Một giờ chiều. Sau khi nghỉ trưa, Sở Ngoại Vụ tiếp tục làm việc. Danh sách gia đình Ngàn được kêu vô đầu tiên. Hôm nay có 5 phái đoàn Mỹ phỏng vấn.
Danh sách từng hộ được kêu lên từng phòng, từ phòng số 1 đến phòng số 5. Theo tin hành lang, người ta truyền miệng nhau, phòng số 1 đến phòng số 4 là phòng dễ, những hồ sơ phái đoàn Mỹ đã xem qua, không có vấn đề. Còn phòng số 5, do một bà người Mỹ da đen phỏng vấn. Bà này là trưởng đoàn, bà khó lắm. Những hồ sơ có vấn đề, có nghi vấn, thì bà “quay” dữ lắm, nên gia đình nào vào phòng bà, dễ bị lọt sổ, bị từ chối như chơi.
Niềm lo âu của Ngàn cũng dịu xuống khi anh được kêu lên phòng số ba.
Ngàn cùng Nga và Thúy ngồi trên hàng ghế phía trước phòng đợi.
Những gia đình khác cũng vậy, gia đình phỏng vấn ở phòng nào thì ngồi đợi trên hàng ghế trước phòng đó.
Ngàn cầm trong tay cái đơn mà chính quyền địa phương đã ký, chứng nhận sự vắng mặt của Đông, với con dấu đỏ, nhưng anh cũng vẫn hồi hộp. Nếu vì lý do vắng mặt này mà khiến cả gia đình anh bị loại, chắc anh sẽ đau khổ vô cùng. Nhưng anh cũng cố làm vẽ bình tỉnh nói với Nga và Thúy:
- Bình tỉnh nghe em, chắc chẳng có gì đâu, mình vào phòng này chắc là dễ.
Nga cũng lo:
- Sao em nghe hồi hộp quá.
Thúy cũng xen vào:
- Con cũng hồi hộp quá ba.
Anh nói để chứng tỏ mình bình tỉnh:
- Có gì đâu mà hồi hộp.
Độ khoảng 10 phút sau, cánh cửa phòng mở, một người nhân viên bước ra gọi:
- Gia đình ông Trần Văn Ngàn, mời vào.
Bước vào căn phòng phỏng vấn. Một người đàn ông Mỹ ngồi giữa, một người thư ký cũng người Mỹ ngồi bên, một cô gái Việt Nam làm thông dịch viên.
Ngàn cầm cái đơn đưa cô thông dịch và nói liền:
- Thưa cô, tôi có đứa con gái đi Vũng Tàu chưa về kịp, có giấy này xác minh, xin cô nói dùm với phái đoàn.
Cô thông dịch cầm lá đơn xem qua, rồi đưa lại Ngàn:
- Ông giữ đi, không cần đâu.
Người thư ký nói bằng tiếng Mỹ, người thông dịch, dịch lại cho cả gia đình cùng nghe:
- Mời cả gia đình đứng lên, đưa tay tuyên thệ sẽ nói sự thật.
Cả ba người đứng lên làm theo người thông dịch hướng dẫn. Xong, cả ba ngồi xuống.
Người Mỹ phỏng vấn hỏi một câu, người thông dịch, dịch lại, rồi Ngàn trả lời, toàn những câu dễ như là anh cải tạo mấy năm, chức vụ gì, cấp bậc gì, một vài câu hỏi Nga, một vài câu hỏi Thúy. Xong, một lúc sau, người thông dịch nói: “Gia đình ông bà đã được chấp thuận, xin ông ký vào biên bản. Xin Chúc mừng.”
Ngàn thở phào nhẹ nhỏm, thế là đã đậu, cá đã vượt vũ môn.
Không đầy 5 phút. Cả gia đình đứng dậy đi ra.
Ra khỏi cửa, Ngàn nói với Nga:
- Thế mà hồi sáng chạy làm cái giấy mệt ứ hơi, mất cả triệu bạc, mà ở đây không cần, tiếc tiền quá.
Nga nói tỉnh bơ:
- Thôi mà anh, mình làm phòng hờ cũng được mà.
Xuống tầng dưới, nhận cái giấy hẹn chích ngừa, ngày đi khám sức khoẻ, rồi cả ba ra xe.
Những háo hức vui mừng mấy phút trước cũng qua đi, bây giờ anh nghe lòng mình buồn vời vợi. Vắng bóng Đông, Đông ở lại không đi, tự nhiên Ngàn thấy như mất mát một cái gì, lúc nào niềm vui của anh cũng không trọn vẹn.
Nga đi xe cùng với Thúy, nàng đang lấy khăn lau nước mắt, có lẽ nàng tức giận Đông cũng như thương Đông, đã bỏ mất một cơ hội.
Những ngày tiếp theo là những ngày không vui với gia đình Ngàn. Nga thì lúc nào cũng buồn, luôn luôn kêu khổ. Còn con Thúy thì khóc vì chị em không được đi chung với nhau. Ngàn cũng không vui được chút nào nhưng anh cố gắng gượng. Dù gì cũng phải làm những bước tiếp theo.
Quan trọng nhất của việc khám sức khoẻ là khám phổi, chụp hình phổi. Nếu thấy phổi có vết tích, triệu chứng của bịnh lao là sẽ được cho đi thử đàm và uống thuốc trị lao. Thời gian trị lao phải sáu tháng, bịnh nhân phải đến bịnh viện Ba Mươi Tháng Tư để uống thuốc, trước mặt y tá. Sự việc này vừa mất thời gian, vừa chậm ra đi ít nhất là sáu tháng.
Sau hai ngày chầu chực mới được khám sức khoẻ. Qua mỗi giai đoạn, Ngàn thấy có chiều hướng tốt. Phim phổi không có vấn đề gì, cả Nga cả Thúy cũng vậy.
Nghe và biết vậy, nhưng chưa có kết quả chính thức nên Ngàn cũng lo. Trong lúc đó, qua tin tức truyền miệng, ngươi ta thầm thì to nhỏ với nhau, là hãy tìm tới bác sĩ Thạnh, chủ nhiệm khoa phổi của bệnh viện Ba Mươi Tháng Tư, hiện cư trú tại đường Nguyễn Hoàng, để lo lót, chạy chọt. Tất cả phim phổi đều qua tay bác sĩ Thạnh xem và quyết định tốt, xấu, nên nhiều người đổ xô đến nhà ông nhờ vã.
Ngàn biết, lịch trình xét nghiệm phim phổi, tốt, xấu, đều phải qua các bác sĩ Mỹ ở Thái Lan, nhưng ở Việt Nam nhận định tốt, là cũng đi được hai phần ba đoạn đường.
Ngàn nghe lời mách là phải chạy ở bác sĩ Thạnh mới chắc ăn, anh nghĩ, còn một giai đoạn cuối chẳng lẽ bỏ qua, nên anh tìm lên
đường Nguyễn Tri Phương, nơi bán trái cây ngon nhất nước, mua loại táo tốt, loại táo Trung Quốc, trên năm mươi ngàn một ký, anh mua khoảng 4 kg, tìm đến nhà biếu bác sĩ Thạnh.
Căn nhà ở đường Nguyễn Hoàng, cũng là phòng mạch của bác sĩ Thạnh, mở cửa từ 4 giờ chiều, mà 3 giờ khách ra vào đã tấp nập. Khách, phần đông là những gia đình HO đem hình chụp phổi đến nhờ bác sĩ xem qua, để biết có bị gì không? Chỉ xem qua hình phim phổi thôi, mà bác sĩ Thạnh cũng lấy tiền công năm chục ngàn đồng, còn quà cáp thì tùy hỷ. Dĩ nhiên ai cũng muốn bác sĩ lưu ý giúp đỡ mình, nên thường ngoài khoản tiền khám bịnh, quà cáp biếu xén rất nhiều.
Ngàn chạy xe tìm con đường nhà Bác sĩ Thạnh. Món quà anh để trước giỏ xe. Món quà, tuy là trái cây, nhưng cũng ngốn hết của anh trên hai trăm ngàn. Anh thầm nghĩ, từ trước đến giờ, gia đình anh chưa bao giờ dám ăn loại trái cây đắc tiền như thế này. Anh bước vào phòng và theo thứ tự, ngồi vào ghế đợi.
Một người đàn ông đến gần anh, anh kịp nhận ra là ông Vũ. Ủa! Sao ông Vũ có mặt ở đây. Ông Vũ là cảnh sát trưởng ở thị xã quê anh, ông đã từng chống cộng quyết liệt trước năm bảy lăm. Nói đúng nghĩa hơn, ông là một người có thâm thù với cộng sản, nhưng cũng là một tay kiệt liệt hãm hại nhiều gia đình quốc gia khác lập trường chính trị với ông. Ông đã bị tù cải tạo đâu mấy năm, nhưng sao bây giờ ông làm gì ở đây? Ngàn im lặng, cố không nhìn ra người quen, để coi ông Vũ làm trò gì. Ông Vũ đến bên anh nói thầm:
- Anh đến bác sĩ nhờ coi phim phổi phải không? Nếu anh muốn chắc ăn, để bác sĩ coi riêng, hay phổi có vấn đề, có thể đổi phim tốt cho anh và những người trong gia đình, tôi có cách nói riêng với bác sĩ cho.
Chỉ nói ra câu nói đó, anh biết ông này là tay “cò mồi” làm ăn của bác sĩ Thạnh. Anh hỏi lại:
- Nếu muốn coi riêng và giúp cho phim tốt, thì làm sao anh?.
- Chỉ tốn một triệu thôi, là bác sĩ sẽ lo từ a đến z.
- Nghĩa là mọi chuyện.
- Đúng, mọi chuyện.
Thật ra, trong những lúc như thế này, Ngàn cũng yếu lòng, muốn cho gia đình anh đều qua khâu sức khoẻ, nhưng anh nghĩ lại, gia đình anh trước đây đã đi đến bệnh viện Bình Dân khám rồi, bác sĩ ở đó đã xác nhận là phổi ai cũng tốt. Tại sao phải tốn tiền vô ích vậy?
Ngàn ngần ngừ nói với ông Vũ:
- Gia đình tôi đã chụp hình phổi tại bệnh viện Bình Dân, bác sĩ nói hình phổi tốt. Hôm nay tôi đến nhờ bác sĩ Thạnh coi thử hình phổi chụp vừa qua có tốt không thôi. Nếu có gì tôi sẽ nhờ anh.
Ông Vũ rủ rê:
- Anh nhớ đó nghe, khi phim phổi có gì không ổn, nhớ nói với tôi.
- Rồi.
Ông Vũ dặn dò một vài điều nữa rồi đến với những người khác. Ngàn cảm thấy chán cho cảnh đời. Trước đây, ông Vũ là cảnh sát trưởng thị xã, đã hét ra lửa một thời, mà nay đi làm “cò mồi” kiếm ăn cho một bác sĩ Việt cộng.
Đến giờ bác sĩ làm việc, một cái bàn có tấm màn ri đô kéo ngang, người y tá kêu người nào thì người đó vào, ai cũng cầm trên tay mấy tấm phim phổi. Bác sĩ Thạnh cầm lấy, săm soi qua lại chưa đầy một phút, rồi ông nói, tốt, tốt. Người nào nếu muốn bác sĩ chú ý riêng thì đóng thêm một trăm ngàn đồng. Bác sĩ Thạnh ghi số hồ sơ hình phim là xong. Mỗi người ông tiếp độ khoảng ba phút.
Đến lượt Ngàn, cầm xấp phim của anh, Nga và Thúy trên tay, bước vào. Bác sĩ Thạnh hỏi:
- Anh cần coi phim phải không?
- Dạ.
Ngàn đưa ba tấm phim, bác sĩ nhìn ngắm, rồi đưa lại cho anh. Miệng nói:
- Tốt, tốt.
Anh để bịch trái cây trên bàn, nói lí nhí trong miệng:
- Có chút quà biếu bác sĩ dùng.
Nhìn bịch trái cây, bác sĩ như đoán giá trị của nó.
Rồi ông mĩm cười, hỏi lại anh:
- Hồ sơ anh số mấy?
Ngàn nói với bác sĩ Thạnh số hồ sơ, ông ghi trên một tấm giấy nhỏ. Ông có nhiều tấm giấy nhỏ như vậy, tấm giấy nào cũng ghi chi chit số hồ sơ, không biết ông có nhớ số hồ sơ của ai ra ai không?
- Xong rồi.
Bác sĩ nói.
Ngàn đứng dậy đi ra. Bên ngoài số người đến khám thêm khá đông, đứng ngồi la liệt. Mỗi người năm chục ngàn, chưa đầy ba phút. Một ngày khoảng hai trăm người, bác sĩ Thạnh hốt bạc. Đó chỉ nói đến việc coi phim phổi. Còn những dịch vụ khác chưa nói đến.
Ngàn về nhà khoe với Nga:
- Bác sĩ nói phim phổi gia đình mình tốt hết.
Nga và Thúy mừng ra mặt.
Cả gia đình Ngàn yên tâm, đợi đến ngày ghi danh chuyến bay.