Chuyện Đông bỏ trốn, không đi phỏng vấn làm lòng Ngàn quặn thắt và xót xa. Nhưng khi Đông trở về xin lổi gia đình và xin được cùng người yêu làm đám cưới, anh cũng thấy an ủi một phần. Mỗi người có một cuộc sống, mình không thể ép được ai sống theo suy nghĩ của mình, dù đó là đứa con của anh. Chuyện đó dần dà cũng nguôi ngoai đi, anh mong mỏi đứa con gái ở lại sống hạnh phúc cùng chồng.
Khám sức khoẻ đã gần được sáu tháng, lòng Ngàn hy vọng chứa chan. Chắc ngày một ngày hai là sẽ có giấy đăng ký máy bay, gia đình anh sẽ bước tới một nơi mới mẽ, một vùng đất hứa. Nơi đó không có tiếng loa phóng thanh hàng ngày, hàng đêm, làm chói tai với những lời giáo điều giả trá. Nơi đó không có tiếng kẻng, có công an áo vàng nhe hàm răng nanh trắng nhỡn, lúc nào cũng như chực ăn tươi nuốt sống anh. Trong những giấc chiêm bao hãi hùng nhất của anh, là anh không được ra đi mà trở vào trại tập trung.
Những ngày chờ đợi sao nghe dài lê thê quá. Từ ngày phỏng vấn xong, anh không đi bỏ hàng xe đạp nữa mà ở nhà lo học thêm Anh Văn. Cho nên thời gian ăn không ngồi rồi trong sáu tháng qua đã tiêu tán những đồng tiền cuối cùng. Nga vẫn buôn bán sạp hàng
ngoài chợ, nhưng nàng không san sẽ với anh một chút gì về tài chánh. Nga nói:
- Anh tự lo đi, chứ em cũng sắp sang sạp rồi, em vay nợ buôn bán, bây giờ phải trả lại.
Vậy là Ngàn phải đi vay thêm mấy chỉ vàng của người chị, của người em bà con.
Buổi trưa, trời nắng hầm hập. Một người bận đồng phục bưu điện, đi chiếc xe Honda, dừng lại trước hiên nhà Ngàn, hỏi vọng vào:
- Có phải đây là nhà ông Trần Văn Ngàn không?
Ngàn vội xỏ cái áo ba lỗ vào rồi chạy ra:
- Đúng rồi.
- Anh có điện từ Thái Lan gởi về.
Ngàn nghe hồi hộp trong lòng. Anh ký vào chỗ nhận rồi nói cám ơn người đưa thư, vội vã bước vào nhà mở bức điện ra đọc:
“Trần Thị Ngọc Thuý liên lạc với bịnh viện Ba Mươi Tháng Tư để được uống thuốc trị bịnh phổi.”
Ngàn ngớ người, thế là Thúy bị phổi, phải uống thuốc chữa bịnh, như vậy phải mất sáu tháng nữa, rồi chờ đợi thêm hai tháng nữa mới lên máy bay, tổng cộng là hơn tám tháng.
Ngàn láng qua láng quáng, anh nghe như mình hụt hơi. Phải ra báo tin cho Nga biết để Nga từ từ sang sạp. Anh hốc tốc dắt xe đạp, đạp ra ngoài chợ.
Buổi trưa trời nắng gắt, anh thấy ai nhìn mình cũng như dò hỏi, “Thế nào? chưa được đi phải không? còn tám tháng nữa phải không? chưa thoát ra được đâu, khi nào bước lên máy bay kia, đừng có tưởng bở, nhe con.”
Anh thấy bóng mình đạp xe liêu xiêu trên đường, áo bỏ ngoài quần thất tha thất thễu. Tám tháng nữa lấy gì mà ăn đây, anh đã vay gần năm chỉ vàng để sống trong thời gian qua, rồi tám tháng tới sẽ vay của ai đây?
Anh cho xe đạp vào bãi giữ xe. Anh quày quả bước vào chợ. Chợt nhiên anh nghĩ lại, có nên cho Nga biết tin này liền không? Nàng sẽ thất vọng và buồn bã lắm. Thôi để tối về nhà hẳn hay, chứ bây giờ nơi chợ đông người, nàng sẽ nói lung tung đủ thứ, mọi người sẽ xúm vào nghe sẽ không lợi chút nào.
Anh trở ra bãi lấy xe đạp, đạp một vòng loanh quanh. Buồn bã. Anh vào quán cà phê kêu ly cà phê đá. Sao lạ vậy cà? phim chụp hình phổi của Thúy rất tốt khi khám thử tại bịnh viện Bình Dân, rồi qua bịnh viện Ba Mươi Tháng Tư cũng xác nhận tốt, mà sao qua Thái Lan lại bắt phải uống thuốc? Anh nghĩ đến lời hứa hẹn của bác sĩ Thạnh, đến món quà anh đem tới biếu ông cùng những lời hứa hẹn. Khi bước ra khỏi phòng bác sĩ, Ngàn lại gặp ông Vũ đón ở cửa. Ông Vũ vung chân múa tay nói “anh muốn phim phổi chắc ăn không? muốn chắc ăn thì chạy một triệu đồng cho bác sĩ, nếu có vấn đề thì có thể đổi phim”. Những câu nói được lặp đi lặp lại. Ngàn lờ đi. Không ngờ hôm nay...
Anh lại thấy ân hận, hồi đó nếu cố gắng thêm một chút, mất triệu đồng mà được đi sớm, còn hơn phải ở lại thêm hơn tám tháng nữa. Bây giờ thì đã trễ rồi.
Đổi phim phổi? có thể lắm chứ. Những phim phổi tốt của người này có thể đổi cho người có phim phổi xấu rồi thay đổi mã số. Bác sĩ, y tá ở bịnh viện có thể làm điều đó lắm chứ! Nhất là bác sĩ Thạnh là trưởng khoa phổi, mọi hình chụp phổi đều qua tay ông. Chắc là có một tổ chức do các tay chân thân tín của bác sĩ Thạnh thực hiện. Nếu không tại sao ông Vũ, một “tay chân” của bác sĩ Thạnh, lại đi la cà, gạ gẫm người này, kẻ nọ, về chuyện đổi phim. Chuyện làm ăn thiên hình vạn trạng, biết đâu mà lường.
Ngàn thở dài. Thôi cũng đành mà chờ thôi. Những ngày tháng sắp tới sẽ dài lê thê. Buồi sáng anh sẽ có thêm công việc, chở Thúy đi uống thuốc. Ròng rã sáu tháng như vậy. Trời ơi, có sự chờ đợi nào mệt mõi cho bằng.
Những ngày tháng kéo dài, Ngàn cạn tiền. Anh không biết xoay xở ở đâu, bạn bè thì anh đã hỏi cùng khắp, bà con thân sơ bên anh cũng không chừa ai. Đến lúc kẹt quá, anh ra sạp, hỏi Nga, Nga dẫy nẫy lên:
- Em tiền đâu mà có, nếu không mượn được thì đi vay. Để em giới thiệu anh với chị Quyên, chị họ của em, chỉ đang cho vay tiền đó.
Ngàn mừng rỡ ra mặt:
- Em nói giúp với chị Quyên cho anh đi, qua Mỹ tháng đầu đi làm có tiền là anh gởi về trả ngay.
Nga gật đầu:
- Tối về em sẽ dẫn anh xuống nhà chị Quyên.
Tối đó, Ngàn cùng Nga chạy xe xuống chị Quyên. Nghe Nga giải bày hoàn cảnh của gia đình, chị Quyên nói:
- Thấy hoàn cảnh gia đình cô chú mà tôi thương, tôi cho vay hai triệu, ba tháng nhớ trả lại cho tôi, cả vốn lẫn lãi.
Ngàn quả quyết, hứa hẹn:
- Qua đó, làm có tiền là em sẽ gởi về trả chị ngay, em chắc chắn với chị.
Chị Quyên lấy một mảnh giấy đã đánh máy sẳn, đưa cho Ngàn, bảo Ngàn ghi tên và ký vào, chị nói:
- Chú Ngàn ký vào tờ giấy hợp đồng này, nếu chú sai lời, tôi sẽ nhờ thằng em tôi bên đó, kiện chú ra toà án Mỹ.
Ngàn cầm tờ giấy lên đọc:
“Giấy cam đoan. Tôi tên là Trần Văn Ngàn có mượn của bà Phan Thị Ngọc Quyên một số tiền là ba triệu đồng Việt Nam, hẹn sẽ trả trong ba tháng. Nếu không trả, sẽ bị xử lý theo pháp luật Mỹ. Sài Gòn, ngày...tháng...năm... ký tên...