các chung trà bốc lên hòa cùng khói thuốc, tiếng nói lâm rang xóa tan phần nào những nỗi
buồn ngày qua. Nắng lên sưởi lòng thêm chút ấm, những tiếng bùa rìu lại vang dậy trong khu
rừng, những bếp lửa hồng lại thắp sáng, tiếng ca tiếng đàn lại trổi dậy mỗi cuối ngày. Ngày
qua ngày, nhạc khúc trưa chiều vẫn thế và ngày thứ 25 thì nhiệm vụ được hoàn thành. LĐ trao
trả vùng rừng Tân Quy cho một trung đội Nghĩa quân mới tới. LĐ lại trở về Tiền cứ ở Tích
Thiện thân yêu. Và tiệc nhậu diễn ra và tôi lại hát bản tình ca ‘Over Thau’ bất tận!
2/ Phút giây làm công tác Dân Vận
Bảy ngày nghỉ dưỡng sức, tôi cùng Hà đi dạo chơi quanh vùng lân cận Tiền cứ LĐ. Tôi được
làm quen với vài cô gái nửa ‘Quê’, nửa ‘Tỉnh’ Các nàng có những tên như là ‘Hai Hột, Sáu
Pomat, Tư Bom Bừa, Chín Vú Dài…’ nghe cũng vui tai. Mỗi cô đều có một câu chuyện dài tạo
nên cái biệt hiệu. Tôi thích thật nhiều về giai thoại tạo cái tên ‘Sáu Pomat’ nên đã dệt
được 4 câu thơ gửi tặng cô nàng:
Chân em lở, khơi lên nhiều trăn trở.
Ước mơ sao thành thuốc ‘mát’ xoa em
Xoa nỗi khổ, nhọc nhằn em gánh chịu
Cho tiếng lòng hòa khúc nhạc đêm đêm! (5/1971)
Sau khi nhận được bài thơ nàng đi khoe cùng xóm, mọi người đồn ầm lên là tôi đã ‘chịu’
nàng Sáu Pomat, còn nàng thì gặp tôi cứ mủn mỉm cười. Rồi một hôm nàng mời tôi đến nhà
chơi cho biết… (dĩ nhiên có ăn nhậu,) và trong dịp này tôi lại được làm quen với vài người
hàng xóm của nàng. Tôi nhận thấy ai cũng tỏ ra qúy mến tôi làm lòng tôi mở hội, nhất là khi
nghe ý của ông già cô muốn nhận tôi làm con nuôi. Ông nói, “ Sáu này, từ nay con phải kêu
Thiếu úy Phò là anh năm nghe không. Ba muốn cho Thiếu úy thế vai trò đứa con trai thứ 5 của
ba, anh con, đã chết trong chiến trận năm qua đó. Ngày hôm nay, nếu Thiếu úy cho phép, ba
sẽ nhận Thiếu úy làm con nuôi. Ba không nghĩ ý ba là đùa cợt!” Nói xong mắt ông như đang
dõi về một nơi xa nào đó. Thấy thế nên tôi vội nói, “Bác không đùa cợt đâu, cháu hiểu bác.
Cháu mà được bác nhận làm con nuôi thì phước ba đời cho cháu rồi. Cám ơn bác, cám ơn bác
thật nhiều.” Rồi tôi quay sang em ‘Sáu Pomat’ cười nói, “ Còn em, Sáu! em có thấy vui
không? Nào thử kêu anh là anh năm coi ngọt ngào đến độ nào! Nghe anh đếm nè 1, 2…” Nàng
quay mặt đi nơi khác, rồi ‘HỨ’ một tiếng làm mọi người cười ồ lên. Và đến lúc đó, tôi nhận
thấy cuộc vui cũng đã đến hồi cần chấm dứt, nên tìm cách nói khéo để kiếu từ và trở về đơn
vi.
3/ Cuộc hành quân Liên Quân
Đúng! cuộc vui nào cũng đến giờ phải chấm dứt và giờ đó đã đến với LĐ tôi. Lệnh chuẩn bị
cho cuộc hành quân 7 ngày liên tục, cuộc hành quân Liên Quân, phối hợp với một TĐ chủ lực
thuộc SĐ.7, để càng quét ‘vùng xôi đậu’ liên ranh hai Chi khu Trà-Ôn/VL và Chi khu
Cầu-Kè/VB. Tôi được lệnh đến phòng HQ để xem phóng đồ hành quân như thường lệ. Và theo kế
hoạch thì LĐ của chúng tôi là phải tiến chiếm ngôi ‘Chùa Cây Xanh’ ở Cầu kè/VB trước khi
hoàng hôn buông xuống của ngày một, để sáng sớm ngày hôm sau có thể ‘ập’ vào khu dân cư
sống dọc bên rạch Trà Ngang trước khi bình minh lố dạng.
Cuộc hành quân ngày 1 không chạm địch nên không có gặp gì khó khăn, ngoại trừ phài hành
quân trong mưa tầm tã. Sáng sớm ngày hôm sau, toán quân đầu của chúng tôi vừa đến xóm nhà
dân dọc bên kinh ‘Trà Ngang’ thì bị VC bắn vài loạt súng, cả toán lính đi đầu tản ra, nằm
xuống bắn trả thì vướn phải 2 trái mìn, chôn dưới mặt lộ, nổ tung làm hai người lính phải
bị thương. Chúng tôi tràn vào nhà lục soát thì bắt gặp một miếng thiếc có vẽ lá cờ MTGPMN
để trên mái nhà. Chúng tôi đoan quyết đây là cơ sở VC nên tiếp tục tra hỏi thì chủ nhà nói,
“Các ông muốn bắn giết hay làm gì thì làm vì sống ở vùng này chúng tôi phải chấp nhận làm
thân phận cây cỏ , gió chiều nào phải xoay theo chiều đó.” Ông chủ nhà nói thêm, “Nếu các
ông không tin thì hãy lật xem mặt kia của miếng thiếc thì biết?” Chúng tôi làm y như lời
ông nói. Ôi sự thật đau lòng, lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ "nằm chung cùng một miếng thiếc với" Lá
cờ nửa đỏ nửa xanh có ngôi sao vàng chính giữa!
Qua ngày hành quân thứ ba, chúng tôi bắt tay được với TĐ của Thiếu tá Tuệ, thuộc Trung Đoàn
12, Sư đoàn 7, cũng đang hoạt động trong vùng này và sau đó 2 đơn vị, một ĐPQ và một CLQ
chia vùng tảo thanh lục soát. Nhiệm vụ hoàn tất vào buổi chiều ngày thứ 4, kể từ lúc chia
tay. Và sau đó LĐ tôi trở về Tiền cứ Tích Thiện nghỉ ngơi.
Với cuộc hành quân này tuy không có gì đặc biệt đáng nói, nhưng đối với tôi có hai sự kiện
tôi nhớ mãi:
Được lính ca ngợi can đảm và tài giỏi
- Can đảm: Trưa ngày thứ năm của cuộc hành quân, BCH/LĐ đang băng qua một thửa ruộng thì bị
VC ở trong vườn bắn ra xối xả, ai nấy đều nhảy xuống mương, tôi cũng nhảy theo nhưng khi
thấy dưới chân có nhiều con gì rất dễ sợ (tôi không biết đó là con đỉa) bèn chạy lên bờ
quên cả đạn VC đang đan cày dưới chân tôi!!!
- Tài gỉỏi: Và trong buổi chiều ngày sau đó, trời đổ cơn mưa đường rất trơn trợt, thế mà
chúng tôi phải băng qua chiếc ‘Cầu khỉ’ thật cao. Lính tráng, ai nấy băng qua cây cầu một
cách dễ dàng, nhưng đối với tôi thật là khó khăn vì vừa bước chân lên thì đã muốn ngã xuống
vực sâu bèn thụt chân lại, hai ba lần gì đó làm cản trở cuộc tiến quân, Đại úy Long thấy
thế quở trách tôi. Tôi biết rằng tôi không thể nào băng qua cây cầu quái qủy này được nên
có dự tính lội xuống mương để khỏi làm phiền bất cứ ai, thì VC ở đâu đó bắn ra mấy loạt
súng và nhờ có mấy loạt súng này vịn đẩy chân tôi, giúp tôi qua cầu không mấy khó khăn. Tôi
quay nhìn lại phía bờ trước đó vài giây tôi đứng, thì thấy lính vỗ tay hoan hô tôi - giỏi
không ai bằng!!!)
Gặp được bạn (NT2 Huỳnh Công Phát)
Chúng tôi lại trở về Tiền cứ Tích Thiện nghỉ ngơi được vài hôm thì Thiếu tá Tuệ dẫn một
phái đoàn thuộc TĐ ông đến thăm viếng xã giao và trong phái đoàn này có bạn tôi, NT2 Huỳnh
Công Phát, chúng tôi gặp nhau tay bắt mặt mừng. Và sau tiệc nhậu, Phát đề nghị tôi thành
lập một đội bóng chuyền để thi đấu vui chơi. Kết quả, dù sân nhà chúng tôi vẫn bại, tôi bắt
tay Phát cười và nói rằng chúng tôi phải nhường lực lượng đàn anh. Phát cũng cười vỗ vai
tôi rồi từ biệt với lời chúc nhau khoẻ mạnh, bình an. Và kể từ đó về sau tôi chẳng gặp lại
Phát lần nào nữa, dù rằng sau đó LĐ tôi được điều động tăng cường cho chiến trường ‘Cái Bè
- Sầm Giang – Cai lậy’ khá lâu.
4/ Trận đánh tại Đập Bà Phấn
Cứ thế ngày qua tháng lại cũng giống nhau, nhiệm vụ chính của LĐ tôi là hành quân, tảo
thanh, phát hoang, và bình định. Mỗi đợt hành quân thường kéo dài 5 đến 7 ngày rồi về tiền
cứ nghỉ ngơi vài bữa rồi tiếp tục ra đi. Những ngày có sự hiện diện của TĐ Thiếu tá Tuệ ở
trong vùng liên ranh với chúng tôi thật là bình yên.
Mãi cho đến ngày 13 tháng 9/1971 chúng tôi mới có một cuộc đụng độ nẩy lửa với VC. Số là
trước đó gần một tháng đồn Me Tây thuôc CK/Trà Ôn bị VC bao vây kiềm chế mọi hoạt động,
tình trạng lương thực và đạn dược dường như khô cạn, do đó lệnh cấp trên cho LĐ tôi dọn
đường để tiếp tế. Lệnh hành quân được ban ra, trung úy Minh và LĐT phối hợp lập sơ đồ Hành
quân. LĐT tiên đoán sẽ có đụng độ mạnh, nên trong buổi họp tại phòng hành quân, LĐT chỉ
đích danh tôi tăng phái cho ĐĐ2, để hộ trợ cho Trung úy Long, ĐĐT, dẫn LĐ đi đầu. Khi ĐĐ.2
của chúng tôi gần tới con kinh chắn ngang lộ tiến quân gọi là ‘Đập Bà Phấn’ thì bị lực
lượng VC chận đánh phủ đầu với hỏa lực rất căng. Sau 10 phút giao tranh, Trung úy Long bị
trúng đạn, tôi báo cáo, “Long Vân (LĐT), Công bằng 2 (ĐĐT/ĐĐ.2), đã uống Whiskey
(Wounded)”. Thì ông ra lệnh tôi thay Trung úy Long cho dàn quân bắn cầm cự, để ông điều
động LĐ trừ chạy ra phía ruộng trống đánh bọc sườn. Tôi nghe ông nói tôi toát mồ hôi hột,
chiến thuật nào cho quân chạy sồng sỗng ngoài cánh đồng ruộng trống không?!!! Tuy nghĩ vậy
nhưng tôi không để việc này phân tâm hay chi phối đầu óc tôi trong lúc làm việc. Tôi lệnh
các trung đội dàn rộng ra, tìm chỗ núp, và tập trung hỏa lực bắn rát về phía đối phương.
Tiếng đạn bay vèo vèo trên đầu, đạn pháo nổ quanh người lúc đầu tôi hơi sợ, nhưng khi thấy
máu của đồng đội tôi đã đổ thì máu trong tôi sùng sục sôi lên, tôi không còn sợ chết mà chỉ
muốn xông lên tiêu diệt kẻ thù trước mặt để báo thù cho bạn, nhưng nhiệm vụ của tôi không
là tiến công nên tôi đã dùng tiếng hô ‘Xung phong, xung phong, xung phong…’ để thay cho
bước tiến. Các binh sĩ dưới quyền chỉ huy của tôi cũng hô to như vậy, tiếng hô dường như áp
cả tiếng súng của đôi bên. Và một lát sau tôi nghe một tràng dài ‘Whistle’ phát ra từ lực
lượng LĐ trừ, tôi biết rõ đó là hiệu lệnh tấn công của LĐT nên tôi ra lệnh cho lính tôi
ngưng bắn mà chỉ dùng miệng la to. Tiếng hò, tiếng súng inh ỏi của các binh sĩ thuộc LĐ trừ
làm lực lượng phòng thủ cũa VC mất tinh thần đứng dậy chạy làm bia đạn cho các chiến sĩ
đang trong bước tiến công, thân xác chúng trôi dật dờ dưới nước, để lại trên bờ gồm 18 AK
+ 1 K.54 + 1 trung liên Tiệp + 2 Phóng lựu + 1 B.41 + 1 PRC.25 + một số Đạn và Lựu đạn vãi
tung trên chiến địa.
Sau chiến thắng cấp trên cho LĐ rút quân về nghỉ, tiệc ăn mừng nhậu nhẹt lại diễn ra. Chiến
thắng đó không chỉ làm nức lòng các chiến sĩ LĐ mà ấm cả lòng đân. Tôi được chia phần chiến
thắng bằng chiếc ‘Anh Dũng Bội Tinh/Ngôi Sao Bạc’ và vì chính chiếc huy chương này đã gắn
chặc đời tôi với các ĐĐ/TC hơn là BCH/LĐ. Đến tuần lễ thứ tư của tháng 11/1971, tôi được
LĐT gọi về dự tiệc do toán Cố Vấn Mỹ đãi, sau này tôi mới biết đó là ngày Lễ Thanksgiving
truyền thống của Dân tộc Hoa kỳ, vì thực phẩm chính bữa tiệc là thịt con Gà Tây to tổ bố.
Trong buổi tiệc này ông gợi ý tôi nhận làm ĐĐT/ĐĐ.2 thay thế cho Trung úy Long, ông nói,
“Phò, tao đề nghị mày nên làm đơn xuất ngành để hợp pháp nhận lãnh chức vụ ĐĐT vì tao thấy
mày có khả năng và đầy triển vọng, thêm vào đó tao thực sự cần mày thay thế thằng Long, vì
thằng Long từ lâu nó có dự tính xin thuyên chuyển về quê của nó và chắc kỳ này là dịp tốt
cho nó ra đi.”
Lời ông nói mới nghe qua thì quả ông mở rộng đường cho tôi tiến bước, nhưng cái gương như
Đại tá Lưu Kim Cương và vô số Sĩ quan cao cấp khác cho thấy có chức vụ cao cũng không bảo
đảm có cuộc sống lâu dài! ĐĐT có cả danh lẫn thực và có cơ tạo hái ra tiền, nhưng những cái
đó không phải là mục đích tôi cần đạt đến, khóa Sĩ Quan Báo Chí ở Hoa Kỳ vẫn còn bùng cháy
mạnh trong tôi, do đó tôi nói với ông ta, “Vấn đề đó để sau buổi tiệc này rồi bàn tính, bây
giờ hãy vui với ban Cố Vấn cho họ vui!” Ông đã nghe lời tôi nên không còn bàn thảo việc
riêng tư của đơn vị mà nâng ly chúc mừng sức khỏe cho nhau. Đêm càng về khuya rượu càng
thêm ngọt, nhưng cuộc vui nào không chẳng có lúc tàn đâu! 11:00 giờ đêm ai về chỗ ngủ, tôi
lại một lần nữa bò càng khiến hai người lính phải đến dìu tôi.
Tôi đang mơ màng nửa say nửa tỉnh thì nghe một loạt súng nổ vang cùng có tiếng người la hét
bên ngoài: “VC bò vô tấn công! Thức dậy, thức dậy! 4.2 bắn trái sáng lên ngay đi.” Lập tức
trái sáng được bắn lên, mọi người đều ào ào chạy ra phòng tuyến. Tôi cũng chạy ra và thấy
ông LĐT đang đứng thẳng trên bờ bi phòng thủ một mình.
Tôi tiến lại gần ông cất tiếng hỏi, “Sao Đại úy hay dữ vậy? Sao thấy VC bò vô tấn công?”
Ông nở nụ cười và nói trong giọng nhè nhè, “Uống nhiều rượu nóng quá, không ngủ được tính
leo lên bờ bi đứng hóng mát, không ngờ thấy mấy đám lúa trước mặt giao động lạ kỳ, tao thử
bắn vào chỗ có di động thì không ngờ thấy VC đứng lên bỏ chạy. Chó ngáp phải ruồi chứ có
giỏi gì! Thôi đi ngủ.”
Sáng hôm sau tôi vác súng trở lại sống với anh em ĐĐ.2 cho mãi đến trung tuần tháng12/1971
ông lại gọi tôi về BCH/LĐ. Về đến nơi, tôi mừng rỡ vì thấy trung úy Long bình phục trở về,
thêm vào đó LĐ tôi có về thêm một sĩ quan mới, Đại úy Phạm Tấn Nghiệp, xuất thân tử Trường
Võ Bị Quốc Gia, Đà Lạt/Khóa 19. Ông nói với tôi, Đại úy Nghiệp sẽ đảm nhận chức vụ LĐP/LĐ
rồi ông nói tiếp, “Nay có Trung úy Long về, thôi tạm thời Thiếu úy Phò trở lại BCH để làm
vài công tác khẩn cấp là dựng hang đá mừng Giáng Sinh cho anh em Binh sĩ và dân chúng trong
vùng vui chơi, thứ đến chuẩn bị thực hiện ‘Đặc San Xuân cho LĐ, để đánh dấu một thời thạnh
trị của chúng ta ở nơi đây! Đại úy Nghiệp nghĩ sao?”
Đại úy Nghiệp cười đáp, “Cái đó do Thiếu úy Phò, chứ tôi mới chân ướt, chân ráo về có biết
gì đâu!”
Ông Đại úy LĐT cũng cười rồi nói, “Lẽ dĩ nhiên Thiếu úy Phò đảm nhận phần vụ chính, nhưng
anh cố gắng giúp đỡ Thiếu úy Phò. Theo tôi, một mình Thiếu úy Phò khó mà thực hiện, anh hãy
hứa một tiếng cho Thiếu úy nó an tâm!”
“Thôi được, tôi sẽ cố gắng cộng tác với Phò!” Đại úy Nghiệp cười nói.
Lại một bữa tiệc nhậu lại diễn ra và lần này tôi uống nhiều hơn những lần trước, không biết
tửu lượng tôi tăng hay do quá vui nên quên cả men say?!!!
5/ Hoạt động CTCT trong khi Tác Chiến
Sáng ngày hôm sau trước khi về đơn vị Trung úy Long mời tôi đi đến CLB/LĐ. uống cà phê, để
gọi là cám ơn tôi đã thay anh dìu dắt ĐĐ.2 trong lúc anh nằm viện thật chu toàn. Tôi cười
bảo anh đừng quan tâm về việc ấy, hãy quên việc những ngày qua để nhẹ gánh cho tương lai.
Anh khen tôi quả không hổ danh SQ xuất thân từ quân trường Đà lạt, làm tôi cảm thấy mát
lòng nhưng tuyệt nhiên tôi không nói gì chỉ cười và chìa tay nắm lấy tay anh cùng cùng lời
chúc, “Mãi an lành trong chiến trận!” và anh cũng chúc tôi những lời tương tự như vậy.
Trung úy Long đi rồi, tôi quay vào doanh trại Tiền cứ. Đầu óc tôi lại rối lên bỡi hai công
việc rất cấp bách mà LĐT vừa giao phó ngày hôm qua:
- Thực hiện Hang Đá Giáng Sinh
- Thực hiện Đặc San Xuân Nhâm Tý (1972)
Việc dựng ‘Hang Đá Giáng Sinh’ tôi nghĩ có thể nhờ anh em thuộc Khẩu đội 4.2 (ở chung trong
doanh trại) phụ trách, do đó tôi vội vã đến gặp Trung sĩ Khuynh (vì tôi biết anh là người
theo đạo Công Giáo.) Thấy tôi bước vào anh lật dật đứng dậy chào tôi trong thế chào trình
diện, tôi cười bảo anh đừng quá giữ quy cách nhà binh vì hôm nay tôi đến với anh không
trong tư cách là một Sĩ quan, tôi chỉ đến với anh trong tư cách một tín hữu trong giáo
phận. Tôi thấy anh trố mắt tỏ vẻ không hiểu nên tôi cười và nhẹ giọng nói, “Anh Khuynh, Đại
úy LĐT muốn năm nay chúng ta thực hiện ‘Hang Đá Giáng Sinh’ cho anh em binh sĩ và dân chúng
trong vùng vui chơi, anh nghĩ sao?”
“Thật thế sao?” Anh tỏ vẻ vui mừng hỏi.
Tôi điềm tĩnh đáp, “Thật đó! Và tôi thấy ý kiến của Đại úy là hợp tình hợp lý bỡi lẽ chúng
ta còn sống đến ngày hôm nay là do hồng ân của Chúa che chở cho chúng ta. Hơn nữa chúng ta
đang chiến đấu cho hạnh phúc của người dân ở đây thì ít ra ta cũng nên cho họ nhìn thấy cái
thành quả của nó phải không anh Khuynh?”
Khuynh chắp chắp lưỡi mấy cái rồi cười nói, “Thật là tuyệt, từ ngày về đây, đã trên hai
năm, em vẫn muốn làm việc này mà không dám đề đạt ý kiến, nay Thiếu úy về lại làm được.
Thôi Thiếu úy đừng lo, hãy khoán trắng cho em, em hứa sẽ làm một hang đá thật đẹp.”
Tôi thật vui mừng nên nói, “Tôi tuyệt đối tin vào khả năng và nhiệt tình của anh, tuy có
cần gì anh cứ nói với tôi, tôi sẽ nhờ Trung úy Ân hổ trợ, anh biết ông ta chứ?”
“Trung úy Ân là người tốt, là người hữu dụng cho LĐ chúng ta, ai mà không biết ông ấy!”
Huynh nói.
Nhận thấy anh quá nhiệt tình trong công việc, nên tôi an tâm và cũng thấy không cần phải
nói thêm gì nữa nên chỉ đưa tay bắt cùng lời chúc anh thành công trong công việc sắp làm.
Xong việc bàn thảo về ‘Hang Đá Giáng Sinh’, đầu óc tôi lại nghĩ đến ‘Đặc San Xuân Nhâm Tý
(1972) cho LĐ, đây lại là một công việc đầy khó khăn vì tôi không thấy một ai trong LĐ (kể
cả tôi) có đủ điều kiện đóng góp bài vở, cho dù họ có khả năng nhưng không có thì giờ, hóa
ra không cũng hoàn không. Tôi tìm đến ông LĐP tham khảo ý kiến thì tình cờ gặp Trung úy Du,
Trưởng B.TT/LĐ ở đó. Biết cái khó khăn của tôi nên Trung úy Du hứa sẽ giới thiệu tôi với
người bạn gái của anh, đang dạy tại trường Tiểu học Cơ sở Tích Thiện, rồi nhờ người này
giới thiệu tôi đến cô Hiệu trưởng Trường. Và từ đó tôi có thể nhờ các Thầy Cô đóng góp bài
viết.
Sáng ngày hôm sau tôi đến ‘Trường Tiểu học Phổ thông’ của Xã Tích Thiện . Cô giáo ra tiếp
đón tôi chính là cô Hiệu trưởng của Trường này. Sau lời chào hỏi xã giao tôi tự giới thiệu
tôi với cô và nói mục đích của cuộc thăm viếng trường cô hôm đó. Thật là may mắn, cô không
những niềm nỡ tiếp chuyện với tôi mà còn hứa sẽ vận động các Thầy Cô trong Trường, mỗi
người đóng góp một bài. Lời cô khiến lòng tôi mở hội và tự dưng một tình cảm đặc biệt đối
với cô len lén dậy trong tôi. Dù là vậy, tôi không tỏ ra cần vấn đề gì khác, ngay cả tên
cô, tôi cũng chẳng hỏi làm gì. Tôi đứng dậy cáo từ trở về đơn vị, chân tôi mới bước đi vài
bước thì nghe tiếng cô gọi tôi thật nhỏ đàng sau, “Thiếu…ú..y!” Tôi quay mặt lại thì thấy
cô cúi mặt nói bâng quơ như đang nói với chính nàng, “Thôi…đừng suy nghĩ gì!” rồi quay lưng
nhẹ bước vào trong. Chính hình ảnh này làm tôi ray rức nhiều đêm sau đó, nhưng nhớ câu:
“Thôi…đừng suy nghĩ gì!” tôi cũng cố làm quên.
Hang Đá Giáng Sinh do Trung sĩ Khuynh làm thật là công kỷ và thật là đẹp, những dàn đèn
xanh đỏ, chớp tắt tạo khung cảnh thêm huyền bí lung linh của đêm Chúa Giáng sinh. Người
người trong khu vực đua nhau đến xem tạo nên cảnh thanh bình thạnh trị, mở kỷ nguyên đầu
cho Tích Thiện/Trà Ôn. Tiếng ngợi khen vang xa đến thành thị, ai cũng ghi công đầu cho ông
LĐT và tôi. Tiếng ngợi khen còn vang xa hơn nữa khi Đặc San Xuân ‘Nhâm Tý’ (1972) được
trình làng. Tiếng khen đó không chỉ làm cho ông LĐT và tôi nức lòng nhưng niềm vui còn lan
rộng trong toàn binh sĩ và người dân!
Nhưng người đời thường nói, “không có cuộc vui nào kéo dài bất tận!” Cuộc vui của chúng tôi
và người dân Tích Thiện chấm dứt sau đó, khi cấp trên vinh thăng cấp bậc Thiếu tá cho Đại
úy LĐT chúng tôi, đồng thời thuyên chuyển Đại úy LĐP, Phạm Tấn Nghiệp, đi phục vụ đơn vị
khác và đưa Đại úy Lê Xuân Sử (một Sĩ quan Văn phòng chưa có kinh nghiệm tác chiến) đến
thay ông, rồi kế tiếp gửi thêm 5 Chuẩn úy (Tiểu, Tốt, Bình, Hoàng, và Bá) mới ra trường Thủ
Đức về với chúng tôi.
6/ Vào Chiến Trường “Cái Bè – Sầm Giang – Cai Lậy”
Một cuộc họp toàn thể các SQ trong LĐ diễn ra. Thiếu tá LĐT đọc quyết định của cấp trên là
cải danh “Liên đội 4/78” chúng tôi thành “Tiểu đoàn 467”. Rồi ông phân định vai trò các sĩ
quan mới bổ sung như sau: Trung úy Ân đảm trách B.1 (Quân số), Chuẩn úy Tiểu đảm trách B.4
(Tiếp liệu), Chuẩn úy Tốt đảm trách B.6 (Truyền tin) thay cho Trung úy Du sắp thuyên
chuyển, Chuẩn úy Bình đảm trách ĐĐP/ĐĐ.2, Chuẩn úy Hoàng đảm trách ĐĐP/ĐĐ.3, và Chuẩn úy Bá
đảm trách ĐĐP/ĐĐ.4. Khi chấm dứt phần phân nhiệm ông cất tiếng hỏi, “Các anh em có ý kiến
gì không?”
Ông vừa dứt lời thì Đại úy Sử lên tiếng nói, “Ai đảm trách B.5 (CTCT) vì tôi được biết
Thiếu úy Phò hầu như là một SQ/TC bỡi luôn có mặt trong các cuộc hành quân?”
Ông Thiếu tá TĐT nói, “B.5 không quan trọng! Ta không cần đề cử một SQ làm phần vụ này, từ
trước đến nay Trung úy Ân vẫn kiêm nhiệm, thì hôm nay Trung úy Ân vẫn tiếp tục làm như vậy.
Tôi thấy chiến trường cần Thiếu úy Phò nhiều hơn! Thêm vào đó anh mới về có thể chưa rõ hết
sự việc (ý ông muốn nói Đại úy Sử chưa có kinh nghiệm chiến trường) nên tôi để Thiếu úy Phò
cận kề bên anh vì khi chúng ta đến Định Tường, TĐ ta sẽ phân thành hai cánh, một cánh do
tôi chỉ huy và một cánh do anh chỉ huy, Thiếu úy Phò sẽ giúp anh trong việc điều quân ở
bước đầu.” Và rồi ông tiếp hỏi ai còn thấy có gì không ổn trong việc sắp xếp của ông mạnh
dạn nêu ý kiến. Tất cả im lặng nên sau đó ông tuyên bố buổi họp chấm dứt và ra lệnh B.1 lập
biên bản gửi về cấp trên.
Và một buổi tiệc nhậu linh đình được diễn ra trong ngày hôm đó, có mặt tất cả viên chức xã,
ấp và các người quen thân với ông, trong xã Tích Thiện đều đến tham dự.
Lợi dụng lúc mọi người trong cơn vui say, tôi lần đến trường Tiểu học cơ sở trong dự tính
nói lời ‘cảm ơn’ đã giúp tôi hoàn tất Đặc San Xuân cùng để từ giã các Thầy Cô, đặc biệt là
cô Hiệu Trưởng, thì thật bất ngờ cho tôi khi tôi còn cách trường khoản 50 thước thì cô Hiệu
trưởng vội chạy ra đón tôi và nói, “Em biết thế nào ngày hôm nay anh cũng đến…” Hành động,
câu nói, và cách xưng hô của cô làm tôi quá đỗi ngạc nhiên. Tôi không biết tại sao cô biết
tôi sẽ đến? Chẳng lẽ kế hoạch di chuyển của TĐ tôi đã bị tiết lộ? Chẳng lẽ cô đã hiểu lòng
tôi đối với cô? Chẳng lẽ trong cô cũng đã nhen nhúm lên một chút tình cảm nào đó đối với
tôi? Tuy trong trí tôi nổi lên những câu hỏi này, nhưng tôi đã che dấu nó bằng một nụ cười
lồng trong câu nói nửa đùa nửa thật, “Chà, cô là nhà tiên tri hay là điệp viên tình báo
đây? Nói cho vui ‘Thôi…đừng suy nghĩ gì!’” Tôi cố ý lập lại câu nói ngày đầu gặp gỡ để thăm
dò phản ứng thì tôi thấy cô cúi mặt đứng im trong dáng điệu suy tư. Thấy thế tôi vội nói,
“Thôi chúng ta nên vào trong kẻo Thầy Cô thấy dị nghị.”
Thấy tôi và cô Hiệu Trưởng đi vào thì Thầy Cô ở
các phòng bên cũng chạy ra chào đón chúng tôi và kéo nhau vào phòng Hiệu Trưởng trò chuyện.
Trong lúc trò chuyện tôi nói cám ơn các Thầy Cô về việc đóng góp bài vở giúp tôi hoàn tất
quyển Đặc San Xuân vừa rồi. Các Thầy Cô ai cũng tỏ vẻ hài lòng và đồng nói một câu làm tôi
suy nghĩ, “Xin Thiếu úy xem những bài viết đó như là những lời tâm tình hay là kỷ vật mà
chúng tôi tặng Thiếu úy để nhớ!”
“Vâng, cám ơn thật nhiều! Tôi xin hứa…” Tôi đáp lời.
Sau cỡ 30 phút trò chuyện, tôi nói lời ‘Từ giã’ đến tất cả các Thầy Cô. Cô Hiệu Trưởng tiễn
tôi ra tận đường về doanh trại. Và trước khi chia tay nàng yêu cầu tôi tối đến nhà ‘Sáu
Pomat’ để ‘Sáu Pomat’ và nàng làm tiệc tiễn chân tôi. Tôi quá xúc động cộng thêm chút ngạc
nhiên nên nói, “Vậy em...(ũa) cô quen với cô ‘Sáu’ (Sáu Pomat) hồi nào?”
Nàng cúi mặt nói, “Đừng gọi em là CÔ nữa, có vẻ xa lạ lắm. Chúng mình, tính ra cũng đã biết
nhau khá lâu, chẳng lẽ anh không hiểu em chút nào sao?!” Nàng ngưng giọng đôi chút như để
chờ phản ứng của tôi nhưng không thấy tôi nói gì nên nói tiếp, “Em quen ‘Sáu’ lâu lắm rồi.
Chúng em vẫn xem nhau như chị em, anh đừng ngại!”
Để đáp lại sự chiếu cố mà cô đã dành cho tôi, nên tôi dùng một câu hỏi hàm ý là tôi cũng
rất quan tâm đến nàng, “Em không về Trà ôn sau khi tan trường?”
Nàng trả lời, “Gặp anh ngày hôm nay rồi liệu ngày mai có còn dịp gặp lại nữa không, nên em
quyết định ở lại nhà ‘Sáu’ đêm nay để hàn huyên tâm sự cùng anh trong giây lát rồi chia
tay!”
Nghe nàng nói tôi cảm thấy tội nghiệp cho tình cảm mà nàng đã dành cho tôi nên không nỡ từ
chối, tôi gật đầu chấp nhận.
Và vào khoảng 7 giờ tối hôm đó tôi đến nhà em Sáu. Khi tôi bước vào nhà thì thấy cha mẹ
Sáu, Sáu, và nàng (cô Hiệu Trưởng) đang ngồi quây quần quanh một chiếc bàn tròn (có dọn sẵn
chén đũa) đang đợi tôi.
Thấy tôi, em Sáu tỏ vẻ vui mừng nên la lên, “Ồ Thiếu úy đến rồi kìa…”
Tôi ngắt lời em Sáu ngay, rồi cười nói, “Thiếu úy nào? Ở đây không có Thiếu úy, mà chỉ có
anh năm thôi nghe cô!”
“Hứ, ham lắm!” Nói xong Sáu ngoe nguảy quay đi ra phía sau. Ông già thấy vậy la rầy Sáu,
“Lại cãi cọ nữa, mai nó đi rồi nhớ hối tiếc. Ngồi lại đây nói chuyện chơi chứ đi đâu
vậy?”
“Con đi xuống bếp bưng thức ăn lên để đãi ảnh chứ chẳng lẽ đãi ảnh bằng nước miếng?!” Sáu
đáp lời.
“À, ba quên! Thôi được đi thì đi nhanh lên, ba cũng cảm thấy đói rồi.” Cha Sáu nói.
Dường như mọi thứ đã được làm sẵn, nên không đầy hai phút thì Sáu đem lên một tô cháo nóng
hổi và một đĩa thịt gà đã được chặt sẵn, cộng với rau răm muối ớt xem thật hấp dẫn.
Ông già tỏ ra đói bụng nhưng không quên chai rượu nên hỏi Sáu, “Còn chai rượu đâu con?”
Sáu đến cái tủ phía sau lưng lấy ra một chai rượu đế, đặt trước mặt ông rồi nói, “Ba uống
ít thôi và cũng đừng bắt Thiếu úy (ủa) anh năm uống nhiều đó vì sáng mai ảnh còn phải đi
xa!”
Ông già cười nói, “Yên tâm!” rồi cầm chia rượu lên rót vào hai ly: một cho ông và một cho
tôi, kế đó cầm đũa gắp một miếng ‘gan’ bỏ vào chén tôi rồi giục tôi cầm ly cầm chén. Tôi
cầm chén lên định gắp miếng gan bỏ vào miệng để lót bao tử trước, thì nàng lấy tay đè cái
chén xuống rồi cười nói, “Bác trai tặng anh ‘lá gan’, còn em tặng anh ‘trái tim’ cho đủ
bộ!” rồi nàng lấy đũa gắp trái tim gà bỏ vào chén tôi.
Lời nói và việc làm của nàng làm tôi ngỡ ngàng lúng túng và càng lúng túng hơn khi thấy
gương mặt Sáu đượm buồn, cặp mắt ửng đỏ dường như muốn khóc!
Ông già lại giục tôi, “Ăn đi chứ sao ngồi thừ người ra thế, năm?”
“Dạ, ba cho con miếng gan, cô giáo cho con trái tim, bây giờ con ngồi đợi để nhận món quà
của em Sáu.” Và tôi quay mặt sang phía Sáu hỏi, “Ba cho anh miếng ‘GAN’ hàm ý khuyên anh
phải ‘dũng mạnh’ nơi chiến trường, cô giáo cho anh ‘TRÁI TIM’ hàm ý khuyên anh lấy ‘Tình
thương’ chỉ đạo cho cuộc sống. Còn em tặng cho anh cái gì nào?”
Mặt Sáu thụng xuống và nói tiếng cộc lóc, “Trái tim” chị Thủy (tên cô giáo) tặng anh rồi
thì em biết lấy cái gì xứng đáng tặng anh đây. Thôi tặng anh cái này nè.” Rồi nàng bốc hai
cái ‘chân gà’ thảy mạnh vào chén tôi, làm cái chén xoay vòng muốn ngã! Mọi người thấy vậy
cười ầm lên và tôi lợi dụng lúc này để cỡi bỏ cái không khí ngột ngạt do việc làm của cô
giáo gây ra, nên tôi nói một câu mà tôi nghĩ rằng nó sẽ làm hài lòng Sáu, “ À, anh hiểu
rồi! Ý em chúc anh ‘chân cứng đá mềm’ phải không?”
Tôi vừa dứt câu thì ông già lập tức xen vào, “Năm, mày sao không nhạy bén chút nào! Em Sáu
mày muốn có được ống Pomat của mày đó (ủa) muốn mày cho ống Pomat đó!”
Tôi thấy mặt em Sáu ửng đỏ, còn cô giáo thì lấy tay che miệng cười. Tôi ngơ ngẩn không biết
tại sao thì mẹ Sáu trách chồng ăn nói không đầu đuôi, chừng đó tôi mới hiểu nên an ủi
Sáu.
“Em an tâm, ngày mai trước khi TĐ rời nơi đây anh sẽ bảo y tá Nhi mang đến cho em 12 ống để
em mặc sức xài. Chịu chưa?”
Ông già lại xen vào, “Chịu quá đi chứ! Thôi vừa ăn vừa nói và ba muốn con Sáu và thằng Năm
không lộn xộn nữa.” Rồi ông cầm chén đũa lên, bà già cầm chén lên, cô giáo cũng cầm chén
lên mời tôi. Riêng em Sáu vẫn chưa chịu cầm chén, thấy vậy tôi bảo Sáu nếu em không vui tôi
sẽ về ngay, buộc em cũng phải cầm chén với mọi người. Khoản 10 giờ đêm thì ông bà già đi
nghỉ, còn ba đứa tôi trò chuyện thâu đêm.
Sáng sớm ngày hôm tôi vừa về tới cổng doanh trại thì gặp Đại úy Long và Trung úy Minh ở đó.
Hai người đều đồng thanh gọi tôi là cậu Tám, “Cậu Tám đêm hồi hôm trốn ở đâu vậy? ‘Út Trầu’
lo cho Cậu nên ngủ cũng chẳng yên. Coi chừng mất cả chì lẫn cả cần..câu. Ha…ha…ha!!!!”
Tôi ngạc nhiên không biết tại sao gọi tôi là ‘Cậu Tám’? Định hỏi nhưng khoảng cách hai
người và tôi đã quá xa. Tôi tức tốc tìm đến Hòa để hỏi sự việc đêm qua và đặc biệt để được
biết cái biệt danh “Cậu Tám” từ đâu tôi có.
Hòa nhìn tôi cười nói, “Thiếu úy thử đếm: Tý, Sửa, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, MÙI… thì Mùi có
phải là con số đứng hàng thứ TÁM không? Và Mùi là con gì vậy Thiếu úy?”
“Trời đất qủy thần ơi, hai thằng cha đó dám bảo tôi là tên dê xồm, thật là ĐỂU!” Tôi nói.
Và tiếp tục hỏi Hòa, “Và này anh Hòa, hai thằng cha đó còn nói ‘Út Trầu’ đêm hồi hôm lo cho
tôi ngủ không được, rồi lại khuyên tôi ‘coi chừng mất cả chì lẫn chài’ Vậy Út trầu là ai?
Và lời khuyên đó hàm chứa những gì?”
Hòa lại cười nói, “Thiếu úy mới về không biết chứ hai ông đó thuộc hàng cao thủ Võ Lâm. Hai
ông ấy nói câu gì thì coi chừng có lưỡi câu trong đó. Theo lời Thiếu úy thuật lại thì ‘Út
trầu’ chính là Thiếu Tá TĐT, còn ‘Coi chừng mất cả chì lẫn chài’ là mất cả các đặc ân mà
Thiếu Tá TĐT đã dành cho.”
“Ông đã dành cho tôi những đặc ân gì anh có thấy?” Tôi hỏi Hòa trong cái giọng điệu hơi cay
cú.
Hòa nói, “Sự việc bên trong thì không ai biết, họ chỉ thấy bên ngoài rồi phỏng đoán. Không
biết Thiếu úy có để ý không mỗi lần bà nhà đến thăm ông mà có dẫn ‘Bạch Vân’ (Con gái ông)
đi theo, thì thế nào ổng cũng gọi Thiếu úy vào gặp bà rồi bà cho Thiếu úy chút quà cáp và
vô tình Thiếu úy lại đem chia quà đó cho hai ông ấy. Và một hôm, em nghe hai ông ấy nói với
nhau là thế nào Thiếu úy cũng bị ông Thiếu tá TĐT cho TÁM CỦ vì thiếu úy mê cô giáo mà
không ngỡ ngàng đến con gái của ông ta!”
À thì ra vậy, giờ này tôi hiểu rõ ý của hai tên ma đầu đó rồi! Tôi thầm nhủ, nhưng đồng
thời tôi cũng cảm thấy ghê sợ hai tên ấy. Tôi không biết do những thành quả tôi gặt hái
được trên chiến trường (trận đánh Đập Bà Phấn), hoặc do sự thành công trong công tác CTCT
(Hang Đá Giáng Sinh & Đặc San Xuân), hoặc do con gái ông mà ông đã có thái độ cỡi mở với
tôi mấy tháng gần đây? Tôi lầm lũi cúi mặt bước đi không còn nhận biết thời gian và không
gian xung quanh tôi sắp thay đổi, cho đến khi tôi đụng phải một người, ngẩn mặt lên thì bắt
gặp ông TĐT đang chăm chú đứng nhìn tôi.
“Đêm hồi hôm mày ở đâu?” Ông hỏi.
Tôi hơi bối rối, nhưng rồi lấy lại bình tĩnh nói cho ông biết đêm rồi tôi đến nhà cha mẹ
‘Sáu Pomat’ để nói lời cám ơn cho những tình cảm họ đã dành cho tôi trong suốt thời gian
quen biết ở Tích Thiện này.
“Ngoài những người trong gia đình con Sáu còn có ai nữa không Thiếu úy?” Ông mỉm cười đặt
câu hỏi, nhưng có lẽ hỏi để chọc tôi cho vui, chứ ông không cần nghe câu trả lời nên tiếp
đó ông giục tôi vào chuẩn bị hành trang để cùng ông và trung sĩ Năm (Cận vệ của ông) về Cần
thơ bằng đường thủy (bằng chiếc xuồng máy ho-bo). Còn Đại úy Sử và Trung úy Minh sẽ điều
động TĐ băng ruộng qua Vĩnh Xuân cách Tích Thiện độ 10 Km về phía bắc, rồi từ đó có đoàn
quân xa đưa về điểm tập trung tại Hậu cứ Trung đoàn 16/SĐ.9 BB (Long Hồ/Thị Xã Vĩnh Long)
nằm chờ lệnh.
Đến Cần Thơ ông bảo tôi muốn đi chơi đâu thì đi, miễn sáng ngày hôm sau có mặt tại Long
Hồ/VL trước 10:00 sáng là được. Tôi rảo bước một vòng thành phố rồi ghé lại Phòng ngủ Bình
Dân trên đường Phan Đình Phùng, thăm Bửu, người lính trước ở ĐĐ.2 của tôi nhưng đã giải ngũ
(vì lý do gì tôi không được biết rõ.) Đêm đó Bửu dẫn tôi đến các quán Bia-Ôm vui chơi thỏa
thích. Và 9:00 sáng ngày hôm sau khi ăn sáng xong, Bửu lấy xe Honda đưa tôi đến Long Hồ
/Vĩnh Long rồi Bửu ra về.
Tôi ở lại đây ba ngày và sau đó (25/3/1972) cùng TĐ trực chỉ vào chiến trường ‘Cái Bè – Sầm
Giang – Cai lậy’ thuộc Tiểu khu Định Tường. Và kể từ đó, những ngày vinh quang huy hoàng
của TĐ tôi nhường chỗ cho những ngày bi thương buồn tẻ, anh em chúng tôi lần lần rơi rụng
như những chiếc lá mùa thu, bỡi những đợt pháo của VC bằng các loại Hỏa tiển Sam 7, HT.3,
đại pháo 122 ly…, và những trận đánh giành đất để treo cờ trên những cây đại thụ, nhất là
những ngày sau Hiệp Định Paris được ký kết. Cái đau thương xé lòng là Trung úy Long đã nằm
xuống nơi đây, trước khi được nhìn thấy quê anh! Và tôi, một lần nữa, phải trở về ĐĐ.2 để
đảm nhận chức vụ ĐĐT thay anh Long. Thất bại liên tiếp giáng xuống TĐ tôi nổi bật nhất là 2
trận đánh lớn: một ở Ba Dừa/Cái Bè mất gần 1/4 quân số, một ở kinh Bồn Bồn/Cai Lậy, giáp
ranh Mộc Hóa, mất gần phân nửa.
7/ Phân hóa & Tan hàng
Và kết cuộc, cuối tháng4/74 TĐ tôi được đưa về TTHL/Chi Lăng/Thất Sơn/Châu
Đốc để được tái huấn luyện và bổ sung quân số và trong thời gian ở đây vị Thiếu tá Tiểu
Đoàn Trưởng của tôi bị thay ngựa giữa dòng và sau khi ông rời TĐ vài tháng, tôi cũng bị
điều động đến một nơi khác, nơi đây tôi lại có dịp làm bạn cùng rắn rết muỗi mồng vùng liên
ranh Rạch Rùa/ Chương Thiện – Sóc Ven/ Rạch Giá.
Cuộc chia tay giữa ông TĐT và tôi diễn ra ban đêm trong căn lều vải đóng ngoài Vườn Xoài,
nằm phía dưới chân núi Cấm thật là cảm động, cảm động vì người đi nhưng tâm trí vẫn lo cho
người ở lại, ông lo tương lai cho tôi!
Ông hắn giọng vài tiếng như để nén sự xúc động rồi ông nói, “Trước khi ra đi, anh muốn hỏi
chú mày một câu là tại sao anh tạo nhiều cơ hội để chú mày mau được thăng quan tiến chức mà
chú mày không chịu chấp nhận? Chẳng lẽ chú mày sợ trách nhiệm nên không dám nhận? Hay chú
mày đang trông đợi cái gì? Anh thật không hiểu! Nói cho chú mày biết, người ta muốn nắm
được chức vụ ĐĐT/ĐPQ/TKVL này (anh không nói nơi khác hoặc SĐ) không dễ đâu, nếu không có
đủ ba trăm ngàn ($300.000). Anh không tin khi ông Đại úy Ngọt về sẽ cho không chức vụ ĐĐT
cho ai đâu vì ông cần lấy lại năm trăm ngàn ($500.000) đã bỏ ra để mua chức vụ TĐT của
anh!”
Nghe ông thay đổi cách xưng hô trong khi nói chuyện với tôi làm tôi cảm động, đồng thời nhờ
sự tiết lộ này mà tôi mới thấy được cái mặt trái của xã hội lúc bấy giờ, khiến tôi liên
tưởng đến lời nói của bạn tôi, NT2 Phạm Phú Hoan, khi tôi tỏ ý định nộp đơn thi vào Trường
Sinh Ngữ Quân Đội để được tuyển đi học khóa Sĩ Quan Báo Chí ở Hoa Kỳ, thì Hoan nói tôi đang
nằm mơ, “Mày đang nằm mơ hả Phò? Mày nên biết mày chưa nộp đơn đã có danh sách người trúng
tuyển rồi đó!”
Tôi lặng im giây lát rồi buông tiếng thở dài nói với ông, “Mấy năm sống chung với Thiếu tá,
tôi hiểu Thiếu tá muốn giúp tôi, nhưng tôi không mơ cái chân ĐĐT bằng cái chân Phóng Viên
Báo Chí chiến trường. Nếu tôi đồng ý nhận chức vụ ĐĐT thì tôi phải ký đơn xin xuất ngành,
mà một khi không còn mang cấp số 630.0 thì tôi không còn hội đủ điều kiện đi Mỹ học khóa Sĩ
quan Báo Chí để trở thành Phóng Viên Báo Chí, một chức vụ tôi hằng mơ ước. Đành rằng tiền
tài và danh vọng là đỉnh mơ ước của hầu hết con người, nhưng đối với tôi lại là không,
Thiếu tá hiểu cho!”
Ông tiếp lời tôi, “Sao chú mày không nói cho anh biết trước đây?” ông ngừng một lát rồi nói
tiếp như nói với chính ông, “Thôi cũng được, vì ‘sông có khúc thì người cũng có lúc’ muốn
cũng không được, mà không muốn cũng không được!” rồi ông nở một nụ cười nói tiếp, “ Thôi,
ngày mai anh sẽ rời đơn vị, chú mày ở lại thận trọng trong cuộc sống hằng ngày.”
Để tháo gỡ nỗi u uẩn trong lòng ông, giúp ông cảm thấy thoải mái trước khi chấm dứt cuộc
nói chuyện từ giã đêm đó, tôi cố gắng nở một nụ cười thật tươi rồi nói, “mạng CHỆT thì
chết, mạng TÀU thì sống. Hơi đâu mà lo!” (tôi cố lập lại câu nói của ông, mà Trung sĩ Hòa
đã cho tôi biết trong ngày đầu về Đơn vi.)
Ông dương tròn đôi mắt nhìn tôi một lúc rồi cười hỏi, “ai nói với chú mày câu đó?”
Tôi lại cười và nói, “Ai trồng khoai đất này!”
Rồi cả hai chúng tôi cùng cười và lui về chỗ ngủ của riêng mình.
Hôm nay nhân sắp đến ngày chúng tôi, NT.2, làm lễ kỷ niệm 40 năm ra trường ngồi nhớ lại,
ghi mấy dòng để gửi tặng bạn bè, nhất là để tặng những người thật sự cận kề bên tôi trong
cuộc chiến, cuộc chiến nay tuy đã qua nhưng tình cảm của chúng tôi vẫn còn khắn khít không
xa.