Sáng mai là ngày phỏng vấn chính thức. Tối nay, Ngàn lo mọi hồ sơ thật chu đáo. Anh xếp hồ sơ theo thứ tự rồi xếp hình
ảnh hồi anh còn là sĩ quan, để chứng minh với phái đoàn Mỹ anh là sĩ quan thứ thiệt. Hình ảnh hồi anh đi lính còn được mấy cái. Hình chụp chung với Nga,
anh bận đồ sinh viên sĩ quan trông đẹp ra phết. Hình anh đeo lon sĩ quan, bận áo quần tác chiến, cổ áo có hai bông mai đen. Hình anh, Nga và hai con chụp
ngày anh ở tù về trông hom hem, ốm nhách, như con khô mắm. Ngàn lại thừ ra nhìn ngắm và ngẫm nghĩ, một thời đã qua, xa quá.
Khoảng chín giờ tối thì anh chị Ngạc đến thăm. Anh Ngạc là anh họ của Ngàn, cũng trong diện HO, nhưng chưa có giấy phỏng vấn, nên đến chơi, vừa
thăm, vừa hỏi tin tức, chuẩn bị giấy tờ ra sao, cần những hình ảnh gì? Thật ra Ngàn cũng lớ ngớ, nhưng anh nghĩ, những giấy tờ, hình ảnh nào chứng minh
mình là sĩ quan chế độ cũ, đã từng bị tập trung cải tạo trên ba năm. Và hình ảnh gia đình vợ con. Đó là những giấy tờ cần chứng minh với phái đoàn Mỹ là
trưng ra. Anh trả lời anh chị Ngạc theo sự hiểu biết của mình.
Anh Ngạc nói:
- Bây giờ nghe nói tụi Mỹ hỏi nhiều chuyện cắc cớ lắm, như muốn xác định là vợ chồng chính thức thì họ hỏi người vợ tối hôm qua gia đình ăn gì, nếu
người vợ nói một đường, người chồng nói một nẽo thì sẽ bị bác ngay.
Ngàn trả lời:
- Thì đúng rồi, vợ chồng chung giường, chung mâm mà ông nói gà ba nói vịt sao được.
Chị Ngạc xen vào:
- Hồi trước đâu có những chuyện đó, tại mấy người làm giả nhiều quá nên nó nghi. Thế mà có nhiều gia đình ghép vẫn lọt qua phỏng vấn như thường. Còn
mình cứ ỷ y là thật rồi không chú ý đến giấy tờ, chứ bọn giả nó biết nó giả nên chuẩn bị giấy tờ chu đáo lắm.
Ngàn nhắc nhở:
- Vậy nên anh chị có gì chứng minh mình thật thì cứ đem theo trình hết cho tụi Mỹ xem, như em đây này, có mấy tấm hình cũ em cũng đem theo hết. Mình
thật vàng mà sợ chi lửa.
Anh Ngạc nói:
- Anh cũng chuẩn bị đầy đủ rồi, nhưng chưa qua ải phỏng vấn nên cũng lo. Thôi, mình ra ngoài đường kiếm cái gì ăn đi, cho vui. Vợ chồng anh mời cả
nhà.
Ngàn thấy cũng nên ra ngồi quán một chút cho thoải mái, chứ ngồi nhà anh cứ mở ra, mở vô mấy cái giấy tờ nghe đau đầu quá.
Ngàn nói vào trong:
- Nga ơi! Anh chị Ngạc mời ra quán ăn đây này, em và mấy con đi luôn.
Nga từ trong buồng nói ra:
- Dạ, em ra ngay bây giờ.
Con Thuý đang ủi đồ chuẩn bị cho ngày mai đi phỏng vấn. Thúy nói:
- Hai bác và ba má đi đi, con không nghe đói, với lại con chuẩn bị ủi đồ để ngày mai đi phỏng vấn sớm.
Con Đông cũng nói:
- Con cũng không đói, con phải soạn áo quần, con ở nhà nghe ba má.
Ngàn nói:
- Thôi được rồi, hai đứa ở nhà, ba má và hai bác đi ăn chút gì rồi về liền. Hai con nhớ ngủ để mai dậy sớm đi phỏng vấn nghe.
- Dạ.
Cả bốn người cùng lên hai xe honda phóng đi.
Khu nhà ở của Ngàn và Nga chẳng có quán xá nào có món ăn ra hồn. Nga lên tiếng:
- Ở đây chỉ có món bánh xèo là ăn được, mình đi ăn bánh xèo nghe anh chị.
Anh Ngạc nói:
- Ừ, ăn bánh xèo đi.
Quán bánh xèo nằm trong một con hẻm nhỏ, đang đông khách nên len lỏi mãi, bốn người mới ngồi được vào cái bàn trống. Anh Ngạc kêu vào
trong:
- Cho bốn bánh xèo đặc biệt đi bà chủ ơi.
Người chủ nói vọng ra:
- Rồi, đợi chút sẽ có ngay.
Ngàn ngồi ăn mà lòng anh nóng lòng muốn về nhà. Anh thấy cần về xem lại các giấy tờ, coi thử có chắc ăn không. Tính anh vẫn vậy. Nhớ các kỳ thi hồi
còn đi học, anh ôn bài cả đêm cả ngày, cả những ngày cận kề thi mà anh vẫn còn thức suốt đêm để học. Ai cũng khuyên anh hãy nghỉ ngơi cho thanh thản
tinh thần trước ngày thi, nhưng tính anh vẫn vậy, không đọc được chữ, cứ lo lắng thế nào, nghỉ thấy phí thời gian quá. Bây giờ cũng vậy, anh vẫn thấy lo
lắng trước khi vào phỏng vấn, ngày ấy đã đến rồi, 11 giờ ngày mai.
Ăn xong, Ngàn đứng dậy:
- Mình về thôi, tụi em xin phép về để chuẩn bị cho ngày mai anh chị nhé. Cám ơn anh chị nhiều.
Anh Ngạc cũng đứng lên:
- Thôi cô chú về đi, tụi tôi cũng về đây, chúc cô chú may mắn nhe.
Chị Ngạc nói:
- Vào phỏng vấn có điều gì mới, chú về cho anh chị biết nghe.
- Rồi, có kinh nghiệm gì mới, em về sẽ kể cho anh chị nghe.
Ngàn chở Nga về đến nhà cũng khoảng 10 giờ. Ngồi ăn như vậy mà cũng mất một tiếng đồng hồ. Đèn trong nhà còn sáng, anh mở cửa, Thúy còn ủi
đồ.
Nga nói:
- Con ủi đồ xong lo đi nghỉ sớm đi, lo ngủ mai dậy sớm đi phỏng vấn nghe con.
- Dạ, còn mấy cái đồ nữa thôi.
Ngàn nhìn quanh quất, thấy vắng bóng Đông nên hỏi:
- Con Đông đâu?
Ngàn vô buồng, không thấy Đông, Ngàn cứ nghĩ là con Đông ở đâu đó thôi.
Khoảng một tiếng sau, cũng không thấy Đông đâu, Nga hỏi lại con Thúy:
- Chứ con ở nhà với Đông mà không thấy em Đông đâu hả?
- Thì con lo ủi đồ, con mới thấy nó đây mà.
Tự nhiên Ngàn đâm lo, không biết Đông đi đâu mà bây giờ đã 11 giờ đêm rồi mà không có ở nhà, không biết con nhỏ này có ý liều lĩnh gì không?
Con Đông mấy tuần nay Ngàn chú ý nó có nhiều điều đáng ngại, nhìn con hay thẩn thờ, suy nghĩ, như đang có toan tính gì trong đầu. Nhưng Đông đã đi
sơ vấn với gia đình nên anh cũng an tâm. Tuy nhiên, tuổi trẻ nhiều lúc cũng bồng bột. Với mối tình của Đông đang có, anh thì không cấm đoán, nhưng anh
cũng luôn khuyên răn con là nên ra đi, để được qua Mỹ, rồi có yêu thích ai thì về cưới. Đó là tâm ý của anh. Còn với Nga thì cấm tuyệt đối, không cho phép
Đông được quen biết, yêu thương ai trong thời gian này. Phải ra đi là con đường duy nhất. Ngàn nghĩ, biết đâu thái độ cứng rắn quá của Nga khiến Đông
thất vọng, nếu Đông có ý rồ dại, ngông cuồng, muốn ở lại với người tình, không muốn đi phỏng vấn thì sao?
Đến 12 giờ đêm Đông vẫn chưa về, Ngàn và Nga lo lắng thật sự, kiểm soát lại đồ đạc thì áo quần của Đông vẫn còn nguyên, nhưng mà sao Đông vẫn
biệt tăm. Nga xao xác lên, vừa than, vừa khóc:
- Thiệt là con trời đánh, sao bây giờ nó vẫn chưa về không biết.
Ngàn nói lên suy nghĩ của mình:
- Hay là con Đông nó bỏ trốn, không muốn đi phỏng vấn để ở lại với thằng kia.
Nga dãy nẫy lên:
- Trời ơi, con ơi là con ơi! nếu thế thì chết thật. Hay mình đi kiếm nó thử, con Thúy có biết thằng bồ nó ở đâu không?
- Con không biết chỗ ở, nhưng có mấy chỗ nó hay đến.
- Con cho số nhà để ba má đi tìm.
Nga khóc thật sự, nàng có vẻ quá thất vọng, Thúy nói số nhà, Ngàn chở Nga đi tìm.
Buổi tối Sài Gòn về khuya xe cộ bắt đầu thưa thớt, đi qua mấy ngôi nhà mà Thúy cho địa chỉ, cửa đóng im ỉm. Chẳng lẽ cứ đi ngoài đường và nghe lời
than khóc của Nga hoài, Ngàn đành lái xe về. Lúc này cũng đã hơn một giờ sáng. Bây giờ anh mới nghĩ chắc chắn là Đông đã bỏ trốn, để mai không đi
phỏng vấn, quyết chí ở lại với mối tình của nó.
Suốt đêm, Ngàn không ngủ, Nga cũng không ngủ, còn tỉ tê than khóc. Con Thúy cũng khóc vì bây giờ chỉ còn nó đi một mình. Ngàn khổ tâm vô cùng,
nhưng đến nước này thì phải tính nước cờ khác. Với Ngàn, thì dù gì cũng phải đi phỏng vấn. Bỏ qua phỏng vấn là bỏ hết, với phái đoàn Mỹ đã quy định
ngày giờ rồi thì không thể thay đổi, anh quyết định, dù gì anh phải đi.
Cả một đêm thao thức làm mắt Ngàn quầng thâm, anh thấy mệt mỏi, nhưng ý chí phấn đấu đánh bật anh ra khỏi cơn tuyệt vọng. Anh nói ý nghĩ của
mình với Nga, Nga nói phải đi tìm Đông về, nhưng Đông đã bỏ đi, bóng chim tăm cá thì biết đâu mà tìm. Anh an ủi dỗ dành:
- Mình cứ đi phỏng vấn đi em à, nếu mình bỏ phỏng vấn lúc này là coi như bỏ cuộc luôn đó em, chỉ sợ khi xuống phỏng vấn, phái đoàn hỏi hồ sơ bốn người
sao còn có ba, thì mình không biết trả lời sao?
Nga bây giờ thất vọng quá, có lẽ những ngày gần đây Nga đã la rầy Đông quá mức khiến cô bé lo lắng, buồn bã, nên có ý muốn không đi, quyết định ở
lại. Đông nhân dịp ba má vắng nhà, liền bỏ trốn
Bốn giờ sáng, cả nhà ra xe, Ngàn đi một chiếc xe, còn con Thúy chở Nga trên một chiếc. Không ai nói với ai một lời. Trời vẫn còn tối mịt.
Đi sớm thế mà đến sở ngoại vụ vẫn có người đã đứng bên ngoài rất đông. Cánh cửa còn đóng im ỉm. Ngàn thấy lòng mình buồn rười rượi. Cái gì mơ
ước vẫn không thành, anh muốn các con
ra đi cho có tương lai, cho được học hành tử tế, mà Đông nhỏ dại quá, tuổi trẻ yêu cuồng sống vội.
Khoảng tám giờ, cửa Sở Ngoại Vụ mới mở, anh cùng đám người chờ đợi lũ lượt bước vào. Các nhân viên làm việc ở đây cũng từ từ tới.
Nga mon men đến chỗ quày hướng dẫn. Nga hỏi người nhân viên:
- Thưa cô, gia đình tôi hôm nay đi phỏng vấn, mà tôi có đứa con gái đi Vũng Tàu chơi chưa về kịp, không biết lên phỏng vấn có bị từ chối không
cô?
Người nhân viên trả lời:
- Chị phải về công an nơi chị cư trú làm một tờ giấy chứng nhận là cháu đi chơi về không kịp, để khi lên phỏng vấn trình với phái đoàn nói lý do vắng
mặt.
Nghe lời giải thích của người nhân viên, Nga vội vã ra chỗ ghế đợi, nói với Ngàn:
- Anh về viết cái đơn lên công an phường, nhờ chứng lý do con Đông vắng mặt, cứ bảo là nó đi Vũng Tàu, xe hư về không kịp.
Ngàn nhìn đồng hồ, bây giờ đã tám giờ rưởi, chạy xe về đến nhà, viết đơn, rồi đem ra công an chứng, đến 11 giờ vào phỏng vấn, không biết có kịp
không, nếu trễ thì hỏng hết. Nhưng anh phải đi.
Ngàn nói với Nga:
- Anh đi đây, nếu có trễ chút đỉnh, em năn nỉ nói chờ anh nhé.
Đó là lời dặn vớt vác, chứ ai có quyền nói với phái đoàn Mỹ về sự trể nãi này.
Anh tất tả bước ra bãi gởi xe, Nga dặn với theo:
- Anh nhớ mua cho công an túp thuốc ba số nhé, để họ ký cho lẹ.