Mấy hôm nay, trời đất miền TrungTây nước Mỹ (Colorado) tuy đã vào tháng hai, nhưng khí trời
vẫn còn mang cái hơi băng giá của mùa đông. Thường trong thời điểm này chiếc áo bông là người bạn duy nhất cho tôi nguồn hơi ấm,
thì năm nay tôi lại có thêm nguồn hơi ấm từ các bạn đồi 4648 ngày cũ gửi đến. Các bạn nhắc nhớ tôi cái khung cảnh nhộn nhịp, tưng
bừng của ngày khóa Nguyễn Trãi II ra trường 40 năm về trước. Các bạn khuyến khích mỗi anh em chúng tôi cống hiến cuộc hành trình
của cá nhân cho Đại hội như là món quà nho nhỏ chung góp cho ngày trọng đại,19/02/2011 sắp tới đây. Tôi tuy là một con chim lạc bầy
kể từ ngày rời tổ Mẹ nhưng cũng xin đóng góp chút quà nho nhỏ qua câu chuyện kể “Đường vào cuộc chiến của tôi,” Đành rằng làm việc
này là đi ngược lại cái ý của quyển truyện ““Let That Day Go Away!” (Hãy để ngày đó lụi tàn!) là một quyển truyện mà tôi rất lấy
làm đắc ý, ngay từ thời còn trong lứa tuổi trung học, luôn muốn lấy đó như lời nhắc nhở qúy báu , “quên quá khứ để vui với cái vui
hiện tại!” Nhưng mỗi năm tháng hai về, tôi không thể quên cái ngày tôi thực sự bước chân vào cuộc chiến và để rồi từ đó, cuộc đời
tôi chẳng khác nào bị cuốn theo giòng nước lũ, mất định hướng…. Và giờ đây ngỡ ngàng khi thấy nơi tôi đang sống không là nơi tôi
sinh ra và lớn lên, hàng xóm của tôi không là những người thân quen da vàng, tóc đen mà là những người rất xa lạ, xa lạ từ màu da,
màu tóc, ngôn ngữ, và lối sống…!!! Tôi chợt nhớ mới ngày nào đây, “Gối tôi qùy giữa Vũ Đình Trường của Quân trường CTCT Đà Lạt, tay
đưa lên về phía trước mặt và cất cao lời thề, 'Sống Chết Cho Quê Hương!'” Quê hương ngày xưa của tôi giờ còn chăng hay chỉ còn trong
trí nhớ? Tôi phải làm gì để giữ vững lời thề đó? Và liệu rằng tôi có còn thì giờ và khả năng làm việc đó hay không??!!!
Nhập Cuộc
Sau biến cố Tết Mậu Thân (1968), nơi các giảng đường của
trường Đại học Khoa học, nói chung và phân khoa MPC của tôi, nói riêng thật là vắng vẻ đìu hiu! Phần lớn các sinh viên đều đã và
đang lần lượt lên đường nhập ngũ. Thiểu số còn lại, phần cảm nhận sự buồn bã xâm chiếm tâm hồn vì thiếu vắng bạn bè, phần vì tình
hình đất nước bất ổn, hướng tương lai mờ mịt, cùng cảm thấy chút hổ thẹn khi nghe một ai đó nhắc đến câu, “Quốc Gia hưng vong thất
phu hữu trách.” Do đó mà không còn mấy ai thiết tha đến việc học hành! Tôi là một trong những sinh viên còn lại, thường ngày cũng
cắp sách đến trường nhưng đầu óc lúc nào cũng trống rỗng, như ở chốn hư không, cứ mong ngày qua nhanh để đến cuối tuần ra bến Bạch
Đằng thả hồn theo mây nước. Và một hôm, đang lang thang thì gặp Tuất (Nguyễn Văn Tuất ở Thị Nghè, người bạn học cùng lớp MPC1 với
tôi.) Tuất vỗ vai tôi hỏi, “ Sao, mày tính
sao?” Tôi không hiểu ý Tuất nên hỏi lại, “Sao, có nghĩa là sao? Ý mày tao không hiểu!” “Có gì mà không hiểu! Tình hình như
thế này phải tính đường ‘dzọt’ trước, không lẽ để họ lấy rọ xúc rồi đem thảy vô Thủ Đức à?” Tuất nói. “Tao cũng có nghĩ đến điều
đó, nên tao đã nộp đơn thi vào khóa III Biên Tập Viên…” Tôi chưa nói dứt câu thì Tuất cắt lời tôi và nói. “Cảnh Sát đó à? “Dùi
cui” làm chuẩn! Bộ mày thích gia nhập đoàn Dùi cui? Mày không sợ các em gái hậu phương chê sao?!! Theo tao thì mày nên nộp đơn thi
vào Đại học CTCT/Đà lạt thì hơn dẫu rằng nó là một quân trường đúng nghĩa, nhưng chương trình huấn luyện của nó phản phất một chút
gì dễ nhớ dễ thương (ý Tuất nói có dịp ngồi giảng đường để tưởng nhớ cái thủa áo thư sinh.) Thêm vào đó được học tại Đà lạt, xứ
sương mù thơ mộng, có các Sơn nữ Phà Ca ‘má đỏ môi hồng’ mày không thích sao?” Tôi nêu ra ý kiến, “Theo tao được biết, các quân
trường như Võ bị Đà Lạt hàng năm đều có mở khóa tuyển sinh, nhưng họ cũng phải đợi sau kỳ thi tú tài toàn!” Như đoán được ý tôi
ở một góc nào đó, Tuất nhanh nhẩu nói ngay, “Kỳ này đặc biệt mà mày! Tao đã đến Biệt Khu Thủ Dô lấy đơn rồi mày đừng cãi. Tao có
lấy thêm một cái đơn cho mày, nếu mày muốn mai vào lớp tao sẽ đưa cho.” Thế rồi ngày thi cũng đến, hai đứa cùng trúng tuyển.
Tuất và tôi được gọi lên đường nhập ngũ. Gặp nhau tại trung tâm III/TMNN thật là vui, và vui nhất là cái đêm chúng tôi bước vào
khám sức khỏe Tổng quát (tôi đã kể cái vui đêm này qua bài viết “Bộ Ba Của Tôi” đã đăng trong Đặc san Ức Trai, hè năm 2006,) thế
nhưng niềm vui đó vụt tắt ngay sau khi chúng tôi được đưa qua trại tiếp chuyển Nguyễn Tri Phương, nơi đây Tuất bị loại ra khỏi hàng
ngũ các sinh viên chính thức được nhập khóa vì Tuất không đạt được chiều cao quy định. Tuất ở lại trại Nguyễn tri Phương, còn tôi
tiếp tục theo các anh em được tuyển qua Quang Trung để thực tập làm quen với nếp sống của người lính mới. Thế rồi: - Ba
tháng Quang Trung nắng cháy, cát bụi mịt mù tô điểm da người qua đi, - Hai năm Đà lạt sương mù, gió núi luyện tinh thần
cũng tàn lụi. - Ngày xuống núi cũng đến nơi, - Mười lăm ngày nghỉ dưỡng sức cũng vụt biến, - Hai mươi
hai ngày chờ đợi nhận đơn vị cũng đã mãn hạn.
Nhận Sự Vụ Lệnh (SVL)
Ngày ấy, bốn thằng tôi (Giao, Hoan, Hồng, Phò) dậy sớm, ăn điểm tâm
qua loa rồi đến Khối CTCT/TKVL để nhận SVL về đơn vị, như lời dặn ngày hôm trước đó của vị thiếu tá Trưởng khối. Khi chúng tôi vừa
tới cửa thì thấy ông đã có mặt ở đó từ bao giờ. Thấy chúng tôi, ông không cần chờ đợi nghi cách chào hỏi mà ông nói ngay, “SVL của
các Thiếu úy đã có sẵn trước mặt tôi, tự do đến nhận và về trình diện đơn vị theo địa chỉ đã ghi trong giấy. Riêng Thiếu úy nào về
LĐ.4/78 thì phải nán lại đây đợi đến khi nào có chuyến máy bay tiếp tế tôi sẽ gửi cho vào đơn vị.” Chúng tôi bước tới bàn giấy
ông để nhận SVL của mình và rồi bước ra khỏi văn phòng Khối. Ra tới cổng TK thì Giao (Phạm Cô Giao) cất tiếng hỏi to, “Thằng nào về
4/78?” “Ai trồng khoai đất này!” Tôi nhẹ giọng buồn bã trả lời Giao (vì ai trong chúng tôi đều biết LĐ. 4/78 rất ‘hắc ám’ từ
vùng hoạt động cho tới tính tình người chỉ huy!) “Mày hả? Chúc mừng mày! Mày về đó sẽ có cơ lên lon trước tụi tao.” Giao nhe
răng cười. “Sao mày không nói dễ lên bàn thờ hơn?” Lời nói tôi mang chút âm điệu mỉa mai chua xót! Có lẽ Giao thấy chút hối
hận trước lời đùa cợt của mình, nên Giao đến bên tôi, vỗ vai tôi mà nói, “Đùa giỡn tí cho mày vui đừng giận tao nhé. Hy vọng mọi
chuyện tốt lành sẽ đến với mày.” Hồng và Hoan sau đó cũng đến bắt tay từ giã tôi cùng lời chúc tương tự như vậy. Riêng Hoan,
trước khi chia tay Hoan dặn tôi dù bất cứ giá nào cũng phải chờ có máy bay mới đi, tuyệt đối không nóng lòng mà dùng đường bộ hay
đường thủy đến đơn vị là chuốc lấy sự khổ đau! Tôi không nói chỉ gật đầu cho Hoan vui. Khi Giao, Hoan, Hồng đi rồi, tôi trở vào
Khối hỏi có cách gì sớm về đơn vị? Thì ông thiếu tá Trưởng Khối dẫn tôi đến trước tấm bản đồ treo phía phải bàn giấy của ông và chỉ
vào đó vị trí căn cứ Tiền phương của LĐ.4/78, đồng thời ông nói thêm hiện thời LĐ không có mặt tại nơi này mà đang hành quân trong
vùng liên ranh Trà ôn/VL và Cầu kè/VB. Và sau cùng ông khuyên tôi nên chờ đợi hơn là ra đi ngay bây giờ, vì giả sử tôi có đến được
tiền cứ cũng phải chờ cho đến khi ông LĐ Trưởng trở về. Mặc dù lời nói ông rất chí lý, nhưng tôi vẫn muốn ra đi ngay nên nài nỉ ông
chỉ cho tôi con đường có thể. Ông ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi nói: “Thôi được, nếu Thiếu úy quyết lòng ra đi tôi không cản, nhưng
nếu có xảy ra chuyện gì đừng đỗ lỗi cho tôi.” Tôi vui vẻ nói với ông, “Thiếu tá an tâm, tôi sẽ không bao giờ...”“Được, hãy lắng
nghe cho kỹ,” ông nói, “Trước hết Thiếu úy phải đón xe qua Cần Thơ, rồi đến bến Ninh Kiều, theo tàu về Trà ôn, và rồi vào Chi khu
Trà ôn nhờ họ xem có phương tiện nào có thể đưa Thiếu úy đến Tích Thiện, Tích Thiện là nơi trú đóng của căn cứ tiền phương LĐ.
Thôi Thiếu úy ra bến xe đi ngay đi kẻo muộn.” Tôi vội vã khoác Ba lô lên vai và hối hả ra đi, sau tiếng nói “cám ơn.”
Đường về Đơn vị
Tôi đến bến Ninh kiều trễ chuyến tàu 10:00 giờ sáng, nên phải đợi
đến chuyến:12:00 giờ trưa. Trong thời gian chờ đợi tôi rảo một vòng quanh bến Ninh kiều, hơi nuớc từ dòng sông Hậu bốc lên làm tâm
hồn cảm thấy dễ chịu, phong cảnh tấp nập tàu thuyền qua lại làm mắt tôi cảm thấy vui vui. Và vui nhất là được làm quen với một cô
gái vui tính, không những nàng cho biết cũng sẽ đến Trà Ôn cùng chuyến tàu 12:00 giờ với tôi, mà còn hứa khi tàu cặp bến Trà Ôn sẽ
đưa tôi đến tận cổng Chi khu. Tàu đến Trà ôn đúng 1:00 giờ chiều, cô gái đã lịch sự giữ lời hứa. Vào Chi khu, tôi tìm đến ban
5 nói ý định của mình đồng thời trưng bày tờ SVL làm bằng chứng. Ông Trung úy trưởng ban 5, Nguyễn Văn Bông, đưa tôi đến các ban
liên hệ để biết sơ qua tình hình Địch, Bạn, và vấn đề mấu chốt liên quan “Lịch Tiếp Vận” để tôi có thể theo đó mà vào đơn vị. Kết
quả cũng chẳng có gì sáng sủa hơn, nghĩa là tôi vẫn phải chờ! Lúc đó tôi thật bối rối vì không biết ăn đâu ở đâu trong những ngày
chờ đợi. Tôi đâm ra hối hận, phải chi giờ này tôi còn ở Tiểu khu thì có Câu lạc bộ Sĩ quan không lo gì việc ăn và ngủ.! Có lẽ Trung
úy Bông đọc được trong mắt tôi những điều đó nên ông trấn an tôi bằng câu nói, “Thiếu úy đừng lo việc ăn và ở trong thời gian chờ
đợi. Nếu Thiếu úy thiếu tìền thì tôi có thể nói bà xã tôi cho mượn, bà xã tôi có sạp bán vải ở đây, không đến nỗi nào không có đủ
tiền cho Thiếu úy mượn. Còn nếu Thiếu úy không muốn mượn tiền thì tôi có thể nói ban 4/CK ứng cho Thiếu úy vài khẩu phần lương khô.
Ngủ thì tối vào văn phòng tôi nghỉ đỡ! Sao, Thiếu úy tính sao?” “Cám ơn Trung úy cho những lời đề nghị, tôi sẽ suy nghĩ về điều
đó và sẽ cho Trung úy biết về quyết định của tôi trước giờ Trung úy rời nhiệm sở. Giờ thì Trung úy để tôi dạo một vòng chợ cho biết
cảnh sinh hoạt ở nơi đây.” Tôi nói. “Tốt,” ông nói, “Chúc Thiếu úy có những phút vui tươi trong lúc ngoạn cảnh quanh chợ Trà ôn
và hẹn gặp lại Thiếu úy lúc 4:00 giờ chiều.” Nói xong ông quay đi, tôi cũng không thấy cần thiết nói gì hơn nữa, nên bước ra khỏi
Chi khu và tiến vào khu buôn bán sầm uất của chợ. Vừa bước qua chỗ bán hoa tươi thì có một cô gái cất tiếng gọi các bạn cô, “Coi
kìa, Thiếu úy ‘Ba-bi-lắc’ (hiệu sữa bột dành cho trẻ con) ngộ ghê bay ơi!” Nói xong, cô xổ một tràng cười thật là giòn giã. Các cô
bạn nàng nhao nhao lên hỏi, “đâu đâu…??” Và bỗng một cô trong bọn họ lao ra chận đường tôi và hỏi, “Thế chiếc khăn xanh đeo ở cổ để
làm gì Thiếu úy, phải chăng để lau mũi dãi lúc nó nhĩu nhão thập thò? Hi hi hi..!!!” Tôi cảm thấy mặt, tai tôi nóng lên! Và
tôi biết, tôi đang dẫm phải hang kiến lửa, nên không tỏ phản ứng gì chỉ cố lách qua cô gái tinh nghịch và bước nhanh ra khỏi nơi
ấy, rồi hướng thẳng ra bến sông, chỗ ngồi đợi của khách đi tàu. Tôi chọn một cái bàn nhỏ, đặt cạnh mé sông ngồì xuống và rồi gọi
một ly nước giải khát để uống. Nước mát của dừa tươi làm tôi tươi tỉnh lại và lại một lần nữa sóng nước của giòng Hậu Giang xóa một
phần nào nỗi ưu tư đang chất chứa trong tôi. Đang thả hồn theo trời nước mênh mông, bỗng tôi nghe tiếng nói ngọt ngào của một
cô gái, “Thím Sáu, chút nữa cho cháu ‘quá giang’ về Tích Thiện với.” Tiếng ‘Tích Thiện’ khiến tôi đặc biệt chú ý, nên tôi quay lại
tìm người vừa phát ra tiếng nói. Tôi không phải đảo mắt tìm đâu xa vì người ấy ngồi ngay phía sau tôi. Và tôi cảm thấy một tia hy
vọng loé lên, nên đặc biệt chú ý mẫu đối thoại giữa người con gái với người đàn bà, được gọi là ‘thím Sáu.’ “Mày có chuyện gì mà
cần về Tích Thiện hã con Cúc..cúc..Cúc kia?” Thím Sáu hỏi người con gái xin quá giang. “Thím kỳ quá, cho hay không thì nói.
Chuyện riêng tư, giữa chỗ đông người thím cũng phải thông cảm cho cháu chứ.” Cô gái miệng cười tươi đáp lại. “Thôi được, ngồi
chờ đó rồi tao sẽ trở lại.” Thím Sáu nói xong thì quay gót đi ngay.Thím Sáu đi rồi tôi lân la đến gần cô gái, tên Cúc, hỏi vài câu
bâng quơ làm quen với mục đích nhờ cô xin cho tôi được cùng về Tích Thiện trong chiều hôm đó. “Cô C..ú..c…” Tôi mới nói có thế
thì cô quay mặt lại nhìn tôi và nói, “Dạ, có chuyện gì vậy Thiếu úy?” Tôi nở một nụ cười để chữa thẹn và nói, “Hồi nãy tôi nghe
thím Sáu gọi cô là ‘Cúc..cúc..Cúc.’ Tôi không biết tại vì thím Sáu có tật nói cà lăm hay tên cô là “cúc-Cúc?” Cô gái trả lời,
“Thím Sáu giả bộ nói cà lăm là để trêu em đó. Tên em là ‘Thu-Cúc’ nhưng Thiếu úy cứ gọi em ‘Cúc’ là được rồi. Thú thật, má em rất
yêu hoa Cúc và em được sinh ra trong mùa Thu nên má đặt tên em là ‘Thu-Cúc’, thế nhưng các ông anh họ của em thường chọc ghẹo em về
cái tên mẹ đặt.” “Vâng, tôi hiểu rồi! Thôi kể từ đây tôi gọi
tên cô là Cúc vậy.” Tôi cười và nói, “ Và này Cúc, chút nữa Cúc có thể xin thím Sáu cho tôi cùng quá giang về Tích thiện với
Cúc có được không?” Cúc giật mình dẫy nẩy nói, “Ý không được đâu! Thiếu úy đi lỡ VC chận bắt thì chết.” “Tôi không sợ chết,
Cúc đừng lo!” Tôi ngại cô ta không chịu xin dùm nên nói bừa như vậy. “Em nói ‘Chết’ có nghĩa là em và thím Sáu sẽ chết, vì khi
đó sẽ bị Cảnh sát và An ninh Quân đội tra khảo thì làm sao sống được!” Cúc giải thích. Nghe Cúc nói như vậy tôi cũng thấy ái
ngại, không phải chỉ ái ngại sự an nguy cho chính tôi mà còn ái ngại cho hai người tôi vừa mới quen trong giây phút. Tôi gục đầu
suy nghĩ và không hiểu cái hình ảnh của tôi lúc đó có tác động nào đối với tâm hồn cô gái mang tên Cúc mà nàng cũng cúi đầu im lặng
như tôi! Một lúc sau… Cúc ngước mặt lên và nhìn thẳng vào mặt tôi hỏi, “Thiếu úy có mang theo áo quần dân sự không?” Tôi nghĩ
Cúc đã tìm ra giải pháp, nên không cần hỏi lý do mà chỉ trả lời ngắn gọn, “Có.” “Vậy thì được! Để em tìm cách xin cho Thiếu úy
đi chung với em khi thím Sáu trở lại.” Cúc nói vừa dứt câu thì thím Sáu ở đâu đó cũng vừa trờ tới. Có lẽ vì thế mà còn nghe
được hai chữ ‘trở lại’ cuối câu nói của cô, nên thím hỏi cô nói cái gì ‘trở lại’ và nói với ai đó? Cúc trả lời, “Cháu đang nói
chuyện với ông Thiếu úy này, ổng cũng muốn nhờ cháu xin thím cho ổng về Tích Thiện chiều nay với.” Thím Sáu giật mình, nói một
câu giống y như câu nói của Cúc vừa mới nói với tôi cách đây vài phút, nhưng thím Sáu còn thể hiện sự quan tâm về hậu quả khốc liệt
mà người thân của tôi sẽ nhận lãnh, nếu có sự việc xấu xảy ra cho tôi trên đường đi. Nghe thím Sáu nói, Cúc nhoẻn miệng cười rồi
trấn an Thím bằng một giọng nói ngọt ngào: “Thím yên tâm, ổng còn độc thân, chưa có vợ con gì cả. Hơn nữa ổng có mang theo quần
áo dân sự, nếu cần bảo ổng thay quần áo thì VC khó nhận biết được, vì gương mặt ổng còn non choẹt, thím nhìn xem! Thêm vào đó, nếu
thím cháu ta khởi hành ngay bây giờ thì đến ‘Vàm Bang-Chang’ chậm nhất là 4:00 giờ chiều, và giờ đó thì chắc VC chưa dám ra lục
soát tàu thuyền.” Thím Sáu nhìn tôi, rồi nhìn Cúc, rồi ngước mắt nhìn trời, nở một nụ cười khó hiểu rồi nói: “Cô giỏi thật,
mới mà đã nắm rõ lý lịch của người ta! Luận cứ của cô cũng nghe được lắm. Thôi tôi chìu cô cho cô hài lòng, nhưng trước tiên nên
bảo ổng thay đồ dân sự đi đã.” Tôi nghe thím Sáu đồng ý cho tôi đi, tôi mừng vô tả và thầm cảm ơn sự khôn khéo của Cúc đã làm
xiêu lòng người chủ ghe. Tôi nói tiếng ‘Cám ơn’ thật nhẹ với thím Sáu, rồi lặng lẽ bước theo Cúc xuống thuyền. Vừa bước vào trong
khoan có mái che thì Cúc bảo tôi dừng lại ở đó để thay bộ đồ lính tôi đang mặc, còn Cúc ra ngồi phía trước mũi thuyền. Tôi ngoan
ngoãn làm theo lời Cúc bảo, chẳng khác gì một đứa em trai tuân lời chị cả của mình. Thay xong, tôi nằm dựa lưng vào thành thuyền để
nghỉ, nghĩ đến Giao, Hoan, Hồng giờ này chắc đã ổn định rồi vì Giao chỉ cần mất 15 phút là tới Chi khu Minh Đức, Hoan thì cũng
không mất quá 35 phút tới Vũng liêm, còn Hồng thì hậu cứ LĐ. 4/79 ngay trong tỉnh lỵ, đâu đứa nào giờ này còn lênh đênh trên biển
nước mênh mông! Càng nghĩ càng buồn cho số phận. Lỗi tại tôi hay của ai đây?!?! Tôi đang chìm trong suy nghĩ, thì tiếng của Cúc ở
đầu thuyền vọng vào, “Thay quần áo xong chưa? Nếu xong rồi thì ra ngoài này nói chuyện cho vui chứ làm gì trong đó mà lâu dữ
vậy?” “Xong lâu rồi, nhưng chưa có lệnh Cúc tôi đâu dám ra!” Tôi đáp. Cúc “hứ” một tiếng rồi đổi cách xưng hô nói, “Sao Thiếu
úy hiền quá vậy? Tôi thấy mấy ông lính ở đây, nhất là mấy ông sĩ quan trẻ, hễ thấy gái là tươm tướp nhào vô tán hưu tán vượn ghê
gớm lắm kia mà. Thôi ra đây đi, tôi không hớp hồn Thiếu úy đâu mà sợ!” Tôi làm theo ý muốn của Cúc và lặng lẽ bước ra khỏi mui
thuyền, đến ngồi cạnh nhưng không nói gì, giữ sự im lặng cho tới khi Cúc cất tiếng hỏi, “Thiếu úy nghĩ sao mà nằn nặc xin đi về
Tích thiện chiều nay. Thiếu úy có biết lộ trình này không mấy an toàn cho lính tráng? Thiếu úy không nghĩ vợ con ở nhà buồn khổ,
nếu Thiếu úy sa vào tay mấy ông ấy sao? Tôi thấy có cái mâu thuẫn nơi Thiếu úy: VC không sợ mà lại sợ một cô gái bé nhỏ như
tôi!” “Cúc à,” tôi nói, “Tại sao bỗng dưng đổi cách xưng hô như vậy? Lúc nãy xưng ‘Em,’ bây giờ lại xưng ‘Tôi.’ Với lại Cúc bảo
tôi thay quần áo lính để VC không nhận biết, thế mà Cúc vẫn cứ gọi tôi Thiếu úy, Thiếu úy có nghĩa là sao? Chẳng lẽ tiếng ‘Anh’….”
Tôi vừa nói tới đó thì Cúc bảo tôi đừng nói nữa. “Em xin lỗi anh,” Cúc nói, “Em vô tình không chủ ý. Thôi cũng đã gần đến
Bang-Chang chúng ta cũng nên thay đổi cách xưng hô ‘Anh, Em’ cho hợp lý hợp tình. Vậy anh hãy trả lời những điều mà em hơi thắc
mắc.” “Có như vậy tốt hơn không?” Tôi nói, “Trước khi trả lời hết các vấn đề em thắc mắc thì cho anh hỏi em một câu là tại sao
em đã biết anh còn độc thân mà trách anh không thương con thương vợ?” “Ai nói biết anh còn độc thân hồi nào?” Cúc cãi lại
ngay. “Chính em nói với thím Sáu, em quên rồi à?” Tôi nói. Cúc tỏ vẻ suy nghĩ để nhớ lại rồi nói, “À em có nói, nhưng nói để
thím Sáu cho anh đi, chứ không có nghĩa là em biết gia cảnh của anh. Em thấy mấy ông Sĩ quan không chỉ có một vợ mà còn có nhiều
vợ, nhiều bồ nhí nữa kìa…” Cúc nói tới đây bỗng dưng đôi mắt đỏ lên như muốn khóc. Thấy thế tôi xem vào để chận sự cảm xúc bằng
một câu nói nửa đùa nửa thật: “Em đoán quá già nên trở thành non. Không thể đánh giá người này qua hình ảnh của người nọ vì mỗi
người có cá tính khác nhau. Chẳng hạn em thấy đó, từ lúc gặp em cho tới giờ anh đã có hành động gì gọi là ‘tươm tướp nhào vô tán
hưu tán vượn’ như em nói không?” Cúc cười và nói, “Anh là một con người khác lạ! Mà này, anh có tin con người có số
mạng?” Tôi nói, “Đối với anh, anh không tin con người có số mạng, nhưng anh tin có Chúa trong con người biết yêu mến Người, và
dành cho Người một chỗ ở đặc biệt trong tim họ.”Cúc lại đấu lý với tôi: “Số mạng và Chúa đâu đó cũng là một, vì Chúa có uy quyền có
thể can dự vào mọi việc. Chúa thương ai thì ban cho người đó hạnh phúc, còn Chúa ghét ai thì người đó phải chịu cảnh đắng cay! Đó
không phải là số mạng đó sao?” “Không phải vậy Cúc à, Chúa vốn là yêu thương nên Người không binh ai bỏ ai, Chúa luôn cho ta tự
do lựa chọn, ai làm theo lời Chúa để lại trong quyển Thánh kinh thì có sự bình an, ai không làm thì có kết quả ngược lại. Ví như
Chúa bảo ‘đừng trộm cắp’ mà ta không nghe, đêm đột nhập vào nhà người khác chôm chỉa đồ đạt của họ, bị chủ nhà bắt đưa ra tòa thì
cái khổ đó không do Chúa mà do chính mình gây ra phải không?” Tôi giải thích cho Cúc nghe. Cúc lại xem vào, “Vậy Chúa bảo hãy
tránh bước vào hiểm nguy, sao hôm nay anh lao vào hiểm nguy không sợ VC chậm đường bắt anh?” Tôi nói, “Trong cuộc sống, có những
cái ta cần phải sợ nhưng cũng có những cái ta không cần phải sợ. Phân tích được hai cái đó là do trí óc của chính mình chứ không do
người khác ban cho. Ví như hôm nay, tuy lộ trình về Tích Thiện có nguy hiểm nhưng anh cảm thấy em và thím Sáu là thiên thần của
Chúa phái đến bảo vệ anh, nên anh ..”Tôi nói chưa dứt câu thì Cúc tức tốc tiếp lời tôi, “ nên anh không sơ! Có thật vậy không Thiếu
úy?” “ Lại Thiếu úy nữa!” Tôi trách nhẹ Cúc và nói tiếp, “ Cúc à, anh biết bất cứ ai nghe anh nói như vậy cũng cho anh che dấu
sự thật, họ sẽ nghĩ rằng anh quá say mê em, nên tâm trí anh bị lu mờ không còn thấy cái mồm con cá sấu rộng mở đang chờ anh đến để
vồ anh nuốt trọn!” Cúc nói, “Anh có vẻ sâu sắc quá, thế mà hồi nãy em đánh giá sai về anh cho rằng anh còn quá trẻ nên đã nói
với thím Sáu ‘gương mặt anh còn non choẹt’. Vậy xin anh bỏ qua cho nhé! Thôi cũng gần đến Tích thiện rồi, anh hãy vào trong thay
lại bộ đồ lính rồi ra đây đứng trước mũi thuyền, để thím Sáu có thể ghé vào bến đậu ngay trước mặt tiền cứ LĐ 4/78 cho anh lên. Em
sợ lính anh nổ súng lắm!” Cúc nháy mắt đôi cái trong lúc nói làm đôi mắt Cúc trở nên long lanh rất dễ thương, khiến lòng tôi dậy
sóng! Tôi cố gắng đè nó xuống bằng một câu nói mà tôi không biết nó đến từ đâu, “Không, không…Anh không bao giờ trách hờn em gì cả
mà cái trách hờn nếu có là con đường Trà Ôn – Tích Thiện sao quá ngắn!” Như thể để tránh xúc động bỡi câu nói của tôi nên Cúc
giả vờ không nghe bằng cách thúc giục tôi lần nữa vào trong khoan thay lại bộ đồ lính. “Đi mau đi anh, thím Sáu đang cho thuyền
vào bến kìa!” Cúc giục tôi. Tôi trở vào trong khoan thay đồ và vừa bước ra thì thấy một anh lính gác xách súng chạy tới bến
sông và tay lên cò súng ‘rốp, rốp’ Cúc vội chạy núp sau lưng tôi và nói.“Đó đó, lính anh sắp nổ súng kìa. Mau mau bảo anh ấy đừng
bắn, em sợ lắm!”Tôi trấn an Cúc bằng câu nói, “ Có anh đây, em đừng sợ!” Và đồng thời vẫy tay ra hiệu cho người lính trên bờ biết
tôi cũng là lính. Thuyền tấp vào bờ, người lính thấy tôi vội đứng nghiêm bắt súng chào. Tôi chào lại và đến bắt tay anh rồi nói
cho anh biết tôi về phục vụ cho LĐ 4/78.“Thế thì LĐ ta có thêm người, vui biết mấy!” Anh lính gát nói, “Đại úy LĐT đang trong vùng
hành quân không có ở đây, Thiếu úy cứ vào trong có Trung sĩ Hòa trực hành quân sẽ giải quyết mọi sự cho Thiếu úy.” Tôi nói,
“Cám ơn anh, nhưng cho tôi một phút nói lời cám ơn bà chủ ghe và cô gái đã xin cho tôi quá giang.” Người lính gát nói, “Được,
Thiếu úy có thể làm việc ấy đi, xong rồi vào gặp Trung sĩ Hòa cũng được.” Khi tôi quay lưng, bước xuống bến sông thì anh lính
gát quay điện thoại kêu ông trung sĩ trực hành quân tên Hòa ra để đưa tôi vào trong. Tôi vừa nói xong tiếng cám ơn đối với thím Sáu
và Cúc (Cám ơn thím Sáu và Cúc thật nhiều. Kể từ nay đây là nơi ở của tôi, hy vọng sẽ có nhiều dịp gặp lại thím Sáu và Cúc. Chúc
thím Sáu và Cúc luôn gặp may mắn trong cuộc sống.” Thím Sáu nói “ Không có chi!” Riêng Cúc cúi đầu im lặng làm tôi cảm thấy buồn
buồn và không biết cái buồn đó đến từ đâu?!!) thỉ Trung sĩ Hòa cũng vừa ra tới. Anh nhìn tôi với đôi mắt tròn xoe tỏ vẻ ngạc nhiên
và cái miệng há hốc làm ngập ngừng lời nói, “Thiếu úy…Thiếu úy về đây bằng cách quá giang chiếc thuyền nhỏ đó à? Tại sao Thiếu úy
gan quá vậy? Bộ TK và CK không cho Thiếu úy biết gì về tình hình địch ở đây sao?” “Có, tuy ‘điếc nên không sợ súng’!” Tôi cười
đáp và đồng thời lấy tay quàng vai ông Trung sĩ rồi nói tiếp, “Thôi anh dẫn tôi vào trong có gì muốn hỏi tôi sẽ nói thêm.”
Ngày đầu với Đơn vị
Vào đến Văn phòng của TT/HQ, Trung sĩ Hòa kéo ghế mời tôi ngồi. Tôi ngồi
xuống và móc tờ SVL trong túi áo ra để đưa cho Tr/s Hòa xem. Hòa nói, “Được, để em ghi vào sổ và bảo điện tín viên báo cho Đại
úy LĐT biết Thiếu úy đã đến.” Anh bước vào trong truyền lệnh cho người lính truyền tin rồi quay ra ngồi đối diện tôi nói: “Thế
là xong, bây giờ chúng ta có thể trò chuyện với nhau nhưng trước hết cho em được hỏi Thiếu úy có phải là người Phú yên không? Vì
nghe giọng nói có vẻ thân quen quá!” Nghe chữ ‘thân quen’ tự dưng lòng tôi ấm lại, do đó thay vì trả lời thẳng vấn đề anh đặt
ra, tôi chỉ cười cười rồi buông ra một câu nói mà dường như để nói với chính tôi, “Vậy Trung sĩ Hòa có phải là người đồng hương của
tôi ở nơi ‘đồng chua nước mặn’ này không nhỉ?!” Tôi vừa dứt lời thì Hòa bật đứng dậy la lên, “Ah…” và rồi chạy tới ôm lấy vai
tôi nói trong hơi thở dồn dập, “Vui quá, vui quá! Thế là từ nay em không còn cô đơn vì bên em có Thiếu úy là người đồng hương, có
gì chúng ta cùng nhau chia sẻ!” Tôi làm bộ nghiêm sắc mặt, nhìn thẳng mặt anh và đặt câu hỏi, “Anh nói anh cô đơn? Vậy anh vẫn
còn độc thân? Không có ai là bà con bạn bè ở đây? Tại sao anh không xin hoán chuyển về quê mà cứ bám trụ nơi đây làm gì?” Thấy
gương mặt tôi có vẻ nghiêm nghị nên Hòa từ tốn đáp, “Thú thật với Thiếu úy, em đã có vợ nhưng vợ em là người Nam, không hiểu hết
cách sống của dân mình, nên đôi lúc cũng có gây gỗ với nhau, làm em cảm thấy cô đơn cần có người đồng hương để tâm sự. Vợ chồng là
vợ chồng, nhưng ai cũng có cái ốc đảo riêng mà không ai có thể xâm nhập vào đó để biết mọi sự riêng tư của người khác. Thế nên
người ta thường nói: Vợ chồng tuy hai mà một, tuy một mà hai đó Thiếu úy à!” Tôi cúi đầu ngẫm nghĩ và thầm phục cái kiến thức
‘rành tâm lý’ của người trung sĩ phụ tá Quân số, nhưng tôi thấy không cần dùng thì giờ để hiểu thêm vấn đề này. Vấn đề tôi cần biết
là tính tình của ông LĐT, người có thể quyết định đời sống của tôi trong những ngày sắp tới nên tôi đã dùng một câu nói chuyển mạch
nhẹ nhàng nối tiếp lời anh: “Vậy ông Đại úy LĐT là người Nam, Trung, hay Bắc? Tính tình ông ra sao? Ông có vợ con gì hay không? Nếu
có thì vợ con ông ở đâu hay ở ngay tiền cứ này?” Trung sĩ Hòa nói, “Ông đã có vợ và có 6 con, nhưng ông để vợ con ông ở Vĩnh
Long, chứ ở đây sao được vì căn cứ này thường xuyên ăn đạn pháo của VC, tháng cũng được nhận thưởng những 1 hay 2 lần..” Anh nói
tới đây ngưng lại, ý để xem gương mặt tôi có đổi khác gì không. Tôi hiểu ý anh nên tỏ vẻ bình thản nói, “Anh nói tiếp đi, tôi đang
lắng nghe sao anh ngừng lại?” “Dạ, cho em lấy hơi!” Anh tủm tỉm cười rồi lấy giọng nói tiếp, “Ổng người Nam, tính tình thì cũng
không dễ và cũng không khó lắm, nhưng rất ‘Réc-lô’ trái ý ông thì khó sống!”Anh lại ngưng nói…Thấy vậy tôi thúc giục anh nói thêm
về tiểu sử và đời sống của ông LĐT vì tôi biết tính nết của con người thường phát sinh từ cuộc sống của họ, nên tôi nói, “Đừng dừng
lại nếu tôi không yêu cầu. Tôi cần biết rõ về ông, do đó anh càng nói nhiều về ông ấy thì càng giúp tôi tránh được những đụng chạm
có thể xảy ra trong tương lai.” Trung sĩ Hòa chớp chớp mắt vài cái rồi nói, “Nếu Thiếu úy nói như thế, em sẽ nói hết những gì em
biết về cuộc đời ông, nhưng xin Thiếu úy đừng nghĩ em bươi móc hay thêu dệt đời sống của ổng. Em làm việc này để Thiếu úy hiểu ổng
hơn rồi có sự hợp tác hài hòa đối với vị chỉ huy của Thiếu úy.” “Vâng, cám ơn anh nhiều. Điều anh vừa nói là cái suy nghĩ của
tôi nên tôi hứa sẽ trân qúy những lời anh nói.” Tôi nhấn mạnh. “Cám ơn Thiếu úy đã hiểu ý em.” Hòa nói tiếp, “Ông xuất thân từ
hàng binh. Trước đó ông là Hạ sĩ mang máy truyền tin cho ông Đại úy cũng tên Nghĩa như ông. Một hôm đi hành quân, ông mang máy còn
ông Nghĩa cầm ống liên hợp để điều quân, thì đến lúc đụng độ bị VC bắn quá rát, ông Nghĩa phải nhảy qua lại những con mương, ông
theo chân không kịp làm ống liên hợp tuột khỏi tay ông Nghĩa rơi xuống mương. Ông Nghĩa tức giận, lấy gậy ‘Bâton’ đập trên nón sắt
của ông và chửi mắng ông một cách tồi tệ! Từ đó ông âm thầm mua sách tự học thi lấy được bằng Trung học Đệ nhất cấp, rồi xin đi học
khóa Sĩ Quan Thủ Đức (Thời đó có bằng TH/ĐNC là được tuyển vào trường Sĩ quan Thủ Đức.) Ra trường ông chọn về Vĩnh Long và được giữ
chức vụ ĐĐT các đơn vị biệt lập. May mắn cho ông, ông chỉ huy đánh thắng nhiều trận liên tiếp, chỉ trong vòng ba năm ông được thăng
lên cấp Đại úy. Và ông được đề cử đứng ra thành lập LĐ/ĐPQ cho TK/VL, trong LĐ ông có cả đại đội của ông Nghĩa, nguyên là đại đội
trưởng của ông ngày trước. Sau cuộc triệu tập các đại đội trong LĐ để nhận huấn lệnh từ vị LĐT là ông, ông đã mời ông Nghĩa vào
phòng làm việc riêng, rồi yêu cầu ông Nghĩa vạch rõ cho ông thấy ‘cái ngu của ông’, mà ngày trước ông Nghĩa đã gán ghép cho ông. Và
sau cuộc gặp gỡ đó, ông Nghĩa đã xin được đi phục vụ đơn vị khác: Với lý do để tránh sự khó xử cho cả hai người trong lúc làm việc
với nhau và cấp trên đã chấp thuận lời yêu cầu.” “Khá ly kỳ giống như chuyện trong phim kiếm hiệp! Anh có còn biết ông có ‘chiếu
cố’ một ai khác trong LĐ này nữa hay không?” Tôi hỏi Hòa. Hòa trả lời, “Em không thấy một ai trong LĐ này bị ông ‘chiếu cố’ như
ông Nghĩa nữa cả. Có lẽ nếu ông không thay đổi cách cư xử của ông đối với thuộc cấp thì chẳng còn ai làm việc với ông! Thiếu úy
nghĩ xem LĐ có 4 ĐĐ tác chiến mà chỉ có 5 Sĩ quan, còn BCH/LĐ cũng chỉ có 5 Sĩ quan kể cả ông, là Thiếu úy biết lực lượng Sĩ quan
của LĐ này thiếu một cách trầm trọng như thê nào!” “Anh có thể nói cho tôi nghe về cách sắp xếp lực lượng Sĩ quan của BCH/LĐ như
thế nào không?” Tôi hỏi Hòa. Hòa nói, “LĐ không có Sĩ quan đảm trách chức vụ LĐP, mà chức vụ này do ông Trung úy Minh trưởng Ban
3 kiêm nhiệm, ĐĐT/ ĐĐ Chỉ huy cũng không có, mà do ông Đại úy Long trưởng Ban 2 kiêm nhiệm, Ban 1, 4, 5 (CTCT) cũng không có vị Sĩ
quan riêng rẽ mà cả ba Ban này nằm gọn dưới quyền điều động của ông Trung úy Ân, duy chỉ có Ban 6 (truyền tin) là có Sĩ quan chuyên
ngành chỉ huy đó là ông Trung úy Du, ông này thì không kiêm một chức vụ nào khác.” Tôi hỏi tiếp, “Còn cách phối trí lực lượng Sĩ
quan cho các đại đội tác chiến thì sao?”Hòa nói tiếp, “Theo em thấy, Trung úy Vân là con cưng của LĐT do đó ĐĐ của Trung úy Vân mới
có 2 Sĩ quan, ngoài ra 3 đại đội khác chỉ có Trưởng không có Phó.” Nói tới đây Hòa ngưng lại dường như để chờ đợi những câu hỏi
kế tiếp của tôi, nhưng đây là ngày đầu tiên về làm việc với một đơn vị tác chiến, tôi không thể hiểu hết những ‘Khuất Mắc’ của nó,
nên cũng không biết đặt thêm câu hỏi nào nữa mà chỉ biết im lặng để dòng tư tưởng viễn du trên một lãnh địa quá mênh mông! Hòa
thấy vậy hỏi tôi, “Thiếu úy còn có muốn biết điều gì nữa thì xin đặt câu hỏi, chứ sao mà im lặng như vậy!” Tôi nói, “Có trăm
điều muốn biết nhưng không biết bắt đầu từ đâu! Thôi anh cứ nói những gì mà anh nghĩ nó sẽ giúp ích cho tôi, nếu tôi biết, trong
những ngày sắp tới.” Hòa nói, “Thiếu úy quá khiêm nhường, nhưng thôi cũng được vì chúng ta là đồng hương. Em có thể hiểu những
ưu tư đang có trong Thiếu úy vì em đã trãi qua cái tình huống như Thiếu úy bây giờ, 3 năm trước đây.” Hòa ngừng dây lát rồi nói
tiếp, “SVL bổ nhiệm Thiếu úy về đây là để đảm nhận chức vụ Trưởng ban 5 (CTCT), nhưng có thể ổng bắt Thiếu úy đảm nhận thêm một
chức vụ khác nữa, có nghĩa là Thiếu úy phải theo hành quân chứ không thể ở hậu cứ chỉ đi mua QTV như Trung úy Ân đã làm.” “Vậy
theo anh nghĩ ông LĐT sẽ giao cho tôi chức vụ nào hay bắt tôi kiêm nhiệm những gì?” Tôi hỏi Hòa. Hòa trả lời, “Thiếu gì chức vụ
đang chờ đợi Thiếu úy vì Thiếu úy trẻ, lanh lợi lại có kiến thức cao, tuy kinh nghiệm chiến trường chưa có nhưng có kiến thức thì
rất dễ hội nhập cuộc sống.” “Anh quá khen làm tôi cảm thấy ngượng đó anh Hòa à..” Tôi vừa nói tới đây thì viên trực truyền tin
chạy ra báo cho Hòa biết là LĐ đang trên đường về tiền cứ. Hòa hỏi về hướng nào thì người lính truyền tin bảo mở cổng ‘Rạch
Chiếc’.Hòa quay điện thoại ra lệnh cho lính gát chuẩn bị mở cổng đón LĐ về, đồng thời anh loay hoay kiểm lại sổ trực và đặt tờ SVL
của tôi ngay trên trang ghi các sự kiện xảy ra trong ngày. Anh nói, “Thiếu úy nên xem lại quân phục chỉnh tề đi, thế nào khi ông
LĐT về cũng đi qua đây và có thể bảo Thiếu úy vào văn phòng làm việc ngay, vì em biết tính ổng không để việc gì có thể làm ngày hôm
nay đến ngày mai cả.” Tôi làm theo lời Hòa đề nghị và ngồi im trong thế đợi chờ. Thời gian lúc đó tôi cảm thấy sao mà trôi qua
thật chậm, có lẽ bị ảnh hưởng cái tư tưởng quá háo hức muốn biết một con người mang quá nhiều huyền thoại là ‘có nhiều may mắn và
cũng rất ư là thâm sâu.’ Tôi không đếm được thời gian trôi qua bao lâu chỉ khi thấy Hòa đứng bật dậy đưa tay lên chào người nào đó
có lẽ đang đi tới từ phía sau lưng của tôi. Tôi quay đầu nhìn lại thì thấy một người lính (vì không thấy đeo cấp bực) trong lứa
tuổi trung niên, mập tròn đang tiến về phía chúng tôi, trong bộ quần áo trận lấm lem sình lầy, có một đúm cỏ đầy bùn dính trên vành
nón sắt. Chờ cho ông đến gần tôi đưa tay lên chào nhưng không được ông chào lại. Ông tiếp tục đi qua chúng tôi và đi thẳng vào nơi
nào đó phía sau phòng hành quân. Hòa bỏ tay xuống và nói với tôi, “Thiếu úy đợi đây, em đem sổ trực trình ổng rồi sẽ trở
lại.” Hòa đi rồi, tôi ngồi xuống ngẫm nghĩ thấy buồn vì cảm thấy bị thương tổn bỡi cái thái độ của ông LĐT vừa qua. Và khoản 5
phút sau đó Hòa trở lại, Hòa cho tôi biết ông LĐT muốn gặp tôi ngay và anh chỉ lối cho tôi đi. Tôi không nói gì chỉ bước đi và nghe
tiếng Hòa vang lên từ đàng sau, “nhớ gõ cửa rồi chờ lệnh Thiếu úy nhé.” Tôi tự nhủ, phải có thái độ bình tĩnh, dũng cảm để không hổ
thẹn là một Sĩ quan xuất thân từ quân trường Đà lạt. Tôi đưa tay gõ vào cánh cửa đóng hờ ba tiếng thì nghe tiếng nói vọng ra từ bên
trong, “Mời vào.” Tôi xô cửa bước vào, thấy ông ngồi ngã ngửa ra trên chiếc ghế dựa đóng bằng thùng gỗ đựng đạn pháo binh, trên
người vẫn mang bộ quần áo dính đầy bùn đất, chưa thay. Tôi đứng nghiêm đưa tay chào trình diện theo thứ lớp: cấp bậc, họ tên , số
quân, đơn vị. Xong ông ra lệnh cho tôi ngồi xuống trên chiếc ghế vuông đặt trước mặt ông. Tôi ngồi xuống và nhìn thẳng vào mặt ông,
tập trung tư tưởng để nghe những gì ông sắp nói. “Ở trên bổ sung Thiếu úy về LĐ này là đúng, tuy nhiên cũng không thật sự là
đúng bỡi lẽ chúng tôi đang cần Sĩ quan tác chiến hơn là Sĩ quan tham mưu. Tuy người phụ trách CTCT/LĐ này chưa có, nhưng tôi nhận
thấy chức vụ này không cần phải có một Sĩ quan trẻ trung đầy nhiệt huyết như Thiếu úy đảm trách, do đó nếu để Thiếu úy làm
SQ/CTCT/LĐ là uổn phí tài năng. Tôi muốn Thiếu úy đảm nhiệm chức vụ khác quan trọng hơn, nhưng cái đó là do ý muốn của Thiếu úy,
tôi không có quyền bắt buộc khi cấp trên đã bổ nhiệm Thiếu úy vào phần vụ đã ghi trong tờ SVL.” Ông nói. “Tôi không rõ ý của Đại
úy, xin nói ngắn gọn rõ ràng hơn.” Tôi nghiêm sắc mặt nói.Ông bật ngồi dậy nói, “Tôi muốn Thiếu úy đảm nhiệm chức vụ ĐĐP/ĐĐ hơn là
CTCT/LĐ. Nếu Thiếu úy sợ tác chiến thì có thể từ chối và cầm SVL này về trình diện TK để họ đưa Thiếu úy đến đơn vị nào họ cần
SQ/CTCT.” Ngọn lửa tự ái dâng cao tột đỉnh trong tôi, do đó tôi không còn có thể ngăn chận được nữa, tôi đồng ý để nó tự bộc
phát nên tôi lớn tiếng chất vấn ông, “Nếu Đại úy cắt đặt tôi làm ĐĐP thì Đại úy sẽ trả lời sao với TK và tôi sẽ phải nói với họ như
thế nào?” Tôi đang chờ phản ứng mãnh liệt từ ông, nhưng ông đã làm tôi thất vọng vì ông đã không tỏ thái độ sừng sỏ như tôi mà ông
lại nở một nụ cười và nhẹ giọng nói, “Miễn Thiếu úy không khiếu nại thì mọi việc đều yên ổn! Tuy cấp trên cắt đặt như vậy nhưng vẫn
để cho cấp dưới linh động sắp xếp cho phù hợp với nhu cầu thực tế của đơn vị. Cộng thêm tôi cũng có đủ cách để nói với họ vì chức
vụ ĐĐP cũng liên quan đến CTCT, chức vụ ĐĐP/CTCT dễ thực thi công tác CTCT hơn là SQ/CTCT/LĐ vì ĐĐP/CTCT luôn gần gũi với lính hiểu
rõ những nhu cầu của lính, nhất là lãnh vực tinh thần. Thiếu úy còn trẻ chưa có vợ con nên chưa có kinh nghiệm trong việc dạy dỗ,
‘trăm lời nói không bằng một hành động,’ đối với lính cũng vậy!” Ông ngừng lại đôi chút nhìn chăm chú vào đôi mắt tôi rồi nói tiếp,
“Có lẽ Thiếu úy ngạc nhiên lối nói của tôi lắm phải không? Đôi mắt Thiếu úy đã nói điều đó cho tôi biết! Tôi không ‘dụ’ Thiếu úy ở
lại với chúng tôi, nhưng tôi hiểu rõ ‘có thực mới vực được đạo!’ Nếu Thiếu úy nhận chức vụ ĐĐP, tôi không đưa Thiếu úy ra các ĐĐ
tác chiến ngay mà để Thiếu úy vẫn ở với BCH/LĐ, có nghĩa là Thiếu úy sẽ đảm trách chức vụ ĐĐP/ĐĐCH. Và đồng thời tôi sẽ tạo nhiều
cơ hội cho Thiếu úy học hỏi cách điều quân từ Trung úy Minh trưởng Ban 3/HQ và tôi. Và trong thời gian Thiếu úy ở với BCH/LĐ thì
Thiếu úy sẽ được miễn tiền ăn uống xem đó là tiền phụ cấp chức vụ cho Thiếu úy vậy! Nào Thiếu úy quyết định đi: ĐI hay Ở? Tôi muốn
mọi việc giải quyết trong đêm nay để ngày mai tâm trí thảnh thơi ngơi nghỉ!” Tôi cúi mặt nhìn xuống đôi bàn tay tôi đan nhau để
trên hai bắp vế và tâm trí rối bời. Tôi tự hỏi: Chẳng lẽ tôi vứt bỏ những gì tôi đã học hai năm qua nơi trường Mẹ? Chẳng lẽ tôi
giết chết cái hoài bảo của tôi? Chẳng lẽ tôi chấp nhận để ông xem tôi là tên hèn nhát sợ tác chiến? Chẳng lẽ năng lực của tôi thua
sút các Sĩ quan Thủ đức? Chẳng lẽ, một lần nữa, tôi phải trở lại con đường tôi vừa mới đi qua? Chẳng lẻ về TK năn nỉ sự ban ơn và
nằm dài chờ đợi nữa….??? Không, không…Tôi có thể hy sinh tất cả, nhưng nhất định không để cho bất cứ ai xem tôi là thằng hèn, sợ
tác chiến, nhất là không để ai đánh giá Sĩ quan xuất thân từ trường Đại học CTCT/Đà Lạt là thiếu khả năng tác chiến, nên tôi ngẩn
mặt lên đáp ngắn gọn, “Tôi đồng ý ở lại và đồng ý nhận chức vụ ĐĐP.” “Tốt!” Ông nói và tuyên bố tiếp, “Như thế là kể từ giờ phút
này Thiếu úy đã là ĐĐP/ĐĐCH của LĐ 4/78 dưới quyền điều khiển của Đại úy Long, Trường B.2/Kiêm ĐĐT/ĐĐCH. Ngày mai, lúc 10:00 giờ
sáng tôi sẽ để Thiếu úy ra mắt LĐ. Nói LĐ chứ cuộc tập họp ngày mai chỉ có BCH/LĐ, ĐĐ.1, và Khẩu đội 4.2 tăng phái thôi còn các ĐĐ
khác không có mặt, tuy ĐĐT của các ĐĐ ấy sẽ tham dự đầy đủ, do đó tôi muốn đêm nay trước đi ngủ Thiếu úy nên thảo qua bài nói
chuyện cho ngày mai. Thôi Thiếu úy có thể ra về và nhớ ghé lại trung tâm hành quân nhận trang bị và được chỉ dẫn chỗ nghỉ đêm
nay.” “Cám ơn Đại úy, tôi ghi nhớ lời Đại úy dặn. Chào Đại úy.” Tôi nói xong, lập tức bước ra khỏi phòng ông và mới bước đi được
vài bước thì nghe tiếng ông vọng tới từ đàng sau, “À, tôi quên nói, LĐ ta có toán ‘Cố Vấn Mỹ’ do đó ngày mai họ cũng sẽ có mặt đó.
Nếu biết tiếng Anh thì nói vài câu cho vui và cũng để họ nể mặt hàng ngũ Sĩ quan của chúng ta.” Tôi vẫn im lặng bước đi như không
hề nghe lời ông nói. Về tới phòng hành quân thì Hòa và một Trung sĩ khác đón tôi bằng cái “chào tay” của họ. Hòa giới thiệu
người Trung sĩ đứng cạnh anh là Thuận, phụ tá Ban 4 (tiếp liệu). Tôi đến bắt tay Thuận và nói, “Tôi tên Lê Như Phò, hân hạnh được
biết anh.” Thuận có vẻ cúm núm với cái bắt tay của tôi. Anh nói, “Thiếu úy đối xử với đàn em thật bình dân và thật thân mật, tôi
ít thấy xảy ra ở đây nên tôi rất cảm kích Thiếu úy. Và đây là trang bị cá nhân cho Thiếu úy và để em đưa về chỗ ngủ cho Thiếu úy.
Mời Thiếu úy theo em.” Tôi theo chân Thuận về cái láng, có mái che le que vài cành dừa nước, do đó đêm nay tôi có thể làm bạn
với trăng sao. Thuận để trang bị của tôi xuống một cái sạp làm bằng các ống ‘lồ-ô’ đập dẹp kết lại, rồi Thuận nói rằng đó là nơi ở
tạm trú qua đêm cho tôi và rồi vội vã ra đi bỏ lại tôi với bao nỗi ưu tư chồng chất. Nhìn các thứ trang bị cho tôi, ngoại trừ ‘mùng
+ màn + tấm trải’ để ngủ qua đêm, thì chỉ có ‘khẩu súng Thompson bá xếp + một cấp số đạn + sợi dây ba chạc có dính tùng teng 2 quả
lựu đạn M.26 cùng cái bi-dông đựng nước + nón sắt’! Có thế sao? Tôi là Sĩ quan hay là lính đây?!!! Tôi thở dài và ngã mình trên tấm
sạp không màng giăng trải gì hết vì tôi biết rằng tôi không thể ngủ được đêm nay. Nào là bài nói chuyện cần phải ra hồn nhưng ngắn
gọn, nói cách khác là phải ‘Súc-tích’, nào là biết nói gì với toán Cố Vấn Mỹ? Và liệu rằng lối phát âm không mấy chuẩn xác của tôi
Mỹ nó có thể hiểu không? Kinh nghiệm cho tôi biết là hồi năm 67 tôi đã được cấp chứng chỉ ‘Proficiency’ của trường Anh Văn Nguyễn
Ngọc Linh, thế mà qua cuộc sát hạch của Hội ‘Việt – Mỹ’, ở đường Mạc Đỉnh Chi/SG cho thấy khả năng nói tiếng Anh của tôi chưa đạt
tới lớp 3! Tôi trăn trở với mấy điều đó trời sáng lúc nào tôi không biết. Tôi giật mình bỡi tiếng phát ra từ phía sau
tôi. “Trời, bộ Thiếu úy hồi hôm giờ không ngủ? Kìa mặt ông đầy vết mũi cắn. Thôi, thôi đứng dậy đi rửa mặt rồi đến ăn sáng với
tụi tui mau lên, rồi còn sửa soạn cho cuộc ra mắt LĐ, Thiếu úy không còn nhớ sao?” Hòa nói. Tôi hờ hững quay lại và hỏi Hòa có
gì đặc biệt mà đến mời tôi thì Hòa nói không có gì khác hơn là mì gói, nhưng có được đông người ngồi ăn chung thì thấy vui. Tôi
đứng dậy theo Hòa đến chỗ ở của anh thì thấy Thuận có mặt tại đó và đang đun nước. Hòa chỉ cho tôi cái vại nước để rửa mặt. Xong
Hòa, Thuận, và tôi quây quần quanh một cái thùng gỗ vuông đựng lựu đạn, ăn mì cười nói vui tươi. Cho đến lúc đó, tôi cảm nhận được
cái ‘vui vui’ của đời lính, của tình ‘huynh đệ chi binh’ khắn khít với nhau. Thời gian trôi qua thế nào chúng tôi không biết,
đến khi nghe tiếng còi tập họp của ông Thượng sĩ Dương, thường vụ BCH/LĐ, anh em chúng tôi mới rời nhau ai về vị trí đó. Tiếng chân
‘rùm rụp’ của lính đua nhau tập họp, tiếng hô ‘nghiêm, trước thẳng’ trước sân BCH/LĐ phá tan bầu không khí yên tĩnh ban mai. Tôi
quay lại chỗ đêm hôm tôi ngủ, lục trong ba-lô lấy tờ giấy đọc thuộc lời thảo đêm qua. Đọc xong tôi bước ra chỗ lính LĐ đang tập
hợp, thượng sĩ Dương chỉ tôi ngồi ở chiếc ghế đơn độc đặt bên phía phải hàng ghế dành cho các vị sĩ quan trong LĐ, phía bên trái có
4 ghế dành riêng cho Cố Vấn Mỹ. Khoảng 5 phút sau toán cố vấn đến, kế đó là nhóm Sĩ quan LĐ gồm 10 người, do ông LĐT dẫn đầu.
Và khi ông LĐT đến, Thượng sĩ Dương chỉ huy trình diện, ông gật đầu và tuyên bố lý do buổi triệu tập cuộc họp ngày hôm đó và đồng
thời giới thiệu tôi với toàn thể LĐ và toán cố vân Mỹ. Xong ông yêu cầu tôi có vài lời cùng toàn thể anh em trong LĐ. Tôi dứng
dậy và bước ra trước hàng quân chào và dõng dạt nói: “Kính thưa Đại úy LĐT, Kính thư qúy vị sĩ quan, HSQ, và anh em Binh sĩ
trong LĐ.Tôi, Lê Như Phò, xuất thân từ trường ĐH/CTCT/Đà lạt, được TK/VL đưa về đây để góp một tay súng cùng các anh em và quý vị
trong công cuộc chiến đấu chống CS xâm lăng, bảo tồn nền độc lập, tự do, dân chủ, cho nhân dân miền Nam của chúng ta. Tôi mong được
sự dìu dắt chỉ dẫn của qúy vị và sự thương yêu đùm bọc của các anh em trong tình ‘huynh đệ chi binh’ sẵn có. Chúc qúy vị và các anh
em có một ngày nghỉ thoải mái!” Tôi đưa tay chào và nói tiếp, “Thể theo ý muốn của Đại úy LĐT, tôi xin phép được nói vài câu tiếng
Anh với các bạn Cố Vấn Mỹ.” Nói xong tôi quay mặt qua phía Cố Vấn Mỹ từ từ nói từng tiếng một, “Dear gentlemen, I don’t know
what I should say now. I just want to say ‘Thanks’ to all of you for fighting beside us in the cause against communism. Hopefully,
we’ll stick together forever. I wish you have a great day.” Tôi vừa dứt lời thì tất cả cố vấn Mỹ đứng lên đến bắt tay tôi và họ tự
giới thiệu cấp bậc và tên của họ, do đó mà tôi biết được tên 4 người của họ; Thứ nhất là Đại úy David Williams, thứ hai là trung úy
John Wheeling, thứ ba là Thượng sĩ Nick Smith, và Trung sĩ thông dịch viên người Việt nam tên Nguyễn văn Tâm. Khi tiếp chuyện với
anh Tâm, anh hứa mua tặng tôi quyển tự điển Quân sự để khi cần tôi tra cứu, làm tôi phấn khởi tinh thần ngày đầu về với đơn vị.
Sau khi LĐ tan hàng, đơn vị nào về đơn vị nấy thì cỡ 4:00 giờ chiều, ông LĐT kêu ông Thượng sĩ Dương đi kiếm vài lít rượu đế và vài
con gà làm gỏi nhậu chơi. Tôi nghe nhậu tôi muốn xỉu vì hồi nào đến giờ tôi đâu biết uống rượu, tôi tìm cách từ chối thì ông nói,
“Nam vô tửu như kỳ vô phong! Thiếu úy biết điều đó chứ?” Rồi ông cầm ly đưa lên miệng hô, “Dô, Dô, Dô..” đồng thời đảo mắt nhìn qua
phía tôi, không thấy tôi nâng ly lên ông bèn nói, “Làm gì kỳ vậy mày, Phò. Đừng làm mất mặt KBC.7866 này nhé!” Thấy mắt ông đỏ
ngầu, tôi đâm ra ngán nên cũng ráng đổ đại vào miệng đổ đến chừng tôi ngã, tôi cũng không còn biết… cho đến khi có tiếng “Xèo..
Oành, Xèo…Oành, rồi Đùng..đùng, Oành..Oành…” Và có tiếng người kêu réo, “Thiếu úy Phò ở đâu? ở đâu? Thiếu úy Phò, Thiếu úy Phò!!!”
Tôi lò mò ngồi dậy thì mới biết ai đó đã khiên tôi về cái láng của tôi, nên tôi vội đáp để người gọi an tâm. “Tôi đây, tôi đây!” và
đồng thời tôi nghe tiếng hỏi từ xa, “Thíếu úy có bị gì không?” Tôi nhận ra tiếng của Hòa, nên hỏi lại, “Có nghĩa là sao?” “Trời đất
ơi VC pháo kích rầm rầm mà ông không biết gì cả!” Nghe nói ‘VC pháo kích’ tôi mới hoàn hồn đôi chút, nhưng trí óc vẫn còn mù
mờ...nên không có phản ứng gì! Có lẽ hiểu trạng thái tâm thần tôi lúc đó nên Hòa chạy tới lôi tôi vào hầm trú ẩn cùng anh, ngay sau
đó một trái đạn rơi trúng láng tôi nằm nhưng may mắn không có ai bị thương vì mọi người đều ra hầm trú không còn có ai ở đó. Tôi
xanh mặt, nín thinh. Hòa nhìn tôi nói, “Ông mạng lớn lắm đó. Đây là bài học cho ông, nhớ lần sau đừng uống quá như vậy nghe Thiếu
úy. Tôi nhắc Thiếu úy điều này rất quan trọng, Thiếu úy cần nhớ là ở đây có rất nhiều VC nằm vùng. Thiếu úy thấy không, việc Đại
úy mở tiệc nhậu đãi Thiếu úy chiều nay mà VC biết ngay cho chúng ta ăn mấy loạt pháo đó không?” Tôi nhướng mắt hỏi Hòa, “Cái gì
cho anh đoan quyết điều đó?” “Kinh nghiệm.” Hòa nói tiếp, “Rất nhiều lần chứ không phải một lần!” Tôi lại xen vào hỏi, “Vậy
tại sao Đại úy cứ mở tiệc nhậu để bị ăn pháo?” “Cái đó em không biết được!” Ngưng một chút rồi Hòa nói tiếp, “Nhưng một hôm em
nghe ông Đại úy nói là không nhậu thì đời còn có chi vui, mà đời không có vui thì đời không còn gì đáng sống! Hơn nữa sợ mãi VC nó
được lừng, nói chung thằng nào mạng ‘CHỆT’ thì chết, còn mạng ‘TÀU’ thì sống, hơi đâu mà lo!” Tôi đang ngẫm nghĩ để phân tích
cái triết lý của ông ‘Xếp’ của tôi, thì nghe ông hỏi, “Anh em có ai bị gì không?” Không nghe ai trả lời rồi ông nói tiếp, “Thiếu úy
Phò ngon thiệt, mới vừa về đơn vị thì được VC bắn súng chào, may mà nó chỉ có bắn 7 phát, chứ 21 phát chắc được vài chai Whiskey
(Wounded) nhậu mệt.” Ông ngừng một lát rồi nói tiếp, “Anh em nào đang gác thì canh phòng cẩn thận, coi chừng nó bò vào đó.” Sự
im lặng lại được trả lại cho màn đêm và bóng tối. Hòa đưa tôi về chỗ ngủ của anh ngủ đỡ qua đêm vì chỗ ngủ của tôi đã thành bình
địa! xem tiếp: Vào Cuộc Chiến