Vùng đất kinh tế mới không là vùng đất bình yên nữa. Cuộc sống giữa rừng là nơi các hào kiệt tìm đến Hào kiệt
đây, được hiểu là những hảo hớn anh chị,..đã một thời ngang dọc ở Sài Gòn hay các tỉnh thành lân cận. Khi bị động ổ ở những nơi đó, các tay anh
chị thường tìm cách lánh nạn ở những khu kinh tế mới. Ở đó, trật tự an ninh lỏng lẻo, sự kiểm soát còn tùy tiện, chính quyền mới thành lập,
nhân sự thường chuyển từ bộ đội sang, mà thành phần này, cũng vì những hành vi bất hảo trước đó, nên bị đày lên đây. Cho nên, khu kinh tế mới
thường là nơi trú ẩn an toàn cho những tay tội phạm.
Như tằm ăn dâu, Dậu lần lượt tán tỉnh và ăn nằm được với mấy người đàn bà vợ sĩ quan ngụy. Anh dùng những đòn cũ, tung rồi hứng, hứng
rồi tung. Sau Phương Nam, anh tiếp tục trên danh sách đã định sẳn. Phương Nam biết cái thế của mình, nên nàng âm thầm lo liệu cho cuộc sống
riêng. Cô vẫn là cái bãi đáp cho những chàng trai trẻ, cô yên tâm với công việc của mình, Dậu cũng làm lơ cho.
Qua những người đàn bà thấp cổ bé miệng ấy, Dậu đã thành công. Tuồng cũ soạn lại, cũng làm vẻ của một người cầm quyền đầy lòng nhân ái,
giúp đở cái này, ủng hộ cái kia, rồi một lúc nào đó, tìm kẻ hở của đối phương, đến nhà hạch sách, hù dọa, rồi lại an ủi vỗ về. Đến lúc chín
mùi Dậu ra tay hái. Mọi chuyện đều xãy ra như dự tính, những người đàn bà im miệng không ai dám nói ra, ai cũng nghĩ chỉ có mình mình và Dậu
biết, mà đúng vậy, Dậu dại gì đem chuyện riêng ra nói, anh ngậm miệng ăn tiền.
Đến lượt Nguyệt.
Dậu đã nhiều lần kêu Nguyệt lên công an xã để hỏi về tình hình học tập cải tạo của Phục. Lúc thì an ủi vỗ về, lúc thì hăm he.
Nguyệt phải bỏ một ngày vào rẫy thu hoạch đậu xanh để lên công an, theo lời nhắn của công an khu vực, chị lên trụ sở công an xã, anh Dậu,
phó công an, mời chị lên làm việc. Nguyệt hỏi lại, có chuyện chi không anh? Người công an khu vực bí mật nói, chị lên đó sẽ biết.
Nguyệt suy nghĩ, cuộc sống của nàng ở kinh tế mới thế này là mạt hạng rồi, không thấy mặt trời, mặt trăng, ánh sáng, suốt ngày vào rẫy với
đôi tay cầm cái xẻng, cái cuốc, bàn tay sần sùi chai cứng, nàng cố làm để đợi ngày Phục về, cái đói, cái rét, cái thiếu thốn làm nàng mệt
lã, nhưng nàng gắng gượng sống. Không biết sao hôm nay lại có lời mời của công an?
Nguyệt dựng chiếc xe đạp bên hiên trụ sở, nàng bước vào với sự hồi hộp của người dân bị trị. Trụ sở vắng tanh, không có ai, thường, trụ sở
công an buổi tối mới có người trực, còn buổi sáng thì chỉ có hẹn làm việc với ai thì mới có bóng dáng công an, như hôm nay, chỉ có Dậu, vì Dậu
đã hẹn với Nguyệt, con mồi mà anh đang dăng bẩy.
Nghe tiếng dép lệch xệch ở ngoài sân, Dậu biết Nguyệt đã tới, nhưng anh vẫn ngồi ở trong phòng để Nguyệt đứng lớ ngớ dò tìm, một lúc lâu,
Dậu mới lên tiếng:
Ai đó, mời vào trong nầy
Tôi đây, tôi đến công an theo lời dặn của anh công an khu vực.
A, chị Nguyệt, mời chị vô trong này.
Nguyệt lò dò vào phòng trong, phòng cũng chỉ một cái bàn gỗ tạp đơn sơ, mấy cái ghế vuông được đóng sơ sài để tiếp dân, Dậu ngồi trên cái
ghế dựa cũng bằng gỗ tạp nhưng đóng chắc chắn và công phu hơn.
Dậu ngước mắt lên nhìn Nguyệt bằng cái nhìn nhẹ, ưu ái và vồn vã:
Chị Nguyệt, chị khoẻ không? Chị ngồi xuống đi.
Nguyệt rụt rè ngồi xuống chiếc ghế vuông. Nàng nhìn quanh quất căn phòng, lá cờ màu đỏ, khẩu hiệu màu đỏ, tám điều bác Hồ dạy công an
nhân dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nàng nghe ngột ngạt khó thở.
Thưa anh, anh gọi tôi đến có chuyện gì không ?
Dậu nói giọng rất nhỏ:
Chị cứ an tâm đi, chẳng có chuyện gì đâu, chúng tôi muốn hỏi chị ít chuyện về gia đình thôi.
Nguyệt nóng ruột:
Có chuyện gì anh cho biết.
Dậu nhìn vào khuôn mặt của Nguyệt, có thể nói khuôn mặt ấy là một khuôn mặt đôn hậu, nhỏ nhắn và dễ thương. Khuôn mặt không lộ ra ngoài
cái đẹp sắc sảo của thiếu phụ xuân thì đa tình, lẵng lơ của đào lẵng cải lương, của ca sĩ rẻ tiền ca nhạc sến, mà là cái đẹp của thiếu phụ Nam
Xương, thủ tiết thờ chồng. Dậu đã biết qua những tin tức thu lượm từ đám đàn em, nhưng anh chỉ cười khẩy, để đó rồi coi con miêu nào thắng con
miểu nào đây. Anh có cách của anh, vừa nhu vừa cương phải lúc, anh cũng học theo những bài học anh coi ở những tuồng cải lương, ở những phim
truyền hình, mô tả cảnh các quan hương mục chức sắc xã ấp thời phong kiến, họ xuống dưới dân, chèn ép tá điền thế nào, bắt gái tơ về làm lẻ thế
nào, anh cũng bắt chước như vậy, nhưng anh làm có thủ thuật hơn.
Cuộc sống nó xoay vần trăm hình vạn trạng, chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa nhân dân, nên anh cũng tùy cơ ứng biến chiêu thức của mình cho
hợp với thời đại, anh khôn lanh nhận ra điều đó.
Dậu cười, nụ cười cố làm ra cởi mở:
Chúng tôi muốn mời chị lên đây để trao đổi với chị vài điều, thứ nhất là hỏi thăm về anh Phục, lâu rồi chị có được tin tức của anh Phục không?
Anh Phục hiện đang học tập cải tạo ở trại Gia Trung, sức khoẻ cũng tốt, vài ba tháng ảnh có viết thư về, biểu tôi ra thăm, nhưng tôi không có
tiền đi, thỉnh thoảng tôi gởi quà qua bưu điện.
Thế hả chị, thế thì tốt, nếu lúc nào chị muốn đi thì nói cho xã biết, tôi sẽ cấp giấy phép đi đường.
Dạ, tôi cũng muốn đi thăm ảnh một chuyến, nhưng thấy khó khăn quá, hai đứa con thì còn quá nhỏ dại, rẫy bái bỏ cho ai. Cũng nhờ nương rẫy
kiếm hột đậu, củ sắn nuôi con, nên đâu có dư dã gì mà đi, anh.
Lúc này Dậu tỏ ra là tay hào hiệp:
Tôi biết khó khăn của các chị, ai hồi trước cũng lên xe xuống ngựa, bây giờ sống như thế này, cũng khó khăn vất vã lắm, nhưng thời nào theo
thời ấy chị à, anh đi học tập cải tạo tốt thì cũng về sớm thôi, chị cố gắng, nếu chị muốn đi thăm thì cứ nói với tôi, nếu được tôi phụ giúp tiền
xe.
Nguyệt mở chong mắt lớn:
Xin cảm ơn anh, nhưng tôi không giám đâu, để đó rồi hẳn hay, chắc anh Phục cũng thông cảm hoàn cảnh của mẹ con tôi mà không buồn, không
trách.
Dậu vẫn giọng ôn tồn:
Chị đừng ngại gì, chính quyền hiện nay là của nhân dân, giúp đở các chị trong trường hợp neo đơn là bổn phận của chúng tôi thôi. Nếu chị ngại
thì thôi, khi nào cần thì chị cho biết nhé.
Rồi Dậu đổi ngay sắc mặt, anh lập nghiêm, mắt quắc lên:
Thôi bỏ qua chuyện đó đi, bây giờ tôi hỏi chị thêm một chuyện, anh Hải, em ruột chị, vượt biên hồi bảy lăm, qua Mỹ, nay có liên lạc về với chị
không, có quà cáp gởi về không, có xúi giục chị đi vượt biên không?
Đã đến lúc, Dậu lật con bài tẩy của Nguyệt, mà Nguyệt đã dấu từ bao lâu nay. Hải, người em ruột nàng, là sĩ quan hải quân, đã theo tàu
ra đi từ năm bảy lăm. Nguyệt tưởng đứa em trai của nàng đã chết, đã mất tích trên biển đông, nàng đã khóc hết nước mắt sau ngày ba mươi tháng
tư năm ấy, khóc chồng ngồi đếm lịch trong những lò học tập cải tạo tập trung, rồi khóc đứa em trai duy nhất đi ra biển khơi biệt mù không tin
không tức.
Nhưng cách đây khoản nửa năm, một người đàn ông lạ tìm đến nhà nàng, đưa cho nàng bức thư của đứa em viết cho nàng từ nước Mỹ, nàng đọc
lá thư vừa mừng, vừa lo sợ, vừa thương, biết bao nhiêu cho hết. Rồi sau đó, Hải đã gởi về cho nàng mấy thùng quà, chỉ thuốc men, quần áo.
Nàng bán đi trong âm thầm, rồi mua quà gởi cho Phục, và tằn tiện nuôi con. Nàng cố dấu nhẹm đi chuyện ấy, vì nàng biết rằng, chuyện này đến
tai công an, đến tai chính quyền, điều trước mắt là sẽ bị chia phần, sẽ bị làm khó dễ đủ điều, chuyện tưởng không ai biết mà Dậu biết, bây giờ
biết nói ra làm sao đây.
Nguyệt tự trấn tỉnh mình, nàng nghĩ Dậu đã đánh phủ đầu mình như vậy thì nàng chẳng còn gì để mà dấu diếm, chuyện chiến tranh, chuyện
thua trận, chuyện di tản là chuyện xảy ra trên cùng khắp đất nước, đó là sự sinh tồn, chẳng có gì mà dấu diếm nữa.
Thưa anh, thật ra thì tôi có đứa em trai đã di tản sau ngày ba mươi tháng tư bảy lăm, hiện giờ đang ở Mỹ, nó mới liên lạc về với tôi, có gởi
cho tôi mấy lần quà. Nhưng Hải chẳng khuyên bảo và hứa giúp đở gì cho tôi vượt biên cả.
Dậu đập khẻ tay lên bàn:
Tốt, tốt, chị thành thật như vậy là tốt, nhưng chị phải biết chuyện ra đi của anh Hải là phản động, là chống lại sự giải phóng đất nước của đảng
ta, của cách mạng, chị phải hiểu như vậy. Với quyền hành của công an xã, tôi xin chị về làm bản tự khai rõ ràng về mối quan hệ này, chị kể rõ
ràng bao nhiêu lần chị liên lạc với anh Hải. Chúng tôi phải làm sáng tỏ.
Dậu rút trong ngăn bàn một xấp giấy trắng, khoảng 5 tờ, đưa cho Nguyệt, anh cố nói cho giọng nhẹ nhàng hơn.
Chị an tâm không có gì phải suy nghĩ và sợ hải, chị cứ về viết đi, có gì chị cứ thành thật khai báo, chúng tôi chỉ cần biết sự thật thôi, chị
đừng lo lắng quá.
Đó là cú đánh phủ đầu của Dậu làm Nguyệt hơi lùng bùng lỗ tai, nhưng nàng nghĩ, mình chẳng làm gì nên tội, nhưng dĩ nhiên, là đàn bà,
nỗi lo lắng làm sao tránh khỏi.
Nàng cầm xấp giấy trắng mà lòng rối bong tơ vò, nàng nghe những lời của Dậu văng vẳng bên tai:
Hôm nào tôi sẽ ghé thăm chị, chị yên tâm đi nhé, chị còn đẹp lắm, chị phải sống cho chị, chẳng nên để hoài tuổi xuân.
Câu nói đãi bôi tán tỉnh của Dậu, khiến Nguyệt cảm thấy như mình là nhân vật cô Mai trong Nửa Chùng Xuân của Khái Hưng, quyển truyện mà
Nguyệt đã từng đọc hồi còn trung học, cô Mai bị ông Hàn Thanh, một quan chức giàu có ở quê, đã tán tỉnh cô, ép duyên cô, khi cụ Tú Lãm, cha
cô, đau nặng, định bán nhà. Ơi hai cảnh đời sao mà y hệt, có khác chăng là mỗi thời đại khoác lên mình một tấm áo khác, một nhãn hiệu khác.
Nàng nói giọng khô khốc:
Cảm ơn anh, chào anh tôi về.
Đó là bước đầu dằng mặt. Gọi Nguyệt lên, an ủi vỗ về vài câu, những câu nói nhân nghĩa tràn đầy. Rồi tìm chỗ hở, chỗ nhược, của đối phương
mà tấn công. Con mèo vờn con chuột ra sao thì chiêu thức của Dậu đối với Nguyệt cũng vậy. Chuyện vượt biên, chuyện đi Mỹ là chuyện tối ư quan
trọng trong thời điểm này. Dân chúng ùn ùn tìm đường ra đi, cơ quan cấp trên đã có chỉ thị cho cơ quan cấp xã ấp ngăn ngừa, nhất là các xã
vùng ven, ven biên giới Campuchia, ven bờ biển, nơi đó là những bãi đáp lý tưởng của đám vượt biên, nên khu này, cũng gần sát biên giới được
lưu ý đặc biệt.
Dậu hăm he, gầm gừ, doạ nạt với Nguyệt là đúng, đúng chính sách của chính quyền và đúng kế hoạch của anh.
Nguyệt về rồi, anh mĩm cười đắc thắng, nghĩ đến tấm thân kiều diễm ấy, anh trở thành người mơ mộng. Đàn bà là một thế giới huyền ảo, đầy bí mật,
sự chiếm đoạt, ân ái, truy hoan, với mỗi người đàn bà, ở mỗi người đàn bà, mỗi người một vẻ, cho nên trong niềm ham mê tột độ ấy, đoạn đường anh
đi qua còn dài, mỗi người đàn bà là mỗi đóa hoa đầy hương sắc, với Nguyệt, nàng đã đi đúng quỹ đạo anh vạch ra, anh thấy mình đã thành công
một nửa, anh hỉ hả trong lòng.
Nhưng Nguyệt thì nàng chấp chóa trong đầu sự lù mù ẩn ý của Dậu. Đã mấy năm, sống hẩm hiu một cảnh đời đen bạc, thờ chồng nuôi con. Nguyệt
đã vượt qua nhiều chặng đường, mà chặng đường cầm cái rựa, cái xẻng, cái cuốc, phát rẩy, trồng rau, là chặng đường oan nghiệt nhất. Nàng đã cắn
răng chịu đựng, phải nhìn những ngón tay rỉ máu, sần sùi, lở loét, mới thấy cái ghê gớm của sự đày ải. Thế rồi tháng ngày cơ cực cũng chịu đựng
được, nàng dần quen với cuộc sống mới, cố gắng kiếm cái ăn, cái mặc cho con, để đợi chồng về. Sau đó, may mà Hải, đứa em trai nàng, di tản
được qua Mỹ, gởi tiền về giúp đở cho nàng, dù rất ít ỏi, nhưng cũng cho nàng thêm chút rau chút mắm nuôi con. Bây giờ, trong mù mờ ý nghĩ,
nàng thấy cuộc sống nàng đã bị khuấy động, hình bóng Dậu như một hung thần, bằng mọi cách sẽ xoay chuyển cuộc sống bình yên của mẹ con nàng,
dù sao nàng cũng phải vượt qua và ra sức chiến đấu.
Một buổi tối, Dậu đến nhà nàng, gõ cửa:
Chị Nguyệt ơi, chị Nguyệt.
Ai đó?
Tôi đây, Dậu đây
Có chuyện gì thế anh Dậu.
Chị mở cửa cho tôi vào nói với chị vài điều.
Nguyệt mở cửa. Dậu bước vào với gói quà trên tay, Dậu ngồi vào chiếc ghế vuông:
Sẳn dịp qua đây, tôi ghé thăm chị, có chút quà biếu mấy cháu.
Nguyệt lúng túng:
Có gì mà anh khách sáo vậy.
Không có gì đâu chị, có hộp mè xững người bạn từ thành phố lên chơi biếu, tôi mang cho sắp nhỏ, ăn cho vui vậy mà.
Cảm ơn anh.
Dậu nhìn Nguyệt, trong ánh đèn dầu hoả leo lét, Nguyệt mới tắm xong, khuôn mặt trắng và làn môi hồng không son phấn khiến Dậu thấy lòng
mình như có một luồng gió lớn thổi qua làm chao đi. Anh thấy đó là dấu hiệu lạ lùng, những người đàn bà khác, anh đến, an nhiên tự tại, anh
dùng kịch bản cũ, nhưng anh rất yên tâm chiến thắng, những người đàn bà ấy không làm anh rung động như bây giờ, cái rung động làm run rẩy cơ
thể, dự kiến cho anh sự thất bại, anh thấy mình lạnh lạnh ở sống lưng.
Dậu trở lại kịch bản đã thực hiện được phần đầu:
Chị đã viết xong bản tự kiểm chưa?
Tôi viết rồi, cũng ghi lại sự việc tôi đã nói với anh hôm ở cơ quan.
Chị cho tôi xem.
Nguyệt đứng lên đến ngăn tủ bàn bên kia, lấy xấp giấy đưa cho Dậu, Nguyệt chỉ viết một trang, nàng kể về đứa em trai di tản, qua Mỹ, liên
lạc gởi thư về thăm nàng, có gởi về cho nàng hai lần quà, chỉ là thuốc men và quần áo, thế thôi.
Dậu đọc xong, anh trầm ngâm:
Chị viết bản tự kiểm như thế này là đơn giản quá, chị phải kể rõ hơn về lý lịch của người em, đi lính ngụy như thế nào, tội ác đã gây ra đối với
cách mạng, ngày cuối cùng bỏ chạy ra sao, qua Mỹ ở tiểu bang nào, vân vân. Chị phải kể từng chi tiết và ghi quyết tâm của chị cũng như cảm ơn
cách mạng.
Dậu nói dài quyết để lung lạc Nguyệt, anh biết, thường những người đàn bà hay yếu bóng vía, biết được những yêu cầu khó khăn của anh đưa
ra thường hay khóc lóc, rồi phải nhờ vã anh, chỉ biết viết như thế thôi, nhờ anh châm chước. Thế là anh làm ra vẻ độ lượng, anh sẽ ban phát
những đặc ân, như thôi xí xoá, không làm tự kiểm nữa, lúc đó anh sẽ dùng tình cảm để lung lạc.
Nguyệt nói:
Tôi thấy đâu cần phải viết dài dòng như vậy, sự việc chỉ có vậy thì tôi viết vậy thôi.
Câu nói của Nguyệt làm Dậu mở to đôi mắt đăm đăm nhìn nàng, người đàn bà này gan cùng mình đây, anh không cười nữa mà nghiêm giọng:
Không được, chị phải khai báo đầy đủ, thành thực khai báo.
Tôi chỉ biết có bây nhiêu.
Cuối cùng thì Dậu to tiếng:
Chị cứng đầu ngoan cố phải không, chị không viết thì mai lên công an gặp tôi.
Nói xong Dậu quày quả đứng dậy đi ra, Nguyệt không nói thêm câu gì nữa.
Ra đến đường lộ Dậu mới thấy mình đã xử lý tình huống rất dỡ vì sự nóng vội của mình. Đáng lẽ ra anh phải ôn tồn trong lời nói, và đừng
bắt ép Nguyệt quá như thế. Nhưng thôi, mai Nguyệt lên trụ sở công an, anh sẽ cố lấy lại cảm tình.
Dậu đi rồi, Nguyệt mới thấy mình như bừng tỉnh người ra, nàng thấy mình như đã đi quá đà. Nhưng thôi chuyện đã lỡ rồi nàng biết làm sao.
Đối với chính quyền, nàng còn nhiều điều cần nhờ vã, nhất là chuyện Phục còn đang ở trong trại tập trung. Tuy nhiên nàng cũng thấy sự việc
nàng cứng rắn như vậy cũng đúng thôi, để cho nàng rạch ròi mọi chuyện với người công an xã này.
Chín giờ sáng, Nguyệt đã đến trụ sở công an xã để gặp Dậu theo như lời anh dặn hôm qua. Trời nắng sáng, những người dân đã đi vào rẫy làm
việc. Đời của những người dân ở kinh tế mới là vậy, sáng khăn gói quả mướp, cái cuốc, cái xẻng, cái rựa, cái liềm, vác trên vai kèm theo một
gô nước, một gói cơm với một ít đồ ăn, đó là bữa ăn cho suốt một ngày làm việc. Hôm nay Nguyệt có hẹn lên công an nên nàng phải ở nhà, chuyện
này cũng là một chèn ép. Cứ nói ra công an làm việc, cà rịch cà tang cũng mất một ngày công, những đám đậu xanh, đậu đen, đến mùa không ai
thu hoạch, nhiều khi bị khô, rơi rụng cả xuống đất, thất thoát nên chuyện bị mời ra công an làm việc khiến ai cũng sợ hải. Nguyệt đứng trong thế
cởi cọp, cô thấy mình bình tỉnh trở lại, đến đâu thì đến.
Bầu trời trong xanh, chim bay la đà ca hót trên các lùm cây ríu rít. Một buổi sáng vui, nhưng lòng Nguyệt chẳng vui chút nào. Nàng đã
quyết sau một đêm suy nghĩ, nếu Dậu chèn ép nàng, nàng sẽ quyết tâm chống đối, cùng lắm nàng bỏ xứ này mà đi, nàng bây giờ cũng đã có chỗ
dựa, đó là Hải, nàng đi đến một nơi khác ở, nàng sẽ xin Hải trợ giúp cho nàng.
Nàng bước vào trong phòng Dậu, qua cánh cửa khép hờ, nàng thấy Dậu đã ngồi nơi bàn tự bao giờ. Khi Dậu thấy Nguyệt thấp thoáng ngoài cửa
sổ, anh nói với ra:
Mời cô Nguyệt vào đây.
Nguyệt cố nở một nụ cười thân ái với Dậu, nàng nói:
Tôi đến theo lời anh dặn tối qua, có chuyện gì anh nói cho tôi biết để tôi về sớm, tôi phải vào rẫy thu hoạch đám đậu xanh chớ không nó rụng
hết.
Thì chị ngồi xuống ghế đã.
Dậu lấy nước trong bình trà chế ra hai cái ly nhỏ, anh làm việc từ tốn, khoan thai, như không có chuyện gì gấp gáp:
Từ từ đã nào, có gì mà vội, mời chị Nguyệt uống nước trà, trà Bắc Thái đấy, ngon lắm, của người nhà từ bắc gởi vào đó.
Nguyệt thấy mình muốn gấp mà Dậu cứ khoan thai, thôi thì cứ ngồi xuống đã. Hôm nay Nguyệt bận cặp đồ xoa đen, dù đã cũ nhưng vẫn là cặp
đồ còn lại đẹp nhất của nàng. Dù dầm mưa dãi nắng, nhưng nàng biết tìm cách che chắn, như bận áo dài tay, đội nón lá dày, che mặt bằng cái
khăn lớn phủ hết khuôn mặt, nhờ vậy mà nắng không xuyên qua được lớp da, cho nên khuôn mặt nàng vẫn giữ được làn da trắng như những ngày cũ,
dĩ nhiên sự ăn uống khô khan, thiếu chất dinh dưỡng cũng đã làm sắc đẹp nàng xuống cấp hơn ngày trước nhiều, tuy nhiên ở khu kinh tế mới này,
nàng vẫn còn là một người đàn bà xuân sắc.
Dậu vào đề:
Chuyện tôi nói với chị tối qua là một điều tôi làm theo chính sách của đảng và nhà nước đã đề ra thôi. Nghĩa là muốn chị khai thật rõ lý lịch
để chúng tôi biết được hoàn cảnh gia đình của chị, một là tìm hiểu sâu rộng thêm, hòng ngăn ngừa những chuyện xấu có thể xảy ra, giúp chị an
tâm làm ăn, nuôi con, không xao động trước những chuyển biến của xã hội, thế thôi, chứ không có ý gì khác.
Thì tôi cũng đã khai vào giấy tất cả rồi, tôi có gian dối gì đâu.
Dậu nói nhỏ hơn:
Chị phải hiểu là tôi làm là vì chị, chị biết không, hiện nay công an cấp trên, huyện và tỉnh, đã có thông báo về xã ta những tổ chức vượt biên
dùng bàn đạp của huyện để dẫn người sang Campuchia rồi sang Thái Lan, cho nên có thông báo về xã những người có thân nhân ở nước ngoài phải
kê khai lý lịch thật rõ ràng, đó là ý đồ của huyện.
Rồi anh nói như ban ơn:
Nhưng thôi, tôi biết hoàn cảnh của chị khá neo đơn và chị tỏ ra làm ăn cần mẫn, nuôi con học hành chăm chỉ, đó là một ưu điểm, nên tôi nghĩ
chị không cần phải khai nữa. Hồi hôm tôi có nóng vội, có những lời hơi xúc phạm chị, có gì tôi xin lổi và mong chị bỏ qua.
Nguyệt nghe Dậu nói thế nàng tự nhiên cũng thấy nhẹ người đi, ít ra Dậu cũng phải biết điều như vậy. Nàng đã đứng trước tình thế khó xữ,
nếu Dậu thúc ép quá thì nàng phải thí mạng cùi thôi. Nàng chẳng còn gì để giữ, căn nhà tranh xiêu vẹo, chồng đi tù chưa biết ngày nào về,
các con đến trường cũng đến cho có vậy thôi, trường học trống trước trống sau, cô thầy giáo thiếu, nên cứ nghỉ hoài. Bỏ xứ này đi xứ khác cũng
chẳng gì tiếc nuối. Dậu cũng biết vậy cho nên anh dừng lại một bước, cổ nhân có câu “già néo đứt dây” anh hiểu điều đó nên cứ để từ từ.
Nguyệt nói:
Cảm ơn anh, thôi tôi xin phép được về.
Dậu không ép Nguyệt phải ngồi lâu, anh nghĩ người đàn bà này không thể làm gì được nếu trái ý nàng, anh nghĩ trong đầu với những dự tính
khác, dự tính giải pháp êm dịu, tình cảm hơn là doạ nạt, ép uổng như trước nữa.